Tuesday, April 27, 2010

TINH THẦN NGÔ QUANG KIỆT VÀ SỰ CANH TÂN GIÁO HỘI



Hồ Học – Trần Trung Luận


Việc triển khai nghị quyết “trong năm 2010 bằng mọi giá phải đẩy được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội” khởi sự ngay sau sự kiện Toà Khâm Sứ nổ ra, với sự phối kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành mà thường trực cho nghị quyết này là ngành an ninh.


Một loạt các biện pháp mạnh, trực diện đã được tung ra, đúng là “bằng mọi giá” như: huy động cả hệ thống truyền thông nhà nước vào cuộc vu khống, bôi nhọ đe doạ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và linh mục, giáo dân Hà Nội.


Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công khai tổ chức họp báo quốc tế để thể hiện ý đồ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu phái đoàn cấp cao sang tận Vatican yết kiến Giáo hoàng để thương lượng, tìm hậu thuẫn, tác động từ trên cao… Rồi Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, xua cả ngàn quân cảnh với “súng ống giáp trụ” trang bị tận răng, đập nát cây Thánh giá bê tông tận trong núi thờ Đồng Chiêm, đánh đổ máu giáo dân ngay dưới chân Thánh giá… cũng chỉ để “Bẫy” cho được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào những sai lầm cụ thể để dễ bề thanh toán ông.


Đây là cách xử lý thường thấy của lãnh đạo “cộng sản” Việt Nam trong khi phải đối diện với mâu thuẫn, đó là “đánh rắn dập đầu”, ở đây là đánh thẳng vào trung tâm cuộc phản kháng vì “công lý, sự thật” của giáo dân Hà Nội kéo dài hai năm qua với các sự kiện lớn như Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm… “trung tâm” chính là “Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt”.



Với bản chất cố hữu, với não trạng xơ cứng, thiển cận, “lãnh đạo cộng sản” không đủ nhận thức để nhận ra rằng: khát vọng “công lý, sự thật” là hệ quả tất yếu, là sản phẩm của một xã hội đầy bất công và dối trá mà họ đang ngự trị. Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt chỉ là một lãnh đạo tôn giáo thuần tuý, thực thi những trách nhiệm thuộc tôn giáo của mình. Cá nhân ông tồn tại trong “không gian tôn giáo”, không lệ thuộc vào chính trị nên đẩy ông ra khỏi Hà Nội theo những cách đầy “chính trị” như lãnh đạo cộng sản đã làm nhằm dập tắt “tinh thần Ngô Quang Kiệt” trong giáo dân là không đem lại kết quả… cùng lắm chỉ là chuyến “dưỡng bệnh” tại Vatican với những cố gắng “thay người” hay “thêm người” là đã diễn ra mà thôi.



Trái lại lúc này đây, khi mà quyết định của Toà Thánh Vatican bổ nhiệm thêm TGM Phó cho Tổng Giáo Phận Hà Nội được công bố chính thức, “tinh thần Ngô Quang Kiệt” bỗng bừng dậy trong lòng giáo dân Hà Nội đến ngay cả tác giả “nghị quyết” cũng không thể ngờ được. Linh mục Phạm Minh Triệu nói “Nhiều giáo dân đã gọi điện tới và khóc”.



Một cán bộ cộng sản cấp cao đã phải thốt lên “thà cứ để nguyên ông Kiệt ở mức dưỡng bệnh có khi còn hơn”.


Cũng phải nói lại và nói thêm một chút là thật ra cá nhân vị Tổng Giám Mục này không có gì là nguy hiểm. Ông sống “tốt đời đẹp đạo” các hoạt động của ông hoàn toàn mang dáng dấp của một nhà “tu hành đạo hạnh” hơn là “thủ lĩnh”. Thế nhưng “tình yêu thương” “đức công chính” trong con người “tu hành đạo hạnh” ấy là “THẬT” nên bỗng trở thành “tinh thần Ngô Quang Kiệt” với kết tinh là “công lý, sự thật, hoà bình” trong cái xã hội ngập tràn bất công dối trá này, bất cứ ai là nạn nhân đều tựa vào, hướng đến…

Giáo dân thắp nến cầu nguyện đòi “công lý sự thật” trên đất đai của tiên tổ bị cướp, bán vào tay “tư bản đỏ” là chủ chăn, ông lên tiếng bênh vực chở che… Giáo dân bị bắt bớ, đánh đập oan uổng, với “tình yêu thương” ông tới thăm động viên… Biểu tượng Thánh giá bị xúc phạm, là tín hữu ông tức tốc có mặt cùng chịu nạn… là người “công chính” ông lớn tiếng giữa UBND Hà Nội “tôn giáo là quyền chứ không phải ơn huệ xin cho” Một người không Công Giáo nào đó khi được tiếp xúc với ông đã phải thốt lên rằng “không có gì đao to búa lớn hay bí hiểm ở con người này”.



Như thế thì việc phải rời khỏi sứ vụ không ảnh hưởng đến sự tận hiến cho Giáo Hội của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, và sự thăng tiến phẩm hạnh của riêng ông, người ta đều hiểu tâm tình, lựa chọn của ông trong lúc này là ”tín thác” và “xin vâng”. Nghĩa là để trả thù cho đựoc cá nhân ông, giới lãnh đạo cộng sản cũng đã phải trả những cái giá rất đắt, mà tinh thần “Ngô Quang Kiệt” vẫn cứ sống và cháy lan ra trong từng trái tim của giáo dân Hà Nội.


Nhưng ác nghiệt thay sự ra đi của ông lại là việc thực hiện nghị quyết của Đảng Cộng Sản ”trong năm 2010 bằng mọi giá phải đưa được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội”. Là “thắng lợi” lớn của một thế lực chính trị thân Trung Quốc trong giới “lãnh đạo cộng sản” đang lồng lộn trong cuộc tranh cướp quyền lực (sẵn sàng tung ra những đòn giang hồ hạ đẳng nhất như: ly gián, chia rẽ, mua chuộc, lật lọng)…



Đau đớn hơn là những tiếng kêu thét đòi ”công lý sự thật” của giáo dân, tài sản giáo hội bị chính quyền “tư bản đỏ” cưỡng đoạt, Giáo Hội bị thế quyền khinh miệt chèn ép, những cây Thánh giá thiêng liêng tiếp tục bị đốn hạ, những “tượng Đức Mẹ” tiếp tục bị bắt giữ, hàng loạt những linh mục có “tinh thần Ngô Quang Kiệt” sẽ lại ra đi… không ai biết sẽ có bao nhiêu phiên toà xử giáo dân sẽ được tổ chức để chào mừng Đại Hội Đảng toàn quốc…


Và nếu đúng là như thế thì điều mà những người ngoài công giáo cho là thảm hoạ có thể sẽ là : Khối Công giáo tại Việt Nam đang trên đường hợp nhất sẽ ra sao? Qua hệ thống truyền thông mạng Công Giáo chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phân mảnh vốn tiềm ẩn nay đã xuất hiện. Sự phân biệt giữa hai miền Nam Bắc, sự phân hoá về nhận thức giữa các hàng giáo phẩm, linh mục…



Nguy hiểm hơn cả là sự phân hoá giữa con chiên và chủ chăn… Thiên chúa Giáo miền bắc Việt nam nguy cơ có thể chỉ còn là một tín ngưỡng “công giáo” tại gia khi “Giáo Hôi duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” đang rạn nứt nhiều nguy cơ đổ bể. Sự hình thành Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành… trong lịch sử nhân loại cũng được bắt đầu trong những hoàn cảnh như thế này đây.



Rõ ràng đau đớn, mất mát nhất là khối Công Giáo Việt Nam với gần 500 năm đầu rơi máu chẩy để có “Giáo Hôi duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền”… Và sung sướng nhất , thụ hưởng nhiều nhất là những chủ nhân ông của nghị quyết “trong năm 2010 bằng mọi giá phải đẩy được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội”.

Vẫn biết quyết định của toà thánh Vatican là tối hậu nhưng để cho nó thành hiện thực thì không thể không có Giáo Hội Công Giáo Việt Nam gồm giáo dân, chủ chăn (cả những phẩm hàm cao nhất).



Chúng ta đã thấy những cố gắng… đến hết lòng của những nhười công giáo chân chính, tiến bộ: một thỉnh nguyện thư chăng, một cuộc biểu lộ tình cảm vĩ đại chăng… tới Giáo Hoàng, tới tất cả những Giáo Hội Công Giáo có trên thế gian này… và tới cả tân Phó tổng giám mục Hà Nội, để “tinh thần Ngô Quang Kiệt” là sức sống, là niềm tự hào của toàn Tổng giáo phận Hà Nội…



Cuộc canh tân giáo hội đã bắt đầu từ những giáo dân.

Saturday, April 24, 2010

THƯ NGỎ CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh - Người đã giới thiệu Phụ lục 3 này trong Bài Viết "Em Người Đâu"

THƯ NGỎ CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM –NĂM 2002

Kính gửi: Quý vị lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà nước Việt Nam:

Quốc hội và các Hội đồng Nhân dân

“Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là:

I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội;

II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn.

I. XÓA GIẢM NHỮNG KHUYẾT TẬT HIỆN HỮU CỦA XÃ HỘI

1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người.

Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay:

- khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối;

- khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động;

- khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất;

- khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế.

2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người.

Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây:

- Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người.

- Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc.

II. PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN LÀM CHO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG TRỞ NÊN NGƯỜI HƠN, SỐNG XỨNG VỚI PHẨM GIÁ CỦA MÌNH HƠN

1. Phát huy phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật.

2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội.

3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người gia đình.

4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi:

Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụngcác quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia.

Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người.

Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội.

5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền:

(1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người;

(2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu.

Kính thưa Quý Vị,

Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này.

Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt.

Trân trọng kính chào.

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Friday, April 23, 2010

LỘN XỘN Ở QUỐC GIỖ HÙNG VƯƠNG


Hôm nay là ngày 10/3 Âm Lich, ngày giỗ tổ Hùng Vương. Một Lễ Quốc giỗ mà có những điểm chính mắt thấy được sau đây thì thật là đau lòng, Đây có thể được coi là một bi kịch văn hóa chỉ có ở thời kỳ dị giáo và loạn thần hậu Cộng sản Nguyên Thủy ở Việt Nam như bây giờ:

Điều đập vào mắt đầu tiên của phần Nghi Lễ quan trọng nhất là một đám người đứng lộn xộn phía trước đền chính, không hề có thứ tự, hàng lối và trang phục. Chủ Lễ diện com lê. Phần lớn đội đầu trần, một số khác mặc áo nâu, đội khăn xếp không hiểu là loại lễ phục gì đứng lung tung. Rải rác trong đám đông ngay trước khi dân hương còn đội mũ quân đội, mũ vải, mũ chìa…

Ngay trên hàng đầu cong queo là Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Đức Kiên, Nguyễn Thiện Nhân và một số quan chức khác, người thì chắp tay, người thì để tay thẳng đứng kiểu chào cờ, người thì đan tay trước bụng. Mặt Thiện Nhân trông như bị thần kinh cứ nhướn mắt, giật lông mày. Một nhân vật đứng thập thò phía sau cứ ghé sát tai Triết thì thầm như có việc gì. Những gương mặt kỳ dị, trông đau khổ và cau có. Cảnh tượng thật là bi hài, lố nhố hết sức;

Sau đó đoàn đứng bên trên được mời vào dâng hương. Nhóm Nguyễn Minh Triết (6 người) đi vào đứng trước điện thì được giao cho mỗi người 3 que hương. Sau khi giao xong thì một ông khác đến đứng ra thu lại hết ngay trên tay ông Triết, Kiên, Nhân, Thọ. Các ông này đứng ngẩn tò te một lúc, vẻ mặt trông lại càng đau khổ tợn

Sau đó thì có các em đưa hoa vào, mỗi trao cho mỗi người một bó hoa huệ. Khổ cái là hoa huệ lại bọc giấy bóng kính sáng phía sau như kiểu đi mừng sinh nhật. Các “đồng chí” cắm hoa vào thì bình hoa nhỏ mà bó hoa to nên nó đổ kềnh xuống. Tội Đồng chí Thiện Nhân phải dựng dậy mà nó vẫn nằm oặt ra. Sau khi cắm hoa xong thì các “đồng chí” mới được đưa hương cho và vái.

Màn vái hương thật vô cùng hài hước, người thì vái đứng chỉ hơi cúi đầu, kẻ thì gập mình thật sâu, khi kẻ này lên thì người kia xuống, lỗ đỗ như đâm gạo, lộn xộn vô cùng, có kẻ dừng người kia vẫn vái. Nhìn mặt quan chức nào cũng thấy tội nghiệp vì thiếu hiểu biết về nghi lễ, có người còn đội nguyên cả mũ nón quân phục đứng vái.

Sau phần vái là rót rươu. Rượu đựng ở trong 2 loại chai khác nhau, một vỏ chai nhựa Lavie, một bình cổ kiểu Trung Hoa rất đẹp. Bụp một cái, Triết rót đầy gần đầy 3 ly, khổ cho Thiện Nhân rót sau rón rén mãi đến đầy, Sau Nhân là đến ông Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ, gắng mãi để thêm 1 giọt…cứ như vậy người đến sau chỉ làm giả bộ rót rượu vào nhưng vì cũng phải cố thêm 1 giọt nên nó tràn ra cả.

Hết màn rót rượu đám người lộn xộn lại kéo nhau ra sân. Trong khi các đồng chí khác vẫn tiếp tiếp tục vào thắp hương, đổ tràn rượu ra. Có kẻ hắt rượu đi để tiếp rượu vua Hùng. Trong khi các quan chức ở trong điện vẫn đang vái thì phía ngoài Chủ tịch nước đã đọc diễn văn.

Bài diễn văn của Triết Ngắn nhưng không quên nhắc đến công ơn ghê rợn của Đảng cộng sản. Vừa đọc Chủ tế vừa bạnh hàm bặm môi, kiểu như muốn dồn toàn bộ tức giận vào bài đọc. Ngài không quên nhắc Hồ Chí Minh nhiều lần và Đại Hội Đảng sắp đến.

Sau đó là phần báo cáo chính của Quan chức - Thứ trưởng Lê Tiến Thọ. Vì là nghệ sỹ sân khấu, Chàng đóng luôn làm diễn viên, đeo một cặp kính đen của thầy bói bắt đầu cẩn báo với các Vua Hùng. Đầu tiên chàng ca ngợi hôm nay: “Cờ đỏ sao vàng, thênh thang thánh điện” và báo cáo thành tích chiến nhau của Việt Nam. Kể từ thời Mẹ Âu Cơ đến nay. Suốt cả một bài dài đều ca ngợi tinh thần tẩn nhau của dân Việt với Trung Quốc và đỉnh cao là: “Đảng cộng sản như ánh Chiêu Dương lãnh đạo nhân dân đánh cho Mỹ cút – ngụy nhào”. Đọc cáo thư văn cổ mà giọng đọc gồng lên đanh thép như tiếng hô xung phong. Vua Hùng nghe xong chắc khiếp vía vì con cháu thật là gấu.

Bi hài nhất là đến đoạn cuối : “Nay gặp buổi”…..(lời văn cổ) không biết chuyển ý thế nào thành: “Nay gặp buổi Đảng ta đổi mới tư duy…” Nghe hết sức dở người. Bài đọc lẫn lộn giữa văn cổ và văn mới, từ dùng thì vừa hiện đại lại vừa mông lung, thô thiển nhưng lại mịt mù khó hiểu. Đám đông đứng nghe thì lộn xộn, quay ngang quay ngửa, có một phụ nữ có vẻ ra dáng tổng quản mama, hằm hằm quan sát.

Còn nhiều điều vô lý và nực cười khác nữa mà không thể nêu ra đây. Nói chung cả một chương trình tường thuật về Lễ hội Vua Hùng thể hiện rất rõ sự tột cùng băng hoại văn hóa và các nghi thức Nhà nước. Sau gần 50 năm “phá đền chùa làm kho hợp tác xã” Bây giờ bắt đầu một thời kỳ nhố nhăng khác, các nghệ sỹ cãi nhau về kịch bản, đạo diễn và tiền cát sê đến mức bỏ luôn việc lo Quốc giỗ, Chủ tế không biết cách làm sao cho đúng lễ, Quân sư quạt mo thì lợi dụng để đánh nhau, dùng thần thánh để lòe nhau, vừa huyênh hoang vô thần lại vừa sợ thánh vật.

Đây chính là hệ lụy văn hóa đau đớn mà con cháu Vua Hùng hôm nay phải gánh chịu.

Copy từ nhận xét của Lê Nguyễn Thái Hà

Thursday, April 15, 2010

THƯ REAGAN GỬI BREJNEV


Chưa đầy 6 tuần sau khi nhậm chức tổng thống, Reagan nhận được bức thư của tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Liên Xô Leonid Brezhnev, tái khẳng định chính sách của Liên Xô bằng những lời lẽ cứng rắn. Reagan muốn bắt đầu một thời kỳ tan băng và đáp lại bằng một giọng mềm mỏng hơn.

Tháng 4/1981, Reagan ngồi trong nhà tắm nắng ở Nhà Trắng và thảo một bức thư cho Brezhnev trên loại giấy vàng. Mặc dù bản cuối cùng của bức thư được công bố vào năm 1990, bản nháp đầu tiên, viết bằng chữ của Reagan, tới gần đây mới được phát hiện.

____________o0o______________

Ngài Chủ tịch kính mến!

Tôi lấy làm tiếc nhưng tôi có thể hiểu được những lời lẽ có phần gay gắt của ngài trong bức thư gần đây. Dù sao chúng ta cũng nhìn nhận vấn đề từ những quan điểm triết học đối lập.

Phải chăng chúng ta đã để cho lý tưởng, quan điểm chính trị, kinh tế và các chính sách của chính phủ ngăn cản mình xem xét những vấn đề hằng ngày, rất thật của những người dân mà chúng ta đại diện? Liệu một gia đình trung bình của người Nga có sống sung sướng hơn hay thậm chí họ có biết được rằng chính phủ của họ đã áp đặt ý mình lên nhân dân Afghanistan ?

Trong bức thư của mình, ngài ám chỉ rằng những việc này trở nên cần thiết vì những tham vọng mở rộng lãnh thổ của Mỹ, rằng chúng tôi có những mưu đồ đế quốc và vì vậy là một mối đe doạ đối với an ninh của nước ngài và các quốc gia mới nổi. Không những không có bằng chứng cho lời cáo buộc đó, mà còn có bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ, trong khi đã có thể làm bá chủ thế giới mà không gặp nguy hại gì, đã không theo đuổi nỗ lực nào tương tự như thế.

Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ có nền công nghiệp không bị tổn hại duy nhất trên thế giới. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và riêng mình chúng tôi có thứ vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải bàn cãi là có thể đưa nó tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo một con đường khác - con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những nước đã từng là kẻ thù của chúng tôi.

Khoảng một thập niên trước, ngài Chủ tịch, tôi và ngài đã gặp nhau ở San Clemente, California . Khi đó tôi là thống đốc bang California , còn ngài đang hoàn tất các cuộc thảo luận với tổng thống Nixon. Những cuộc gặp đó đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Chưa bao giờ hoà bình và thiện chí giữa con người với con người lại gần kề đến thế. Khi chúng ta gặp nhau, tôi đã hỏi là liệu ngài có biết rằng hy vọng và khát vọng của hàng triệu, hàng triệu người trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào những quyết định đạt được tại các cuộc họp của các ngài hay không.

Ngài nắm tay tôi bằng cả hai tay và cam đoan rằng ngài biết điều đó và bằng cả trái tim và khối óc mình, ngài sẽ gắng sức để thực hiện những hy vọng và ước mơ đó.

Nhân dân trên thế giới vẫn còn hy vọng. Quả thật, các dân tộc trên thế giới, bất chấp những dị biệt về chủng tộc và nguồn gốc sắc tộc, có rất nhiều điểm chung. Họ muốn có quyền kiểm soát đối với số phận của cá nhân mình. Họ muốn theo đuổi nghề mà mình chọn và được trả công một cách công bằng. Họ muốn chăm lo cho gia đình trong hoà bình, không làm hại ai và cũng không bị ai làm tổn hại. Các chính phủ tồn tại là nhằm phục vụ lợi ích của họ chứ không phải ngược lại.

Ngài Chủ tịch, lẽ nào chúng ta lại không quan tâm đến việc phá bỏ những vật cản đã ngăn cản người dân của chúng ta đạt những mục tiêu đơn giản này?

Và lẽ nào một số vật cản này không phải sinh ra từ những mục đích của chính phủ vốn không liên quan đến những nhu cầu và mong muốn đích thực của người dân?...

Ký tên

Ronald Reagan

Sunday, April 04, 2010

ĐẠO HẠNH TỪ CHÂU


ĐẠO HẠNH TỪ CHÂU

Tùy bút của Anne Lê Nguyễn Thái Hà

Nhà thờ cổ ngay ngắn trên bờ mà nghiêng nghiêng dưới nước chuyển động chậm dần theo chiều buông lơi. Cồn đất hiền lành đầy chim cá ngàn năm xưa giờ thấp thoáng màu cờ vàng trắng. Đường đá nhỏ ngoằn nghèo tỏa sáng bởi những câu từ bất hủ, vượt qua sinh tử, dẫn Ta và Mi đến Linh Sơn từ một vùng sũng nước.

Ta và Mi.

Chiều Tiệc Ly hoang hoải.

Không gian man mác đầy tràn kỷ niệm. Ta bước nhẹ, run run sợ giẫm vào thời gian, sợ chạm phải không gian, sợ quá khứ không còn quyến luyến tương lai. Mi rình mò, mưu toan giết chết Ngôi Hai, phá sợi khói mỏng manh huyền nhiệm giữa Trời và Người, dùng lửa của cây bạch lạp lớn hung hãn đốt Tin mừng.

Ta và Mi song hành.

Cung Thánh sơn son thiếp vàng, rực rỡ như một ngàn sắc nắng, lộng lẫy một miền ấm cúng thâm sâu. Kiến trúc cổ đem cái rạng rỡ của nội dung, thách thức với thời gian gấp gấp và không gian nhỏ hẹp của mái vòm, bật lên nỗi đau thâm Tuần Thánh, vừa đủ tím để xướng lên niềm hy vọng. Giữa tâm là Ngã, lủng lẳng đó niềm đau và nỗi kính sợ của cả một nền văn minh đương đại.

Ta cố vùng lên. Mi theo Ta.

Ngã lần từng nếp gấp thời gian, trong hân hoan và mệt nhọc. Nơi đó không xa Ta, không xa Mi. Nó vì, cùng, với, của, trong và bởi Ngã. Ngã thấy, ngay tại đây và lúc này, sao tôn giáo lại hiện sinh đến thế, tiệm cận Huyền Cơ là một tiếng quẫy đạp của cá dưới ao, nụ cười của trẻ trong sân và lời kinh liên lỉ trên những nóc nhà. Ngã đòi buộc sự thiêng liêng của Ánh sáng, của Đường, Sự thật và là Sự sống, đơn giản như bông hoa đang nở, buồng chuối quả to đang chín, tượng thiên thần gãy ngón hay giọt nước mắt rơi khi Ngài giảng lễ.

Đạo hạnh Từ Châu !

Cha của ráng chiều yên bình đưa mình thánh, Ngài nói rằng vì Ngã muốn nên Một nên đã hiến sinh, dẫn đạo bằng hình, làm của ăn đàng cho hàng vạn sinh linh. Ta và Mi trong Ngã, đứng nhìn hoàng hôn, lắng nghe trong sâu xa âm vang của một chiều núi Sọ, miên man mê trong giờ phút sinh thì của hai ngàn năm trước. Ta và Mi trong Ngã, băng qua đại dương và núi cao truyền giáo, nghe rõ tiếng phập của máy chém trên bờ bãi sông Hồng hôm nao. Đám dân quê xác xơ chạy dọc hai bờ, khóc nức nở giữa một chiều loang lổ máu. Thủ cấp còn đây. Hang toại đạo nén chặt các linh hồn, lễ truyền chức thổi những mầm non mới nhú, lan mướt cả cỏ cây. Hồn cha xanh như gió thiên thần…

Thần khí bay là là………

Nắng nhạt dần phía xa. Giờ đã điểm cho đêm ngày giao hoan. Ta và Mi đối diện. Trước mắt là mặt hồ thẫm màu gợn sóng, vuông vức và sòng phẳng, cuồn cuộn phản chiếu trong lòng Ngã nhưng nhức tội lỗi, đay nghiến khởi đi từ sự sám hối tận căn. Sóng của thiên đường và hỏa ngục, của sa tăng và thánh thần, của thanh cao và trần tục, của dâm dục và Tam điểm, nhằng nhịt khóc lóc trong nhục thể hữu hạn Ngã ban.

Thần khí ấm cúng trườn lên……

Sau Ta và Mi, các Bà Đạo đức mệt mỏi tựa lưng vào cột đền thờ, sâu một niềm đau viên mãn, giãn nở cả một dàn bình ca. Niềm vui đạo hạnh trong đau thương tuần thánh, qua tháng ngày, xưa và nay, hiện lên trên từng đường gân thớ thịt. Dưới lớp tóc bạc trắng kia là gì mà khi mệt nhoài vì đau khổ, cả trong và ngoài, cả thể xác và tâm hồn, cảm được cả một miền ý chí trong tận hiến hy sinh. Tiếng Than ôi lê thê, âm hưởng sầu muộn của một làn điệu Ngắm Rằng xa xưa bên bàn thờ Vọng. Gia trưởng đập đầu xuống đất, thiếu nữ âu sầu như tiền đồ lệ thuộc, đấm ngực xót xa mà vẫn lấp lánh duyên tươi.

Thần khí rúc và hun đúc lửa lòng ……

Các em nhỏ hồn nhiên bước qua Ta và Mi. Ngã hiện lên trên những khuôn mặt, gấp gáp bơm vào chập chững những nụ cười trẻ thơ làm rạng rỡ cả màn đêm đang đến. Sáng cả vô minh. Thời gian trôi và Mi ắt ngộ. Bến Mê kia sẽ nhường cho bờ Giác. Mi chạy tuột ra khỏi Ta, vọt lên trời và chui xuống ao. Mi thả Ta ngồi bệt trên bậc tam cấp xét mình nhớ về đoàn rước nhiều kiều nữ tung đầy hoa trước mặt. Nhớ giây phút quỳ gối rửa những bàn chân Giao Chỉ nứt toác, phong sương. Mi bỏ Ta trở về với nền đất lạnh tựa Ngã nằm sấp trong lễ tấn phong. Mi ru Ta bằng nghi lễ và thiết tha đòi thế tục.

Thần khí phục sinh trong Thụ tạo….

Những dãy nhà cổ, những hàng cột và tượng thánh, áo cũ và sách lễ Latin… Bóng hình muôn năm đó Mi mang theo lao vào bao la. Mi tan vào trong nước để làm Thủy Hoàng Đế nhưng Ngã bảo “Khởi Thủy là Lời”. Mi hòa vào bầu trời cao và sang để làm dương gian nhưng Ngã bảo “Chúa Trời là Lời”. Ngã bảo: “Mi là Ngộ Không đái vào ngón cái của Như Lai”.

Chuỗi ngày cực khổ vừa qua và đang tới. Máu và nước mắt, ánh sáng và tối tăm, vinh quang và điếm nhục, vững chãi giữa mong manh, tất cả nhòe đi trong từng lát cắt của cuộc đời. Trong sự cô đơn của Ta và Mi giữa một biển người, nghe vang vang đâu đây tiếng Ngã gọi phục sinh. Sự sống lại của Ngã trong loài thụ tạo: Ta và Mi.

Từ Châu – Chiều thứ 5 Tuần Thánh 2010