Monday, June 22, 2009

LÊ THĂNG LONG - TRẦN HUỲNH DUY THỨC - LÊ CÔNG ĐỊNH

Họ là những người con ưu tú của đất nước.
Điều này chính các báo ở Trong nước đã đề cập đến.
Tất cả đều rất giỏi và đau đáu một lòng cho dân tộc, cho Nước Việt Mạnh hơn.
Nếu ai đó đã từng đọc những bài viết và bài thơ của Trần Đông Chấn, của Lê Công Định thì đã biết nhiều. Nhưng hôm nay xin trích đây một đoạn phỏng vấn doanh nhân tiêu biểu - Lê Thăng Long do chính tờ báo Doanh Nhân Sài Gòn phỏng vấn anh:
________________

Tin tức » Trò chuyện cùng doanh nhân » Lê Thăng Long - Phó Tổng giám đốc Công ty EIS, Chủ tịch HĐQT Công ty One - Connection Internet, Inc:Giác đấu trên đất Mỹ

* Để trở thành một công ty đầu tiên mở dịch vụ viễn thông thế hệ mới mang tính toàn cầu phát triển trên môi trường Internet (OCIV-USA) tại Mỹ, chắc hẳn EIS phải có một sự chuẩn bị rất bài bản?

- Đúng vậy! Trong suốt hơn 10 năm xây dựng và phát triển công ty, chúng tôi luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cụ thể. Từ một cửa hàng máy tính, đến một công ty TNHH rồi một công ty cổ phần là cả một quá trình phấn đấu không ngừng. Tháng 5/2001, chúng tôi mua lại Công ty Milgo Solution và đầu tư thành lập Công ty EIS Singapore với mục tiêu tạo ra mô hình dịch vụ viễn thông toàn cầu. Tháng 11/2001, quyết định đầu tư vào Mỹ, mục tiêu của chúng tôi là nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm mới. Chúng tôi đã mua lại công nghệ VoIP (thoại qua giao thức Internet) của một công ty bị phá sản ở Mỹ và chính thức thành lập Công ty Global EIS (cuối năm 2002 đổi tên thành Innfex). Từ đó đến nay, Innfex đã đầu tư phát triển công nghệ này và hiện đang được sử dụng cho dịch vụ điện thoại VoIP toàn cầu One-Connection... Có thể nói, mỗi bước đi của chúng tôi đều được tính toán rất chi li, bước đi trước có nhiệm vụ “dọn đường”, tạo đà cho bước đi sau.

* Trong những năm mới đầu tư ra nước ngoài, EIS phải dựa vào các hãng CNTT khổng lồ trên thế giới để phát triển. Còn giờ đây, rất nhiều “chàng khổng lồ” trên thị trường Internet và viễn thông thế giới lại cần đến sự công nhận và chỉ định của One-Connection để được làm đại lý khai thác dịch vụ này. Theo anh, có được sự thay đổi này là do đâu?

- Có 3 lý do: Thứ nhất là chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, không bị lệ thuộc vào nước ngoài trong việc phát triển các loại hình dịch vụ. Thứ hai là mô hình dịch vụ chúng tôi đưa ra có những tính năng nổi trội. Lần đầu tiên, một số điện thoại cố định của Mỹ được bán ra ngoài biên giới Mỹ nhờ mô hình công nghệ dịch vụ của Việt Nam. Với dịch vụ này, khoảng cách giữa Việt Nam và Mỹ không còn nữa. Khách hàng có thể nhận cuộc gọi, thư thoại và fax và chuyển tiếp cuộc gọi đến số điện thoại bất kỳ trên thế giới. Thứ 3 là lần đầu tiên có một mô hình nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông. Chúng tôi đã tạo ra một mô hình chuẩn để bán cho đối tác và họ có thể kinh doanh ngay. Hiện nay chúng tôi đã có 4 đối tác ở Mỹ, Malaysia, Nga và Việt Nam.

* Anh đã từng khẳng định EIS có được sự đột phá trên là nhờ công sức của một tập thể kỹ sư trong công ty. Làm thế nào mà EIS quy tụ được họ khi mà tình trạng “săn đầu người” luôn “rình rập”, nhất là các công ty hoạt động trong lĩnh vực CNTT như EIS?

- Với EIS, nguồn nhân lực luôn được xem là một trong những giá trị lớn nhất của côngty. Trong thực tế, mỗi lần công ty gặp khủng hoảng là mỗi lần chúng tôi phải đối diện với sự “chảy máu chất xám”. Tuy vậy, quan điểm của chúng tôi luôn mở. Nhân viên do mình đào tạo, nhưng nếu họ được trọng dụng ở nơi khác thì cũng tốt cho sự phát triển chung. Chiến lược con người của EIS là sự song hành giữa vật chất và tinh thần. Chúng tôi có chính sách thỏa đáng về vật chất để họ yên tâm gắn bó với công ty. Về tinh thần, chúng tôi luôn duy trì môi trường làm việc hiện đại, thuận lợi, thoải mái để kích thích sự sáng tạo của nhân viên. Hầu hết nhân viên đều được gửi đi học tập hoặc làm việc tại các công ty con ở nước ngoài. Các chính sách về nhân sự cũng được thực hiện một cách công bằng và triệt để.

* Tôi được nghe kể về một tình bạn mà nhờ đó đã chèo lái con thuyền EIS vượt qua không ít sóng gió, có lần đã đứng trên bờ vực phá sản, để có ngày hôm nay. Anh có thể nói gì về tình bạn ấy?

- Tôi và anh Thức cùng học chung trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Anh Thức học khoa CNTT, trước tôi một khóa. Tôi học khoa viễn thông. Sau khi tốt nghiệp năm 1990, anh em mỗi người một nơi. Bốn năm sau, chúng tôi tình cờ gặp lại nhau tại Hà Nội. Khi ấy, anh Thức đã mở cửa hàng máy tính Duy Việt trên đường Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM). Còn tôi đang làm cho một công ty liên doanh. Sau cuộc gặp gỡ “định mệnh” ấy, chúng tôi đã quyết định cùng hợp tác thành lập Công ty TNHH tin học Duy Việt và gắn bó đến nay. Có một kỷ niệm mà cả hai không bao giờ quên: Vào cuối năm 1995, đầu năm 1996 (thời điểm khó khăn nhất của công ty), trong một cuộc họp hội đồng thành viên, chúng tôi đã tranh cãi kịch liệt về chiến lược hoạt động của công ty trước bờ vực phá sản. Cả hai đều có lý lẽ riêng và chẳng ai chịu ai. Sau cuộc họp đó, các thành viên khác đều rút vốn. Còn hai chúng tôi thì không ai nói chuyện với ai mấy ngày liền. Nhưng rồi mục tiêu chung đã giúp chúng tôi thỏa thuận được với nhau. Mẫu thuẫn không còn nữa, quan hệ giữa chúng tôi trở nên tốt hơn bao giờ hết vì chúng tôi hiểu rằng những bất đồng đó đều bắt nguồn từ mục tiêu cùng xây dựng công ty...

* Sau từng ấy năm gắn bó với công ty, cái được lớn nhất của anh là gì? Anh đồng ý mình là người thành đạt chứ?

- Ồ, không đâu! Phía trước chúng tôi còn rất nhiều chông gai. Nhìn bề ngoài mọi người luôn nghĩ cứ xâm nhập được thị trường Mỹ là thành công rồi, nhưng trên thực tế lại là mở đầu cho những khó khăn, thách thức mới. Sự cạnh tranh ở đây rất khốc liệt, đã bước chân vô là không có quyền dừng lại, bởi dừng lại là tự sát. Để bảo vệ thương hiệu, chúng tôi sẽ phải tiếp tục đưa ra những dịch vụ mới. Cái được lớn nhất của tôi là đã từng bước thực hiện được tâm nguyện của mình (đóng góp chút ít công sức cho ngành CNTT cũng như sự phát triển chung của đất nước) và một tình bạn đúng nghĩa!

* Hình như anh mới được lên chức... bố? Sau công việc, anh quan tâm đến điều gì nhất?

- Tôi lập gia đình hơi trễ và mới có một cháu gái. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trên máy bay, trong lần đầu tiên cô ấy về nước sau 8 năm du học ở Pháp. Hôn nhân của chúng tôi là do “ông trời” sắp đặt, và ơn trời, tôi cũng chẳng mong gì hơn. Tôi là người đàn ông hạnh phúc và tôi phải có trách nhiệm nâng niu, bảo vệ hạnh phúc ấy. Những lúc rảnh rỗi, tôi thích đọc sách lịch sử, xem phim, chơi thể thao. Công ty tôi có một đội bóng và chiều thứ Bảy tuần nào tôi cũng tham gia nếu công việc cho phép. Mỗi việc tôi làm đều không vì mục đích làm giàu cho cá nhân mà gắn liền với chiến lược “Tăng lực - làm giàu cho nhân viên”, đóng góp phần nào cho cộng đồng...

* Xin cám ơn anh!

EIS là công ty đầu tiên về CNTT của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. EIS có trụ sở chính ở TP.HCM, 3 văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và 4 công ty con: EIS Services, Innfex, One-Connection Pte và One-Connection Internet. Mục tiêu của EIS là trở thành nhà phát triển CNTT nhằm đơn giản hóa việc tiếp cận và sử dụng các giải pháp cùng những ứng dụng trên Internet. EIS có 150 nhân viên làm việc trong và ngoài nước..



No comments:

Post a Comment