Friday, May 26, 2023

NỢ CÔNG Ở MỸ VÀ MINH BẠCH NGÂN SÁCH Ở VIỆT NAM

 


Điểm khó khăn nhất của Nhà nước Việt Nam là do có một “Nhà nước song trùng”, nghĩa là song song với một chính phủ công khai thì còn có một chính phủ thực sự của đảng cộng sản. 

Theo số liệu thống kê của Ngân Hàng thế giới thì đến cuối năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ là 23.32 ngàn tỷ USD, chiếm 24,1% GDP toàn cầu.

Từ cuối thế kỷ 19, đất nước non trẻ này đã vượt qua đế chế Anh, dẫn dắt thế giới đi lên với vô vàn khái niệm tài chính tiền tệ theo sự tưởng tượng kỳ diệu của các chuyên gia nhưng ngày càng mông lung với người dân lao động.

Khi bước chân đến New York, người bạn tôi chỉ những cao ốc và nói rằng, “gần 1/3 tiền tệ thế giới đi qua thành phố này”. Khi xuôi về Washington DC, người bạn ghé tai thì thầm: “Hơn 1/2 quyền lực chính trị thế giới nằm ở đây”.

Bất cứ lúc nào ở New York ta cũng gặp đại diện các tập đoàn tài chính trong những cao ốc sang trọng còn bất cứ lúc nào trên vỉa hè Washington DC, chúng ta cũng vô tình gặp một bộ trưởng của một quốc gia nào đó đang rảo bước. 

Nhưng giờ đây quốc gia giàu mạnh nhất hành tinh lại không thanh toán được các hoá đơn của mình hay sao?

Bảng cân đối - Phát minh kỳ diệu

Sau khi phát minh ra tiền tệ, loài người bắt đầu đẻ ra hàng loạt thứ thú vị, trong đó có bảng “cân đối kế toán”. Bảng “ghi nhận những thu chi” này bắt nguồn từ hơn 3,000 năm trước ở vùng Mesopotamia và Ai Cập cổ đại và liên tục được cập nhật trong suốt hàng ngàn năm. Giờ đây nó đã trở nên vô cùng phức tạp với vô vàn khái niệm phi vật chất dựa trên ngôn ngữ, sự tưởng tượng và logic toán học của con người.

Nhưng cụ thể là, giống như mọi cá nhân, gia đình, tổ chức… chính phủ cũng phải có một bảng cân đối thu chi của mình. Khi còn chế độ Kim bản vị (bản vị vàng) thì chính phủ chỉ được in một số tiền tương ứng với số vàng mình có và tiền đó sẽ được “bảo chứng” 100% bằng vàng. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, chế độ kim bản vị dần dần suy yếu và cuối cùng đã bị kết liễu bởi tổng thống Nixon vào năm 1971 bằng sắc lệnh 11615.

Từ đó chính phủ Hoa Kỳ có thể in tiền theo nhu cầu chi tiêu mà không buộc phải có một số lượng vàng tương ứng để bảo chứng. Tương tự như nhiều nước, việc quản lý chi tiêu tại Hoa kỳ do quốc hội thông qua và giám sát nó.

Khi chi lớn hơn thu thì phải vay và sẽ “ghi nợ” vào tương lai. Kỳ vọng vào việc trả nợ cũng chính là kỳ vọng vào tương lai phát triển của loài người, thông qua khả năng tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Những quốc gia có mức nợ công cao cũng thường là những đất nước phát triển nhất.

Minh bạch ngân sách ở Hoa Kỳ và Việt Nam

Nếu như khả năng vỡ nợ của Hoa Kỳ là xây dựng dựa trên các số liệu báo cáo và cân đối thu chi thì ở Việt Nam là một bức tranh hoàn toàn khác.

Các tài khoản về ngân sách quốc gia ở Mỹ được hình thành và công bố rộng rãi cho toàn dân có thể tìm hiểu . Ai ai cũng có thể tiếp cận và đọc được từng dòng ngân sách dành cho từng việc chi tiêu. Chính vì vậy Bộ tài chính Hoa kỳ có thể xác định được số tiền mặt hiện có và dự báo chính xác đến từng ngày về việc “hết tiền”.

Ngược lại, tìm hiểu các khoản chi Ngân sách quốc gia tại Việt Nam là như mò kim đáy bể. Điều 15, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (Luật số 83/2015/QH13) quy định rất rõ và chi tiết về việc phải “công khai ngân sách Nhà nước” nhưng có quá nhiều cách “công khai”, ví dụ: thay vì đưa lên trang web, chính phủ thông báo ở cuộc họp riêng hoặc dán ở bảng tin, chụp ảnh làm bằng chứng đã công khai, rồi sau đó gỡ xuống ngay.

Thay vì viết ra rõ ràng dễ đọc thì người ta tìm mọi cách để che giấu những điều cần giấu mà khi cần vẫn nói là đã “công bố”. Kỹ năng che dấu này ở bậc thượng thừa, cơ bản là vượt trên những hiểu biết thông thường của nhân dân.

Người viết đã cố gắng tìm kiếm các dòng chi ngân sách cho từng lĩnh vực nhưng vô cùng khó khăn. Năm trước tôi tìm và thấy dư toán ngành công an lớn hơn gấp 4 lần ngành giáo dục và đã đưa lên Facebook và năm nay không còn được công khai nữa.

Điều đáng chú ý là chỉ có “dự toán” là công khai còn trong quá trình làm việc, chính phủ và quốc hội, theo lệnh của đảng cộng sản liên tục điều chỉnh, sửa đổi, làm tròn số rất tuỳ tiện theo kiểu “bốc thuốc” mà các chuyên gia sừng sỏ nhất cũng phải chạy đua quyết liệt, đào bới từng dòng mới ra được một vài con số có ý nghĩa ẩn giấu dưới lớp chữ. 

Kiểm toán nhà nước và bản chất song trùng

Điểm khó khăn nhất của Nhà nước Việt Nam là do có một “Nhà nước song trùng”, nghĩa là song song với một chính phủ công khai thì còn có một chính phủ thực sự của đảng cộng sản.

Chính phủ có các bộ thì trong đảng cũng có các ban. Ví dụ: Chính phủ có Văn phòng chính phủ, Bộ tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Ngoại giao… thì đảng cũng có: Văn phòng TW đảng, Ban kinh tế, Ban đối ngoại, Ban tuyên giáo… với quy mô, con số biên chế không thua kém và quyền lực thì lại lớn hơn cả các bộ của chính phủ.

Ngân sách của bên Đảng chưa bao giờ được công khai chi tiết. Nhân dân đang bàn đến việc kiểm toán thu chi của Chính phủ nhưng chưa ai dám nhắc tới về việc kiểm toán tài chính của đảng. Chúng ta chỉ một lần biết được rằng một tờ báo Nhân dân của đảng có dự toán chi lớn hơn cả đài truyền hình VTV và năm nay không tìm thấy được nữa. 

Khi còn hoạt động bí mật, đảng đã dùng rất nhiều cách cả hợp pháp và bất hợp pháp để tạo ra tiền chi tiêu cho tổ chức của mình, nhưng giờ đã gần 80 năm cầm quyền, hệ thống pháp luật coi như đã khá đầy đủ nhưng nhân dân vẫn không chính xác tiền Đảng lấy từ ngân sách là bao nhiêu? được chi tiêu như thế nào, báo cáo và kiểm toán ra sao?.

Nếu tiếp tục như vậy, đảng cộng sản Việt Nam nên rút vào hoạt động bí mật chăng?

Trong năm năm qua, mức độ công khai ngân sách ngày càng thụt lùi. Luật Ngân sách ban hành ra nhưng các nghị quyết, nghị định và thông tư dưới luật ngày càng bóp hẹp lại, các chỉ đạo thì càng theo hướng phòng thủ và kém minh bạch làm cho người dân vô cùng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Ví dụ Nghị quyết số 40/2021/QH15 năm 2021 có công khai trên mạng gửi kèm theo Phụ lục 2 và Phụ lục 3 ghi rõ dự toán thu chi của từng ngành, từng lĩnh vực, của các bộ ngành trong năm 2022 nhưng đến Nghi quyết số 69/2022/QH15 của năm nay thì các phụ lục trên không còn được công khai. Hình thức công khai cũng kém đi: thay vì đưa lên mạng thì chỉ họp phổ biến; thay vì phát hành ấn phẩm thì chỉ dán ở bảng tin nội bộ… Các nhà báo ngày càng khó khăn hơn khi lấy tin, có tin rồi càng khó khăn hơn khi đưa tin.

Nếu so sánh với Mỹ đang sắp vỡ nợ thì Việt Nam có lẽ không bao giờ vỡ nợ vì nhân dân thực sự không biết bảng “cân đối kế toán” của nhà nước nó như thế nào và Đảng muốn như thế nào? Và nếu có khả năng vỡ nợ thì sửa luôn cách tính GDP để mức vay thấp hơn.

Đòi hỏi của dân và sân chơi quốc tế

Chi cho đầu tư phát triển là quan trọng và, nhà nước cũng như cá nhân, thiếu thì có thể đi vay. Vay nợ cũng là chuyện bình thường nhưng chủ nợ luôn có xu hướng tìm kiếm sự minh bạch để đánh giá được mức độ rủi ro tài chính đến đâu.

Dù cho sắp có khả năng vỡ nợ, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia có uy tín và dễ dàng đi vay nhất. Ngược lại, chính phủ Việt Nam đang rất tù mù trong công bố thông tin ngân sách quốc gia; nhà nước hoạt động song trùng, tài chính đảng chồng lấn, lồng ghép với chính phủ từ trung ương xuống địa phương. Trường hợp cô Lê Thị Dung vừa qua là rất phức tạp, nhập nhằng. Nó như một cục rối vô cùng khó gỡ cho những người mong muốn quản lý ngân sách bằng đầu ra.

Cụ thể cô Lê Thị Dung là một con người giữ hai nhiệm vụ, ăn hai lương, điều chỉnh bằng 2 văn bản là Quyết định số 169/QĐ-TW của Ban bí thư BCH TW đảng về chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp ủy viên với tư cách cô ấy là Bí thư chi bộ, và Thông tư số 28/2009/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục về chế độ với giáo viên phổ thông với tư cách cô ấy là giáo viên.

Đây chính là một trường hợp điển hình của một con người ở cơ sở vừa là giáo viên vừa là đảng viên mà không một bảng “cân đối kế toán nào” tự nó có thể minh bạch được. Có hàng triệu trường hợp như vậy thì sai số của “bảng cân đối thu chi” ngân sách nó lớn đến nhường nào và ngân sách quốc gia không thể nào minh bạch được.

Nếu không minh bạch được ở tầm cấp quốc gia, thì các tổ chức quốc tế khó cho vay tiền trong khi lúc này Việt Nam đang bắt đầu thời kỳ phải vay nợ để trả nợ gốc và lãi, trong bối cảnh tốc độ giải ngân thực sự yếu kém, đặc biệt là giải ngân từ vốn vay nước ngoài chỉ đạt 3,43% kế hoạch đề ra trong quý 1 năm nay. 

Mỹ có thể vay nợ nhiều, cả với quốc tế và người dân trong nước, nhưng bất cứ ai cũng biết được khoản tiền mình cho vay đã đi vào đâu, làm việc gì và luôn luôn được hai đảng đối lập bàn bạc và thách thức lẫn nhau trên từng dòng ngân sách.

Ngược lại Việt Nam có thể sẽ không bao giờ vỡ nhưng sự tù mù về ngân sách ảnh hưởng ngay đến sự phát triển của quốc gia trong dài hạn.


Bài viết được đăng trên trang Blog của VOA tại địa chỉ 


https://www.voatiengviet.com/a/no-cong-o-my-va-minh-bach-ngan-sach-o-viet-nam/7107488.html



Sunday, May 21, 2023

NƯỚC MỸ CÓ VỠ NỢ? THỰC CHẤT VÀ HỆ LUỴ?

 Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất.

Theo Bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, ngày 1/6 này có thể xảy ra một điều chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, đó là ngày mà chính quyền sẽ không có đủ tiền trả các “hoá đơn đến hạn phải thanh toán”.

Điều này sẽ tác động rất lớn tới toàn bộ nền tài chính toàn cầu nhưng sự khủng khiếp của nó và mức độ ảnh hưởng đến đâu thì chưa ai có thể biết được. Vậy tại sao một quốc gia số một trên hành tinh này lại có thể vỡ nợ và bản chất của nó ra sao?

Trần nợ công là gì?

Trần nợ công là mức trần pháp lý về số tiền tối đa mà chính phủ được phép vay để thanh toán các khoản nợ và chi tiêu. Khi vay đến một ngưỡng nào đó đã được quy định mà không có thể được vay tiếp thì sẽ bị coi là “chạm trần”.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đưa ra mức trần nợ công bằng một tỷ lệ phần trăm so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nghĩa là việc vay nợ thường gắn với quy mô nền kinh tế, GDP càng cao thì càng được phép vay nhiều.

Nếu tính ra tỷ lệ vay nợ so với GDP thì nước Mỹ đang vay ở mức 123% với số tiền gần chạm trần con số 31.46 ngàn tỷ USD. Hầu hết các quốc gia thì nợ công đều dưới mức 100% so với GDP tuy nhiên cũng có nhiều nước vay nợ nhiều như Nhât Bản hiện ở mức 226%, Singapore 167%, Ý 144% và Pháp 113% (1).

Trong các nước kinh tế phát triển, chỉ có Mỹ và Đan Mạch thì trần nợ được đưa ra là một con số nguyên tuyệt đối, nhưng trường hợp của Đan Mạch hoàn toàn mang tính tượng trưng vì nó quá cao và còn lâu mới có thể vay đạt đến ngưỡng đó (2). Cụ thể số tiền mà chính phủ Đan Mạch hiện nay có thể vay là lên đến hai ngàn tỷ Krone Đan Mạch trong khi họ thực sự đang vay 323 tỷ Krone (3). Gần đây Đan Mạch lại đang có thặng dư ngân sách nên mức vay ngày càng ít, và có ý kiến cho rằng chính phủ đang đau vì nhiều tiền mà chưa biết làm gì.

Trong khi đó ở Mỹ nợ công sau 100 năm, từ 408 tỷ USD vào năm 1922 đã lên đến 30,9 ngàn tỷ vào năm 2022 (4). Các nhà lập pháp liên tục đặt ra các mức để giới hạn chính phủ cẩn thận trong chi tiêu và sau đó lại nới trần để được phép vay tiếp. Lần này mức đặt ra là chỉ được chạm đến ngưỡng: 31.46 ngàn tỷ USD mà cho đến nay thì đã sắp đến.

Do lo sợ sắp đáo hạn mà không có tiền để trả nợ cho nên Quốc hội gần đây đang làm việc quyết liệt để giải quyết nó. Thực tế thì Quốc hội Hoa Kỳ thường xuyên phải làm việc này. Họ đã phải hành động đến 78 lần kể từ năm 1960 để bàn thảo và quyết định nâng trần nợ công, giúp cho chính phủ tiếp tục vay tiền thanh toán các khoản nợ đến hạn (5).

Nhưng lần này có thể khó khăn hơn và, trong một kịch bản tệ nhất, nước Mỹ có thể bị vỡ nợ một cách kỹ thuật, xô đẩy chính nó và hàng loạt quốc gia trên thế giới vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Việt Nam sửa luôn cách tính GDP để vay thêm

Nợ công Việt Nam cũng là mối ưu tư lớn của những người quan tâm đến vận mệnh đất nước và báo chí lề phải đã lên tiếng về việc này (6). Với GDP vào năm 2021 ở mức 368 tỷ USD, và mức nợ công là 43% trên GDP thì con số tuyệt đối là khoảng 158 tỷ USD, chia cho khoảng 98 triệu người, mỗi người Việt hiện nay ngay khi sinh ra đã phải mang nợ 37 triệu đồng.

Điều nguy hiểm là nhiều người ở Việt Nam đang quên vụ nợ công vì chính phủ gần đây quảng bá nợ công đang giảm xuống còn 42% so với mức cao nhất là 61,4% vào năm 2017. Hồi đó chính nó đã vượt trần Quốc hội cho phép là 60% GDP. Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, thì Việt Nam đã từng vỡ nợ. Tuy nhiên, thay vì tăng thu và giảm chi để kéo mức nợ công xuống, chính phủ Việt Nam vào năm 2020 hoàn tất phương pháp tính lại GDP, nghĩa là thay luôn cả thước đo, tăng mẫu số để giá trị phân số nhỏ đi (7).

Vi diệu là ở chỗ đó. Ai chê mình thấp thì thay luôn cả thước để cho cao hơn.

Thật vậy, vào năm 2017, tổng cục thống kê ban đầu công bố GDP của Việt Nam là 220 tỷ Đô la và sau đó điều chỉnh lại, cộng thêm 55 tỷ thành GDP 275 tỷ, với lý do là cách tính trước đây đã bỏ quên 79 ngàn doanh nghiệp. Rồi lần lượt các năm sau đó Tổng cục Thống kê cứ nhân với tỷ lệ tăng trưởng được công bố và cho đến năm 2020 thì hoàn toàn tính theo cách mới và công bố gần đây nhất là năm 2021 thì tổng GDP của Việt Nam là 366 tỷ USD.

Khi tăng GDP thì một loạt chỉ số tính toán dựa theo GPD như nợ công, nợ nước ngoài, thâm thụt ngân sách sẽ đương nhiên giảm xuống. Nhìn con số sẽ đẹp hơn rất nhiều và chính phủ lại có điều kiện đi vay tiếp, nghĩa là lại tiếp tục bỏ thêm gánh nặng lên lưng thế hệ mai sau mà không ai còn làm toáng lên như ở Hoa Kỳ.

Nước Mỹ lạ lùng mà cần thiết

Tôi nghĩ chỉ có nước Mỹ là thực sự tự do và quyết liệt trong việc bàn bạc những vấn đề của tương lai, cả kinh tế và xã hội, bất luận đôi lúc có vẻ như được “vũ khí hoá” cao độ.

Gần đây trên khắp các phương tiện truyền thông người ta đều nói về trần nợ (debt ceiling). Các thị trường chứng khoán toàn cầu phập phồng lên xuống theo từng động thái đầy kịch tính của các nghị sĩ tại Washington DC.

Lần này có vẻ hai bên đang “nghiêm túc” chuyện trần nợ công và mức độ quyết liệt có vẻ cao hơn vì những lo lắng cho chuyện chi tiêu của đất nước, tránh để lại di sản nặng nề cho con em, nhưng cũng có thể là sự thể hiện của những chia rẽ vẫn âm thầm còn đó kể từ cuộc bầu cử năm 2020.

Vào năm 2011, nếu như Tổng thống Obama không đồng ý cắt giảm chi tiêu khi chỉ còn 72 giờ đồng hồ nữa là chính phủ liên bang thực sự vỡ nợ thì không biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào? Nhưng qua sự việc đó ta thấy các nhà lập pháp đã từng được thử nghiệm một lần và có vẻ như lần này đã sẵn sàng cho một cuộc vỡ nợ thật sự.

Lần này, với khả năng “gây sự” cao hơn, và các đảng viên Cộng hoà không nhượng bộ mà vẫn đòi thắt chặt chi tiêu, không cho nâng trần nợ công lên còn tổng thống kiên quyết không nhượng bộ và vẫn theo lộ trình chi tiêu của mình thì rất có thể một điều gì đó sẽ xảy ra.

Cá nhân tôi thì tin rằng chắc chắn cuối cùng hai đảng cũng sẽ tìm được tiếng nói chung và trần phải được nới lên nhưng họ sẽ giằng co nhau cho đến phút cuối. Mỗi một phút trôi qua, là mỗi phút thế giới hồi hộp nhìn theo nước Mỹ, nín lặng lắng nghe tiếng đồng hồ tích tắc nhích về phía chạm trần.

Tổng thống Biden vẫn còn một “vũ khí” quan trọng nằm ở câu sau trong Tu chính án số 14: “the validity of the public debt of the United States, authorized by law … shall not be questioned.” để có thể đơn phương hành động mà nâng trần nợ công lên. Câu tiếng Anh này có thể tạm dịch là “tính hợp lệ của khoản nợ công của Hoa Kỳ, được pháp luật cho phép… sẽ không bị nghi ngờ.” Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, giữa 3 dấu chấm trong câu trên đó vẫn còn một đoạn và các luật gia và các nhà chú giải Hiến pháp vẫn còn hiểu về nó rất khác nhau, mà bài viết nhỏ này không thể đi sâu hơn.

Tôi cũng tin rằng Tổng thống Biden sẽ không liều lĩnh sử dụng “vũ khí” quan trọng đã được thông qua hơn 150 năm trước hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau để rồi lại phải đối mặt với những cáo buộc pháp lý đi kèm và biết đâu lại phải ra toà án vì một hành động cũng chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.

nh hưởng của việc vỡ nợ

Mỹ đang là quốc gia có tổng tài sản quốc dân lớn nhất thế giới nhưng cũng nợ nhiều nhất thế giới trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai chủ nợ lớn nhất.

Nếu như Mỹ vỡ nợ, hàng loạt hệ luỵ sẽ ra đời và không biết thế giới sẽ phản ứng ra sao. Hàng loạt khuyến cáo về sư hỗn loạn và thảm hoạ kinh tế đã được các chuyên gia đưa ra và chậm trễ ngày nào uy tín kinh tế của Hoa Kỳ càng giảm trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và chủ nợ cho vay thì đang như ngồi trên đống lửa.

Chúng ta đang sống thực sự trong một thế giới đầy bất định. Loài người đã phát minh ra tiền tệ và cả hệ thống tài chính tín dụng khổng lồ để hành động trong đó. Giống như một không gian đang phình ra ngày một to lớn, phong phú và đa dạng đến mức gây bất ngờ cho cả những người giỏi nhất thì sớm hay muộn có một điều gì đó cũng xảy ra ngoài nhận thức thông thường của chúng ta.

Cha đẻ của AI đã lên tiếng khuyến cáo về sự nguy hiểm của nó và cảnh báo đến lúc nó có thể vượt con người. Tương tự như vậy, những hệ thống thông tin tài chính kinh tế đã được loài người sáng tạo ra với vô vàn khái niệm và phát triển hàng ngàn năm nay, cuối cùng cũng có thể bị sụp đổ hoặc biến đổi sang một kiểu gì đó.

Cá nhân tôi cho rằng, trần nợ công nói riêng, các chỉ số về hệ thống kinh tế nói chung cũng chỉ là những hình thức “pháp lý” do loài người xây dựng nên, còn chiếc xe thì vẫn chạy, động cơ trong nhà máy vẫn quay và con gà trên bàn ăn vẫn còn đó.

Tôi cũng nhìn thấy sức lao động chăm chỉ và bền bỉ ở những người Mỹ, đặc biệt là những người nhâp cư đang vô cùng hăng say làm việc để tạo ra của cải vật chất, tôi tin nó vẫn còn có sức sống và tiếp tục dẫn dắt thế giới đi lên dù có vỡ nợ hay không.

Nước Mỹ to là ở chỗ đó

Wednesday, May 17, 2023

VỤ ĐƯỜNG VĂN THÁI VÀ NHỮNG HỆ LUỴ


 

Việc bắt cóc người trong lãnh thổ quốc gia khác đã xảy ra từ lâu, không hiếm, đặc biệt là những quốc gia “Chí Phèo” như Triều Tiên (*) nhưng chưa bao giờ nở rộ như giai đoạn từ 2010 cho đến hiện nay.

Ngày 13/4/2023, Đường Văn Thái bị bắt cóc và tống lên một chiếc xe bán tải hiệu Mitsubishi màu trắng tại Thái Lan, sau đó một ngày truyền thông Việt Nam đưa tin đã bắt được ông “xâm nhập biên giới trái phép qua đường mòn lối mở” ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Cách nay bốn năm, ngày 26/1/2019 Nhà báo Trương Duy Nhất bị mất tích tại Trung tâm thương mại Future Park, ở Bangkok, Thái Lan. Ngày 28/1/2019 công an Hà Nội đột ngột thông báo đã bắt được ông Nhất tại Đồn công an Phường Dịch Vọng, Hà Nội.

Và 23/7/2017 Trịnh Xuân Thanh bất ngờ bị ấn vào một chiếc xe trên một đại lộ ở thủ đô Berlin, cách không xa Phủ Thủ tướng Đức Quốc. Ngày 31/7/2017, Bộ Công An Việt Nam cho biết nghi can Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự của cơ quan an ninh tại Hà Nội.

Có thể cho rằng tất cả những nhân vật trên đều là nạn nhân những vụ bắt cóc của công an Việt Nam và đó chỉ là những vụ việc tiêu biểu đã được nhận diện từ thông tin trên truyền thông Việt Nam, còn hàng loạt vụ bắt cóc đã được công chúng đề cập nhưng không được loan báo chính thức khác.

Vậy nguồn gốc và căn cứ pháp lý ở đây là gì và Công pháp Quốc tế đề cập đến vấn đề này ra sao?

Nguồn gốc và căn cứ của sự bắt cóc

Việc bắt cóc người trong lãnh thổ quốc gia khác đã xảy ra từ lâu, không hiếm, đặc biệt là những quốc gia “Chí Phèo” như Triều Tiên nhưng chưa bao giờ nở rộ như giai đoạn từ 2010 cho đến hiện nay.

Sau đại hội 18 của ĐCS Trung Quốc vào năm 2012, Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử với tên gọi “đả hổ, diệt ruồi”, trong đó có phối hợp với các quốc gia trên thế giới để truy lùng tội phạm tham nhũng thông qua chiến dịch “lưới trời” và “săn cáo”.

Tham khảo Tân Hoa Xã, Reuters thống kê, từ 2012 cho đến 2018, Trung Quốc đã bắt giữ 4,141 tội phạm kinh tế từ 90 nước trên khắp hành tinh. Cũng Tân Hoa Xã khoe Trung Quốc đã “đưa được” khoảng 10.000 kẻ đào tẩu về nước.

Ngoài chuyện bắt cóc các tội phạm kinh tế, tham nhũng, Trung Quốc còn “săn” những cá nhân bất đồng chính kiến hoặc vận động cho tự do, dân chủ ở Trung Quốc như vụ bắt cóc Michel Gui tại Thái Lan, hoặc Howard Lam ở Hông Kông.

Giống như “người anh phương Bắc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng mà người Việt thường ví von là “đốt lò”, trong đó cũng có “săn cáo” ở một số nơi.

Tuy nhiên khác với Trung Quốc, tất cả các vụ bắt cóc mà công an Việt Nam thực hiện bên ngoài lãnh thổ đều không phải là truy tìm - cưỡng bức những cá nhân tham nhũng, tội phạm kinh tế về quy án, nạn nhân các vụ bắt cóc, kể cả Trịnh Xuân Thanh (đã bị phạt do tham nhũng) đều nhằm củng cố quyền lực chính trị nên đã gây hệ luỵ rất xấu trong quan hệ quốc tế, kể cả vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Trương Duy Nhất và mới đây là Đường Văn Thái.

Phải nói thẳng rằng việc cưỡng bức ai đó , đưa họ từ bên ngoài vào bên trong lãnh thổ để xét xử là vi phạm luật pháp quốc tế .

Ngày 23/10/2010, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một công ước quốc tế về Bảo vệ mọi người không bị mất tích do cưỡng bức” (International Convention for the Protection of All Persons from Enforced Disappearance). Điều 1, khoản 2 của công ước này minh định, không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để biện minh cho việc bắt cóc hoặc thủ tiêu. Điều 3 của công ước này còn yêu cầu các quốc gia điều tra và đưa những người, những nhóm đã tiến hành bắt cóc ra trước công lý.

Tuy không thừa nhận đã bắt cóc nhưng do tin điều đã làm là… chính đáng, nên một số cá nhân có liên quan đến hoạt động bắt cóc do chính quyền Việt Nam thực hiện đã khoe chuyện được Nhà nước vinh danh bởi đưa Trịnh Xuân Thanh về nước - ít nhất đã có 12 chiến sỹ được tặng huân chương chiến công nhất, nhì và ba vì “có thành tích xuất sắc tham gia kế hoạch VT17”.

Vậy chẳng lẽ cứ tội phạm trốn ra nước ngoài thì không thể đưa về được hay sao?

Dẫn độ và hỗ trợ tư pháp quốc tế

Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia có thể thiết lập Hiệp định tương trợ tư pháp (Mutual Legal Assisstance Treaty – MLAT). Đa số MLAT là song phương nhằm hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề về tư pháp cả trong lĩnh vực dân sự lẫn hình sự.

Nội dung chính của các h iệp định tương trợ tư pháp thường xác lập cách thức trợ giúp lẫn nhau trong việc tống đạt giấy tờ đến các đương sự, ủy thác điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ, chuyển giao đồ vật, tài sản, dẫn độ công dân, công nhận và thi hành các bản án của nhau.

Cho đến cuối năm 2022, Việt Nam đã ký kết hơn 60 điều ước quốc tế và 25 hiệp định tương trợ tư pháp hình sự đang có hiệu lực thi hành trong khi Mỹ có 19 hiệp định tương trợ tư pháp đang có hiệu lực. Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nào với Thái Lan nhưng các quốc gia trong ASEAN có một điều ước về tương trợ tư pháp hình sự.

Theo Luật tương trợ tư pháp của Việt Nam (số 08/2007/QH12) thì nguyên tắc tương trợ tư pháp phải “được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi ”.

Trong trường hợp chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì phải hoạt động trên nguyên tắc “có đi có lại”, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Xét trên bề nổi và căn cứ vào công pháp quốc tế thì rõ ràng vụ bắt cóc Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái tại Thái Lan là vi phạm chủ quyền, quyền toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan. Sự việc tương tự cũng đã xảy ra với Trịnh Xuân Thanh tại Đức và đó là lý do Toà án Đức đã bắt các nghi phạm đem ra xét xử. Đã sáu năm nhưng chính phủ Đức và một số quốc gia ở châu Âu như Slovakia vẫn đang tiếp tục điều tra và truy nã những tội phạm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, xâm hại chủ quyền của họ.

Bởi vậy, không thể loại trừ khả năng Thái Lan cũng điều tra và đem những kẻ bắt cóc Đường Văn Thái ra xét xử như vụ Trịnh Xuân Thanh. Dựa trên những gì đã biết, có hai tình huống có thể xảy ra từ phía Thái Lan:

Thứ nhất: Nếu Việt Nam đã thông báo và Thái Lan xem Đường Văn Thái chỉ là một tội phạm hình sự, họ có thể bắt giữ và trao cho phía Việt Nam. Điều đó có thể giúp Thái Lan nhận lại những công dân Thái đang ẩn náu tại Việt Nam vì chống chính quyền Thái hiện tại theo phương thức “có qua có lại”. 

Thứ hai là phía Việt Nam chủ động bắt cóc, thực hiện một chuyên án giống như “Kế hoạch VT17” với Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017. Mật vụ của Việt Nam “bí mật” theo dõi và thực thi hoạt động tội phạm ngay trên lãnh thổ Thái Lan, cưỡng bức Đường Văn Thái về Việt Nam, rồi lu loa về việc Thái “xâm nhập trái phép”. Ông sẽ chỉ bị phạt hành chính về hành vi này nhưng sau đó sẽ bị khởi tố, truy tố và xét xử bởi một điều khoản khác trong chương các tội phạm về an ninh quốc gia của Bộ Luật hình sự.

Tình huống này sát diễn biến thực tế vì cảnh sát Thái Lan từng bảo với báo chí Thái Lan rằng họ đã liên lạc với Việt Nam để yêu cầu cung cấp thông tin nhưng Việt Nam “chưa trả lời” và sau khi loan báo Đường Văn Thái bị bắt vì “xâm nhập trái phép”, cảnh sát Thái Lan thắc mắc Việt Nam không nói gì thêm về Đường Văn Thái, kể cả công bố quyết định định khởi tố.

Hệ luỵ của việc bắt cóc và can thiệp nội bộ

Việc Trương Duy Nhất và nay là Đường Văn Thái bị bắt cóc đã tạo nên tiền lệ nguy hiểm.

Hiện nay đang có rất nhiều người vận động cho tự do, dân chủ tại Việt Nam bị truy bức đến mức phải đào thoát sang Thái và tạm cư tại đó để chờ được cứu xét tị nạn ở nước thứ ba. Họ có nguy cơ đột nhiên “mất tích” rồi xuất hiện trong một nhà tù ở Việt Nam và không thể biết họ là nạn nhân của một vụ “bắt cóc ” hay là kết quả từ, rất có thể, sự “tương trợ ngầm” theo kiểu “có đi có lại” giữa hai chính quyền Việt – Thái?

Vấn đề bây giờ là các tổ chức nhân quyền và các cá nhân đang tạm cư chờ tị nạn tại Thái Lan phản đối mạnh mẽ đến mức nào, có theo sát - thúc đẩy lời hứa sẽ điều tra của cảnh sát Thái Lan về những trường hợp như từng xảy ra đối với Trương Duy Nhất và Đường Văn Thái đồng thời yêu cầu công khai kết quả điều tra để xác định sự thực thế nào?

Chỉ khi hai sự kiện này được bạch hóa và công chúng được biết chính xác, những người đã “mất tích” là nạn nhân của riêng chính quyền Việt Nam hay là nạn nhân của sự hợp tác ngấm ngầm trái với luật pháp quốc tế giữa Việt Nam hay Thái Lan để triệt hạ các tiếng nói từ nước này “chống lại” nước kia như đã khẳng định trong tuyên bố chung Việt-Thái thì mới có các hành động tiếp theo.

Như chúng ta cũng đã biết, gần đây đài VOA đã phát đi một phóng sự đăc biệt về việc chính quyền Nga mượn tay Việt Nam đàn áp kiều dân phản đối chiến tranh tại Ukraine. Mặc dù Việt Nam đã bác bỏ nhận định đó nhưng các nhân chứng trưc tiếp vẫn đang hiện diện và những nghi vấn vẫn tiếp tục được củng cố. Trong quá trình trao đổi thì đại diện phía Viêt Nam đều khẳng định sẽ không cho bất cứ cá nhân nào “sử dụng Việt Nam” để chống lại nước khác (chống lại Nga).

Cùng với việc khi Australia phát hành đồng tiền xu có hình quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, Việt Nam lên tiếng phản đối, đồng thời yêu cầu “dừng lưu hành”. Đây có lẽ là bước leo thang mới về việc các quốc gia can thiệp vào nội bộ của nhau và không loại trừ sẽ có những nạn nhân mới nếu chúng ta không lên tiếng mạnh mẽ đòi bạch hoá.


Nguồn: Bài đăng trên VOA tại đường link sau: https://www.voatiengviet.com/a/vu-duong-van-thai-va-nhung-he-luy/7095481.html

"CÔNG LÝ" HAY "TƯ LÝ" TỪ VỤ CÔ GIÁO LÊ THỊ DUNG

 


Một giáo viên tốt và là một đảng viên đã dũng cảm để đứng lên tố cáo những sai phạm giờ bị kết án nặng nề chính là vết nứt của một chính quyền cơ sở. Nó đang lan ra cùng với sự xôn xao của dư luận. 

Vụ việc cô giáo Lê Thị Dung, ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đang gây ồn ào trong dư luận. Mạng xã hội xôn xao, các chuyên gia pháp lý cũng đăng đàn phát biểu và bàn tán riêng tư khá nhiều.

Ban Tuyên giáo Nghệ An cho biết đã có 26 tờ báo đưa tin về vụ việc này, Ban này cũng đã phải họp để chấn chỉnh báo chí, yêu cầu tránh “giật tít, câu view”.

Ngày 8/5/2023 thường trực tỉnh uỷ đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung sự việc. Dư luận đang ngóng chờ phiên phúc thẩm dự kiến sẽ sớm diễn ra.

Tại sao vụ việc được quan tâm

Vụ việc được quan tâm vì phiên toà sơ thẩm cấp huyện này chia ra thành ba đợt trong vòng 14 ngày (từ 7/4/2023 đến 24/4/2023, hai luật sư bị đuổi ra khỏi toà, cô giáo Dung bị truy tố theo Điểm B, khoản 2, Điều 356 BLHS và bị tuyên phạt đến 5 năm tù do hành vi thanh toán sai quy định, hưởng lợi chỉ 44,7 triệu đồng trong hơn 6 năm. Ngay từ đầu bà Dung đã chống lại vụ án và sau phiên sơ thẩm bà kháng cáo yêu cầu tòa cấp trên hủy bỏ bản án sơ thẩm số 17/2003/HS-ST.

Phiên toà này gây bão bất bình vì có vẻ như nó minh chứng, thay vì bảo vệ và thực thi công lý, hệ thống tư pháp lại dung nạp hai khuynh hướng mâu thuẫn với nhau: hoặc bao che hoặc trả thù. Phiên toà diễn ra trong lúc cảm thức chung của nhân dân là những người dân thấp cổ bé miệng có thể chịu những bản án nặng nề trong khi các quan chức làm thất thoát hàng triệu đô la chịu những bản án nhẹ nhàng.

Bản án gây bất bình còn vì truy cứu trách nhiệm hình sự một cá nhân nhưng bỏ qua tập thể có liên quan. Việc kết án đề cập đến “Quy chế chi tiêu nội bộ” vốn là sản phẩm tập thể, đã được tập thể thông qua nhưng chỉ có bà Dung phải chịu trách nhiệm và gây xôn xao vì hiện có hàng chục ngàn đơn vị “sự nghiệp có thu” trên đất nước Việt Nam đang sống không chỉ bằng tiền lương mà bằng chính “quy chế ăn chia” ngoài lương y hệt như vậy.

Có ý kiến cho rằng “nếu áp dụng đúng như trường hợp của Dung thì có thể bắt tất cả các hiệu trưởng từ trường tiểu học đến đại học và các giám đốc của bất cứ đơn vị sự nghiệp có thu nào trên đất nước Việt Nam” vì hầu hết đều có “Quy chế chi tiêu nội bộ” thể hiện qua thỏa thuận miệng hoặc chữ viết, có và không chính thức được công bố, phê chuẩn.

Bản án cũng đi ngược lại với cách thức xử lý sai phạm phổ biến hiện nay: Đó là “cha chung không ai khóc” và “tập thể ăn chung, chịu chung trách nhiệm”. Trong bối cảnh pháp lý và xã hội Việt Nam hiện tại, hầu hết những tội phạm cỡ bự đều đã dễ dàng chui qua cửa “tập thể” để rũ bỏ trách nhiệm cá nhân. Dường như chỉ có lần này bà Dung bị “sập” bẫy. Chính sự khác biệt này khiến công chúng thắc mắc.

Căn cứ pháp lý và bản chất

Thẩm phán cho rằng bà Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng “Quy chế chi tiêu nội bộ” để rồi căn cứ vào đó chi sai cho chính mình và hưởng lợi với “hai lần trở lên”, nên áp dụng khoản 2, Điều 356 để xét xử bị cáo với mức năm năm tù, đây là mức thấp nhất của khung quy định ở Khoản 2, vốn từ 5 năm đến 10 năm tù giam. 

Nhưng điều đó là trái với tinh thần của Khoản 2, Điều 8, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Tối cao khi giải thích luật. Theo Nghị quyết đó thì phải thoả mãn cả hai tình tiết định khung: “Mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm và tổng giá trị tài sản chiếm đoạt phải thuộc khung hình phạt tăng nặng” (số tiền gây thiệt hại lẽ ra phải từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng trong khi “thiệt hại” của vụ án này chỉ là 44,7 triệu).

Thêm nữa, một căn cứ quan trọng của cấu thành tội phạm hình sự là phải có lỗi. Trong trường hợp này phải là lỗi cố ý. Bà Dung cương quyết không nhận tội vì theo bà, quy chế đã được công khai, được thông qua tại đại hội công chức, viên chức và đã được nộp lên Phòng Tài chính và Kho bạc Huyện Hưng Nguyên xem xét, giám sát. Quy chế này cũng đã được thực hiện hơn sáu năm mà không hề có cơ quan nào thanh tra, kiểm tra, chỉ ra sai sót hoặc xác định đó là vi phạm pháp luật.

Để hiểu bản chất của vụ án này cần phải mổ xẻ hai văn bản pháp luật quan trọng là Quyết định số 169/QĐ-TW của Ban Bí thư BCH TƯ đảng ban hành ngày 24/6/2008 về Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cấp uỷ viên các cấp và Thông tư số 28/2009/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục ban hành ngày 21/10/2009 quy định về Chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Cơ quan thanh tra giáo dục và cả Ban Bí thư cần minh định những văn bản vừa dẫn có giá trị hay không. Nếu có, tại sao hành vi của bà Dung (làm theo hai văn bản ấy) lại là có tội?

Mặt khác, trong phiên toà này, thẩm phán không tôn trọng quyền có người bào chữa của bị cáo và bắt bị cáo phải tự bào chữa. Thẩm phán còn cho cảnh sát tư pháp áp giải luật sư ra khỏi toà. Đây là hành vi xâm phạm thô bạo luật tố tụng hình sự.

Điều bất nhân của hệ thống tư pháp còn thể hiện ở chỗ tạm giam bà Dung cả năm trước khi đưa ra xét xử. Bà Dung bị “khởi tố và bắt giam vào tháng 3/2022” và cả năm sau mới đem ra xét xử, là trái với Khoản 1, Khoản 2 Điều 173 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015.

Trong suốt quá trình xét xử, bà Dung tố cáo bà bị bức cung, ép cung ở giai đoạn tạm giam nhưng đại diện Viện Kiểm sát lại cho rằng đó là biểu hiện “ngoan cố” của bà Dung.

Lập luận nguy hiểm của Toà án Huyện Hưng Nguyên

Một trong những lý do toà án đưa ra là “Bà Dung đã không nhận tội và không khắc phục hậu quả nên toà án đã tuyên mức án như trên”. Lập luận này là hết sức sai lầm và nguy hiểm. Một bị cáo kêu oan với toà, nghĩa là họ tin rằng có sự sai lầm trong điều tra, truy tố, và xét xử. Điều bà tha thiết cầu mong là công lý. Thành khẩn không phải là thừa nhận mình sai và xin khoan hồng dù mình tin mình không sai.

Trong rất nhiều vụ án, “nước mắt, sự ăn năn và sự cầu xin” đã giúp hàng loạt tội phạm giảm được hàng chục năm tù, trong khi việc “ngẩng cao đầu, tự tin vào công lý và hành vi của mình” đã đưa nhiều người vận động cho tự do, dân chủ ở Việt Nam bị phạt kịch khung.

Với niềm tin vào công lý và sự đúng đắn trong hành vi của mình thì sự thành khẩn nhất của bị cáo chính là kêu oan. Suy đoán vô tội và tin vào sự “oan ức” của bị cáo phải là ưu tư cao nhất của các thẩm phán khi đưa ra phán quyết chứ không phải là nỗ lực “khuất phục” đương sự bằng một bản án thật nặng, kiểu “cứng đầu thì phạt cho bõ ghét”.

Các nhà làm luật luôn tạo ra một khoảng trong mức phạt - khung hình phạt, đó chính là cơ sở cho thẩm phán có không gian lượng hình khi xem xét các tình tiết cụ thể, nhưng thẩm phán của Toà Hưng Nguyên đã bỏ qua tất cả những yếu tố đó và tuyên một bản án nặng nề với bà Dung.

Công lý, Đốt lò, hay trả thù nhau?

Khoản 1, Điều 2 Luật tổ chức Toà án Nhân dân minh định rằng Toà án “có nhiệm vụ bảo vệ công lý”. Người dân tin vào toà án chỉ khi phán quyết thể hiện cả sự công minh lẫn nhân bản, tiệm cận với công lý phổ quát.

Bản án luôn là kết quả của tiến trình tìm kiếm sự thật trên tất cả các phương diện, kể cả việc xem xét cách diễn giải các tình tiết của hai bên buộc tội và gỡ tội. Bản án cũng chính là ví dụ sống động về cách thể hiện quyền lực nhà nước trong việc bảo vệ và thực thi pháp luật.

Nhìn vào bản án năm năm tù dành cho một cô giáo bị cho là đã làm thất thoát 44,7 triệu, dân chúng chỉ cảm thấy sự bất công, hệ thống tư pháp bị dùng để báo thù riêng và sự tùy tiện của một nền tư pháp, nhìn thấy tư lý chứ không phải công lý. Càng đau đớn hơn khi người dân so sánh với những con sâu mọt đang đục ruỗng ngân sách bằng những khoản tiền khổng lồ vẫn mặc sơ mi và quần tây ra toà rồi ung dung quay về nhà khi phiên toà khép lại.

Theo một số diễn đàn trên mạng và theo suy luận logic thông thường thì bản chất của vụ việc là âm mưu trả thù dai dẳng của một số quan chức địa phương đối với một cô giáo “cứng đầu ngoại tỉnh”. Chính họ đã phối hợp với khối tư pháp để hãm hại bà Dung.

Quả thật, trước đây bà Lê Thị Dung từng bị Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Nghệ An Lê Văn Ngọ ép nhận một giáo viên môn ngữ văn nhưng bà đã từ chối vì “vươt chỉ tiêu và trái với cơ cấu bộ môn”. UBND huyện Hưng Nguyên đã kỷ luật bà, bà đã khiếu nại và UBND tỉnh Nghệ An đã thừa nhận bà đúng nhưng án kỷ luật vẫn không bị thu hồi, bà tiếp tục khiếu nại và sau đó là bị bắt đi tù. Ngoài ra, trên mạng xã hội còn cho rằng vụ án này còn liên quan đến chuyện các quan chức địa phương đang muốn chiếm đoạt đất đai của trung tâm.

Rất nhiều bạn bè và cá nhân tôi đã là nạn nhân của nền tư pháp Việt Nam nhưng chúng tôi chấp nhận vì đối lập với nó về tư tưởng nhưng bà Lê Thi Dung, là người trong hệ thống, là “đảng viên” nhưng có lẽ vì bà là “đảng viên mà tốt” cho nên bà bị cỗ máy “tập thể” đó trả thù?. 

Việc kết án như vậy làm nhiều người nghi ngờ về chủ trương đốt lò, cho rằng thực chất đó chỉ là công cụ để thanh toán các đối thủ, thậm chí để loại bỏ những người tốt một cách có hệ thống.

Một giáo viên tốt và là một đảng viên đã dũng cảm để đứng lên tố cáo những sai phạm giờ bị kết án nặng nề chính là vết nứt của một chính quyền cơ sở. Nó đang lan ra cùng với sự xôn xao của dư luận.

Liệu vết nứt “tư lý” này có được nhận diện và sửa sai bằng “công lý” hay không? Nhân dân đang hy vọng và chờ đợi ở phiên phúc thẩm sắp tới.


Bài gốc đăng trên VOA tại đường link sau: https://www.voatiengviet.com/a/cong-ly-hay-tu-ly-tu-vu-co-giao-le-thi-dung/7094498.html