Monday, August 06, 2007

CHIỀU POTOMAC & NGHĨA TRANG ARLINGTON


Chiều nay chủ nhật ngày 10 tháng 12, Tôi đi sang nhà người bạn Mỹ gốc Việt gần đó. Hai anh em đi sang CVS ở Watergate để mua mấy thứ lặt vặt trong cho gia đình, một hộp thuốc diệt chuột, một cuộn giấy về sịnh, mấy băng dán, xà bông...Tôi mua một gói kẹo cao su rồi 2 anh em về nhà. Hôm nay Daniel quyết định chặt 2 bụi cây cảnh trước nhà. Nếu ở Việt Nam tôi đã dùng dao chặt nhưng ở đây phải gọi dịch vụ vì chặt rồi lại phải cần đưa đi vứt. Một lát sau có người cầm một cái cưa nhỏ đến để đốn 2 bụi cây cảnh. Gía cho việc cưa cây đó là 100 USD. Cây thì nhỏ nhưng vì người ta trồng cũng đã lâu năm rồi nên rất cứng. Để mặc 2 vợ chồng cưa cây, chúng tôi đi tản bộ ra phía bờ sông Potomac.

Bài “Emily Con ơi, Của nhà thơ Tố Hữu vang vọng bên tai. Tôi đã từng đọc một cách hào sảng bài thơ này ngay từ khi 12 tuổi. Tôi chợt nhớ những chiều hè chập choạng tối ở vùng quê Yên Thành –Nghệ An. Tôi thường độc chiếm khoảng sân nhỏ đi lại và đọc thơ. Tôi đọc rất to, oang oang giọng đến nỗi mấy nhà bên cạnh đều biết, đặc biệt là nhà Bác Khanh. Tôi thường đọc nhiều bài khác nhau tuỳ vào các buổi học trên trường nhưng khoái nhất vẫn là thơ Tố Hữu, Trong đó bài Emily, con ơi luôn được đọc trước. Mặc dù bây giờ tôi mới hiểu, Bố không thích những bài thơ của Tố Hữu, nhưng khi đó ông cũng động viên nhiều, bởi có lẽ nhìn con đọc thuộc những bài thơ dài mà ông thích.

Bên bờ sông “Pô Tô Mác”, tôi thường đọc chữ này vang lên cao hơn, mạnh mẽ hơn vì nó có tính chất nước ngoài, nó “tây”. Tôi hình dung về một dòng sông chảy qua “Lầu ngũ giác” và xót thương cho Êmily, người con đã được bố đặt trước Lầu năm góc trước khi tự thiêu.

Chúng tôi chầm chậm bước, hướng về phía sông. Một con đường chạy dọc theo bờ sông, tôi từ bên này bấm nút ưu tiên người đi bộ. Đèn liền xanh, chúng tôi băng qua đường và thảm cỏ nằm dọc theo sông, bước qua bãi cỏ ra hướng sông là một hành lang cho người đi bộ và ngắm cảnh dòng sông. Nước sông rất trong và hiền hoà. Phía giữa sông là một cù lao rất nhiều cây xanh được gọi là : Theodore Roosevel Island.

“Tôi cũng chưa bao giờ sang cù lao đó”. Người bạn, vốn đã ở gần ngay khu vực này hơn 4 năm nói trong khi tôi bàng hoàng vì ngay giữa lòng thành phố lại có một thảm cỏ, một dòng sông, một cù lao hiền hoà và đáng yêu đến thế.

“Nó thuộc bang Virginia”. Muốn đi sang đó phải qua cầu, sang đất Marryland rồi đi bộ xuyên qua một thảm cỏ, phải lấy một ca nô thì đến được. Chúng tôi thấy một vài chiếc Canô chạy trên sông. Tôi đứng sát lan can của bờ sống nhìn xuống và thấy nước trong đến nỗi mà nhìn thấy rõ rất nhiều cá lượn lờ phía dưới. Sau khi ngắm sông, tôi quay mặt về phía toà nhà Watergate thì thấy một khung cảnh thật đẹp và hài hoà.

“Bà Rice ở trong toà nhà này, Ông Chủ tịch thượng viện cũng ở đây, và cả cô Monica nữa, nhiều chính khách ở trong toà nhà này lắm” – Anh bạn tôi là con nhà nòi trong đấu tranh nói.

Đúng là vị trí toà nhà này đẹp thật. Từ những căn hộ trên toà nhà có thể nhìn ra toàn bộ dòng sống Potomac và sang cả bên Roosevelt Island, với toàn bộ cảnh bình yên của một dòng sông, xa xa là Virginia và nghĩa trang Arlington. Cách đây 30, 40 năm thì đây là một trong số ít toà nhà đẹp nhất Washington DC. Trung ương đảng Dân chủ ở đây và đây cũng chính là nơi xảy ra vụ Watergate làm tổng thống Nixon bị Luận tội và buộc phải từ chức.

Mặt trời xuống thấp và hoàng hôn đỏ dần trong khi chúng tôi đi ngược về phía cầu Roosevelt Memorial Bridge. Chiếc cầu không to lắm, kích thước tương tự như cầu Chương Dương nhưng ngắn hơn rất nhiều. Điểm nổi bật là không ồn ào, đông đúc như các cây cầu ở Việt Nam. Cầu có 4 làn xe và các xe chạy rất thưa và đều đặn không có tiếng còi. Chủ nhật ở Washington thường vằng vẻ hơn nên vào giờ này cũng ít xe.

Vượt qua cầu Roosevelt, chúng tôi đi đến cầu Arlington Memorial Bridge, Chiếc cầu vắt qua sông Potomac, Bắc từ bên này của DC sang bang Virginia. Điều đặc biệt hấp dẫn tôi là hình ảnh những chú ngựa chiến rất to lớn đứng ở trên 2 trụ cầu phía bên DC.

“Người Ý tặng cho Hoa kỳ đó”. Chúng tôi thấy những con ngựa to lớn và mỗi bên ngựa đều có 2 người khoẻ mạnh, một bên ôm đàn và một bên ôm bó lúa mỳ. Mọi thứ đều trông thật ấn tượng và hùng vĩ. Chúng tôi đứng đó chụp ảnh và sau đó tôi và người bạn ngồi xuống những bậc thang bằng đá, nhìn sang Virginia, sang nghĩa trang Arlington. Tôi suy nghĩ mênh mang về những gì đã qua, về Hoàng thành mới phát hiện ở Hà nội, về cuộc nội chiến mỹ và cuộc chiến tranh 30 năm Việt Mỹ vừa kết thúc đúng 31 năm trước. Nơi chúng tôi ngồi xưa kia là chiến trận, là sa trường. Washington DC là một chiến trường khổng lồ cho quân đội 2 miền đánh nhau. DC là điểm giữa của Marryland ( Miền Bắc ) và Virginia ( Miền nam). Nơi đây là chiến trường để giải quyết những vấn đề thuộc về tư tưởng. Chủ nghĩa giải phóng nô lệ được Abraham Linlcon cổ suý đã thắng thế với chiến thắng của người Miền bắc. Ngồi trên các bậc tam cấp nhìn ra phía dòng sông, Bên phải là cầu Arlington, trước mắt là dòng sông Potomac, Bên kia sông, là nghĩa trang Arlington, nơi chôn chung xác quân lính 2 miền. Vào những năm đó người Mỹ đã học được cách đối xử với người thua cuộc một cách bình đẳng như thế. Những ngôi mộ đó, như những người anh em bất hạnh đã đâm chém nhau, giết nhau theo đúng lễ nghĩa của chiến tranh, giờ lại nằm xuống bên cạnh nhau, trong thanh bình. Không ân oán, không giận hờn.

Ngay sau lưng tôi là Đài tưởng niệm Abraham Lincoln, Ngươi được coi là chiến thắng đã trở nên nổi tiếng với câu nói ngắn gọn: “A House divided against itself, can not stand”. Một ngôi nhà mà bị chia rẽ thì tự nó đã chống lại nó và như vậy không thể đứng vững đươc. Bao nhiêu binh lính 2 miền Nam, Băc Mĩ đã đổ máu nơi đây. Xưa cũng như nay, chiến tranh và hoà bình như là 2 mặt của một con người. Nó đem lại quyền uy và cũng giết chết danh dự của những lãnh đạo thông qua sự hy sinh của những người lính.

Chiều hoàng hôn DC đỏ thẫm, mặt trời sắp lặn. Văng vẳng đâu đây câu nói người xưa:

“Tuý ngoạ sa trường quân mặc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

( Say sưa nghiêng ngả ai cười, xưa nay chinh chiến mấy người về đâu )




Tôi chạnh lòng nhớ đến những người lính Việt Nam cộng hoà, đến nghĩa trang Biên Hoà và bản tin sáng nay đề cập đến danh sách 18 thương phế binh cộng hoà đang sống khổ cực, bần hàn ở Sài Gòn.

Đảng và Nhà nước đã làm gì với những người thua cuộc trong suốt 30 năm qua. Tôi nghĩ về đất nước Việt Nam, về những gì chúng ta đã trải qua và những gì nhân dân đang chịu đựng. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta có những bài học lớn và bởi lịch sử vốn là sự lặp lại của quá khứ cho nên ta cần có tầm nhìn xa để rút ra những bài học lịch sử.

No comments:

Post a Comment