Wednesday, June 18, 2008

DI SẢN PHẢI VƯỢT QUA

DI SẢN PHẢI VƯỢT QUA

Luật sư: Lê Quốc Quân

Ông Võ Văn Kiệt qua đời để lại một di sản nặng nề cho những người lãnh đạo ở lại.

Di sản lớn nhất chính là vấn đề phản biện xã hội và hòa giải dân tộc, điều ông chỉ dám nêu ra sau khi đã về hưu nhưng cũng đủ làm xúc động và hy vọng cho hàng triệu người. Chính những đồng chí đi sau ông hoặc sẽ phải vượt qua những cải cách ông có được hoặc sẽ thấy nợ với dân tộc về những điều ông vẫn thiết tha yêu cầu vào những ngày cuối đời.

Vào năm 1990, khi chưa đầy 20 tuổi. Tôi đã nghĩ ông Võ Văn Kiệt là con người cơ hội. Khi đó, Ông đã chọn theo cánh thiên tả của một thế trận 5-3-5[1] trong lúc vận mệnh của quốc gia đang cực kỳ mong manh vì có thể xoay theo Liên Xô hoặc theo Trung Quốc.

Cục diện đất nước đã có thể rất khác xa bây giờ nếu như ông Kiệt ủng hộ quan điểm của Uỷ Viên Bộ Chính Trị, Bí thư trung ương đảng lúc đó là Trần Xuân Bách.

Nhưng Không, Ông đã thế chân vào vị trí thủ tướng của người mà sau Đại hội đảng đã được bầu làm Tổng Bí Thư. Ông đã song hành cùng Tổng Bí Thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước suốt 2 nhiệm kỳ trước khi cùng nhau trở thành cố vấn cho ban lãnh đạo mới. Nhân dân, qua thông tấn xã vỉa hè, đồn đoán về một bộ ba: Mười - Anh - Kiệt với vô vàn điều thắc mắc cần cần hóa giải.

Tất nhiên, vào thời điểm đó tôi cho rằng Ông Kiệt đã có tác động làm giảm sự phát triển của dân tộc về dài hạn khi không dám cổ súy vấn đề đa nguyên đa đảng trong khi mà một người phụ trách chính về lý luận của Đảng đã mạnh dạn khởi xướng và quảng bá. Tất nhiên, nếu ông làm điều đó, biết đâu, Ông cũng có thể có một kết cục khác khốc liệt hơn 100 ngày ngồi tù của tôi.

Nhưng rồi ông lên làm thủ tướng.

Suốt 2 nhiệm kỳ làm thủ tướng Ông đã đưa ra những quan điểm đổi mới mạnh mẽ. Ông đã thổi luồng gió mới, canh tân một phần bộ mặt đất nước với bè bạn Năm Châu. Nhiều nhà tư bản phương Tây coi Ông Kiệt là một kiến trúc sư và là lãnh đạo của phong trào đổi mới ở Việt Nam. Ông khởi đầu cho ít nhất 4 nhiệm kỳ người Miền Nam liên tiếp nắm giữ vị trí Thủ Tướng và tiếp tục còn ảnh hưởng nhằm mở rộng quyền lực chính trị ngay trong lòng Hà Nội.

Để đạt được điều đó ông đã biết dựa vào sức dân. Không có con đường nào khác ngoài việc ông nâng cao tinh thần dân tộc, mở cửa ra thế giới bên ngoài, thúc đẩy lòng tự hào và tình đoàn kết anh em trong ngoài. Thời kỳ ông làm Thủ tướng này cũng chính là giai đoạn đầy khó khăn, xen lẫn giữa mở và khép, giữa cải cách dân chủ và duy trì quyền lực của những nhóm bảo thủ trong Đảng Cộng sản. Trong khi Ông là người mong muốn đối thoại sòng phẳng với những nhà bất đồng chính kiến thì chính Ông cũng đã đặt bút ký Nghị định 31/CP cho phép giam giữ người bất đồng chính kiến đến 2 năm mà không cần xét xử.

Càng hiểu nhiều hơn về cơ chế tổ chức quyền lực Nhà nước Xã hội Chủ Nghĩa tôi càng dễ thông cảm và tôn trọng ông hơn. Vì ông có cái khó riêng của của những người trong cuộc.

Rồi ông về hưu.

Từ giã chính trường ông vẫn đau đáu với những vấn đề quốc kế dân sinh.

Mặc dù tuổi cao, những thao thức của Ông cho đất nước đáng để cho những người đồng trang lứa phải thấy hổ thẹn. Ông muốn tăng tốc cải cách, ủng hộ báo chí, bảo vệ dân nghèo, xem xét lại các vấn đề lớn của quốc gia…. Ông thấy rõ dù đất nước đã nối liền một dải, nhưng lòng người còn ly tán, việc hòa hợp dân tộc vẫn còn đầy cam co.

Lòng kính trọng của tôi đối với Ông chỉ có thực sự từ khi tôi nghe một phỏng vấn của Ông trên BBC và hàng loạt bài ông viết về Hòa hợp và Hòa giải dân tộc đăng trên báo Tuổi trẻ.

Nhiều điều ông nói là cho chính gia đình ông nhưng tôi thấy dáng dấp của dòng tộc mình nơi mà đến ½ gia tộc đã đi vào nam vào năm 1954. Ông nói về một người mẹ có 2 người con thuộc hai chiến tuyến hy sinh giờ cùng nằm trên một bàn thờ, tôi nhớ rằng Bố mình cũng đã từng đi bộ đội để giết những “Ngụy quân” trong đó có con của ông Bác là lính Việt Nam Cộng Hòa.

Tất nhiên đất nước ta có những khoảng cách không dễ xóa nhòa và tôi là một bằng chứng.

Sau khi nghe tôi thuyết trình ở Mỹ, có người gọi tôi là thân cộng để rồi, khi về Việt Nam những người cộng sản gọi tôi là chống cộng. Tôi chống ai, giữa một đất nước trải dài, khác biệt và chia cắt cả về địa lý lẫn tư duy. Một đất nước mà từ những năm 1940s Ông nội tôi đã dạy bài “Hận Sông Gianh” cho Bố tôi, và hôm nay con tôi vẫn nghe cô giáo lớp một gọi những người anh em bên kia chiến tuyến là “quân ngụy”

Thế nhưng Ông Võ Văn Kiệt cho ta nhiều hy vọng.

Ông đã từng nói: "Tổ quốc là dân tộc Việt Nam mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay bất cứ phe phái nào cả". Người mẹ kia vẫn thờ 2 con trên một bàn thờ. Bố tôi và người Lính Việt Nam cộng hòa kia vẫn là Con chú con Bác.

Tôi đã từng đi dọc bức tường Arlington ghi tên những người Mỹ chết và mất tích trong chiến tranh Việt Nam và cũng nghĩ về việc Ông mong tìm được xác của Vợ và 2 con bị bắn chìm trên chiếc tàu Thuận Phong trên trên sông Sài gòn vào năm 1966.

Càng đến lúc ông gần chết, tôi – người bất đồng chính kiến - càng cảm thấy gần gũi với tư tưởng của Ông hơn bao giờ hết.

Và đó cũng là di sản mà những người cầm quyền đương thời phải biết vượt qua.



[1] Bên cải cách, theo sự sắp xếp của tác giả, bao gồm: Bách – Thạch – Thọ - Khuê –Công. (Trần Xuân Bách, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Đoàn Khuê, Võ Chí Công ). Phái trung dung ở giữa là: Linh – Hùng - Tâm (Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng và Nguyễn Đức Tâm ). Còn bảo thủ bao gồm: Mười – Anh –Kiệt – Bình –Nguyên (Đỗ Mười – Lê Đức Anh – Võ Văn Kiệt – Nguyễn Thanh Bình – Đồng Sỹ Nguyên ).

No comments:

Post a Comment