Thursday, January 25, 2007

HỘI NGHỊ THIÊN NIÊN KỶ BÀN VỀ ĐẤT NƯỚC


Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh được rằng các cá nhân kiệt xuất có một vai trò hết sức quan trọng trong việc ra những quyết định làm nên lịch sử.

Nhưng quan trọng hơn là xây dựng được một cơ chế để lựa chọn những người thực sự tài giỏi và ngăn chặn quá trình lạm quyền của những người đã được nhân dân tín nhiệm bầu lên.

Những đất nước đã phát triển ổn định thì ảnh hưởng của các cá nhân kiệt xuất và các quyết định cấp tiến không thực sự có tính cách mạng như trong những xã hội đang bắt đầu cất cánh. Ngược lại, quyết định của người thuyền trưởng lúc nhổ neo để vươn ra biển lớn cũng giống như người phi công khi bắt đầu cất cánh bay vào bầu trời là quyết định “sinh tử”.

Quốc dân đại hội của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là một đất nước đã phát triển khá ổn định. Nếu ông tổng thống Bush có một quyết định sai lầm thì nó cũng chỉ có thể ảnh hưởng phần nào đến chính sách chung trong một giai đoạn và với một mức độ nhất định mà thôi.
Nhưng 231 năm trước, vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, tầm nhìn và quyết định của tổng thống Thomas Jefferson trong một hội nghị của 13 tiểu bang ban đầu tổ chức tại Philadelphia đã làm nên nước Mỹ hôm nay.
Dù còn rất trẻ, Hoa Kỳ được coi là quốc gia già nhất trên thế giới khi vừa được sinh ra là đã có thể chế dân chủ. Chính hội nghị đó đã “dọn sẵn” cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ một định chế chính trị để chính hôm nay những quyết định không phù hợp lòng dân của đảng Cộng Hoà trong cuộc chiến Iraq đã được thể hiện sống động bằng việc Đảng Dân chủ kiểm soát “thẳng cánh” cả 2 viện sau cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11.

Thực ra, Việt Nam ta cũng đã từng có những quyết định có tầm nhìn sâu rộng của những lãnh tụ kiệt xuất với sự góp sức của những chuyên gia tầm cỡ đến từ Mỹ. Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 kết tinh được nhiều điểm sáng và đã đưa ra đất nước chúng ta vào một giai đoạn lịch sử quan trọng. Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp 1946 đã xây dựng được hình ảnh và giá trị Việt nam.
Chính những giá trị đó đã đưa dân tộc chúng ta có được tự do, được thế giới biết đến và được tôn vinh như một dân tộc anh hùng. Nhưng chúng ta cũng bỏ qua quá nhiều cơ hội lịch sử. Và việc nhập ngoại một loại nhiên liệu cho một cỗ máy rất Việt Nam đã tạo ra nhiều “lỗi hệ thống” trong quá trình vận hành. Nếu không suy nghĩ nghiêm túc, không để ý đến nó thì có thể lại là câu chuyện của “chụp giật”. Máy chạy “bốc” một thời gian đầu nhưng về lâu dài càng chạy càng yếu đi.
Hôm nay, đất nước chúng ta đang đứng trước những vận hội to lớn bằng việc tham dự hoàn toàn vào cuộc chơi chung của thế giới trong sân chơi WTO. Việt Nam đã bình thường hoá hoàn toàn với Mỹ và có thể với Vatican trong thời gian tới.

Nhổ neo và cất cánh

Như vậy Việt Nam cộng sản là một Nhà nước hoàn toàn hội nhập và ngang bằng với bất cứ cường quốc vật chất cũng như tinh thần nào trên thế giới. Song song với đó, một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân ngoài đảng, các đại diện tôn giáo hoặc các đảng phái khác cũng đang phát triển ngay trong lòng dân tộc, đòi hỏi phải có tiếng nói về các quyền chính trị, dân sự, tôn giáo.

Thêm nữa, cũng có một Việt Nam không cộng sản đang ngày càng lớn mạnh ở khắp năm châu với trí tuệ hiện diện hầu hết trong mọi lĩnh vực chuyên môn cao cấp. Và vẫn còn đó những tấm lòng nặng trĩu với tiền đồ của dân tộc.

Nếu coi Việt Nam đang bắt đầu cất cánh bay lên hoặc nhổ neo để vươn ra biển lớn như nhiều diễn đàn nêu lên, thì đây chính là thời điểm quan trọng nhất để chúng ta xác định được tầm nhìn của đất nước trong thế kỷ 21 này và cho cả một số giá trị mãi mãi về sau. Việc xác định tầm nhìn dân tộc không phải và không thể do một cá nhân tổ chức hoặc đảng phái nào thực hiện mà phải là công cuộc chung của toàn dân tộc.

Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đòi hỏi phải huy động trí tuệ và bản lĩnh tập thể của tất cả mọi người dân Việt trong cũng như ngoài nước. Sau khi xác định được hướng đi, chúng ta cần một một hải đồ để ra khơi, nghĩa là cần một cơ chế để đảm bảo việc đi đúng hướng, đúng mục tiêu và không bị lạm quyền hoặc làm trệch hướng.

Để làm được việc đó, trước tiên dân tộc Việt Nam ta phải cùng ngồi lại với nhau, bàn thảo về tất cả những khó khăn và trở ngại, những cơ hội bị bỏ lỡ trong suốt hơn hai thế kỷ vừa qua, những hiểm hoạ vô tiền khoáng hậu mà nhân loại nói chung, nước ta nói riêng có thể phải đối mặt trong thời gian tới. Nghiên cứu tổng quát về một giải pháp Việt Nam và tạo lập một tầm nhìn cho Việt Nam trong thế kỷ 21.

Hội nghị Ngàn năm của Việt Nam

Trước mắt là biển lớn, là bầu trời bao la. Đất nước chúng ta có rất nhiều thế mạnh nhưng lại nằm ở nhiều nơi khác nhau. Bởi vậy, giống như Luật sư Lê Công Định đã từng đề cập về Hào Khí Diên Hồng, tôi nghĩ chúng ta cần một Hội Nghị của Thiên niên kỷ thứ ba để xác định một tầm vóc dân tộc trong một hai thế kỷ tới.

Một hội nghị mà tất cả mọi người, mọi chính kiến khác nhau, đều được quyền đến với nhau mà không cần điều kiện hay sự mặc cả nào về ý thức hệ. Thời điểm thuận lợi cho cuộc hội nghị này là vào năm 2010, năm Thăng Long tròn 1000 tuổi và là năm kết thúc thập niên đầu tiên của thế kỷ 21.

Từ nay đến đó còn đúng ba năm. Đó là quá trình để tất cả các bên ở Việt Nam cũng như ở Hải ngoại tìm kiếm thông tin, điều chỉnh chính mình, tập hợp lý luận, xây dựng đội ngũ và bầu người đi dự Hội Nghị. Hội nghị đó nên họp ở bốn nơi là Hà Nội, Sài Gòn, Mỹ và Pháp. Đó là hội nghị của một Việt Nam - Quốc tế. Hội nghị nên bắt đầu vào mùa hè và có thể kéo dài nhiều tháng. Không một chủ đề nào bị hạn chế hoặc không được bàn đến.

Đối thoại và xây dựng phải là tinh thần chung nhất bao trùm toàn bộ hội nghị. Hội nghị nên kết thúc vào mùa thu để vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhân dân được nghe một bản tuyên ngôn về Việt Nam bao gồm một cách súc tích tất cả các vấn đề quốc gia và quốc tế. Đó là viên đá tảng để chúng ta cùng nhau xây dựng một kim tự tháp Việt Nam “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Thực tế cho thấy, những quyết định sáng suốt và một quyết tâm cao của toàn dân tộc sẽ làm nên những kỳ tích trong một thời gian rất ngắn. Vào thâp niên 1960 nhờ những quyết định quan trọng nhằm phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng mà Hàn Quốc, sau gần 5.000 lịch sử ngủ vùi đã vươn lên trở thành công xưởng lớn của thế giới. Nhật Bản cũng là một tấm gương lớn về sự vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh.

Với điều kiện Việt Nam, trong thời đại ngày nay, khi toàn cầu hoá đã như vũ bão với cuộc cách mạng của khoa học kỹ thuật và thế giới đang phẳng đi cho phép chúng ta tận dụng tối đa được những lợi thế canh tranh và nhờ thế tốc độ “lướt đi” của con tàu Việt nam có thể nhanh gấp nhiều lần.

Để thực hiện điều đó, ngay bây giờ tất cả chúng ta hãy dẹp một chút chuyện của riêng mình để nghĩ về đất nước, về hình chữ S như là chữ cái đầu tiên của chữ Ship - Con tàu lớn Việt Nam nơi mỗi một chúng ta là một bộ phận cấu thành đang cùng hưởng những lợi ích và chia sẻ những khó khăn chung, nơi không một ai có quyền bám víu vào một bộ phận riêng biệt để thủ đắc quyền lợi cho riêng mình mà sẽ là một tập hợp trí tuệ cho con tàu tránh được bão dông và đi tới vinh quang.
Chúng ta sẽ cố gắng để ngay trong thập niên thứ hai, Việt Nam là hình ảnh một con sư tử dũng mạnh chứ không phải chỉ là một “con hổ non” (young tiger) như lời nhận xét của Tổng thống Mỹ. Và rồi chúng ta còn mong muốn Đất Nước Mình sẽ là một con rồng lớn, một “thăng long” lên cao hoà nhập với toàn bộ thế giới văn minh ngay trong nửa đầu của thế kỷ thứ 21.

Washington D.C.– Đầu năm 2007

No comments:

Post a Comment