Friday, December 21, 2007

TAM SA VÀ 8 CHỮ CHO VIỆT NAM

Sáng 9/12, Tôi cùng một số em sinh viên đi biểu tình phản đối Tam Sa. Chúng tôi đến sớm, đứng dưới chân cột cờ Hà Nội trên đường Điện Biên Phủ. Đi qua bảo tàng lịch sử quân đội, ngắm nhìn những khẩu thần công cũ, nghe tiếng vọng của Đất nước bị xâm lăng, sẻ chia nỗi lòng xót xa vì Trường Sa, Hoàng Sa bị Tàu hóa. Đã lâu rồi không hát quốc ca nhưng hôm đó tôi đã hát như chưa bao giờ say mê đến thế. Đứng trên lề đường Hoàng Diệu, tôi bắt nhịp hát Quốc Ca và Nối vòng tay lớn, thấy máu Lạc Hồng dâng trong huyết quản, nơi vẫn còn in dấu tay của công an bóp cổ xách đi hôm xử hai Luật sư đồng nghiệp 12 ngày trước đó. Ngay trong lúc cuồng nhiệt hô to phản đối Tam Sa, Tôi vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Cứ cảm giác, giống như đất nước mình, không có nội lực và sắp sửa bị nhấc bổng mang đi.

Việt Nam cô đơn – phát triển chỉ là bề mặt

Trước mặt là Đại sứ quán Trung Quốc, Sau lưng là “Ông Lê Nin ở nước Nga” phanh com lê khoe hói. Chúng tôi, những con người Việt Nam bé nhỏ, đứng giữa họ. Quay lưng về phía Ông Lê Nin, đối mặt với Bá quyền phương Bắc. Hô to Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Khi những tay công an “Trung Quốc” thô bạo đẩy đi, một người bạn Mỹ gọi điện nói: “Quân ơi, How are you ? ”. Tôi vẫn hô “Việt Nam, Việt Nam” một cách nghẹn ngào.

Tôi biết rằng mình sẽ bị mang đi như người ta xách con gà con vịt. Ngay lúc đó tôi nghĩ đến sự độc tài cộng sản. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi biết rằng mình bị xách đi còn là vì Việt Nam là một nước nhỏ và nghèo. Chúng ta đều biết rằng việc thành lập huyện Tam Sa chỉ là sự tiếp theo của dã tâm bành trướng hàng ngàn năm nay. Hơn nữa, vì cuộc khủng hoảng năng lượng đang ngày càng trầm trọng ở Bắc Kinh. Lúc biết vươn bàn tay ra xa tận Châu lục đen để tìm kiếm dầu hỏa thì Trung Quốc chắc chắn cũng đặt ưu tiên lấn chiếm những vùng xung quanh đầy tiềm năng, đồng thời bảo vệ con đường biển huyết mạch cho các cảng biển vùng duyên hải phía Đông Nam. Trung Quốc đã gây ảnh hưởng ở Myanmar, Campuchia và đè đầu ta bằng cách liên tục tăng cường ảnh hưởng ở Biên giới và ở Lào, nay khi ta hơi cong mình, họ áp sát, xọc tiếp lưỡi giao kề cận ngang hông chúng ta bằng cách chiếm Hoàng Sa và Trường Sa.

Ta tiếp tục cong người hay ta đứng dậy ?. Ta sẽ kêu lên. Đúng ! Kinh thánh nói: “Khởi thủy là lời !” nhưng từ “bịt miệng” đến “bóp cổ” quá ngắn và quá nhanh. Kinh nghiệm mách bảo tôi, tốt nhất là không nên giãy. Nếu giãy nữa là sẽ chết dưới tay một thằng du côn. Sau đó một lãnh đạo bộ công an đã nói với tôi không nên đi biểu tình vì “không nên giây vào với thằng du côn (Trung Quốc) đó”. Dần dần một nỗi buồn sâu xa hơn xâm lấn cảm xúc mình. Đó là nỗi buồn của đất nước nhược tiểu. Ta muốn làm bạn, ta mở cửa nhưng tất cả chỉ đến với chúng ta vì 85 triệu dân này đang bán sức lao động rẻ mạt cho họ và xài đồ tiêu dùng của họ. Nơi đây là mảnh đất màu mỡ cho các tư bản và quan tham chia chác. Nơi thiếu vắng pháp quyền là đất tốt của vi phạm và làm giàu bất chính. Nơi thiếu vắng dân chủ là tổ của bạo lực và sự yếu hèn. Nhưng khi muốn làm bạn với tất cả các nước là chúng ta cô đơn nhất. Bởi vì bản thân quốc gia không có bạn. Quốc gia chỉ có lợi ích mà thôi.

Tôi đã hát, đã hô đả đảo Trung Quốc nhưng cũng thấu hiểu sự bơ vơ đến độ khủng hoảng của Lãnh đạo Đảng Cộng sản ngay sau khi Liên Xô sụp đổ và cầu xin được gặp Trung Quốc “Bất cứ nơi đâu, nói về bất cứ vấn đề gì”. Trung Quốc đã lơ đi nhiều lần và cuối cùng đã cho phép gặp ở Thành Đô – Tứ Xuyên. Nhờ nhượng bộ nhiều điều mà có bình thường hóa quan hệ tháng 11 năm 1991. Bình thường bang giao được với Trung Quốc giống như ta đã đưa tay xé rách được một tấm ni lông khổng lồ bịt kín toàn vùng biên giới. Cũng nhờ đó có được bình thường hóa Quan hệ với Mỹ tháng 7 năm 1995. Lịch sử ngoại giao hiện đại cũng nhiều điều làm cho ta suy nghĩ sâu hơn.

Tám chữ để lấy Thế và Lực

Giống như đoàn ngừoi biểu tình bị xua đuổi, tôi lo sợ một ngày ngừoi Việt chúng ta bơ vơ ngay chính trên quê hương này. Suốt cả tuần không làm được gì cả, chỉ đọc tin tức và suy nghĩ linh tinh. Nhưng rồi, tôi lạc quan và bắt tay viết những dòng chữ này bởi vì lịch sử Việt Nam và xu thế thời đại đều cho ta hy vọng. Vấn đề là Đảng Cộng sản có sáng suốt lựa chọn hay không. Thay vì độc tài hãy chọn dân chủ. Thay vì chọn ý thức hệ Cộng sản, hãy chọn một ý thức dân tộc Việt Nam. Thay vì muốn làm bạn với “tất cả các quốc gia” hãy chọn một người bạn mạnh để liên minh. Thay vì cúi gập người trước Trung Hoa hay cực đoan chống lại, chúng ta hãy giữ quan hệ thuận hòa.

Do vậy, để có thể khẳng định được vị thế của mình và “sánh vai với các cường quốc” trong nửa đầu thế kỷ này, Việt Nam cần thiết lập và kiên trì theo đuổi một phương ngôn 8 chữ như sau “Liên Mỹ - Hòa Hoa – Dân Tộc – Dân Chủ”. Theo đó, Liên minh với Mỹ - Hòa hoãn với Trung Hoa là đối ngoại. Đề cao chủ nghĩa Dân tộc – Triệt để thực thi Dân chủ là đối nội. Tất cả những vấn đề đó có liên hệ với nhau. Và đầu tiên phải bắt đầu bằng một chiều ngược lại trong 8 chữ trên. Nghĩa là mọi việc phải bắt đầu từ Dân Chủ.

Chỉ có thực thi dân chủ thực sự con người Việt Nam chúng ta ở trong và ngoài nước, cờ vàng, cờ đỏ mới đứng lại với nhau, nhận nhau là anh em trong tình đồng bào và nhờ đó tinh thần dân tộc được nâng lên. Và khi đã đoàn kết được chúng ta trở nên mạnh mẽ và với ưu thế của cộng đồng Việt Nam ở Hải Ngoại, một khi đã được thông suốt về sức mạnh, sẽ là ảnh hướng tích cực lên chính sách đối ngoại của nước ngoài và việc Liên Minh với Mỹ dễ dàng được thực thi. Việc hòa thuận với Trung Hoa cũng cho phép chúng ta Liên minh dễ dàng hơn với Mỹ và ngược lại vì Liên minh với Mỹ chúng ta có thể hòa hoãn một cách tương đối với Trung Hoa. Nhược bằng, nếu không có dân chủ, chúng ta sẽ mất hết. Bất cứ sự độc tài nào đều là phản động.

Khi còn là sinh viên đại học luật, trong một cuộc thi hùng biện – Tôi đã chọn đề tài là lịch sử hình thành dân tộc, vượt lên trên nhiều lý do khác nhau, có 2 lý do điển hình là: Chống giăc ngoại xâm và phòng chống lũ lụt. Tinh thần dân tộc khi đứng trước những hiểm nguy chung bỗng nhiên trỗi dậy, mạnh mẽ và cấu thành một cơ chế hợp tác chung gọi là tổ quốc. Các nghiên cứu về xã hội dân sự gần đây của tôi cũng cho thấy rằng trong các nguồn vốn để phát triển, thì vốn xã hội (social capital) đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vốn xã hội chính là tinh thần dân tộc, là văn hóa, là phong tục, tập quán Việt Nam..Việc tận dụng cơ hội này để đối thoại và đoàn kết, kiên trì theo đuổi 8 chữ trên chính là cách thức tốt nhất để chúng ta xây dựng và củng cố vốn xã hội nội bộ đang dần dần phục hưng trong lõi Dân tộc Việt Nam.

Trước hết, để nhìn lại bài học ngày hôm qua, Liên Mỹ nghĩa là để cho đoàn sinh viên biểu tình đi thêm chút nữa về hướng Đại sứ Quán Mỹ. Đừng dồn họ vào hồ Giảng Võ, bắt những người trẻ đó cởi áo có cờ tổ quốc ra trong gió rét và đánh đập dã man. Hòa Hoa là đừng xé cờ Trung Quốc, dẫm đạp lên đất và gào thét “đả đảo quá nhiều” mà biết tổ chức và hô những câu hay hơn, ý nghĩa hơn. Dân tộc là biết ngợi ca tất cả các cuộc biểu tình ôn hòa của người trong và ngoài nước, nghĩa là đặt quốc gia Việt Nam trên hết, quyết định hơn bất cứ một ý thức hệ ngoại lai nào. Dân chủ là để cho dân “được mở mồm ra nói”, đừng bóp cổ anh em khi họ hát quốc ca, đừng vứt họ lên xe, đừng xua đuổi, hô họ là xì ke, là báo chí hãy đưa tin tích cực… Làm được như 8 chữ thì may mắn thay cho Việt Nam. Nếu không ngay cả một quốc gia cũng có thể mất đi như nhiều quốc gia đã vĩnh viễn biến mất trong lịch sử phát triển loài người.

Friday, November 30, 2007

CHUYÊN CHẾ VÔ SẢN



Ngày trước chỉ nghe Ông bà, cha mẹ nói về Cộng sản và Chuyên chế vô sản. Suốt 100 ngày bị giam giữ, cũng được đối xử không đến nỗi quá tệ nên có chút mơ hồ. Hôm nay 27 tháng 11 ngày xử LS Đài và LS Công Nhân bị đem ra xét xử phúc thẩm, Hôm nay lại có 3 người bạn là LS từ Sài gòn ra bào chữa nên cố đi xem, một phiên tòa được nói là công khai.

Và rồi bị đánh, bị bóp cổ, bị đập đầu vào thành xe, bị nhốt 1 ngày trong đồn. Mình bị đánh vì chỉ một mong một điều:"Được đứng yên lặng trên vỉa hè. Nơi đó đã cách xa tòa án khoảng 200 m. Mình cảm nhận rất rõ bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản được thể hiện đối với đồng bào. Mình thực sự ngạc nhiên về sự thô bạo và "rừng rú" của các công cụ cách mạng . Khi gần ngất đi vì nghẹt thở bởi một bàn tay thô bạo và chuyên nghiệp bóp cổ, chợt hiểu nhiều điều.
__________________

Friday, November 09, 2007

THỦ DÂM LÚC 8 TUỔI

Lý Trọc - tên thật là Lý Quang - Biết thủ dâm từ năm 8 tuổi. Cậu thường nằm trên ghế dài của Đồng Thợ rèn mà chà đi xát lại đến lúc dương vật cương cứng, mặt đỏ bừng và sau đó...ướt quần.
Đồng thợ rèn biết chuyện tức quá bảo: "Mày ra ngoài cột điện mà tuột lên tuột xuống". Lý Trọc nghe theo.
Lý Trọc thường "ôm cột điện" chà đi xát lại trên đường trong thị trấn.
Một hôm: Tống phàm bình chuẩn bị một lá cờ đỏ thật to, đeo huy hiệu Mao trước ngực, phất một cách hùng dũng đi dọc con đường lớn. Cả đoàn người trong thị trấn đi theo. Họ hô khẩu hiệu ca ngợi Mao chủ tịch và đả đảo bọn địa chủ, hán gian. Cả đoàn người như căng cứng lên, mặt đỏ bừng bừng bừng. Khi Tống Phàm Bình đi lên cầu phất cờ. Lá cờ đỏ bay phần phật, cả đoàn người reo hò ầm ĩ như lên cơn động kinh. Vào thời điểm đó Lý Trọc cũng đang "ôm cột điện". Vừa lúc Lý Trọc xuất là khi Tống phàm Bình nghỉ tay, hạ lá cờ xuống.
Cả đoàn người cũng như "xịu đi".
"Cả thị trấn này sướng cùng một lúc với tao" Lý Trọc thì thầm.
__________
Tóm lược từ một chương trong cuốn Huynh Đệ của Dư Hoa (TQ)

Wednesday, November 07, 2007

BẮT CHƯỚC KIM THÁNH THÁN

Ngày ra khỏi trại tạm giam, mình kể với gia đình và bè bạn việc dùng Kim Thánh Thán mà trào lộng 10 điểm trong một ngày. Bạn tôi là một luật sư có Nickname là AnhbaSàigon. Có viết đoạn văn sau đây, đọc mà thấy 10 điểm của mình chỉ là mô tả thân phận của một người tù trong 1 ngày, thua xa những điểm mà người bạn đề cập sau đây: Xin post lên cho mọi nguoi cùng đọc:


Tự nhiên thấy cao hứng lạc quan quá đỗi chắc hôm trước nhậu quá say nên hôm nay vẫn còn tưng tửng, nhớ LS Lê Quốc Quân khi ở trong tù đã có lúc cần tới Kim Thánh Thán mà trào lộng – nay ta cũng bắt chước mà ngông nghênh với đời cho đỡ chán vậy:

Sinh ra không bị dị tật bẩm sinh như mù, lé, thọt, sứt môi, câm, điếc . . . nhìn những người tàn tật mà thấy nao lòng, cũng vì thế mà thấy mình ôi sao may mắn quá – há chẳng thấy mừng vui lắm sao !

Cha mẹ sinh ra ta làm con trai, sắc diện cũng tươi vui, giọng nói cũng trầm ấm, vóc dáng không quá lùn, đôi khi cũng có người (con gái) thích vẻ bề ngoài mà có cảm tình – há chẳng là may mắn hơn nhiều người sao !

Vợ tuy hơi ghen (chắc yêu chồng lắm!!) nhưng giỏi nấu ăn, chăm lo con cái việc nhà chu toàn thấy hơn lắm kẻ bị nạn vợ lười, cờ bạc, ăn chơi lăng loàn – há chẳng sướng lắm sao !

Có con đủ cả trai lẫn gái, có nhà riêng đi về không phải thuê, có cha mẹ già nhưng sống thanh đạm khỏe mạnh, anh chị em đều thành đạt – há chẳng phải là phúc trời cho sao !

Lớn lên cha mẹ cho học hành đầy đủ đến trình độ đại học (kỹ sư), lại học xong một Đại học nữa (Luật), nếu muốn học cao học cũng không phải là quá khó, nay thấy còn quá nhiều người vẫn chỉ mơ ước học hành đầy đủ cần một tấm bằng Đại học thôi – thế cũng thấy hơn người mà cảm thấy sung sướng trong lòng !

Đi làm thuê vài năm lại tự mình mở công ty riêng (tuy chỉ là công ty nhỏ), nay làm chủ một cõi, trên không bị ai sai bảo, dưới nói có người phải nghe – há chẳng sướng lắm sao !

Lợi nhuận tuy ít nhưng mà không bị lỗ, tiền do khách hàng vì hài lòng mà chi trả, không phải gây khó dễ, ép người dân mà nhận tiền bo, tiền lậu như bọn quan lại vô cảm ngồi mát ăn bát vàng (99% đều sống nhục như thế), chúng vơ vét tài sản nhưng lại thượng đội hạ đạp, cúi trên luồn dưới, lúc nào cũng lo ngay ngáy, ngày rằm ngày lễ luôn sắm sanh lễ vật do trong lòng chẳng yên – vì thế cũng thấy thanh nhàn mà vui !

Làm nghề lâu năm kinh nghiệm có chuyên môn cao, lại biết tư vấn Pháp luật cho người nên được trọng vọng – há chẳng sướng lắm sao !

Nhân viên làm việc cho ta được hướng dẫn tận tình nên giỏi nghề, tuy đã bỏ ta đi mở công ty này nọ làm ta lao đao khốn đốn, nhưng họ đều ăn nên làm ra, giỏi giang, kinh bang tế thế hơn thầy – ta cũng được tiếng có nhiều trò giỏi và thúc đẩy họ làm nên sự nghiệp – há chẳng tự hào lắm sao !

Sinh ở miền Bắc (Hà Nội) XHCN, sống trong thời bao cấp MácLê, khi trẻ đọc toàn sách Cộng Sản mà không bị u mê dị đoan duy ý chí kể cũng lạ, tự thân tìm đến tinh hoa văn hóa nhân loại, đánh giá lại cái mà chế độ muốn nhồi sọ học trò, hiểu rõ bản chất nhân quyền, tự do, dân chủ – thấy tội nghiệp cho những kẻ còn học vẹt Mác Lê, tư này tưởng nọ, mù mờ tin dị đoan Cộng Sản, nhắm mắt vơ vét tiền của đất đai của dân, ôm giữ tài sản tham nhũng, trí tuệ không vượt qua nổi quan điểm giai cấp – thế cũng mừng vì đã vững vàng trong buổi rối ren vàng thau lẫn lộn này !

Tai nghe hiểu đánh giá được cái hồn của âm nhạc thi ca, đọc sách biết tư tưởng văn chương lý luận cao thấp, nhìn tranh hội họa cảm nhận được ấn tượng mỹ cảm, thể thao võ thuật cờ quạt không gì không biết, cầm kỳ thi họa đủ cả, hiểu được Phật-Lão-Trang-Khổng nên coi như con người đã có Đạo – cũng nhờ thế mà có nhiều bạn bè học sâu hiểu rộng nên càng học hỏi được nhiều hơn – cũng vui thay !

Ta tuy toàn thân bất mãn nhưng còn thấy được cái mà chính quyền tuy thối nát nhưng vẫn cần phải có để cho dân yên, trong đám súc vật vẫn còn những kẻ chính nhân quân tử biết quên mình vì nước, trong những Đảng phái đối nghịch vẫn có nhiều sự lộn xộn phân chia thù hận quá khích chưa theo, vì thế mà thân vẫn tạm yên ổn để chờ việc lớn – tạm cho là vẫn may nhiều hơn rủi !

Những người yêu nước ta tôn trọng bị bắt đã nhiều nhưng ta vẫn giữ được sự yêu chuộng chân lý, vẫn lạc quan là nếu có bị bọn khủng bố đàn áp tinh thần, có bị phá hại tài sản gia đình thì chắc ý chí ta lại mạnh mẽ hơn – còn đó Nelson Mandela, thánh Gandi làm gương để theo – “tham vọng đời người là mái ấm cho con, tham vọng của vĩ nhân trao mình cho hậu thế” – cũng cao cả lắm thay !

Bài này nằm tại đường link blog yahoo sau đây
http://blog.360.yahoo.com/blog-ioK86xowda6DlDgTuFsN_Nc-?cq=1&p=49

Friday, October 19, 2007

THƠ VIẾT CHO CON

Cha viết bài thơ cho con

Trên đường Nguyễn Chí Thanh

Giữa chiều Hà Nội

Gío thổi gãy những cành cây.

Mưa giông và lụt lội.

Cha viết bài thơ cho con.

Trên đường đến tòa bạch ốc

Gió mênh mang dọc phố Pennsylvania

Mơn man bông Anh đào người Nhật tặng.

Nắng thu sáng mặt người.

Viện C Ngày con sinh,

Trời cuối đông lạnh giá

Ly chè nóng cha cầm trên tay.

Tin vui đến bất ngờ.

Ngày Cha Mẹ chờ

Suốt năm năm dài thương nhớ.

Tiếng khóc con vỡ oà và mắt mẹ hân hoan.

Cha mong một ngày

Con – Cô gái Việt lớn lên

Sẽ cùng Cha trên những đường cao tốc

Lùa tay vào không khí đếm mênh mông.

Vốc gío tự do thổi khắp Việt Nam này

Hứng nắng tự do chiếu rãi Việt Nam mình.

________

2007

Thursday, October 18, 2007

SẬP CẦU CẦN THƠ VÀ VÀNH KHUYÊN HÓT !

"Phà Cần Thơ lê lết người ăn xin,
Cây đàn hát rong não nề câu vọng cổ
Quán nhậu lai rai nơi thừa thiếu trốn tìm".....
Những câu thơ của Nguyễn Duy trong bài Đánh Thức tiềm lực, ám ảnh mãi suột một thời sinh viên của tôi và cứ đeo đẳng mãi suốt hơn 15 năm qua.
Cho đến một ngày - Có quyết định xây cầu cần thơ - bằng tiền vay ODA của Nhật Bản.
Lòng vui. Vui vì câu thơ xưa vốn đọc nhiều có nguy cơ lạc hậu.
Rồi bàng hoàng khi nghe tin cầu sập.
Buồn đau. Thi thể cuối cùng trong 54 mạng người được tìm thấy hôm qua. Sau những ồn ào chia tay của NKVA trên VTV3, noi không có 1 phút chia tay cho những người công nhân xấu số được phát đi.
Rồi cuộc sống tiếp tục đi lên, còn hôm nay, trước hết là đi lên ở chỗ, nhiều bài thơ khác đầy đau thương tình người sẽ ra đời, nhiều entry blog được viết đi và tiếu lâm đang lan tràn trên mạng.
Ai đó nói về Vàng Anh và Vành Khuyên, một loài chim.
Ai đó nói về báo đài chính thống - Vẫn hót miệt mài.
Nhưng dưới chân là cành gãy, là đất lún, là blog cá nhân, là truyền thông công dân
Vành khuyên ơi hãy quan sát
Và Nhi ơi "Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá" (Dạy con của Thạch Qùy )
__________

Thursday, September 20, 2007

THƯ KIẾM VẪY VÙNG

Hồ thỉ đã quen tay vũ trụ
Cầm thư chi lạ mặt quan hà
Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà
Nền vương thổ cả trong trời đất Việt
Ví chẳng điền viên vui tuế nguyệt
Âu đem thân thế hẹn tang bồng.
Kém gì Nam, Bắc, Tây, Đông
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất.
Di khuất trượng phu ưng bất bất,
Bao an quân tử tín vô vô !
Cuộc trăm năm chữ "Tố hành hồ..."
Bề khu xử quy mô hoàn tự biệt.
Can trường ấy, cho thiên hạ biết,
Biết rằng ai to nhỏ, nhỏ to ?.

- Nguyễn Công Trứ -

KỶ NIỆM 1 NĂM NGÀY SANG N.E.D

Tôi được học bổng của tổ chức National Endownment for Democracy (N.E.D) và được mang gia đình đi theo trong suốt thời gian học tại Mỹ. Tiền học bổng của N.E.D là do Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y còn điều hành là do Bộ Ngoại giao. Tôi cho đó là một vinh dự và là một cơ hội tốt.

Năm 2006-2007 N.E.D nhận được hơn 300 applications và lựa chọn trao học bổng cho 18 người đại diện 18 nước khác nhau. Tôi tự hào mình là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất lần này được chọn để đi học. 18 học viên nhận học bổng đươc chia thành 2 lần nhập học, mỗi lần gồm có 9 người đại diện từ 9 nước. Lần 1 bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 năm 2006. Tôi nằm trong số đó.

Cả gia đình đã lập kế hoạch đi Mỹ học vào ngày 16 tháng 9 năm 2006 và dự định sẽ trở về Việt Nam vào ngày 6 tháng 3 năm 2007.

Lo lắng nhất là lúc xuất cảnh. Rất có thể tôi bị chặn lại tại sân bay Nội Bài và không cho xuất cảnh. Cũng chính vì lo lắng này mà tôi quyết định rời Việt Nam sớm hơn để nếu có những khó khăn gì thì còn kịp có thời gian để tự mình giải quyết hoặc thông qua N.E.D nhờ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp. Quan ngại nhưng không lo sợ bởi tôi hiểu rằng Việt Nam đang mong muốn quốc hội Hoa Kỳ thông qua quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn – Nornmal Permanent Trade Relation- NPTR trong thời gian sớm nhất hoặc ít chí cũng là đến trước khi ông Bush sang thăm Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Chưa được NPTR là vì Việt Nam còn bị ràng buộc đối xử theo tu chính của đạo Luật Jackson Vanik của đạo luật thương mại năm 1974. Đạo luật này ngăn cấm bình thường hoá quan hệ với các nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng bản chất sâu xa hơn là ngăn chặn các quốc gia hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Động cơ trực tiếp nhất của việc ra đời đạo luật này chính là xuất phát từ việc Liên Xô cũ ngăn cấm các công dân Do Thái xuất cảnh ra nước ngoài. Bởi vậy nếu như tôi có vấn đề gì trong việc xuất cảnh, đó sẽ là bằng chứng hiển nhiên về việc Chính phủ VN tiếp tục vi phạm quyền tự do đi lại và góp thêm một bằng chứng về sự vi phạm và là cơ sở để tiếp tục duy trì tu chính Jackson-Vanik với Việt Nam.

Cuối cùng thì mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Đúng 5h30 chiều ngày 17 tháng 9 cả gia đình đặt chân xuống phi trường Washington D.C sau một chuyến đi dài và đầy thách thức. Đến nước Mỹ để quan sát và học tập là mong muốn của tôi. Đặc biệt là về Tự do và Dân Chủ là những giá trị mà tôi nghĩ người Mỹ đang cổ suý trên toàn thế giới.

Nay mong muốn đó đã thành hiện thực. 31 năm sau khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam, 34 năm khi có những người lính Mỹ đầu tiên rời khỏi Việt Nam, tôi trở lại nơi này để học tập họ và trao đổi kiến thức về dân chủ.

Vì lòng tự tôn dân tộc, Tôi thầm cầu mong mình học giỏi.

NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, lúc 8h45 phút tối. Vào thời điểm đó đang xảy ra một trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Malaysia trên kênh truyền hình VTV3. Rất nhiều người Việt nam xem bóng đá qua truyền hình VTV3. Một số người khác thì không có đài truyền hình trực tiếp CNN. Tôi là một trong số ít gia đình lắp CNN tại thời điểm đó. Tôi còn là người không thích bóng đá và rất hay xem CNN. Ăn cơm xong là 8h tối thì ngồi xem CNN, Hiền và Thao ở trong nhà đọc sách. Đúng 8h50 phút thì CNN truyền hình trực tiếp đám cháy ở một trong 2 tháp đôi. Tôi gọi Hiền và Thao ra cùng xem. Khi thấy chiếc máy bay thứ 2 bay đến, tôi cho rằng đó là máy bay cứu hộ.

Nhưng không, chiếc thứ 2 đâm vào toà tháp thứ 2 và toà tháp này sụp đổ trước khi toà bị đâm ban đầu sụp đổ. Tôi gọi điện cho Mr. Hoát thông báo vào lúc 10h tối. Anh Hoát gọi một số người bạn kiểm tra. Khoảng 12 giờ đêm thì anh Hoát gọi lại bảo là Bộ Chính trị đã họp khẩn cấp về việc này, một người bạn thân của Anh Hoát có quan hệ làm việc về vấn đề an ninh tại hoa kỳ cũng đã được triệu tập ngay để báo cáo với chính phủ về tình hình. Cả gia đình đã xem hết tất cả những cảnh xúc động và hấp dẫn nhất do CNN truyền hình trực tiếp. Hiền đi ngủ lúc 1h30 sáng còn tôi ngồi xem đến gần 4 giờ sáng mới đi ngủ (tức là 4 giờ chiều ngày 11 tháng 9 giờ New York). Giấc ngủ chập chờn những cảnh máy bay, lửa cháy, người nhảy từ lầu cao xuông…

Tôi không ngờ rằng kể từ thời điểm đó, thế giới chuyển sang một khúc quanh mới với ít nhất 2 cuộc chiến tranh đã nổ ra và một hệ luỵ dai dẳng về xung đột tôn giáo, về trung đông, về khủng bố…

Người mỹ đã bị tấn công và họ tuyên chiến. Cuộc chiến chống khủng bố. Một cuộc chiến không có đường biên giới, không có trận tuyến nhưng rải rác khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Một cuộc chiến gắn liền với đức tin, an ninh và cả ý thức hệ.

Monday, August 06, 2007

CHIỀU POTOMAC & NGHĨA TRANG ARLINGTON


Chiều nay chủ nhật ngày 10 tháng 12, Tôi đi sang nhà người bạn Mỹ gốc Việt gần đó. Hai anh em đi sang CVS ở Watergate để mua mấy thứ lặt vặt trong cho gia đình, một hộp thuốc diệt chuột, một cuộn giấy về sịnh, mấy băng dán, xà bông...Tôi mua một gói kẹo cao su rồi 2 anh em về nhà. Hôm nay Daniel quyết định chặt 2 bụi cây cảnh trước nhà. Nếu ở Việt Nam tôi đã dùng dao chặt nhưng ở đây phải gọi dịch vụ vì chặt rồi lại phải cần đưa đi vứt. Một lát sau có người cầm một cái cưa nhỏ đến để đốn 2 bụi cây cảnh. Gía cho việc cưa cây đó là 100 USD. Cây thì nhỏ nhưng vì người ta trồng cũng đã lâu năm rồi nên rất cứng. Để mặc 2 vợ chồng cưa cây, chúng tôi đi tản bộ ra phía bờ sông Potomac.

Bài “Emily Con ơi, Của nhà thơ Tố Hữu vang vọng bên tai. Tôi đã từng đọc một cách hào sảng bài thơ này ngay từ khi 12 tuổi. Tôi chợt nhớ những chiều hè chập choạng tối ở vùng quê Yên Thành –Nghệ An. Tôi thường độc chiếm khoảng sân nhỏ đi lại và đọc thơ. Tôi đọc rất to, oang oang giọng đến nỗi mấy nhà bên cạnh đều biết, đặc biệt là nhà Bác Khanh. Tôi thường đọc nhiều bài khác nhau tuỳ vào các buổi học trên trường nhưng khoái nhất vẫn là thơ Tố Hữu, Trong đó bài Emily, con ơi luôn được đọc trước. Mặc dù bây giờ tôi mới hiểu, Bố không thích những bài thơ của Tố Hữu, nhưng khi đó ông cũng động viên nhiều, bởi có lẽ nhìn con đọc thuộc những bài thơ dài mà ông thích.

Bên bờ sông “Pô Tô Mác”, tôi thường đọc chữ này vang lên cao hơn, mạnh mẽ hơn vì nó có tính chất nước ngoài, nó “tây”. Tôi hình dung về một dòng sông chảy qua “Lầu ngũ giác” và xót thương cho Êmily, người con đã được bố đặt trước Lầu năm góc trước khi tự thiêu.

Chúng tôi chầm chậm bước, hướng về phía sông. Một con đường chạy dọc theo bờ sông, tôi từ bên này bấm nút ưu tiên người đi bộ. Đèn liền xanh, chúng tôi băng qua đường và thảm cỏ nằm dọc theo sông, bước qua bãi cỏ ra hướng sông là một hành lang cho người đi bộ và ngắm cảnh dòng sông. Nước sông rất trong và hiền hoà. Phía giữa sông là một cù lao rất nhiều cây xanh được gọi là : Theodore Roosevel Island.

“Tôi cũng chưa bao giờ sang cù lao đó”. Người bạn, vốn đã ở gần ngay khu vực này hơn 4 năm nói trong khi tôi bàng hoàng vì ngay giữa lòng thành phố lại có một thảm cỏ, một dòng sông, một cù lao hiền hoà và đáng yêu đến thế.

“Nó thuộc bang Virginia”. Muốn đi sang đó phải qua cầu, sang đất Marryland rồi đi bộ xuyên qua một thảm cỏ, phải lấy một ca nô thì đến được. Chúng tôi thấy một vài chiếc Canô chạy trên sông. Tôi đứng sát lan can của bờ sống nhìn xuống và thấy nước trong đến nỗi mà nhìn thấy rõ rất nhiều cá lượn lờ phía dưới. Sau khi ngắm sông, tôi quay mặt về phía toà nhà Watergate thì thấy một khung cảnh thật đẹp và hài hoà.

“Bà Rice ở trong toà nhà này, Ông Chủ tịch thượng viện cũng ở đây, và cả cô Monica nữa, nhiều chính khách ở trong toà nhà này lắm” – Anh bạn tôi là con nhà nòi trong đấu tranh nói.

Đúng là vị trí toà nhà này đẹp thật. Từ những căn hộ trên toà nhà có thể nhìn ra toàn bộ dòng sống Potomac và sang cả bên Roosevelt Island, với toàn bộ cảnh bình yên của một dòng sông, xa xa là Virginia và nghĩa trang Arlington. Cách đây 30, 40 năm thì đây là một trong số ít toà nhà đẹp nhất Washington DC. Trung ương đảng Dân chủ ở đây và đây cũng chính là nơi xảy ra vụ Watergate làm tổng thống Nixon bị Luận tội và buộc phải từ chức.

Mặt trời xuống thấp và hoàng hôn đỏ dần trong khi chúng tôi đi ngược về phía cầu Roosevelt Memorial Bridge. Chiếc cầu không to lắm, kích thước tương tự như cầu Chương Dương nhưng ngắn hơn rất nhiều. Điểm nổi bật là không ồn ào, đông đúc như các cây cầu ở Việt Nam. Cầu có 4 làn xe và các xe chạy rất thưa và đều đặn không có tiếng còi. Chủ nhật ở Washington thường vằng vẻ hơn nên vào giờ này cũng ít xe.

Vượt qua cầu Roosevelt, chúng tôi đi đến cầu Arlington Memorial Bridge, Chiếc cầu vắt qua sông Potomac, Bắc từ bên này của DC sang bang Virginia. Điều đặc biệt hấp dẫn tôi là hình ảnh những chú ngựa chiến rất to lớn đứng ở trên 2 trụ cầu phía bên DC.

“Người Ý tặng cho Hoa kỳ đó”. Chúng tôi thấy những con ngựa to lớn và mỗi bên ngựa đều có 2 người khoẻ mạnh, một bên ôm đàn và một bên ôm bó lúa mỳ. Mọi thứ đều trông thật ấn tượng và hùng vĩ. Chúng tôi đứng đó chụp ảnh và sau đó tôi và người bạn ngồi xuống những bậc thang bằng đá, nhìn sang Virginia, sang nghĩa trang Arlington. Tôi suy nghĩ mênh mang về những gì đã qua, về Hoàng thành mới phát hiện ở Hà nội, về cuộc nội chiến mỹ và cuộc chiến tranh 30 năm Việt Mỹ vừa kết thúc đúng 31 năm trước. Nơi chúng tôi ngồi xưa kia là chiến trận, là sa trường. Washington DC là một chiến trường khổng lồ cho quân đội 2 miền đánh nhau. DC là điểm giữa của Marryland ( Miền Bắc ) và Virginia ( Miền nam). Nơi đây là chiến trường để giải quyết những vấn đề thuộc về tư tưởng. Chủ nghĩa giải phóng nô lệ được Abraham Linlcon cổ suý đã thắng thế với chiến thắng của người Miền bắc. Ngồi trên các bậc tam cấp nhìn ra phía dòng sông, Bên phải là cầu Arlington, trước mắt là dòng sông Potomac, Bên kia sông, là nghĩa trang Arlington, nơi chôn chung xác quân lính 2 miền. Vào những năm đó người Mỹ đã học được cách đối xử với người thua cuộc một cách bình đẳng như thế. Những ngôi mộ đó, như những người anh em bất hạnh đã đâm chém nhau, giết nhau theo đúng lễ nghĩa của chiến tranh, giờ lại nằm xuống bên cạnh nhau, trong thanh bình. Không ân oán, không giận hờn.

Ngay sau lưng tôi là Đài tưởng niệm Abraham Lincoln, Ngươi được coi là chiến thắng đã trở nên nổi tiếng với câu nói ngắn gọn: “A House divided against itself, can not stand”. Một ngôi nhà mà bị chia rẽ thì tự nó đã chống lại nó và như vậy không thể đứng vững đươc. Bao nhiêu binh lính 2 miền Nam, Băc Mĩ đã đổ máu nơi đây. Xưa cũng như nay, chiến tranh và hoà bình như là 2 mặt của một con người. Nó đem lại quyền uy và cũng giết chết danh dự của những lãnh đạo thông qua sự hy sinh của những người lính.

Chiều hoàng hôn DC đỏ thẫm, mặt trời sắp lặn. Văng vẳng đâu đây câu nói người xưa:

“Tuý ngoạ sa trường quân mặc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

( Say sưa nghiêng ngả ai cười, xưa nay chinh chiến mấy người về đâu )




Tôi chạnh lòng nhớ đến những người lính Việt Nam cộng hoà, đến nghĩa trang Biên Hoà và bản tin sáng nay đề cập đến danh sách 18 thương phế binh cộng hoà đang sống khổ cực, bần hàn ở Sài Gòn.

Đảng và Nhà nước đã làm gì với những người thua cuộc trong suốt 30 năm qua. Tôi nghĩ về đất nước Việt Nam, về những gì chúng ta đã trải qua và những gì nhân dân đang chịu đựng. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta có những bài học lớn và bởi lịch sử vốn là sự lặp lại của quá khứ cho nên ta cần có tầm nhìn xa để rút ra những bài học lịch sử.

NGÀY 6 THÁNG 12 NĂM 2006


Hôm nay có một cuộc họp vào buổi trưa, sau đó vội chạy về Forum để chuẩn bị cùng mọi ngưòi đi họp tại Bộ Ngoại giao nên không kịp ăn trưa.

Hôm nay đi họp ở Bộ ngoại giao về, thây vui vì cuộc họp được cho là thành công. Trước khi ra đi sang đây em Hiên bảo “em nghĩ anh sang đó như cá gặp nước”. Tôi không quan tâm nhiều đến câu đó. Thế nhưng chiều nay thực sự gây được ấn tượng cho tôi về cách người Mỹ biết lắng nghe và phát hiện ra được những điểm cẩn nghe.

Cuộc họp cho tất cả 9 học viên từ 9 nước khác nhau, và mỗi người thường chỉ hỏi hoặc nêu một ý kiến. Tôi có một bình luận về quan hệ ngoại giao 2 nước Việt-Mỹ và một câu hỏi được nêu ra. Không có ai phụ trách châu Á hay Việt nam từ Bộ ngoại giao tham dự buổi họp này cả thế nhưng vấn đề tôi nêu ra gây được ngay sự chú ý vì tính chất mâu thuẫn giữa lợi ích của các tập đoàn mỹ và tiền lương tối thiểu cũng như điều kiện làm việc của công nhân Việt nam trong các khu công nghiệp và nhà máy Việt nam. Sau cuộc họp chung với nhiều người chỉ trong vòng 1h30 phút, tôi được một người trong vụ Dân chủ, nhân quyền và Lao động mời đến gặp các anh em ở phòng lao động. Tôi cảm động thật sự khi nói về những người công nhân bé mọn Việt Nam, về điều kiện làm việc khó khăn của họ và chính từ sự xúc động của tôi, nó truyền cảm được cho những người nghe và tôi có thể đọc được trong ánh mắt của họ tình thương, ít nhất là 2 người đã lấy tay quệt nước mắt. Như vậy tôi đã có thể chuyển tải bằng anh ngữ một cách chân thành tình cảm của tôi tới người Mỹ và họ đã nghe một cách chăm chú.

Câu chuyện không tiêu cực mà vẫn gây được những xúc động mạnh, biểu thị sự lắng nghe và chia sẻ, tự nhiên thấy có cái gì đó gần gũi thân quen như những người bạn. Có một người đưa cardvisit ghi tên Vietnam nhưng “tôi không nghĩ cô ấy còn nói được tiếng Việt” đó là lời của Phó phòng khi tiễn tôi ra về. Điều đó cũng làm mình hơi buồn nhưng mà không sao, vì ít nhất mình cũng đã chuyển tải trọn vẹn cảm xúc và nội dung và cô ấy là một trong 2 người lấy tay lau nước mắt. Có lẽ vượt lên trên ngôn ngữ, tình liên đới giữa những người Việt với nhau thật sự gần gũi và sâu sắc hơn.

Trên đường đi bộ về nhà, tôi đi tắt qua trường Đại học George Wahington, đi vào chỗ khuôn viên, tượng đài của Trường, tôi thấy người ta bán rất nhiều đồ lưu niệm. Có một cái khăn tôi thích. Nghĩ rằng mình chưa mua tặng vợ chiếc khăn nào. Tôi bỏ ra 15 USD mua một cái khăn tặng Hiền.

NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2006


Ngày 13 tháng 10 đã trở thành một trong những ngày khó quên nhất của đời tôi. Cách đây đúng 4 năm là ngày Bố tôi mất. Gĩô Bố năm nay con không về quê và con cũng không ở Việt Nam. Như lời Alibert đã viết: “Cha là người hướng đạo, kẻ bão lãnh, vị quan toà và là sư phụ của đời con”. Ngày này cách đây 4 năm về trước là không thể quên được với tôi và toàn thể các em tôi ở Hà Nội. Nơi K9 - Bệnh Viện Bạch Mai.

Ngày 13 tháng 10 cách đây 2 năm cũng đáng nhớ vô cùng. Chính phủ chọn ngày này làm ngày Doanh Nhân Việt Nam. Kỳ lạ thay, như một lời nhắn nhủ vào ngày giỗ Bố, tôi đã mua được tên miền này trước đó 1 năm. Nhưng kinh doanh ở Việt Nam không dễ đối với những người sống vì đam mê và dám từ chối việc đưa phong bì. Dự án doanh nhân Việt Nam thất bại. Tôi quá tin người và đã bị trả giá. Mỗi sáng ngủ dậy tôi chạy vào phòng để tắm nước thật lạnh mong quên đi mọi thứ để bắt đầu một ngày làm việc trong trẻo hơn. Và tôi mất một thời gian ngắn để quên đi khoản lỗ 320 triệu đồng, nhưng phải mất một thời gian lâu hơn mới quên được cảm giác bị những người bạn, vì tầm nhìn ngắn ngủi mà phản bội.

Hôm nay cũng là ngày Sáng nay thứ 7 ngày 13 tháng 10 năm 2006 gia đình chúng tôi lên nhà Hoàng chơi ở gần ga tàu điện ngầm Dunn – Loring. Trời cuối thu se lạnh, Hoàng đón ngay tại ga và chúng tôi cùng đi bộ về nhà. Hoàng share phòng với một người bạn Mỹ gốc Việt, phòng nhỏ nhưng tiện nghi. Trong lúc đợi Hoàng gửi email cho người ở sở làm tôi ngồi nói chuyện với bạn của Hoàng.

Sau đó Hoàng lấy xe đưa chúng tôi đi đến chợ Hàn Quốc. Hiền mua nhiều đồ ăn và một bao gạo cho cả Mr. John người Liberia bạn học cùng với tôi.

Sau đó chúng tôi đi ăn phở 50. Gọi là phở 50 vì nó nằm ở trên đường 50, gần khu trung tâm Eden là trung tâm mua sắm của người Việt ở Virginia. Ăn phở xong chúng tôi đi đến một trung tâm bán sỉ gọi là Cosmos để mua một chiếc giường Aerobed. Đây là loại giường theo giới thiệu của Hoàng và rất tiện lợi, có thể bơm hơi lên để làm giường. Hết thời hạn có thể xì hơi ra để, cuộn nhỏ lại và đem về nước.

Trên đường đi chúng tôi gặp một một nhà thờ tin lành, xung quanh nhà thờ, trên bãi cỏ rộng là nơi người ta bán hàng hoá. Ở đó mọi thứ đều được bán với giá một đô la. 1 USD là giá một chiếc túi ni lông rất lớn ( bằng chiếc bao tải ). Với chiếc túi đó bạn có thể nhặt bất cứ cái gì nhét vào cho đủ, từ ổ cắm đện đến chiếc màn hình vi tính, từ cuốn sách đến toàn bộ cái giá sách, từ một cái thắt lưng cho đến một máy tập thể dục đa năng. Bước vào khu vực này là cả một không khí vui tươi, chan hoà trong ánh nắng và gió, trên một thảm cỏ xanh mênh mông, người ta cứ đi và cười, tươi vui. Nhiều người là khách hàng đến mua cũng đều reo to: “Take everything you want for one Dollar - lấy tất cả các thứ gì bạn muốn cho 1 đô la”. Chúng tôi chọn mua một cái bàn tròn, một cái ghế và một kệ để TV với giá 1 USD. Tôi thẫn thờ đứng trước hàng loạt sách cũ và cuối cùng chọn một cuốn lịch sử nước Mỹ rất dày và nặng. Hoàng cùng tôi cúi xuống, dưới ánh nắng sáng đến kỳ lạ và gió cuối thu lành lạnh, tháo chân bàn ra. Tôi ôm bốn chân bàn đi ra xe, phía trước là Nhi đang lăng xăng cùng chú Hoàng lăn mặt bàn tròn ra xe. Nhìn thấy hình ảnh đó thật là đẹp và trong lòng thấy vui vui, một niềm vui của tôn giáo, của sự cho và chia sẻ. Tất cả hàng hoá bán đó là do những người theo đạo họ đưa đến nhà thờ, mỗi năm nhà thờ tổ chức bán 2 lần, vào mùa thu và vào mùa Xuân. Lần này là Fall Sale. Việc bán không phải có mục đích lấy tiền mà tạo cơ hội để mọi người giao tiếp, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Với 1 đô la, gia đình tôi đã có gần đủ đồ gỗ nội thất mà mình mong muốn. Nhưng hơn thế, là niềm vui nhẹ nhàng, là cảm xúc thân ái và gần gũi có được giữa một chiều cuối thu rất đẹp, trên bãi cỏ rộng lớn của nhà thờ. Hôm nay cũng là ngày giỗ bố, Tôi như thấy linh hồn bố quanh đây, ngắm nhìn gia đình tôi và mỉm cười trong nắng chiều với đứa cháu nội thân yêu của mình. Bố an nghỉ bên kia bán cầu nhưng linh hồn con người ta tồn tại khắp mọi nơi và luôn dõi theo các con các cháu.

Wednesday, July 18, 2007

TỰ DO - TỰ DO - TỰ DO - TỰ DO !

LES PAPILLONS ET VENEZUELA !!!
LES PAPILLONS ET VENEZUELA !!!
LES PAPILLONS ET VENEZUELA !!!

Saturday, February 10, 2007

CỘNG ĐỒNG VÔ GIA CƯ

Sáng nay thứ 7 ngày 10 tháng 2.
Thư viện mở cửa lúc 9h30 phút.
Đứng chờ trước thư viên là rất nhiều người vô gia cư.
Họ nói, cười, chọc quê nhau.
Tất cả đều đợi cho thư viện mở cửa để vào.
Trong đó nhiệt độ ấm hơn.
Mấy hôm nay DC giá lạnh.
____________

Monday, February 05, 2007

CHIỀU WASHINGTON NHỚ LÒNG LỢN

Trời Lạnh.
Hôm nay nhiệt độ, nếu tính ra độ C là -3 độ.
Học từ sáng đến 4 giờ chiều. Đói bụng.
Xuống phố, bước sang quán ăn Korea đối diện.
Gío thốc vào mặt, như giết chết da thịt.
Đến nơi - "No food". Bà chủ quán nói tiếng Anh bằng giọng Nam Hàn thủng thẳng.
Ừ, bây giờ đã là 4h chiều và quán này chỉ bán thức ăn bữa trưa cho công chức vùng này mà thôi.
Quay về, gió rít không chỉ ở bên ngoài chiếc áo ấm mà cả bên trong 3 lần áo. Gío rét, thật sâu, tận trong lòng mình và cũng từ nơi đó, tôi nhớ món "Cháo lòng" ở Việt Nam. Đó là món cháo nấu với Lòng Lợn. Thực ra, như thầy Báo nói: "Nó là ruột, trong đó đựng phân lợn, nhưng mình gọi là lòng lợn để cho dễ ăn". Thế cũng đã hơn 5 tháng tôi không có cơ hội đươc ăn món đó.

Thursday, January 25, 2007

CON HỔ TRONG HANG - HANG TRONG VƯỜN THÚ


Thế Lữ có viết bài thơ: Hổ Nhớ Rừng. Bài thơ là nguồn động viên, nguồn cảm hứng của rất nhiều người, kể cả những người thành đạt cũng như đang thất thế. Vườn bách thú Hoa Kỳ rộng hơn và thú trong đó không "ăn kiêng" như sở thú gần nhà tôi ở Hà Nội.

Nhớ lại năm 1994, khi nhân viên sở thú Hà Nội chia nhau làm thịt con hổ lớn nhất vườn thú bị cố tình bỏ đói chỉ còn da bọc xương. Mẹ người bạn làm trong sở thú cũng được chia "nội bộ" một lạng cao hổ nguyên chất. Tôi hiểu con hổ không chỉ bị giam. Nó còn bị làm thịt để nấu cao.

Thế Lữ còn sống không biết liệu có "Thứ Lễ" cho không.

Nhiều con hổ đã bị bắt giam, nhiều con bị nấu cao, rất nhiều con đang ngủ. Có những con thức rồi nhưng vẫn còn nằm trong hang. Quan trọng là biết ngẩng cổ lên...

HỘI NGHỊ THIÊN NIÊN KỶ BÀN VỀ ĐẤT NƯỚC


Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh được rằng các cá nhân kiệt xuất có một vai trò hết sức quan trọng trong việc ra những quyết định làm nên lịch sử.

Nhưng quan trọng hơn là xây dựng được một cơ chế để lựa chọn những người thực sự tài giỏi và ngăn chặn quá trình lạm quyền của những người đã được nhân dân tín nhiệm bầu lên.

Những đất nước đã phát triển ổn định thì ảnh hưởng của các cá nhân kiệt xuất và các quyết định cấp tiến không thực sự có tính cách mạng như trong những xã hội đang bắt đầu cất cánh. Ngược lại, quyết định của người thuyền trưởng lúc nhổ neo để vươn ra biển lớn cũng giống như người phi công khi bắt đầu cất cánh bay vào bầu trời là quyết định “sinh tử”.

Quốc dân đại hội của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là một đất nước đã phát triển khá ổn định. Nếu ông tổng thống Bush có một quyết định sai lầm thì nó cũng chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến chính sách chung trong một giai đoạn và với một mức độ nhất định mà thôi.
Nhưng 231 năm trước, vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, tầm nhìn và quyết định của tổng thống Thomas Jefferson trong một hội nghị của 13 tiểu bang ban đầu tổ chức tại Philadelphia đã làm nên nước Mỹ hôm nay.
Dù còn rất trẻ, Hoa Kỳ được coi là quốc gia già nhất trên thế giới khi vừa được sinh ra là đã có thể chế dân chủ. Chính hội nghị đó đã “dọn sẵn” cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một định chế chính trị để chính hôm nay những quyết định không phù hợp lòng dân của đảng Cộng Hoà trong cuộc chiến Iraq đã được thể hiện sống động bằng việc Đảng Dân chủ kiểm soát “thẳng cánh” cả 2 viện sau cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11.

Thực ra, Việt Nam ta cũng đã từng có những quyết định có tầm nhìn sâu rộng của những lãnh tụ kiệt xuất với sự góp sức của những chuyên gia tầm cỡ đến từ Mỹ. Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 kết tinh được nhiều điểm sáng và đã đưa ra đất nước chúng ta vào một giai đoạn lịch sử quan trọng. Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 đã xây dựng được hình ảnh và giá trị Việt nam.
Chính những giá trị đó đã đưa dân tộc chúng ta có được tự do, được thế giới biết đến và được tôn vinh như một dân tộc anh hùng. Nhưng chúng ta cũng bỏ qua quá nhiều cơ hội lịch sử. Và việc nhập ngoại một loại nhiên liệu cho một cỗ máy rất Việt Nam đã tạo ra nhiều “lỗi hệ thống” trong quá trình vận hành. Nếu không suy nghĩ nghiêm túc, không để ý đến nó thì có thể lại là câu chuyện của “chụp giật”. Máy chạy “bốc” một thời gian đầu nhưng về lâu dài càng chạy càng yếu đi.
Hôm nay, đất nước chúng ta đang đứng trước những vận hội to lớn bằng việc tham dự hoàn toàn vào cuộc chơi chung của thế giới trong sân chơi WTO. Việt Nam đã bình thường hoá hoàn toàn với Mỹ và có thể với Vatican trong thời gian tới.

Nhổ neo và cất cánh

Như vậy Việt Nam cộng sản là một Nhà nước hoàn toàn hội nhập và ngang bằng với bất cứ cường quốc vật chất cũng như tinh thần nào trên thế giới. Song song với đó, một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân ngoài đảng, các đại diện tôn giáo hoặc các đảng phái khác cũng đang phát triển ngay trong lòng dân tộc, đòi hỏi phải có tiếng nói về các quyền chính trị, dân sự, tôn giáo.

Thêm nữa, cũng có một Việt Nam không cộng sản đang ngày càng lớn mạnh ở khắp năm châu với trí tuệ hiện diện hầu hết trong mọi lĩnh vực chuyên môn cao cấp. Và vẫn còn đó những tấm lòng nặng trĩu với tiền đồ của dân tộc.

Nếu coi Việt Nam đang bắt đầu cất cánh bay lên hoặc nhổ neo để vươn ra biển lớn như nhiều diễn đàn nêu lên, thì đây chính là thời điểm quan trọng nhất để chúng ta xác định được tầm nhìn của đất nước trong thế kỷ 21 này và cho cả một số giá trị mãi mãi về sau. Việc xác định tầm nhìn dân tộc không phải và không thể do một cá nhân tổ chức hoặc đảng phái nào thực hiện mà phải là công cuộc chung của toàn dân tộc.

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đòi hỏi phải huy động trí tuệ và bản lĩnh tập thể của tất cả mọi người dân Việt trong cũng như ngoài nước. Sau khi xác định được hướng đi, chúng ta cần một một hải đồ để ra khơi, nghĩa là cần một cơ chế để đảm bảo việc đi đúng hướng, đúng mục tiêu và không bị lạm quyền hoặc làm trệch hướng.

Để làm được việc đó, trước tiên dân tộc Việt Nam ta phải cùng ngồi lại với nhau, bàn thảo về tất cả những khó khăn và trở ngại, những cơ hội bị bỏ lỡ trong suốt hơn hai thế kỷ vừa qua, những hiểm hoạ vô tiền khoáng hậu mà nhân loại nói chung, nước ta nói riêng có thể phải đối mặt trong thời gian tới. Nghiên cứu tổng quát về một giải pháp Việt Nam và tạo lập một tầm nhìn cho Việt Nam trong thế kỷ 21.

Hội nghị Ngàn năm của Việt Nam

Trước mắt là biển lớn, là bầu trời bao la. Đất nước chúng ta có rất nhiều thế mạnh nhưng lại nằm ở nhiều nơi khác nhau. Bởi vậy, giống như Luật sư Lê Công Định đã từng đề cập về Hào Khí Diên Hồng, tôi nghĩ chúng ta cần một Hội Nghị của Thiên niên kỷ thứ ba để xác định một tầm vóc dân tộc trong một hai thế kỷ tới.

Một hội nghị mà tất cả mọi người, mọi chính kiến khác nhau, đều được quyền đến với nhau mà không cần điều kiện hay sự mặc cả nào về ý thức hệ. Thời điểm thuận lợi cho cuộc hội nghị này là vào năm 2010, năm Thăng Long tròn 1000 tuổi và là năm kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Từ nay đến đó còn đúng ba năm. Đó là quá trình để tất cả các bên ở Việt Nam cũng như ở Hải ngoại tìm kiếm thông tin, điều chỉnh chính mình, tập hợp lý luận, xây dựng đội ngũ và bầu người đi dự Hội Nghị. Hội nghị đó nên họp ở bốn nơi là Hà Nội, Sài Gòn, Mỹ và Pháp. Đó là hội nghị của một Việt Nam - Quốc tế. Hội nghị nên bắt đầu vào mùa hè và có thể kéo dài nhiều tháng. Không một chủ đề nào bị hạn chế hoặc không được bàn đến.

Đối thoại và xây dựng phải là tinh thần chung nhất bao trùm toàn bộ hội nghị. Hội nghị nên kết thúc vào mùa thu để vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhân dân được nghe một bản tuyên ngôn về Việt Nam bao gồm một cách súc tích tất cả các vấn đề quốc gia và quốc tế. Đó là viên đá tảng để chúng ta cùng nhau xây dựng một kim tự tháp Việt Nam “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Thực tế cho thấy, những quyết định sáng suốt và một quyết tâm cao của toàn dân tộc sẽ làm nên những kỳ tích trong một thời gian rất ngắn. Vào thâp niên 1960 nhờ những quyết định quan trọng nhằm phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng mà Hàn Quốc, sau gần 5.000 lịch sử ngủ vùi đã vươn lên trở thành công xưởng lớn của thế giới. Nhật Bản cũng là một tấm gương lớn về sự vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh.

Với điều kiện Việt Nam, trong thời đại ngày nay, khi toàn cầu hoá đã như vũ bão với cuộc cách mạng của khoa học kỹ thuật và thế giới đang phẳng đi cho phép chúng ta tận dụng tối đa được những lợi thế canh tranh và nhờ thế tốc độ “lướt đi” của con tàu Việt nam có thể nhanh gấp nhiều lần.

Để thực hiện điều đó, ngay bây giờ tất cả chúng ta hãy dẹp một chút chuyện của riêng mình để nghĩ về đất nước, về hình chữ S như là chữ cái đầu tiên của chữ Ship - Con tàu lớn Việt Nam nơi mỗi một chúng ta là một bộ phận cấu thành đang cùng hưởng những lợi ích và chia sẻ những khó khăn chung, nơi không một ai có quyền bám víu vào một bộ phận riêng biệt để thủ đắc quyền lợi cho riêng mình mà sẽ là một tập hợp trí tuệ cho con tàu tránh được bão dông và đi tới vinh quang.
Chúng ta sẽ cố gắng để ngay trong thập niên thứ hai, Việt Nam là hình ảnh một con sư tử dũng mạnh chứ không phải chỉ là một “con hổ non” (young tiger) như lời nhận xét của Tổng thống Mỹ. Và rồi chúng ta còn mong muốn Đất Nước Mình sẽ là một con rồng lớn, một “thăng long” lên cao hoà nhập với toàn bộ thế giới văn minh ngay trong nửa đầu của thế kỷ thứ 21.

Washington D.C.– Đầu năm 2007

Sunday, January 21, 2007

TUYẾT RƠI Ở QUẬN COLUMBIA

Hôm nay, ngày 21 tháng 1 năm 2007.
Tôi đi xuống để chuẩn bị sang thư viện.
Xuống đến tầng một, thấy một bầu trời trắng
Những bông hoa tuyết nhỏ ly ti bay.
Vội lên cầu thang, nói với Hiền và Nhi.
Cả 2 mẹ con mừng rỡ.
Chúng tôi kéo rèm cửa sổ lên.
Cả gia đình đứng lặng hồi lâu.
Đó là lần đầu tiên gia đình thấy tuyết rơi.

Wednesday, January 17, 2007

I HAVE A DREAM

Ngày sinh nhật Martin Luther King ( sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 ). Khắp nơi ở Quận Colombia treo ảnh nhà hoạt động xã hội vĩ đại của Nước Mỹ, người vào ngày 28 tháng 8 năm 1963 đã có một bài phát biểu làm chấn động nước Mỹ. Bài phát biểu của Dr. King, như người ở đây vẫn gọi, đã ngay lập tức trở nên nổi tiếng, là tiếng nói ủng hộ quan trọng cho đạo luật Về nhân quyền năm 1964 và cơ sở cho giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 1964. Ông là người trẻ nhất vào lúc đó được trao giải Nobel Hoà Bình lúc 35 tuổi. Ông đã dành toàn bộ số tiền 54,123 USD cho các hoạt động xã hội. Ông càng nổi tiếng hơn nữa khi bị bắn chết ngay tại ban công phòng trọ của mình ở Memphis Tennessee vào ngày 4 tháng 4 năm 1968.

Bài nói chuyện " I HAVE A DREAM" đã trở thành một di sản quý giá cho không chỉ người Mỹ mà cho tất cả những ai đam mê tìm kiếm và bảo vệ công lý trên khắp địa cầu. Trên thẻ thư viện của tôi mới làm là hình ảnh Martin Luther King với dòng chữ: "Hãy khám phá GIẤC MƠ CỦA BẠN của bạn từ thư viện".

" I have a dream" được coi là là diễn văn chính trị hay nhất lịch sử cận đại. Đứng đầu tiên trong 100 bài hùng biện hay nhất nước Mỹ.

Martin Luther King xứng đáng được cả loài người, và đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội tôn vinh.

Monday, January 15, 2007

SINH NHẬT MARTIN LUTHER KINH

Hôm nay ngày 15 tháng 1.
Kỷ niệm ngày sinh nhật Martin Luther King.
Hầu hết các cơ quan, trường học văn phòng đều đóng cửa.
Hai bố con biết rằng thư viện đóng cửa nhưng vẫn đến.
Đoạn tin này được viết ngay bên ngoài thư viện nơi 2 Bố con đang loitering cùng với những người Vô gia cư. Đường truyền internet ở đây báo: Singal Excellent
Chiều DC vào ngày nghỉ yên tĩnh lạ kỳ.
Phía sau thư viện là Đồn cảnh sát khu vực.
Dưới lá cờ Mỹ to tướng là 2 cánh cửa đóng kín
Tôi thấy đồn vắng teo.
Nhớ Hà Nội.

Friday, January 12, 2007

VƯƠN RA BIỂN LỚN !

ĐI RA BIỂN LỚN – CON TÀU LỚN VIỆT NAM

Luật sư. Lê Quốc Quân
Tham dự. Diễn đàn Vươn ra biển lớn.

Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh được rằng các cá nhân kiệt xuất có một vai trò hết sức quan trọng trong việc làm nên lịch sử. Thế nhưng quan trọng hơn thế nữa là có một cơ chế để lựa chọn những người thực sự tài giỏi và ngăn chặn quá trình lạm quyền của những người giỏi đã được nhân dân tín nhiệm bầu lên. Những đất nước đã phát triển ổn định thì ảnh hưởng của các cá nhân kiệt xuất và các quyết định cấp tiến không thực sự có tính chất cách mạng như trong những xã hội đang bắt đầu cất cánh. Quyết định của người thuyền trưởng lúc nhổ neo để vươn ra biển lớn cũng giống như người phi công khi bắt đầu cất cánh bay vào bầu trời là quyết định “sinh tử”.

Hoa Kỳ là một đất nước đã phát triển khá ổn định. Nếu ông tổng thống Bush có một quyết định sai lầm thì nó cũng chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến chính sách chung trong một giai đoạn và với một mức độ nhất định mà thôi. Nhưng 230 năm trước, (1776) tầm nhìn và quyết định của tổng thống Thomas Jeferson đã làm nên nước mỹ hôm nay. Tầm nhìn đó đã “dọn sẵn” cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một định chế chính trị để chính hôm nay những quyết định không phù hợp lòng dân của đảng cộng Hoà trong cuộc chiến Iraq đã được thể hiện sống động bằng việc Đảng Dân chủ kiểm soát “thẳng cánh” cả 2 viện sau cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11 vừa qua. Xa hơn nữa là quyết định của Quốc hội Mỹ không viện trợ tài chính quân sự tiếp cho chính quyền Việt Nam cộng Hoà trong những năm cuối cuộc chiến Việt Nam.

Hôm nay Việt nam, nếu coi như là đang bắt đầu cất cánh bay lên hoặc nhổ neo để vươn ra biển lớn như diễn đàn của báo tuổi trẻ nêu lên, thì đây chính là thời điểm quan trọng nhất để chúng ta xác định được tầm nhìn của đất nước chúng ta trong thế kỷ 21 này và cho cả một số giá trị mãi mãi về sau này. Việc xác định tầm nhìn dân tộc không phải và không thể do một cá nhân tổ chức hoặc đảng phái nào thực hiện mà phải là công cuộc chung của toàn dân tộc. Sau khi xác định được hướng đi của toàn dân tộc. Chúng ta cần một đường băng như máy bay để cất cánh, và cần một hải đồ để con tàu nhổ neo ra khơi. Đó chính là cơ chế để đảm bảo việc đi đúng hướng, thực hiện đúng mục tiêu và không để bị lạm quyền hoặc làm trệch hướng. Để làm được việc đó, có lẽ trước tiên dân tộc Việt Nam ta phải cùng bàn thảo về tất cả những vấn đề khó khăn và trở ngại đã ngăn cản đất nước chúng ta trong suốt 2 thế kỷ vừa qua. Đồng thời phải nghiên cứu kỹ những cơ hội đã bị bỏ lỡ trong thời gian gần đây.

Thực ra, Việt Nam ta cũng đã từng có những quyết định có tầm nhìn sâu rộng của những lãnh tụ với sự góp sức của những chuyên gia tầm cỡ . Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 kết tinh được nhiều điểm sáng, là áng văn hay và đã đưa ra được “tầm nhìn” của đất nước chúng ta trong một giai đoạn lịch sử quan trọng. Tuyên ngôn là nguồn động viên lớn lao để xây dựng hình ảnh Việt nam cho mai sau. Chính những quyết định sáng suốt vào thời điểm đó đã đưa dân tộc chúng ta có được những chiến thắng vĩ đại, được thế giới biết đến và được tôn vinh như một dân tộc anh hùng với sự kính trọng thật lòng của bè bạn năm châu.

Nhưng chính chúng ta cũng bỏ qua nhiều cơ hội lịch sử.

Hôm nay, đất nước chúng ta lại đang đứng trước những vận hội to lớn bằng việc tham dự hoàn toàn vào cuộc chơi chung của thế giới trong sân chơi WTO. Khi PNTR được thông qua là lúc chúng ta bình đẳng hoàn toàn với một nền kinh tế lớn nhất thế giới và cho dù một kẻ khổng lồ hay một chú thiếu niên thì cũng có vô vàn những điểm yếu, điểm mạnh và điểm tương đồng nhau để cùng nhau hợp tác.

Hãy nghĩ về sự phát triển của Nhật bản, Hàn Quốc và Singapore. Thực tế những quyết định sáng suốt và một quyết tâm cao của toàn dân tộc sẽ làm nên những kỳ tích trong một thời gian rất ngắn. Vào thâp niên 1960 nhờ những quyết định quan trọng nhằm phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng mà Hàn Quốc, sau gần 5.000 lịch sử ngủ vùi đã vươn lên trở thành công xưởng lớn của thế giới mà đặc biệt nhất là nền công nghiệp đóng tàu. Trong thời đại ngày nay, khi toàn cầu hoá đã như vũ bão với cuộc cách mạng của khoa học kỹ thuật và thế giới đang phẳng đi cho phép chúng ta tận dụng tối đa được những lợi thế canh tranh và nhờ thế tốc độ “lướt đi” của con tàu Việt nam có thể nhanh gấp nhiều lần.

Trước mắt là biển lớn và đất nước chúng ta có rất nhiều thế mạnh nhưng cũng không phải chứa đựng nhiều yếu điểm. Bởi vậy, giống như Luật sư Định đã đề xuất, tôi nghĩ nên chăng cần một Hội Nghị Diên hồng thời hiện đại để xác định một tầm vóc dân tộc trong một hai thế kỷ tới tới. Để thực hiện điều đó tất cả chúng ta hãy bắt đầu một suy nghĩ “một cách chung hơn” về quê hương đất nước chúng ta. Hãy bỏ bớt sang bên cạnh một chút chuyện của riêng mình để nghĩ về đất nước, về hình chữ S thân thương. Để một mai kia, đó sẽ là hình một con sư tử dũng mạnh chứ không phải chỉ là một “con sư tử trẻ” và rồi sẽ là một con rồng lớn. Nhưng trước hết chúng ta phải cùng chung suy nghĩ về S như là chữ cái đầu tiên của chữ Ship - Con tàu lớn Việt Nam nơi mỗi một chúng ta là một bộ phận cấu thành đang cùng hưởng những lợi ích và chia sẻ những khó khăn chung.

Sunday, January 07, 2007

Chiều cuối năm 2006.
Hoàng lái xe chở gia đình đi chơi
Đến thành phố cổ Alexandria
Hải âu và bồ câu tung cánh
Dập dìu dọc những chiếc du thuyền cá nhân.
Bước đi dọc bờ nước, nghe Hoàng giới thiệu về những người đầu tiên đến vùng này lập nghiệp, về những ngừoi nô lệ, giúp việc nhà.
Chúng tôi dạo chơi trên công viên đầu tiên của thành phố. Cách đây 300 năm, mọi thứ đều khác.
Hoàng nhắc đến Vũ Đình Liên và những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ ?
Tôi thấy lòng nhẹ nhàng.
We had a good time !

ALEXANDRIA !

Chiều thành phố cổ.
Bồ câu và hải âu lượn sóng !
Gío nhẹ, chúng tôi đi dọc theo bờ nước.
Chợt nhớ tới những người muôn năm cũ.
"Hồn ở đâu bây giờ"
Cuối năm 2006.

NEW YEAR 2007

Sáng nay ngày 1 tháng 1 năm 2007.
Tôi tỉnh dậy vào lúc 9h00.
Ánh nắng tràn ngập căn phòng nhỏ.
Trời Cali trong.
Với tay lấy cuốn sách "Nấc Thang cuộc đời" của Đại sư Tinh Vân.
Tôi muốn bắt đầu một ngày mới bằng một nấc thang mới.
"Anh dậy rồi à ? Em nghĩ mình nên bàn chuyện dạy con một cách nghiêm túc !"
Tôi đáp: "Anh cũng nghĩ vậy".
Chỉ còn 5 ngày nữa là Nhi bước sang tuổi thứ 5.