Friday, April 01, 2011

LỜI BÀO CHỮA CỦA LS QUÂN CHO TS CÙ HUY HÀ VŨ


Với LS Nguyễn Thị Dương Hà tại văn phòng LS Cù Huy Hà Vũ

Ngày 4/4 tới sẽ diễn ra phiên xét xử tiến sỹ Luật Cù Huy Hà Vũ. Ông bị đem ra xét xử theo Điều 88 Bộ luật Hình sự. Điều luật này được ví như 2 chiếc còng số 8 thít chặt tay, đã đưa biết bao nhiêu người yêu nước thương nòi vào nhà giam.

Vào ngày đó, Viện kiểm sát, giữ quyền công tố tại tòa, lại tiếp tục đưa ra những luận điệu vi hiến để buộc tội tiến sỹ Vũ như đã từng làm với nhiều người trước đây.

Về hành vi pháp lý và các luận cứ bào chữa thì các luật gia đã bàn rất nhiều, nên tôi viết bài diễn từ này không đi nhiều vào học thuật mà cơ bản là để bày tỏ lòng kính trọng đối với anh, một con người mà tôi tin rằng trước đây, bây giờ và mãi sau này không thể được gọi là tội phạm. Tôi cũng tin rằng những người như Anh Vũ không thể bị xét xử theo hình luật.

Ngược lại Nhà nước cần phải cám ơn những thao thức của anh đối với quê hương, dân tộc. Lời cám ơn có thể trải dài từ vùng biển có Vinashin đầm đìa nợ nần lên đến Tây Nguyên nơi chực chờ thảm họa Boxit; từ Miền Bắc nơi có những mẹ già đang còng lưng đóng thuế đến Anh thương phế binh Miền Nam đang bị phân biệt đối xử và hận thù.

Tôi cho rằng việc bắt giữ anh Vũ là một hành vi phản động và thiếu tính chuyên nghiệp. Phản động vì nó chống lại xu hướng vận động tiến bộ chung của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và những nỗ lực đổi mới mà Việt Nam đã có được trong suốt 20 năm qua. Thiếu tính chuyên nghiệp là vì một lực lượng an ninh hùng hậu lại phải tìm một cái cớ là “hai bao cao su đã qua sử dụng” để đi bắt một người vốn đã bộc lộ quan điểm về chính trị của mình khá rõ ràng. Đồng thời sự bắt giam làm cho nhiều người liên tưởng đến một sự trả thù cá nhân, vụn vặt, làm phương hại chính uy tín nhà cầm quyền.

Điều tôi cảm mến anh Vũ chính là cách suy nghĩ đơn giản, và mạch lạc, theo kiểu “tây học”. Sở học ra sao thì nói và làm như vậy. Giống như Luật sư Phan Văn Trường ngày xưa vì yêu đất nước thì về Việt Nam, thấy chướng tai gai mắt thì nói, dù biết rằng nói sẽ đụng chạm và sẽ bị khó khăn. Đơn giản là vậy. Anh bức xúc trước nạn khai thác Bô Xít, không hài lòng với sự phân biệt đối xử của những “người anh em” bên kia chiến tuyến hoặc đau đáu trước tham nhũng mà lên tiếng. Sự lên tiếng của anh rõ ràng, đẹp và hồn nhiên.

Một điều tôi muốn thưa cùng các thẩm phán rằng phiên tòa cụ Phan Bội Châu năm 1925, tức là cách đây gần 90 năm, dưới sự đô hộ của Chế độ thực dân Pháp, ông cũng bị truy tố vào tội giống như anh Vũ. Thế mà “Từ sáng sớm dân chúng lũ lượt kéo đến tòa án để theo dõi vụ xét xử công khai. Tòa án đầy người từ ngoài sân đến phòng xử” ("Vụ án Phan Bội Châu”, Bùi Đình, Nxb. Tiếng Việt, Hà Nội, 1950 ).

Không những thế mà trước và sau khi xét xử học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị bày tỏ quan điểm ủng hộ Cụ Phan và chống lại bản án. Gần 90 năm trôi qua, chế độ được coi là “dân chủ gấp vạn lần tư bản” lại rất có thể “bịt miệng” người trong tòa và “chặn chân” quần chúng ngoài tòa.

Tôi cũng muốn thưa với các phóng viên đưa tin phiên tòa sắp mở là trong vụ án Phan Bội Châu, khi đó chưa hề có Đảng Cộng Sản, các tờ báo đã được rầm rộ đưa tin, cung cấp các góc nhìn khác nhau, tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về chính trị, vừa mang tính học thuật vừa nồng nàn lòng yêu nước. Nếu như hôm nay chúng ta có tự do báo chí, chắc chắn sẽ có nhiều tranh luận, bút ký, bài báo, phóng sự trực tiếp, huyên náo và đầy sáng tạo.

Xét về mặt học thuật thì thì anh Vũ không có những hành vi cụ thể nào có thể là tuyên truyền chống Nhà Nước. Anh chỉ phê phán Chính quyền, mà một chính quyền vững mạnh thì sự phê phán điểm xấu chỉ làm cho chính nó tốt lên.

Và rõ ràng việc xét xử anh Vũ là vi hiến. Nó trắng trợn “ngoạm” vào điều 69 của Hiến pháp, đi ngược lại Điều 19 Tuyên Ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, theo đó quy định công dân có quyền bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do. Cũng giống như anh, hàng loạt luật sư đã bị bắt giam vì các tội chính trị: Đó là Luật sư Đài, Luật sư Lê Thị công nhân, Luật sư Lê Công Định, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển, Luật gia Phan Thanh Hải, Luật sư Lê Quốc Quân, Luật sư Trần Thị Thùy Trang….

Tại sao ư ?

Vì cũng như anh, chúng tôi đều tin rằng pháp luật được sinh ra để cho con người ta dựa vào đó mà hành xử. Nó là nền tảng, là đường kẻ, là rường cột và là sợi dây đòi buộc chúng ta tuân theo. Thế nhưng khi chúng ta chân thành “tin vào lời luật” mà không tỉnh táo để “nhìn việc luật làm” thì dễ mắc nạn. Là luật sư chúng ta tin rằng thủ tướng cũng là công dân như muôn vàn công dân khác và chúng ta có quyền kiện. Chúng ta tin rằng Nhà nước đang thực tâm muốn chống lại tham nhũng để rồi các luật sư lại mày mò đi tìm chứng cứ để khởi xướng những hoạt động vì những mục tiêu chung và bị bắt.

Nhiều luật sư cũng giống như anh, vì lòng yêu nước và đam mê cống hiến cho sự nghiệp chung mà đã tự ứng cử, tự lăn xả vào cuộc đời, tự chuốc lấy bao nhiêu vất vả để thành tâm xây dựng quê hương. Nhưng kết cục thì bị dính đòn.

Một điều khác về luật học rất quan trọng là theo luật pháp Việt Nam thì thì đặc điểm cấu trúc tội phạm ở Điều 88 cho thấy khách thể mà anh Vũ xâm hại là An ninh quốc gia. Bởi vậy không thể xét xử được nếu như không chứng minh là hành vi đó xâm hại đến an ninh quốc gia và được lượng hóa. Không thể có tội ăn cắp nếu như không có ai mất bất cứ thứ gì. Ngược lại, cần phải tiến hành điều tra khẩn cấp về việc bắt giữ anh Vũ có làm phương hại đến An ninh quốc gia hay không ?. Nếu có thì kẻ bắt anh mới là người có tội vì đã “xâm hại an ninh quốc gia”.

Cuối cùng thì rõ ràng bản án này không phải là bản án dành riêng cho Anh Vũ mà là bản án dành chung cho tất cả những người yêu nước, bản án cho toàn dân tộc Việt Nam. Sự phán quyết của Thẩm Phán ngày 4/4 sẽ đi vào lịch sử một cách vinh quang hay đầy sỉ nhục ở chỗ tuyên anh vô tội hay có tội.

Nhưng dù bản án như thế nào đi chăng nữa thì đối với lịch sử dân tộc Việt Nam mình, anh vẫn là Vũ, là Vô tôi, là V, là Việt Nam là Victory !

Ba Ngày trước phiên xét xử anh Vũ

Luật sư. Lê Quốc Quân

No comments:

Post a Comment