Friday, January 28, 2022


        TẠI SAO VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI HIỂU KHÁC NHAU VỀ NHÂN QUYỀN?

 

Nhân quyền trên thế giới và tại Việt Nam, những nhận thức và hành động khác nhau trong lúc chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp và đem ra xét xử một loạt nhà hoạt động.

 

Trong thời gian qua nhiều hoạt động về Dân chủ và Nhân quyền được quan tâm thực hiện. Ở cấp cao nhất, chính quyền Biden tổ chức Thượng đỉnh về Dân Chủ với 110 quốc gia tham dự; ở cấp thấp hơn có hàng loạt các hội thảo trực tuyến trên intenet về dân chủ - nhân quyền, và có ít nhất có 2 giải thưởng Nhân Quyền được tổ chức khá quy mô. 

 

Đó là giải thưởng Lê Đình Lượng trao cho Linh Mục Đặng Hữu Nam và Giải Nhân quyền 2021 của Tổ chức Mạng lưới Nhân Quyền trao cho 5 nhà hoạt động[1].

 

DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN – ÔNG NÓI GÀ BÀ NÓI VỊT

 

Dân chủ và Nhân quyền là những khái niệm thường được diễn dịch khác nhau, trên lý thuyết và cả trong thực tiễn. Ai cũng muốn giành phần thắng cho mình.

 

Trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh về Dân chủ[2]tổng thống Hoa Kỳ nói về Dân chủ nhưng đề cập nhiều đến quyền của người dân trong một thế giới tôn trọng những giá trị phổ quát của loài người. Tuy nhiên Hội nghị Thượng đỉnh cũng như Bài phát biểu của ông cũng gây nhiều tranh cãi, ngay từ danh sách khách mời cho đến những nội dung thảo luận.[3]Nhiều người cho rằng nó mang tính biểu tượng và để thỏa mãn một lời hứa khi tranh cử hơn là có tính áp dụng thực tiễn, ngay cả trong xã hội Mỹ.

 

Cũng trong những ngày đầu tháng 12 này, Chính quyền Việt Nam có một loạt bài trên báo chí khẳng định những thành tựu dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội[4]. Chính quyền toàn trị đang kiểm soát truyền thông khẳng định rằng Việt Nam là nước thực sự dân chủ, quyền con người được đảm bảo trên lý thuyết và thi hành trong thực tế bằng hàng loạt chính sách ưu việt và hàng triệu người đã được thụ hưởng trong hàng chục năm qua. 

 

Nhân quyền theo cách hiểu của Việt Nam là công bằng trong tiếp cận Vaccine, xóa đói giảm nghèo, quyền phụ nữ, trẻ em, ngừoi khuyết tật, người đồng tính... đã được nâng cao. Trong khi đó, thế giới cho rằng nhân quyền quan trọng nhất là quyền về chính trị, nơi mọi người sinh ra đều có những quyền đương nhiên như “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình”

 

Việt Nam còn gắn Nhân quyền với các khái niệm về quyền tập thể, của quốc gia trong khi trên thế giới nói đến Nhân quyền là hướng đến quyền đương nhiên của từng cá nhân cụ thể trong xã hội loài người và không một quốc gia nào có thể “ngầm diễn dịch để phá hoại các quyền đó” [5]

 

 

Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948 mà Việt Nam là một bên đã ký kết tham gia. 

 

Mâu thuẫn về lý thuyết đã có từ lâu khi Hồ Chí Minh trích tuyên ngôn nhân Độc lập của Hoa Kỳ rằng “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam rồi sau đó tiến hành XHCN và tuyên truyền rằng “Dân chủ XHCN là gấp triệu lần dân chủ tư sản”.

 

Điều 2 Hiến pháp của Việt Nam quy định “Nước CHXHCNVN là “Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân” không khác câu nói của Abraham Lincoln năm 1963 là “Government of the people, by the people, for the people” nhưng trong thực tế vô cùng khác nhau. Một chế độ là của dân nhưng do Đảng lãnh đạo còn một chính quyền là do bầu cử tự do.

 

Đó chính là kiểu “ông nói gà bà nói vịt” về một con “gia cầm”. Việc diễn giải về lý thuyết đó nó nguy hiểm khi dẫn đến những hành động thực tế là Nhà nước sẽ “ăn thịt” hay “nuôi dưỡng” chúng.  

 

Chính quyền Việt nam cũng thường xuyên lên án các quốc gia phương tây đã sử dụng con bài “Dân chủ - Nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước Việt Nam trong khi họ quên rằng mình đã đặt bút ký vào công ước quốc tế Nhân quyền. 

 

THÁI ĐỘ CỦA CÁC ĐẠI SỨ QUÁN PHƯƠNG TÂY 

 

Gần đây, các chính quyền phương tây đang bận tâm với 1 loạt vấn đề nổi cộm trong nước của họ và 2 vấn đề lớn trên thế giới đụng đến 2 cường quốc. Đó là: Đài Loan trong tương quan với Trung Quốc và Ukraine trong tương quan với Nga. Vì tính chất quan trọng trong vị trí địa lý của mình, Hoa Kỳ và Liên Âu có vẻ sẵn sàng dành ưu tiên cho mối quan hệ ngày càng nồng thắm với Việt Nam hơn là can thiệp vào các vụ án cụ thể để rồi làm khó xử cho 2 bên.  

 

Cách đây khoảng 5-10 năm các Đại sứ quán phương Tây đều lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ những tiếng nói đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Các Đại sứ quán hoặc tùy viên chính trị phương tây thường xuyên có các cuộc gặp gỡ những nhà đấu tranh dân chủ trong nước cùng một lúc và sẵn sàng chụp ảnh công khai. 

 

Thậm chí tôi còn nhớ hình ảnh một tùy viên chính trị của Đức phóng xe máy đến Công an phường Xuân La quận Tây Hồ, sẵn sàng tham gia góp sức cùng “bà con” đòi công an thả luật sư Trần Vũ Hải khi đang bị tam giữ ở đó. Nhiều Đại sứ quán các nước kiên quyết đề nghị được tham dự phiên tòa xét xử các nhà hoạt động, bên ngoài tòa án là rất nhiều người dân phản đối biểu tình. 

 

(Hình ảnh Tùy viên chính trị Felix Schwarz đi xe máy đến đứng trước đồn công an phường Xuân La cùng các luật sư để phản đối việc bắt giữ Luật sư Trần Vũ Hải vào tháng 11 năm 2015)

 

Mấy năm gần đây, các Đại sứ quán thường chỉ gặp riêng các nhà hoạt động bằng việc mời nhau ăn sáng hoặc ăn trưa để hỏi chuyện mà không muốn chụp ảnh chung. Trước đây họ thường động viên phổ biến công khai cuộc gặp còn giờ đây họ nói là không nên đưa thông tin lên mạng vì có những sự tế nhị nhất định. 

 

Họ nhắn nhủ về sự an toàn thay vì khích lệ. Có đại sứ còn thẳng thắn chia sẻ rằng các cuộc đối thoại “nhân quyền” song phương giữa họ với Việt Nam ngày càng trở nên hình thức và “dễ chịu” hơn nhiều. 

 

 ÁN TĂNG VÀ GIÁ MẶC CẢ TĂNG LÊN 

 

Dù luôn nói có tự do dân chủ nhưng từ nay đến cuối năm hàng loạt nhà hoạt động sẽ bị đem ra xét xử về tội tuyên truyền chống nhà nước[6]. Tất cả những người này đều thực hành quyền tự do dân chủ đã được thế giới ghi nhận trong tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế năm 1948 và Hiến Pháp Việt Nam 2013. 

 

Ngày hôm qua, 14/12 Bà Phạm Thị Đoan Trang bị kết án 9 năm tù giam trong khi VKS đề nghị mức án 7-8 năm, làm ta nhớ đến Ông Lê Đình Lượng, bị tòa án kết án 20 năm trong khi VKS chỉ đề nghị mức án 17-18 năm. Các thẩm phán đều cho rằng vì “thái độ ngoan cố” nhưng họ cũng tính toán “thái độ” của các phản ứng. 

 

Lần lượt các hiệp định thương mại cũng đã được ký và giá mặc cả đã tăng lên. Việc ra đi nước ngoài cho các tù nhân đang thụ án cũng khó khăn. Với vị trí địa chính trị của mình, Việt nam đang trở nên ngày càng quan trọng trong bối cảnh quốc tế dồn sức đối phó với Trung Quốc và các vấn đề toàn cầu khác. 

 

Ở chiều ngược lại, Chính quyền cho rằng vị thế mình đã lên cao và đồng nghĩa với việc Nhân quyền được cải thiện. Các tiếng nói lên án ngày càng hiếm hoi do sự đàn áp đã tạo ra cảm giác rằng chính quyền đang nhận được sự đồng thuận lớn của Nhân dân. 

 

Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể chứng minh sự cải thiện nhân quyền bằng việc bắt giữ và kết án nặng nề các nhà hoạt động. Cách đây 10 năm, các tổ chức dân sự được thành lập rất nhiều và hoạt động khá sôi nổi, còn bây giờ chính quyền truy lùng đến các nhóm, các trung tâm chưa thể hiện nhiều thái độ với nhà nước nhưng vẫn được coi là mầm mống của xã hội dân sự, nơi sẽ thách thức tính toàn trị của Nhà nước[7]

 

Điều đáng buồn là một thể chế lại cứ tỏ ra hiếu thắng, thậm chí tàn ác với những người yếm thế hơn mình nhưng luồn lách với kẻ mạnh. Điều này rất đúng với các đại ca ở trong tù. Những phạm nhân mà quỳ xuống liếm giày thường là kẻ sau đó bị các đại bàng đánh cho nhiều nhất. 

 

Phải chăng đây là học thuyết “ngoại giao cây tre” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới chỉ đạo trong Hội nghị Đối Ngoại toàn quốc?

 

Theo tôi, thì cái giá mà xã hội Việt Nam phải trả chính là sự nghi ngờ về tính chính đáng, lòng bao dung của nhân dân đối với nhà nước chứ không phải là những Điều khoản mơ hồ đang đè nặng lên các nhà hoạt động. Một bản án nặng nề khi áp lên những nhà bất đồng chính kiến, tự nó đã trả lời cho nền chuyên chế, phi dân chủ và vi phạm quyền con người. 

 

Khi lượng hình theo điều 117, các thẩm phán thường dựa vào hậu quả của hành vi là “gây hoang mang dư luận”. Trên thực tế những bản án nặng nề và bất công dành cho các nhà bất đồng chính kiến mới là những thứ thực sự “nguy hiểm và “gây hoang mang dư luận” nhất. Chắc chắn nó tích tụ và đến lúc nó “xâm phạm” đến sự vững mạnh của chính quyền vì khát vọng tự do là không thể bị dập tắt bằng sự chuyên chế. 

 

Vì vậy, thay vì những bản án nặng nề, hãy trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến. Đó chính là cách thực hành dân chủ và nhân quyền cụ thể và rõ ràng nhất, nó cũng góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do và khai phóng. 

 

 



[1]Lễ trao giải Nhân quyền Lê Đình Lượng cho Cha Đặng Hữu Nam vào ngày 11/12 và lễ trao giải của Mạng Lưới Nhân Quyền cho 5 thành viên, gồm 3 người trong gia đình chị Cấn Thị Thêu, Nguyễn Văn Túc và Đinh Thị Thu Thủy; 

[2]https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/12/10/remarks-by-president-biden-at-the-summit-for-democracy-closing-session/

[3]https://time.com/6127359/biden-summit-for-democracy/

[4]https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/viet-nam-no-luc-quyet-tam-cao-trong-viec-bao-ve-quyen-con-nguoi-679986

[5]Điều 30, Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948

[6]Họ là: Bà Phạm Đoan Trang bị xét xử ngày 14/12 theo Điều 88- BLHS 1999, Ông Trinh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm bị xét xử ngày 15/12; phúc thẩm Bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư vào ngày 24/12 và Ông Lê Trọng Hùng có lịch ra tòa vào ngày 31/12

[7]Việc bắt giữ Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách về tội trốn thuế bị cho là do các ông này làm giám đốc các trung tâm có thể tạo nên nền tảng tự do cho các xã hội dân sự ở Việt Nam. 

No comments:

Post a Comment