Sunday, August 26, 2018

VĨNH BIỆT NGƯỜI BẠN - NGƯỜI ÂN NHÂN JOHN SIDNEY MCCAIN



Thượng nghĩ sỹ John Sidney Mccain (McCain III) - người bạn của tôi - người anh hùng của nước Mỹ, đã qua đời ngày 25/8/2018 khi chỉ còn 4 ngày nữa là bước sang tuổi 82. Tôi viết những dòng này như một gợi nhớ và tri ân vì đã có cơ duyên được gần gũi và trở thành Bạn với Ông.


Đối với tôi, ông là người Bạn Mỹ có quan hệ lâu dài, có ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng và sự tự do của mình. Đối với Việt Nam, ông xứng đáng có một vị trí trang trọng vì những nỗ lực không mệt mỏi của Ông cho quan hệ giữa hai nước.

Câu chuyện bắt đầu cách đây đúng 20 năm, khoảng tháng 8 năm 1998, tôi gặp vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam – cựu chiến binh Peter Peterson - tại nhà thờ Cửa Bắc. Chẳng bao lâu chúng tôi quen nhau và tôi tặng Ngài cuốn sách “Việt Nam cuộc chiến”. Một cuốn sách bằng hình ảnh nói về cuộc chiến Việt Nam mà tôi góp phần chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cuốn sách gợi lên một giai đoạn bi thương nhưng đầy kỷ niệm cho các cựu binh Hoa Kỳ.

Được sự gợi ý của Đại sứ Peterson, đã gửi tặng John McCain một cuốn sách vì có nhiều hình ảnh của ông trong khi bị bắt ở hồ Trúc Bạch và ở trong nhà tù Hoả Lò. Do Ông là con nhà nòi 3 đời phục vụ quân đội nên được Hà Nội lưu ý đặc biệt. Ông có ông nội (McCain I) là đô đốc hải quân 4 sao, tư lệnh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Bố là McCain II cũng là đô đốc 4 sao chỉ huy tầu ngầm ở Thái Bình Dương, tư lệnh hải quân Mỹ ở Châu Âu.

Sau khi nhận sách, Ông gửi lời cám ơn và chúng tôi đã gặp nhau trong một lần Ông sang Việt Nam. Ông kể cho tôi nghe về những vết thương thể lý và cả tinh thần nặng nề trong thời gian bị giam ở Việt Nam. Cánh tay phải của Ông sau nhiều lần phẫu thuật vẫn không thể giơ cao quá đầu và hình ảnh tù binh bị “dong” qua các phố ở Hà Nội để người dân la ó và nguyền rủa là một xỉ nhục hơn bất cứ sự hành hạ thể xác nào. Những vết thương theo Ông mãi mãi và vì vậy việc bình thường hoá thật sự cũng theo ông mãi đến ngày ông ra đi.

Đã từng có lần chứng kiến cuộc tranh luận giữa ông với Peter và với cả với Churk về cuộc chiến Việt Nam, về sự can dự như thế nào trong quá khứ và liệu có trong tương lai. Có người ủng hộ quyết định chiến tranh lúc đó, có người phản đối. Peter đã bật khóc và nói “Senator, am I wrong ? – Thượng Nghị sỹ ơi, Tôi có sai không ? ”. Đây là một bài học thực sự với tôi về sự lương thiện và chân thành trong tranh luận. Tôi hiểu McCain có những day dứt nhưng ông biết vượt qua, như đã vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo nhất trong cuộc đời. Ông yêu nước Mỹ nồng nàn và phản chiến nhưng Ông không hối hận về cuộc chiến đấu. Ông coi đó như là một nghĩa vụ cao cả mà với tư cách công nhân trong một nước và là người con trong một gia đình truyền thống phục vụ quân đội.

Ông cũng rất hiểu về Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông kể cho tôi về OSS và Đội công tác Con Nai, về những cơ hội bị bỏ lỡ trong quá khứ và tương lai Việt Nam. Ông tin rằng Dân chủ là tất yếu và chỉ có như vậy Việt Nam mới phát triển. Ông hiểu rõ Hồ Chí Minh và có lần chỉ vào tôi và bảo “ You are Nghe An patriot, like him” rồi cười. Tôi cho đến giờ vẫn không hiểu đó đó là một câu khen hay là 1 câu chê.

Từ khi biết nhau, với tư cách là Chủ tịch Viện Cộng Hoà Quốc tế, Ông gợi ý tôi về việc nghiên cứu sâu về khoa học chính trị và nền Cộng hoà. Khi tôi sang Mỹ học, có dịp được gặp ông tại Văn phòng thượng nghĩ sỹ và rất vui mừng khi Ông đưa bức ảnh tôi tặng khi ông quay đầu bước đi ra chiếc xe Buýt để lên máy bay trở về nước trong đợt trao trả tù binh vào tháng 3-1973. Ông nói “một phần của tôi đã ở đó và luôn muốn quay lại”. Trong thời gian ở Mỹ, có một vài lần được gặp ông cùng trao đổi về cuộc sống, con người và tương lai Việt Nam. Ông chỉ mong một điều là làm sao Việt Nam có thể thoát khỏi được sự ảnh hưởng của Trung Quốc.

Năm 2007 khi tôi về nước và bị bắt với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân” vì đã quan hệ với 6 tổ chức đảng phái chống cộng. Ông, với tư cách là một Thượng nghị sỹ Thành viên Đảng Cộng hoà – Đương kim chủ tịch Viện Cộng hoà Quốc tế (IRI) và Bà Ngoại trưởng Madeleine Albright – Chủ tịch Viện Dân chủ Quốc gia (NDI) đã viết thư yêu cầu chính phủ Việt Nam tiến hành “các sắp xếp cần thiết để thả Luật sư Lê Quốc Quân”. Khi còn ngồi trong tù, thông qua, thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, tôi được biết Ông là người yêu cầu mạnh mẽ nhất việc trả tự do cho tôi vì ông tin “Quân không làm điều gì sai với Việt Nam cả”.

Tôi và gia đình rất vui mừng vì Ông đã không quên chúng tôi trong lúc hoạn nạn.

Ngày ông ứng cử tổng thống, chạy đua cùng Tổng thống Obama, trong tôi có nhiều cảm xúc khác lạ. Là một người yêu dân chủ và đang rất hâm mộ thổng thống Obama nhưng McCain là một điều gì đó gần gũi và rất quen thuộc với gia đình. Tôi công khai viết bài ủng hộ tổng thống OBAMA nhưng khi biết ông bị loại lòng cũng bùi ngùi.

Lần cuối gặp ông là năm tháng 6 năm ngoái (2017) khi ông sang Việt Nam. Lần này tôi quyết định đến gặp ông dù được chính quyền khuyến cáo là không được gặp. Tuy nhiên, tôi đã để lại một tin nhắn cho các nhân viên an ninh rằng: “Ông ấy là một người bạn, của tôi và của Việt nam, dù các ông có ngăn cản thì tôi vẫn cứ đi”.

Sau khi tìm mọi cách trốn đi để có được cuộc gặp cuối cùng với Ông, hôm sau tôi đã bị đánh và bị doạ giết. Tuy nhiên, tôi không bao giờ hối tiếc việc đó. Tôi thấy Ông là tấm gương, ngay cả khi bệnh tình đã nặng, ông vẫn miệt mài vun đắp cho sự phát triển của Việt nam, không chỉ với chính quyền, mà còn với những con người đối lập với Chính quyền.

McCain III luôn tin rằng, một cuộc hoà giải đích thực sẽ rất mất thời gian, và trước tiên đó phải là một sự hoà giải thực sự trong tâm hồn người Việt, nơi tự do dân chủ được tôn trọng và Tôi có quyền gặp Ông bất cứ khi nào.

Giờ thì không còn cơ hội nữa, nhưng tôi sẽ rất nhớ và tôi tin rằng ông sẽ mãi phù hộ cho sự Hoà giải được thành công. Xin Chúa đón nhận Linh hồn ông về nơi vĩnh hằng.



No comments:

Post a Comment