(BBC) Việt Nam sẽ có bản Hiến pháp mới vào cuối năm 2013, theo lộ trình mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa mới đề ra hôm thứ Tư ngày 7/9.
Lộ trình này được thông qua và công bố trong phiên họp đầu tiên của Ban biên tập trực thuộc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đồng thời là Chủ tịch Ủy ban.
Mục đích của phiên họp này là xây dựng mô hình và cách thức làm việc cho Ban biên tập.
Theo đó, Ban biên tập sẽ thực hiện các công việc nghiên cứu và soạn thảo cho đến tháng 4 năm 2012, thời điểm mà họ sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng báo cáo tổng kết những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để Trung ương Đảng cho ý kiến.
Sau đó, đến tháng 10 cùng năm bản dự thảo Hiến pháp sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận.
Tháng 1 năm 2013 sẽ tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và các ngành các cấp trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm 2013.
Ban biên tập dự thảo Hiến pháp cũng dự kiến thành lập sáu tổ trực thuộc phụ trách các mảng: chế độ chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước và các vấn đề chung; chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; bảo vệ Tổ quốc và đường lối đối ngoại; tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo nội dung sửa đổi phải bám sát các văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XI.
Bản Hiến pháp này cũng phải tham khảo ý kiến của ‘đông đảo các nhà quản lý, các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực’ và ‘đặc biệt là ý kiến của các tầng lớp nhân dân’, ông Hùng nói.
Sửa vấn đề gì?
Ông Hùng cũng thừa nhận công việc khó khăn nhất hiện nay là lựa chọn những vấn đề cần sửa đổi sao cho ‘hợp với xu thế của thời đại’ và ‘tình hình thực tiễn của đất nước’, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Ông lưu ý việc sửa đổi Hiến pháp 1992 phải kế thừa Hiến pháp 1946 cùng với các bản Hiến pháp khác qua các thời kỳ.
Hiến pháp 1946 được các học giả Việt Nam cho là bản Hiến pháp thể hiện rõ nhất tư tưởng tất cả quyền lực là của nhân dân nhưng lại chưa bao giờ được công bố chính thức cũng như thực hiện trên thực tế.
TS Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc Hội, là trưởng Ban biên tập đồng thời cũng là người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Quốc hội thành lập vào ngày 6/8 gồm 30 thành viên, trong đó đến 8 trong tổng số 14 thành viên Bộ chính trị hiện nay, bao gồm: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Tô Huy Rứa và Trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh.
Tất cả các thành viên ủy ban đều là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có một số ý kiến từ trong nước đề nghị đây là dịp để sửa đổi Điều 4 Hiến pháp vốn gây nhiều tranh luận.
Một trong những ý kiến vừa xuất hiện trên mạng internet, ông Nguyễn Huy Canh, cho rằng nên sửa Hiến pháp để tiến tới việc "hiện thực hoá quyền lực của Đảng thông qua bầu cử của nhân dân".
"Đại hội Đảng lựa chọn ra những đại biểu ưu tú, những ứng cử viên sáng giá giới thiệu cho nhân dân lựa chọn (lần 2); nhân dân sẽ bầu cử Nguyên thủ quốc gia theo chế độ phổ thông đầu phiếu (có chương trình tranh cử) do Đảng giới thiệu và bầu cử Quốc hội," ông Canh đề nghị.
No comments:
Post a Comment