Saturday, May 20, 2017

THIỆN LƯƠNG KHÔNG CHỈ LÀ TÍNH CÁCH MÀ CÒN LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Cô bé lương thiện Hattie May Wiatt

Vào một ngày chủ nhật của năm 1880 tại tiểu bang Pennsylvania nước Mỹ, một cô gái bé nhỏ cố nhích dần nhích dần qua đám đông đang đứng bên trong ngay khu vực cửa ra vào của nhà thờ. 

Không lâu sau, cô bé bị đẩy ra ngoài cùng những cái nhíu mày và những tiếng chép miệng. Nhà thờ đã quá đông và cô bé không thể tham gia lớp học ngày chủ nhật. Cô bé đứng mãi ở bên ngoài với gương mặt thất vọng và đầy tiếc nuối.

Trong cái nắng càng lúc càng gay gắt, cô bé ngồi tựa đầu vào bức tường và mắt nhắm nghiền. Vừa lúc đó một vị mục sư với dáng vẻ cao lớn và khuôn mặt hồng hào, hiền từ đi ngang qua. Thấy cô bé kiên quyết chịu đựng cái nắng để được ngồi gần cửa nhà thờ thay vì ngồi dưới những tán cây và bãi cỏ xanh mướt ở công viên đối diện, vị mục sư vô cùng xúc động. Ông đặt cô bé lên vai rồi len lỏi qua đám đông để vào trong, rất khó khăn cuối cùng cũng tìm được một chỗ ngồi trong góc phòng, nơi tối tăm nhất trong nhà thờ cho cô bé.

Buổi học ngày chủ nhật kết thúc. Dù phải chịu đựng cái nóng dữ dội và mùi ẩm mốc nơi góc phòng nhưng cô bé vô cùng hài lòng. Trên khuôn mặt bầu bĩnh của em là sự thuần khiết rạng ngời và nụ cười trong trẻo. Những bài học hôm nay đã nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn em, dưỡng dục niềm tin của em vào những Đấng Tối cao, dù không hiện diện trong cuộc sống thường hằng, nhưng họ lại luôn có mặt trong trời đất, quan sát và dõi theo con người.

Một ngày sau đó, cô bé lại ngồi tựa đầu ở trước cửa nhà thờ cũng vì lý do không thể vào bên trong. Lần này, vị mục sư ngồi xuống trước mặt em, vừa vỗ nhẹ vào đôi vai gầy guộc mỏng manh của cô bé, ông an ủi: “Đợi tới lúc gom đủ kinh phí, ta nhất định sẽ xây dựng một phòng học to hơn nữa”.

Lần cuối cùng vị mục sư nhìn thấy cô bé là khi em đang mắc bệnh nặng và không lâu sau cô bé qua đời. Sau khi hoàn thành những thủ tục mai táng cuối cùng, gia đình của cô bé đã trao cho vị mục sư một chiếc ví tiền nhỏ vừa sờn rách vừa cũ nát, bên trong có 57 xu. Ở thế kỷ 19, đối với gia cảnh nghèo nàn như nhà cô bé, đó thực sự là một số tiền lớn.

Gia đình cô bé giải thích rằng đây là số tiền em đã chăm chỉ tiết kiệm trong hai năm qua. Với tình yêu trong sáng và mong ước rất đỗi chân thành, em hi vọng số tiền này sẽ giúp xây dựng một nhà thờ to lớn hơn chút nữa, để có thêm nhiều trẻ em được đến học vào ngày chủ nhật.

Biết được điều đó, vị mục sư nghẹn ngào đón nhận chiếc ví. Ý định xây dựng nhà thờ to lớn hơn của ông chỉ vừa mới bắt đầu được một vài ngày, khi ông thấy cô bé đang héo hon ngồi chịu đựng cái nắng gay gắt ở bên ngoài. Nhưng cô bé đã nhen nhóm ý tưởng này và bắt tay vào thực hiện từ hai năm trước đó.

Mục sư ngay ngày hôm sau đã mang chiếc ví rách với 57 xu lên bục giảng Kinh. Ông kể lại câu chuyện về cô bé khiến tất cả mọi người đều xúc động. Họ thương cảm cho sự ra đi của em, họ suy nghĩ về ước mơ và hành động của em với sự cảm mến và khâm phục.

Nhà thờ sau đó quyết định huy động quyên góp tiền từ 57 xu và rất nhanh đã có thể huy động được 250 USD. Một vài năm sau, 57 xu của cô bé, đã huy động được đến 30.000 USD.

Họ dùng số tiền ấy mua một mảnh đất để xây dựng nhà thờ lớn hơn, nhưng thật không ngờ rằng tiền đất đã lên tới 30.000 USD và không còn đủ tiền xây dựng nữa. Lúc này, vị mục sư nghĩ đến tâm nguyện của cô bé. Ông không thể để vấn đề này khiến cho việc xây dựng nhà thờ bị trì hoãn, do đó ông quyết định đi tìm chủ đất để trình bày rõ lý do.

Chủ đất trước đây chưa từng đến nhà thờ, nhưng khi nghe xong câu chuyện về ước nguyện chân thành và thánh khiết của cô bé, trong tâm ông vô cùng cảm động. Ông ấy đã bán mảnh đất với giá 25.000 USD, đồng thời chấp nhận số tiền 57 xu làm tiền đặt cọc, tuy nhiên sau đó chủ đất đã tặng lại 57 xu cho nhà thờ.

Qua một thời gian, vào một buổi tối khi vị mục sư trở về nhà, ông phát hiện trong nhà có rất nhiều người. Mọi người vừa tự nguyện vừa kêu gọi người khác và họ đã quyên góp được 10.000 USD.

Ngày nay, nếu đến thăm thành phố Philadelphia, bạn đựng quên dừng chân tại Nhà thờ Temple Baptist – nơi có thể chứa tới 3.300 người. Và cũng đừng quên ghé thăm Đại học Temple, bệnh viện Good Samaritan và trường học ngày chủ nhật. Bạn sẽ thấy ước mơ đẹp đẽ và cao cả của cô bé đã được mọi người biến thành hiện thực như thế nào.

Thú vị hơn nữa, nếu thăm một trong các phòng ở tòa nhà trường học ngày chủ nhật này, bạn sẽ nhìn thấy bức ảnh dễ thương của cô bé nhỏ đã hiến tặng 57 xu cho nhà thờ – Hattie May Wiatt

Sẽ không ai nghĩ rằng 57 xu có thể tạo nên những điều kỳ diệu. Nhưng khi điều kỳ diệu xuất hiện, người ta đã hoàn toàn tin rằng 57 xu ấy đã làm thay đổi cuộc sống và thế giới sống của rất nhiều người. Cô bé đã dùng tấm lòng lương thiện trong sáng và thánh khiết của mình để tích lũy số tiền ấy với hi vọng mang lại thêm nhiều cơ hội cho những người khác. Và thực sự, thiện tâm đã đánh thức thiện tâm, lòng tốt tự bản thân nó đã có sức lan tỏa âm thầm mà mãnh liệt.

Lương thiện không chỉ là cá tính của một người, tố chất của một người, nó là nguồn năng lượng sống tích cực giúp con người không ngừng suy nghĩ về người khác, suy nghĩ cho người khác. Lương thiện như ánh trăng trên bầu trời cao rộng, soi sáng và khiến vạn vật trở nên huyền diệu, lấp lánh. Lương thiện là ngọn nguồn cho mọi việc tốt trên đời, là cách giải quyết cao nhất cho mọi ân oán, thù hận, là phương thức hữu hiệu nhất cho mọi tổn thương và nỗi đau.

Nếu mỗi hành động của con người đều xuất phát từ thiện tâm, mỗi lời nói của con người đều là thiện ý, mỗi suy nghĩ của con người đều là thiện niệm, thì cuộc sống này sẽ chính là một mảnh vườn với những hoa trái ngọt lành và thơm mát nhất. Cuộc sống có lương thiện thì đời người mới có thể thường xuyên ngập tràn niềm vui, hạnh phúc mới có thể lâu dài, tâm hồn vì thế mới không ngừng thăng hoa và viên mãn.

Mai Hà biên dịch
Theo https://www.daikynguyenvn.com/van-hoa

Sunday, May 14, 2017

TRIỀU TIÊN LÀM THAY ĐỔI VIỆT NAM



Bắc Hàn lại vừa bắn 1 quả tên lửa bay đến sát Nga. Nghĩ về những diễn biến gần đây ở Bắc Hàn và thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump nói là sẽ phải giải quyết, tôi cho rằng có thể là một khởi phát cho những thay đổi tại Việt Nam.

Thực tế tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa bao giờ nhắc đến Việt Nam như là một định hướng chính sách. Trump cũng chưa bao giờ để tâm nhiều đến chuyện dân chủ hay nhân quyền yếu kém tại Việt Nam hoặc coi Việt Nam như là một cơ hội kinh doanh tiềm tàng như ở Indonesia hay Singapore.

Việc làm đầu tiên trong ngày thứ 2 cầm quyền là ông ký Sắc lệnh bãi bỏ TPP mà Việt Nam đã háo hức tham gia và sắp sửa đưa ra quốc hội chuẩn thuận.

Nhưng câu chuyện thay đổi ở đây liên quan đến tương quan giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trump là một doanh nhân, một người biết “deal”. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề Triều Tiên, Trump cũng có thể nhượng bộ một số điều với Trung Quốc, ví dụ như vấn đề cán cân thương mại, tương quan với Đài Loan hay Biển Đông của Việt Nam.

Cho đến bây giờ thì tôi tin là Trump không nhượng bộ với Trung Quốc ở Biển Đông để xử lý vấn đề Triều Tiên chỉ đơn giản là vì không cần thiết. Mỹ chỉ cần thông báo với Trung Quốc ý định “xử lý” là đủ chứ chưa thèm mặc cả với Trung Quốc để tiến hành.

Nhưng nếu như có xung đột, sau khi đã hạ gục nhanh Bắc Hàn, quá trình thống nhất và gây dựng một Đại Hàn Dân Quốc 75 triệu dân trong dân chủ, tự do sẽ phức tạp, kéo dài và Trung Quốc can thiệp nhiều hơn, sẽ có nhiều tranh chấp và mặc cả hơn và món đổi chác dễ nhất đối với Trump là Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Dòng thủy triều trên trái đất còn bị tác động bởi mặt trăng xa xôi thì đất nước Việt Nam nhỏ bé chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động của những nước lớn. Trong suốt mấy ngàn năm phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Trong Thế kỷ 19 và 20, Việt Nam bị tác động bởi nhiều nước lớn khác, trong đó có cả Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nga nhưng giờ đây chỉ còn 2 cường quốc có thể va chạm nhau nhiều về quyền lợi quanh Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.

Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn lớn tiếng chủ động, độc lập và không liên kết nhưng thực ra cũng như cá chậu chim lồng, đi đâu làm gì cũng phải ngó nghiêng. Muốn có một đoàn đi thăm Mỹ thì trước đó cũng phải dò qua Trung Quốc. 

Chính quyền Việt Nam ngày càng gần gũi với Trung Quốc, không chỉ chính trị mà còn về kinh tế. Càng tăng cường hợp tác, càng vay nợ nhiều, càng xây dựng nhiều xa lộ dọc biên dưới xuôi xuống phía Nam, thì Việt Nam càng lệ thuộc Trung Quốc.

Trung Quốc có vẻ cảm thây Việt Nam như trong lòng bàn tay của mình. Đến 70% rau, củ quả ở chợ đầu mối Hà Nội đến từ Trung Quốc và hàng hóa đi từ bên kia biên giới đổ về còn nhanh hơn đưa trong Thanh Hóa đưa ra. Phần lớn đồ gia dụng trong các gia đình nông thông ở Việt Nam đều là hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc.  

Trung Quốc hầu như chủ động hoàn toàn về việc định giá các loại hàng hóa, không chỉ là khoáng sản hay vật liệu thô mà còn cả thực phẩm và đồ nông sản. Thâm thụt ngân sách với Trung Quốc càng ngày càng cao.

Khi nắm chặt Việt Nam, Trung Quốc có nhiều cơ hội làm giá, và họ có quyền ra giá cao và hiệu quả đến mức ngay cả Asean cũng đã nhiều lần trở mặt.   

Lo ngại Mỹ bắt tay với Trung Quốc

Mỹ thì lại có một hướng tiếp cận khác, Mỹ hiểu rất rõ “lòng dân” đã khác “ý đảng” ở Việt Nam hiện nay nhưng họ chưa bao giờ mong muốn hoặc có “âm mưu” cho sự thay đổi như chính quyền Việt Nam vẫn đôi khi cáo buộc.

Theo tôi cảm nhận thì các đời đại sứ Hoa Kỳ của Mỹ ở Việt Nam vẫn lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền nhưng mặt khác đều ủng hộ sự ổn định của chính quyền Việt Nam, dù kín đáo hay công khai.

Việt Nam đang là thị trường kinh tế tốt cho những chính sách về thương mại của Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore đều coi Việt Nam như là một đối tác thương mại.

Thực tế Mỹ cũng chẳng có quyền lợi gì nhiều ở Việt Nam ngoài tuyến hải hành ở Biển Đông và một chút gì đó khó định nghĩa ở xa xăm. Nhưng vì vai trò của Việt Nam trong tương lai ổn định của thế giới hòa bình, Hoa Kỳ sẽ có những can thiệp hoặc nhượng bộ để mọi việc thật sự phải ổn định.

Cần đi trước với Hoa Kỳ

Nhân dân Việt Nam có xu hướng “ghét” Trung Quốc và muốn hướng sang Hoa Kỳ. Điều này thể hiện rõ qua việc người dân đón tiếp nguyên thủ của Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bởi vậy để đi trước một bước, thiết nghĩ Việt Nam sẽ phải chấp nhận một số nhượng bộ, đưa “ý đảng về sát với lòng dân”, gần gũi với Hoa Kỳ trước khi vấn đề Triều Tiên được giải quyết, trước cả khi Hoa Kỳ thật sự cần Trung Quốc trong việc dàn xếp một nước Đại Hàn Dân Quốc thống nhất trong hòa bình.

Trong hai mối quan hệ thì Hoa Kỳ chắc chắn ưu tiên với Trung Quốc vì ở đó họ có nhiều lợi ích hơn. Thế nhưng khi Trung Quốc đang cố tình đối đầu Hoa Kỳ trong nhiều chuyện, thì Việt Nam nên học hỏi Hàn Quốc hay Nhật Bản khi xưa, khiêm tốn nép mình mà nhận làm đàn em để được Hoa Kỳ giúp đỡ vươn lên.

Chúng ta không có quyền lựa chọn vị trí địa lý, nhưng chúng ta có quyền chọn đồng minh. Nếu chúng ta tiếp tục dính sâu vào Trung Quốc và sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên thì Việt Nam buộc phải lựa chọn. Khi đó, kịch bản những năm 1954 về sự chia cắt và binh đao cho dân tộc có thể lại lặp lại.

Vậy thì tại sao không phải ngay bây giờ đảng Cộng sản hãy học lại những bài học cũ và định hướng đi cho đúng, tránh những thảm họa cho dân tộc trong tương lai.

Nghĩ về tương lai

Nghĩ về tương lai mà lo sợ về những sự cắt bởi các thế lực lớn. Thực tế lịch sử chứng minh chia đôi hay thống nhất Việt Nam là điều không khó nếu Trung Quốc muốn. Đọc về Hiệp ước Thiên Tân ký giữa chính quyền Pháp và Nhà Thanh năm 1885 và sau đó là Tuyên cáo chung Thượng Hải giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ký năm 1972 mà thầm lo ngại về một cuộc mặc cả giữa các bên trong tương lai.

Nghĩ về đất nước hôm nay và tương lai mà thấy lo lắng thấy chính lãnh đạo cũng tiếp tục giả mù giả điếc để tin và một lý tưởng xa xôi nào đó bên ngoài mà càng ngày càng dựa vào ngoại bang, không thấy những nguy cơ xung đột, chia cắt, động loạn binh đao trong 20 năm tới.  

Nghĩ về tương lai mà thấy lo cho chính những người Cộng sản khi bên trong không chân thành lắng nghe quyền lợi chính đáng của Nhân dân, để thật sự cho dân được nói, cùng dân bàn bạc để gây dựng tương lai.

Nghĩ về tương lai mà thấy cái lo khi các cuộc biểu tình ngày càng nhiều, tính bạo lực càng cao, những kích động xung đột tôn giáo do chính nhà nước tiến hành đang có dấu hiệu gia tăng. Cách giải quyết đều chỉ là vụn vặt, phần ngọn mà không giải quyết được mâu thuẫn tận gốc.


Trump sẽ sang Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Hoa Kỳ đang định hình quan hệ với Châu Á trong đó có Việt Nam và đây là một cơ hội tốt, để những người cộng sản nghĩ về tương lai mà nhượng bộ nhiều hơn với Mỹ trong vấn đề Dân chủ, nhân quyền và Tôn giáo. 

Đó là cách đi trước một bước để gần hơn với ý của dân và tránh được cái giá của những cuộc mặc cả như vậy. Tiếp tục bắt bớ, truy đuổi những người yêu nước là Đảng cộng sản đang tự đứng về phía ngoại bang, làm hại dân tộc. 

Wednesday, May 10, 2017

CHÚA VÀ PHẬT TRONG TÂM TRÍ TÔI



Bài viết sau đây của người bạn, người cùng tôn giáo với tôi là nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Ông tôn trọng và đánh giá cao 2 người mà ông coi đó là "nhà cách mạng giải phóng con người". Đó là Chúa Giesu và Phật Thích Ca Mâu Ni. Điều này đúng với tinh thần của Đức Giao Hoàng Francis đã nói là “Một người Ky Tô hữu chân chính là một người biết tôn trọng các tôn giáo khác !”.

***
Albert Eintein nhà bác học vĩ đại, tín đồ Ky Tô giáo sau khi nghiên cứu Phật giáo, đã nói : “ Phật giáo sẽ là tôn giáo tương lai của nhân loại”. Leo Tolstoy – nhà văn Nga vĩ đại, tín đồ Ky tô giáo Chính thống, chủ trương đấu tranh bất bạo động; Người được thánh Mahatma Gandhi Ấn Độ tôn làm thầy, đã viết nhiều bài trên báo Nga thời Nga hoàng ca ngợi đạo Phật. Tolstoy liền bị giáo hội Chính Thống Nga và Sa hoàng rút phép thông công ( không chấp nhận ông là người Thiên Chúa giáo nữa). Nhưng văn hào Nga này tuyên bố : “Tôi vẫn là người Ky Tô giáo” !

Thật may mắn, sau nhiều thế kỷ khép kín và tự coi mình là tôn giáo duy nhất đúng, nay Đức giáo hoàng Phan Xi Cô đã tuyến bố rằng : “Một người Ky Tô hữu chân chính là một người biết tôn trọng các tôn giáo khác !” . Ý này thì Đức Đạt - Lai Lạt-Ma đã nói từ lâu về tín đồ Phật giáo.

Ở Việt Nam, linh mục Công giáo Thiện Cẩm ( cử nhân thần học, tiến sĩ đại học Sorbonne 1967) năm 1970 đã xuất bản ở Sài Gòn cuốn sách ca ngợi đạo Phật : “Quan niệm giải thoát trong Phật giáo cũ”, nhưng tòa giám mục Sài Gòn đâu có làm khó dễ hay hạch tội linh mục Thiện Cẩm. Một linh mục khác là nhà triết học Kim Định đã viết nhiều sách nói về hành trình văn hóa Việt Nam, trong đó có nhiều trang ca ngợi Phật giáo cũng không hề bị giáo hội nhắc nhở hay phạt vạ. Xem ra giáo hội Thiên Chúa giáo ở miền Nam thoáng hơn giáo hội Thiên Chúa giáo miền Bắc trước năm 1975 nhiều.

Như tôi từng bộc bạch, tôi có hai ông nội : ông nội ruột theo Phật giáo, ông nội nuôi bố tôi từng tấm bé theo đạo Chúa. Tất nhiên, sinh ra sau khi làm phép rửa tội ở nhà thờ, tôi đã là một Ky Tô hữu từ trong nôi. Nhà hai ông nội ở hai thôn khác nhau nhưng rất gần nhau. Năm 10 tuổi, ngày ba mươi tết, bố mẹ sai tôi một mình xách làn mây bánh chưng và rượu xuống tết ông nội ruột ( ông nội nuôi theo đạo Chúa đã di cư vào Nam từ năm 1954). Trước bàn thờ Phật, ông tôi đang thắp hương cho Phật, sau đó thắp hương cho bà nội đã mất của tôi. Nhìn ông thành kính, tôi cũng thấy thiêng liêng. Ông bảo : cháu thắp hương cho bà không ? Tôi gật đầu ! Ông lại bảo : hai cây nhang, cháu thắp cho Phật trước, rồi mới thắp nhang cho bà nội. Tôi thắp hương và xá như ông nội dạy ! Ông nội khen tôi ngoan và nói Phật và bà nội sẽ phù hộ cho cháu… Tôi thấy lòng tràn ngập một nỗi gì rất cao cả thiêng liêng…Hình như Phật tại tâm tôi thức dậy từ đấy !

Sau này lớn lên tiếp xúc với sách vở Phật giáo, Thiên Chúa giáo tôi mới thấy trong tâm hồn mình có cả Phật và Chúa. Phật giải thoát tôi ngay chính tại trần gian, Chúa giải thoát tôi sau khi chết. Phật giúp tôi tìm thấy Niết bàn trong cõi này, Niết Bàn trong chính tâm hồn mình khi mình giác ngộ trong từ bi hỉ xả, bỏ bớt tham sân si, quẳng gánh lo tìm niềm vui sống. Chúa cho tôi hi vọng sự sống đời sau…

Ngoài ý nghĩa tôn giáo, tâm linh, triết học tư tưởng cao sâu mầu nhiệm, Phật và Chúa còn là hai nhân vật lịch sử có thật, hai nhà giải phóng nô lệ vĩ đại nhất !

Thời Đức Phật tại thế, Ấn Độ phân chia giai cấp khủng khiếp. Giai cấp thượng lưu nhất là Brahmana ( Bà La môn) tăng lữ. Giai cấp thứ hai Khattiya ( vua chúa, tướng lĩnh, quan lại) cai quản xã hội. Giai cấp thứ ba là Vessa là lớp người trung lưu, thương gia. Hai giai cấp cuối cùng, dưới đáy của xã hội là Sudra là lớp người lao động chân tay, coi như nô lệ thấp hèn. Giai cấp cuối cùng không được coi là con người có tên là Cadala còn tệ hơn một nô lệ nên có câu “giết một người Cadala không có tội”…

Ngài Thích Ca Mầu Ni sau nhiều năm theo đạo Bà La Môn để cầu nguyện Thượng Đế cứu đám đông nô lệ khổ đau trong xã hội mãi không được, Ngài bèn không tin vào Thượng Đế nữa.

Tách con người khỏi Thượng Đế để con người tìm cách tự cứu mình thoát khổ là tư tưởng, hành vi vĩ đại của Đức Phật. Sau khi tu luyện thành công dưới bóng Bồ Đề, Đức Phật đã trao vào tay con người chính số phận của mình, trao cho con người tự do lựa chọn để tự mình giải thoát mình khỏi khổ nạn trần gian của một kiếp nô lệ tâm hồn ( nô lệ thượng đế, nô lệ tăng lữ, nô lệ vua chúa, nô lệ của cải tiền bạc)… Cho nên lúc đầu các tầng lớp nô lệ nhân dân đã tin theo Phật, theo Ngài để tìm cách giải thoát mình khỏi vòng nô lệ thân xác và tâm hồn.

Phật chính là người anh hùng giải phóng nô lệ đầu tiên của nhân loại xét trên bình diện xã hội. Đức Phật đã trả lại nhân vị cho những kẻ nô lệ không được coi là người, đưa họ lên chốn bình đẳng với các tầng lớp khác, trả cho họ quyền tự do...

Năm trăm năm sau Đức Phật, con một người thợ mộc Do Thái là Jesus Nazaret đã rao giảng đạo Chúa Trời cho các dân ngoại, dám chỉ trích quân xâm lược La Mã và chỉ trích các vị trưởng tế giáo điều trong đền thờ Jerusalem, dám cầm roi đuổi bọn con buôn khỏi đền thờ, xưng mình là Chúa cứu thế. Và Ngài đã bị đóng đanh trên cây thánh giá để tìm tự do nhân phẩm và nước trời cho những kẻ nô lệ bị đế chế La Mã coi không bằng con vật.

Ngài đã mang đến nhân vị cho người nô lệ, coi những kẻ dưới đáy xã hội bằng nhau với vua chúa quan lại. Đạo của Chúa Jesus ban đầu là đạo của nô lệ trên toàn cõi La Mã.

Sau cuộc nổi dậy của nô lệ Spartacus nhằm giải phóng hàng triệu nô lệ trên toàn đế quốc La Mã bị đàn áp khốc liệt, hàng vạn cây thánh giá dựng lên rợp trời đóng đinh hàng vạn nô lệ nổi dậy khắp các bãi biển Địa Trung hải, hàng triệu nô lệ tiếp tục bị La Mã đầy đọa trong địa ngục trần gian là các đấu trường, các đồng lúa, các công xưởng…

Hình như không thể dùng gươm để tiêu diệt nổi chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã.

Khi quân lính của thầy cả Cai- Pha trưởng tế nhà thờ Jerusalem đến vườn Ghiết Si Ma Ni bắt Chúa Jesus, Phê Rô đệ tử Ngài bèn lấy gươm chém đứt tai tên lính Man Cô. Chúa bèn nhặt tai chú lính ấy và gắn vào tai cho lành, đoạn nói : “Phê Rô, hãy cất gươm vào vỏ, KẺ NÀO DÙNG GƯƠM THÌ SẼ CHẾT VÌ GƯƠM”…

Chúa đã dùng vũ khí tình thương để chống lại chế độ chiếm hữu nô lệ La Mã. Sau 300 năm, chế độ DUY GƯƠM ( duy Mác Lê sau này) La Mã đã quy hàng trước Chúa : đế quốc La Mã của ma quỷ nô lệ hóa con người đã trở lại đạo Thiên chúa từ thời vua Constantin.

Có thể nói, cùng với Phật Thích Ca Mầu Ni 500 trước, Chúa Jesus đã trở thành vị anh hùng giải phóng nô lệ vĩ đại nhất của nhân loại. Hai Ngài đã giải phóng con người khỏi sự nô lệ của chính con người, để tâm hồn con người thoát khỏi sự nô lệ của ma quỷ và bóng tối.