Thursday, September 17, 2009

ĐỒNG VỌNG ÔSIN - TRUYỆN NGẮN ĐẦU TAY


Đây là truyện ngắn đầu tay gửi cho báo Văn Nghệ Trẻ trong nước ( đăng ở số 38).


ĐỒNG VỌNG Ô SIN (PHẦN 1)

Tôi gốc người Diễn Châu – Nghệ An.

Anh trai ông nội tôi theo Tây học, sang Pháp năm 1932. Sau bốn năm học luật ở Pháp, ông về làm quan Nam Triều, nhận sắc chỉ làm tri huyện ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa.

Từ khi còn nhỏ, ông đã có một bà vú nuôi người cùng huyện. Ngày về làm quan, ông vời bà ra Hoằng Hóa giúp việc gia đình.

Cách mạng Tháng Tám, Việt Minh cướp chính quyền, Bảo Đại thoái vị, vứt cả vương triều An Nam, thanh thản trở thành công dân Vĩnh Thụy.

Sau Hiệp định Geneve, hai miền chia cắt. Anh trai ông nội tôi di cư vào Nam. Trong cuộc di tản nội địa đầy biến động ấy, ông bỏ lại sau lưng bạn bè, quê hương, phủ quan và thần dân nheo nhóc, theo đoàn người mà phần đông là Công giáo, xuống tàu há mồm của Canada. Cả gia đình quan Tri huyện, như chếc lá kim trên con nước lớn, sấp ngửa trôi theo dòng lịch sử.

Sau khi ông bà và các con ra đi, bà Nghĩa, người giúp việc 17 năm trong gia đình ông, lụi cụi suốt đêm thu ghém đồ đạc. Bà lục tìm trong sập gụ của quan Tri huyện Hoàng Hóa, thấy một ống bơ toàn vàng. Bà giở nón mê, cắt các sợi cước, tách lớp hai tầng lá cọ, chọn lấy những tấm vàng lá mỏng đặt vào giữa rồi khâu lại. Sau đó bà khâu chồng lên một lớp lá cọ nữa, chiếc nón trở nên nặng hơn. Những thỏi vàng hình vuông, nhẫn và lắc vàng còn lại bà cho vào ống bơ, dùng một ít bột khoai nén lại bên trên. Bà hái mấy lá trầu không, têm mười mấy miếng trầu rồi phủ lên trên cùng của chiếc ống bơ. Bà dùi hai lỗ ngang ống bơ, lấy vải gai bện lại, xâu qua rồi đeo tòng teng bên sườn.

4h 30 phút sáng, chưa rõ mặt người, bà dậy nấu cơm, ăn xong lấy trầu nhai bỏm bẻm. Bà quang gánh đứng lên, đội nón, lặng lẽ tạm biệt ngôi nhà gỗ lim bảy gian nơi anh trai ông tôi làm quan, hướng về quê hương bản quán. Bà đi bộ, nón trên đầu nặng trĩu vì vàng, bên hông lủng lẳng ống bơ đựng trầu nặng trịch vàng, đôi quang gánh lỉnh kỉnh áo mũ và các sắc chỉ Vua ban. Bà bước những bước khó nhọc về quê Diễn Châu lâu ngày xa nhớ.

Phải tận chín giờ tối hôm sau, với đôi chân bỏng rộp, Bà Nghĩa mới kết thúc 80 km từ huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh về đến quê hương. Bà nặng nhọc lê chân vào nhà ông tôi. Ngày đó em trai tri huyện vì giỏi võ và ủng hộ Việt Minh, được bầu lên làm công an viên của vùng nông thôn mới. Bà chậm rãi đặt gánh xuống, quỳ rạp người mà vái vị công an viên:

- Lạy này là cho cụ Tri huyện và gia đình.

Sau đó, bà nói về ân tình sâu nặng của ông bà Tri huyện. Bà mong muốn làm người hầu hạ gia đình ấy suốt đời, nhưng vì thời thế đổi thay, vận mệnh cá nhân khác xưa, nên Quan phải đi về phương Nam, Ông dặn dò bà nên trở về quê hương để sống cùng con cháu một đời sống mới trong xã hội mới.

- Đây là tất cả những gì hai Cụ để lại trước lúc đi Nam.

Bà giở nắp ống bơ vàng ra, gỡ mấy lá trầu không bên trên đã héo quắt, rồi moi vàng ra, đổ tất xuống sập gụ. Sau đó, bà nhấc chiếc nón lên, soi dưới ánh đèn, xé rách lớp lá cọ bên ngoài, gỡ từng tấm vàng đã dát mỏng, lần lượt xếp ra. Nội tôi như bị tình cảm của người giúp việc thôi miên, đứng nhìn trân trân. Nội đương nhiên hiểu rằng có bao nhiêu vàng, bà Nghĩa đã đem trả về gia tộc đầy đủ.

- Còn đây là một thứ quý hơn

Bà Nghĩa lục trong gánh tìm bộ quần áo của Quan Tri huyện, bộ áo lễ ông vẫn hay mặc vào những dịp quan trọng. Bà nâng hai tay, trịnh trọng đặt nó lên sập gụ, lần lượt xếp các sắc phong và một cuổn sổ bìa vàng, giao lại ông tôi, rồi đứng dậy thành kính chào tạm biệt gia đình.

- Thôi từ đây, cụ cho phép tôi về với các con các cháu.

Bà vĩnh biệt kiếp đời ở đợ không háo hức mừng vui mà cũng chẳng bùi ngùi thương tiếc. Bà trả lại hết, tự nhiên và thanh thản như khi làm xong một nghĩa vụ. Nội tôi cố gắng giữ bà ở lại với gia đình, nhưng bà xin cáo từ và bước vào đêm tối, lần về với con cháu ở cách đó mười cây số. Nội tôi đưa cho một ít vàng, bà Nghĩa vẫn kiên quyết không nhận. Bà nói hai cụ chủ đã trả công bà nhiều rồi, đã cho bà nên người.

Sau đó là cả một thời kỳ động loạn binh đao. Nội tôi - Công an viên thời kỳ đầu kháng chiến - lại có lúc trở thành một tù nhân. Mười hai lần nhà bị khám, sáu năm đi tù, và hơn ba năm cải tạo. Công an xới tung các viên đá lót cột nhà, đào bật gốc khế sau vườn tìm nơi giấu của. Một lần bà Nghĩa lên thăm Nội tôi ở nông trường lao cải, nói rằng công an thẩm vấn bà về tài sản ngầm của dòng họ Lê. “Có chết tôi cũng không nói". Bà bảo vậy trước lúc ra về.




No comments:

Post a Comment