Sunday, November 10, 2019

CẢM XÚC VỀ NGÀY HỘI TRƯỜNG 40 NĂM ĐẠI HỌC LUẬT




Cuối tuần qua tôi tham gia một số hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập trường Đại Học Luật. Dự định sẽ không viết gì nhưng trong lòng vẫn cứ thấy mắc nợ một cái gì đó nên ngồi viết ra cái Status nhiều cảm xúc này.  

Đây là lần đầu tiên tôi gặp gỡ và nhìn thấy cùng lúc đến 2 uỷ viên Bộ Chính Trị (Trần Quốc Vượng và Trương Hoà Bình), 10 UVTW đảng cộng sản, nhiều chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh, Bộ trưởng, thứ trưởng, Giám đốc công ty lớn và rất nhiều người có ảnh hưởng xã hội...

Đứng trong một không gian đông và có rất nhiều người làm to của đảng cộng sản cầm quyền, là một người hoạt động xã hội, đấu tranh cho tự do dân chủ và từng bị chính quyền đương thời cầm tù 3 lần. Tôi thấy chính mình và những người tham dự nợ nhân dân này nhiều quá.

Đứng giữa những người có thân hình cao và làm quan to. Tôi thấy mình nhỏ bé cả về vóc dáng và sức ảnh hưởng. Đó là một cảm giác rất thật và không thể biện minh. Nhưng lớn hơn điều đó, tôi thấy mình có lỗi trong từng phút giây hiện diện. Tôi thấy mình bất lực. Cảm giác đó thấm đẫm và nhấm nháp, như vành môi trên li rượu vang, ăn xuyên qua chính mình, bạn bè mình, qua những người quan trọng đang hiện diện giữa một không gian hoành tráng và kéo dài rất lâu.

Theo thống kê thì hiện nay đang có 5 uỷ viên Bộ chính trị, 77 Đại biểu quốc hội, hàng chục bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, hàng trăm cục, vụ, viện trưởng đương nhiệm là sinh viên Đại Học Luật. Ngoài ra còn rất nhiều người học tại trường luật đã làm to từ các khoá trước vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình xây dựng chính sách và phát triển của Việt Nam. Không ở đâu xa, chúng tôi, là, và phải là những người có khả năng thay đổi đất nước Việt Nam cho tốt đẹp hơn. Nhưng chúng tôi đã làm gì?.

Là bạn bè gặp nhau trong ngày hội trường và tuổi cũng đủ lớn để rất ít người nói và khoe về quan điểm chính trị hoặc sự thành đạt. Tuy nhiên, vượt lên trên sự phản động và chống phản động, chúng tôi là người Việt Nam, là đồng môn cùng hiện diện trong một không gian vào cùng một thời điểm. Có ai nghĩ đất đất nước mình đã, đang và rồi sẽ ra sao?. Mình đã làm gì và sẽ làm gì? Trong không khí hân hoan và tự hào, sự cuốn hút của cương vị và tấm huân chương lao động Hạng nhất mà Trường nhận được lần thứ 2, không có giọng của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói về sự giả dối của xã hội hôm nay, vắng các luật sư tôi quen, vì hoặc đang ngồi tù hoặc đã phải đi lưu vong.

Tôi đi thăm lại Nhà pháp luật Việt Pháp nơi làm chiếc thẻ “thư viện” lần đầu tiên. Có nhiều lúc, tôi len vào đứng ở hội trường rồi lại đi ra sân, tôi ngắm nhìn ký túc xá và giảng đường năm xưa, cũng có lúc tôi lạc lõng giữa sân trường, lạc lõng với những điều đã học. Tôi thấy mình xa lạ với những lời tán tụng về thành công của trường vang dội hội trường.  

Tôi gặp những ngừoi bạn thân giờ là quan chức to của cộng sản. Họ bắt khi tôi giơ tay ra trước. Họ mỉm cười đáp lại khi tôi cười. Một đôi người vỗ nhẹ vào vai như ủi an một kẻ yếm thế. Chụp ảnh thì không. Chúng tôi xã giao và tế nhị lảng tránh nhau, chức càng cao, khoảng cách vật lý càng xa và sự e dè càng lớn. Mặc dù có vẻ như tình bạn thì vẫn còn đâu đó vẹn nguyên trong sâu thẳm tâm hồn.

Bao nhiêu lời tự hào đã được nói ra, bao nhiêu thành công đã được nhắc đến, nhưng liệu có bao nhiêu người trong số 122.000 sinh viên và học viên các thế hệ trường luật cảm giác có lỗi với một đất nước nghèo đói, một nền tư pháp bất công và những vấn nạn xã hội đang lan tràn?  Tôi biết, nhiều bạn bè cũng hiểu nhưng tuyệt đối dấu kín quan điểm chính trị, còn tôi không một mảy may xuất hiện ý định cướp Micro hùng biện về sự thay đổi hoặc lên án xã hội, vì tôi yếu đuối và bất lực?. Không ! Tôi biết không có hiệu quả, ngoài ra còn bởi lý do khác:  

Đó là tôi gặp lại thầy Thìn “sát sinh viên” người đã phải đóng Barrier khi tôi cùng một nhóm sinh viên hô hào bỏ học và kéo ra đường sau lần cướp được Micro đầu tiên sau một buổi biểu diễn văn nghệ mini gần 25 năm trước. Thầy mỉm cười thật tươi và hiền, dù ốm thầy đang ốm.

Tôi cũng thấy ấm lòng khi có ít nhất 2 thầy giáo nhìn thấy tôi từ xa, lách người qua bao nhiêu quan chức, đi thẳng đến và gọi tên “Em Quân”. Lúc đó tôi thấy lòng mình tràn ngập tình Thầy trò và lòng mến yêu thực sự.

Nhưng đến để yêu và vui thì chưa bao giờ đủ, đặc biệt cho cả một quốc gia.  

No comments:

Post a Comment