Monday, August 06, 2007

CHIỀU POTOMAC & NGHĨA TRANG ARLINGTON


Chiều nay chủ nhật ngày 10 tháng 12, Tôi đi sang nhà người bạn Mỹ gốc Việt gần đó. Hai anh em đi sang CVS ở Watergate để mua mấy thứ lặt vặt trong cho gia đình, một hộp thuốc diệt chuột, một cuộn giấy về sịnh, mấy băng dán, xà bông...Tôi mua một gói kẹo cao su rồi 2 anh em về nhà. Hôm nay Daniel quyết định chặt 2 bụi cây cảnh trước nhà. Nếu ở Việt Nam tôi đã dùng dao chặt nhưng ở đây phải gọi dịch vụ vì chặt rồi lại phải cần đưa đi vứt. Một lát sau có người cầm một cái cưa nhỏ đến để đốn 2 bụi cây cảnh. Gía cho việc cưa cây đó là 100 USD. Cây thì nhỏ nhưng vì người ta trồng cũng đã lâu năm rồi nên rất cứng. Để mặc 2 vợ chồng cưa cây, chúng tôi đi tản bộ ra phía bờ sông Potomac.

Bài “Emily Con ơi, Của nhà thơ Tố Hữu vang vọng bên tai. Tôi đã từng đọc một cách hào sảng bài thơ này ngay từ khi 12 tuổi. Tôi chợt nhớ những chiều hè chập choạng tối ở vùng quê Yên Thành –Nghệ An. Tôi thường độc chiếm khoảng sân nhỏ đi lại và đọc thơ. Tôi đọc rất to, oang oang giọng đến nỗi mấy nhà bên cạnh đều biết, đặc biệt là nhà Bác Khanh. Tôi thường đọc nhiều bài khác nhau tuỳ vào các buổi học trên trường nhưng khoái nhất vẫn là thơ Tố Hữu, Trong đó bài Emily, con ơi luôn được đọc trước. Mặc dù bây giờ tôi mới hiểu, Bố không thích những bài thơ của Tố Hữu, nhưng khi đó ông cũng động viên nhiều, bởi có lẽ nhìn con đọc thuộc những bài thơ dài mà ông thích.

Bên bờ sông “Pô Tô Mác”, tôi thường đọc chữ này vang lên cao hơn, mạnh mẽ hơn vì nó có tính chất nước ngoài, nó “tây”. Tôi hình dung về một dòng sông chảy qua “Lầu ngũ giác” và xót thương cho Êmily, người con đã được bố đặt trước Lầu năm góc trước khi tự thiêu.

Chúng tôi chầm chậm bước, hướng về phía sông. Một con đường chạy dọc theo bờ sông, tôi từ bên này bấm nút ưu tiên người đi bộ. Đèn liền xanh, chúng tôi băng qua đường và thảm cỏ nằm dọc theo sông, bước qua bãi cỏ ra hướng sông là một hành lang cho người đi bộ và ngắm cảnh dòng sông. Nước sông rất trong và hiền hoà. Phía giữa sông là một cù lao rất nhiều cây xanh được gọi là : Theodore Roosevel Island.

“Tôi cũng chưa bao giờ sang cù lao đó”. Người bạn, vốn đã ở gần ngay khu vực này hơn 4 năm nói trong khi tôi bàng hoàng vì ngay giữa lòng thành phố lại có một thảm cỏ, một dòng sông, một cù lao hiền hoà và đáng yêu đến thế.

“Nó thuộc bang Virginia”. Muốn đi sang đó phải qua cầu, sang đất Marryland rồi đi bộ xuyên qua một thảm cỏ, phải lấy một ca nô thì đến được. Chúng tôi thấy một vài chiếc Canô chạy trên sông. Tôi đứng sát lan can của bờ sống nhìn xuống và thấy nước trong đến nỗi mà nhìn thấy rõ rất nhiều cá lượn lờ phía dưới. Sau khi ngắm sông, tôi quay mặt về phía toà nhà Watergate thì thấy một khung cảnh thật đẹp và hài hoà.

“Bà Rice ở trong toà nhà này, Ông Chủ tịch thượng viện cũng ở đây, và cả cô Monica nữa, nhiều chính khách ở trong toà nhà này lắm” – Anh bạn tôi là con nhà nòi trong đấu tranh nói.

Đúng là vị trí toà nhà này đẹp thật. Từ những căn hộ trên toà nhà có thể nhìn ra toàn bộ dòng sống Potomac và sang cả bên Roosevelt Island, với toàn bộ cảnh bình yên của một dòng sông, xa xa là Virginia và nghĩa trang Arlington. Cách đây 30, 40 năm thì đây là một trong số ít toà nhà đẹp nhất Washington DC. Trung ương đảng Dân chủ ở đây và đây cũng chính là nơi xảy ra vụ Watergate làm tổng thống Nixon bị Luận tội và buộc phải từ chức.

Mặt trời xuống thấp và hoàng hôn đỏ dần trong khi chúng tôi đi ngược về phía cầu Roosevelt Memorial Bridge. Chiếc cầu không to lắm, kích thước tương tự như cầu Chương Dương nhưng ngắn hơn rất nhiều. Điểm nổi bật là không ồn ào, đông đúc như các cây cầu ở Việt Nam. Cầu có 4 làn xe và các xe chạy rất thưa và đều đặn không có tiếng còi. Chủ nhật ở Washington thường vằng vẻ hơn nên vào giờ này cũng ít xe.

Vượt qua cầu Roosevelt, chúng tôi đi đến cầu Arlington Memorial Bridge, Chiếc cầu vắt qua sông Potomac, Bắc từ bên này của DC sang bang Virginia. Điều đặc biệt hấp dẫn tôi là hình ảnh những chú ngựa chiến rất to lớn đứng ở trên 2 trụ cầu phía bên DC.

“Người Ý tặng cho Hoa kỳ đó”. Chúng tôi thấy những con ngựa to lớn và mỗi bên ngựa đều có 2 người khoẻ mạnh, một bên ôm đàn và một bên ôm bó lúa mỳ. Mọi thứ đều trông thật ấn tượng và hùng vĩ. Chúng tôi đứng đó chụp ảnh và sau đó tôi và người bạn ngồi xuống những bậc thang bằng đá, nhìn sang Virginia, sang nghĩa trang Arlington. Tôi suy nghĩ mênh mang về những gì đã qua, về Hoàng thành mới phát hiện ở Hà nội, về cuộc nội chiến mỹ và cuộc chiến tranh 30 năm Việt Mỹ vừa kết thúc đúng 31 năm trước. Nơi chúng tôi ngồi xưa kia là chiến trận, là sa trường. Washington DC là một chiến trường khổng lồ cho quân đội 2 miền đánh nhau. DC là điểm giữa của Marryland ( Miền Bắc ) và Virginia ( Miền nam). Nơi đây là chiến trường để giải quyết những vấn đề thuộc về tư tưởng. Chủ nghĩa giải phóng nô lệ được Abraham Linlcon cổ suý đã thắng thế với chiến thắng của người Miền bắc. Ngồi trên các bậc tam cấp nhìn ra phía dòng sông, Bên phải là cầu Arlington, trước mắt là dòng sông Potomac, Bên kia sông, là nghĩa trang Arlington, nơi chôn chung xác quân lính 2 miền. Vào những năm đó người Mỹ đã học được cách đối xử với người thua cuộc một cách bình đẳng như thế. Những ngôi mộ đó, như những người anh em bất hạnh đã đâm chém nhau, giết nhau theo đúng lễ nghĩa của chiến tranh, giờ lại nằm xuống bên cạnh nhau, trong thanh bình. Không ân oán, không giận hờn.

Ngay sau lưng tôi là Đài tưởng niệm Abraham Lincoln, Ngươi được coi là chiến thắng đã trở nên nổi tiếng với câu nói ngắn gọn: “A House divided against itself, can not stand”. Một ngôi nhà mà bị chia rẽ thì tự nó đã chống lại nó và như vậy không thể đứng vững đươc. Bao nhiêu binh lính 2 miền Nam, Băc Mĩ đã đổ máu nơi đây. Xưa cũng như nay, chiến tranh và hoà bình như là 2 mặt của một con người. Nó đem lại quyền uy và cũng giết chết danh dự của những lãnh đạo thông qua sự hy sinh của những người lính.

Chiều hoàng hôn DC đỏ thẫm, mặt trời sắp lặn. Văng vẳng đâu đây câu nói người xưa:

“Tuý ngoạ sa trường quân mặc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”

( Say sưa nghiêng ngả ai cười, xưa nay chinh chiến mấy người về đâu )




Tôi chạnh lòng nhớ đến những người lính Việt Nam cộng hoà, đến nghĩa trang Biên Hoà và bản tin sáng nay đề cập đến danh sách 18 thương phế binh cộng hoà đang sống khổ cực, bần hàn ở Sài Gòn.

Đảng và Nhà nước đã làm gì với những người thua cuộc trong suốt 30 năm qua. Tôi nghĩ về đất nước Việt Nam, về những gì chúng ta đã trải qua và những gì nhân dân đang chịu đựng. Cuộc sống đòi hỏi chúng ta có những bài học lớn và bởi lịch sử vốn là sự lặp lại của quá khứ cho nên ta cần có tầm nhìn xa để rút ra những bài học lịch sử.

NGÀY 6 THÁNG 12 NĂM 2006


Hôm nay có một cuộc họp vào buổi trưa, sau đó vội chạy về Forum để chuẩn bị cùng mọi ngưòi đi họp tại Bộ Ngoại giao nên không kịp ăn trưa.

Hôm nay đi họp ở Bộ ngoại giao về, thây vui vì cuộc họp được cho là thành công. Trước khi ra đi sang đây em Hiên bảo “em nghĩ anh sang đó như cá gặp nước”. Tôi không quan tâm nhiều đến câu đó. Thế nhưng chiều nay thực sự gây được ấn tượng cho tôi về cách người Mỹ biết lắng nghe và phát hiện ra được những điểm cẩn nghe.

Cuộc họp cho tất cả 9 học viên từ 9 nước khác nhau, và mỗi người thường chỉ hỏi hoặc nêu một ý kiến. Tôi có một bình luận về quan hệ ngoại giao 2 nước Việt-Mỹ và một câu hỏi được nêu ra. Không có ai phụ trách châu Á hay Việt nam từ Bộ ngoại giao tham dự buổi họp này cả thế nhưng vấn đề tôi nêu ra gây được ngay sự chú ý vì tính chất mâu thuẫn giữa lợi ích của các tập đoàn mỹ và tiền lương tối thiểu cũng như điều kiện làm việc của công nhân Việt nam trong các khu công nghiệp và nhà máy Việt nam. Sau cuộc họp chung với nhiều người chỉ trong vòng 1h30 phút, tôi được một người trong vụ Dân chủ, nhân quyền và Lao động mời đến gặp các anh em ở phòng lao động. Tôi cảm động thật sự khi nói về những người công nhân bé mọn Việt Nam, về điều kiện làm việc khó khăn của họ và chính từ sự xúc động của tôi, nó truyền cảm được cho những người nghe và tôi có thể đọc được trong ánh mắt của họ tình thương, ít nhất là 2 người đã lấy tay quệt nước mắt. Như vậy tôi đã có thể chuyển tải bằng anh ngữ một cách chân thành tình cảm của tôi tới người Mỹ và họ đã nghe một cách chăm chú.

Câu chuyện không tiêu cực mà vẫn gây được những xúc động mạnh, biểu thị sự lắng nghe và chia sẻ, tự nhiên thấy có cái gì đó gần gũi thân quen như những người bạn. Có một người đưa cardvisit ghi tên Vietnam nhưng “tôi không nghĩ cô ấy còn nói được tiếng Việt” đó là lời của Phó phòng khi tiễn tôi ra về. Điều đó cũng làm mình hơi buồn nhưng mà không sao, vì ít nhất mình cũng đã chuyển tải trọn vẹn cảm xúc và nội dung và cô ấy là một trong 2 người lấy tay lau nước mắt. Có lẽ vượt lên trên ngôn ngữ, tình liên đới giữa những người Việt với nhau thật sự gần gũi và sâu sắc hơn.

Trên đường đi bộ về nhà, tôi đi tắt qua trường Đại học George Wahington, đi vào chỗ khuôn viên, tượng đài của Trường, tôi thấy người ta bán rất nhiều đồ lưu niệm. Có một cái khăn tôi thích. Nghĩ rằng mình chưa mua tặng vợ chiếc khăn nào. Tôi bỏ ra 15 USD mua một cái khăn tặng Hiền.

NGÀY 13 THÁNG 10 NĂM 2006


Ngày 13 tháng 10 đã trở thành một trong những ngày khó quên nhất của đời tôi. Cách đây đúng 4 năm là ngày Bố tôi mất. Gĩô Bố năm nay con không về quê và con cũng không ở Việt Nam. Như lời Alibert đã viết: “Cha là người hướng đạo, kẻ bão lãnh, vị quan toà và là sư phụ của đời con”. Ngày này cách đây 4 năm về trước là không thể quên được với tôi và toàn thể các em tôi ở Hà Nội. Nơi K9 - Bệnh Viện Bạch Mai.

Ngày 13 tháng 10 cách đây 2 năm cũng đáng nhớ vô cùng. Chính phủ chọn ngày này làm ngày Doanh Nhân Việt Nam. Kỳ lạ thay, như một lời nhắn nhủ vào ngày giỗ Bố, tôi đã mua được tên miền này trước đó 1 năm. Nhưng kinh doanh ở Việt Nam không dễ đối với những người sống vì đam mê và dám từ chối việc đưa phong bì. Dự án doanh nhân Việt Nam thất bại. Tôi quá tin người và đã bị trả giá. Mỗi sáng ngủ dậy tôi chạy vào phòng để tắm nước thật lạnh mong quên đi mọi thứ để bắt đầu một ngày làm việc trong trẻo hơn. Và tôi mất một thời gian ngắn để quên đi khoản lỗ 320 triệu đồng, nhưng phải mất một thời gian lâu hơn mới quên được cảm giác bị những người bạn, vì tầm nhìn ngắn ngủi mà phản bội.

Hôm nay cũng là ngày Sáng nay thứ 7 ngày 13 tháng 10 năm 2006 gia đình chúng tôi lên nhà Hoàng chơi ở gần ga tàu điện ngầm Dunn – Loring. Trời cuối thu se lạnh, Hoàng đón ngay tại ga và chúng tôi cùng đi bộ về nhà. Hoàng share phòng với một người bạn Mỹ gốc Việt, phòng nhỏ nhưng tiện nghi. Trong lúc đợi Hoàng gửi email cho người ở sở làm tôi ngồi nói chuyện với bạn của Hoàng.

Sau đó Hoàng lấy xe đưa chúng tôi đi đến chợ Hàn Quốc. Hiền mua nhiều đồ ăn và một bao gạo cho cả Mr. John người Liberia bạn học cùng với tôi.

Sau đó chúng tôi đi ăn phở 50. Gọi là phở 50 vì nó nằm ở trên đường 50, gần khu trung tâm Eden là trung tâm mua sắm của người Việt ở Virginia. Ăn phở xong chúng tôi đi đến một trung tâm bán sỉ gọi là Cosmos để mua một chiếc giường Aerobed. Đây là loại giường theo giới thiệu của Hoàng và rất tiện lợi, có thể bơm hơi lên để làm giường. Hết thời hạn có thể xì hơi ra để, cuộn nhỏ lại và đem về nước.

Trên đường đi chúng tôi gặp một một nhà thờ tin lành, xung quanh nhà thờ, trên bãi cỏ rộng là nơi người ta bán hàng hoá. Ở đó mọi thứ đều được bán với giá một đô la. 1 USD là giá một chiếc túi ni lông rất lớn ( bằng chiếc bao tải ). Với chiếc túi đó bạn có thể nhặt bất cứ cái gì nhét vào cho đủ, từ ổ cắm đện đến chiếc màn hình vi tính, từ cuốn sách đến toàn bộ cái giá sách, từ một cái thắt lưng cho đến một máy tập thể dục đa năng. Bước vào khu vực này là cả một không khí vui tươi, chan hoà trong ánh nắng và gió, trên một thảm cỏ xanh mênh mông, người ta cứ đi và cười, tươi vui. Nhiều người là khách hàng đến mua cũng đều reo to: “Take everything you want for one Dollar - lấy tất cả các thứ gì bạn muốn cho 1 đô la”. Chúng tôi chọn mua một cái bàn tròn, một cái ghế và một kệ để TV với giá 1 USD. Tôi thẫn thờ đứng trước hàng loạt sách cũ và cuối cùng chọn một cuốn lịch sử nước Mỹ rất dày và nặng. Hoàng cùng tôi cúi xuống, dưới ánh nắng sáng đến kỳ lạ và gió cuối thu lành lạnh, tháo chân bàn ra. Tôi ôm bốn chân bàn đi ra xe, phía trước là Nhi đang lăng xăng cùng chú Hoàng lăn mặt bàn tròn ra xe. Nhìn thấy hình ảnh đó thật là đẹp và trong lòng thấy vui vui, một niềm vui của tôn giáo, của sự cho và chia sẻ. Tất cả hàng hoá bán đó là do những người theo đạo họ đưa đến nhà thờ, mỗi năm nhà thờ tổ chức bán 2 lần, vào mùa thu và vào mùa Xuân. Lần này là Fall Sale. Việc bán không phải có mục đích lấy tiền mà tạo cơ hội để mọi người giao tiếp, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Với 1 đô la, gia đình tôi đã có gần đủ đồ gỗ nội thất mà mình mong muốn. Nhưng hơn thế, là niềm vui nhẹ nhàng, là cảm xúc thân ái và gần gũi có được giữa một chiều cuối thu rất đẹp, trên bãi cỏ rộng lớn của nhà thờ. Hôm nay cũng là ngày giỗ bố, Tôi như thấy linh hồn bố quanh đây, ngắm nhìn gia đình tôi và mỉm cười trong nắng chiều với đứa cháu nội thân yêu của mình. Bố an nghỉ bên kia bán cầu nhưng linh hồn con người ta tồn tại khắp mọi nơi và luôn dõi theo các con các cháu.