Monday, January 31, 2022

QUÊN VÀ NHỚ TRONG NĂM 2021



NHỚ VÀ QUÊN ĐỂ ĐÓN CHÀO NĂM HỔ

Năm qua bao nỗi buồn vui. Buồn như đong được nước mắt của dân, vui là vẫn còn ngồi đây đón chào năm mới.

THỜI GIAN CHÓNG QUA 
2021 đã trôi qua. Vào đầu năm, đảng coi rằng Đại Hội đảng đã thành công và là một dấu ấn nổi bật. Tam trụ đã xoay về tứ trụ. Ông Nguyễn Phú Trọng, xổ toẹt lên điều 17 - Điều Lệ đảng CS, tiếp tục nắm giữ quyền lực sang nhiệm kỳ thứ 3.

Sau đó là màn tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trong lúc dịch bắt đầu tràn về, cưỡng bức nhân dân ghi nhận tính chính danh của Nhà nước, dân ngoan ngoắc ách vào, trao quyền đại diện cho 500 ông nghị, dưới sự dắt mũi của đảng kéo cày thêm 4 năm.

Những đợt chống dịch đầy ngạo nghễ hót lên lấp chìm tiếng khóc tủi hờn của những nạn nhân trên mạng xã hội; Những chính sách ngu ngốc, bị động đẩy dân đến chỗ đau thương.

Những rào chắn người, những ‘ba tại chỗ’ đã trở thành ổ bệnh. Những vành khăn tang, tiếng kêu khóc trong cô đơn, những lọ tro cốt....ngập tràn cứ trải dần từ ngày này qua tháng khác của năm 2021.

Dân Sài Gòn chưa bao giờ đau khổ cùng cực đến vậy, bà con lũ lượt rời bỏ thành phố bằng tất cả các phương tiện, báo chí thì viết vừa đủ để gây xúc động nhưng không ra khỏi làn ranh đảng đã vạch cho.

Rúc đầu vào rọ, xong đảng sửa sai, lại khen mình tài. Hầu hết các báo đều đưa tin đậm là đảng đã thành công trong việc ‘chuyển hướng chiến lược’ phòng chống dịch bệnh Covid-19 mà lờ đi tất cả những chính sách sai lầm trước đó.

Giữa oán hận ngút ngàn, đảng đem tốt ra thí, bắt vài con tép riu thuộc ngành y ra xử: vụ Bệnh viện Bạch Mai, vụ nâng khống giá thiết bị.. dân được xả áp lực.

Sau khi Vingroup chuyển tiền đất của dân sang đóng thuế cho Singapore là tuyên bố dừng sản xuất xe xăng tại Việt Nam; Sau tâm thư của anh Dũng đấu giá đất Thủ Thiêm là đến tường trình của anh Quyết còi về vụ bán chui cổ phiếu; Sau vụ Việt Á động trời thì đến các chuyến bay ‘giải cứu’; hết ‘Thiền Am’ là sang ‘Thiền sư’....

Mọi việc cứ trôi đi, chuyện này nối tiếp chuyện kia. Nhân dân cảm tính, vốn nhân từ và dễ quên, đảng thì đã thành thần trong trò làm phép thuật.

Năm 2021 khép lại.

NHƯNG CŨNG CÓ NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI NHỚ:

Nhớ rằng trong mọi biến cố của đất nước, nạn nhân trực tiếp và đau khổ nhất chính là nhân dân. Tổng cục thống kê thông báo riêng Quý 3 có đến 28,2 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhiều nguồn tin khác nói có đến 34 triệu người, tức là hơn 1/3 dân số Việt Nam, bị tác động trực tiếp từ đại dịch.

Chúng ta nên nhớ rằng: giữa dịch bệnh cán bộ luôn là người thắng lợi. Rất nhiều cán bộ không phải đi làm, không phải chi tiêu, ăn nhậu trong khi lương vẫn nhận đều. Bất cứ điều gì họ cũng đổ lỗi được cho dịch. Có phong bì thì dịch thành cơ hội, không phong bì thì dịch là trở ngại. Họ nợ nhân dân giữa đại dịch này 1 khoản đã tích lũy được trong năm 2021 là: Thời gian và tiền bạc.

Chúng ta phải nhớ, dịp cuối năm Quốc hội họp bất thường lần đầu tiên trong lịch sử, đột ngột sửa một loạt chính sách và đưa ra một ‘gói hỗ trợ’ lớn nhất trong lịch sử là 350.000 tỷ đồng (hơn 15 tỷ USD). Khi đưa tiền ra mà không nói lên cơ sở của việc ‘bơm thêm tiền’ nghĩa là đã móc túi của Dân dù bằng lạm phát hay bằng nợ công. Điều đó dự báo một năm mới khó khăn hơn cho dân.

Chúng ta nhớ rằng: Bản chất nhà nước này đã được thiết kế để quyền lực tập trung và tất yếu sinh ra lạm dụng. Chúng ta đã vô tâm khi để những ứng cử viên độc lập bị bắt; chúng ta thờ ơ với lá phiếu của mình; chúng ta đã giao phó vận mệnh đất nước này cho 1 đảng cộng sản thì dù ông Trọng có đau đáu lo nghĩ chuyện đốt lò đến suy sụp cả sức khỏe, củi to, nhỏ vẫn vô vàn, bởi cỗ máy đã thiết kế để các kiểm lâm trở thành lâm tặc.

Chúng ta nên nhớ hiện giờ đang có ít nhất 288 tù nhân lương tâm đang chuẩn bị đón chào năm mới trong ngục tối. Họ đã bị giam cầm vì chỉ cố đòi quyền tự do ngôn luận cho chính mình và cho người khác. Nhiều người mức án rất cao và hầu như trong số họ sẽ được không giảm án.

LO LẮNG VÀ HY VỌNG

Tôi cũng có thể im lặng với một năm 2021 đầy bình an ở vườn Rosen, nơi có thể khóa cửa, trồng rau và nuôi gà, đọc sách và ngâm thơ. Nhưng trách nhiệm công dân dẫn tâm trí tôi hoài niệm về một năm cũ 2021 và ước ao cho một năm mới 2022, bởi tôi thấy mình không vô can. Chúng ta im lặng trước bất công thì đến lúc chúng ta sẽ là nạn nhân của chính nó.

Càng gần tết tôi lại càng thấy lo lắng nhiều hơn cho tương lai đất nước.

Bên trong: Những chủ tập đoàn tư bản thân hữu đã được hình thành, hoạt động lobby chính sách đã ăn sâu trong cơ cấu quyền lực đất nước; tham nhũng đã trở thành văn hóa; dân đã trở nên bàng quan; hầu hết đối lập đã bị truy bắt, toàn trị ngày càng toàn trị.

Bên ngoài: Trung Quốc thì luôn muốn một Việt Nam yếu, còn thế giới thì chỉ mong Việt Nam “không quá tệ”. Nhân loại đang lo lắng với Covid và đang mải mê với những vụ chuyển quân ở vùng Ukraine, đấu khẩu ở Taiwan và những quả tên lửa ngày càng xa của tay chí phèo - Rocketman.

Nhưng vật đổi sao dời. Mùa xuân đang đến.

Chúng ta phải lo cho Việt Nam mình, hãy cố gắng hết sức, trong khả năng có thể, phải chuẩn bị cho sự thăng tiến cá nhân. Yêu nước Việt hơn, lo lắng nhiều hơn, ta sẽ thấy con đường. Where there’s will, there’s way!

Năm mới đã sang, tôi cũng có ước mơ nho nhỏ của riêng mình và xin mến chúc tất cả Anh Chị Em tôi biết, cũng như chưa biết, là người Việt Nam hay bạn bè quốc tế, một mùa xuân thật tươi đẹp, đất trời trổ bông, trong lòng ta cũng hãy nở hoa bạn nhé! Ta đón chào cuộc sống và thời gian trôi như đón chào những ân sủng từ trời.

Tôi để lòng mình giãn nở, nghe lại bài Happy New Year của ABBA và cùng mơ về những đổi thay tốt đẹp.

HAPPY NEW YEAR, ALL MY DEARS!


 



Friday, January 28, 2022


 

                          LUẬT PHÁP VIỆT NAM TẠI SAO VẪN TÙ MÙ VÀ LỘN XỘN? 

 

Những quy định mơ hồ từ Hiến pháp đến các đạo luật, sự cảm tính và duy tình trong tư duy ngôn ngữ, văn hóa Khổng giáo cùng với giới hạn tự do ngôn luận đã làm cho Luật pháp tại Việt Nam trở nên rất mơ hồ trên lý thuyết, vênh nhau trong thực hành.

 

“MẤY NGÀN NĂM LỊCH SỬ” 

 

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất của một quốc gia nhưng ở Việt Nam nó thể hiện sự bất ổn định ( 5 bản hiến pháp trong chưa đầy 70 năm) và lộn xộn về cách thể hiện. 

 

Lời đầu tiên của Hiến pháp 2013 là “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử...”. Vậy mấy là “mấy”? 4,000 năm như trong hiến pháp 1980 hay là 2,700 năm như các sử gia kết luận[1]?. Văn bản tối cao này đã bắt đầu một cách tù mù như vậy dẫn đến hàng loạt khác biệt cho các văn bản quy phạm pháp luật bên dưới. 

 

Điều 2 của Hiến pháp quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” trong khi Điều 4 đột ngột quy định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản lên toàn bộ “Nhà nước và Xã hội’. Số lượng đảng viên chỉ chiếm 5% dân số đã cho thấy sự khiên cưỡng, kiểu điều sau đá điều trước. 

 

Về chính trị, một loạt bộ luật nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp như Luật hoạt động của Đảng CS, Luật biểu tình, luật tiếp cận thông tin, luật về Hội....chưa có, cũng có thể không bao giờ có. 

 

Ví dụ như Luật về  Hội đã bàn khoảng 20 năm nay và dự thảo đến 6 lần rồi chợt im lặng từ 2016 đến nay. 

 

Về kinh tế thì tại điều 51, Hiến pháp 2013 vẫn quy định “Kinh tế nhà nước là chủ đạo”trong khi thực tế đang chứng minh ngược lại, và để giải thích sự vênh nhau trong các văn bản đó, Đảng lại phát triển thêm nhiều thuật ngữ mới như: “Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng”.  Thật vô cùng khó khăn để phân biệt giữa, “chủ đạo, quan trọng và bộ phận quan trọng”. 

 

Đặc biệt, sự phát triển của xã hội hiện tại đang làm cho những diễn đạt của luật pháp và nghị quyết càng ngày càng trở nên lòng vòng, mơ hồ và khó hiểu. Đôi khi để thể hiện một vấn đề đã sai, người ta không nói thẳng là sai và quay lại mà cứ phải đi một vòng cong cong rất dài rồi mới trở lại khái niệm ban đầu. 

 

Hiến pháp quy định là sẽ cụ thể hóa bằng luật mà nhiều luật lại chưa có cho nên có một khoảng trống cho các bộ ngành tự phóng tác theo ý của mình. 

 

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật để ra luật) quy định có đến 26 loại văn bản khác nhau, từ Hiến pháp của Quốc hội đến Quyết định của UBND xã. Nhưng đó chỉ là các văn bản “quy phạm pháp luật” mà chưa kể đến nghị quyết của Đảng cộng sản. Loại văn bản chỉ đạo này là phía sau hậu trường, thường là quan trọng hơn nhưng “chung chung” hơn và dân ít được tiếp cận hơn. 

 

Từ “Nghị Quyết của đảng” dịch chuyển sang “văn bản pháp luật của chính quyền” là một bước rất dễ thao túng, làm lệch lạc sau đó từ văn bản sang thực hành lại là một sự khác biệt lớn nữa. 

 

Thêm nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có các bộ luật điều chỉnh những vấn đề công nghệ, kinh tế mới phát sinh như: Kinh doanh trên mạng, tiền kỹ thuật số, blockchain và fintech...

 

Quốc hội cũng chưa bao giờ thảo luận một cách sâu sắc những chuyện này, thậm chí họ cũng không hiểu nổi khái niệm hoặc thiếu luôn cả từ vựng để giải quyết.  

 

THIẾU TỪ VỰNG VÀ LỖI TẠI TIẾNG VIỆT? 

 

Ngôn ngữ pháp lý lẽ ra phải thật đơn giản, trong sáng và một nghĩa, đột nhiên trở thành những phạm trù vô cùng trừu tượng. Ví dụ như: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”“phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt”.Nghe qua thì rất “vào” nhưng càng nghiên cứu càng thấy mông lung. 

 

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, chúng ta không thể tư duy bên ngoài ngôn ngữ. Dù bạn thạo bao nhiêu thứ tiếng, thì cuối cùng cũng phải dịch ra một thứ tiếng để bộ não hiểu. Các ngôn ngữ phương tây thường có đặc điểm hình thức rất cao và ràng buộc chặt chẽ với nhau. 

 

Ví dụ chia động từ là bắt buộc với nhiều thì, thời, thể, thức khác nhau, thậm chí trong quá khứ còn có cả quá khứ kép –Past perfect, hoặc “hiện tại” vẫn có “hoàn thành tiếp diễn – Present perfect continous”. 

 

Chính vì vậy trước khi nói hoặc viết người phương tây thường phải chuẩn bị rất cẩn thận để sắp xếp trật tự thời gian, giống, số, cách thật logic. 

 

Tiếng việt chúng ta rất đặc biệt, cao vút về âm thanh và vô cùng linh động về hình thái, nghiêng ngả theo từng hoàn cảnh. Cùng một đại từ nhân xưng là “ông” nhưng có thể hiểu là kính trọng, hỗn, hoặc “xách mé” tùy theo hoàn cảnh và cách phát ngôn.  

 

Chúng ta có thể viết và nói ào ào như chim hót và bỏ qua tất cả những trật tự thời gian, cách và giống. Có lẽ cũng vì vậy tư duy của chúng ta thường là không chặt chẽ, logic. Chúng ta duy tình mà không duy lý. Nhưng luật là lý, nếu không duy lý thì luật pháp không thể phát triển được. Xây dựng pháp luật rất cần một thứ ngôn ngữ có logic hình thức cao. 

 

Ví dụ theo tôi khái niệm “thấu tình đạt lý” đã thể hiện sự à uôm và chống lại tư duy pháp lý. Khi nói thế là người ta chỉ mong có được vừa đủ một “hình thức pháp lý” đủ để che cái tình (vốn rộng lớn bao la) mà được coi là quan trọng. 

 

W. Humboldt đã nói “Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”.Đọc các văn bản pháp luật của Việt Nam, tôi thấy nó cũng có cái hồn “uyển chuyển” của một dân tộc trong đó. Nó sẽ rất tốt nếu có một hệ thống tư pháp độc lập và liêm chính nhưng vô cùng tai hại khi nền tư pháp tham nhũng và thối nát. Linh động quá nhiều khi hóa “ba phải”.

 

VĂN HÓA KHỔNG GIÁO ĂN SÂU 

 

Ngoài chuyện tư duy và ngôn ngữ, thì văn hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng văn bản pháp luật của Việt Nam. 

 

Về cơ bản người Việt không thích dùng luật pháp để nói chuyện với nhau, coi đó là một cái gì đó rất “mất tình cảm”. 

 

Do không quan tâm và cọ xát cho nên bản thân luật pháp cũng không phát triển được trong đời sống xã hội, dẫn đến một hậu quả ngược lại là môi trường sống đó cũng nghèo tính “pháp lý” và không giúp nhiều cho quá trình xây dựng luật pháp.

 

Tư duy Khổng Giáo về cá nhân, gia đình, làng xóm cũng ngăn cản việc xây dựng pháp luật một cách mạch lạc và xuyên suốt. Phép vua thua lệ làng hoặc “trên bảo dưới không nghe” phản ánh rõ nét sức kháng cự rất mạnh liệt của văn hóa trước các quy phạm pháp luật chung. 

 

Những quan hệ “vua – tôi”, anh em họ hàng, xâu chuỗi, rễ trong từng làng quê và đặc biệt tính chất “đối nhân” chứ không phải “đối sự” đi ngược lại nguyên tắc cá nhân bình đẳng trước pháp luật. 

 

Nhiều hoạt động kinh tế chỉ thông qua nói mồm, qua loa đại khái. Khi xảy ra xung đột thì cảm thấy oan ức, thiếu thiện lành, mong manh, nức nở. Sau đó 2 bên thường đến luật sư để xả một dòng cảm xúc cá nhân đang dâng trào hơn là để đi tìm những luận giải khả lý. 

 

Nhìn văn hóa khóc lóc van xin của các quan chức và các thẩm phán coi đó là “tình tiết giảm nhẹ” cho thấy sự gian xảo về nhận thức và việc làm của người được đào tạo. 

 

Nền tư pháp đang cổ súy cho việc đó bằng cách xem xét “thái độ” chứ không phải hành vi khi đưa ra các bản án với các mức án rất khác nhau. Đây thực sự là một sự nguy hiểm, đe dọa lâu dài khả năng phát triển tư duy pháp lý của Việt Nam. 

 

DO ĐỘC TÀI VÀ KHÔNG CÓ TỰ DO NGÔN LUẬN

 

Độc tài toàn trị luôn là phản động vì nó chống lại dân chủ, nhân quyền. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia mà còn đi sâu vào tâm hồn của từng cá nhân cụ thể, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng pháp luật.

 

Pháp luật của sự chuyên chế sẽ bóp nghẹt toàn xã hội nhưng trước hết nó làm tổn thương ngay chính những người xây dựng nó.  

 

Thật vậy: tư duy con người là rất hạn chế và thường bị thiên kiến. May mà Thượng cũng đế đã cài cắm cho chúng ta một tình yêu vào sự thông thái (Philosophy). 

 

Từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta cần và muốn nghe phản biện. Đôi khi chúng ta cố cãi nhưng trong tâm can vẫn muốn hiểu xem bên kia sẽ nói gì. Điều này đang đã và đang bị mất đi vì tính toàn trị.  

 

Tháng trước tôi đây có làm trọng tài cho một gia đình đang có mâu thuẫn vì bố thích Trump còn con trai thì ngược lại. Họ đã không trao đổi chuyện chính trị trong gần 2 năm nay nhưng do có tôi là khách, lại thích chính trị, nên ngồi mãi với nhau. Trong suốt cuộc đối thoại, mấy lần người Bố giận dữ đứng dậy nhưng tai vẫn như “vểnh lên” để chờ đợi một phản biện của con trai. Người con trai cũng không thể hiểu nổi tại sao bố mình ủng hộ dân chủ mà lại thích ông Trump và rất muốn tìm hiểu nguyên nhân. 

 

Từ trong sâu thẳm, đối thoại là một đòi hỏi đầy thiên lương. Sau buổi tối đó thật là tuyệt vời vì các bên cuối cùng cũng chế ngự được đam mê, từ bỏ độc quyền lẽ phải, trở nên bao dung hơn, 2 bố con thú nhận là có nhiều nhận thức mới hơn từ “sự tranh luận, phản biện”. 

 

Từ đó về sau họ thường lại nói chuyện chính trị và tôn giáo trong giờ ăn tối.

 

Tương tự như vậy, làm ra một văn bản, đặc biệt văn bản luật, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ, phải xem xét cả bối cảnh quá khứ, hiện tại và tương lai, phải tranh luận nhiều và gay gắt. 

 

Càng tranh luận nhiều chúng ta càng hiểu sâu được phạm vi, hoàn cảnh, dự báo được tương lai và lựa chọn được ngôn ngữ rõ ràng, độc đáo cho các văn bản pháp lý. 

 

Chỉ khi các đại biểu quốc hội của Việt Nam được tự do tư tưởng, dám bày tỏ quan điểm, dám tranh luận, phản biện để cùng xây dựng luật thì hệ thống pháp luật mới thật trong sáng, rõ ràng và dễ áp dụng; 

 

Chỉ khi có tư pháp độc lập, các thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, xem xét mọi việc trên đúng “tinh thần pháp luật” thì luật pháp mới đi vào đời sống thực tiễn và không mơ hồ về lý thuyết. 

 

Như vậy sẽ bớt lôm côm!

 

 

 

 

 

 

 



[1]Các học giả thường kết luận là lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 TCN khi Vua Hùng thành lập nước Văn Lang và đến nay xấp xỉ 2,700 năm. Sách lịch sử lớp 4 của Việt Nam, Trang 11, NXB Giáo Dục, Bài học số 1: “Buổi đầu dựng nước và giữ nước” được dạy cho học sinh là nhà nước Văn Lang ra đời khoảng năm 700 TCN.  

 


        TẠI SAO VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI HIỂU KHÁC NHAU VỀ NHÂN QUYỀN?

 

Nhân quyền trên thế giới và tại Việt Nam, những nhận thức và hành động khác nhau trong lúc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp và đem ra xét xử một loạt nhà hoạt động.

 

Trong thời gian qua nhiều hoạt động về Dân chủ và Nhân quyền được quan tâm thực hiện. Ở cấp cao nhất, chính quyền Biden tổ chức Thượng đỉnh về Dân Chủ với 110 quốc gia tham dự; ở cấp thấp hơn có hàng loạt các hội thảo trực tuyến trên intenet về dân chủ - nhân quyền, và có ít nhất có 2 giải thưởng Nhân Quyền được tổ chức khá quy mô. 

 

Đó là giải thưởng Lê Đình Lượng trao cho Linh Mục Đặng Hữu Nam và Giải Nhân quyền 2021 của Tổ chức Mạng lưới Nhân Quyền trao cho 5 nhà hoạt động[1].

 

DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN – ÔNG NÓI GÀ BÀ NÓI VỊT

 

Dân chủ và Nhân quyền là những khái niệm thường được diễn dịch khác nhau, trên lý thuyết và cả trong thực tiễn. Ai cũng muốn giành phần thắng cho mình.

 

Trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh về Dân chủ[2]tổng thống Hoa Kỳ nói về Dân chủ nhưng đề cập nhiều đến quyền của người dân trong một thế giới tôn trọng những giá trị phổ quát của loài người. Tuy nhiên Hội nghị Thượng đỉnh cũng như Bài phát biểu của ông cũng gây nhiều tranh cãi, ngay từ danh sách khách mời cho đến những nội dung thảo luận.[3]Nhiều người cho rằng nó mang tính biểu tượng và để thỏa mãn một lời hứa khi tranh cử hơn là có tính áp dụng thực tiễn, ngay cả trong xã hội Mỹ.

 

Cũng trong những ngày đầu tháng 12 này, Chính quyền Việt Nam có một loạt bài trên báo chí khẳng định những thành tựu dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội[4]. Chính quyền toàn trị đang kiểm soát truyền thông khẳng định rằng Việt Nam là nước thực sự dân chủ, quyền con người được đảm bảo trên lý thuyết và thi hành trong thực tế bằng hàng loạt chính sách ưu việt và hàng triệu người đã được thụ hưởng trong hàng chục năm qua. 

 

Nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam là công bằng trong tiếp cận Vaccine, xóa đói giảm nghèo, quyền phụ nữ, trẻ em, ngừoi khuyết tật, người đồng tính... đã được nâng cao. Trong khi đó, thế giới cho rằng nhân quyền quan trọng nhất là quyền về chính trị, nơi mọi người sinh ra đều có những quyền đương nhiên như “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình”

 

Việt Nam còn gắn Nhân quyền với các khái niệm về quyền tập thể, của quốc gia trong khi trên thế giới nói đến Nhân quyền là hướng đến quyền đương nhiên của từng cá nhân cụ thể trong xã hội loài người và không một quốc gia nào có thể “ngầm diễn dịch để phá hoại các quyền đó” [5]

 

 

Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 mà Việt Nam là một bên đã ký kết tham gia. 

 

Mâu thuẫn về lý thuyết đã có từ lâu khi Hồ Chí Minh trích tuyên ngôn nhân Độc lập của Hoa Kỳ rằng “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam rồi sau đó tiến hành XHCN và tuyên truyền rằng “Dân chủ XHCN là gấp triệu lần dân chủ tư sản”.

 

Điều 2 Hiến pháp của Việt Nam quy định “Nước CHXHCNVN là “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” không khác câu nói của Abraham Lincoln năm 1963 là “Government of the people, by the people, for the people” nhưng trong thực tế vô cùng khác nhau. Một chế độ là của dân nhưng do Đảng lãnh đạo còn một chính quyền là do bầu cử tự do.

 

Đó chính là kiểu “ông nói gà bà nói vịt” về một con “gia cầm”. Việc diễn giải về lý thuyết đó nó nguy hiểm khi dẫn đến những hành động thực tế là Nhà nước sẽ “ăn thịt” hay “nuôi dưỡng” chúng.  

 

Chính quyền Việt nam cũng thường xuyên lên án các quốc gia phương tây đã sử dụng con bài “Dân chủ - Nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước Việt Nam trong khi họ quên rằng mình đã đặt bút ký vào công ước quốc tế Nhân quyền. 

 

THÁI ĐỘ CỦA CÁC ĐẠI SỨ QUÁN PHƯƠNG TÂY 

 

Gần đây, các chính quyền phương tây đang bận tâm với 1 loạt vấn đề nổi cộm trong nước của họ và 2 vấn đề lớn trên thế giới đụng đến 2 cường quốc. Đó là: Đài Loan trong tương quan với Trung Quốc và Ukraine trong tương quan với Nga. Vì tính chất quan trọng trong vị trí địa lý của mình, Hoa Kỳ và Liên Âu có vẻ sẵn sàng dành ưu tiên cho mối quan hệ ngày càng nồng thắm với Việt Nam hơn là can thiệp vào các vụ án cụ thể để rồi làm khó xử cho 2 bên.  

 

Cách đây khoảng 5-10 năm các Đại sứ quán phương Tây đều lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ những tiếng nói đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Các Đại sứ quán hoặc tùy viên chính trị phương tây thường xuyên có các cuộc gặp gỡ những nhà đấu tranh dân chủ trong nước cùng một lúc và sẵn sàng chụp ảnh công khai. 

 

Thậm chí tôi còn nhớ hình ảnh một tùy viên chính trị của Đức phóng xe máy đến Công an phường Xuân La quận Tây Hồ, sẵn sàng tham gia góp sức cùng “bà con” đòi công an thả luật sư Trần Vũ Hải khi đang bị tam giữ ở đó. Nhiều Đại sứ quán các nước kiên quyết đề nghị được tham dự phiên tòa xét xử các nhà hoạt động, bên ngoài tòa án là rất nhiều người dân phản đối biểu tình. 

 

(Hình ảnh Tùy viên chính trị Felix Schwarz đi xe máy đến đứng trước đồn công an phường Xuân La cùng các luật sư để phản đối việc bắt giữ Luật sư Trần Vũ Hải vào tháng 11 năm 2015)

 

Mấy năm gần đây, các Đại sứ quán thường chỉ gặp riêng các nhà hoạt động bằng việc mời nhau ăn sáng hoặc ăn trưa để hỏi chuyện mà không muốn chụp ảnh chung. Trước đây họ thường động viên phổ biến công khai cuộc gặp còn giờ đây họ nói là không nên đưa thông tin lên mạng vì có những sự tế nhị nhất định. 

 

Họ nhắn nhủ về sự an toàn thay vì khích lệ. Có đại sứ còn thẳng thắn chia sẻ rằng các cuộc đối thoại “nhân quyền” song phương giữa họ với Việt Nam ngày càng trở nên hình thức và “dễ chịu” hơn nhiều. 

 

 ÁN TĂNG VÀ GIÁ MẶC CẢ TĂNG LÊN 

 

Dù luôn nói có tự do dân chủ nhưng từ nay đến cuối năm hàng loạt nhà hoạt động sẽ bị đem ra xét xử về tội tuyên truyền chống nhà nước[6]. Tất cả những người này đều thực hành quyền tự do dân chủ đã được thế giới ghi nhận trong tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 và Hiến Pháp Việt Nam 2013. 

 

Ngày hôm qua, 14/12 Bà Phạm Thị Đoan Trang bị kết án 9 năm tù giam trong khi VKS đề nghị mức án 7-8 năm, làm ta nhớ đến Ông Lê Đình Lượng, bị tòa án kết án 20 năm trong khi VKS chỉ đề nghị mức án 17-18 năm. Các thẩm phán đều cho rằng vì “thái độ ngoan cố” nhưng họ cũng tính toán “thái độ” của các phản ứng. 

 

Lần lượt các hiệp định thương mại cũng đã được ký và giá mặc cả đã tăng lên. Việc ra đi nước ngoài cho các tù nhân đang thụ án cũng khó khăn. Với vị trí địa chính trị của mình, Việt nam đang trở nên ngày càng quan trọng trong bối cảnh quốc tế dồn sức đối phó với Trung Quốc và các vấn đề toàn cầu khác. 

 

Ở chiều ngược lại, Chính quyền cho rằng vị thế mình đã lên cao và đồng nghĩa với việc Nhân quyền được cải thiện. Các tiếng nói lên án ngày càng hiếm hoi do sự đàn áp đã tạo ra cảm giác rằng chính quyền đang nhận được sự đồng thuận lớn của Nhân dân. 

 

Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể chứng minh sự cải thiện nhân quyền bằng việc bắt giữ và kết án nặng nề các nhà hoạt động. Cách đây 10 năm, các tổ chức dân sự được thành lập rất nhiều và hoạt động khá sôi nổi, còn bây giờ chính quyền truy lùng đến các nhóm, các trung tâm chưa thể hiện nhiều thái độ với nhà nước nhưng vẫn được coi là mầm mống của xã hội dân sự, nơi sẽ thách thức tính toàn trị của Nhà nước[7]

 

Điều đáng buồn là một thể chế lại cứ tỏ ra hiếu thắng, thậm chí tàn ác với những người yếm thế hơn mình nhưng luồn lách với kẻ mạnh. Điều này rất đúng với các đại ca ở trong tù. Những phạm nhân mà quỳ xuống liếm giày thường là kẻ sau đó bị các đại bàng đánh cho nhiều nhất. 

 

Phải chăng đây là học thuyết “ngoại giao cây tre” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chỉ đạo trong Hội nghị Đối Ngoại toàn quốc?

 

Theo tôi, thì cái giá mà xã hội Việt Nam phải trả chính là sự nghi ngờ về tính chính đáng, lòng bao dung của nhân dân đối với nhà nước chứ không phải là những Điều khoản mơ hồ đang đè nặng lên các nhà hoạt động. Một bản án nặng nề khi áp lên những nhà bất đồng chính kiến, tự nó đã trả lời cho nền chuyên chế, phi dân chủ và vi phạm quyền con người. 

 

Khi lượng hình theo điều 117, các thẩm phán thường dựa vào hậu quả của hành vi là “gây hoang mang dư luận”. Trên thực tế những bản án nặng nề và bất công dành cho các nhà bất đồng chính kiến mới là những thứ thực sự “nguy hiểm và “gây hoang mang dư luận” nhất. Chắc chắn nó tích tụ và đến lúc nó “xâm phạm” đến sự vững mạnh của chính quyền vì khát vọng tự do là không thể bị dập tắt bằng sự chuyên chế. 

 

Vì vậy, thay vì những bản án nặng nề, hãy trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến. Đó chính là cách thực hành dân chủ và nhân quyền cụ thể và rõ ràng nhất, nó cũng góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do và khai phóng. 

 

 



[1]Lễ trao giải Nhân quyền Lê Đình Lượng cho Cha Đặng Hữu Nam vào ngày 11/12 và lễ trao giải của Mạng Lưới Nhân Quyền cho 5 thành viên, gồm 3 người trong gia đình chị Cấn Thị Thêu, Nguyễn Văn Túc và Đinh Thị Thu Thủy; 

[2]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/12/10/remarks-by-president-biden-at-the-summit-for-democracy-closing-session/

[3]https://time.com/6127359/biden-summit-for-democracy/

[4]https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-nam-no-luc-quyet-tam-cao-trong-viec-bao-ve-quyen-con-nguoi-679986

[5]Điều 30, Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948

[6]Họ là: Bà Phạm Đoan Trang bị xét xử ngày 14/12 theo Điều 88- BLHS 1999, Ông Trinh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm bị xét xử ngày 15/12; phúc thẩm Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vào ngày 24/12 và Ông Lê Trọng Hùng có lịch ra tòa vào ngày 31/12

[7]Việc bắt giữ Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách về tội trốn thuế bị cho là do các ông này làm giám đốc các trung tâm có thể tạo nên nền tảng tự do cho các xã hội dân sự ở Việt Nam. 

 

TƯ BẢN ĐỎ THAO TÚNG TRUYỀN THÔNG NHƯ THẾ NÀO? 

 

Tại Việt Nam, ngoài Ban tuyên giáo, các tập đoàn tư nhân cũng tiếp tay trong việc khống chế truyền thông. Đó là cách để vinh danh chính họ đồng thời củng cố quan hệ lợi ích hữu cơ giữa chính quyền và nhà tư bản đỏ.

 

 

Ở Việt Nam truyền thông do Ban Tuyên giáo quản lý, cho nên người ta nói: “Có nhiều tờ báo nhưng vẫn chỉ có một ông Tổng biên tập tối cao là trưởng ban tuyên giáo”. Chính vì vậy người ta có “giao ban báo chí” hàng tuần và tất cả những việc gì cần đưa, đưa đến mức độ nào, cách đưa ra sao đều được định hướng đến từng tờ báo. 

 

Chính vì vậy có những vụ việc nhức nhối tràn lan trên mạng xã hội như vụ Tô Lâm ăn bò dát vàng ở Anh, không có được một dòng tin, dù là ngắn ngủi nào xuất hiện trên báo chí. Nhưng một cái vụ nữ sinh ăn trộm đồ ở Thanh Hóa được rất nhiều báo đưa tin, phân tích và bình luận với nhiều chiều kích khác nhau.  

 

TẬP ĐOÀN TƯ NHÂN THAM GIA BỊT MIỆNG NHÀ BÁO 

 

Ngoài Ban tuyên giáo, các tập đoàn tư nhân cũng phối hợp tham gia quản lý kiểm soát và không chế truyền thông. 

 

Các tập đoàn như Vingroup, Sungroup, Ecopark, Novaland, FLC đang tồn tại như những đế chế truyền thông riêng, tham gia vào bịt miệng rất nhiều người muốn nói lên sự thật, đặc biệt là mâu thuẫn đất đai. 

 

Họ vừa sử dụng công cụ kinh tế là tài trợ cho các báo bằng các hợp đồng truyền thông vốn có giá trị từ 1-2 tỷ cho một báo/năm vừa sử dụng quyền lực để can thiệp, yêu cầu sửa, xóa bài. 

 

Nếu sự việc lớn hơn, họ sẽ dùng tất cả các kênh của mình đánh lại, và nếu đuối lý họ sẽ sử dụng công an. Gần 5 năm trước, một người Luật sư đàn anh đã gọi điện cho tôi vào lúc 11h tối để nhờ gỡ một status của mình nói về đất đai của Vingroup khi tôi vừa post lên được 5 phút. 

 

Nhiều tập đoàn có mạng lưới quản lý và quét các bình luận tiêu cực về họ xuất hiện trên mạng xã hội, sau đó họ nối kết với các cá nhân khác nhau, tìm người trong chuỗi bạn bè có khả năng ảnh hưởng để nhờ liên hệ và gỡ bài.  

 

Chúng ta chắc hẳn chưa quên vụ việc báo Phụ Nữ online TPHCM đã dám vuốt râu hùm là Sungroup rồi bị phạt và bị đình bản[1]. Năm ngoái, một người bạn tôi đưa tin về một đám cháy có ảnh lẫn một chữ “Vingroup’ mờ trong đám cháy mà 2 lần bị tổng biên tập gọi điện buộc phải thay hình. 

 

Nhiều nhà báo không biết tại sao những bài viết hoặc bình luận tiêu cực của mình về các tập đoàn tư bản thân hữu đột ngột “bốc hơi’ khỏi mọi diễn đàn và nhiều khi các nhà báo tự nhiên nằm trong danh sách theo dõi của an ninh? 

 

Riêng Vingroup đã từng dùng công an để bịt miệng được hàng trăm phụ huynh học sinh trong vụ Vinschool[2]vào năm 2017 và tiếp tục làm như vậy với rất nhiều người đã lên tiếng trình bày về sự thật về Vinfast mà mới đây Gogo TV là một ví dụ. Đến luật sư của GoGo TV cũng bị các dư luận viên công kích dữ dội trên mạng[3].

 

Đọc cáo trạng của Nhóm báo sạch chúng ta thấy họ bị bắt và bị kết án đến 14 năm 6 tháng tù vì rất nhiều yếu tố, trong đó không loại trừ sự can thiệp của các tập đoàn “cướp đất” của dân.

 

Trong tổng số 47 bài viết của nhóm báo sạch thì đến 32 bài nói về những vấn đề đất đai tại huyện Thới Lai và chính điều này đã đụng tới quyền lợi của các tập đoàn kinh tế đang hưởng lợi. 

 

Gần đây nhà báo Mai Phan Lợi bị bắt vì tội trốn thuế mà theo nhiều nguồn tin thì lý do chính là vì Trung tâm của Ông có tổ chức nhiều khóa đào tạo, huấn luyện phóng viên làm truyền thông độc lập, đặc biệt hướng đến việc bảo đảm quyền được thông tin của những nhóm dân yếu thế, của những ngừoi bị “lề hóa” trong các vụ bồi thường giải phóng mặt bằng.  

 

Quyết định 362/QĐ-TTG  “Quy hoạch và quản lý báo chí” do Nguyễn Xuân Phúc ký vào năm 2019 cũng là một cú đấm bồi cho các nhà báo khi biên chế ngày càng hạn hẹp. Trong lúc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đang đòi hỏi sự minh bạch hóa cao hơn thì việc kiểm soát báo chí ngày càng khốc liệt hơn. 

 

Tình hình hiện tại đẩy các nhà báo đến việc phải tự kiểm duyệt nhiều hơn hoặc dấn sâu hơn vào những cam kết bẩn với các tập đoàn kinh tế. 

 

19 Điều cấm đảng viên mới đưa ra lại càng làm cho các nhà báo phải chùn bút, ngay cả việc nói bóng gió trên Facebook. 

 

TƯ BẢN ĐỎ VÀ QUÁ TRÌNH “THANH LÝ QUỐC GIA”

 

Nhiều người bất ngờ trước sự “hòa hợp” kỳ lạ giữa chủ nghĩa tư bản và độc tài cộng sản. 

 

Nhiều chiến lược gia trước đây cho rằng khi đời sống được nâng cao, các doanh nghiệp phát triển, tạo ra một tầng lớp trung lưu tự do và cởi mở hơn, dân chủ sẽ theo đó đến. Nhưng không! đây là thời kỳ hỗn mang mà vô cùng khăng khít giữa cộng sản và tư bản. 

 

Những tập đoàn tư bản đỏ cùng với các quan chức và truyền thông bẩn, hòa quện với nhau, cuống quít bòn rút và chia chác của cải đất nước từng giờ từng phút. 

 

Thật vậy, các tập đoàn tham gia khốc liệt vào quá trình thanh lý quốc gia ở mọi cấp, mọi ngành. Họ lobby chính sách, tạo lợi thế tiếp cận, chiếm hữu đất đai, giành giật lợi thế riêng; kéo đẩy các quan chức lên xuống ở các vị trí chính trị cụ thể. Bởi chỉ có bắt tay với các quan chức, cấu kết với truyền thông thì nhiều tập đoàn mới có thể thuyết phục được các ông Nghị ra những chính sách ưu đãi vùng miền hoặc để họ yên tâm “nhảy múa trên những khu rừng bảo tồn đang trọc hóa” như: Bà Nà, Phú Quốc, Cần Giờ, Tam Đảo, Sapa.... 

 

Các tòa nhà chọc trời nằm ở những khu đất vàng cũng là kết quả của việc dùng đồng tiền phá tan quy hoạch, bóp chết không gian đô thị nhanh nhất. Các dự án đó, ngoài thì tàn phá thiên nhiên, trong thì gây loạn tâm can của từng người dân sinh sống. 

 

Các nhà tư bản thân hữu đã song hành tiến lên cùng những lời hô hào về cộng sản bề ngoài và sự giàu có của các chính trị gia bên trong. 

 

Khi vắng bóng một hệ thống pháp luật tốt và truyền thông độc lập thì các vị tỷ phú có thể sai khiến các quan chức, đưa ra những chính sách bất công vốn được ngụy trang dưới vỏ bọc yêu nước hoặc những viễn cảnh trù phú trong tương lai. 

 

Cùng với sự định hướng và bao bọc của truyền thông, công sản được dịch chuyển lòng vòng và trở thành tài sản riêng của ông chủ và quan chức, và sau đó là đi ra  nước ngoài.  

 

Nguy hiểm hơn ở chỗ khi các tập đoàn to lớn đến một độ nhất định nào đó thì Nhà nước sẽ phụ thuộc vào nó và nó có thể ‘làm mình làm mẩy” trong quá trình hoạch định chính sách. 

 

Nhà nước sẽ phải dựa vào doanh nghiệp để hành xử mà truyền thông cũng luôn có xu hướng phục tùng doanh nghiệp đang cung cấp sữa cho họ hằng ngày trong bối cảnh đồng lương đang vô cùng èo uột. 

 

Trong một xã hội mà tính dân túy đang lên cao, kẻ nắm truyền thông sẽ kiểm soát được những điều xấu và thổi phồng điểm tốt, sẽ có ảnh hưởng gần như tuyệt đối lên các chính sách quản trị quốc gia, tham gia lũng đoạn nhà nước đến tận tầng nấc cao nhất. 

 

LUẬT PHÁP BỊ BẺ CONG THEO Ý CÁC DOANH NGHIỆP: 

 

Cách đây chỉ 3 năm việc em trai chủ tịch Vingroup là Phạm Nhật Vũ, được nhà nước chiếu cố đến mức ra cả một “chính sách hình sự đặc biệt” là một khái niệm chưa từng có trong bất cứ văn bản pháp lý nào, nhằm giảm nhẹ tội cho Vũ. 

 

Những ai đó có lương tri thì hãy so sánh những bản án đang dành cho Trần Huỳnh Duy Thức (16 năm) hay cựu chiến binh Lê Đình Lượng  (20 năm) vì họ đấu tranh bất bạo động cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Những nhà báo có lương tri xin hãy một lần ghé thăm nhà chị Cấn Thị Thêu, một lần gặp gỡ các tù nhân chính trị, thăm gia đình Báo Sạch... trước khi đặt bút viết một cách vô hồn về họ. 

 

Trong khi thao túng truyền thông, các tập đoàn tạo ra một sự tù mù về thông tin của chính tập đoàn mình, bằng mọi cách tạo ra một màn sương mù quanh mình. Các nhà báo thì chỉ được xào xáo một lượng thông tin ít ỏi và tôn vinh các CEO hoặc chủ tịch công ty như những vị lãnh tụ xa xăm. 

 

Mặc dù được biệt đãi như vậy nhưng các tập đoàn cũng không thể tin tưởng 100% vào Nhà nước. Chính trị là thủ đoạn và trong mọi thể chế đều luôn có phe phái. Cho nên trong thâm tâm, các tập đoàn có thể cũng lo sợ rằng mình sẽ chưa thực sự đủ lớn để khuynh loát tất cả và “sẽ bị ăn thịt”, vì thế Vingroup, đã kịp thời quay một phần đầu tàu. Họ vừa trà đàm vừa thủ súng. 

 

Truyền thông cũng vậy, do không độc lập, cho nên cũng có thể quay lại ào ào “cắn” bất cứ lúc nào nếu được chỉ đạo. 

 

Tất cả những điều đó chỉ để thấy rằng, không có một nền tảng pháp lý ổn định, không có một nền tư pháp độc lập và báo chí tự do, thì không sẽ tạo được niềm tin, công bằng và sự lương thiện cho Nhân dân Việt Nam.

 

 

 

 



[1]https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49772311

[2]https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41480433

[3]https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-57018746


 

      VINFAST CHUYỂN VỐN ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI LÒNG TỰ HÀO BỊ ĐÁNH CẮP?

Trong suốt 20 năm qua Nhà nước đã hy sinh lợi ích cộng đồng, tạo điều kiện ưu đãi rất nhiều cho các doanh nghiệp phát triển triển thành tập đoàn lớn. Nếu các tập đoàn chuyển ra nước ngoài thì mối quan hệ đó như thế nào?

 

Câu chuyện này đã xảy ra từ nhiều năm nay nhưng thực sự bùng nổ khi công ty FICUS Consutantcy Pte Ltd thành lập tại Singapore ngày 19/1/2015 quyết định đổi tên thành Vinfast Singapore Pte Ltd với số ĐKKD: 201501874G có trụ sở tại Tòa nhà INTERLACE, số 206 Depot Road, Singapore, họp Hội đồng cổ đông và quyết định chuyển dịch một số vốn lớn của tập đoàn Vingroup (12,425,941 cổ phần) và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Nam (8,074,059 cổ phần) sang công ty ở Singapore, chuẩn bị cho vấn đề IPO tại Hoa Kỳ. 

 

Tôi cho rằng đây là bước đi nguy hiểm, có tác động tiêu cực lớn hơn chúng ta tưởng. Bởi đây là hành vi chuyển nhượng những lợi nhuận có được nhờ vào khai thác quyền “sở hữu toàn dân’ để rồi đưa ra nước ngoài. Sau Vinfast sẽ là ai? Sungroup, Viettel, TH hoặc Massan đã tiến hành đến đâu rồi? Đã công khai chưa?.  

 

Trên thế giới chúng ta đều thường thấy có các công ty Bình phong (Shell company hoặc Off-shore companies). Bản thân các công ty này không bất hợp pháp nhưng nó thường được sử dụng với những mục đích không trong sáng để tiến hành các phi vụ thâu tóm đối thủ hoặc phát hành trái phiếu ra công chúng[1].

 

Trước đây các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam (hoặc một quốc gia kém phát triển và bất ổn nào đó trên giới) thì đều thành lập các công ty bình phong tại những đảo quốc như BVI, Panama, Bermuda, Belize...rồi tiến hành đầu tư vào Việt Nam. Mục đích của việc này là tránh thuế và tránh rủi ro cho công ty mẹ. 

 

Nhưng giờ đây, một xu hướng khác ngược lại, đó là các nhà tư bản đỏ, ở những quốc gia độc tài đang phát triển (Việt Nam, Trung Quốc), tận dụng được cơ hội bất bình đẳng về việc tiếp cận nguồn lực quốc gia, đã trở nên giàu có, sau đó tìm kiếm sự ổn định ngược lại ở các quốc gia phát triển hơn. Vinfast là một ví dụ khi họ tìm kiếm quốc tịch mới là Singapore. Nơi hệ thống pháp lý ổn định hơn và thuế thấp hơn. (Thuế thu nhập doanh nghiệp Singapore là 17% còn Việt Nam là 22%. Thuế thu nhập cá nhân ở Singapore từ 0 đến 20% trong khi ở Việt Nam là 5-35%).

 

LỢI NHUẬN TỪ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC ‘SỞ HỮU TOÀN DÂN’

 

Trong tất cả các hoạt động kinh doanh của Vingroup thì lợi nhuận từ Kinh doanh Bất động sản (Vinhomes) là lớn nhất, còn các mảng khác đều thua lỗ, đặc biệt là Vinfast ở mục sản xuất trong biểu đồ dưới đây. Theo báo cáo của tập đoàn Vingroup vào năm 2019 thì tất cả các mảng khác đều thua lỗ ngoại trừ Bất động sản với mức lãi khổng lồ lên đến: 64,501 tỷ VNĐ. 

 

Năm 2020 thì lợi nhuận của tập đoàn Vingroup chỉ đạt 4.546 tỷ đồng trong khi công ty con Vinhomes đạt đến 28.206 tỷ đồng, gấp 6 lần công ty mẹ. Cũng theo Vingroup công bố năm 2021 dự kiến công ty con Vinhomes có lãi gấp 8 lần công ty mẹ (Vingroup). [2]Mặc dù chưa biết con số chính xác lợi nhuận của Vinhomes và lợi nhuận gộp của cả toàn tập đoàn trong năm nay nhưng điều đó có nghĩa là các mảng khác lỗ nhiều hơn. 

 

Điều 4, Luật đất đai quy định: “Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng”.Do là sở hữu toàn dân cho nên, xét về mặt hình thức pháp lý, mỗi người dân vẫn có một chút quyền lợi về những mảnh đất mà Vingroup đang nắm giữ. Hay nói cách khác, hơn 100 triệu dân này lẽ ra cũng có một chút li ti trong hơn 100 ngàn tỷ đồng từ doanh thu các thương vụ đất đai của Vinhomes vào năm 2021 này. 

 

Vấn đề bất công trong tiếp cận nguồn lực nằm ở vế thứ 2: “Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng”. Ở Việt Nam, đất đai đang được coi là nguồn lực phát triển lớn nhất các doanh nghiệp đều tìm cách tiếp cận đến đất và dùng đất để kinh doanh. Vinhomes là người được nhà nước giao đất, cấp đất nhiều nhất trong tất cả các doanh nghiệp.

 

Có thể nhiều người sốc khi biết rằng những dự án bất động sản mà Vingroup đã và đang xây dựng chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số quỹ đất mà Vingroup hiện đang nắm giữ. Không chỉ nắm giữ các mảnh đất vàng nơi đô thị, mà những vùng bờ xôi ruộng mật của nông dân và từng mảng rừng quốc gia rộng lớn đã nằm trọn trong tay Vingroup (Ví dụ như Safari Phú Quốc, rừng đước Cần Giờ TPHCM[3]hoặc khu đất đai bao la mà VinEco đang giữ làm nông nghiệp ở Tam Đảo. Toàn những vị trí vô cùng đắc địa cho tương lai và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường của đất nước.  

 

Do Luật đất đai 2013 chia thành 3 nhóm với 18 loại đất khác nhau cho nên giá trị cũng theo đó mà vô cùng khác nhau. Một mảnh đất hôm trước còn là “đất nông nghiệp” hôm sau bỗng trở thành “đất ở đô thị”. Mặc dù vị trí và chất đất vẫn như vậy nhưng giá trị của nó đã tăng lên hàng trăm đến hàng ngàn lần nhờ những chữ ký của quan chức trong chính quyền. Giá đất kỷ lục tại Thủ Thiêm mới đây là một ví dụ tươi rói. 

 

Những vùng đất đai rộng lớn như Dương Nội, Ecopark, Thủ Thiêm, Cần Giờ, An Hải....chứa bao nhiêu nước mắt đau khổ của nhân dân. Như chiếc cân công lý bị lệch, nơi nào mà bất công nhất thì lợi ích nghiêng về phía chủ doanh nghiệp nhiều nhất. Phần lớn người dân đều đau buồn nhưng họ sẵn sàng hi sinh cho lợi ích lớn lao là “lòng tự hào dân tộc”. 

 

“VẤN ĐỀ KỸ THUẬT” THỰC CHẤT LÀ GÌ? 

 

Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress về việc chuyển công ty Vinfast sang Singapore, Bà phó chủ tịch của Vinfast là Lê Thị Thu Thủy, nói rằng đó “đơn thuần là vấn đề kỹ thuật”[4]và chê những người đặt vấn đề về chuyện Vinfast mở công ty ở Singapore là ‘thiếu thông tin và thiếu hiểu biết”. Ngôn ngữ trả lời bài báo (link bên dưới) thể hiện một thái độ trịch thượng và xem thường người đọc[5].

 

Ở đây chúng ta nhìn thấy lộ trình đi của Vinfast là rất rõ và nó đã được tiến hành. Nó sẽ được tập trung vốn vào và phát hành trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore hoặc thị trường chứng khoán Mỹ. Khi đó nó buộc phải góp vốn vào, tức là chuyển lợi nhuận từ công ty mẹ (tại Việt Nam) sang công ty con của nó ở Singapore để chứng minh đã hoạt động hơn 3 năm và có vốn hóa lên đến trên 300 triệu đô la. Hay ngắn gọn là phải chuyển được những lợi thế và ưu đãi chính sách của nước Việt Nam để làm cho công ty nước ngoài có lãi từ đó tạo động lực để phát hành trái phiếu, vay tiền tiếp. 

 

Sau khi đã hoàn thành phát hành ở thị trường nước ngoài, công ty ở Singapore có thể quay trở lại mua và sở hữu doanh nghiệp Vinfast ở Việt Nam, biến Vinfast thành một công ty nước ngoài có trụ sở tại Singapore và sở hữu doanh nghiệp Vinfast sản xuất trong nước. Khi đó “con” đã biến thành “mẹ” và mọi quyền lợi và nghĩa vụ là thuộc về Vinfast Singapore. Tất nhiên, xét về pháp lý, mọi sản phẩm và thương hiệu là của công ty Vinfast có quốc tịch Singapore. 

 

Đối với các tập đoàn lớn ở nước ngoài, đặc biệt của Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, họ phải xác định thành công ở trong nước trước tiên. Họ cố gắng để có một sự sáng tạo, một sản phẩm chuyên biệt và tốt để phục vụ nhân dân nước nhà. Họ tâm niệm phụng sự tổ quốc của họ sau đó mới nghĩ đến việc đầu tư ra nước ngoài. Mà đầu tư ra nước ngoài là để cuối cùng họ cũng mang lại lợi nhuận về cho tổ quốc, ở Vinfast, vào thời điểm này chúng ta chúng ta đang thấy điều ngược lại. 

 

LÒNG TỰ HÀO DÂN TỘC CÓ BỊ ĐÁNH TRÁO ? 

 

Ngày Vinfast giới thiệu 2 mẫu xe điện tại Hoa Kỳ tôi vẫn cứ bị ám ảnh bởi câu bình luận của một dư luận viên trên trang Bolsa TV rằng “Hôm nay bọn tao đưa 2 cái xe điện hiện đại đập vào mặt bọn cờ vàng cho sáng mắt”.Bạn ấy đã nói về 2 chiếc xe điện VF e35 và VF e36 của tập đoàn Vinfast tại triển lãm Auto Los Angeles là nói về chiếc xe của chính tổ quốc mình và chính trị hóa nó đến mức cực điểm. 

 

Lòng tự hào dân tộc thật đáng khen nhưng không biết giờ đây bạn sẽ nghĩ gì khi Vinfast thành lập công ty con tại Singapore và chuyển lợi nhuận của mình sang đó. Lợi nhuận có được từ tập đoàn địa ốc, vốn là tài sản của nhân dân Việt Nam, đang chuyển sang cho chính quyền Singapore. Những người nông dân đã hiến đất cho Vin xây dựng nhà máy, những quan chức mong mỏi Vin đóng thuế cho địa phương Hải Phòng, có thể giờ trở nên chưng hửng. 

 

Bà Lê Thị Thu Thủy còn ngang ngược khi nói rằng VinFast không được hưởng bất kỳ ưu đãi đặc biệt nào từ Nhà nước”. Trong lương tâm, Bà không thể phủ nhận rằng do có Vinfast mà khu công nghiệp Đình Vũ ở Hải Phòng có những chính sách ưu đãi cực khủng cho nhà đầu tư[6]. Khi trả lời truyền thông Bà vẫn vòng vo nói về “lòng tự hào dân tộc nên phải vươn ra thế giới”. Không một thế giới nào giới hạn lòng tự hào dân tộc Việt Nam cả, dù bất cứ ở đâu! 

 

Và điều tôi lo ngại hơn là, theo chân Vingroup, sẽ có bao nhiêu công ty tiếp tục tận dụng chính sách của Việt Nam để trở nên giàu có rồi chuyển sang quốc tịch mới?



[1]https://www.investopedia.com/terms/s/shellcorporation.asp

[2]https://vietnammoi.vn/vi-sao-vinhomes-lai-co-the-lai-gap-8-lan-cong-ty-me-vingroup-20210517115943483.htm

[3]https://tambao.info/can-gio-la-phoi-xanh-cua-sai-gon-se-bi-bop-ch-et-boi-du-an-do-thi-lan-bien-cua-vingroup.html/amp

[4]https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thuc-hu-viec-vinfast-nhan-biet-dai-trong-nuoc-dong-thue-cho-nuoc-ngoai-799212.html

[5]Có thể thêm đường link của bài viết thứ 2 vào chỗ này. 

[6]Được hưởng mức thuế thu nhập Doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, cùng hang loạt các ưu đãi khác nằm trong nội khu, đặc biệt là thuế VAT và thuế XNK.