Nói đến công lý là nói đến cái chung, cái phổ quát theo luật tự nhiên được thể hiện qua “công chúng, quảng trường…”. Tại Việt Nam chúng ta hôm nay, với những quảng trường nhỏ hẹp, những con phố ngắn ngủi và những lũy tre bao quanh làng xóm với khái niệm “phép vua thua lệ làng” thì không thể có công lý.
Công lý gắn chặt với luật pháp. Và luật pháp phải phù hợp với luật tự nhiên, khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa mà là một sự bất công”. Luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ là ý chí của một số nhóm lợi ích. Muốn có công lý thì trước tiên phải có lẽ phải.
Công lý cần sự lớn lao như quảng trường, đại hội và dân chúng, mặt khác là sự thỏa mãn đạo đức riêng tư trong lương tâm mỗi người. Công lý phải bắt đầu từ đạo đức và gắn chặt với ý thức về bổn phận. Hành động đạo đức tức là hành động theo tiếng gọi của công lý nhắm đến người khác chứ không phải là tiếng gọi riêng của bản ngã ích kỷ. Nghĩa là con người phải sống trong tương quan với người khác chứ không hành động như một cá nhân cô độc, không cần công lý.
Nói đến công lý là chúng ta nói đến sự công bằng, không thiên vị, không chênh lệch thì công lý mới được tỏ hiện. Nếu chúng ta không đảm bảo sự công bằng thì sẽ dẫn đến bất công, khi đó công lý bị lu mờ.
Sống công lý, không có nghĩa lúc nào cũng cãi lý xem ai đúng - ai sai, mà người ta còn phải biết thỏa hiệp, hòa giải bao dung trong mọi việc. Điều làm cho chúng ta hy vọng là công lý, tự trong bản chất, có sức mạnh vô song. Có thể bề ngoài kẻ mạnh vẫn tỏ ra trịch thượng, quát nạt để thị uy nhưng thẳm sâu trong lương tâm, họ phải thừa nhận một lẽ phải, thừa nhận sự thật và công lý. Đó chính là lúc bắt đầu của tiến trình hòa giải và canh tân.
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều phải ý thức rằng đấu tranh cho công lý nhưng không bao giờ dừng lại ở công lý. Trái lại, chúng ta phải mời gọi con người đi xa hơn công lý để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Bởi vì tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người.
Tóm lại, công lý vẫn còn xa vời trên khắp trái đất này, huống chi ở Việt Nam chúng ta. Muốn có công lý chúng ta phải vượt trên những khác biệt, chung tay nâng cao dân trí, học hỏi tính phổ quát, xây dựng nền pháp quyền… Để đến một ngày, chúng ta có quyền hy vọng rằng Việt Nam ta có những quảng trường lớn, tượng đài to, đối mặt với biển cả bao la, núi rừng sâu thẳm, bầu trời và các vì sao; mặt khác có một “kẻ khác ở trong ta” luôn thì thầm mách bảo. Chúng ta, giống như những nhà điêu khắc, có thể tham gia vào quá trình làm cho khuôn mặt công lý dần dần được tỏ hiện trên quê hương đất nước Việt Nam.
Và trước hết – Xin vui lòng xem phần Video của một học giả nổi tiếng của trường Đại Học Harvard nói về công lý sau đây:
No comments:
Post a Comment