Friday, January 28, 2022


 

                          LUẬT PHÁP VIỆT NAM TẠI SAO VẪN TÙ MÙ VÀ LỘN XỘN? 

 

Những quy định mơ hồ từ Hiến pháp đến các đạo luật, sự cảm tính và duy tình trong tư duy ngôn ngữ, văn hóa Khổng giáo cùng với giới hạn tự do ngôn luận đã làm cho Luật pháp tại Việt Nam trở nên rất mơ hồ trên lý thuyết, vênh nhau trong thực hành.

 

“MẤY NGÀN NĂM LỊCH SỬ” 

 

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất của một quốc gia nhưng ở Việt Nam nó thể hiện sự bất ổn định ( 5 bản hiến pháp trong chưa đầy 70 năm) và lộn xộn về cách thể hiện. 

 

Lời đầu tiên của Hiến pháp 2013 là “Trải qua mấy ngàn năm lịch sử...”. Vậy mấy là “mấy”? 4,000 năm như trong hiến pháp 1980 hay là 2,700 năm như các sử gia kết luận[1]?. Văn bản tối cao này đã bắt đầu một cách tù mù như vậy dẫn đến hàng loạt khác biệt cho các văn bản quy phạm pháp luật bên dưới. 

 

Điều 2 của Hiến pháp quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” trong khi Điều 4 đột ngột quy định sự lãnh đạo của Đảng cộng sản lên toàn bộ “Nhà nước và Xã hội’. Số lượng đảng viên chỉ chiếm 5% dân số đã cho thấy sự khiên cưỡng, kiểu điều sau đá điều trước. 

 

Về chính trị, một loạt bộ luật nhằm cụ thể hóa điều 25 của Hiến pháp như Luật hoạt động của Đảng CS, Luật biểu tình, luật tiếp cận thông tin, luật về Hội....chưa có, cũng có thể không bao giờ có. 

 

Ví dụ như Luật về  Hội đã bàn khoảng 20 năm nay và dự thảo đến 6 lần rồi chợt im lặng từ 2016 đến nay. 

 

Về kinh tế thì tại điều 51, Hiến pháp 2013 vẫn quy định “Kinh tế nhà nước là chủ đạo”trong khi thực tế đang chứng minh ngược lại, và để giải thích sự vênh nhau trong các văn bản đó, Đảng lại phát triển thêm nhiều thuật ngữ mới như: “Kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng”.  Thật vô cùng khó khăn để phân biệt giữa, “chủ đạo, quan trọng và bộ phận quan trọng”. 

 

Đặc biệt, sự phát triển của xã hội hiện tại đang làm cho những diễn đạt của luật pháp và nghị quyết càng ngày càng trở nên lòng vòng, mơ hồ và khó hiểu. Đôi khi để thể hiện một vấn đề đã sai, người ta không nói thẳng là sai và quay lại mà cứ phải đi một vòng cong cong rất dài rồi mới trở lại khái niệm ban đầu. 

 

Hiến pháp quy định là sẽ cụ thể hóa bằng luật mà nhiều luật lại chưa có cho nên có một khoảng trống cho các bộ ngành tự phóng tác theo ý của mình. 

 

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật để ra luật) quy định có đến 26 loại văn bản khác nhau, từ Hiến pháp của Quốc hội đến Quyết định của UBND xã. Nhưng đó chỉ là các văn bản “quy phạm pháp luật” mà chưa kể đến nghị quyết của Đảng cộng sản. Loại văn bản chỉ đạo này là phía sau hậu trường, thường là quan trọng hơn nhưng “chung chung” hơn và dân ít được tiếp cận hơn. 

 

Từ “Nghị Quyết của đảng” dịch chuyển sang “văn bản pháp luật của chính quyền” là một bước rất dễ thao túng, làm lệch lạc sau đó từ văn bản sang thực hành lại là một sự khác biệt lớn nữa. 

 

Thêm nữa, hiện nay ở Việt Nam chưa có các bộ luật điều chỉnh những vấn đề công nghệ, kinh tế mới phát sinh như: Kinh doanh trên mạng, tiền kỹ thuật số, blockchain và fintech...

 

Quốc hội cũng chưa bao giờ thảo luận một cách sâu sắc những chuyện này, thậm chí họ cũng không hiểu nổi khái niệm hoặc thiếu luôn cả từ vựng để giải quyết.  

 

THIẾU TỪ VỰNG VÀ LỖI TẠI TIẾNG VIỆT? 

 

Ngôn ngữ pháp lý lẽ ra phải thật đơn giản, trong sáng và một nghĩa, đột nhiên trở thành những phạm trù vô cùng trừu tượng. Ví dụ như: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”“phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt”.Nghe qua thì rất “vào” nhưng càng nghiên cứu càng thấy mông lung. 

 

Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, chúng ta không thể tư duy bên ngoài ngôn ngữ. Dù bạn thạo bao nhiêu thứ tiếng, thì cuối cùng cũng phải dịch ra một thứ tiếng để bộ não hiểu. Các ngôn ngữ phương tây thường có đặc điểm hình thức rất cao và ràng buộc chặt chẽ với nhau. 

 

Ví dụ chia động từ là bắt buộc với nhiều thì, thời, thể, thức khác nhau, thậm chí trong quá khứ còn có cả quá khứ kép –Past perfect, hoặc “hiện tại” vẫn có “hoàn thành tiếp diễn – Present perfect continous”. 

 

Chính vì vậy trước khi nói hoặc viết người phương tây thường phải chuẩn bị rất cẩn thận để sắp xếp trật tự thời gian, giống, số, cách thật logic. 

 

Tiếng việt chúng ta rất đặc biệt, cao vút về âm thanh và vô cùng linh động về hình thái, nghiêng ngả theo từng hoàn cảnh. Cùng một đại từ nhân xưng là “ông” nhưng có thể hiểu là kính trọng, hỗn, hoặc “xách mé” tùy theo hoàn cảnh và cách phát ngôn.  

 

Chúng ta có thể viết và nói ào ào như chim hót và bỏ qua tất cả những trật tự thời gian, cách và giống. Có lẽ cũng vì vậy tư duy của chúng ta thường là không chặt chẽ, logic. Chúng ta duy tình mà không duy lý. Nhưng luật là lý, nếu không duy lý thì luật pháp không thể phát triển được. Xây dựng pháp luật rất cần một thứ ngôn ngữ có logic hình thức cao. 

 

Ví dụ theo tôi khái niệm “thấu tình đạt lý” đã thể hiện sự à uôm và chống lại tư duy pháp lý. Khi nói thế là người ta chỉ mong có được vừa đủ một “hình thức pháp lý” đủ để che cái tình (vốn rộng lớn bao la) mà được coi là quan trọng. 

 

W. Humboldt đã nói “Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”.Đọc các văn bản pháp luật của Việt Nam, tôi thấy nó cũng có cái hồn “uyển chuyển” của một dân tộc trong đó. Nó sẽ rất tốt nếu có một hệ thống tư pháp độc lập và liêm chính nhưng vô cùng tai hại khi nền tư pháp tham nhũng và thối nát. Linh động quá nhiều khi hóa “ba phải”.

 

VĂN HÓA KHỔNG GIÁO ĂN SÂU 

 

Ngoài chuyện tư duy và ngôn ngữ, thì văn hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng văn bản pháp luật của Việt Nam. 

 

Về cơ bản người Việt không thích dùng luật pháp để nói chuyện với nhau, coi đó là một cái gì đó rất “mất tình cảm”. 

 

Do không quan tâm và cọ xát cho nên bản thân luật pháp cũng không phát triển được trong đời sống xã hội, dẫn đến một hậu quả ngược lại là môi trường sống đó cũng nghèo tính “pháp lý” và không giúp nhiều cho quá trình xây dựng luật pháp.

 

Tư duy Khổng Giáo về cá nhân, gia đình, làng xóm cũng ngăn cản việc xây dựng pháp luật một cách mạch lạc và xuyên suốt. Phép vua thua lệ làng hoặc “trên bảo dưới không nghe” phản ánh rõ nét sức kháng cự rất mạnh liệt của văn hóa trước các quy phạm pháp luật chung. 

 

Những quan hệ “vua – tôi”, anh em họ hàng, xâu chuỗi, rễ trong từng làng quê và đặc biệt tính chất “đối nhân” chứ không phải “đối sự” đi ngược lại nguyên tắc cá nhân bình đẳng trước pháp luật. 

 

Nhiều hoạt động kinh tế chỉ thông qua nói mồm, qua loa đại khái. Khi xảy ra xung đột thì cảm thấy oan ức, thiếu thiện lành, mong manh, nức nở. Sau đó 2 bên thường đến luật sư để xả một dòng cảm xúc cá nhân đang dâng trào hơn là để đi tìm những luận giải khả lý. 

 

Nhìn văn hóa khóc lóc van xin của các quan chức và các thẩm phán coi đó là “tình tiết giảm nhẹ” cho thấy sự gian xảo về nhận thức và việc làm của người được đào tạo. 

 

Nền tư pháp đang cổ súy cho việc đó bằng cách xem xét “thái độ” chứ không phải hành vi khi đưa ra các bản án với các mức án rất khác nhau. Đây thực sự là một sự nguy hiểm, đe dọa lâu dài khả năng phát triển tư duy pháp lý của Việt Nam. 

 

DO ĐỘC TÀI VÀ KHÔNG CÓ TỰ DO NGÔN LUẬN

 

Độc tài toàn trị luôn là phản động vì nó chống lại dân chủ, nhân quyền. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia mà còn đi sâu vào tâm hồn của từng cá nhân cụ thể, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng pháp luật.

 

Pháp luật của sự chuyên chế sẽ bóp nghẹt toàn xã hội nhưng trước hết nó làm tổn thương ngay chính những người xây dựng nó.  

 

Thật vậy: tư duy con người là rất hạn chế và thường bị thiên kiến. May mà Thượng cũng đế đã cài cắm cho chúng ta một tình yêu vào sự thông thái (Philosophy). 

 

Từ trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta cần và muốn nghe phản biện. Đôi khi chúng ta cố cãi nhưng trong tâm can vẫn muốn hiểu xem bên kia sẽ nói gì. Điều này đang đã và đang bị mất đi vì tính toàn trị.  

 

Tháng trước tôi đây có làm trọng tài cho một gia đình đang có mâu thuẫn vì bố thích Trump còn con trai thì ngược lại. Họ đã không trao đổi chuyện chính trị trong gần 2 năm nay nhưng do có tôi là khách, lại thích chính trị, nên ngồi mãi với nhau. Trong suốt cuộc đối thoại, mấy lần người Bố giận dữ đứng dậy nhưng tai vẫn như “vểnh lên” để chờ đợi một phản biện của con trai. Người con trai cũng không thể hiểu nổi tại sao bố mình ủng hộ dân chủ mà lại thích ông Trump và rất muốn tìm hiểu nguyên nhân. 

 

Từ trong sâu thẳm, đối thoại là một đòi hỏi đầy thiên lương. Sau buổi tối đó thật là tuyệt vời vì các bên cuối cùng cũng chế ngự được đam mê, từ bỏ độc quyền lẽ phải, trở nên bao dung hơn, 2 bố con thú nhận là có nhiều nhận thức mới hơn từ “sự tranh luận, phản biện”. 

 

Từ đó về sau họ thường lại nói chuyện chính trị và tôn giáo trong giờ ăn tối.

 

Tương tự như vậy, làm ra một văn bản, đặc biệt văn bản luật, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ, phải xem xét cả bối cảnh quá khứ, hiện tại và tương lai, phải tranh luận nhiều và gay gắt. 

 

Càng tranh luận nhiều chúng ta càng hiểu sâu được phạm vi, hoàn cảnh, dự báo được tương lai và lựa chọn được ngôn ngữ rõ ràng, độc đáo cho các văn bản pháp lý. 

 

Chỉ khi các đại biểu quốc hội của Việt Nam được tự do tư tưởng, dám bày tỏ quan điểm, dám tranh luận, phản biện để cùng xây dựng luật thì hệ thống pháp luật mới thật trong sáng, rõ ràng và dễ áp dụng; 

 

Chỉ khi có tư pháp độc lập, các thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, xem xét mọi việc trên đúng “tinh thần pháp luật” thì luật pháp mới đi vào đời sống thực tiễn và không mơ hồ về lý thuyết. 

 

Như vậy sẽ bớt lôm côm!

 

 

 

 

 

 

 



[1]Các học giả thường kết luận là lịch sử Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 TCN khi Vua Hùng thành lập nước Văn Lang và đến nay xấp xỉ 2,700 năm. Sách lịch sử lớp 4 của Việt Nam, Trang 11, NXB Giáo Dục, Bài học số 1: “Buổi đầu dựng nước và giữ nước” được dạy cho học sinh là nhà nước Văn Lang ra đời khoảng năm 700 TCN.  

 

No comments:

Post a Comment