Thursday, May 14, 2009

VIỆT NAM GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC



Mao Trạch Đông và Nixon năm 1972


VIỆT NAM GIỮA CÁC CƯỜNG QUỐC

Luật sư. Lê Quốc Quân

Hai mươi năm hòa bình hình thức

Nước ta coi như  hòa bình từ 1989.

Đó là lúc những đoàn xe tăng cuối cùng của Việt Nam do Liên Xô sản xuất lũ lượt rời khỏi đất nước chùa Tháp sau một thời gian chiếm đóng dài hơn thời gian quân đội Mỹ tham chiến ở Miền Nam Việt Nam.  

Bắt đầu hòa bình là lúc Đảng cộng sản đối mặt với sự khủng hoảng đến tột độ. Viễn cảnh tan rã của đế chế cộng sản lớn nhất hành tinh áp lực mạnh mẽ lên toàn bộ Việt Nam. Khi đó quan hệ với Trung Quốc và Mỹ vẫn căng như dây đàn. Trong Bộ chính trị, kẻ thì hồi hộp người thì lo sợ.

Thế nhưng, những người cộng sản vẫn ngoan cố một cách khéo léo, hạ bệ Trần Xuân Bách, tiếp tục cầm lái con  thuyền Việt Nam thêm 20 năm nữa sau khi người anh cả là Liên Xô tan rã.

Nguồn cảm hứng cho việc tiếp tục độc tài cầm lái là sự đi lên đầy bành trướng của một đàn anh cộng sản khác “Núi liền núi, sông liền sông”.

Khá lên, người đàn anh này thè “lưỡi bò” liếm sạch “mặt tiền” thằng em.

Lịch sử luôn có những khúc quanh của nó ! Hai mươi năm, không dài so với một đời người, ngắn so với một chế độ và chỉ là một tiếng thở dài của tự tình dân tộc Việt Nam.

Trong chiến tranh, máu của các chiến binh Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc đã thấm vào đất Việt Nam ta nên bây giờ đây ta sống ở hiện tại, để hoạch định chiến lược trong tương lai, ta phải hiểu quá khứ, hiểu rằng dân tộc chúng ta bị xô đẩy quẩn quanh giữa các cường quốc.

Qúa khứ chiến tranh và hội đàm mua bán !

Qúa khứ của Việt Nam chúng ta là một quá khứ chiến tranh. Suốt gần 500 năm qua, kể từ thời Hậu Lê năm 1527 và  nhà Mạc cướp ngôi năm 1540, đất nước chúng ta chiến tranh liên miên.

Đầu tiên là cuộc chiến Nam Bắc triều, đến Trịnh Nguyễn phân ranh. Hết phân ranh là Tây sơn-Nhà Nguyễn. Rồi chiến tranh chống Pháp, hết pháp là Mỹ, sau chia cắt là cuộc chiến Campuchia, kết thúc bằng một cuộc chiến biên giới với Trung Quốc vào năm 1979.

 Kẻ đô hộ chúng ta hơn 1000 năm trước lại là kẻ thù sau cùng với chúng ta - những người đồng chí Cộng sản. Cuộc vãi đạn dã man vào hải quân của Việt Nam ở Trường sa năm 1988 là bằng chứng tươi mới nhất về chiến tranh với Trung Cộng.

Trước đó, Trung Quốc và Mỹ đã một lần mặc cả về Việt Nam. Ngày 21/2/1972 - Nixon và Mao gặp nhau mừng rỡ, nâng ly rượu Mao Đài sóng sánh,  quân nhạc cử bài: “Hoa kỳ mỹ lệ”. Họ tuyên bố: “Cầu hữu nghị Mỹ Trung đã được bắc, tương lại thế giới giờ nằm trong tay hai nước chúng ta”.

Sau hội đàm, Trung Quốc chiêu đãi trọng thể với hơn 800 quan khách . Ngày 27 tháng 2 năm 1972 Tuyên cáo chung Trung – Mỹ được ký tại Thượng Hải. Sau đó 11 tháng,  Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Mỹ bỏ Nam Việt Nam, Trung Quốc bỏ bắc Việt. Hai thằng lớn ngoảnh mặt đi.

Liên xô thì không. Họ say mê “mở mang nước Chúa”, tiến đánh sang tận Afganistan. Họ tiếp tục viện trợ, giúp đỡ Bắc Việt Nam thống nhất một cách chân thành trong niềm tin tôn giáo cộng sản.

Sau đó, họ tiếp tục gửi quân và chuyển vũ khí để đánh Khơ Me đỏ và xuống cả vùng Đông Nam Á (nếu có thể). Trung Quốc biết rõ âm mưu. Cùng là Cộng sản, nhưng Khơ Me Cộng sản chống Xô viết cộng sản nên Trung Quốc coi họ là lực lượng thích hợp để chống Việt Nam.

Khơ Me đỏ tuyên bố thẳng thừng chỉ có chủ nghĩa cộng sản của mình mới thực còn tất cả là Cộng sản đểu. Để rồi những người theo chủ thuyết cộng sản lại giã nhau tóe lửa. Mìn nổ, máu đỏ ngập những bàn chân “tình nguyện quân” Việt Nam.

Khi “ốc không mang nổi mình ốc”, Liên xô tan rã, đẩy Việt Nam đến sự hoang mang. Họ tự phải hỏi Chủ nghĩa cộng sản là cái gì đây và là ai đây. Là máu, đấu tố và chiến tranh ?. Là Nga, Trung Quốc, Mỹ hay Nhật..?.

Thực tế là không có ! Chỉ có quyền lợi quốc gia và tổ quốc trên hết.

 Ảnh hưởng của Mỹ - Trung hôm nay

Hai mươi năm sau ngày hòa bình hình thức, dù cho người ta dựng cột mốc, đăng ký lãnh hải hay xây vành đai giới tuyến thì cũng không ngăn nổi sức tấn công của biên giới mềm trong xu hướng toàn cầu hóa như vũ bão hiện nay.

Nạn nhân mãn ở Trung Quốc buộc họ phải mở rộng không gian sống xuống phía Nam và thế mạnh của một cường quốc đòi buộc người Mỹ phải hiện diện nhiều nơi ngoài Mỹ.

Đô la với hình Washington tràn ngập các các gia đình Việt Nam. Thậm chí người dân có thể dùng Đô La mua hàng gia dụng giá rẻ của Trung Quốc ở chợ. 

Ở Hà Nội, Sài Gòn Trung tâm dạy học tiếng Trung đông nghẹt người, những giáo viên trẻ viết chữ Hán giản lược nhanh đến mức khó tả, dạy những bài hát tiếng Trung nói về tình yêu nồng nàn theo điệu hip hop, rất đi vào tâm hồn lớp trẻ.

Hàng hóa mang hình chữ Tàu ngập tràn từ ngõ nhỏ đến siêu thị lớn. Giọng oang oang của người Trung Quốc vang  khắp nơi, len lỏi lên tận vùng tây nguyên nơi họ vừa tìm được một nơi mà chắc chắn có thể bắt rễ để sống lâu dài.

Những ngành nghề chất lượng lao động cao như tư vấn, ngân hàng, tài chính,  đào tạo, IT ở Việt Nam đã, đang và sẽ dần dần do các doanh nghiệp Mỹ hoặc có nguồn vốn từ Mỹ xâm nhập và thâu tóm.

Những ngành nghề đơn giản như gia công hàng hóa, mua bán máy nông cụ, hàng hóa giá rẻ, vật dụng tiêu dùng phục vụ người thu nhập thấp ở Việt Nam sẽ dần dần do các Công ty Trung Quốc làm chủ.

Hôm nay ngôi nhà Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có cơ hội đón hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam sang học tập. Hơn hai triệu người Việt tiếp tục gửi tiền về cho gia đình thường dân ở Việt Nam, nhiều triệu USD của các quan chức đang chảy ngược lại.

Hôm nay Việt Nam là đích đến của các nông dân Trung Quốc, đặc biệt  là các tỉnh lân cận, họ mở nhà hàng, tích cóp từng đồng, mở mang dây chuyền và hỗ trợ phát triển cho cộng đồng  riêng họ ở Việt Nam. Còn quan chức Việt Nam mang cả tài nguyên quốc gia làm quà triều cống thường niên.

Chỉ có con đường dân chủ hóa đất nước !

Buồn vì chịu ảnh hưởng của các nước lớn nhưng chúng ta không được xúc động một cách thiếu logic. Toàn cầu hóa là tất yếu và việc dịch chuyển lao động quốc tế là chuyện bình thường. Quan trọng là chúng ta phải mạnh lên.

Tôi đã từng đề cập về 8 chữ : “Liên Mỹ - Hòa Hoa- Dân tộc –Dân chủ”. Theo tôi, đó chính là kế sách hay nhất cho Việt Nam trong thế kỷ này, cả đối nội và đối ngoại. Bắt đầu từ trong ra ngoài, từ việc việc dân chủ hóa đất nước.

Chỉ có tự do, dân chủ mới thực sự giải phóng chúng ta, mới đem đến cho Việt Nam một sức sống  mới, liên kết được sức mạnh người Việt, quyến rũ được người Mỹ về những giá trị mà họ đang lớn tiếng bảo vệ.

 Chỉ có dân chủ, tự do báo chí, lắng nghe ý kiến của Nhân dân  mới có đối sách thích hợp với Trung Quốc, mới không để những nhà lãnh đạo phản động đi đêm ký tắt những Hiệp ước quan trọng rồi loay hoay như gà mắc tóc.

 Chỉ có dân chủ hóa, những người Việt Nam trên khắp thế giới mới tự tin rằng Việt Nam là trên hết chứ không phải là “chủ nghĩa Cộng sản” hay CNXH, không còn “thế lực thù địch”. Họ mới cùng chung tay xây dựng một Việt Nam mới trong thái bình và thịnh trị.

Chỉ có thực thi dân chủ dựa trên một ý thức dân tộc thì Việt Nam mới thực sự là nơi an toàn, thu hút chất xám, phát triển toàn diện, trở thành người tình của thế giới, người yêu của các cường quốc trong tà áo dài thướt tha.

Khi đó chúng ta mới thực sự mạnh lên. Nhân dân không phải bỏ ra 1,8 tỷ USD cho 6 tàu ngầm hạng Kilo, 500 triệu USD cho 12 “con” SU-30MK  và còn nhiều hơn thế, để mua tàu ngầm, máy bay, vũ trang quân đội, chuẩn bị chiến tranh, gồng mình như con choi choi giữa những cường quốc hiếu chiến mạnh hơn hàng trăm lần.


 

-------Con cò bay lả bay la -----

No comments:

Post a Comment