Nữ Vương Công Lý: Kính chào anh Lê Quốc Quân, chúng tôi được biết là anh đã tham gia ứng cử ĐBQH khóa 13, Điều đó có đúng không ? và nếu đúng thì mong muốn của anh là gì ?
Ls Lê Quốc Quân: Đúng, tôi đã làm đơn ứng cử Đại biểu quốc hội. Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ theo đúng trình tự pháp luật. Mục đích ứng cử của tôi là trở thành một đại biểu quốc hội để đóng góp vào quá trình làm luật tại Quốc Hội nhằm xây dựng một Nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Nữ Vương Công Lý: Cho đến nay thì anh đã ở bước nào của quá trình tự ứng cử và anh có khó khăn gì không ?
Ls Lê Quốc Quân:Tôi đã nộp đơn theo đúng quy định và có tên trong danh sách những ứng cử viên của Thành phố Hà Nội, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc. Sáng nay đại diện công ty tôi làm việc đã đến văn phòng của mặt trận tổ quốc Thành phố Hà Nội nộp Biên bản lấy tín nhiệm của tôi tại cơ quan. Tổng số 14 nhân viên trong công ty tôi đã bày tỏ sự tin tưởng vào đạo đức, khả năng và tâm huyết của tôi đối với đất nước và với nghề luật. 100% nhân viên tin tưởng rằng tôi có thể làm tốt nhiệm vụ là người đại diện nhân dân.
Nữ Vương Công Lý: Theo chúng tôi được biết là những người tự ứng cử trước đây đã gặp rất nhiều khó khăn và phải tự rút với những lý do rất là vô duyên. Đối với Luật sư thì có những khó khăn gì không ?
Ls Lê Quốc Quân:Tôi rất đam mê việc này và đã từng bị khó khăn rất nhiều cho nó. Năm 1997 khi còn là sinh viên Đại học Luật tôi cũng đã tự ứng cử nhưng đã bị dọa đuổi học và phải rút đơn. Tháng 3 năm 2007, khi đang cầm trên tay Hồ sơ ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 12 thì bị bắt mà không có án. Lần tự ứng cử này thì cho đến bây giờ cũng có những vấn đề khó khăn nhưng tôi đã nỗ lực vượt qua và cho đến nay mọi việc vẫn đang theo đúng trình tự luật pháp.
Nữ Vương Công Lý: Bước tiếp theo của quy trình ứng cử quốc hội là gì và kế hoạch của anh là gì ?
Ls Lê Quốc Quân:Theo tôi được biết những trường hợp tự ứng cử thường bị Chính quyền dùng cách loại ngay ở tổ dân phố. Thay vì lấy phiếu tín nhiệm một cách nghiêm túc và đúng luật thì họ tổ chức các buổi đấu tố và áp đặt một kết quả trái với nguyện vọng của cử tri nơi cư trú. Cụ thể là trường hợp của Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ đã tự ứng cử và cả nhà đã được mời đến để nghe những người ở nơi khác đến đấu tố một cách vô cùng khốc liệt. Anh Nguyễn Phương Anh ở Đại học Bách Khoa khi đi họp lấy phiếu tín nhiệm còn bị kèm bởi hai công an như một tội phạm để nghe đấu tố mà không được phát biểu ý kiến gì. Luật sư Định, Luật sư Đài, Doanh Nhân Lê Thăng Long hay thầy giáo Người đương thời Đỗ Việt Khoa…cũng bị loại ngay tại tổ dân phố vì những lý do như vậy. Mới cách đây 2 ngày là trường hợp Hiệp Sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, đại diện cho gần 6 triệu người khuyết tật ở Việt Nam, đã được nhiều báo chí ca ngợi trong tuần qua nhưng cũng đã bị loại một cách tức tưởi. Họ đưa những người lạ mặt không trong tổ dân phố của Hùng đến họp và giơ tay loại anh ấy vì lý do sức khỏe. (anh ấy là khuyết tật thì làm sao khỏe được ?!). Trường hợp của tôi thì đã nhận được giấy mời của UBMT Phường là sẽ có cuộc họp lấy ý kiến tín nhiệm tại nơi cư trú đối với tôi vào 8h tối ngày mai thứ 4 ngày 30/3. Cuộc họp sẽ được diễn ra tại Nhà họp tổ dân phố số 50 Phường Yên Hòa – Quận Cầu Giấy.
Nữ Vương Công Lý: Đặt trường hợp ông sẽ bị loại như như những người đã đề cập thì ông sẽ nghĩ sao ?
Ls Lê Quốc Quân: Tôi ứng cử là thực hiện quyền công dân và tôi sẽ cố gắng hết sức mình cho việc đó. Tôi thành tâm mong muốn có cơ hội phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân và việc được trở thành một đại biểu quốc hội sẽ là một cơ hội tốt cho tôi. Tôi tự cho rằng mình là người có tín nhiệm ở khu phố và nếu tiến hành đúng luật pháp và đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì tôi sẽ không bị loại. Tôi đã cùng nhân dân tại tổ 64 đấu tranh và làm một số cuộc cách mạng “mini” vì quyền lợi của tổ dân phố nơi tôi cư ngụ. Đối với tổ tôi ở thì tôi rất tin tưởng thế nhưng theo tôi cảm nhận được từ trong hai ngày gần đây thì mọi thứ có vẻ không phải dễ dàng. Thực tế như thế nào thì phải chờ xem vào tối ngày mai.
Nữ Vương Công Lý: Là một người công giáo tự ứng cử, đó là điều hiếm hoi trong đất nước hiện nay ngoài 3 linh mục được Nhà nước chỉ định thì ông nghĩ gì trong việc này ?
Ls Lê Quốc Quân: Người công giáo chiếm 10% trong dân số, lẽ ra phải có đến 40-50 đại diện trong quốc hội nhưng hiện nay ngoài 3 linh mục được chỉ định vào quốc hội, theo Linh Mục Phan Khắc Từ thì không còn ai thực sự độc lập đại diện cho giáo dân. Bởi vậy, ngoài việc ra ứng cử với tư cách là một công dân đối với tổ quốc, với nhân dân. Tôi còn là một giáo dân và tôi cũng muốn đưa được tiếng nói của giáo dân đến diễn đàn quốc hội. Tất nhiên, kết quả như thế nào thì phải chờ xem.
Nữ Vương Công Lý: Xin cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi.
Ls Lê Quốc Quân: Xin cảm ơn Chị
No comments:
Post a Comment