Wednesday, September 09, 2009

HAI GƯƠNG MẶT CHÍNH TRỊ GIA - CÔNG GIÁO


Trong tháng 8 năm 2009, xã hội Á Đông vĩnh biệt hai nhân vật kiệt xuất. Nhiều cộng đoàn Dân Chúa ở Á Đông cũng hiệp thông cầu nguyện cho hai người con ưu tú của Giáo Hội. Chúng ta có thể tự hào về hai người đồng đạo. Cuộc đời của họ là một nguồn cảm hứng, vì là một bằng chứng sáng lạng về Đức Tin soi đường dẫn lối cho con người và xã hội như thế nào trên vùng đất Đông Phương này. Hai người đó là bà Corazon Aqnino, nguyên tổng thống Philippines và ông Kim Dae Jung, nguyên tổng thống Hàn Quốc.


I. BÀ CORAZON AQUINO


Bà Corazon Sumulong Cojuangco sinh ngày 25.1.1933. Từ nhỏ và suốt thời niên thiếu bà đã học hành và được đào tạo trong các trường của Giáo Hội ở Philippines và ở Mỹ. Bà kết hôn với ông Beniqno Aquino. Tuy là một phụ nữ thông minh, tài sắc, bà chỉ có tham vọng là một ”bà nội trợ thường”. Trái lại, chồng bà, ông Aquino, đã sớm có thiên hướng hoạt động chính trị. Đường công danh rộng mở, mới 22 tuổi ông đắc cử thị trưởng, không bao lâu sau ông đã đắc cử thượng nghị sĩ, và được coi là một người có tiềm năng làm tổng thống. Nhưng đó chính là bước đầu để tai họa đến với ông.

Philippines lúc đó đang nằm dưới ách thống trị của tổng thống Ferdinand Marcos. Sau mấy năm mị dân, ông Marcos đã lộ rõ chân tướng là một nhà độc tài rất tham nhũng, có thể bóp nghẹt một cách tàn bạo những ai không chịu đi theo ”lề phải”. Ông Aquino được coi là nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu. Ông Marcos toan tính sủa đổi hiến pháp để được tiếp tục ra ứng cử. Để phá tan phe chống đối, năm 1972, ông Marcos thiết quân luật, ông Aquino đi tù rồi bị tuyên án tử hình.

Trong tù, ông Aquino cầu nguyện triền miên, dự Thánh Lễ mỗi ngày ( Philippines là nước Công Giáo ), và mỗi ngày lần ba chuỗi Mai Khôi. Ở nhà, bà Aquino từ nay không cho các con đi dự các cuộc vui, bà cũng không còn lui tới mỹ viện và không còn sắm sửa y phục mới. Về sau có một Linh Mục khuyên mấy mẹ con nên cố gắng sống cuộc sống bình thường, bà mới bớt phần khắc khổ.

Năm 1978, ông Aquino đang ở tù vẫn quyết định ghi danh tranh cử tổng thống. Lúc đầu bà chống lại ý tưởng đó, nhưng về sau bà lại quyết định thay mặt chồng đi vận động tranh cử, đó là lần đầu tiên trong đời, bà đọc một diễn văn chính trị. Về sau bà thấy cô con gái Kris mới lên 6 tuổi, rất háo hức được đọc diễn văn thay cha. Thế là nhường luôn công tác ấy cho con gái. Tất nhiên đấy là một cuộc tranh cử vì nguyên tắc thôi, còn nhà độc tài Marcos thì đã làm mọi cách để thủ thắng rồi.

Năm 1980, nhờ tổng thống Mỹ là ông Jimmy Carter can thiệp, ông Marcos cho ông Aquino được cùng với gia đình lưu vong sang Mỹ. Bà Aquino cho rằng ba năm ở Mỹ là thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc sống hôn nhân của bà. Năm 1983, ông Aquino để vợ con ở lại bên Mỹ và về Philippines một mình. Ý chừng ông lại muốn tham gia tranh cử. Nhưng ông vừa ra khỏi máy bay, còn đang trên cầu thang thì bị bắn chết. Sau đó lực lượng an ninh lại bắn chết kẻ đã bắn chết ông, ấy là vì họ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho người chết !

Bà Aquino vội vã từ Mỹ về nước đưa tang chồng. Không ngờ cái chết của ông Aquino là giọt nước làm tràn ly căm phẫn của nhân dân. Hai triệu người đưa tiễn ông, tạo nên đám tang lớn nhất lịch sử Philippines. Chính quyền độc tài tưởng là đã trừ khử được một đối thủ, hóa ra lại đến ngày tàn.

Hai năm sau đó, phong trào nhân dân chống độc tài tham nhũng vần vũ khắp đất nước Philippines. Ông Marcos buộc lòng phải tổ chức một cuộc bầu tổng thống vào đầu năm 1986. Để đối mặt với nhà độc tài đang nắm trong tay mọi quyền lực và bạo lực, nhân dân suy cử góa phụ của ông Aquino. Lúc đầu bà không chịu, nhưng sau một cuộc Tĩnh Tâm trong Tu Viện, bà nhận ra rằng đó là sứ mệnh của mình vì dân, vì nước.

Cuộc bầu cử diễn ra giữa những biện pháp đe dọa và bạo động của chính quyền Marcos. Một phụ tá của bà Aquino bị ám sát, ủy Ban Bầu Cử của chính phủ thì cứ nhất định đếm phiếu cho ông Marcos thắng, phe đối lập đếm thì lại thấy bà Aquino thắng. Bà Aquino liền kêu gọi tổng đính công và tẩy chay mọi xí nghiệp do phe Marcos nắm giữ. Tình hình hết sức căng thẳng. Chính phủ của tổng thống Mỹ Reagan cử nhà ngoại giao kỳ cựu Philip Habib làm trung gian hòa giải. Ông Habib đề nghị đôi bên chia nhau quyền lực. Bà Aquino từ chối thẳng thừng.

Tới đây thì ta thấy ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo. Trong các Giáo Hội láng giềng Đông Á, Đức Hồng Y Sin của Manila và Đức Hồng Y Kim của Seoul là những người không bao giờ sợ bầy tỏ thái độ mỗi khi phải vạch mặt sự bất công của bạo quyền. Chính vì vậy uy tín của hai ngài rất lớn không chỉ ở trong nước mà còn ở trên trường quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đức Hồng Y Sin là vị Giáo Sĩ có ảnh hưởng to lớn nhất ở Đông Nam Á.

Cùng với Đức Hồng Y Sin, các Giám Mục Công Giáo đồng tâm nhất trí lên án sự gian dối, giả trá, tham nhũng. Trên các đường phố Manila và ở khắp nơi trên đất nước Philippines, đều tập hợp những cộng đoàn cầu nguyện khổng lồ, với đủ mọi bóng dáng tu phục. Đến nước đó, thì các vị chỉ huy quân đội, tuy được ông Marcos đề bạt, nhưng đều cảm thấy rằng không thể chống lại nhân dân, đánh vào nhân dân. Thành trì của ông Marcos sụp đổ.

Trong những ngày ấy, người dân Philippines hết sức phấn khởi. Họ đã cảm nhận được tình người, tình huynh đệ giữa những người đã gắn bó với nhau trong đau khổ và trong đấu tranh cho một lý tưởng chung. Họ tự hào vì cuộc cách mạng của họ đã thành công mà không đổ một giọt máu, và do đó nêu một tấm gương sáng ngời cho một thế giới còn nhiều bạo lực.

Cả ở Philippines lẫn trên trường quốc tế, người ta đề cao bà Aquino, gọi bà là “linh ảnh của nền dân chủ” ( Icon of Democracy ). Bà cho soạn thảo Hiến Pháp mới nhằm khôi phục nếp sinh hoạt dân chủ và giới hạn quyền hành của tổng thống hiến pháp này được dân Phi bỏ phiếu ủng hộ. Bà cũng tiến hành nhiều cải cách trong hệ thống Luật Pháp, trong đó có luật Gia Đình và luật Hành Chính được ban bố năm 1987.

Thật ra, sáu năm bà làm tổng thống cũng có rất nhiều khó khăn. Có những việc bà và các người cộng sự đã làm được. Nhưng nhiều vấn đề khác cũng còn gây tranh cãi. Thậm chí những khó khăn trầm kha của xã hội Philippines cũng chưa thể nói là đã tìm được sự giải quyết rốt ráo. Hơn nữa, giới quân nhân vốn được chế độ Marcos ưu đãi, có nhiều thành phần bất mãn. Bà Aquino phải đối mặt với nhiều âm mưu đảo chính trong sáu năm bà cầm quyền, đặc biệt đau đớn đối với bà là người con trai duy nhất của bà đã bị giết trong một vụ chính biến. Tuy vậy, lòng dân là một cơ sở vững chắc khiến bà vượt qua được những khủng hoảng đó.

Tổng kết lại, bà Corazon Aquino được ghi nhớ không phải vì những thành tựu trong thời gian bà làm tổng thống, cho bằng vì bà đã là hiện thân cho những khát vọng chân chính của nhân dân Philippines, về Công Lý, về Dân Chủ vào một thời điểm quan yếu trong lịch sử. Bà thích mặc y phục mầu vàng, do đó khi người dân vùng dậy, người ta cũng đã chọn mầu vàng làm biểu tượng cho khí thế của đất nước đang thay da đổi thịt.

Trải qua mọi thăng trầm cuộc đời, Đức Tin luôn là một nguồn lực nội tâm khiến cho bà vươn lên ngang tầm nhiệm vụ khó khăn và cao quý. Hình ảnh người phụ nữ áo vàng, quỳ gối trầm ngâm với chuỗi hạt trong tay đã phổ biến trên khắp thế giới.

Được tin bà Aquino qua đời, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Bertone đã nhân danh đức Thánh Cha Benedicto XVI lên tiếng ca ngợi bà là người đã “can đảm dấn thân vì sự tự do của nhân dân Philippines, bà đã cương quyết từ khước bạo lực và sự bất khoan dung, bà đã đóng góp để dựng lại một trật tự chính trị công bình và chính nghĩa cho tổ quốc thân yêu của mình. Bà là một phụ nữ có Đức Tin sâu sắc, không chao đảo. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho niềm tin và niềm hy vọng đã hướng dẫn bà suốt đời nay được sinh hoa trái dồi dào”.

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng bày tỏ lòng mến phục đối với bà Aquino. Ví dụ tổng thống Brazin Lula Da Sylva tuyên bố “coi bà là nhà Lãnh Đạo lịch sử không riêng của dân Philippines, nhưng của tất cả những ai, ở mọi nơi đang bênh vực những giá trị dân chủ”.

Mai Minh Tâm - Hà Nội

No comments:

Post a Comment