Friday, September 18, 2009

ĐỒNG VỌNG ÔSIN - PHẦN II


ĐỒNG VỌNG Ô SIN (PHẦN II)

Đúng năm mươi năm sau. Mùa thu năm 2004.

Tôi - Đứa cháu nội của vị công an viên, em trai ông Tri huyện ngày xưa - là một Luật sư Tây học giờ ở Hà Nội, nhận được điện thoại gọi về quê. Đại gia đình họp lại chia vàng. Vào một đêm tối trời trước khi chết không lâu, ông Nội tôi đã dẫn các bác trong họ đi vào nghĩa địa, đến ngôi mộ bà cố Nội đào lên một lọ sành đựng vàng mà ông chôn nửa thế kỷ trước.

Trên đường về quê lần ấy, tôi nghĩ đến chị Cần, là người giúp việc gia đình tôi. Mẹ thường bảo: Hồi nhỏ mày khó tính, chị Cần khổ lắm vì mày”. Quả thực thuở nhỏ tôi ươn người, hay khóc. Chị Cần bồng bế tôi suốt 4 năm. Nhớ chị nhưng giờ chị Cần chỉ còn là ký ức. Khi tôi bắt đầu vào lớp Một thì chị đã về quê ở vùng ven biển lấy chồng. Đã có lần khi còn là sinh viên, tôi tìm về quê chị. Nhưng dân làng cho biết là chị đã theo chồng vào Ninh Thuận làm ăn. Chị sống đời chài lưới cơ cực ven sông, nay đây mai đó.

Năm sau, khi vợ chồng tôi có đứa bé đầu lòng. Chúng tôi thuê người giúp việc tên Tình. Ngày chị ra ở với gia đình, tôi háo hức ghi vào nhật ký của bé rằng, từ hôm nay con có một người giúp việc, bà sẽ bế con, tắm, cho ăn, và hát ru cho con ngủ thay bố mẹ nhiều đêm.

Hai tháng trôi qua. Một hôm, khi đang ăn tối cùng khách hàng, tôi bị vợ gọi về gấp. Không khí gia đình như có chiến tranh. Chị Tình đòi thanh toán tiền hai tháng làm việc và ra về.

- Khổ thân tôi quá, tôi không chịu được nữa, cô giết tôi đi.

Chị ô sin hét lên và làm bộ lau nước mắt. Vợ tôi ngồi lặng im, chiếc điện thoại Nokia mất ba hôm nay giờ nằm trên bàn như một chứng cớ xác đáng.

- Tôi xin cô chú, cô chú cứ giết tôi đi chứ đừng gọi anh Dũng.

Dũng là bạn tôi, làm công an ở quận Hoàng Mai. Chị ô sin xoãi chân ra, như vừa quỳ vừa ngồi, vò tóc và gọi tên con, tên cháu ở quê rầm rĩ. Rồi chị lạy gia đình tôi, những người chỉ xứng đáng tuổi em út của chị. Trông chị như bị loạn trí.

- Tha cho tôi, tôi bị điên rồi, cô chú cứ coi như tôi là thần kinh, cứ giết tôi đi.

Tôi lặng người, sự trống rỗng tràn ngập tâm hồn. Trước mắt tôi là tình trạng của một người mẹ, người chị, người bà của các cháu. Chị ấy đang hủy hoại chính nhân phẩm của mình. Tôi đã gặp ánh mắt thất thần, lén lút này mấy hôm trước khi thấy tôi thờ ơ thả hai chiếc điện thoại trên bàn sau một ngày làm việc mệt mỏi. Chị muốn lấy chiếc điện thoại cho đứa con gái vừa học hết 12. Chị không biết rằng, chỉ mấy ngày trước, vợ đã bảo riêng với tôi:

- Nếu con chị Tình thi trượt đại học, anh cố gắng đưa nó ra văn phòng, cho nó tập đánh máy rồi học thêm, sau này nó đỡ khổ.

Hai ngày sau tôi mất điện thoại, chị xin về quê. Vợ tôi buồn. Một nỗi buồn xa xót gợn lên trong đôi mắt và cả khi trở mình. Vợ gọi điện cho bạn tâm sự về ô sin.

- Mụ đó lấy, đuổi đi - chị bạn như rống lên.

- Sợ oan cho người ta - Vợ tôi vớt vát.

- Sợ oan thì phải xét - Cô phán dứt khoát. Rồi liền bồi tiếp:

- Tôi đã thay 9 đứa ô sin, tôi biết!

- Sao? - Vợ tôi hỏi lại.

“Đây!” cô bạn bắt đầu nổ một tràng, tất cả như chực sẵn chỉ việc phun ra:

- Đứa 15 tuổi, quê ở Thái Bình, đêm rình ngoài cửa phòng riêng vợ chồng.

- Đứa 18 tuổi, Thanh Hóa quê choa, trí tuệ mù lòa, làm chậm nói thô, giọng quê khê đét.

- Đứa 20 tuổi, người ở Hưng Yên, ăn vụng liên thiên, nói một cãi mười, lười như con hủi.

- Đứa 22 tuổi, là gái Tuyên Quang, hôn thằng thợ xây, suýt nữa có bầu, trước mặt con bé;

- Đứa 25 tuổi, Quê ở Hải Phòng, khêu gợi trước chồng, giả vờ đá chân, rồi còn tì ngực.

- Chị 37 tuổi, đồng hương quê mình, đồng bóng vô cùng, lấy quần áo tớ, mặc thử suốt ngày, mở đài nhảy nhót: “Yêu anh thật lâu, yêu anh đậm sâu…”

- Chị 40 tuổi, Bắc Ninh quan họ, túm tụm ôsin, trong cùng khu phố, nói xấu gia đình và con cái tớ;

- Cô 50 tuổi, Quê ở Ninh Bình, trộm quần áo bé, giấu trong thùng rác, sau đem về quê;

- Cô 58 tuổi, người gốc Nghệ An, khóc lóc trong đêm, rồi hô thật to, “Độc lập tự do, chém cha tư bản ! tau về làm chó, còn hơn đi ở với lũ bọn mày”.

No comments:

Post a Comment