Wednesday, June 24, 2009

KHAI TRƯƠNG Q&B LAWYERS CÙNG LS ĐỊNH


Thế là 3 năm đã trôi qua kể từ ngày khai trương văn phòng Luật sư Quân Và Anh em ở Sài Gòn. Một ngày khai trương đầy hoài bão đẹp với sự hiện diện của đông đảo bạn bè.

Thế rồi có quá nhiều biến cố xảy ra. Nhưng cũng có nhiều thành tựu đã đến.

3 năm trôi qua, tôi có nhiều bạn mới, kinh doanh đến làm thơ, từ nông dân đến nhà giáo, từ trong nước đến quốc tế. Có những người láng giềng từ trước rất thờ ơ với mình nay luôn pha sẵn một ấm chè ngồi đợi "Chú đi làm về qua nói chuyện thời sự mấy phút".

Nhưng 3 năm qua cũng có một mất mát không gì bù đắp được đó là nhiều người bạn thân đang ở sau song sắt. Họ giờ không thể lên tiếng trong khi tôi tin rằng họ là những người có khả năng đóng góp tốt nhất cho đất nước.

Kỷ niệm 3 năm thành lập và đóng cửa Văn phòng, Post lên mấy bức ảnh có dáng dấp Luật sư. Lê Công Định vào ngày khai trương đầy hoài bão đó




Hình lẵng hoa Văn phòng Luật sư DC Lawyers và Luật sư Lê Công Định gửi tới nhân ngày khai trương. Ngày đó chúng tôi say sưa nói về quyền lợi của công nhân bị bóc lột và công lý cho nông dân mất đất. Chúng tôi tự hỏi là Luật sư mình có thể làm gì cho công nhân, nông dân và những người nghèo, người dễ bị tổn thương và đang bị "lề hóa"



Luật sư Lê Công Định tại Ngày khai trương Văn Phòng Luật sư Quân và Anh em.
Đứng phía sau là Bác Sỹ Lê Nguyên Sang - Người đang ngồi tù cũng vì điều 88. Hôm đó Bác Sỹ sang đem theo máy ảnh xịn và chụp rất nhiều ảnh. Số ảnh đó mình cũng chưa có cơ hội được xem mà toàn bộ đã nằm trong kho lưu trữ của công an Thành phố HCM




Với phong cách cởi mở và chân tình. Chúng tôi hồn nhiên đến với nhau, tâm sự về con người, đất nước và lịch sử Việt Nam ngay trong ngày khai trương Văn Phòng. Những người tham dự hồi đó có Nguyễn Ngọc Quang, Lê Nguyên Sang, Phạm Bá Hải, Lê Công Định đang ngồi tù



Luật sư. Lê Công Định đứng bên mộ Ông Ngô Đình Diệm.

Sau khi khai trương văn Phòng luật sư, Chúng tôi đi thăm Mộ của gia đình Họ Ngô. Câu chuyện về phần sau cái chết của 3 anh em trong Gia đình Họ Ngô là một trong những điều tôi thấy thú vị nhất khi nghe Ls Định kể, vừa ly kỳ, huyền bí - sắc sắc không không - giống như những gì chúng ta thấy trên TV.





Monday, June 22, 2009

LÊ THĂNG LONG - TRẦN HUỲNH DUY THỨC - LÊ CÔNG ĐỊNH

Họ là những người con ưu tú của đất nước.
Điều này chính các báo ở Trong nước đã đề cập đến.
Tất cả đều rất giỏi và đau đáu một lòng cho dân tộc, cho Nước Việt Mạnh hơn.
Nếu ai đó đã từng đọc những bài viết và bài thơ của Trần Đông Chấn, của Lê Công Định thì đã biết nhiều. Nhưng hôm nay xin trích đây một đoạn phỏng vấn doanh nhân tiêu biểu - Lê Thăng Long do chính tờ báo Doanh Nhân Sài Gòn phỏng vấn anh:
________________

Tin tức » Trò chuyện cùng doanh nhân » Lê Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty EIS, Chủ tịch HĐQT Công ty One - Connection Internet, Inc:Giác đấu trên đất Mỹ

* Để trở thành một công ty đầu tiên mở dịch vụ viễn thông thế hệ mới mang tính toàn cầu phát triển trên môi trường Internet (OCIV-USA) tại Mỹ, chắc hẳn EIS phải có một sự chuẩn bị rất bài bản?

- Đúng vậy! Trong suốt hơn 10 năm xây dựng và phát triển công ty, chúng tôi luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể. Từ một cửa hàng máy tính, đến một công ty TNHH rồi một công ty cổ phần là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Tháng 5/2001, chúng tôi mua lại Công ty Milgo Solution và đầu tư thành lập Công ty EIS Singapore với mục tiêu tạo ra mô hình dịch vụ viễn thông toàn cầu. Tháng 11/2001, quyết định đầu tư vào Mỹ, mục tiêu của chúng tôi là nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm mới. Chúng tôi đã mua lại công nghệ VoIP (thoại qua giao thức Internet) của một công ty bị phá sản ở Mỹ và chính thức thành lập Công ty Global EIS (cuối năm 2002 đổi tên thành Innfex). Từ đó đến nay, Innfex đã đầu tư phát triển công nghệ này và hiện đang được sử dụng cho dịch vụ điện thoại VoIP toàn cầu One-Connection... Có thể nói, mỗi bước đi của chúng tôi đều được tính toán rất chi li, bước đi trước có nhiệm vụ “dọn đường”, tạo đà cho bước đi sau.

* Trong những năm mới đầu tư ra nước ngoài, EIS phải dựa vào các hãng CNTT khổng lồ trên thế giới để phát triển. Còn giờ đây, rất nhiều “chàng khổng lồ” trên thị trường Internet và viễn thông thế giới lại cần đến sự công nhận và chỉ định của One-Connection để được làm đại lý khai thác dịch vụ này. Theo anh, có được sự thay đổi này là do đâu?

- Có 3 lý do: Thứ nhất là chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài trong việc phát triển các loại hình dịch vụ. Thứ hai là mô hình dịch vụ chúng tôi đưa ra có những tính năng nổi trội. Lần đầu tiên, một số điện thoại cố định của Mỹ được bán ra ngoài biên giới Mỹ nhờ mô hình công nghệ dịch vụ của Việt Nam. Với dịch vụ này, khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ không còn nữa. Khách hàng có thể nhận cuộc gọi, thư thoại và fax và chuyển tiếp cuộc gọi đến số điện thoại bất kỳ trên thế giới. Thứ 3 là lần đầu tiên có một mô hình nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông. Chúng tôi đã tạo ra một mô hình chuẩn để bán cho đối tác và họ có thể kinh doanh ngay. Hiện nay chúng tôi đã có 4 đối tác ở Mỹ, Malaysia, Nga và Việt Nam.

* Anh đã từng khẳng định EIS có được sự đột phá trên là nhờ công sức của một tập thể kỹ sư trong công ty. Làm thế nào mà EIS quy tụ được họ khi mà tình trạng “săn đầu người” luôn “rình rập”, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT như EIS?

- Với EIS, nguồn nhân lực luôn được xem là một trong những giá trị lớn nhất của côngty. Trong thực tế, mỗi lần công ty gặp khủng hoảng là mỗi lần chúng tôi phải đối diện với sự “chảy máu chất xám”. Tuy vậy, quan điểm của chúng tôi luôn mở. Nhân viên do mình đào tạo, nhưng nếu họ được trọng dụng ở nơi khác thì cũng tốt cho sự phát triển chung. Chiến lược con người của EIS là sự song hành giữa vật chất và tinh thần. Chúng tôi có chính sách thỏa đáng về vật chất để họ yên tâm gắn bó với công ty. Về tinh thần, chúng tôi luôn duy trì môi trường làm việc hiện đại, thuận lợi, thoải mái để kích thích sự sáng tạo của nhân viên. Hầu hết nhân viên đều được gửi đi học tập hoặc làm việc tại các công ty con ở nước ngoài. Các chính sách về nhân sự cũng được thực hiện một cách công bằng và triệt để.

* Tôi được nghe kể về một tình bạn mà nhờ đó đã chèo lái con thuyền EIS vượt qua không ít sóng gió, có lần đã đứng trên bờ vực phá sản, để có ngày hôm nay. Anh có thể nói gì về tình bạn ấy?

- Tôi và anh Thức cùng học chung trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Anh Thức học khoa CNTT, trước tôi một khóa. Tôi học khoa viễn thông. Sau khi tốt nghiệp năm 1990, anh em mỗi người một nơi. Bốn năm sau, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau tại Hà Nội. Khi ấy, anh Thức đã mở cửa hàng máy tính Duy Việt trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM). Còn tôi đang làm cho một công ty liên doanh. Sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” ấy, chúng tôi đã quyết định cùng hợp tác thành lập Công ty TNHH tin học Duy Việt và gắn bó đến nay. Có một kỷ niệm mà cả hai không bao giờ quên: Vào cuối năm 1995, đầu năm 1996 (thời điểm khó khăn nhất của công ty), trong một cuộc họp hội đồng thành viên, chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt về chiến lược hoạt động của công ty trước bờ vực phá sản. Cả hai đều có lý lẽ riêng và chẳng ai chịu ai. Sau cuộc họp đó, các thành viên khác đều rút vốn. Còn hai chúng tôi thì không ai nói chuyện với ai mấy ngày liền. Nhưng rồi mục tiêu chung đã giúp chúng tôi thỏa thuận được với nhau. Mẫu thuẫn không còn nữa, quan hệ giữa chúng tôi trở nên tốt hơn bao giờ hết vì chúng tôi hiểu rằng những bất đồng đó đều bắt nguồn từ mục tiêu cùng xây dựng công ty...

* Sau từng ấy năm gắn bó với công ty, cái được lớn nhất của anh là gì? Anh đồng ý mình là người thành đạt chứ?

- Ồ, không đâu! Phía trước chúng tôi còn rất nhiều chông gai. Nhìn bề ngoài mọi người luôn nghĩ cứ xâm nhập được thị trường Mỹ là thành công rồi, nhưng trên thực tế lại là mở đầu cho những khó khăn, thách thức mới. Sự cạnh tranh ở đây rất khốc liệt, đã bước chân vô là không có quyền dừng lại, bởi dừng lại là tự sát. Để bảo vệ thương hiệu, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đưa ra những dịch vụ mới. Cái được lớn nhất của tôi là đã từng bước thực hiện được tâm nguyện của mình (đóng góp chút ít công sức cho ngành CNTT cũng như sự phát triển chung của đất nước) và một tình bạn đúng nghĩa!

* Hình như anh mới được lên chức... bố? Sau công việc, anh quan tâm đến điều gì nhất?

- Tôi lập gia đình hơi trễ và mới có một cháu gái. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trên máy bay, trong lần đầu tiên cô ấy về nước sau 8 năm du học ở Pháp. Hôn nhân của chúng tôi là do “ông trời” sắp đặt, và ơn trời, tôi cũng chẳng mong gì hơn. Tôi là người đàn ông hạnh phúc và tôi phải có trách nhiệm nâng niu, bảo vệ hạnh phúc ấy. Những lúc rảnh rỗi, tôi thích đọc sách lịch sử, xem phim, chơi thể thao. Công ty tôi có một đội bóng và chiều thứ Bảy tuần nào tôi cũng tham gia nếu công việc cho phép. Mỗi việc tôi làm đều không vì mục đích làm giàu cho cá nhân mà gắn liền với chiến lược “Tăng lực - làm giàu cho nhân viên”, đóng góp phần nào cho cộng đồng...

* Xin cám ơn anh!

EIS là công ty đầu tiên về CNTT của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. EIS có trụ sở chính ở TP.HCM, 3 văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và 4 công ty con: EIS Services, Innfex, One-Connection Pte và One-Connection Internet. Mục tiêu của EIS là trở thành nhà phát triển CNTT nhằm đơn giản hóa việc tiếp cận và sử dụng các giải pháp cùng những ứng dụng trên Internet. EIS có 150 nhân viên làm việc trong và ngoài nước..



Wednesday, June 17, 2009

CON NGÁO ỘP - DIỄN BIẾN HÒA BÌNH -


Đâu là chân tướng thực trong vụ bắt LS Lê Công Định

Vanminh, thành viên X-café


Vụ bắt LS Lê Công Định quả là gây "sốc" lớn cho giới trí thức VN, như lời của một người đồng nhiệm với LS trên BBC.

Sốc vì LS Lê Công Định là người có tiếng tăm, có học thức trong xã hội, chưa hề bị răn đe về các hành động khiêu khích chính quyền, và chưa hề có hành động nào lộ rõ là chống đối chính quyền, ngoài các phản ứng thông thường về các sự kiện bất bình trong xã hội. Có thể nói, LS Lê Công Định có đến 8, 9 phần giống như mọi trí thức trẻ khác, mang tinh thần cấp tiến, yêu nước, yêu chuộng công lý và tự do, - Hay nói cách khác, LS Lê Công Định là hình mẫu thành đạt của thanh niên Việt Nam ngày nay, là kiểu mẫu thế hệ trẻ mà giới trí thức mong muốn để chấn hưng đất nước.

Vậy tại sao LS Lê Công Định bị bắt - với lời buộc tội to đùng là "âm mưu lật đổ chế độ" nhưng chỉ bị bắt một mình, với những hồ sơ giấy tở thể hiện quan điểm riêng, không cổ võ bạo lực, chưa được phát tán, và thực sự không thể có hại gì đến an ninh quốc gia?

Hiển nhiên, ngoài các nhân vật chóp bu ra, không ai có thể biết được chân tướng thực sự của vụ bắt bớ này. Tuy nhiên, đây lại là điểm chúng ta, thế hệ trẻ tiến bộ, cần biết nhất, để có thêm sự hiểu biết về đất nước mà chúng ta đang sinh sống, để thấy được những việc từng cá nhân sẽ phải làm giúp đất nước vượt qua các khó khăn, tiến lên con đường văn minh, dân chủ.

Với vị trí người ngoài cuộc, tôi chỉ có thể đưa ra các suy luận của mình dựa trên các thông tin có được và kinh nghiệm sống. Hy vọng các bạn ở các vị trí thuận lợi khác sẽ cung cấp thêm thông tin để ta cùng thấu hiểu chân tướng thực của vụ bắt người rất đáng quan tâm - này.

Theo lô gích thông thường của bên An Ninh thì chưa đến mức phải tiến hành bắt khẩn cấp LS Lê Công Định, vì nguy cơ với an ninh quốc gia chưa thể hiện rõ ràng. Tất cả những chứng cứ đưa ra chỉ là tài liệu, quan điểm đấu tranh ôn hòa, dựa trên lý lẽ, dù không có lợi cho chính thể hiện nay, nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, và do đó không thể có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Thời điểm bắt cũng rất phi lô gích khi Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa trên biển, Quốc Hội và Chính Phủ thì đang nóng lên về các chính sách và vấn đề điều hành phát triển kinh tế, với các ý kiến nhiều chiều.

Nếu thực sự nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bên An Ninh cần tìm cách giảm bớt xung đột chính trị xã hội trong nước, để tăng cường đoàn kết, ổn định tinh thần tư tưởng nhân dân lao động và giới trí thức.

Nếu thực sự LS Lê Công Định là đối tượng quá nguy hiểm với an ninh quốc gia, vì sự ổn định xã hội, bên An Ninh có thể cô lập đối tượng này thông qua việc giám sát chặt hơn các đối tượng “tay chân” có ít tên tuổi xã hội hơn. Đồng thời, thông qua hệ thống truyền thông, từng bước hạ thấp uy tín xã hội và chuyên môn của LS Lê Công Định để việc bắt người không gây sốc nhiều cho dư luận, như trường hợp của Cha Lý.

Với những lời buộc tội nghiêm trọng “tổ chức lật đổ chế độ vào năm 2010”, thì việc chỉ bắt được mình LS Lê Công Định với một số tài liệu kêu gọi đấu tranh dân chủ bất bạo động là rất không tương xứng. Thông thường, bên An Ninh sẽ kiên nhẫn chờ lâu hơn một chút, để ra tay bắt luôn một mẻ lưới lớn khi các lãnh tụ của phong trào bắt đầu gặp gỡ và xúc tiến các công việc cụ thể. Ít nhất việc đó giúp họ luận tội rõ ràng hơn, chưng ra được chứng cứ cụ thể hơn, và giúp họ có thành tích to tát hơn.

Trong mối quan hệ với quốc tế, Việt Nam thừa biết rằng vấn đề nhân quyền và dân chủ thường là chủ đề bị công kích nhiều nhất, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Để hình ảnh đất nước tốt hơn, quan hệ làm ăn đỡ có vấn đề, đương nhiên phải hạn chế tối đa những hành động có thể bị thế giới coi là vi phạm nhân quyền và dân chủ. Bắt đột ngột (khẩn cấp) một LS trẻ, tài năng, có tiếng trong các vụ bảo vệ nhân quyền và dân chủ, với các lý do mơ hồ, là một việc làm không thể tồi hơn để bôi nhọ thành tích nhân quyền và dân chủ của Việt Nam, trong một thời điểm Việt Nam cần nó hơn bao giờ hết.

Với nhiều điểm bất thường như vậy, có thể sơ bộ kết luận rằng vụ bắt LS Lê Công Định không xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cũng như tính cấp thiết của sự việc. Vụ bắt này cũng hoàn toàn không phản ánh quan điểm bảo vệ an ninh truyền thống của Đảng và Nhà Nước trong tình hình mới, vốn đề cao ổn định xã hội và chỉ tiến hành bắt khi đó là cách duy nhất để duy trì trật tự và ổn định xã hội.

Hiện tượng trên nghiêng về giả thuyết rằng việc bắt LS Lê Công Định là phản ứng của một nhóm lợi ích đang thâu tóm một số quyền trong trong nội bộ Đảng và Nhà Nước, nhằm cứu vãn những kế họach của họ hiện đang bị trào lưu phát triển của xã hội đe dọa.

Thông qua việc bắt LS Lê Công Định với lời buộc tội hàm hồ về “một kế họach lật đổ chính quyền vào năm 2010” nhóm này muốn đánh tiếng với giới đương chức về nguy cơ có thực của “diễn biến hòa bình” như là mối nguy cơ chung để họ giảm bớt nhiệt tình đấu tranh, cải cách, châm chước cho các sai phạm của nhau, gia tăng đoàn kết nội bộ. Có lẽ các Đại biểu Quốc Hội là những đối tượng chính của thông điệp này. Mặt khác, như là một lô gích của sự phòng vệ, sự kiện này sẽ giúp bên An Ninh sự chính danh để can thiệp sâu hơn, mạnh hơn tới các tư tưởng cáo buộc lãnh tụ, Đảng, Nhà Nước, dưới danh nghĩa bảo vệ sự ổn định và an ninh quốc gia. Các chỉ trích về vụ bê bối Bô xít, tham nhũng, năng lực điều hành, tham nhũng, … vì thế sẽ giảm đi.

Khi việc bắt LS Lê Công Định gây sự phẫn nộ ở các nước dân chủ Phương Tây (chắc chắn không thể không tạo ra sự phẫn nộ), điều này có nghĩa rằng Việt Nam đang tách xa dần quỹ đạo Phương Tây. Muốn lại gần Trung Quốc hơn, không có việc gì tốt hơn là có xung đột với Phương Tây.

Vụ bắt LS Lê Công Định đang được sử dụng như một công cụ để minh chứng cho các quan chức sự nguy hiểm của “diễn biến hòa bình”, quan điểm luôn “thù địch” và “chống đối” của các nước Phương Tây với Việt Nam – vốn có thể dẫn đến sự sụp đổ chế độ trong tương lai không xa (2010).

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng giữa sự lựa chọn: một là ngả theo Trung Quốc gần để tránh đối đầu và giữ yên chế độ; hai là thúc đẩy cải cách phát triển theo các tiêu chí văn minh phương Tây và thế giới, nhưng với nguy cơ sụp đổ chế độ; - thông điệp mà vụ bắt LS Lê Công Định thực sự rất có ý nghĩa trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, khi tiến hành khống chế xã hội trên tư duy lợi ích nhóm, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ làm xã hội, nhất là giới trí thức, thêm “sốc”, suy giảm niềm tin, hoang mang hơn, về các giá trị đạo đức tinh thần thực sự mà chế độ này đang hướng tới. Cùng với những vụ đình đám như PMU 18, tham nhũng vốn FDI, Bô xít Tây Nguyên, bắt phóng viên đưa tin, vụ Công Giáo, vụ bắt LS Lê Công Định chỉ càng làm lộ rõ hơn những mặt thối nát của chính quyền hiện tại.

Có thể nói, vụ bắt LS Lê Công Định, vì toan tính nhỏ hẹp trên tư duy lợi ích nhóm, không vì lợi ích quốc gia, đang gây chia rẽ xã hội và đẩy giới trí thức Việt Nam ra xa chính quyền hơn lúc nào hết. Nếu nhân cơ hội này giới trí thức ra tăng đấu tranh để tạo thêm nhiều vụ bắt bớ nữa thì có thể nhân gấp bội sự bất bình của xã hội, mào đầu cho các thay đổi tích cực theo hướng tôn trọng sự thật, nhân quyền.

Bài này của bạn Văn Minh - đăng lại trên blog từ nguồn X-Cafevn


Tuesday, June 16, 2009

VIẾT VỀ NGƯỜI BẠN - LUẬT SƯ LÊ CÔNG ĐỊNH



Luật sư Lê Công Định vừa gặp nạn. Là một người cùng chí hướng, đồng nghiệp và là một người bạn, tôi muốn viết đôi dòng về Anh và tự chịu trách nhiệm cá nhân về những gì mình viết.

Những câu chuyện giữa Tôi và Luật sư Lê Công Định không còn bí mật để cơ quan An Ninh dùng như là một bằng chứng chống lại anh ấy. Ngược lại, tôi tin rằng Cơ quan an ninh cần trả tự do cho Luật sư Định.

Là một luật sư yêu nước !

Tôi biết Luật sư Định vào cuối năm 2002, khi đó anh đã có một bài viết trên Tuổi Trẻ về vụ Năm Cam.

Chúng tôi tìm đến nhau vì cùng phẫn nộ một “liên minh ma quỷ”. Một tay xã hội đen vô học đã có được Thứ trưởng bộ công an và giám đốc đài tiếng nói Việt Nam, có cả súng và loa.

Lần đầu gặp thấy Anh hao hao giống tây và phát âm rất chuẩn tiếng Pháp, tôi hỏi rằng: “Anh có tý máu nào từ quê hương của Montesquier không?. Định bảo: “Không, tôi 100% Vietnam”. Tự hào về dân tộc, yêu quê hương giống nòi Việt Nam là cảm nhận đầu tiên của tôi đối với Luật sư Định !

Chúng tôi chia sẻ với nhau về tự tình dân tộc, về nỗi đau và vô cảm trước bất công, sự bế tắc của cơ cấu nhà nước không có tam quyền phân lập, mâu thuẫn không thể dung hòa giữa cơ chế thị trường và định hướng XHCN.

Chúng tôi cho rằng các luật sư cần phải chung tay với tất cả mọi người xây dựng một Việt Nam phát triển và tiến bộ.

Là một luật sư giỏi và đúng mực

Chính Bộ Tư Pháp phải thừa nhận rằng trong gần 4.000 luật sư toàn quốc, Khả năng tranh tụng và tư vấn quốc tế như Luật sư Định là đếm trên đầu ngón tay.

Là một chuyên gia về luật thương mại quốc tế , đã từng du học ở Pháp, Mỹ, Anh từ chối những cơ hội làm việc và bỏ lại đề tài tiến sỹ dở dang tại Mỹ để về phục vụ quê hương.

Anh tham gia nhiều vụ kiện lớn cho Việt Nam như Cá Tra-Ba sa và vụ kiện Da giày với Liên Minh Châu Âu. Ở trong bất cứ cuộc đấu trí nào trên bàn nghị sự với các luật sư đối phương, Anh kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia từng li từng tý.

Ngoài ra hiện nay anh còn là Tổng thư ký của Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), giải quyết rất nhiều tranh chấp quan trọng trong quá trình hội nhập, có được niềm tin của nhiều nhà đầu tư quốc tế.

Trong các bài viết của mình Anh luôn giữ một thái độ ôn hòa nhưng kiên quyết, đúng huyệt nhưng khoan dung. Nhiều bài viết của Anh đăng trên báo trong nước như Tuổi Trẻ, Tia Sáng, Doanh nhân Sài Gòn…nhưng BBC là nơi anh yêu thích nhất.

Anh là người đầu tiên sẵn sàng đứng ra bào chữa miễn phí cho tôi khi bị bắt giữ. Dù không có cơ hội đó, nhưng những gì Anh đã làm cho Ls Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và Blogger Điếu Cày đã nói lên tình yêu của anh với pháp luật, sự tha thiết của anh với vấn đề công lý và dân chủ.

Những lời cố vấn, động viên của Anh trong suốt thời gian tôi bị giam cầm là nguồn an ủi và khích lệ rất lớn lao cho gia đình tôi.

Tình cảm đó Vợ tôi, Mẹ tôi không bao giờ quên.

Vì sao bị bắt và bắt để làm gì ?

Khi còn là phó chủ nhiệm Đòan Luật sư TPHCM, LS Định đã chấp bút nhiều tài liệu quan trọng, đặc biệt là văn bản lên án Quyết định thành lập thành phố Tam Sa của Trung Quốc.

Ngoài ra ông cùng Luật sư Nguyễn Đăng Trừng kiên quyết phản đối chiến dịch “cài người” vào Liên Đoàn Luật sư Quốc Gia Việt Nam nhằm khống chế và định hướng cho tổ chức nghề nghiệp này.

Phải chăng, người ta muốn dằn mặt người chủ nhiệm Đoàn của Anh khi với tư cách Đại biểu quốc hội, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng hiện đang cùng nhiều đại biểu khác làm nóng hội trường bằng những chất vấn “không thể trả lời” về Bauxite, Lãnh Thổ và Lãnh hải.

Có thể một trong những mục đích của việc bắt giữ là để “xé” quan hệ với Mỹ và Phương Tây đang còn manh nha được phục hồi. Con ngáo ộp – “Thế lực thù địch” lại được đưa ra để hù dọa mọi người và làm cho nhóm thân Trung Quốc có dịp thắng thế.

Là luật sư từng bảo vệ cho vụ cá Ba Sa Việt Nam anh Định đã cùng tôi bàn thảo nhiều đến việc khởi kiến Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa án quốc tế vì lệnh cấm đánh bắt này ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngư dân Việt Nam. Nếu đây là một lý do thì vận nước đang có biến !

Có một thông tin cho báo chí rằng luật sư Định là người đầu tiên thông báo cho tôi Nguyễn Đức Chi bị bắt vào năm 2005. Các báo hồi đó chạy hàng loạt tít lớn “siêu lừa” với những cáo buộc nặng nề. Sau hơn 4 năm tạm giam và qua 2 lần xét xử, tòa án tuyên Nguyễn Đức Chi không lừa đảo.

Bởi vậy dù chỉ có một ông Tổng biên tập của 700 tờ báo, những đòi buộc về sự khách quan và tôn trọng phẩm giá con người cần phải được các nhà báo đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này.

Luật sư Định không phạm tội và hãy trả tự do !

Trong nhiều bài bào chữa của mình Luật sư Định đã hỏi: “yêu nước có phải là tội không ?. Hôm nay câu hỏi đó lại day dứt trong tim nhiều người. Cá nhân tôi cho rằng Luật sư Định là người yêu nước và không vi phạm pháp luật.

Anh có cao vọng cá nhân và tin rằng chỉ thế mới đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Báo chí trong nước nói về mong muốn làm Tổng Thống như một sự mỉa mai, nhưng thực sự đó là một hoài bão đẹp. Nếu không có ước mơ thì làm sao nước Mỹ có một tổng thống như Obama.

Nếu ai đó đã từng “nhạo báng công lý” để bắt rồi thả Nguyễn Việt Tiến ra, thì hôm nay nên tôn trọng công lý mà trả lại tự do cho Luật sư Lê Công Định.

Nếu ai đó chưa từng gặp và trao đổi trực tiếp với Luật sư về đất nước, thì hy vọng đây sẽ là dịp làm rõ tinh thần trong sáng của Anh, thay đổi “não trạng” mà có quyết định sáng suốt để trả tự do cho Anh.

Nếu ai đó đang vì quyền lợi riêng tư của một nhóm, một tập đoàn nào đó thì đã đến lúc hãy bình tâm đặt tổ quốc lên trên hết, lắng nghe tiếng xôn xao của dư luận, tiếng thì thầm của quần chúng và khát vọng cống hiến chính đáng của công dân ưu tú của mình, hãy trả tự do cho Luật sư Định !

Tôi gọi điện cho Ngọc Khánh. Là vợ, chị luôn tin rằng những điều anh ấy làm là tốt đẹp cho đất nước. Là cử nhân luật, chị quả quyết rằng chồng mình không vi phạm pháp luật. Là Hoa hậu với những quan hệ xã hội rộng lớn, Chị tin rằng công lý sẽ giải thoát anh khỏi gông cùm.

Bài này đã được đăng trên BBC tại địa chỉ

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090616_lequocquan_lecongdinh.shtml