Tự nhiên thấy cao hứng lạc quan quá đỗi chắc hôm trước nhậu quá say nên hôm nay vẫn còn tưng tửng, nhớ LS Lê Quốc Quân khi ở trong tù đã có lúc cần tới Kim Thánh Thán mà trào lộng – nay ta cũng bắt chước mà ngông nghênh với đời cho đỡ chán vậy:
Sinh ra không bị dị tật bẩm sinh như mù, lé, thọt, sứt môi, câm, điếc . . . nhìn những người tàn tật mà thấy nao lòng, cũng vì thế mà thấy mình ôi sao may mắn quá – há chẳng thấy mừng vui lắm sao !
Cha mẹ sinh ra ta làm con trai, sắc diện cũng tươi vui, giọng nói cũng trầm ấm, vóc dáng không quá lùn, đôi khi cũng có người (con gái) thích vẻ bề ngoài mà có cảm tình – há chẳng là may mắn hơn nhiều người sao !
Vợ tuy hơi ghen (chắc yêu chồng lắm!!) nhưng giỏi nấu ăn, chăm lo con cái việc nhà chu toàn thấy hơn lắm kẻ bị nạn vợ lười, cờ bạc, ăn chơi lăng loàn – há chẳng sướng lắm sao !
Có con đủ cả trai lẫn gái, có nhà riêng đi về không phải thuê, có cha mẹ già nhưng sống thanh đạm khỏe mạnh, anh chị em đều thành đạt – há chẳng phải là phúc trời cho sao !
Lớn lên cha mẹ cho học hành đầy đủ đến trình độ đại học (kỹ sư), lại học xong một Đại học nữa (Luật), nếu muốn học cao học cũng không phải là quá khó, nay thấy còn quá nhiều người vẫn chỉ mơ ước học hành đầy đủ cần một tấm bằng Đại học thôi – thế cũng thấy hơn người mà cảm thấy sung sướng trong lòng !
Đi làm thuê vài năm lại tự mình mở công ty riêng (tuy chỉ là công ty nhỏ), nay làm chủ một cõi, trên không bị ai sai bảo, dưới nói có người phải nghe – há chẳng sướng lắm sao !
Lợi nhuận tuy ít nhưng mà không bị lỗ, tiền do khách hàng vì hài lòng mà chi trả, không phải gây khó dễ, ép người dân mà nhận tiền bo, tiền lậu như bọn quan lại vô cảm ngồi mát ăn bát vàng (99% đều sống nhục như thế), chúng vơ vét tài sản nhưng lại thượng đội hạ đạp, cúi trên luồn dưới, lúc nào cũng lo ngay ngáy, ngày rằm ngày lễ luôn sắm sanh lễ vật do trong lòng chẳng yên – vì thế cũng thấy thanh nhàn mà vui !
Làm nghề lâu năm kinh nghiệm có chuyên môn cao, lại biết tư vấn Pháp luật cho người nên được trọng vọng – há chẳng sướng lắm sao !
Nhân viên làm việc cho ta được hướng dẫn tận tình nên giỏi nghề, tuy đã bỏ ta đi mở công ty này nọ làm ta lao đao khốn đốn, nhưng họ đều ăn nên làm ra, giỏi giang, kinh bang tế thế hơn thầy – ta cũng được tiếng có nhiều trò giỏi và thúc đẩy họ làm nên sự nghiệp – há chẳng tự hào lắm sao !
Sinh ở miền Bắc (Hà Nội) XHCN, sống trong thời bao cấp MácLê, khi trẻ đọc toàn sách Cộng Sản mà không bị u mê dị đoan duy ý chí kể cũng lạ, tự thân tìm đến tinh hoa văn hóa nhân loại, đánh giá lại cái mà chế độ muốn nhồi sọ học trò, hiểu rõ bản chất nhân quyền, tự do, dân chủ – thấy tội nghiệp cho những kẻ còn học vẹt Mác Lê, tư này tưởng nọ, mù mờ tin dị đoan Cộng Sản, nhắm mắt vơ vét tiền của đất đai của dân, ôm giữ tài sản tham nhũng, trí tuệ không vượt qua nổi quan điểm giai cấp – thế cũng mừng vì đã vững vàng trong buổi rối ren vàng thau lẫn lộn này !
Tai nghe hiểu đánh giá được cái hồn của âm nhạc thi ca, đọc sách biết tư tưởng văn chương lý luận cao thấp, nhìn tranh hội họa cảm nhận được ấn tượng mỹ cảm, thể thao võ thuật cờ quạt không gì không biết, cầm kỳ thi họa đủ cả, hiểu được Phật-Lão-Trang-Khổng nên coi như con người đã có Đạo – cũng nhờ thế mà có nhiều bạn bè học sâu hiểu rộng nên càng học hỏi được nhiều hơn – cũng vui thay !
Ta tuy toàn thân bất mãn nhưng còn thấy được cái mà chính quyền tuy thối nát nhưng vẫn cần phải có để cho dân yên, trong đám súc vật vẫn còn những kẻ chính nhân quân tử biết quên mình vì nước, trong những Đảng phái đối nghịch vẫn có nhiều sự lộn xộn phân chia thù hận quá khích chưa theo, vì thế mà thân vẫn tạm yên ổn để chờ việc lớn – tạm cho là vẫn may nhiều hơn rủi !
Những người yêu nước ta tôn trọng bị bắt đã nhiều nhưng ta vẫn giữ được sự yêu chuộng chân lý, vẫn lạc quan là nếu có bị bọn khủng bố đàn áp tinh thần, có bị phá hại tài sản gia đình thì chắc ý chí ta lại mạnh mẽ hơn – còn đó Nelson Mandela, thánh Gandi làm gương để theo – “tham vọng đời người là mái ấm cho con, tham vọng của vĩ nhân trao mình cho hậu thế” – cũng cao cả lắm thay !
Bài này nằm tại đường link blog yahoo sau đâyhttp://blog.360.yahoo.com/blog-ioK86xowda6DlDgTuFsN_Nc-?cq=1&p=49
No comments:
Post a Comment