Friday, July 29, 2011

NGHỊ SỸ VÔ DUYÊN - ĐẶNG THỊ HOÀNG YẾN

Trong kỳ bầu cử quốc hội vừa rồi, mình biết và hết sức kính trọng 3 người tự ứng cử là: Hiệp sỹ Công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và Anh Nguyễn Cảnh Bình, giám đốc Alpha Books.

Cả mình và những người mình biết đều bị loại ra một cách vô duyên và độc đoán trong khi có 2 chị em ruột giàu đột xuất nhất nước, nhất quốc hội là: Đặng Thị Hải Yến và Đặng Thành Tâm đã trở thành nghị sỹ quốc hội. Đối với bà Hoàng Yến thì có những sự thật sau:

-         Chồng bà đang bị công an Việt Nam truy nã về tội lừa đảo;
-         Cướp đất của nông dân nghèo là cách bà làm giàu nhanh nhất;
-         Đạo đức, tư cách đại biểu đang bị cựu chiến binh khiếu kiện.
-         Và sau đây là sự vô duyên về tư cách và tầm thường về trí tuệ của diễn văn đọc trước các em học sinh giỏi. Đó là hành vi xem thường các em.  



Monday, July 25, 2011

CÒN GÌ Ý NGHĨA HƠN VIỆC HY SINH CHO TÌNH YÊU ?



             Được yêu trong tình yêu tổ quốc; Được sống trong tình nghĩa đồng bào; Được tham dự vào những thời khắc lịch sử để bày tỏ tình yêu của mình đối với tổ quốc và tri ân với những người đã ngã xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Điều đó còn gì bằng ! "Nếu được chết tôi sẽ chết cho quê hương". Lời ca từ đó cứ thì thâm bên tai giữa một rừng tiếng hô vang: "HOÀNG SA-TRƯỜNG SA- VIỆT NAM". Bao nhiêu điều lãng nhách rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại tình yêu tổ quốc ! Phàm những thứ quý thì mới đáng cho !. Và còn gì có ý nghĩa hơn khi hy sinh thứ quý nhất trên đời là mạng sống của mình cho quê hương Việt Nam yêu dấu !


          Còn gì vui khi lẩn tránh được những rào cản vô hình và hữu hình của nhà nước, để được đến cùng anh em trong tiếng hô toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng, xét về lý trí, thì mình còn muốn hô to: "Dân chủ cho Việt Nam, Tự do cho Việt Nam". Bởi vì mình tin rằng chỉ có Dân Chủ, Tự do mới đem lại những sức sáng tạo mới, cơ chế mới để đưa đất nước ta trở nên hùng mạnh. Và chỉ có hùng mạnh hơn, phát triển hơn thì mới có thể bảo toàn giang sơn tổ quốc một cách hiệu quả.


         Xin chia vui cùng tất cả Anh Chị Em đã cùng vui bước chân trong những lần biểu tình vừa qua bằng một số bức ảnh tự hiện lên trong Facebook.


 Luật sư. Lê Quốc Quân

























Friday, July 15, 2011

THÔNG BÁO VỀ CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG TRUNG QUỐC




THÔNG BÁO VỀ CUỘC BIỂU TÌNH

Giới nhân sĩ trí thức có ý kiến như sau:

1- Việc thanh niên, sinh viên, trí thức và đông đảo nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia biểu tình yêu nước là biểu hiện tình cảm trong sáng, cao quý, linh thiêng và đầy trách nhiệm đối với Tổ Quốc. Các cuộc biểu tình tại Hà Nội vừa qua cho thấy không một ai, cơ quan hay tổ chức nào trong và ngoài Việt Nam có thể xuyên tạc, bóp méo, lợi dụng hay dập tắt được các cuộc biểu tình chính nghĩa này.

Cho đến nay, không có bất cứ văn bản pháp luật nào cấm biểu tình, vì nếu có thì chính văn bản pháp luật đó là vi hiến. 

2- Mấy ngày qua các ngư dân Quảng Ngãi vừa bị tàu quân sự Trung Quốc điều lính có trang bị tiểu liên và dùi cui xông lên tàu đánh đập ngư dân Việt Nam, cướp tài sản và xua đuổi ngư dân khi đang đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trước tình hình nghiêm trọng đó, giới nhân sĩ trí thức sẽ cùng đồng bào xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông.

Thời gian: 08h30 ngày Chủ Nhật 17.7.2011
Địa điểm tập trung: Khu vực Hồ Gươm - Đền Ngọc Sơn - Tượng đài Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh. Sau khi biểu tình tại khu vực này, sẽ đi bộ ra Nhà Hát Lớn.

3- Chúng tôi trân trọng đề nghị các lực lượng an ninh bố trí lực lượng giúp phân luồng giao thông và bảo vệ an ninh cho đoàn biểu tình yêu nước.

PHỤ LỤC:

1-    Không có bất cứ lý do gì để những người yêu nước phải trình diện vào sáng Chủ nhật, trừ khi có giấy triệu tập hợp pháp.

2-     Nếu cuộc biểu tình bị ngăn cản, giải tán trái Hiến pháp, chúng tôi sẽ bàn bạc để có một văn bản gửi tới Quốc Hội, đề nghị khẩn trương ra Luật Biểu tình phù hợp với Hiến pháp. 

3-    Tất cả những người tham gia biểu tình ngày Chủ nhật 17.7.2011, nếu bị cưỡng chế, ngăn cản quyền tự do biểu tình trái Hiến pháp, thì cần liên hệ với nhau để cùng ký vào một văn thư gửi lên các cơ quan có thẩm quyên.

4-    Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông trong nước và quốc tế đưa phóng viên tới để ghi nhận và phản ánh đầy đủ và chân thực cuộc biểu tình yêu nước của nhân dân Việt Nam.
 * Xin cảm ơn các luật sư, luật gia đã giúp cùng soạn thảo văn bản trên đây!

Xin hãy cùng nhau lại xem Cẩm nang biểu tình, tại đây.

 TỔ QUỐC VIỆT NAM ANH HÙNG MUÔN NĂM!
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM TOÀN VẸN LÃNH THỔ MUÔN NĂM!
----------------------------------------------

Thursday, July 14, 2011

VỰC LẠI HÀO KHÍ DIÊN HỒNG NHÓM NGÀY CHỦ NHẬT KÊU GOI BIỂU TÌNH



Vào ngày 5 tháng 7, Trung Quốc sử dụng quân đội cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 14 tháng 7, 9 ngư dân Việt Nam bị bắt đi mất tích trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Những hành động ngang ngược này tiếp diễn không ngừng, dù trên lãnh vực ngoại giao gần đây đã có những thông báo về "sự đồng thuận" của 2 nước Việt Nam và Trung Quốc.

Ngày 10 tháng 7, việc trấn áp công dân xuống đường bày tỏ lòng yêu nước và bảo vệ tổ quốc gia tăng. Nhiều người đã bị ngăn chận, hành hung, bắt giữ. Khi quốc gia đang nguy biến thì lòng yêu nước không thể bị cầm tù!.

Ngày 13 tháng 7, Bộ Ngoại Giao đã không tiếp xúc với 18 nhân sỹ trí thức khi họ yêu cầu cung cấp thông tin công khai và minh bạch về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Những sự kiện trên chứng minh 2 điều:  

1) bảo vệ chủ quyền dân tộc không bao giờ đạt được chỉ bằng sự dàn xếp ngoại giao một cách mập mờ giữa lãnh đạo hai nước!

2) bảo vệ độc lập dân tộc càng không thể đạt được với chủ trương cấm đoán sự tham gia, đấu tranh để bảo vệ tổ quốc của toàn dân.  

Đã đến lúc chúng ta phải vừa tranh đấu chống ngoại xâm vừa giành lại quyền được yêu nước.

Không có sức mạnh yêu nước của toàn dân thì không đảng nào, nhà cầm quyền nào có thể đơn phương bảo vệ được tổ quốc.

Đã đến lúc chúng ta phải vực lại Hào Khí Diên Hồng.

Nhờ vào lòng yêu nước mà suốt chiều dài lịch sử dân tộc hàng hàng lớp lớp thế hệ Việt Nam đã cùng nhau dựng nước và giữ nước. Nhờ vào lòng yêu nước mà trên bản đồ thế giới ngày nay vẫn tồn tại một quốc gia mang tên gọi Việt Nam.

Yêu nước không những là nghĩa vụ, lý tưởng sống cao đẹp, mà còn là quyền của công dân. Mọi hành động ngăn cản, trấn áp lòng yêu nước của nhân dân là đi ngược quyền lợi chung của dân tộc, là phản bội tổ quốc.

Không một triều đại, thể chế, tập đoàn, đảng phái hay chính phủ nào có thể độc quyền nắm giữ và loại trừ sự tham gia của nhân dân vào việc quyết định vận mạng chung của đất nước.

Tuy nhiên, với chiêu bài "tình đồng chí 16 chữ vàng và 4 tốt" dân tộc ta đã bị Trung Quốc cướp mất một diện tích đất 1500km2 đất bằng tỉnh Thái Bình, trong đó có Ải Nam Quan, một nửa thác Bản Giốc, quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa và 80% vùng biển Đông rộng lớn đang bị nguy cơ đường lưỡi bò chiếm đoạt.

Chúng ta đang ở vào thời đại mất nước.
Chúng ta đang ở vào thời đại phải cứu nước.
Độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và tương lai Việt Nam nằm trên vai của chúng ta.

Hòa mình vào làn sóng xuống đường phản đối bá quyền Trung Quốc trong những cuối tuần qua, nhóm Ngày Chủ Nhật nhận thấy rằng dù phải đối diện với nhiều khó khăn, cản trở, nhu cầu cấp thiết là vẫn phải tiếp tục xuống đường thể hiện lòng yêu nước. Làn sóng yêu nước phải được tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy.

Thái độ, hành động và hình ảnh của người dân Việt Nam xuống đường là bằng chứng hùng hồn nhất, cần thiết nhất cho việc xác định chủ quyền bây giờ và trong tương lai trên bàn cờ đấu tranh và thương thảo quốc tế.

Do đó, nhóm Ngày Chủ Nhật tha thiết kêu gọi:

·        Người dân Việt Nam chúng ta tiếp tục trường kỳ đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ quyền của đất nước.

·        Cùng nhau vượt qua sợ hãi của mỗi cá nhân để kết đoàn, tạo nên sức mạnh quần chúng để thực hiện bằng được nghĩa vụ và quyền yêu nước bất khả xâm phạm.

·        Các bạn thanh niên sinh viên cùng nhau bước ra khỏi những vòng tròn quen thuộc của cuộc sống để thể hiện lòng yêu nước bằng hành động cụ thể như tuần hành, biểu tình, công khai tuyên bố thái độ...

·        Những thế hệ đi trước thực sự tin rằng mình đã từng cống hiến cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp, các cựu chiến binh đã từng vuốt mắt đồng đội trên các chiến hào, hãy làm sống lại con người lý tưởng đúng nghĩa, không để những hy sinh chiến hữu trở thành vô nghĩa. Những con người can đảm trong thời chiến vẫn là những người can đảm trong thời bình!!!

·        Các bậc trí thức đồng vực dậy tinh thần sĩ phu, dùng trí tuệ và óc sáng tạo để góp phần vào việc cứu nước.

·        Các thầy cô hãy khơi lại ngọn lửa con tim, dùng tâm thức để hướng dẫn và đồng hành với thanh niên sinh viên, học trò của mình để giải quyết vấn nạn đất nước.

·        Đồng bào và các bạn thanh niên sinh viên đang sống ở nước ngoài, cùng nắm tay với đồng bào trong nước, trường kỳ đấu tranh cho tương lai dân tộc, biểu tình, tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, vạch trần và lên án âm mưu xâm lược của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế.

Lịch sử Việt Nam và đất nước Việt Nam có được đến ngày hôm nay đã phải trả bằng máu và nước mắt của bao thế hệ. Chúng ta đang đứng trước một trang sử đen tối của lịch sử. Trang sử này không thể trở nên tươi sáng bằng sự yên ổn và an toàn cá nhân mà phải bằng đức hy sinh và lòng dũng cảm của mỗi người.

Do đó, cho dù chúng ta có phải đối diện với những đe dọa trấn áp, chúng ta vẫn phải tiếp tục xuống đường.

Ngừng lại và nguội lạnh đi là ước muốn của quân xâm lược và những kẻ đang muốn ngăn chận lòng yêu nước của người dân.

Ngừng lại sẽ tạo cơ hội cho những đám mây đen che phủ thêm bầu trời vốn đã đen tối của dân tộc.

Ngừng lại là đầu hàng và chấp nhận viễn ảnh lòng yêu nước - cái vốn hiếm quý nhất của một dân tộc - bị hủy diệt.

Dựa vào chính nghĩa và lẽ phải, bằng lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau biểu tình khắp nơi vào ngày Chủ Nhật Yêu Nước 17 tháng 7 năm 2011.

Nhóm Ngày Chủ Nhật
Trích nguồn "Dân Làm Báo" 

Saturday, July 09, 2011

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI THÍ SINH DỰ THI ĐẠI HỌC 2011




Các em thí sinh thân mến,

Trước khi các em bước vào một thử thách quan trọng quyết định khuynh hướng phát triển của cuộc đời mình, anh xin chia sẻ mấy ý sau đây nhằm giúp các em vững tâm hơn để bước tới:
     
          1.  Hãy sống có mơ ước:

Các em hãy sống có ước mơ. Tạo hóa cho chúng ta một bộ óc để tự do suy nghĩ. Chỉ một chút nhỏ bé trên đầu nhưng loài người đã chế tạo ra tàu ngầm, máy bay; đã sáng tạo nên những trường ca, những bản nhạc giao hưởng; chúng ta còn tiếp tục đi sâu vào tâm trái đất và chinh phục các hành tinh xa xăm….Tất cả những điều đó đều bắt đầu từ mơ ước.

Qủa thật, Chúng ta không phải sinh ra như những cỗ máy đã có sẵn niềm tin, đạo đức; Chúng ta cũng không phải như những tờ giấy mà bất cứ ai muốn vẽ gì lên cũng được. Chúng ta có xác và hồn. Chính nhờ một cuộc sống có hoài bão mà loài người chúng ta khác biệt hoàn toàn với bất kỳ sinh vật nào trên trái đất. Chúng ta là trung tâm, là nhân vị và là chủ thể của phát triển. Chúng ta ước mơ gì ? Mục tiêu tối hậu và quan trọng nhất là trở thành người tốt. Trong hành trình làm người, không có điều gì tốt đẹp và lớn lao hơn cho bằng chúng ta ngày càng tốt lên.

Nhưng để làm được như vậy, trên cuộc đời lữ thứ trần gian này, chúng ta cần phải có một chuyên môn, một nghề nghiệp, một tước vị...Đúng vậy, các em có quyền ước mơ mình trở thành một bác sỹ, kỹ sư, nhạc sỹ, một giám đốc, nghị sỹ, tổng thống, linh mục, thậm chí một giám mục…Các em cũng có quyền mơ ước về một Việt Nam dân chủ, tự do và phát triển; mọi người có quyền được bày tỏ chính kiến công khai, có quyền mưu cầu hạnh phúc và thành công  ngay trên chính tổ quốc mình.
2.     Lựa chọn và ra quyết định đúng:
Đầu tiên là phải có ước mơ, nhưng trước mắt các em sẽ là cả một quá trình lựa chọn cụ thể. Để lựa chọn đúng các em phải cố gắng lắng nghe bản thân mình. Tìm hiểu mình xem thực sự mình có những năng khiếu gì, những chất liệu gì để xây dựng một hình ảnh, một vị trí, thậm chí một tượng đài của mình trong tương lai.

Các em cố gắng trả lời câu hỏi: “Ta là ai ? ta đến đây làm gì ?. Chúng ta là quán quân, là lựa chọn vĩ đại của Tạo Hóa thông qua Cha Mẹ mình. Bởi vậy, khi chúng ta ra đời, không ai là không có giá trị. Mỗi người trong chúng ta đều có một khả năng nhất định về vấn đề gì đó. Các em phải bình tâm soi vào mình và cầu nguyện để nhận ra được mình giỏi gì và mình mong ước trở thành ai trong tương lai.

 Có thể các em làm luật sư giỏi nhưng không thể làm nông dân tốt, là ông chủ giỏi nhưng không là một nhà cách mạng hay…Các em cũng cần nhớ, không phải trở thành giáo sư, nhà khoa học, linh mục hay doanh nhân là luôn luôn tốt. Các em có thể trở thành công nhân, nông dân, nhà hoạt động xã hội…Tất cả mọi việc, mọi nghề nghiệp đều cao quý, miễn là điều đó nó đem lại cho các em niềm vui và hạnh phúc, phục vụ cộng đồng và mang lại giá trị chung.

Trong quá trình ra quyết định và lựa chọn, các em nên tham vấn với người khác. Những người đi trước thường khôn ngoan hơn. Mình cần hỏi và lắng nghe những ý kiến của những người thông thái. Một trong những nhân vật quan trọng của thế hệ các em hôm nay, đó là  “Tiến sỹ Google”. Các em có thể vào đó tham khảo, tìm hiểu thông tin để ra quyết định. Ngoài ra các em cần đặc biệt lưu ý các lời khuyên của Ông Bà, Cha mẹ và những người thân, vì ngoài trách nhiệm họ còn có tình thương yêu thực sự với mình.

Ngày mai đi thi, các em có thể đỗ ngay hoặc chưa đỗ; rồi có thể vào học chính quy, tại chức, chuyên tu; các em có thể học trung cấp, cao đẳng, công lập hoặc bán công…Có nhiều con đường và cơ hội hiện đang mở ra để các em có thể lựa chọn, không chỉ ngày mai mà còn cả trong tương lai. Các em cần đảm bảo mình đi đúng hướng. Giống như con tàu khi bắt đầu lăn bánh, các em phải đảm bảo đường ray sẽ dẫn mình đến đích. Các em cũng cần nhớ thêm rằng dù có đỗ trường tốt thì cũng không ai có thể đảm bảo một tương lai tốt vì tất cả mới bắt đầu.   
            3.     Chương trình hành động cụ thể và phân bổ thời gian

Có mong ước và ra quyết định đúng rồi nhưng thực thi sẽ khó hơn rất nhiều lần. Kinh thánh nói: ‘Đức tin không có việc làm là đức tin chết” . Vì vậy, hành động cụ thể mới được coi là quan trọng vì nó đem các em đến gần hơn với ước mơ của mình.  

          Hành động cụ thể đòi hỏi phải có ý chí, nghị lực và quyết tâm cao. Nếu như ước mơ là thuộc về khát vọng, thì hành động thuộc về ý chí. Chương trình hành động và việc làm cụ thể mới là lúc thử thách ý chí của các em. Trên chặng đường đó có rất nhiều bạn sẽ rơi rụng. Tại sao khi xuất phát tại một đường đua, lại luôn luôn chỉ có một quán quân cán đích ?. Bởi vì người đó phải hội tụ đủ các tố chất, có ước mơ, có hoài bão và kỹ thuật khéo léo. Nhưng trên hết chính là quyết tâm sắt đá, là nghị lực phi thường và bền bỉ trong suốt cuộc đua.

          Có một thứ không thể lấy lại được là thời gian. Tạo Hóa cho chúng ta khoảng 70 năm của cuộc đời, là rất dài so với các loài thụ tạo khác, nhưng quá ngắn ngủi so với tuổi của vũ trụ vô biên.  Đến nay các em đã trải qua18 năm. Đây là lúc các em bước vào thời kỳ phát triển đầy đủ và trọn vẹn nhất về thể lý, chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Trong vòng 5 năm tới là lúc các em có thể định hình hoàn toàn về nghề nghiệp. Trong thời gian đó, dù có học đại học hay không thì cũng hết sức quan trọng cho các em. 

Vậy trong 5 năm tới, các em phải cố gắng chinh phục mấy mục tiêu sau đây:

1.     Học được một nghề nghiệp cho chính mình;
2.     Giao tiếp một ngoại ngữ thông thạo (ưu tiên tiếng anh)
3.     Hiểu biết và sử dụng tốt công nghệ thông tin.

Nghĩa là các em trang bị cho mình được một nghề nghiệp và hai công cụ quan trọng để phát triển nghề nghiệp đó. Muốn được như vậy: các em phải cố gắng ngồi xuống, lập một thời gian biểu, chia mục tiêu ra theo từng năm, từng tháng tháng, sau đó theo tuần. Khi đã đặt ra mục tiêu và có kế hoạch hành động cho mình, các em cần kiên trì theo đuổi những mục tiêu.
              4.   Liên tục sửa mình sống đúng bổn phận

Các em đã có ước mơ, có quyết định đúng và có chương trình hành động. Và bây giờ là quá trình các em phải bước đi. Có rất nhiều phương tiện và cách thức khác nhau để đi đến thành công trong đời nhưng một điều đặc biệt cần nhớ là các em cần liên tục canh tân chính mình. Sửa mình là và sửa lỗi cho người khác là nét đẹp tuyệt vời của con người trên đường hướng đến Chân – Thiện –Mỹ.

Trong phát triển chúng ta có những loại gien di truyền và biến dị. Những giá trị lõi như tôn giáo, niềm tin, mơ ước, sứ mệnh…thì được coi như loại gien di truyền và chúng ta cố gắng giữ nó bằng mọi giá. Nhưng chúng ta cũng biết sử dụng gien biến dị để thường xuyên ngồi lại, duyệt xét các kế hoạch, chấp nhận khác biệt, những tiến bộ và những giá trị mới để điểu chỉnh chính mình…Nói chung để trưởng thành chúng ta phải liên tục canh tân để phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Để kết thúc bài nói chuyện này, anh muốn nói đến Trường Ca Đam San của Việt Nam, Hình ảnh Đam San vượt qua núi cao rừng thẳm đi Cầu hôn nữ Thần mặt trời là khúc ca hay nhất, kì vĩ nhất, thể hiện khát vọng cao nhất mà Đam San theo đuổi trong cả cuộc đời đấu tranh không hề mệt mỏi của mình dù cho đến chết đi.

Bên trời tây, cũng có một Đan Kô của Maxim Gorki đã móc trái tim mình ra, soi  đường cho đoàn người vượt qua cái tối tăm của rừng thẳm để đến với miền đất chan hòa ánh sáng và sự sống. Các em hãy noi gương hai chàng trai đầy hình tượng văn học đó để dám ước mơ và dũng cảm nhận lấy sứ mệnh vinh quang nhưng đau khổ mà Thượng Đế đã ban cho ta khi sinh chúng ta ra làm người.

Anh mong muốn và cầu chúc các em hãy ra đi, tiến bước và thực thi sứ mệnh của mình một cách đầy kiêu hãnh.

Kinh thánh nói “xin thì sẽ được, tìm thì sẽ thấy, gõ thì sẽ được mở cho”. Các em đã thi là sẽ sẽ đỗ ! Vì dù đêm có dài thì bình minh vẫn tới !.

Hà Nội ngày  2/7/2011
Luật sư. Lê Quốc Quân  


Thursday, July 07, 2011

NGƯỜI CẦM ĐẦU ĐÁM ĐÔNG


Nguyễn Quang Thạch, người bạn đã từng vui mừng cõng con đi biểu tình trong mấy lần trước đây mới tặng mình cuốn sách. Trong lời đề tặng Thạch còn đề cao mà ghi rằng: "I think it is really good for your thought level". Mình đọc một mạch ! Đúng là cuốn sách hay thật. Không chỉ cho "thinking level" nào mà cho tất cả mọi người. Đặc biệt là cho những ai đã và tiếp tục tham gia các cuộc tuần hành yêu nước đầy ý nghĩa thời gian gần đây. Xin các bạn hãy dành thời gian đọc thật kỹ - Chương III, trong Quyển II, của tác phẩm nổi tiếng - TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG - của GUSTAVE LE BON  - qua sự chuyển ngữ của dịch giả Nguyễn Xuân Khánh và sự hiệu đính của một trong những triết gia Việt Nam mà mình ngưỡng mộ nhất - BÙI VĂN NAM SƠN.
--------------o0o-------------


NGƯỜI CẦM ĐẦU ĐÁM ĐÔNG

Ngay khi một số đông những sinh vật tập hợp lại, dù đó là một đàn súc vật hay một đám đông những con người, thì theo bản năng chúng tự đặt mình dưới quyền uy của một thủ lĩnh.
Trong những đám đông con người, vị thủ lĩnh thực sự thường chỉ là một người cầm đầu nhưng với tư cách ấy, người này đóng một vai trò quan trọng. Ý chí của người cầm đầu là hạt nhân, chung quanh nó, những ý kiến được hình thành và đồng nhất. Người cầm đầu là yếu tố đầu tiên của tổ chức đám đông không thuần nhất và chuẩn bị tổ chức nó thành những nhóm phái. Trong khi chờ đợi, người ấy điều khiển đám đông. Đám đông là một bầy đàn nô lệ không bao giờ có thể thiếu chủ.
Người dẫn dắt thoạt đầu thường là người bị dẫn dắt. Bản thân anh ta đã bị thôi miên bởi cái ý niệm mà sau đó anh ta trở thành người truyền bá. Ý niệm ấy xâm chiếm anh ta đến độ ngoài nó ra, tất cả đều biến mất, và mọi ý kiến ngược lại nó đều bị coi là sai lầm và mê tín. Chẳng hạn Robespierre bị thôi miên bởi những tư tưởng triết học của Rousseau[1], và sử dụng những phương pháp của Tòa án dị giáo để truyền bá chúng.
Thông thường những người cầm đầu đều không phải là các nhà tư tưởng, mà là những người hành động. Họ đều kém sáng suốt, và sẽ không thể sáng suốt, sự sáng suốt thường dẫn tới nghi ngờ và không hành động. Họ được tuyển chọn chủ yếu trong đám những người mắc chứng thần kinh, những người dễ bị kích động,… luôn đi men trên bờ vực của sự điên rồ. Dù cho tư tưởng mà họ bảo vệ hay mục đích họ theo đuổi có thể phi lí đến thế nào, thì mọi lí luận đều bất lực trước lòng xác tín mạnh mẽ của họ. Sự khinh bỉ và những truy bức đều không làm cho họ động lòng, hoặc chỉ làm kích thích họ hơn mà thôi. Quyền lợi cá nhân, gia đình, tất cả đều bị coi khinh. Bản năng bảo tồn bản thân trong họ cũng bị triệt tiêu, đến nỗi phần thưởng duy nhất hấp dẫn họ là trở thành kẻ tử vì đạo. Cường độ niềm tin đem lại cho lời nói của họ một sức mạnh gợi ý to lớn. Quần chúng luôn sẵn sàng lắng nghe con người được thiên phú cho ý chí mạnh mẽ biết làm cho nó kính nể. Những con người tập hợp thành đám đông đánh mất toàn bộ ý chí, và theo bản năng, sẽ hướng theo người nào có một ý chí.
Các dân tộc không bao giờ thiếu người lãnh đạo: nhưng không phải người lãnh đạo nào cũng được khích lệ bằng niềm tin mãnh liệt, từng tạo nên những vị thánh tông đồ. Thường đó là những diễn giả tinh tế chỉ theo đuổi lợi ích cá nhân và tìm cách thuyết phục bằng cách mơn trớn những bản năng thấp hèn. Vậy nên ảnh hưởng mà họ tác động có thể rất lớn, nhưng nó vẫn thường rất ngắn ngủi. Những người có niềm tin lớn đã khuấy động tâm hồn đám đông, những Pierre Ẩn sĩ[2], những Luther[3], những Savonarole[4], và những người của Cách mạng Pháp, chỉ tác động bằng sự thôi miên, sau khi bản thân họ trước hết cũng đã bị thôi miên bởi một niềm tin. Lúc đó họ mới có thể tạo ra trong những tâm hồn sức mạnh khủng khiếp được gọi là niềm tin, điều làm cho con người trở thành nô lệ tuyệt đối cho giấc mơ của mình.
Tạo ra niềm tin, dù đó là niềm tin tôn giáo, niềm tin chính trị hay xã hội, niềm tin vào một tác phẩm, vào một nhân vật, vào một ý niệm, đó là vai trò chủ yếu của những lãnh tụ vĩ đại và chính vì thế ảnh hưởng của họ bao giờ cũng rất đáng kể. Trong tất cả các sức mạnh mà nhân loại sẵn có, niềm tin bao giờ cũng là sức mạnh to lớn nhất, và thật có lí khi Kinh Phúc âm gán cho nó cái quyền năng dời núi. Đem lại cho con người một niềm tin, tức là tăng gấp bội sức mạnh của họ. Những biến cố lịch sử lớn đều được thực hiện bởi các tín đồ âm thầm, với họ hầu như chỉ có niềm tin. Những tôn giáo lớn thống trị thế giới được xây dựng không phải nhờ vào các học giả và triết gia, cũng không phải nhờ vào những kẻ hoài nghi, càng không phải nhờ vào đế chế rộng lớn trải dài từ bán cầu này tới bán cầu nọ.
Nhưng trong những ví dụ ấy, vai trò chủ yếu là những lãnh tụ vĩ đại, và họ khá hiếm hoi nên lịch sử có thể dễ dàng đưa ra con số. Họ hợp thành đỉnh cao của một dãy liên tục đi xuống, từ những kẻ chỉ huy con người đầy quyền năng ấy cho đến người thợ mà, trong một quán trọ ám khói, anh ta từ từ thu hút bè bạn của mình bằng cách nhai lại không ngừng một số công thức mà anh ta chẳng hiểu mấy, nhưng theo anh ta, sự áp dụng chúng chắc hẳn dẫn tới việc thực hiện mọi giấc mơ và mọi niềm kì vọng.
Trong mọi lĩnh vực xã hội, từ cao nhất tới thấp nhất, ngay khi con người không còn tách lẻ nữa, anh ta nhanh chóng rơi vào quyền lực của một người đứng đầu. Phần lớn con người, nhất là trong đám bình dân, đều không có, ngoài chuyên môn của họ, những ý niệm rõ ràng và có suy tính đối với bất cứ chuyện gì. Họ không có khả năng tự dẫn dắt. Người đứng đầu là người dẫn đường chỉ lối cho họ. Người đứng đầu, xét cho cùng, có thể bị thay thế, tuy không hiệu quả lắm bởi những xuất bản phẩm định kì trình bày ý kiến với người đọc và cung cấp cho họ những câu chữ hoàn toàn làm sẵn để khỏi phải bận tâm lí luận.
Quyền uy của những người cầm đầu là rất chuyên chế, và thậm chí chính sự chuyên chế này là điều kiện để áp đặt quyền uy lên những người khác. Người ta thường nhận thấy biết bao nhiêu nhà lãnh đạo dễ dàng được cả những tầng lớp công nhân ngỗ nghịch nhất vâng lời, dù rằng quyền uy của họ chẳng dựa trên phương tiện gì cả. Họ định giờ lao động, tỷ lệ lương, họ quyết định những cuộc đình công, cho bắt đầu và kết thúc chúng ở thời điểm do họ định đoạt.
Ngày nay, những người cầm đầu càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công, thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền. Nếu, do một tai biến nào đó, người lãnh đạo biến mất, và không được thay thế ngay tức thời, đám đông lại trở thành một tập thể không cố kết, không sức kháng cự. Trong một cuộc đình công của nhân viên xe bus ở Paris, chỉ cần bắt hai người đứng đầu lãnh đạo cuộc đình công ấy là đã đủ làm cho nó kết thúc ngay tức khắc. Đó không phải nhu cầu tự do, mà là nhu cầu nô lệ luôn ngự trị trong tâm hồn đám đông. Đám đông có một niềm khao khát vâng lời mà do bản năng, chịu phục tùng kẻ nào biết tự xưng mình là ông chủ của họ.
Người ta có thể thiết lập một sự phân chia khá rõ nét trong tầng lớp những người lãnh đạo. Loại thứ nhất là những người cương nghị, ý chí mạnh mẽ, nhưng nhất thời; loại thứ hai hiếm hơn nhiều so với loại trước, là những người có một ý chí vừa mạnh mẽ, vừa lâu bền. Loại thứ nhất thì dữ tợn, can đảm, táo bạo. Họ có ích nhất khi chỉ đạo một trận đánh úp, lôi kéo quần chúng bất chấp hiểm nguy, biến những tân binh mới nhập ngũ hôm trước thành các anh hùng. Ví dụ như Ney[5] và Murat[6] dưới thời Đế chế thứ nhất. Ngày nay như Garibaldi[7]; một kẻ phiêu lưu bất tài, nhưng cương nghị, chỉ với một dúm người mà vẫn thành công trong việc chiếm xứ Naples cổ, tuy nó được một đạo quân có kỉ luật bảo vệ.
Nhưng nếu nghị lực của những người lãnh đạo này mạnh mẽ thì nó lại có tính nhất thời, ít khi sống mãi với nguồn kích thích đã sinh ra nó. Trở về với cuộc sống đời thường, những người anh hùng từng sống sôi nổi nghị lực như thế lại tỏ ra yếu đuối đến kinh ngạc như những người tôi vừa kể ra đây. Họ dường như không thể suy nghĩ và cư xử trong hoàn cảnh đơn giản nhất, trong khi họ đã từng biết dẫn dắt những người khác rất tốt. Đó là những nhà lãnh đạo chỉ có thể thực hiện chức năng của mình với điều kiện bản thân ông ta cũng bị dẫn dắt và được kích thích không ngừng, bên trên những người này luôn phải có một con người hay một ý niệm, theo một đường lối ứng xử đã được vạch ra rõ ràng.
Loại lãnh đạo thứ hai là những người có ý chí lâu bền; mặc dù hình thức kém nổi trội, họ lại có ảnh hưởng to lớn hơn nhiều. Ở họ, ta thấy những nhà sáng lập đích thực ra các tôn giáo hay những sự nghiệp lớn, như Thánh Paul[8], Mahomet, Christophe Colomb[9], Lesseps[10]. Dù họ thông minh hay thiển cận, điều đó cũng không quan trọng, thế giới sẽ luôn thuộc về họ. Ý chí bền bỉ mà họ có là một khả năng vô cùng hiếm hoi và vô cùng mạnh mẽ làm tất cả phải phục tùng. Người ta thường không nhận thức một cách đầy đủ về những điều mà một ý chí mạnh mẽ và kiên trì có thể làm được: chẳng có gì cưỡng lại nổi nó, cả tự nhiên, cả thần thánh, cả con người đều không cưỡng nổi.
Ví dụ gần đây nhất về những điều mà một ý chí mạnh mẽ và kiên trì có thể làm được, đó là về con người nổi tiếng [F. Lesseps] đã chia đôi thế giới [Đông-Tây bằng kênh đào Suez] và thực hiện cái công việc mà từ ba ngàn năm nay các vị quân vương vĩ đại nhất đã toan tính một cách vô ích. Sau này ông ta thất bại trong một công trình tương tự[11]; nhưng tuổi già đã đến, và trước nó tất cả đều đã tắt ngấm, cả ý chí cũng vậy.
Khi người ta muốn chỉ ra điều mà ý chí mới có thể làm được, chỉ cần giới thiệu chi tiết câu chuyện về những khó khăn phải vượt qua để đào kênh Suez. Một nhân chứng chứng kiến tận mắt, bác sĩ Cazalis, đã tóm tắt khái quát bằng vài dòng đầy xúc động, về công trình vĩ đại này được tác giả bất tử của nó kể lại. “Và ông ấy đã kể, từ ngày này qua ngày khác, qua từng giai đoạn, bản anh hùng ca về kênh đào. Ông kể mọi điều mà ông đã phải chiến thắng, mọi cái không thể mà ông đã biến thành có thể, mọi sự kháng cự, những liên minh chống lại ông, và cả những nỗi thất vọng, những mặt trái, những thất bại, nhưng tất cả những điều đó đã không bao giờ có thể làm ông nản lòng, cũng không thể làm ông ngã gục. Ông gợi nhớ lại chuyện nước Anh đã chống lại ông, tấn công ông liên tục, Ai Cập và Pháp thì do dự, còn lãnh sự Pháp phản đối hơn tất cả các lãnh sự khác khi công trình mới khởi công và chống đối ông bằng cách buộc công nhân phải bỏ việc vì khát, vì không chịu cung cấp nước ngọt cho họ; và cả bộ thủy quân cùng các kĩ sư, tất cả những con người đứng đắn, có kinh nghiệm và các nhà khoa học, tất cả đều tự nhiên chống đối, và tất cả đều tin chắc một cách khoa học vào thảm họa, người ta tính toán điều đó, tiên đoán nó, cứ như đến ngày nào đó hay giờ nào đó, sẽ xảy ra nhật thực hay nguyệt thực vậy”.
Cuốn sách kể lại cuộc đời những nhà lãnh tụ vĩ đại này không bao chứa nhiều tên tuổi lắm đâu. Nhưng các tên tuổi ấy đều đứng đầu những biến cố quan trọng nhất của văn minh và lịch sử.



[1] Jean Jacques Rousseau (1712-1778); nhà văn Pháp, tác giả của Julie hay nàng Héloise mới, Khế ước xã hội, Émile hay về giáo dục…
[2] Pierre Ẩn sĩ (1050-1115): thầy tu người Pháp, khuyến khích cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất và là một trong những người đứng đầu cuộc Thập tự chinh của nhân dân, bị chặn lại bởi người Thổ ở Tiểu Á. Sau khi tham dự vào cuộc xâm chiếm Jérusalem, ông thành lập tu viện Neufmoustier thuộc Bỉ.
[3] Martin Luther (1483-1546): nhà cải cách tôn giáo lớn người Đức, đồng thời là một nhà văn sáng tác bằng tiếng Đức (đặc biệt trong việc dịch Kinh Thánh). Các tác phẩm chính: Đại giáo lí, Tiểu giáo lí…
[4] Jérôme Savonarole (tiếng Italia: Girolamo Savonarola, 1452-1498): nhà thuyết giáo người Italia, trưởng tu viện San Marco ở Frorence.
[5] Michel Ney (1769-1815): thống chế dưới thời Đế chế, binh nghiệp rực rỡ, bị Louis XVIII xử bắn.
[6] Joachim Murat (1767-1815): thống chế thời Đế chế, em rể Napoléon, vua xứ Naples từ 1808 đến 1815.
[7] Giuseppe Garibaldi (1807-1882): nhà ái quốc người Italia, lãnh tụ của phong trào đòi thống nhất và độc lập cho đất nước.
[8] Thánh Paul: người tổ chức học thuyết Ki Tô giáo, người có công biến Ki Tô giáo thành tôn giáo thế giới, tác giả của nhiều bức thư trong Tân ước.
[9] Christophe Colomb (1451-1506); nhà hàng hải người Gênes (Italia), lập nghiệp ở Tây Ban Nha, phát hiện ra châu Mĩ vào ngày 12 tháng 9 năm 1492.
[10] Ferdinand de Lesseps (1805-1894): kĩ sư người Pháp, đảm nhận việc xây dựng kênh đào Suez và Panama.
[11] F. de Lesseps đã thất bại trong cố gắng xây dựng kênh đào Panama, nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.