Thursday, August 10, 2023

CHUYẾN BAY GIẢI CỨU: LÀM SAO ĐỂ KHỞI KIỆN TẬP THỂ?

 


Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. 

Đại án “chuyến bay giải cứu” đang khép lại. Nhà nước coi như đã xong việc của mình khi “dằn mặt” được một số quan chức hư hỏng và ban phát được một ít “công lý” cho người dân đang ngập tràn bức xúc. Với các nạn nhân, toà tuyên cần: “liên hệ với các doanh nghiệp” để đòi lại quyền lợi của mình.

Một vụ án có số lượng người bị “móc túi” lớn đến như vậy thì các nạn nhân nên nghĩ đến việc khiếu nại, khiếu kiện tập thể để đòi lại quyền lợi. Sau đây là một số phân tích về pháp lý của Việt Nam và Quốc tế về vấn đề khởi kiện tập thể nhằm giúp các nạn nhân lựa chọn hành động.

Khởi kiện tập thể là gì? 

Theo Adam Hayes thì Kiện tập thể, hay còn gọi là – Class Action Lawsuits – là thủ tục pháp lý trong đó một hoặc nhiều nạn nhân thay mặt cho một nhóm các nạn nhân tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại một hoặc một số bị đơn đã gây ra thiệt hại cho nhiều người.

Nguyên đơn có thể là người tiêu dùng, người lao động, nhà đầu tư hoặc tập thể bệnh nhân.... Bị đơn có thể là các công ty, các tập đoàn lớn và cả chính quyền.

Kiện tập thể có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ luật pháp Anh Mỹ (Common Law) nhưng đối các quốc gia theo hệ thống dân luật (Civil law) hay còn gọi là Luật lục địa (Continental law) thì luật pháp được thiết kế không theo hướng ủng hộ các loại hình kiện tập thể này.

Tuy vậy, luật pháp đang thay đổi và Châu Âu gần đây khuyến khích các nạn nhân riêng lẻ liên kết với nhau để tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty đa quốc gia ngay tại chính các nước theo hệ thống dân luật, đặc biệt là để bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nạn nhân của những thảm hoạ môi trường do các công ty này gây ra.

Tại sao phải khởi kiện tập thể?

Trong nhiều trường hợp phải tiến hành việc khởi kiện tập thể vì nói chung dân chúng ngại việc kiện cáo, nhất là khi lợi ích bị xâm hại không quá lớn. Việc khởi kiện tập thể, nếu theo luật pháp Mỹ, thì chỉ cần 2-5 người đại diện tiến hành việc kiện cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nạn nhân. Ví dụ trong trường hợp “chuyến bay giải cứu” thì chỉ cần một nhóm 3-5 người là có thể thay mặt cho toàn bộ - hơn 200.000 nạn nhân đã tham gia các chuyến bay.

Đặc điểm quan trọng nhất của việc kiện tập thể là bị đơn chỉ làm việc với một số người đại diện các nguyên đơn đứng ra khởi kiện mà thôi. Có nghĩa là các công ty bị kiện sẽ phải đối mặt với một bó đũa thay vì có thể “xẻ lẻ” hoặc bẻ gãy từng chiếc.

Kiện tập thể cho phép các thành viên mà lợi ích bị xâm hại liên kết lại với nhau cùng đòi quyền lợi lớn hơn vượt xa các chi phí kiện tụng. Một vài người hoặc luật sư có thể ứng trước chi phí và khi thắng kiện thì sẽ thu hồi phần đã chi, sau đó phân chia phần vòn lại cho tất cả nạn nhân.

Như đã đề cập, các hệ thống pháp luật khác nhau có cách tiếp cận về kiện tập thể khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì hình thức khởi kiện tập thể thông thường là Opt-out class actions (Lựa chọn không tham gia), nghĩa là khi một hành vi bị khởi kiện, tất cả những người bị thiệt hại đều đương nhiên trở thành nguyên đơn trừ khi họ xác định họ không muốn tham gia vụ kiện đó (opt-out).

Đối với các nước Châu Âu hay Nhật Bản thì hình thức khởi kiện tập thể là Opt-in class actions (lựa chọn tham gia) - nghĩa là một nhóm cùng khởi kiện hoặc uỷ quyền cho đại diện đứng ra kiện và chỉ những người tham gia hoặc uỷ quyền mới được xác định là nạn nhân.

Đối với Mỹ, khi khởi kiện, số lượng nạn nhân thường chưa được xác định cụ thể, thậm chí nạn nhân còn chưa biết họ là nạn nhân cho đến khi có phán quyết của toà án, trong khi các nước Châu Âu thì cần đơn kiện hoặc văn tự uỷ quyền và thẩm phán biết rõ con số nạn nhân trước khi tiến hành xét xử.

Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam

Đối với thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, luôn có những cá nhân hoặc văn phòng luật sư tìm kiếm nạn nhân, xác định thiệt hại của họ để bỏ tiền “đầu tư” vào vụ kiện tập thể và hàng trăm vụ kiện lớn đã thành công.

Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có các căn cứ pháp luật cụ thể nào để tiến hành các vụ kiện tập thể. Điều 42 Bộ luật tố tụng Dân sự có quy định về việc “nhập vụ án” khi nhiều người cùng khởi kiện một cá nhân, hoặc một cơ quan tổ chức. Nghĩa là các cá nhân phải tiến hành nộp đơn khởi kiện riêng và Toà có thể nhập các vụ án vào với nhau.

Trên thực tế, năm 2010, Vedan đã chấp nhận bồi thường 220 tỷ cho gần 8.000 nông dân sau khi hơn 4.000 lá đơn được nộp. Năm 2016, Formosa cũng đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho 4 tỉnh miền trung vì gây ra thảm hoạ môi trường. Tuy nhiên đó là những vụ “bồi thường thiệt hại ngoài toà”. Nhà nước tiếp nhận các khoản bồi thường, tự đứng ra đánh giá mức độ thiệt hại và giải ngân tiền bồi thường mà bị đơn trả cho những nạn nhân.

Bên cạnh đó có nhiều vụ như “Nước Sông Đà nhiễm dầu” hoặc “Cháy nổ ở nhà máy phích nước Rạng Đông” tuy cũng gây ra thiệt hại cho nhiều người dân nhưng không có khởi kiện tập thể và dân chưa được đền bù.

Trong những năm gần đây, có nhiều vụ án liên quan đến đầu tư bất động sản - các nhà đầu tư cùng góp tiền để làm dự án nhưng cuối cùng dự án bị bỏ dở, không giao nhà hoặc nhà kém chất lượng, cho dù các nạn nhân đã gửi đơn kiện tập thể nhưng cuối cùng, chủ đầu tư, chính quyền, kể cả toà án cùng tách bó đũa ra và “bẻ gãy từng chiếc”.

Ví dụ có vụ án 76 người đã đầu tư vào Dự án bất động sản 584 Lilama SHB - dự án xây dựng căn hộ. Sau nhiều năm chậm trễ, vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư không trả tiền, cũng không giao nhà nên họ cùng nhau kiện tập thể nhưng cuối cùng họ vẫn thua cuộc, toà phúc thẩm đã “chẻ” vụ kiện trên thành các vụ án riêng lẻ, bó đũa bị tách ra.

Đối với vụ “chuyến bay giải cứu” những người sử dụng dịch vụ, có thể tiến hành khiếu nại tập thể tại Việt Nam theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Các nạn nhân có thể tập hợp các chứng từ để chứng minh mua vé từ đâu, giá bao nhiêu, thiệt hại ra sao khi nộp đơn đòi bồi thường. Điều 5 của Nghị định vừa dẫn cho phép các nạn nhân “có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho luật sư”thực hiện khiếu nại. Luật pháp không giới hạn một văn phòng luật sư có thể nhận uỷ quyền cho bao nhiêu người nên luật sư có thể nhận uỷ quyền không giới hạn để tiến hành kiện về “cùng một nội dung”.

Xác định đối tượng khởi kiện và cơ quan tài phán 

Tuy nhiên trong vụ “chuyến bay giải cứu”, các nạn nhân sẽ khó bồi thường thiệt hại của họ ở tại Việt Nam. Bởi vậy họ có thể tìm kiếm một hãng luật ở nước ngoài và khởi kiện tại một cơ quan tài phán ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.

Để tiến hành các vụ kiện chống lại một pháp nhân nào đó theo luật pháp Hoa Kỳ, trước hết phải xác định pháp nhân ấy có hiện diện vật lý tại Hoa Kỳ không? Có trụ sở và có đăng ký hoạt động theo luật pháp Mỹ không? Hành vi gây thiệt hại có thực hiện trên lãnh thổ của Hoa Kỳ hay không?

Ví dụ trong vụ “chuyến bay giải cứu” cần phải xác định đối tượng để khởi kiện là “chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp được cho phép thực hiện các chuyến bay combo hay là Vietnam Airlines? Muốn vậy phải chứng minh chính phủ (bao gồm các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài) có can dự vào việc gây ra thiệt hại thông qua các chỉ đạo, yêu cầu hay không? Các doanh nghiệp đã “phối hợp” những chỉ đạo, yêu cầu của chính phủ với tình thế lúc ấy để bắt chẹt người có nhu cầu như thế nào? Vietnam Airlines liên quan ra sao - chỉ là bên được các doanh nghiệp có giấy phép thực hiện “chuyến bay giải cứu” thuê mướn hay cũng góp phần vào việc điều phối các chuyến bay?

Bởi có hàng trăm ngàn nạn nhân nên sẽ có hàng ngàn tình tiết khác nhau, chi phí - thiệt hại khác nhau,... và có lẽ chỉ những nạn nhân thực sự dám làm việc với luật sư mới giúp xác định đối tượng cần khởi kiện là pháp nhân nào? Biết đâu sau khi tìm hiểu tất cả các yếu tố có liên quan, các hãng luật sẽ gợi ý một vụ kiện “combo”?

Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. Con đường sẽ rất dài và không dễ dàng nhưng những ai yêu mến công lý vẫn có thể liên hệ các hãng luật tại Mỹ để nhờ xem xét việc khởi kiện để bảo đảm sẽ không bao giờ có đại án nào kiểu như “chuyến bay giải cứu” trong tương lai nữa.



NGÂN HÀNG RAO BÁN TÀI SẢN: LIỆU CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ?



Động thái công khai của Vietinbank có kích hoạt một cuộc đua để xử lý tài sản đảm bảo hay không? Điều này phụ thuộc vào ý chí của Ngân hàng Nhà nước. 

Trong một động thái không bất ngờ với giới chuyên gia nhưng gây chấn động thị trường, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã rao bán hơn 350 khách sạn và bất động sản là các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. 

Một cuộc đua mới hay là một chiêu trò? 

Động thái công khai của Vietinbank có kích hoạt một cuộc đua để xử lý tài sản đảm bảo hay không? Điều này phụ thuộc vào ý chí của Ngân hàng Nhà nước. Đáng ra các ngân hàng khác đã nhảy vào tham gia cuộc đua này cũng như những cuộc đại phẩu thuật toàn ngành này vì bệnh đã nặng, để càng lâu càng khó chữa. Nhiều tài sản thế chấp sẽ hư hỏng và giảm giá trị theo thời gian. 

Thế nhưng các ngân hàng vẫn khác hiện đang ngập ngừng thăm dò, vừa muốn không bị “lộ” là có quá nhiều nợ xấu với các tài sản thế chấp kém chất lượng. Đồng thời phải xin ý kiến để thị trường không xô nhau bán tháo, dẫn đến sập luôn cả nền kinh tế đang neo vào bất động sản là chính. 

Điều khôi hài là có những tài sản đảm bảo đấu giá đến 10 lần không có người mua nhưng ngân hàng vẫn không chịu hạ giá, thậm chí còn tăng gía lên gần chục tỷ (như trường hợp khu Resort Mỹ Khê do Ngân hàng Vietcombank rao bán). Hoặc có những khoản nợ chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng được ngân hàng Agribank rao bán 3,6 tỷ

Các ngân hàng và đơn vị đấu giá thường nói “có sao bán vậy” mà không chịu trách nhiệm về tình trạng và rủi ro tiềm ẩn và các tranh chấp khác của khoản nợ. Theo quy định của pháp luật thì các tài sản liên quan đến những vụ hình sự thì phải ưu tiên giải quyết trước khi chuyển sang dân sự. Cho nên hàng ngàn tài sản đảm bảo trong các vụ trái phiếu vừa qua đều phải dừng lại chờ giải quyết hình sự. Nhiều tài sản cũng đem ra bán và đã hạ giá hàng chục lần nhưng vẫn không bán được vì trước đây đã được định giá quá cao hoặc dính đến các vấn đề pháp lý. Đây cũng là một kiểu “câu giờ” trước một căn bệnh đã đến hồi di căn. 

Vay và thế chấp Bất động sản quá lớn 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì “tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại”. Người viết đã từng đề cập trong bài “Nền kinh tế bên kia sườn dốc” về “trục trặc” nghiêm trọng ở hệ thống ngân hàng. 

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng trái phiếu, các doanh nghiệp chỉ trông chờ vào nguồn tín dụng ngân hàng để quay vòng trả nợ nhưng cơ cấu cho vay bất động sản của các ngân hàng rất lớn và đó là những tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ. 

Theo thống kê của 10 ngân hàng (trong tổng số 49 Ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam) thì thấy tỷ lệ cho vay BSĐ chiếm 21% tổng dư nợ. Trong khi ngân hàng đang cấp tín dụng cho 1.571 ngành. Như vậy, 79% còn lại chia cho 1.570 ngành nghề khác nhau của nền kinh tế. Theo tạp chí tài chính Việt Nam thì 70% tài sản đảm bảo các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản. Vậy đầu tiên muốn thay đổi thì phải giải quyết các tài sản đảm bảo hiện đang rất “kém chất lượng” này. 

Trong nửa đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,36% nhưng vì cần phải đạt được các chỉ tiêu phát triển mà Quốc hội đã giao nên Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục cho phép nới “room” đến 13-15% tuỳ điều kiện kinh tế. 

Trong bối cảnh sản xuất đang gặp khó khăn, xuất khẩu giảm. Theo S&P Global thì chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam liên tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Như vậy khi cho phép nới “room” dư địa tín dụng thì tiền sẽ, bằng cách này hay cách khác, lại chạy về bất động sản.

Đại gia và quan chức kết hợp để “ăn” đất. 

Lý do hoạt động giật cục “thông tắc, tắc thông” như lên đồng của thị trường bất động sản và cả nền kinh tế Việt Nam hiện tại là do sự vận động và thao túng chính sách của các lợi ích nhóm, đặc biệt là các đại gia. Đại gia có tiền và Quan chức có quyền, hai thứ đó quện chặt lại với nhau, tạo ra lợi ích cho nhau, phụ thuộc lẫn nhau nhưng cũng chế ngự và xung đột với nhau. 

Họ kết hợp với nhau để “ăn” từ đất. Điều kỳ thú là họ không “ăn” của một ai cụ thể mà họ ăn đất “của nhân dân”. Doanh nhân thì có hàng vạn chiêu trò để “dụ khị” và Nhà nước thì đã “thành thần” trong việc phân chia ý chí chủ quan thành lợi ích thực tế.

Ở Việt Nam đất đai là thuộc sở hữu của toàn dân. Theo Điều 10, luật đất đai năm 2013 thì đất đai có ít có 3 “nhóm” với ít nhất 18 loại khác nhau. Cách phân loại cũng vô cùng đặc biệt, khi thì dựa vào công năng, lúc dựa vào tính chất, lúc khác lại dựa vào ý chí. Chỉ riêng dựa vào mục đích sử dụng thì Bảng ký hiệu loại đất trên bản đồ địa chính đã có đến 52 loại đất

Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng quy về giá trị và điều đó lại nằm ở các quyết định hành chính. Các quyết định này có thể điều chỉnh, hoán đổi, chuyển nhượng, thay thế…và cứ mỗi lần như thế là giá đất thay đổi. Cùng một miếng đất, chất đất nằm tại một vị trí nhưng khi nhà nước chuyển đổi công năng, ví dụ từ “đất nông nghiệp” thành đất “đô thị” thì giá của nó đã tăng hàng chục lần. 

Vi diệu ở chỗ khi đại gia “bắt tay” quan chức là công năng của đất thay đổi. Giá trị thay đổi thì thẩm định thay đổi, thế chấp thay đổi, tiền rút từ ngân hàng ra cũng thay đổi. 

Nền kinh tế “vẹo” cột sống “bóp thả” và nạn nhân?

Giống như một người bị vẹo cột sống, hệ thống kinh tế Việt Nam cứ vặn vẹo khi di chuyển. Bị cong lõi, thay vì uốn thẳng lại, nó lại được đắp cho to ra. Đảng chỉ đạo phủ trên, lấp dưới để đỡ thấy cong, nhưng thực chất cái lõi chính vẫn cong. Hiện giờ đang tuổi trẻ thì có thể đi đứng được, nhưng vấn đề vẫn luôn ở đó, sẽ nhanh bị đau và dễ nằm xuống. 

Tôi lo lắng nhiều là vậy. Chúng ta là đất nước trẻ, ở tuổi dân số vàng, hàng triệu thanh niên đang làm việc hết sức mình trong các nhà máy trong và ngoài nước. Đất nước cũng đang hội nhập rất lớn vào nền kinh tế toàn cầu và có nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, chúng ta vẫn thấy khoẻ, chỉ cần tăng lãi suất là giảm ngay căng thẳng thanh khoản. Thế nhưng tương lai lâu dài sẽ vô cùng khắc nghiệt vì chính chúng ta không tạo ra giá trị lâu bền. 

Sau mỗi lần bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp lại lên tiếng và các quan chức lại họp hành để đưa ra các biện pháp “tháo gỡ”. Đây giống như là hành động 2 bên tự trói nhau xong lại cùng ngồi gỡ và cùng khen nhau “chúng ta tài giỏi thật”. 

Thay vì tạo ra một xa lộ rộng lớn là tự do để tranh đua về đích thì các đại gia và quan chức đã vẽ ra hàng trăm đường nhánh nhỏ vòng vèo, cho chạy lòng vòng. Khi đã chạy kiệt sức họ lại ngồi lại với nhau, bàn bạc để tiếp tục “chơi ván mới”. 

Ba nhóm vấn đề cần gỡ khó của thị trường Bất động sản mà Chính phủ mới nêu ra cũng chính là những vấn đề mà hàng chục năm nay nó vẫn vậy: Thể chế, tổ chức thực hiện, vốn… đều là những vấn đề mà tự chính các doanh nghiệp đã vẽ ra, đã cùng tổ chức ăn chia với khoá quan chức trước, chạy lòng vòng và cụt đường, giờ lại ngồi lại bàn và gỡ khó với khoá hiện tại và chuẩn bị cho khoá tiếp theo. 

Nhân dân dễ tin và mau quên, lãi suất tăng một chút là ào ào gửi tiền vào. Điều đáng buồn là đồng tiền đó không được đem đi đầu tư phát triển bền vững, mà lại lòng vòng trở thành quân cờ mới, trong môt ván chơi mới của các đại gia và quan chức. 

Cuộc đua bán tháo Bất động sản để thu tiền về, suy cho cùng cũng chỉ là một cách mà các Ngân hàng làm cạo sạch bề ngoài cột sống cong của mình để tiếp tục đắp bột vào bằng những hợp đồng cho vay bất động sản mới. Một chu kỳ “lùa gà” lại tiếp tục mở ra. 

Tổn hại nhất vẫn là Nhân dân Việt Nam, trong hiện tại và tương lai. Mẹ Việt Nam với tấm lưng đã còng lại tiếp tục cong thêm cho nhiều năm tiếp theo. Tất cả con dân lại sẽ chạy lòng vòng bởi cơ chế và chính sách được thiết kế nhằng nhịt dựa theo các nhóm lợi ích mà việc bán tháo cũng chỉ được xem như là một cách đánh bóng quân cờ cho một lần chơi mới.

TỪ VỤ SẠT LỞ Ở ĐÀ LẠT, NHÌN LẠI TÂY NGUYÊN: "THUỐC" RỪNG VÀ SÚNG ĐẠN

 



Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trường mới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.

Chuyện về những người Thượng ở Daklak tấn công 2 trụ sở công an vẫn đang nóng hổi thì việc sạt lở lớn ở Đà Lạt lại bắt đầu chiếm tin trên nhiều mặt báo. 

Mặc dù hai câu chuyện là khác nhau, một bên là nhân tai và bên kia là thiên tai, nhưng đều xảy ra ở Tây Nguyên và có vẻ như có cùng một nguyên nhân sâu xa. Đó chính là sự xâm hại quá nhiều của con người lên một vùng đất cao đẹp và huyền bí. 

Những người Thượng giờ đã lùi sâu vào vùng xa, còn người Kinh thì bắt đầu xây dựng những ngôi nhà tầng trên những sườn đồi đã trọc hoá. Không phải một tầng mà rất nhiều tầng trên một không gian hẹp, san sát nhau, nhìn từ xa trông giống như những chiếc quan tài dựng đứng. 

Và rồi điều gì đến phải đến, 2h sáng ngày 29/6 tại Đà Lạt đã xảy ra một vụ sạt lở, vùi lấp 3 ngôi nhà, làm chết 2 người và một số người bị thương. Hiện trường cho thấy đây là một khu vực ít cây và có độ dốc rất lớn, có rất nhiều nhà cao tầng, đè nặng trên một triền đất yếu vì thiếu cây to. 

Mặc dù trên Cao nguyên, Đà Lạt mát mẻ năm nào đang đối mặt với việc mực nước ngầm cạn kiệt, trời khô hạn khi nắng lên, ngập lụt khi mưa xuống.

Nhiều người đã lên tiếng đổ lỗi tại “Trời”, nhưng ai đã chặt cây, xẻ núi, phá đồi, chia đất, phân lô và phá nát quy hoạch của một thành phố ngàn sương trong rừng thông một thuở? Ai đã quy hoạch để người người chặt cây, làm nhà kính trồng bông, khoan giếng, hút nước và dùng hoá chất tràn lan? 

Người xuôi "thuốc" rừng

Đà Lạt từng được gọi là “Thành phố ngàn hoa”, là “Paris thu nhỏ” chợt trở nên đáng sợ với du khách. Thành phố tình yêu, nơi gặp gỡ của bao nhiêu tao nhân mặc khách, giờ cuống cuồng những đầu tư, quán xá và chặt chém. 

Đặc biệt rừng thông già trầm mặc giữa mù sương chứng kiến bao nhiêu thay đổi của thời cuộc đang bị “giết chết” một cách liên lỉ bằng nhiều hình thức tinh vi, trong đó có “hạ độc”. 

Chúng ta từng biết rằng vào năm 2019, hàng ngàn cây thông ở huyện Lâm Hà đã bị chết đứng vì đầu độc. Hung thủ đã lần lượt khoan vào từng thân cây, sau đó đổ chất độc vào, để dẫn lưu xuống rễ, khiến cây chết dần, tạo thành một màu đỏ úa như màu máu bao trùm cả một khoảng rừng rộng hơn 10 ha. 

Không chỉ khoan lỗ và hạ độc, con người còn thắt cổ cây bằng cách rạch một vòng quanh thân, sâu rộng bằng lóng tay và bóc hết vỏ, cắt đứt mạch sống của những cây thông già, làm cây chết từ từ. 

Nhưng cách nhanh nhất và tàn bạo nhất là cứ chặt, cưa và đốt. Nó làm cho rừng tan hoang nhanh chóng mà giờ nhìn qua vệ tinh Google cũng thấy rõ. Đầu tiên là những cây thông lẻ ở những vị trí đắc địa làm ăn, nhưng chỉ sau hơn 10 năm, gần 100 ngàn hecta rừng đã biến mất

Đồi Robin, nơi đẹp nhất của thành phố Đà Lạt có rất nhiều gốc thông già, lần lượt héo vàng rồi chết. Cũng tại đó dần dần mọc lên những ngôi nhà kiên cố, những tường bao vây hãm, mà chủ nhân của họ có thể ở đâu đó rất xa, Hà Nội hay Sài gòn…

Các tuyệt kỹ “hạ độc cây” này đã được nhiều người ở Hà Nội áp dụng trước đó để triệt hạ các cây ngay giữa trung tâm phố cổ, có lẽ theo thời gian nó đã được di cư dần dần vào Tây Nguyên? 

Nếu như dư luận không lên tiếng mạnh mẽ và chủ tịch FLC không phải đang bị điều tra thì giờ đây hàng trăm hec ta rừng Đak Đoa ở Pleiku cũng đã ra đi. Mặc dù dự án sân golf bị dừng lại nhưng rừng vẫn tiếp tục bị bức tử, xác xơ. 

Bao nhiêu vụ việc đã bị phát giác, các lâm tặc đã bị ngồi tù nhưng rừng thì vĩnh viễn không còn. Các đại gia giờ ở trong tù có hiểu những hoang tàn để lại sau lưng cho đất mẹ Việt Nam nói chung và cho Tây Nguyên nói riêng? Các quan chức và đại gia có biết rằng lũ lụt ở Miền Trung là do những cánh rừng cao nguyên đã bị mất, sinh thái đã thay đổi. 

Người Thượng tấn công

Các quan chức và đại gia có biết rằng đồng bào Thượng nhìn thấy từng mảnh rừng già bị mất đi, cũng giống như chính vị thần của họ lần lượt dính từng mũi tên tẩm độc. Các dân tộc thiểu số, từ ngàn đời, đều coi rừng như những vị thần luôn che chở, bảo vệ buôn làng và là nguồn nuôi sống họ. 

Nóc nhà Tây Nguyên, nơi có rừng già thiêng liêng và trường ca Đam San, giờ trọc lóc, giống như thần linh của núi rừng đã chết. Cả bầu khí quyển lẫn tình người đều khô khốc, và bạo lực đã đến… 

Sau vụ “khủng bố” tấn công vào đồn công an của những người Thượng cực đoan xảy ra vào ngày 11/6 vừa qua, Bộ công an đã khởi tố 84 bị can, Bộ Công An cũng nói thu giữ 23 súng và 10 lá cờ Fulro. 

Trong số 84 người bị khởi tố, có 75 người bị đã khởi tối về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân” quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự 2015, chắc chắn sẽ bị truy tố ở Khoản 1 mà mức cao nhất lên đến tử hình. 

Hậu quả của việc này là những cái chết và án tù dài lâu cho nhiều người. Một vòng tù tội và áp bức mới với rất nhiều gia đình bắt đầu. Ân oán còn dai dẳng và lan truyền đến cả những thế hệ mai sau. Thời gian trôi rất nhanh và một thế hệ phản kháng mới có thể đã bắt đầu ra đời từ hôm nay. Có ai biết rằng nhiều người hành động hôm nay chỉ là những em bé mới sinh vào dịp tuần hành vào năm 2001?

Không ai đảm bảo về sự bình yên bằng bằng cách trấn áp hay răn đe. Không gian sinh tồn là quan trọng nhất của một con người, thậm chí của cả một dân tộc. Khi tự do và sinh kế bị tước đi, con người trở nên hành động như không còn gì để mất, họ lì lợm, cực đoan và khao khát trả thù. 

Để cùng giảm bớt nạn nhân

Khi nghĩ về 2 người làm công nghèo khó bị chết oan trong vụ sạt lở đất, tôi cũng nghĩ về những công an vừa bị giết chết ở Cư Kuin. Họ đều là những nạn nhân bị chính guồng máy sinh ra. Họ đã vô tình họ trở thành nạn nhân của một cái gì đó lớn hơn, dữ dội hơn và nhân quả hơn 

Nếu như quan chức không tham nhũng, không mua bán, chia chác đất đai, cấp phép tràn lan, cho phép xây dựng sai quy hoạch thì rừng sẽ không bị tàn phá, vùng xuôi không bị nhiều lũ lụt, thiên nhiên vẫn thuận hoà và mẹ tự nhiên ít “nổi giận”. 

Nếu như đồng bào Thượng thấy được sự tôn trọng, rừng già được bảo vệ, được tự do thờ phượng trong những không gian riêng, thì bạo lực sẽ không được nuôi dưỡng và hận thù không có chỗ trong tim. Họ sẽ đến với nhau như tình anh em trong nghĩa đồng bào. 

Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trườngmới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.

Lẽ ra chính quyền phải nhìn nhận những nhà hoạt động như là những nhân tố khơi dậy được sự đam mê dấn thân vì xã hội. Họ giúp hình thành một “Xã hội dân sự”, bảo vệ những giá trị của dân, giải toả bức xúc cho dân và cùng dân ngăn chặn sự lạm quyền của Nhà nước; đồng thời kích thích tính xã hội của doanh nghiệp, để tất cả phát triển một cách nhân văn hơn. 

Tôi cho rằng nếu tiếp tục giam giữ những nhà hoạt động đã cống hiến vì sự phát triển bền vững của môi trường; nếu tiếp tục có những bản án nặng nề cho những người bị tước hết tư liệu sản xuất đã hành động cực đoan, thì vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bạo lực lại cứ thế tiếp diễn, ngày một trầm trọng hơn và nạn nhân của “Nhân tai” và “Thiên tai” lại càng nhiều lên. 

Người thượng và Rừng sẽ trả thù chúng ta dù miền ngược hay miền xuôi, dù lũ lụt hay lở đất. 

Ngược lại, nếu có một chính quyền sạch, biết dừng “thuốc rừng”, chăm đắp những vết thương của tự nhiên và xã hội trong tình đồng bào thì bạo lực sẽ vơi đi, nạn nhân sẽ giảm bớt. Nếu các ý kiến khác biệt được lắng nghe, các vết sẹo sẽ liền da, cây sẽ mọc trong một không gian sống có tình thương và trách nhiệm. Việt Nam ta sẽ là điểm gắn kết của một cố gắng chung, nơi tất cả các sắc tộc có thể yêu mến và tự hào. Mong lắm thay!