Thursday, August 10, 2023

CHUYẾN BAY GIẢI CỨU: LÀM SAO ĐỂ KHỞI KIỆN TẬP THỂ?

 


Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. 

Đại án “chuyến bay giải cứu” đang khép lại. Nhà nước coi như đã xong việc của mình khi “dằn mặt” được một số quan chức hư hỏng và ban phát được một ít “công lý” cho người dân đang ngập tràn bức xúc. Với các nạn nhân, toà tuyên cần: “liên hệ với các doanh nghiệp” để đòi lại quyền lợi của mình.

Một vụ án có số lượng người bị “móc túi” lớn đến như vậy thì các nạn nhân nên nghĩ đến việc khiếu nại, khiếu kiện tập thể để đòi lại quyền lợi. Sau đây là một số phân tích về pháp lý của Việt Nam và Quốc tế về vấn đề khởi kiện tập thể nhằm giúp các nạn nhân lựa chọn hành động.

Khởi kiện tập thể là gì? 

Theo Adam Hayes thì Kiện tập thể, hay còn gọi là – Class Action Lawsuits – là thủ tục pháp lý trong đó một hoặc nhiều nạn nhân thay mặt cho một nhóm các nạn nhân tiến hành các thủ tục pháp lý để chống lại một hoặc một số bị đơn đã gây ra thiệt hại cho nhiều người.

Nguyên đơn có thể là người tiêu dùng, người lao động, nhà đầu tư hoặc tập thể bệnh nhân.... Bị đơn có thể là các công ty, các tập đoàn lớn và cả chính quyền.

Kiện tập thể có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ luật pháp Anh Mỹ (Common Law) nhưng đối các quốc gia theo hệ thống dân luật (Civil law) hay còn gọi là Luật lục địa (Continental law) thì luật pháp được thiết kế không theo hướng ủng hộ các loại hình kiện tập thể này.

Tuy vậy, luật pháp đang thay đổi và Châu Âu gần đây khuyến khích các nạn nhân riêng lẻ liên kết với nhau để tiến hành các vụ kiện chống lại các công ty đa quốc gia ngay tại chính các nước theo hệ thống dân luật, đặc biệt là để bảo vệ người tiêu dùng hoặc các nạn nhân của những thảm hoạ môi trường do các công ty này gây ra.

Tại sao phải khởi kiện tập thể?

Trong nhiều trường hợp phải tiến hành việc khởi kiện tập thể vì nói chung dân chúng ngại việc kiện cáo, nhất là khi lợi ích bị xâm hại không quá lớn. Việc khởi kiện tập thể, nếu theo luật pháp Mỹ, thì chỉ cần 2-5 người đại diện tiến hành việc kiện cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nạn nhân. Ví dụ trong trường hợp “chuyến bay giải cứu” thì chỉ cần một nhóm 3-5 người là có thể thay mặt cho toàn bộ - hơn 200.000 nạn nhân đã tham gia các chuyến bay.

Đặc điểm quan trọng nhất của việc kiện tập thể là bị đơn chỉ làm việc với một số người đại diện các nguyên đơn đứng ra khởi kiện mà thôi. Có nghĩa là các công ty bị kiện sẽ phải đối mặt với một bó đũa thay vì có thể “xẻ lẻ” hoặc bẻ gãy từng chiếc.

Kiện tập thể cho phép các thành viên mà lợi ích bị xâm hại liên kết lại với nhau cùng đòi quyền lợi lớn hơn vượt xa các chi phí kiện tụng. Một vài người hoặc luật sư có thể ứng trước chi phí và khi thắng kiện thì sẽ thu hồi phần đã chi, sau đó phân chia phần vòn lại cho tất cả nạn nhân.

Như đã đề cập, các hệ thống pháp luật khác nhau có cách tiếp cận về kiện tập thể khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì hình thức khởi kiện tập thể thông thường là Opt-out class actions (Lựa chọn không tham gia), nghĩa là khi một hành vi bị khởi kiện, tất cả những người bị thiệt hại đều đương nhiên trở thành nguyên đơn trừ khi họ xác định họ không muốn tham gia vụ kiện đó (opt-out).

Đối với các nước Châu Âu hay Nhật Bản thì hình thức khởi kiện tập thể là Opt-in class actions (lựa chọn tham gia) - nghĩa là một nhóm cùng khởi kiện hoặc uỷ quyền cho đại diện đứng ra kiện và chỉ những người tham gia hoặc uỷ quyền mới được xác định là nạn nhân.

Đối với Mỹ, khi khởi kiện, số lượng nạn nhân thường chưa được xác định cụ thể, thậm chí nạn nhân còn chưa biết họ là nạn nhân cho đến khi có phán quyết của toà án, trong khi các nước Châu Âu thì cần đơn kiện hoặc văn tự uỷ quyền và thẩm phán biết rõ con số nạn nhân trước khi tiến hành xét xử.

Kinh nghiệm của thế giới và Việt Nam

Đối với thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, luôn có những cá nhân hoặc văn phòng luật sư tìm kiếm nạn nhân, xác định thiệt hại của họ để bỏ tiền “đầu tư” vào vụ kiện tập thể và hàng trăm vụ kiện lớn đã thành công.

Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có các căn cứ pháp luật cụ thể nào để tiến hành các vụ kiện tập thể. Điều 42 Bộ luật tố tụng Dân sự có quy định về việc “nhập vụ án” khi nhiều người cùng khởi kiện một cá nhân, hoặc một cơ quan tổ chức. Nghĩa là các cá nhân phải tiến hành nộp đơn khởi kiện riêng và Toà có thể nhập các vụ án vào với nhau.

Trên thực tế, năm 2010, Vedan đã chấp nhận bồi thường 220 tỷ cho gần 8.000 nông dân sau khi hơn 4.000 lá đơn được nộp. Năm 2016, Formosa cũng đã chấp nhận bồi thường 500 triệu USD cho 4 tỉnh miền trung vì gây ra thảm hoạ môi trường. Tuy nhiên đó là những vụ “bồi thường thiệt hại ngoài toà”. Nhà nước tiếp nhận các khoản bồi thường, tự đứng ra đánh giá mức độ thiệt hại và giải ngân tiền bồi thường mà bị đơn trả cho những nạn nhân.

Bên cạnh đó có nhiều vụ như “Nước Sông Đà nhiễm dầu” hoặc “Cháy nổ ở nhà máy phích nước Rạng Đông” tuy cũng gây ra thiệt hại cho nhiều người dân nhưng không có khởi kiện tập thể và dân chưa được đền bù.

Trong những năm gần đây, có nhiều vụ án liên quan đến đầu tư bất động sản - các nhà đầu tư cùng góp tiền để làm dự án nhưng cuối cùng dự án bị bỏ dở, không giao nhà hoặc nhà kém chất lượng, cho dù các nạn nhân đã gửi đơn kiện tập thể nhưng cuối cùng, chủ đầu tư, chính quyền, kể cả toà án cùng tách bó đũa ra và “bẻ gãy từng chiếc”.

Ví dụ có vụ án 76 người đã đầu tư vào Dự án bất động sản 584 Lilama SHB - dự án xây dựng căn hộ. Sau nhiều năm chậm trễ, vi phạm hợp đồng, chủ đầu tư không trả tiền, cũng không giao nhà nên họ cùng nhau kiện tập thể nhưng cuối cùng họ vẫn thua cuộc, toà phúc thẩm đã “chẻ” vụ kiện trên thành các vụ án riêng lẻ, bó đũa bị tách ra.

Đối với vụ “chuyến bay giải cứu” những người sử dụng dịch vụ, có thể tiến hành khiếu nại tập thể tại Việt Nam theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP. Các nạn nhân có thể tập hợp các chứng từ để chứng minh mua vé từ đâu, giá bao nhiêu, thiệt hại ra sao khi nộp đơn đòi bồi thường. Điều 5 của Nghị định vừa dẫn cho phép các nạn nhân “có thể tự mình hoặc uỷ quyền cho luật sư”thực hiện khiếu nại. Luật pháp không giới hạn một văn phòng luật sư có thể nhận uỷ quyền cho bao nhiêu người nên luật sư có thể nhận uỷ quyền không giới hạn để tiến hành kiện về “cùng một nội dung”.

Xác định đối tượng khởi kiện và cơ quan tài phán 

Tuy nhiên trong vụ “chuyến bay giải cứu”, các nạn nhân sẽ khó bồi thường thiệt hại của họ ở tại Việt Nam. Bởi vậy họ có thể tìm kiếm một hãng luật ở nước ngoài và khởi kiện tại một cơ quan tài phán ở nước ngoài, cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.

Để tiến hành các vụ kiện chống lại một pháp nhân nào đó theo luật pháp Hoa Kỳ, trước hết phải xác định pháp nhân ấy có hiện diện vật lý tại Hoa Kỳ không? Có trụ sở và có đăng ký hoạt động theo luật pháp Mỹ không? Hành vi gây thiệt hại có thực hiện trên lãnh thổ của Hoa Kỳ hay không?

Ví dụ trong vụ “chuyến bay giải cứu” cần phải xác định đối tượng để khởi kiện là “chính phủ Việt Nam, các doanh nghiệp được cho phép thực hiện các chuyến bay combo hay là Vietnam Airlines? Muốn vậy phải chứng minh chính phủ (bao gồm các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài) có can dự vào việc gây ra thiệt hại thông qua các chỉ đạo, yêu cầu hay không? Các doanh nghiệp đã “phối hợp” những chỉ đạo, yêu cầu của chính phủ với tình thế lúc ấy để bắt chẹt người có nhu cầu như thế nào? Vietnam Airlines liên quan ra sao - chỉ là bên được các doanh nghiệp có giấy phép thực hiện “chuyến bay giải cứu” thuê mướn hay cũng góp phần vào việc điều phối các chuyến bay?

Bởi có hàng trăm ngàn nạn nhân nên sẽ có hàng ngàn tình tiết khác nhau, chi phí - thiệt hại khác nhau,... và có lẽ chỉ những nạn nhân thực sự dám làm việc với luật sư mới giúp xác định đối tượng cần khởi kiện là pháp nhân nào? Biết đâu sau khi tìm hiểu tất cả các yếu tố có liên quan, các hãng luật sẽ gợi ý một vụ kiện “combo”?

Để bảo đảm mức độ khả thi, cơ quan tài phán mà các nạn nhân tìm kiếm nên là ở Hoa Kỳ và trước hết nên là những người hoặc có quốc tịch nước ngoài hoặc song tịch. Con đường sẽ rất dài và không dễ dàng nhưng những ai yêu mến công lý vẫn có thể liên hệ các hãng luật tại Mỹ để nhờ xem xét việc khởi kiện để bảo đảm sẽ không bao giờ có đại án nào kiểu như “chuyến bay giải cứu” trong tương lai nữa.



NGÂN HÀNG RAO BÁN TÀI SẢN: LIỆU CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ?



Động thái công khai của Vietinbank có kích hoạt một cuộc đua để xử lý tài sản đảm bảo hay không? Điều này phụ thuộc vào ý chí của Ngân hàng Nhà nước. 

Trong một động thái không bất ngờ với giới chuyên gia nhưng gây chấn động thị trường, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã rao bán hơn 350 khách sạn và bất động sản là các tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. 

Một cuộc đua mới hay là một chiêu trò? 

Động thái công khai của Vietinbank có kích hoạt một cuộc đua để xử lý tài sản đảm bảo hay không? Điều này phụ thuộc vào ý chí của Ngân hàng Nhà nước. Đáng ra các ngân hàng khác đã nhảy vào tham gia cuộc đua này cũng như những cuộc đại phẩu thuật toàn ngành này vì bệnh đã nặng, để càng lâu càng khó chữa. Nhiều tài sản thế chấp sẽ hư hỏng và giảm giá trị theo thời gian. 

Thế nhưng các ngân hàng vẫn khác hiện đang ngập ngừng thăm dò, vừa muốn không bị “lộ” là có quá nhiều nợ xấu với các tài sản thế chấp kém chất lượng. Đồng thời phải xin ý kiến để thị trường không xô nhau bán tháo, dẫn đến sập luôn cả nền kinh tế đang neo vào bất động sản là chính. 

Điều khôi hài là có những tài sản đảm bảo đấu giá đến 10 lần không có người mua nhưng ngân hàng vẫn không chịu hạ giá, thậm chí còn tăng gía lên gần chục tỷ (như trường hợp khu Resort Mỹ Khê do Ngân hàng Vietcombank rao bán). Hoặc có những khoản nợ chỉ vỏn vẹn 8 triệu đồng được ngân hàng Agribank rao bán 3,6 tỷ

Các ngân hàng và đơn vị đấu giá thường nói “có sao bán vậy” mà không chịu trách nhiệm về tình trạng và rủi ro tiềm ẩn và các tranh chấp khác của khoản nợ. Theo quy định của pháp luật thì các tài sản liên quan đến những vụ hình sự thì phải ưu tiên giải quyết trước khi chuyển sang dân sự. Cho nên hàng ngàn tài sản đảm bảo trong các vụ trái phiếu vừa qua đều phải dừng lại chờ giải quyết hình sự. Nhiều tài sản cũng đem ra bán và đã hạ giá hàng chục lần nhưng vẫn không bán được vì trước đây đã được định giá quá cao hoặc dính đến các vấn đề pháp lý. Đây cũng là một kiểu “câu giờ” trước một căn bệnh đã đến hồi di căn. 

Vay và thế chấp Bất động sản quá lớn 

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì “tình hình nợ xấu của các ngân hàng thực sự rất đáng lo ngại”. Người viết đã từng đề cập trong bài “Nền kinh tế bên kia sườn dốc” về “trục trặc” nghiêm trọng ở hệ thống ngân hàng. 

Kể từ khi xảy ra khủng hoảng trái phiếu, các doanh nghiệp chỉ trông chờ vào nguồn tín dụng ngân hàng để quay vòng trả nợ nhưng cơ cấu cho vay bất động sản của các ngân hàng rất lớn và đó là những tài sản không tạo ra dòng tiền để trả nợ. 

Theo thống kê của 10 ngân hàng (trong tổng số 49 Ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam) thì thấy tỷ lệ cho vay BSĐ chiếm 21% tổng dư nợ. Trong khi ngân hàng đang cấp tín dụng cho 1.571 ngành. Như vậy, 79% còn lại chia cho 1.570 ngành nghề khác nhau của nền kinh tế. Theo tạp chí tài chính Việt Nam thì 70% tài sản đảm bảo các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản. Vậy đầu tiên muốn thay đổi thì phải giải quyết các tài sản đảm bảo hiện đang rất “kém chất lượng” này. 

Trong nửa đầu năm 2023 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,36% nhưng vì cần phải đạt được các chỉ tiêu phát triển mà Quốc hội đã giao nên Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục cho phép nới “room” đến 13-15% tuỳ điều kiện kinh tế. 

Trong bối cảnh sản xuất đang gặp khó khăn, xuất khẩu giảm. Theo S&P Global thì chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam liên tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Như vậy khi cho phép nới “room” dư địa tín dụng thì tiền sẽ, bằng cách này hay cách khác, lại chạy về bất động sản.

Đại gia và quan chức kết hợp để “ăn” đất. 

Lý do hoạt động giật cục “thông tắc, tắc thông” như lên đồng của thị trường bất động sản và cả nền kinh tế Việt Nam hiện tại là do sự vận động và thao túng chính sách của các lợi ích nhóm, đặc biệt là các đại gia. Đại gia có tiền và Quan chức có quyền, hai thứ đó quện chặt lại với nhau, tạo ra lợi ích cho nhau, phụ thuộc lẫn nhau nhưng cũng chế ngự và xung đột với nhau. 

Họ kết hợp với nhau để “ăn” từ đất. Điều kỳ thú là họ không “ăn” của một ai cụ thể mà họ ăn đất “của nhân dân”. Doanh nhân thì có hàng vạn chiêu trò để “dụ khị” và Nhà nước thì đã “thành thần” trong việc phân chia ý chí chủ quan thành lợi ích thực tế.

Ở Việt Nam đất đai là thuộc sở hữu của toàn dân. Theo Điều 10, luật đất đai năm 2013 thì đất đai có ít có 3 “nhóm” với ít nhất 18 loại khác nhau. Cách phân loại cũng vô cùng đặc biệt, khi thì dựa vào công năng, lúc dựa vào tính chất, lúc khác lại dựa vào ý chí. Chỉ riêng dựa vào mục đích sử dụng thì Bảng ký hiệu loại đất trên bản đồ địa chính đã có đến 52 loại đất

Nhưng cuối cùng thì mọi thứ cũng quy về giá trị và điều đó lại nằm ở các quyết định hành chính. Các quyết định này có thể điều chỉnh, hoán đổi, chuyển nhượng, thay thế…và cứ mỗi lần như thế là giá đất thay đổi. Cùng một miếng đất, chất đất nằm tại một vị trí nhưng khi nhà nước chuyển đổi công năng, ví dụ từ “đất nông nghiệp” thành đất “đô thị” thì giá của nó đã tăng hàng chục lần. 

Vi diệu ở chỗ khi đại gia “bắt tay” quan chức là công năng của đất thay đổi. Giá trị thay đổi thì thẩm định thay đổi, thế chấp thay đổi, tiền rút từ ngân hàng ra cũng thay đổi. 

Nền kinh tế “vẹo” cột sống “bóp thả” và nạn nhân?

Giống như một người bị vẹo cột sống, hệ thống kinh tế Việt Nam cứ vặn vẹo khi di chuyển. Bị cong lõi, thay vì uốn thẳng lại, nó lại được đắp cho to ra. Đảng chỉ đạo phủ trên, lấp dưới để đỡ thấy cong, nhưng thực chất cái lõi chính vẫn cong. Hiện giờ đang tuổi trẻ thì có thể đi đứng được, nhưng vấn đề vẫn luôn ở đó, sẽ nhanh bị đau và dễ nằm xuống. 

Tôi lo lắng nhiều là vậy. Chúng ta là đất nước trẻ, ở tuổi dân số vàng, hàng triệu thanh niên đang làm việc hết sức mình trong các nhà máy trong và ngoài nước. Đất nước cũng đang hội nhập rất lớn vào nền kinh tế toàn cầu và có nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, chúng ta vẫn thấy khoẻ, chỉ cần tăng lãi suất là giảm ngay căng thẳng thanh khoản. Thế nhưng tương lai lâu dài sẽ vô cùng khắc nghiệt vì chính chúng ta không tạo ra giá trị lâu bền. 

Sau mỗi lần bất động sản đóng băng, các doanh nghiệp lại lên tiếng và các quan chức lại họp hành để đưa ra các biện pháp “tháo gỡ”. Đây giống như là hành động 2 bên tự trói nhau xong lại cùng ngồi gỡ và cùng khen nhau “chúng ta tài giỏi thật”. 

Thay vì tạo ra một xa lộ rộng lớn là tự do để tranh đua về đích thì các đại gia và quan chức đã vẽ ra hàng trăm đường nhánh nhỏ vòng vèo, cho chạy lòng vòng. Khi đã chạy kiệt sức họ lại ngồi lại với nhau, bàn bạc để tiếp tục “chơi ván mới”. 

Ba nhóm vấn đề cần gỡ khó của thị trường Bất động sản mà Chính phủ mới nêu ra cũng chính là những vấn đề mà hàng chục năm nay nó vẫn vậy: Thể chế, tổ chức thực hiện, vốn… đều là những vấn đề mà tự chính các doanh nghiệp đã vẽ ra, đã cùng tổ chức ăn chia với khoá quan chức trước, chạy lòng vòng và cụt đường, giờ lại ngồi lại bàn và gỡ khó với khoá hiện tại và chuẩn bị cho khoá tiếp theo. 

Nhân dân dễ tin và mau quên, lãi suất tăng một chút là ào ào gửi tiền vào. Điều đáng buồn là đồng tiền đó không được đem đi đầu tư phát triển bền vững, mà lại lòng vòng trở thành quân cờ mới, trong môt ván chơi mới của các đại gia và quan chức. 

Cuộc đua bán tháo Bất động sản để thu tiền về, suy cho cùng cũng chỉ là một cách mà các Ngân hàng làm cạo sạch bề ngoài cột sống cong của mình để tiếp tục đắp bột vào bằng những hợp đồng cho vay bất động sản mới. Một chu kỳ “lùa gà” lại tiếp tục mở ra. 

Tổn hại nhất vẫn là Nhân dân Việt Nam, trong hiện tại và tương lai. Mẹ Việt Nam với tấm lưng đã còng lại tiếp tục cong thêm cho nhiều năm tiếp theo. Tất cả con dân lại sẽ chạy lòng vòng bởi cơ chế và chính sách được thiết kế nhằng nhịt dựa theo các nhóm lợi ích mà việc bán tháo cũng chỉ được xem như là một cách đánh bóng quân cờ cho một lần chơi mới.

TỪ VỤ SẠT LỞ Ở ĐÀ LẠT, NHÌN LẠI TÂY NGUYÊN: "THUỐC" RỪNG VÀ SÚNG ĐẠN

 



Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trường mới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.

Chuyện về những người Thượng ở Daklak tấn công 2 trụ sở công an vẫn đang nóng hổi thì việc sạt lở lớn ở Đà Lạt lại bắt đầu chiếm tin trên nhiều mặt báo. 

Mặc dù hai câu chuyện là khác nhau, một bên là nhân tai và bên kia là thiên tai, nhưng đều xảy ra ở Tây Nguyên và có vẻ như có cùng một nguyên nhân sâu xa. Đó chính là sự xâm hại quá nhiều của con người lên một vùng đất cao đẹp và huyền bí. 

Những người Thượng giờ đã lùi sâu vào vùng xa, còn người Kinh thì bắt đầu xây dựng những ngôi nhà tầng trên những sườn đồi đã trọc hoá. Không phải một tầng mà rất nhiều tầng trên một không gian hẹp, san sát nhau, nhìn từ xa trông giống như những chiếc quan tài dựng đứng. 

Và rồi điều gì đến phải đến, 2h sáng ngày 29/6 tại Đà Lạt đã xảy ra một vụ sạt lở, vùi lấp 3 ngôi nhà, làm chết 2 người và một số người bị thương. Hiện trường cho thấy đây là một khu vực ít cây và có độ dốc rất lớn, có rất nhiều nhà cao tầng, đè nặng trên một triền đất yếu vì thiếu cây to. 

Mặc dù trên Cao nguyên, Đà Lạt mát mẻ năm nào đang đối mặt với việc mực nước ngầm cạn kiệt, trời khô hạn khi nắng lên, ngập lụt khi mưa xuống.

Nhiều người đã lên tiếng đổ lỗi tại “Trời”, nhưng ai đã chặt cây, xẻ núi, phá đồi, chia đất, phân lô và phá nát quy hoạch của một thành phố ngàn sương trong rừng thông một thuở? Ai đã quy hoạch để người người chặt cây, làm nhà kính trồng bông, khoan giếng, hút nước và dùng hoá chất tràn lan? 

Người xuôi "thuốc" rừng

Đà Lạt từng được gọi là “Thành phố ngàn hoa”, là “Paris thu nhỏ” chợt trở nên đáng sợ với du khách. Thành phố tình yêu, nơi gặp gỡ của bao nhiêu tao nhân mặc khách, giờ cuống cuồng những đầu tư, quán xá và chặt chém. 

Đặc biệt rừng thông già trầm mặc giữa mù sương chứng kiến bao nhiêu thay đổi của thời cuộc đang bị “giết chết” một cách liên lỉ bằng nhiều hình thức tinh vi, trong đó có “hạ độc”. 

Chúng ta từng biết rằng vào năm 2019, hàng ngàn cây thông ở huyện Lâm Hà đã bị chết đứng vì đầu độc. Hung thủ đã lần lượt khoan vào từng thân cây, sau đó đổ chất độc vào, để dẫn lưu xuống rễ, khiến cây chết dần, tạo thành một màu đỏ úa như màu máu bao trùm cả một khoảng rừng rộng hơn 10 ha. 

Không chỉ khoan lỗ và hạ độc, con người còn thắt cổ cây bằng cách rạch một vòng quanh thân, sâu rộng bằng lóng tay và bóc hết vỏ, cắt đứt mạch sống của những cây thông già, làm cây chết từ từ. 

Nhưng cách nhanh nhất và tàn bạo nhất là cứ chặt, cưa và đốt. Nó làm cho rừng tan hoang nhanh chóng mà giờ nhìn qua vệ tinh Google cũng thấy rõ. Đầu tiên là những cây thông lẻ ở những vị trí đắc địa làm ăn, nhưng chỉ sau hơn 10 năm, gần 100 ngàn hecta rừng đã biến mất

Đồi Robin, nơi đẹp nhất của thành phố Đà Lạt có rất nhiều gốc thông già, lần lượt héo vàng rồi chết. Cũng tại đó dần dần mọc lên những ngôi nhà kiên cố, những tường bao vây hãm, mà chủ nhân của họ có thể ở đâu đó rất xa, Hà Nội hay Sài gòn…

Các tuyệt kỹ “hạ độc cây” này đã được nhiều người ở Hà Nội áp dụng trước đó để triệt hạ các cây ngay giữa trung tâm phố cổ, có lẽ theo thời gian nó đã được di cư dần dần vào Tây Nguyên? 

Nếu như dư luận không lên tiếng mạnh mẽ và chủ tịch FLC không phải đang bị điều tra thì giờ đây hàng trăm hec ta rừng Đak Đoa ở Pleiku cũng đã ra đi. Mặc dù dự án sân golf bị dừng lại nhưng rừng vẫn tiếp tục bị bức tử, xác xơ. 

Bao nhiêu vụ việc đã bị phát giác, các lâm tặc đã bị ngồi tù nhưng rừng thì vĩnh viễn không còn. Các đại gia giờ ở trong tù có hiểu những hoang tàn để lại sau lưng cho đất mẹ Việt Nam nói chung và cho Tây Nguyên nói riêng? Các quan chức và đại gia có biết rằng lũ lụt ở Miền Trung là do những cánh rừng cao nguyên đã bị mất, sinh thái đã thay đổi. 

Người Thượng tấn công

Các quan chức và đại gia có biết rằng đồng bào Thượng nhìn thấy từng mảnh rừng già bị mất đi, cũng giống như chính vị thần của họ lần lượt dính từng mũi tên tẩm độc. Các dân tộc thiểu số, từ ngàn đời, đều coi rừng như những vị thần luôn che chở, bảo vệ buôn làng và là nguồn nuôi sống họ. 

Nóc nhà Tây Nguyên, nơi có rừng già thiêng liêng và trường ca Đam San, giờ trọc lóc, giống như thần linh của núi rừng đã chết. Cả bầu khí quyển lẫn tình người đều khô khốc, và bạo lực đã đến… 

Sau vụ “khủng bố” tấn công vào đồn công an của những người Thượng cực đoan xảy ra vào ngày 11/6 vừa qua, Bộ công an đã khởi tố 84 bị can, Bộ Công An cũng nói thu giữ 23 súng và 10 lá cờ Fulro. 

Trong số 84 người bị khởi tố, có 75 người bị đã khởi tối về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân” quy định tại Điều 113 Bộ luật hình sự 2015, chắc chắn sẽ bị truy tố ở Khoản 1 mà mức cao nhất lên đến tử hình. 

Hậu quả của việc này là những cái chết và án tù dài lâu cho nhiều người. Một vòng tù tội và áp bức mới với rất nhiều gia đình bắt đầu. Ân oán còn dai dẳng và lan truyền đến cả những thế hệ mai sau. Thời gian trôi rất nhanh và một thế hệ phản kháng mới có thể đã bắt đầu ra đời từ hôm nay. Có ai biết rằng nhiều người hành động hôm nay chỉ là những em bé mới sinh vào dịp tuần hành vào năm 2001?

Không ai đảm bảo về sự bình yên bằng bằng cách trấn áp hay răn đe. Không gian sinh tồn là quan trọng nhất của một con người, thậm chí của cả một dân tộc. Khi tự do và sinh kế bị tước đi, con người trở nên hành động như không còn gì để mất, họ lì lợm, cực đoan và khao khát trả thù. 

Để cùng giảm bớt nạn nhân

Khi nghĩ về 2 người làm công nghèo khó bị chết oan trong vụ sạt lở đất, tôi cũng nghĩ về những công an vừa bị giết chết ở Cư Kuin. Họ đều là những nạn nhân bị chính guồng máy sinh ra. Họ đã vô tình họ trở thành nạn nhân của một cái gì đó lớn hơn, dữ dội hơn và nhân quả hơn 

Nếu như quan chức không tham nhũng, không mua bán, chia chác đất đai, cấp phép tràn lan, cho phép xây dựng sai quy hoạch thì rừng sẽ không bị tàn phá, vùng xuôi không bị nhiều lũ lụt, thiên nhiên vẫn thuận hoà và mẹ tự nhiên ít “nổi giận”. 

Nếu như đồng bào Thượng thấy được sự tôn trọng, rừng già được bảo vệ, được tự do thờ phượng trong những không gian riêng, thì bạo lực sẽ không được nuôi dưỡng và hận thù không có chỗ trong tim. Họ sẽ đến với nhau như tình anh em trong nghĩa đồng bào. 

Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến những nhà hoạt động môi trườngmới bị bắt. Khi môi trường xuống cấp, xã hội băng hoại và đạo đức suy đồi, chúng ta cần những nhà hoạt động biết hy sinh bản thân mình. Tiếc thay, giờ này họ đang cô đơn một mình sau song sắt.

Lẽ ra chính quyền phải nhìn nhận những nhà hoạt động như là những nhân tố khơi dậy được sự đam mê dấn thân vì xã hội. Họ giúp hình thành một “Xã hội dân sự”, bảo vệ những giá trị của dân, giải toả bức xúc cho dân và cùng dân ngăn chặn sự lạm quyền của Nhà nước; đồng thời kích thích tính xã hội của doanh nghiệp, để tất cả phát triển một cách nhân văn hơn. 

Tôi cho rằng nếu tiếp tục giam giữ những nhà hoạt động đã cống hiến vì sự phát triển bền vững của môi trường; nếu tiếp tục có những bản án nặng nề cho những người bị tước hết tư liệu sản xuất đã hành động cực đoan, thì vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bạo lực lại cứ thế tiếp diễn, ngày một trầm trọng hơn và nạn nhân của “Nhân tai” và “Thiên tai” lại càng nhiều lên. 

Người thượng và Rừng sẽ trả thù chúng ta dù miền ngược hay miền xuôi, dù lũ lụt hay lở đất. 

Ngược lại, nếu có một chính quyền sạch, biết dừng “thuốc rừng”, chăm đắp những vết thương của tự nhiên và xã hội trong tình đồng bào thì bạo lực sẽ vơi đi, nạn nhân sẽ giảm bớt. Nếu các ý kiến khác biệt được lắng nghe, các vết sẹo sẽ liền da, cây sẽ mọc trong một không gian sống có tình thương và trách nhiệm. Việt Nam ta sẽ là điểm gắn kết của một cố gắng chung, nơi tất cả các sắc tộc có thể yêu mến và tự hào. Mong lắm thay!

Monday, June 26, 2023

CÓ NHỮNG NGƯỜI THƯỢNG CHỈ MONG TƯ DO "ĐI LỄ VÀ ĐẾN NHÀ THỜ"

 


 

Lúc 0h35’ sáng ngày 11/6 hơn 30 người có vũ trang, chia thành 2 hướng tấn công vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, giết chết 9 người gồm 4 công an, 2 cán bộ và 3 người dân. 

 

Đến chiều 14/6, có 46 người đã bị bắt giữ. Đã có xác nhận 2 người đi làm rẫy về bị bắt nhầm và Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng vẫn chưa có “thống kê cụ thể số người đang lẩn trốn”. 

 

Nhiều video và hình ảnh dân cầm gậy gộc, nói tiếng Thanh Nghệ đi lùng bắt các các đối tượng gây án được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người gọi đó là đi “săn phản động” để trả thù. 

 

Video về lời tuyên bố của thủ lĩnh nhóm tấn công cũng đã lan tràn trên mạng đặt ra một bức tranh lớn hơn về niềm tin và mục tiêu “nổi dậy” lâu dài của người Thượng. 

 

Tháng 4 năm 2004 đã từng xảy ra một vụ tuần hành lớn với sự tham gian của hàng chục ngàn người Thượng. Cuộc tuần hành sau đó biến thành bạo động và chính quyền đã ruồng bố khốc liệt, các bên cũng đánh đập và “săn” nhau một thời gian dài. 

 

Bên yếu tất thua và hàng ngàn người phải vượt rừng chạy trốn sang Thái Lan, gây ra một cuộc khủng hoảng về tị nạn chính trị. Năm 2004 Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách Quốc gia có quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo mà một trong những lý do chính là những hạn chế quyền tự do tôn giáo ở Tây nguyên. 

 

Trước đó, vào tháng 2 năm 2001, một cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trên khắp 4 tỉnh Tây nguyên khi người Tin lành Degar ở Tây nguyên đòi hỏi được tự do tôn giáo và chính trị rộng lớn hơn. 

 

Không ai biết chính xác quy mô của các cuộc biểu tình & bạo loạn cũng như số người bị bắt, bị đánh đập hoặc giết chết nhưng những gì tôi nghe kể từ những người Thượng bị giam cùng tôi trong trại An Điềm là “rất lớn” và thương vong “khủng khiếp”.

 

SỰ VA CHẠM CỦA “VĂN MINH” ? 

 

Đông Dương (Indo-China) theo cách gọi của người Pháp, chính là giao thoa giữa hai quốc gia đại diện cho 2 nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó Tây Nguyên có thể coi là rốn của sự va đập đó. Vốn gốc người Nam Đảo, đồng bào Tây nguyên gần gũi hơn với văn hoá của Chămpa, Khơme, cố gắng duy trì sự tồn tại và bản sắc của mình trong một xu hướng đồng hoá mạnh của người Kinh và các sắc dân khác đến từ phương Bắc. 

 

Trước đây, Tây Nguyên chủ yếu chỉ có 4 dân tộc chính cho nên ban đầu tổ chức FULRO có tên là BaJaRaKa là tên viết tắt của 4 sắc dân Bahnar, Jarai, Rhade (Ê-Đê) và Kaho ở vùng cao nguyên. Đã từ rất lâu các sắc dân này liên tục chống lại sự xâm lấn về văn hoá, tôn giáo và chính trị. Họ chống lại cả cộng sản, cả chính quyền VNCH để nỗ lực duy trì sự độc lập nhất định của mình. 

 

Thế nhưng người Kinh có khả năng đồng hoá mạnh mẽ với tất cả các thuộc quốc của mình, tiệm tiến theo kiểu “tằm ăn dâu”. Từ sau năm 1975, chính quyền đã rất thành công trong việc áp đặt các giá trị văn hoá, văn minh của mình lên các sắc dân này mà nhìn các con số sau đây sẽ biết: 

 

Theo Uỷ ban dân tộc thì năm 1976, dân số Tây nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó “dân tộc thiểu số” chiếm đa số (khoảng 69,7%) dân số. Đến năm 2004, dân số tây nguyên là 4.668.142 người gồm 46 dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm còn 25,3% dân số và họ đã trở thành thiểu số trên chính quê hương của mình. 

 

Đến năm 2019 thì tổng dân số của 5 tỉnh Tây Nguyên là 6,002.995 người và có đủ cả 54 sắc dân sinh sống trong đó người kinh chiếm hơn 63%. Theo các chuyên gia thì dân số tăng nhanh chủ yếu là do di dân cơ học, cơ cấu dân số gần như bị đảo lộn ngược. Môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề do phá rừng canh tác, không gian văn hoá bị pha trộn phức tạp. 

 

Đây cũng là điều bình thường trong sự phát triển của nhân loại. Trong dòng lịch sử của mình đã từng có những loài người biến mất phương chi chuyện quốc gia, đất nước. Nhiều quốc gia mới ra đời và một số bị mất đi dù theo cách sáp nhập, tiếp biến văn hoá, xâm lấn, cưỡng bức, đô hộ hay thống trị rồi đồng hoá dần. 

 

Thật vui mà cũng lo lắng khi nhìn về biên giới Việt Nam ngày nay và dự phóng tương lai. Chỉ cách đây hơn 1,000 năm thôi, trên mảnh đất Việt Nam bây giờ là giao thoa của bao nhiêu quốc gia gồm: Đại Việt, Bồn Man, Chiêm Thành, Châu Thượng Nguyên, Chân Lạp…

 

Thật tự hào khi đất nước mình ngày càng rộng mở nhưng cũng bùi ngùi khi nghĩ về những quốc gia, dân tộc đã vĩnh viễn không còn. Lo lắng vì khi đang mải mê mở mang những vùng đất nhỏ thì Trung Quốc đang chờ nuốt trửng trên nhiều phương diện. 

 

Năm 1986 khi tôi vào Đaklak vẫn thấy còn rất nhiều người đồng bào đeo gùi đi bộ dọc theo những con dốc thoai thoải của Tây Nguyên, năm 2020 tôi vào Daklak xem đồng bào hát múa cồng chiêng, sau khi xem hỏi ra mới biết hầu hết là người Kinh biểu diễn. Muốn xác định một người  dân tộc thiểu số  chắc chỉ còn nhìn CMND còn bề ngoài thì đã 100% là người Kinh. 

 

Họ đã “bị” hay “được” nền “văn minh” của dân tộc Kinh khai hoá?  Do chưa có điều tra xã hội học một cách khách quan và nghiêm túc, cho nên không ai biết được. Thế nhưng câu chuyện của 4 người Thượng (Montagnard) ở cùng tôi trong trại An Điềm hé mở một câu trả lời theo quan điểm của họ. 

 

4 NGƯỜI THƯỢNG Ở AN ĐIỀM

 

Ở trại giam An Điềm, Quảng Nam, tôi bị giam chung cùng 4 anh em người Thượng trong khu “An ninh quốc gia”. Đó là Kpa Chin, Kpui Mel,  Siu Thái (Ama Thương) và Nay Y Nga. Họ đều bị kết án về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” được Quy định tại Điều 87 BLHS năm 1999 và tên của họ có trong danh sách các tù nhân lương tâm người Thượng bị cầm tù

 

Họ ít nói chuyện với anh em người Kinh. Họ rụt rè khi bắt đầu câu chuyện nhưng lâu dần, cuộc hội thoại cũng được nuôi dưỡng và khi nhìn sâu vào mắt họ tôi thấy sự thiện lành và chân thật.

 

Kpa Chin sinh năm 1965, đến từ làng Plei Kho, Huyện Chư Sê, Gia Lai trong một gia đình có 3 anh em trai đều bị đi tù, trong đó một người em bị đánh chết trong trại. Kpa Chin là thủ lĩnh, thông thạo tiếng Kinh nhưng chỉ nói những điều cần nói và rất ngắn gọn. Ông tỏ vẻ khinh thường người Kinh và những ngày đầu không nhận quà của tôi chia sẻ cho anh. Ông nói cả gia đình mình đấu tranh cho một lý tưởng “đất đai phải của người Thượng, tôn giáo phải được tự do và Tây nguyên phải được tự trị”. Ông bị bắt năm 2006 và kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế. 

 

Kpuih Mel ở cùng phòng giam với tôi, Ông nói tiếng Kinh rất kém, nhưng có một câu tôi nghe thường xuyên “mình chỉ muốn tốt đẹp thôi, muốn hằng ngày đi làm và chủ nhật đi lễ nhà thờ”. Do không được đọc cáo trạng, tôi cũng không biết ông đã làm gì để phá hoại chính sách “đoàn kết”. Ông bị kêu án 8 năm. 

 

Siu Thái thì khác, đôi lúc anh nhìn tôi, ánh mắt lạ của một tù nhân lương tâm chứa chất sự bí ẩn, nhẫn nại và cả căm thù. Có thức ăn ngon vợ gửi, tôi đều ưu tiên cho Siu Thái. Chính tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã làm đơn đề nghị cho Siu Thái được đi chữa bệnh. 

 

Nhưng có một căn bệnh đó không bao giờ chữa được. Đó là nỗi buồn u uất về một đất nước đã mất, là một sự hận thù khôn nguôi trong lòng anh, như thường trực một Hận Đồ Bàn của người Chăm. Anh bị coi là tâm thần và đưa đi chữa trị một thời gian, khi về tôi xin ở cùng buồng với anh nhưng quản giáo không cho vì nói anh ấy  vẫn rất “nguy hiểm”. 

 

Nay Y Nga thì chỉ hát. Có những hôm hai anh em đứng co ro dưới hàng hiên trong trời mưa lạnh ở vùng núi Đại Lãnh và nghe Y Nga hát, từ bài này sang bài khác. Tôi không hiểu nội dung em hát nhưng em ấy nói là về “Quê hương và rừng cây”.

 

Em nói “chỉ mong ra tù được khoẻ mạnh để đưa con đến trường như người Kinh”. Nhưng ngay khi ra tù, em liền băng rừng vượt biên và hiện đang tị nạn ở Thái Lan.

 

Tôi không biết 4 người bạn tù người Thượng thực sự đã làm gì nhưng vào những lúc gần gũi nhất, tôi thấy mong ước của họ rất đơn giản là được tự do “đi rẫy và đến nhà thờ”. Có một lần khi lặng im cầu nguyện, Kpa Chin cầm chặt tay tôi, mặt sáng lên với sự tin tưởng khác thường. Hình như Anh muốn chia sẻ một điều gì đó có vẻ quan trọng nhưng rồi giây phút đó đã vĩnh viễn qua đi trong im lặng. 

 

Cả bốn người đều coi Tây nguyên là của họ và người Kinh đã vào chiếm giữ, phá tan rừng già như xé nát lồng ngực rồi chiếm lấy trái tim rừng thiêng liêng đã từng toả sáng. Tôi không biết niềm tin này hình thành ra sao, là của thiểu số hay đa số người Thượng ở Tây nguyên, nhưng có vẻ rất khó chuyển lay. 

 

Đây có thể là nguồn cơn đang âm ỉ trong lòng họ…


 

Friday, June 16, 2023

NHỮNG NHÀ HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG BỊ BẮT - PHẦN 2

 


Bài 2: Cáo buộc trốn thuế: Thực chất và hệ luỵ 

 

Không thể lái thẳng trên một đường cong

 

Các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam đang hoạt động trong một tấm lưới quét khổng lồ. Vòng ngoài cùng là một khoảng không mờ mịt vì chưa có luật về Hội và chưa có luật về Tổ chức phi chính phủ. 

 

Vòng trong là Quy chế “Quản lý và Sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài” ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP, tiếp theo là vòng kim cô mang tên Nghị Định số 80/2020/NĐ-CP ban hành năm 2020, thay thế, bao trùm và thít chặt hơn cả Nghị định 93 ban hành 10 năm trước đó.  

 

Nhưng dây thòng lọng chính là một rừng văn bản quy phạm pháp luật về thuế, nó có thể ngoắc vào vòng kim cô số 80/2020/NĐ-CP rồi kéo cổ bất cứ ai mà đảng muốn. 6 nhà hoạt động bị cáo buộc trốn thuế gần đây đều là những nạn nhân đích thực và đau đớn của “nhóm luật rừng” trong rừng luật này. 

 

Xét về bản chất, các trung tâm này đều hoạt động theo dự án và có báo cáo với các nhà tài trợ. Đầu tiên các trung tâm phải xây dựng các đề xuất, rồi thực hiện theo đề xuất và có những kết quả đầu ra cụ thể. 

 

Các nhà tài trợ sẽ phê duyệt đề xuất, giám sát việc thực hiện, thẩm định kết quả, đánh giá tác động của dự án và tiến hành kiểm toán lần cuối. Đối với trung tâm Change của chị Hoàng Thị Hồng, các bản kiểm toán do KPMG là một trong BIG 4 của thế giới thực hiện và được công khai trên website

 

Thế nhưng một giọt nước sạch không thể làm cho lọ mực trở thành trong; người tham gia giao thông không thể lái thẳng trên một đoạn đường cong. Tất cả 6 người “Giao-Lợi-Dương-Bách-Khanh-Hồng” đều bị bắt và cáo buộc trốn thuế theo điều 200 của Bộ luật Hình sự 2015 một cách tức tưởi, hầu hết họ phải thừa nhận mặc dù nó xuất phát từ một động cơ chính trị rất rõ ràng.  

 

Động cơ chính trị rõ ràng 

 

Khi doanh nghiệp hoạt động thì cán bộ thuế biết rất rõ tình trạng của doanh nghiệp. Nếu có dấu hiệu trốn thuế, cán bộ thuế sẽ nhắc nhở và “đe doạ” tiến hành thanh tra thuế. Sau khi thanh tra xác định được số thuế bị sai lệch hoặc cần thu thêm thì thanh tra thuế sẽ đưa ra kiến nghị trong kết luận thanh tra. 

 

Hầu hết là kiến nghị truy thu thuế, xử phạt hành chính theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, cực chẳng đã thì thanh tra mới chuyển qua điều tra hình sự. 

 

Theo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì về cơ bản, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ phụ trách điều tra chứ không phải là cơ quan an ninh. Thế nhưng tất cả các cá nhân kể trên đều bị cơ quan an ninh điều tra. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất về động cơ chính trị đứng sau

 

Thông thường, những người phạm tội trốn thuế không phải bị bắt và tạm giam trước khi xét xử. Nếu một vụ trốn thuế đơn thuần sẽ được tại ngoại, tạo điều kiện khắc phục, và sau khi đã có án mới phải đi thi hành, thậm chí còn được hoãn thi hành án để sau đó “trả án” khi phù hợp, thế nhưng tất cả những người ở trên hoàn toàn bất ngờ về việc bị bắt. 

 

Nếu như được yêu cầu nộp lại thuế hoặc chịu phạt hành chính về những hành vi vi phạm về thuế, thì các đương sự đã lựa chọn việc nộp lại thuế và chấp nhận chịu phạt hành chính. 

 

Chính quyền đã sử dụng chiêu trò kinh điển nhưng cũng đầy thời sự là trốn thuế. Đây là đòn thù nguy hiểm vì đánh vào lòng tự trọng và chính hầu bao của người bị bắt. Nếu mang tiếng tội trốn thuế thì rất khó nói lên lòng yêu nước và tội trốn thuế, luôn có một hình phạt phụ là bị phạt tiền, bị tịch thu “một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

 

Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 còn quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, nghĩa là công ty, trung tâm có thể bị phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoặc vĩnh viễn phải đóng cửa. 

 

Trốn thuế là cách hiệu quả nhất để chôn vùi những nhà hoạt động trong lao tù hòng dập tắt ngọn lửa khát vọng yêu thương bùng cháy trong tâm hồn họ và đang lan nhanh ra cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Chế độ toàn trị rất giỏi trong việc nhận diện những người có ảnh hưởng tới giới trẻ, và yếu đuối khi luôn luôn sợ bất cứ ai có khả năng thách thức quyền lực chính trị của mình. 

 

Cú tát vào cam kết của Phạm Minh Chính

 

Ngày 1/11/2021, tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết giảm phát thải ròng bằng không (NetZero) vào năm 2050; 

 

Ngày 14/12/2022 tại Hội nghị cấp cao EU-ASEAN tại Bỉ, ông Chính đã ký “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với lãnh đạo khối G7, Đan Mạch và Nauy. 

 

Theo đó, trong giai đoạn đầu JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ các nguồn tài chính công và tư trong vòng 3-5 năm để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, sự tham gia của người dân, của các tổ chức NGO là không thể thiếu. 

 

Đùng một cái, bắt và bắt….toàn những người tốt đang hoạt động rất hiệu quả cho chương trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Đó là những cú tát liên tục vào những cam kết rất vui mồm của lãnh đạo chính trị. 

Việc bắt giữ cho thấy cam kết của các nhà chính trị về việc chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững đã trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Theo dõi nhân quyền đều lên tiếng khuyến cáo và quan ngại sâu sắc. 

 

Việt bắt giữ đã gây sốc lớn đối với các tổ chức quốc tế đang ngày đêm phối hợp cùng xã hội dân sự Việt Nam để bảo vệ bầu không khí của đất nước. Các tổ chức đang tài trợ như Wildaid, USAID, Oxfarm, Tổng lãnh sự quán Úc, Tổng lãnh sự quán Canada… đang vô cùng thất vọng khi không chỉ các đối tác bị truy lùng và bắt giữ mà còn kết luận 70 dự án của quốc tế là đều có sai phạm. Chính các NGO quốc tế cũng đang như cá nằm trên thớt. 

 

Khi nhà nước coi các nhà hoạt động xã hội là kẻ thù và tìm cách đàn áp và bắt bớ là đang đóng lại cánh cửa trong các vấn đề của đất nước. Hệ luỵ là vô cùng lớn lao mà chỉ có những kẻ phản động thật sự hoặc tranh giành đấu đá quyền lợi mới đưa ra những quyết định kéo lùi sự phát triển của đất nước như vậy. 

 

Cảm nghĩ dành cho những người hùng

 

Khi còn trong lao tù, nhiều đêm tôi suy tư “tại sao mình lại lên tiếng về tệ nạn xã hội?” nhưng rồi nhận ra rằng tiếng nói nó đã có ở đó, tự ngàn đời trong lương tâm con người, từ sâu thẳm, nó đã và đang cất lên trước khi biết nói, mà lý trí không thể cản được. 

 

Những nhà hoạt động cộng đồng này thực sự là những người có khát vọng. Lương tâm họ thôi thúc về một đất nước “sạch về môi trường”. Sau đó, họ nhận ra rằng không thể có một môi trường sạch mà phải bắt đầu bằng “một chính quyền sạch”. Đó là lúc tiếng nói lương tâm cất lên thành âm thanh của đời sống, chuyển tải thành hành động, lan toả đến cộng đồng. 

 

Tôi thực sự ấn tượng với những điều mà các nhà hoạt động này đã làm được trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng. Các trung tâm đã đi đầu trong phong trào hành động dân sự cho một Việt nam phát triển tốt đẹp và bền vững hơn. Họ cam kết “Dấn thân” & “Hợp sức”, để trở thành “một nhân tố của sự thay đổi vì một Việt Nam xanh và sạch”.

 

Chiến dịch “No, thanks” của Hoàng Thị Minh Hồng vào năm 2020 kêu gọi không sử dụng đồ nhựa một lần đã có hơn 50 nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia. GreenID của chị Nguỵ Thị Khanh, đã giúp đỡ được cho hơn 20,000 người dân được tiếp cận với năng lượng sạch, nước sạch. 

 

Việc hình sự hoá để bắt giữ và kết án các giám đốc trẻ có ảnh hưởng tới cộng đồng là nằm trong kế hoạch tiêu diệt một xã hội dân sự đang lên. Mục tiêu của chính quyền là để cách ly họ ra khỏi xã hội, không cho họ tham gia vào quá trình phát triển thương hiệu cá nhân bằng những việc làm tốt đẹp. 

 

Giao-Lợi-Dương-Bách-Khanh-Hồng đều là những người dám thực hiện các chương trình tác động đến chính sách phát triển và đã có những kết quả vô cùng ấn tượng, có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến giới trẻ và nhưng người luôn mong muốn thay đổi cho một Việt Nam tốt đẹp hơn, bền vững hơn. 

 

Chính vì vậy họ trở thành những nạn nhân đầu tiên. Nếu tiếp tục im lặng, nạn nhân tiếp theo là tất cả chúng ta và con cháu chúng ta, những người đang chia sẻ một không gian sống và một tương lai chung. 


Bài viết đã được đăng tải trên VOA Vietnamese tại địa chỉ sau: 

https://www.voatiengviet.com/a/cac-nha-hoat-dong-bi-bat-giu-vi-tron-thue-thuc-chat-va-he-luy/7140303.html





 

 

 

NHỮNG VỤ BẮT GIỮ CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG CỘNG ĐỒNG



Để hợp thức hoá toàn bộ chiến dịch này, Bộ công an chỉ đạo Bộ KH&ĐT tung lưới bằng cách ban hành Quyết định Số.1460/QĐ-BKH&ĐT ngày 25/8/2022 để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ từ nước ngoài của VUSTA giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Tất cả đều như cá nằm trên thớt. 


Họ là ai và họ hoạt động ở đâu?  

 

Trong chưa đây 2 năm, 6 nhà hoạt động thuộc các trung tâm phát triển vì cộng đồng thuộc VUSTA đã bị bắt và kết án với cáo buộc trốn thuế, họ là: 

 

GIAO - LỢI – DƯƠNG – BÁCH – KHANH - HỒNG

 

Luật sư, tiến sỹ HOÀNG NGỌC GIAO, sinh 1954, là Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), mang mã số thuế: 0105651577. Ông Giao  phó giáo sư và đồng thời là Luật sư và là trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ông là người nổi tiếng vì những bình luận sâu sắc trong các vấn đề chính trị, xã hội và bang giao quốc tế, nhiều lần trả lời phỏng vấn giao lưu cùng các nhà ngoại giao phương tâyÔng bị bắt ngày 20/12/2022 vì cáo buộc trốn thuế

 

Nhà báo MAI PHAN LỢI, sinh năm 1971, là Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng MEC, được thành lập theo quyết định số 470/QĐ-LHHVN ngày 26/7/2012 thuộc VUSTA, mang mã số thuế: 0105989599. Ông Mai Phan Lợi là một nhà báo nổi tiếng, từng điều hành trang Facebook “Góc nhìn báo chí-công dân” với hơn 120 ngàn thành viên và nhóm “Diễn đàn nhà báo trẻ” có hơn 33 ngàn thành viên tham gia mà trong số đó chủ yếu là sinh viên báo chí. 

 

Ông còn là thành viên của Ban Điều Hành Mạng lưới VNGO-EVFTA nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA). Ông bị bắt ngày 2/7/2021 với cáo buộc trốn thuế và bị toà sơ thẩm kết án 48 tháng, tại phiên phúc thẩm ông được giảm án xuống còn 45 tháng. 

 

Luật sư BẠCH HÙNG DƯƠNG, sinh 1975 là một thành viên đoàn luật sư Hà Nội, đồng thời giám đốc trung tâm MEC bị bắt cùng ngày 2/7/2021 với Ông Mai Phan Lợi. Ông Dương là một  và bị kết án 30 tháng tù, tại phiên phúc thẩm, Ông được giảm xuống còn 27 tháng tù giam.  

 

Luật sư ĐẶNG ĐÌNH BÁCH, sinh năm 1978, là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và Chính sách phát triển bền vững (LPSD) thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số 171/ĐK-KH&CN ngày 18/6/2007, mang mã số thuế: 0102304889. Trung tâm là tổ chức nghiên cứu khoa học độc lập, hoạt động phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam. Trung tâm cũng là thành viên ban điều hành VNGO-EVFTA. Ông bị bắt ngày 2/7/2021 và bị kết án 5 năm tù giam, ông luôn khẳng định mình vô tội và nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng bảo vệ ông. 

 

Nhà hoạt động NGUỴ THỊ KHANH, sinh 1976, là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID), trực thuộc VUSTA, có Quyết định thành lập số 840/QĐ ngày 27/12/2011 với Mã số thuế: 0105778862. Trung tâm GreenID hoạt động góp phần thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững. Bà Khanh là một anh hùng khí hậu, là quan sát viên chính thức của Việt Nam tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015. Bà là người Việt Nam đầu tiên nhận được giải môi trường Goldman vào năm 2018 và được cộng đồng biết đến rộng rãi thông qua các hoạt động chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường. Bà bị bắt ngày 9/2/2022 và bị kết án 24 tháng tù giam, sau đó được giảm xuống 21 tháng và bà mới được ra tù vào giữa tháng 5 sau khi đã thụ án được 16 tháng.  

 

“Cô gái nam cực” - HOÀNG THỊ MINH HỒNG, sinh năm 1972, là giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển (CHANGE) được thành lập theo quyết định số 78/QĐ-LHHVN do VUSTA cấp ngày 28/1/2013, mang mã số thuế: 0312269912Bà Hồng là Đặc phái viên trẻ của UNESCO, là anh hùng khí hậu, Bà đã truyền một nguồn năng lượng lớn và rất tích cực cho giới trẻ trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường và động vật hoang dã. Vào năm 2018, cựu tổng thống Mỹ Obama đã viết rằng Bà Hồng là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông. Bà Hồng bị bắt ngày 31/5/2023 với cáo buộc trốn thuế. Sau khi bà bị bắt giữ, hàng loạt báo chí quốc tế, cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Cao uỷ Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng “quan ngại” về vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng.

 

Tất cả GIAO- LỢI-DƯƠNG-BACH- KHANH-HỒNG đều là những người rất giỏi và năng động. Họ làm việc nhiều với giới tri thức và những người nổi tiếng. Họ đều có tố chất đặc biệt, khả năng truyền cảm hứng cao độ và ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ .

 

 VUSTA VÀ “XĂNG PHA NHỚT” 

 

Việt nam là một xã hội toàn trị nhưng sau hơn 30 năm đổi mới, các tổ chức “bán nhà nước” đã bắt đầu phát triển và tìm kiếm cho mình những chỗ đứng nhất định. Một trong những cái nôi để hình thành các tổ chức có tính “lai” giữa “dân” và “nhà nước” chính là VUSTA. 

 

VUSTA là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Vietnam Unions of Science and Technology Associations (Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) được thành lập vào năm 1983, là một tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận tổ quốc, nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam và tất nhiên dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. 

 

VUSTA có hàng ngàn đơn vị trực thuộc từ trung ương xuống địa phương, bao gồm 89 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố, hơn 500 các tổ chức khoa học và công nghệ, đơn vị nghiên cứu trực thuộc. VUSTA có 101 cơ quan báo, tạp chí với hơn 400 ấn phẩm báo chí khác nhau.

 

VUSTA hoạt động kiểu “xăng pha nhớt”, được coi là khu vực dân sự giao thoa giữa “Nhà nước và Thị trường”, quản lý thì khi lỏng khi chặt, tuỳ quan điểm của lãnh đạo, được khen cũng nhiều và bị chê cũng không ít.  

 

VUSTA là một chiếc ô che cho nhiều ban, hội, viện, trung tâm, nhà xuất bản, tạp chí, tổ, nhóm… ở phía dưới ra đời và vận hành một cách tương đối độc lập với nhà nước, hoạt động trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ trên khắp cả nước. Những “tổ chức” kiểu này được gọi là NGO của Việt Nam nhưng thực tế họ không hoàn toàn “phi chính phủ”. Nhà nước muốn họ “thành” kiểu nào là kiểu đó, luật pháp về Hội và Tổ chức phi chính phủ chưa có, các văn bản pháp luật có chỗ chồng lần, có chỗ thiếu hụt nên vấn đề này rất tù mù. 

 

Các tổ chức, hội, trung tâm, viện, quỹ… nằm trong VUSTA ở cấp dưới thường được cho phép thành lập mà không được cấp kinh phí từ nhà nước. Chi phí hoạt động hầu hết là từ sự đóng góp của các thành viên hoặc làm theo hợp đồng với các dự án; 

 

Các thành viên của VUSTA được tiếp nhận các khoản tài trợ từ Nhà nước và các đối tác  khác để thực hiện công việc của mình.  Người đứng đầu các trung tâm thường gắn liền với hoạt động chuyên môn, một số rất có uy tín, được cộng đồng trong và ngoài nước biết đến.  

 

TRI THỨC “CẶN BÔ CẦN CẢNH GIÁC

 

“Trí thức là cục phân” chính xác là lời của ông tổ “Lê Nin” viết vào năm 1919 trong thư gửi nhà văn Maxim Gorky, đại ý rằng “tri thức tư sản là tay sai của đồng vốn tư bản, những kẻ cứ nghĩ chúng là bộ não của dân tộc nhưng trên thực tế chúng không phải là não, mà là cục phân của dân tộc” 

 

Bởi vậy, chính quyền cộng sản luôn đề cao giai cấp công nông, coi thường trí thức. Cho nên khi các tổ chức do những tri thức thành lập, lại được sự tài trợ của “đồng vốn tư bản” thì bị đưa vào diện theo dõi đăc biệt.  

 

Một mặt nhà nước rất cần các tổ chức có vẻ “phi chính phủ” trong việc thể hiện với thế giới về một Việt Nam cởi mở và hướng đến cộng đồng, mặt khác luôn luôn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của họ. Trong hàng trăm hội nhóm ăn chơi vô bổ trực thuộc VUSTA thì không ai để ý, nhưng sẽ có một số tổ chức của những người giỏi sẽ được để mắt tới. 

 

Các trung tâm thuộc VUSTA thường nhận được tài từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các từ các Đại sứ quán các nước phương tây để thực hiện các dự án phát triển về xã hội và cộng đồng. Họ đã cố gắng thực hiện điều này trong một vùng xám với bối cảnh pháp lý hết sức phức tạp

 

Khi các “trung tâm” hoạt động hướng đến giới trẻ và bắt đầu có tác động đối với xã hội, thì đó là lúc mà Đoàn thanh niên cộng sản bắt đầu coi đây là nơi thách thức sự lãnh đạo tuyệt đối của họ đối với thanh niên. 

 

Khi các “trung tâm” trở thành trung tâm phát triển cộng đồng, được quốc tế chú ý và tài trợ thì đối với lưc lượng an ninh “đám cặn bã” này bắt đầu làm “tay sai” để thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” và đã đến lúc cần phải dọn đi. 

 

Để hợp thức hoá toàn bộ chiến dịch này, Bộ công an chỉ đạo Bộ KH&ĐT tung lưới bằng cách ban hành Quyết định Số.1460/QĐ-BKH&ĐT ngày 25/8/2022 để kiểm tra công tác quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ từ nước ngoài của VUSTA giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022. Tất cả đều như cá nằm trên thớt.