Đã gần 1 năm trôi qua, Bài viết sau đây của Trần Đông Chấn vẫn còn nguyên giá trị.
Không những thế, những dự báo xuất sắc đó ngày càng hiện hữu trong lòng xã hội Việt Nam với hàng loạt vấn đề về kinh tế vĩ mô. Nhân dân trách "quan trí" thấp, lãnh đạo "đầu đất" thì ít mà trách sự bất lương của tập đoàn lãnh đạo lấy một học thuyết vô thần làm kim chỉ nam thì nhiều.
Đất nước Việt Nam và Nhân dân ta còn phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong những năm tới.
Tháng 3 giáp hạt đang đến, Nhiều tỉnh thành nông dân sẽ đối diện với một cái đói khủng khiếp sau đợt rét kỷ lục vừa qua.
Xin trích lại bài viết để tất cả cùng tham khảo và so sánh với một số biến cố xã hội gần đây như chứng khoán sụp đổ, lạm phát tăng cao, tiền đô mất giá, bất động sản đóng băng, nhân dân đói và xe ô tô xin nhập nhiều với một mức thâm thụt thương mại lớn chưa từng có.......
Cảnh báo những nguy cơ quốc gia
Nhìn lại bài viết cảnh báo từ năm 2007
Tác giả: Trần Đông Chấn
Bài viết từ blog Trần Đông Chấn vào tháng 4 năm 2007
Sắp đến ngày 30 tháng 4 lịch sử, đại hội X của đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã kết thúc được một năm, cũng là lúc Quốc hội khóa 12 sắp ra đời. Và cũng là lúc mà đất nước đang đứng trước những nguy cơ thực sự đáng lo ngại và báo động.
Những hình ảnh tốt đẹp được liên tục nhắc tới trên các phương tiện tuyên truyền trong cả nước sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới làm người ta quên đi những nguy cơ quốc gia đang chực chờ. Những lời khen ngợi của các tổ chức nước ngoài đối với thành tích tăng trưởng kinh tế đang khéo léo che đậy những kế hoạch thôn tính Việt Nam đầy tham vọng. Nhưng nguy hiểm hơn là chính những lời đó được dùng như những minh chứng để củng cố uy tín của chính quyền.
Hệ thống quốc tế mới
Ngày xưa các nước mạnh vất vả mang vũ khí và tính mạng của chiến binh đi xâm lấn các nước yếu hơn để khai thác nguyên liệu và nhân công rẻ mạt, áp đặt thị trường và hủy hoại các nền văn hóa bản địa để khẳng định văn minh vượt trội của mình. Ngày nay họ chỉ cần tác động vào con người bằng những động lực tự nhiên để người ta tự nguyện mở cửa thị trường và hoan nghênh những nhà đầu tư sử dụng lao động rẻ, tài nguyên sẵn có; làm người ta vô tình từ bỏ bản sắc của mình để được xem là văn minh. Đó không còn là những hoạch định lý thuyết, nó đã trở thành một hệ thống quốc tế mới, đang hiện hữu và được gọi là toàn cầu hóa. Xu thế của nó là không thể đảo ngược cũng giống như không thể ngăn cản sự phát triển khủng khiếp của hệ thống thuộc địa trước đây.
John Perkins đã thú nhận như sau trong quyển Lời thú tội của một sát thủ kinh tế: “Ngày nay chúng ta có thể thấy những kết quả mà cái hệ thống này sản sinh ra bắt đầu quay cuồng. Các vị lãnh đạo ở những công ty được kính trọng nhất đang thuê nhân công với mức lương gần như cho nô lệ để làm quần quật trong những điều kiện làm việc phi nhân đạo tại những xí nghiệp chuyên bóc lột công nhân hết sức tàn tệ ở châu Á. Các công ty dầu lửa cố tình đổ chất độc hại xuống các dòng sông trong vùng rừng rậm nhiệt đới, giết chết con người, động vật và thực vật một cách có chủ ý, và hủy diệt các nền văn hóa cổ xưa.” (trang xiii).
Vận mệnh của mỗi quốc gia dân tộc chậm phát triển trong những giai đoạn lịch sử như vậy tùy thuộc vào cách ứng xử của chính quyền nước họ trước những xu thế quốc tế đó. Chọn cách chủ động theo trào lưu để khai thác những thế mạnh và cơ hội của nó, chấp nhận thách thức và hy sinh quyền lợi cá nhân để thành kẻ thôn tính như trường hợp của nước Nhật hay là thụ động, co cụm, bảo thủ và tư lợi hài lòng với chính quyền bảo hộ bù nhìn, nhìn đất nước mình bị thôn tính, dân mình bị bóc lột như trường hợp của đa số các nước chậm tiến cùng thời với Nhật lúc đó. Những bài học này vẫn còn mang tính thời sự cho giai đoạn lịch sử hiện nay.
Vị trí của Việt Nam
Đất nước Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt như vậy. Dù đã chọn con đường hội nhập nhưng chúng ta chỉ chấp nhận nó như trào lưu kinh tế mà không nhìn nhận các tác động khốc liệt của nó trên tất cả các khía cạnh từ xã hội đến chính trị để xây dựng các chiến lược và giải pháp toàn diện. Sự mất đồng bộ này không chỉ tạo ra các vấn đề xã hội mà còn sinh ra những lỗ hổng kinh tế rất nguy hại. Chúng được dùng như gót Achile để điều khiển các quyết định vĩ mô có lợi cho thành phần kinh tế nước ngoài. Nếu các yêu sách này không đạt được kết quả thì lỗ hổng kinh tế sẽ biến thành khủng hoảng kinh tế, các vấn đề xã hội sẽ trở thành rối loạn xã hội và cuối cùng dẫn đến biến động chính trị để dựng lên các lực lượng chính trị mới đại diện cho quyền lợi của các thế lực từ bên ngoài đất nước.
Cuối tháng 2 vừa rồi, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang lên giá phi mã tại những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán và các nhà đầu tư nước ngoài bán ra rất mạnh thì có tin sẽ có những biện pháp hạn chế thị trường và kiểm soát dòng vốn. Sự thật là chỉ mới có sự thảo luận giữa ngân hàng Nhà nước và bộ Tài chính về tình trạng quá nóng của thị trường chứng khoán, thế nhưng báo chí ngoài nước dẫn lời các ngân hàng, các tổ chức tài chính lớn của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khẳng định rằng sắp có những biện pháp như vậy và cảnh báo về những hiệu ứng xấu có thể. Trong vòng 3 ngày sau đó lần lượt phó thủ tướng thường trực rồi đến thủ tướng chính phủ phải xuất hiên trên đài truyền hình VTV để khẳng định rằng sẽ không có biện pháp nào can thiệp để làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chứng khoán Việt Nam.
Trong tình hình như vậy, các chuyên gia và tổ chức có trách nhiệm trong và ngoài nước lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ rủi ro quá lớn của bong bóng chứng khoán Việt Nam, người chơi chứng khoán trong nước có phần chựng lại quan sát nên giảm mua vào làm giá chứng khoán sụt giảm nhẹ. Các quan chức của ủy ban Chứng khoán lại lên tiếng khẳng định các cảnh báo này là không chính xác, cùng lúc đó một đại diện của một tập đoàn tài chính khổng lồ tung tin rằng có 1 tỷ đô-la Mỹ đã được huy động từ ngoài nước chuẩn bị đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá chứng khoán lại lên chóng mặt, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán. Rồi gần đây điểm VN-Index sụt giảm xuống dưới 1000 điểm, sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng một lượng rất lớn cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa sẽ được tung lên thị trường trong thời gian ngắn sắp tới. Tất cả đều được giải thích rằng đó là những sự điều chỉnh tự nhiên theo qui luật của thị trường.
Những lỗ hổng kinh tế
Hiện trạng nền kinh tế Việt Nam có quá nhiều những lỗ hổng dễ dàng bùng phát thành các ngòi nổ được kích hoạt đồng loạt một khi quả bong bóng chứng khoán nổ tung châm ngòi. Tham nhũng làm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư quá thấp nhưng tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng tăng đầu tư làm tham nhũng càng thêm trầm trọng; bất động sản đóng băng làm chôn một lượng vốn rất lớn của các ngân hàng nên buộc phải gia tăng lãi suất huy động để giữ chân người gửi tiết kiệm làm lạm phát ngày càng cao; giá trị gia tăng hàng xuất khẩu quá thấp nên càng tăng xuất khẩu càng đẩy áp lực lên nguy cơ nhập siêu; nhập siêu càng lớn thì khả năng dự trữ ngoại tệ càng giảm trong khi xuất khẩu vẫn phải tăng tạo nguy cơ lệch cán cân thanh toán nghiêm trọng.
Đó chỉ là những lỗ hổng nhìn thấy được từ những con số thống kê do nhà nước công bố chính thức. Trên thực tế đang tồn tại nhiều nguy cơ hơn như thế, cả về số lượng lẫn mức độ trầm trọng. Hiện trạng này làm cho việc đảm bảo an ninh tài chính của Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào dòng ngoại hối và đầu tư nước ngoài, điều này lại càng làm tăng khả năng mặc cả và ra điều kiện của các thế lực nước ngoài.
Các nguy cơ và lỗ hổng này không phải mới xuất hiện, chúng đã có quá trình hình thành từ nhiều năm nay do chính sách tập trung tăng trưởng kinh tế theo thành tích mà thiếu các hoạch định mục tiêu theo chiều sâu, những kiến tạo chiến lược dài hạn và sự quan tâm cần thiết đến các tác động xã hội một cách toàn diện. Thực ra chính quyền cũng đã nhận ra và ngay từ đầu năm 2006 đã cố gắng đưa ra một số biện pháp để tháo ngòi nổ. Thúc đẩy thị trường chứng khoán để tạo ra một kênh huy động vốn hiệu quả nhằm giảm rủi ro huy động vốn của các ngân hàng và áp lực tăng lãi suất huy động để giảm lạm phát; thúc đẩy thật mạnh việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để gia tăng năng lực cạnh tranh và tăng nguồn vốn ngân sách để có thêm dự trữ quốc gia là những chính sách vĩ mô đúng đắn được đưa ra.
Và những kẻ cơ hội
Nhưng thật trớ trêu, thị trường chứng khoán bị biến thành nơi rửa tiền, để đầu cơ trục lợi ngắn hạn, vốn thực sự được huy động để đưa vào nền kinh tế chẳng bao nhiêu, nguy cơ rủi ro cho các ngân hàng không hề giảm đi mà còn trầm trọng hơn vì người ta vay vốn ngân hàng đổ vào chứng khoán; cổ phần hóa bị biến thành cơ hội rất tốt để bán rẻ tài sản toàn dân cho nước ngoài để các quan chức tham nhũng trục lợi. Năng lực thực thi các chính sách vĩ mô của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương đang thực sự bị thách thức bởi những kẻ cơ hội. Lực lượng này phát triển kinh khủng kể từ sau đại hội X nhưng lại không dễ bị nhận dạng vì bọn họ không hình thành nên những phe nhóm riêng rẽ cụ thể nào cả, mà len lỏi có mặt ở tất cả mọi nơi từ cơ quan đảng đến nhà nước, chính phủ đến quốc hội, trung ương đến địa phương, cơ quan hành chính đến các doanh nghiệp.
Cũng không có một thỏa thuận liên minh nào được cam kết nhưng bọn họ phối hợp hành động rất ăn ý và đồng bộ nhờ có một mục tiêu chung là trục lợi. Có lẽ chỉ có một đặc tính nhận dạng những kẻ cơ hội là bọn họ không thể hiện chính kiến riêng và luôn hoan nghênh tất cả các nghị quyết của đảng, chỉ thị của chính phủ, dự luật của quốc hội và các quyết định của chính quyền địa phương cho dù là chúng mang tính bảo thủ hay cấp tiến. Sau đó những kẻ cơ hội sẽ âm thầm, khéo léo và thừa năng lực để biến chúng thành những đảm bảo pháp lý an toàn cho bọn họ trục lợi. Nhưng điều tồi tệ và nguy hại nhất ở đây chính là những kẻ cơ hội này đang được các thế lực nước ngoài hỗ trợ và nuôi dưỡng vì quan hệ cộng sinh và vì những kế hoạch dài hơn.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong thời gian qua – ai cũng nhìn thấy. Nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều những lỗ hổng tạo nguy cơ khủng hoảng nặng – không quá khó để nhìn thấy. Nhưng các tổ chức nước ngoài hầu như chỉ khen tặng và đưa ra những dự báo cổ vũ khích lệ cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi những thành tích tăng trưởng bằng con số cao hơn. Muốn đạt được thành tích đó thì phải đầu tư nhà nước mạnh hơn nữa, nếu thiếu vốn thì nước ngoài sẵn sàng cho vay với điều kiện rất ưu đãi. Tai hại hơn nữa là gần đây nhà nước đứng ra phát hành trái phiếu quốc tế để vay nợ lấy tiền đổ vào các doanh nghiệp quốc doanh, các chủ nợ nước ngoài vẫn mua ào ạt các trái phiếu này dù thừa biết rằng các doanh nghiệp đó làm ăn rất kém hiệu quả. Bộ tài chính vừa trình cho thủ tướng chính phủ đề án phát hành tiếp 1 tỷ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế để tiếp tục vay nợ cho các doanh nghiệp nhà nước, nghe đâu thủ tướng cũng sắp phê duyệt. Và còn nhiều đề án tương tự sắp được trình duyệt. Sự vỡ nợ là không thể tránh khỏi.
Cứ cho là nhà nước xác định các chương trình đầu tư đó là chiến lược để thực thi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nếu vậy sao không bán ra các cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hoá mà tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu? Chỉ tính riêng các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán thì SCIC đã kiểm soát khoảng 3 tỷ đô la Mỹ giá trị vốn hóa vào thời điểm thị trường lên cơn sốt, vậy mà họ đã án binh bất động để cho các nhà buôn chứng khoán nước ngoài với vài ba tỷ đô la đã có thể làm mưa làm gió trên thị trường. Giá trị cổ phần của các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa cổ phần hóa còn lớn hơn hàng chục lần nhưng vẫn phải nằm chờ các nhà tư vấn danh giá nước ngoài lựa chọn “các cổ đông chiến lược”. Các mục tiêu cổ phần hóa đúng đắn ban đầu đã bị bóp méo, thay vì gia tăng dự trữ thì lại tăng thêm gánh nặng quốc gia. Giờ đây nó đã bị những kẻ cơ hội biến thành cơ hội để không những trục lợi mà còn giúp cho các thế lực nước ngoài cầm chắc thêm phần cán.
Sự khủng hoảng kinh tế
Một cuộc khủng hoảng kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là lúc nào? Cuối năm 2008. Những cam kết của Việt Nam gia nhập WTO và hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ sẽ cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được phép sở hữu đa số chi phối các doanh nghiệp trong nước ở hầu hết các lĩnh vực vào thời điểm đó. Kế hoạch đã được định đoạt. Trước đó vài tháng quả bóng chứng khoán sẽ cho nổ tung, người dân tháo chạy khỏi thị trường sẽ tạo hiệu ứng đô mi nô lên các ngân hàng – dân chúng ùn ụt rút tiền ra, xã hội sẽ rối loạn, dân nghèo sẽ bị bần cùng. Đầu năm 2009 hệ thống tài chính có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nên đòi hỏi sự cứu trợ khẩn cấp. Những điều kiện kinh tế và chính trị ép buộc sẽ được đưa ra và dễ dàng đạt được thỏa thuận. Các khoản vay bằng trái phiếu sẽ được chuyển thành cổ phần cho các trái chủ mà không cần chờ hết thời hạn ban đầu 10 – 20 năm, không cần đến điều khoản chuyển đổi từ đầu. Tài sản quốc gia bị thâu tóm với giá rẻ mạt.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ có những ông chủ mới, những kẻ cơ hội sẽ ra mặt làm chủ (đảng viên đã được phép làm kinh tế) cùng với những “cổ đông chiến lược nước ngoài”. Đồng vốn nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào để phát triển các doanh nghiệp này nên tạo thêm công ăn việc làm, tầng lớp lao động nghèo đang túng quẫn sẽ mang ơn những ông chủ mới. Một lượng vốn nữa sẽ lại được mồi vào chứng khoán để kích giá cổ phần của chính các doanh nghiệp này làm thị trường chứng khoán hồi phục, tầng lớp trung lưu sẽ vui vẻ và thán phục các nhà doanh nghiệp tài ba. Đó là thời điểm cuối năm 2010. Tiềm lực kinh tế đã nắm, lòng dân đã được thu phục, còn lúc nào tốt hơn lúc này để dựng lên một lực lượng chính trị đại diện cho mình. Còn ai xứng đáng, phù hợp và trung thành hơn những kẻ cơ hội để đại diện cho thế lực thôn tính. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12 sẽ bị rút xuống 4 năm để đồng bộ với nhiệm kỳ của Trung ương đảng và bộ Chính trị, do vậy nửa đầu năm 2011 sẽ diễn ra 2 sự kiện quan trọng: đại hội XI của đảng Cộng sản Việt Nam và bầu Quốc hội Việt Nam khóa 13. Còn ai sáng giá hơn những kẻ cơ hội để kiểm soát chính trường.
Khủng hoảng không thể không xảy ra. Nếu lực lượng cấp tiến của đảng Cộng sản giành được nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ sau bầu cử Quốc hội khóa 12, sau đó đề ra thực hiện các biện pháp chống khủng hoảng thì thế lực thôn tính sẽ cho khủng khoảng xảy ra sớm hơn, trước khi các biện pháp này có thể phát huy tác dụng. Thời gian khủng khoảng sẽ dài hơn, công sức để xử lý nó sẽ lớn hơn, chi phí sẽ tốn kém hơn nhưng vẫn đáng để làm so với mục tiêu mà họ đạt được. Nguyên nhân và các tác nhân gây khủng hoảng sẽ được qui trách nhiệm cho lực lượng cấp tiến để triệt hạ uy tín của họ, làm nền cho những kẻ cơ hội tỏa sáng.
Tác động đến chính trị
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất. Nếu thế lực thôn tính xét thấy khả năng áp đặt và ra điều kiện của họ tăng mạnh và hoàn toàn có thể kiểm soát được thì thời điểm châm ngòi nổ khủng hoảng sẽ được dời qua năm 2009 để chi phí và công sức bỏ ra sẽ ít hơn. Và thời gian cũng ngắn hơn để các lực lượng cấp tiến mang tính dân tộc không đủ sức hình hành và liên kết lại để gây khó khăn cho các đại diện cơ hội trong đợt bầu cử. Lúc ấy, cái vỏ bọc cộng sản và chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không còn cần thiết nữa vì chẳng còn uy tín gì, sẽ bị thay bằng một vỏ bọc khác.
Đó là những biến động đã được phán xét. Cách duy nhất giúp đất nước thoát khỏi sự thôn tính là dân chủ, thực sự dân chủ để tập hợp sức mạnh toàn dân tộc chiến thắng thế lực thôn tính. Nhưng người dân bây giờ không được thông báo và chia sẻ về những nguy cơ đối với vận mệnh dân tộc, người ta thậm chí còn ngại khi nói đến vì cho rằng đó là những điều cấm kỵ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. Ngày xưa nhà Trần đã đưa Đại Việt không phải trở thành một nước nô lệ vì không những đã thông báo cho toàn dân biết nguy cơ xâm lược từ nhiều năm trước, mà còn tổ chức một hội nghị Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão – những đại diện của dân đánh hay hòa.
Những viên đạn ma túy
Cũng có một số đại biểu quốc hội có trách nhiệm và chuyên gia tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ này trên diễn đàn quốc hội và rải rác trên một vài tờ báo, nhưng tất cả đều bị lọt thỏm và che lấp bởi cả rừng lời lẽ ca ngợi, tâng bốc. Hễ có những nhận xét đánh giá tốt đẹp của nước ngoài là đồng loạt báo, truyền hình, phát thanh trên cả nước đưa tin, dẫn lời kèm những bình luận tán dương thêm vào. Nhiều người cho rằng có một sự chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống cho những chiến dịch tuyên truyền như vậy, nếu như thế vẫn còn may. Chẳng cần chỉ đạo, những kẻ cơ hội biết cách thỏa mãn các lãnh đạo chính quyền bằng những sản phẩm báo chí như vậy. Những sản phẩm văn hóa đó còn thâm độc hơn cả ma túy được dùng trong các cuộc xâm lăng thuộc địa trước đây. Nó dùng làm thuốc an thần để lãnh đạo quên đi những “cảnh báo bi quan”, nó ru ngủ dân chúng, đánh lừa chính quyền vào mê hồn trận tiếp tay cho thế lực thôn tính. Thật ứng với một đoạn sấm Trạng Trình:
"Cơ trời xem đã mê đồ
Đã đô lại muốn mở đô cho người"
Suy giảm sức đề kháng
“Tai họa sẽ đến nếu bạn để cho cuộc sống cộng đồng và tập thể bị chi phối bởi các thế lực nằm bên ngoài nền chính trị của đất nước bạn” (Chiếc Lexus và cây ô liu – trang 319). Chỉ một thiểu số ở nước ta được hưởng lợi ích từ sự tăng trưởng kinh tế trong khi đa số dân chúng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của lạm phát. Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng tỷ lệ thuận với bất công xã hội. Chỉ cần tạo điều kiện công bằng cho người dân tiếp cận với các cơ hội và nguồn lực quốc gia để phát triển thì không cần phải vất vả lo phân phát đặc quyền và xóa đói giảm nghèo. Niềm tin của dân chúng bây giờ là: muốn vươn lên thì phải kiếm nhiều tiền, muốn nhiều tiền thì phải tranh thủ được sự ủng hộ của quan chức. Đáng lẽ chính quyền phải tạo ra động lực cho dân chúng thì lại hướng động lực của dân chúng vào chính quyền. Tham nhũng sẽ không thể bị đẩy lùi đến khi nào mà những niềm tin và động lực kiểu ấy chưa được thay đổi tích cực, khi đó động cơ vì tiền bạc và quyền lợi sẽ chi phối xã hội – nhiều người kiếm tiền bất chấp những hệ quả tai hại tạo ra cho người khác. Những điều này chính là sự suy giảm hệ miễn nhiễm quốc gia mà thế lực thôn tính rất mong muốn. Tai họa sẽ ập đến là đương nhiên .
Các biện pháp xây dựng sức đề kháng cho xã hội bị tham nhũng biến thành những khẩu hiệu suông. Người ta hô hào xây dựng một chính quyền gần dân, nhưng với phần đông dân chúng cái gần gũi nhất với họ là tiêu cực và tệ nạn xã hội và phải chung sống với nó mà chẳng còn cách nào khác. Nhưng bằng một ít lợi lộc người ta đã làm cho một số lượng không nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu tin rằng cứ tập trung phát triển kinh tế thì các vấn đề xã hội tự nhiên sẽ được giải quyết và sau đó sẽ dẫn đến một nền chính trị tốt đẹp. Cách này đã tỏ ra hiệu quả trong việc ngăn cản đáng kể sự đòi hỏi chính đáng của dân chúng thông qua tầng lớp xã hội quan trọng này. Người nghèo phải hèn đã đành, kẻ giàu giờ đây cũng hèn không kém.
Cũng có những người dám lên tiếng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng nhưng họ đã bị trấn áp vì bị cho là những nhân tố làm bất ổn xã hội và vi phạm pháp luật. Cần tỉnh táo nhìn nhận rằng các nguy cơ của quốc gia và của cả đảng cầm quyền hiện nay không đến từ lực lượng này mà nó đến từ bên ngoài và được trải thảm đỏ, nguy kịch hơn nữa là nó đến từ chính những kẻ cơ hội – một lực lượng nằm trong lòng của đảng Cộng sản nhưng lại không dễ nhận ra. Những ý kiến trái chiều, chính kiến bất đồng là sự phản biện cần thiết cho xã hội và cho đảng cầm quyền nếu nó có được một không gian hoạt động hợp pháp. Nó giúp phát hiện những lỗ hổng về mặt xã hội và chính trị vốn còn nguy hại hơn nhiều lần các lỗ hổng kinh tế, đóng góp tốt cho sự phát triển, và góp phần ngăn chặn bớt những tệ nạn xã hội – cái mà đảng cầm quyền nào cũng cần để nâng cao uy tín.
Một xã hội chỉ phát triển mạnh khi nào ý chí của số đông đươc thực thi thông qua quyền lực của nhà nước nhưng xã hội đó chỉ có thể thực sự ổn định lâu dài khi nào các ý kiến của một thiểu số dù rất nhỏ vẫn phải được lắng nghe. Những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện nay không có mục tiêu lật đổ chính quyền tuy vẫn có những ý kiến cực đoan, có muốn thì cũng chẳng đủ sức để làm. Việc bắt bớ họ chỉ tạo cho các thế lực thôn tính những cái cớ và điều kiện tốt để có thể mặc cả nhiều quyền lợi hơn trên đất nước Việt Nam và ghi điểm với dân chúng mà thôi.
Sự lệ thuộc vật chất
Đáng lo là những kẻ dấu mặt hoặc ngụy trang bằng những vỏ bọc danh giá. Những thế lực thù địch ra mặt, những kế hoạch diễn biến hòa bình đều có những tổ chức công khai hoặc dễ phát bị hiện chẳng ăn thua gì trước sức mạnh của ngành an ninh Việt Nam. Phương thức thôn tính mới này không có tổ chức rõ ràng để mà phát hiện, nó đến từ mọi ngóc ngách, tấn công vào mọi tầng lớp bằng hai “cánh quân”: kinh tế - văn hóa và chính trị - xã hội. Một khi phát hiện một nước nào đó có dấu hiệu của sự suy giảm hệ miễn nhiễm quốc gia thì các doanh nghiệp của nó sẽ dùng các sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng văn hóa để kiếm lời nhanh và tạo ra các lỗ hổng kinh tế, xã hội ở đó. Tiếp theo là chính quyền của nó sẽ khai thác các lỗ hổng này để ra các điều kiện áp đặt tạo thêm quyền lợi cho các doanh nghiệp của nó, khoét sâu thêm các vấn đề xã hội và tăng thêm gánh nặng nợ nần của nước đó. Đến thời điểm chín mùi nó sẽ cho vỡ nợ và hoàn tất quá trình thôn tính. Hãy nghe lời thú nhận của một người trong cuộc:
“Một số người đổ lỗi cho việc chúng tôi mắc phải những vấn đề như hiện này là do một âm mưu có tổ chức. Tôi ước gì nó chỉ đơn giản như vậy. Các thành viên của một âm mưu có thể bị phanh phui và đưa ra xét xử. Song, những gì thực sự đang nuôi dưỡng hệ thống này còn nguy hiểm hơn cả âm mưu. Nó không chỉ do một nhóm người nhỏ lẻ nào điều khiển mà nó chịu sự chi phối của một khái niệm đã được coi là chân lý: đó là ý tưởng cho rằng mọi sự tăng trưởng kinh tế đều có lợi cho loài người và rằng càng tăng trưởng thì lợi ích càng lớn… Tất nhiên các khái niệm này hoàn toàn sai lầm. Chúng ta biết rằng ở rất nhiều nước, tăng trưởng kinh tế chỉ đem lại lợi ích cho một bộ phận nhỏ người dân và thực ra là đẩy đa số những người còn lại đến bờ tuyệt vọng… Khi con người được thưởng vì lòng tham thì sự tham lam sẽ trở thành một động lực tồi tệ” (Lời thú tội của một sát thủ kinh tế - trang xiv)
Dù quá trình thôn tính chưa hoàn tất nhưng xã hội ta đã là một xã hội lệ thuộc. Người nghèo lệ thuộc người giàu, người giàu lệ thuộc quan chức, quan chức thì bị chi phối bởi những kẻ cơ hội. Người ta bị điều khiển bởi đồng tiền và những động lực vật chất, thật đúng như Rousseau nói trong Khế ước Xã hội: “làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ”. Sự lệ thuộc vật chất dẫn đến ý thức lệ thuộc và ích kỷ. “Thôi, lo làm mà kiếm tiền, để ý chi đến những việc đó, gặp phiền phức bây giờ” là câu nói mà nhiều người bật ra khi nghe ai đó bức xúc về những vấn đề của xã hội và chính quyền. Những ý thức và suy nghĩ độc lập ngày càng hiếm hoi làm sức đề kháng của xã hội ngày càng xuống thấp. Khi mà thế lực thôn tính nhận thấy rằng nó có thể dẫn dắt các hành động của số đông bằng những tin đồn liên quan đến quyền lợi của họ, đó là lúc mà nó ra sẽ đòn quyết định. Một vài phép thử đã được thực hiện như cơn sốt vàng năm trước và gần đây là chứng khoán.
Đáng lo hơn nữa là sự lệ thuộc suy nghĩ như vậy làm rất nhiều người, từ dân nghèo đến cả tầng lớp trung lưu hy vọng thụ động vào một sự thay đổi từ bên ngoài sẽ mang đến cho họ cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất lẫn tinh thần và quyền lợi chính trị, mà không ý thức rằng chính mình mới là nhân tố quyết định những kết quả đó. Tác động từ bên ngoài là khách quan, dù muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại, nhưng chính sức mạnh của nội lực mới quyết định kết quả của sự tác động đó là tốt hay xấu. Với sức đề kháng của xã hội như Việt Nam hiện nay, kết quả đó sẽ là một thảm họa. Chỉ cần nhìn vào thị trường thuốc chữa bệnh thì sẽ thấy quyền lợi và tính mạng của đại đa số dân ta đang bị hy sinh để phục vụ cho một nhóm lợi ích tư rất nhỏ trầm trọng đến mức nào. Các tập đoàn dược phẩm thao túng hoàn toàn thị trường nhờ sự tiếp tay của những kẻ cơ hội, đẩy giá thuốc lên khủng khiếp và liên tục nhiều năm qua bất chấp những nỗ lực của báo chí và những cố gắng của một số quan chức có trách nhiệm. Không cẩn thận thì thị trường xăng dầu sắp tới cũng sẽ bị lũng đoạn.
Vấn nạn và tâm linh
Các vấn nạn xã hội chưa bao giờ được nhìn nhận và phân tích khách quan theo qui luật nhân quả để tìm ra bản chất của nó mà chữa trị hiệu quả. Giai đoạn đầu sau khi mở cửa người ta đổ lỗi cho chúng là do kinh tế thị trường, còn bây giờ phát triển kinh tế thuần túy được xem là cứu cánh để giải quyết chúng. Nhũng nhiễu cửa quyền, tham nhũng, thiếu dân chủ và minh bạch, tai nạn giao thông nghiêm trọng, môi trường bị hủy hoại trầm trọng, v.v… được cho là do dân trí còn thấp, trình độ phát triển kinh tế chưa cao, chúng sẽ tự cải thiện khi mà kinh tế phát triển hơn nữa. Nền kinh tế Việt Nam sau khi Pháp thuộc phát triển hơn nhiều thời tự chủ phong kiến trước đó, nhưng dân ta đã được hưởng những gì? Ai cũng thấy rằng nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển nhanh liên tục thời gian qua, nhưng nhanh bao nhiêu thì các vấn nạn xã hội lại phát triển mạnh hơn bấy nhiêu lần.
Sao không chịu nhìn nhận rằng chúng là sản phẩm của sự mất cân đối giữa các chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội; chúng chẳng do kinh tế thị trường mà do chính cái cơ chế tạo động lực cho xã hội đã bị vật chất hóa. Khi nào vật chất còn quyết định ý thức thì khi đó sự suy thoái xã hội là không thể tránh khỏi.
Tấm gương làm giàu của những kẻ cơ hội đã tạo ra một tâm lý lao vào kiếm tiền một cách thiếu trách nhiệm. Bây giờ quá nhiều kẻ giàu nhờ thế lực, nhờ ăn may và liều lĩnh mà không nghĩ đến những tai họa mình tạo ra cho cộng động. Đầu cơ nhà đất để trục lợi mặc cho nhiều người chưa có nhà, nông dân bị mất đất mà chưa có việc làm mới; thầy thuốc tiếp tay đẩy giá thuốc mặc cho bệnh nhân của mình rơi vào cảnh khốn cùng; nạn mãi lộ và ăn tiền để cấp phép giao thông kém chất lượng mặc cho hàng chục nghìn người chết vì tai nạn; tạo sự khan hiếm giả nhằm kích giá chứng khoán lên rồi bán ra cổ phần riêng của mình để trục lợi thay vì phát hành thêm nhiều nữa để huy động vốn phát triển, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, v.v… chỉ là một vài trong hàng ngàn kiểu kiếm tiền bất chấp đạo đức. Những người làm giàu bằng trí tuệ nhờ mục tiêu tạo ra lợi ích cho cộng đồng thật đáng trân trọng nhưng còn quá hiếm hoi.
Thay vào đó, những kẻ giàu thể hiện tấm lòng với cộng đồng bằng cách bỏ ra ít tiền để làm từ thiện, rồi dùng từ thiện để quảng bá hình ảnh của mình bằng những chiến dịch rầm rộ kêu gọi chung tay góp sức vì người nghèo. Để tự trấn an mình thì họ ra sức cúng bái, lễ chùa và thuê thầy thực hành các nghi lễ tâm linh; rồi thông qua lễ để cầu xin quan lộc. Họ hứa với thánh thần rằng nếu được thì họ sẽ cúng lễ nhiều hơn. Nhưng trớ trêu là rất nhiều người trong họ cho rằng làm thế là mình sống có tâm đạo. Chính quyền thì cho rằng đó đã là sự tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Những giá trị thuần khiết như tâm linh giờ đây cũng bị biến thành công cụ để kinh doanh kiếm tiền.
“Dân sính lễ là điềm suy xã tắc, dân ngộ đạo là điềm thịnh quốc gia”. Xã hội giờ đây đã thực sự suy thoái trầm trọng.
Chấn đạo thì quốc hưng
Chính quyền bất lực với vấn nạn này vì các giải pháp và mệnh lệnh hành chính đều bị vô hiệu, bóp méo và lợi dụng. Giờ đây người ta nghĩ đến các cuộc vận động kêu gọi đạo đức, nhưng sự thất bại là có thể đoán trước. Những kẻ cơ hội sẽ tán dương và rồi sẽ lợi dụng và bóp méo nó để trục lợi, thậm chí là dùng nó để loại trừ đối thủ. Xã hội bây giờ không có những động lực tinh thần để hưởng ứng những cuộc vận động như vậy. Hãy chờ xem những hậu quả tạo ra từ cuộc vận động chống tiêu cực trong ngành giáo dục sẽ nặng nề đến thế nào.
Nhà nước cần tập trung chấn đạo cho quốc gia. Đạo không phải là tôn giáo, các tôn giáo là những phương pháp hiệu quả để tải đạo. Đạo là những qui luật vận động thiên nhiên khách quan của trời đất mà khi ngộ đạo con người sẽ hiểu rằng trên có trời, dưới có đất và ở giữa cái không gian ấy con người cần sống với nhau bằng lòng nhân nghĩa. Chỉ khi đó cuộc sống của người dân mới có được sự cân bằng giữa đời sống vật chất, đời sống tinh thần và đời sống tâm linh mà không bị rơi vào các thái cực của đam mê vật chất, độc đoán hoặc lệ thuộc tư tưởng và mê cung tôn giáo. Sự cân bằng như vậy sẽ làm cho xã hội thăng hoa. Khi đó sức miễn nhiễm và đề kháng của xã hội sẽ rất cao nhờ ý thức độc lập tự chủ và tương trợ cộng đồng của mỗi công dân.
Đó là điều kiện cần thiết để xây dựng một quốc gia độc lập và cường thịnh. Đó cũng là lúc mà các doanh nghiệp trong nước có đủ sức mạnh để cùng với nhà nước điều tiết các hoạt động kinh tế hướng đến lợi ích của người dân, cùng làm dân giàu nước mạnh.
Cả nước hãy góp phần đừng để tham nhũng trở thành quốc đạo.
Ngõ thoát hẹp duy nhất
Trong tình trạng nguy cấp hiện nay, vẫn còn một ngõ hẹp duy nhất để thoát khỏi sự thôn tính. Dùng khủng hoảng để chống khủng hoảng; dùng biến để hóa biến; dùng kẻ cơ hội để chống tham nhũng; dùng tham nhũng để chống thôn tính. Muốn làm được như vậy phải có hiền tài, nếu không làm cho Quốc hội thực sự trở thành một nơi tập hợp các hiền tài để thúc đẩy ý chí dân tộc, phát triển trí tuệ của toàn dân thì cho dù chính quyền theo thể chế chính trị nào đi nữa thì đất nước đó cũng sẽ bị thôn tính. Càng không thể đóng cửa lại mà bảo vệ chủ quyền như nhà Nguyễn đã từng làm rồi chuốc lấy thất bại. Bài học cùng thời của nước Nhật vẫn còn nguyên giá trị để mở cửa thành công.
Những vấn đề biên giới lãnh hải vẫn luôn nóng. Không phải mà ngẫu nhiên Trung Quốc vừa lên tiếng về Trường Sa trong lúc Chủ tịch Quốc hội nước ta đang viếng thăm họ. Họ biết rằng đang có một sự sắp xếp khó khăn trong nước để chọn người làm Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư – mô hình mà họ khuyến nghị. Và xin đừng bao giờ quên là những kẻ cơ hội luôn chực chờ ra đòn vào lúc quyết định. Những vấn đề gây tranh cãi về hiệp định biên giới Việt Trung 1999 vẫn còn đó.
Và trên hết, việc hòa hợp dân tộc cần được chú trọng hơn bao giờ hết để tập hợp sức mạnh quốc gia thì mới có thể hy vọng vào một ngày cường thịnh không xa của Việt Nam. 32 năm đã trôi qua, thiết nghĩ ngày 30 tháng 4 cần được đổi thành ngày hòa hợp dân tộc thì sẽ chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa và sức mạnh. 32 năm qua diện mạo của đất nước đã thay đổi tốt hơn rất nhiều, đó là những bề nổi dễ nhìn thấy. Nhưng cũng 32 năm rồi mà chỉ có nửa triệu người Việt Nam đã được đi máy bay, chắc phải đến 70 triệu người chỉ được cảm nhận và thụ hưởng sự thay đổi của đất nước qua những hình ảnh và lời nói. Đó là những con số rất cần được nhìn vào chiều sâu nếu muốn Việt Nam thực sự cường thịnh.
Trần Đông Chấn
No comments:
Post a Comment