Năm 1651 cuốn Phép giảng tám ngày (Cathechismvs in octo dies diuisus) và cuốn từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) do cha Alexandre De Rhodes thuộc Dòng Tên in tại Roma, người ta bắt đầu biết đến Việt Nam như là một địa hạt đầy tiềm năng truyền giáo. Dứt điểm rằng Bùi Chu là một trong những địa hạt truyền giáo đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Hơn 100 năm trước đó, vào 1533 là lúc sử sách có chính thức ghi lại thì Cha Ignacio cũng là đến làng Ninh Cường, Trà Lũ, Huyện Giao Thuỷ thuộc địa phận Bùi Chu ngày nay.
Chỉ vì một lần gặp gỡ định mệnh với Cha Alexandre de Rhodes mà Cha Francois Pallu đã trở thành nhà truyền giáo nhiệt thành ở Châu Á. Để rồi Ngài cùng với Đức Cha Pierre Lambert de la Motte trở thành 2 Giám mục đầu tiên tại Việt Nam, thành giám quản Tông toà giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong vào năm 1659.
Với tư cách là Giám mục Địa phận Đàng Ngoài trong suốt 21 năm (1658-1679), tôi tin rằng nơi mảnh đất có nhà thờ Chính Toà hôm nay dày dấu chân đại diện của Đức Cha. Thật vậy, bởi Đức cha Francois Pallu không thể đến được Việt Nam nhưng Đức Cha Lambert de la Motte đã thường xuyên qua lại vùng đất này. Các cứ liệu lịch sử cho thấy Ngài đi dọc sông Ninh Cơ, dừng trên mảnh đất này, đã đến Kiên Lao để lập dòng Mến Thánh Giá ở đó.
Đức Cha Francois Pallu – Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đàng Ngoài từ năm 1658 đến năm 1679. Dù chưa một lần đến Việt Nam, Ngài là Giám mục tiên khởi của giáo phận Bùi Chu. |
Bùi Chu – Cái tên đẹp đó là khởi nguồn cho cả một vùng truyền giáo mạnh mẽ khắp cả một vùng đồng bằng Bắc bộ phì nhiêu và đầy lòng sốt mến. Giáo xứ Bùi Chu được thành lập vào năm 1670, cách đây vừa đúng 349 năm, là thời kỳ Đức Cha Pallu làm Giám Mục.
Tôi cứ nhắm mắt lại hình dung về hình ảnh “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ (Vũ Đình Liên)”. Thưa – Hồn các Ngài vẫn còn đó – Nơi giáo xứ Bùi Chu, nơi Nhà thờ Chính Toà Bùi Chu, mà có lẽ lúc đầu tiên, hơn 350 năm trước, chỉ là một mái nhà tranh lợp bằng rơm, bằng rạ. Các con chiên đầu tiên, tóc búi tõ, quây quần ríu rít bên một Cha người Tây dạy bằng Tiếng Việt về “Nhưn dinh Cha” Hay “Nhưn dinh các cha”.
Bùi Chu, nơi đó hơn 350 năm trước, những người Việt lạc hậu và nhỏ bé nhưng với một trái tim vô cùng nhiệt thành với đức tin, cố gắng tìm hiểu xem mầu nhiệm Ba Ngôi là gì ?. Trinity là gì ? Sao Ba Ngôi là một Chúa, mà Một chúa lại có Ba Ngôi và Ngôi nào cũng là Chúa?, Họ cũng bắt đầu hát những từ Latin mà không hiểu nghĩa. Khi đó vỏ Ngôn từ đã bay về phương Chánh Niệm, chỉ còn tín thác, tin yêu.
Tôi tin rằng, không phải đợi đến cuộc họp Hợp chuẩn về Tiếng việt vào năm 1645 tại Nhật Bản do Cha Jaspal De Amaral chủ trì để thống nhất rằng “Nhưn dinh Cha chính là Nhân Danh Cha” và cũng chính là “Nhân danh các Cha” mà, trước, trong và sau khi đó, những ngừoi con Bùi Chu đó đã quây quần bên ngôi nhà thờ bé nhỏ mà khi đó có thể chỉ là một cái hang Toại đạo, đã cùng nhau xác tín một niềm tin tuyệt đối vào Đấng Tối Cao – Đức Chúa Bloi của mình.
Lần lượt qua các Đức Cha Deydier Điển năm 1679, Lezoli Cao, Hylario Hy.... cho đến Cha Wenceslao Onate Thuận xây nhà thờ vào năm 1884, Giáo xứ Bùi Chu dứt điểm là một nơi mà các Ngài thường lui tới, họp bàn, mở mang Nươc Chúa; Nơi những người Annam chúng ta biết về một Đức Vua, vượt trên tất cả các Đức vua của trần gian.
Bùi Chu - nơi Đức Cha Nguyễn Năng Tĩnh đầy khôn ngoan và quả cảm, vượt qua biết bao nhiêu khó khăn thời kỳ sắt máu để giữ vững ngọn lửa đức tin từ năm 1960 đến 1974. Ngày đó Ngài đã ra đi đột ngột trong sự tiếc thương vô vàn của con cái Chúa. Cá nhân tôi tin rằng Đức Cha bị cộng sản đầu độc.
Bùi Chu – đêm nay tôi buồn đến khóc. Có thể vì tôi lạc hậu, có thể vì tôi sống với quá khứ. Thế nhưng tôi biết rằng: Một khi Nhà thờ Chính Toà bị dỡ bỏ, thì đâu đó các Linh mục ưa xây cất, sẽ đồng loạt dỡ bỏ rất nhiều ngôi nhà thờ xứ, nhà thờ họ hiếm hoi còn sót lại. Và rồi, 50 năm sau, 100 năm sau con cháu chúng ta sẽ nhìn thấy gì và nghĩ gì ?
Tôi buồn vì nghĩ đến ngày đó, nhưng tôi cũng hy vọng. Tôi hy vọng vào quyền năng của Thiên Chúa, và cách Ngài tác động lên các đấng chủ chăn. Sống với quá khứ, là tôi nghĩ đến hơn 2000 năm đã trôi qua từ khi Ngôi Hai đến với loài người, và giờ đây Loài người vẫn nhìn đến Kito giáo như cả “Một nền văn minh” dù bao nhiêu sự tàn phá đã và đang xảy ra.
Bởi hy vọng nên tôi chờ. Và như một triết gia đã nói “Toàn bộ khôn ngoan của loại người nằm trong hai chữ: Hy vọng và Chờ đợi.
No comments:
Post a Comment