Wednesday, March 25, 2009

CÔNG LÝ - TRUYỀN THÔNG VÀ LUẬT SƯ




1.  Câu chuyện thứ nhất về Công lý

Phiên tòa phúc thẩm vụ Thái Hà sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 3. Tám con chiên chuẩn bị bước chân lên vành móng ngựa lần thứ hai trên đường kiếm tìm công lý.

Công lý xem ra vẫn là điều khá xa vời với họ trong một quốc gia mà truyền thông chỉ để phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người. Đơn kiện các cơ quan truyền thông đã bị trả và công an tuyên bố thẳng thừng luật sư của Họ sẽ không được ra tham dự phiên tòa.

Công lý gợi nhớ vụ kiện Dioxin. Trong khi các chuyên gia muốn bàn về chứng cứ pháp lý thì lãnh đạo lại chỉ quan tâm đến “nhiệm vụ chính trị”. Từ đó dàn đồng ca về công lý vang lên. Sự ồn ào nhiều khi đã che lấp sự thật và xóa nhòa những cơ sở pháp lý lẽ ra phải được nghiên cứu đầy đủ và viện dẫn lôgic.  

Công lý của các giáo dân Thái Hà  ngày 27 tới đây có kết thúc như Quyết định của Tòa án Hoa Kỳ  hay không là điều dễ đoán vì chưa bao giờ luận cứ bào chữa cho vụ án chính trị được xem xét cẩn trọng. Nhưng nhiều nhà thờ bắt đầu một chiến dịch thắp nến cầu nguyện cho cả bị cáo và luật sư.

Công lý là cái lý chung nhưng đòi hỏi thực thi trên từng cá nhân cụ thể. Có thể việc cầu nguyện cho những điều tưởng như đơn giản đó sẽ sẽ biến thành những cơn sóng thần cuốn đi nhiều thứ khác.

Bởi vì công lý không phải là một quyết định đơn thuần bằng giấy mà là sự hậu thuẫn của sự thật, lòng tin và niềm xúc động lớn laoCông lý của hàng triệu giáo hữu Việt Nam và hàng triệu nạn nhân chất độc da cam không thể bị kết thúc đau đớn và thô bạo bằng một tờ giấy hoặc 1 cái lệnh mồm từ Lầu năm góc hay Bộ công an.

Công lý luôn có chỗ đứng mạnh mẽ vượt cả thời gian và không gian. Nó cho thấy mong ước lương thiện là một bản năng rõ rệt của con người và được đảm bảo bằng lịch sử.




2. Câu chuyện thứ hai về truyền thông 

Sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm – Bà Việt  nói: “Luật sư ơi, mỏi cổ quá” vì bị cáo đã cố gắng ngẩng đầu trước hai “con quái vật một mắt” chạy rè rè xoáy vào chính họ trong suốt phiên xử.

Dù họ không hề nhận tội, bản tin thời sự vẫn loan tin rằng: “Các bị cáo đã cúi đầu nhận tội”. Giọng phát thanh viên đêm đó gợi cho ta nhớ về một chú Chí Phèo suy dinh dưỡng nằm ở phía bắc của đất nước nhiều nhân sâm.

Đứng trước cảnh vu cáo vênh vang đó, các bị cáo đã làm đơn kiện các cơ quan truyền thông.  Đơn kiện của họ đã chính thức bị chối từ bằng một văn bản mà dù là người giỏi về Việt ngữ nhất cũng không hiểu thực chất là văn bản đó muốn nói đến cái gì.

Nhưng dù bị trả đơn thì việc tìm kiếm sự thật đã đem lại thắng lợi chung cho độc giả Việt Nam. Những cụm từ như“kim loại màu vàng”  chất bột màu trắng” hoặc “theo nguồn tin” đã được lặp lại nhiều hơn trong các bản tin trên báo chí gần đây.

Tuy nhiên, sự  bảo thủ vẫn nằm ở các cơ quan truyền thông của Đảng. Trong khi các báo Tuổi Trẻ, Thanh niên điểm tin dè dặt về các sự kiện đối với các giáo dân thì  Hà nội mới và Sài gòn giải phóng chạy những bài phóng sự vu cáo một cách thô thiển đến mức “mất khách”.

Rút kinh nghiệm từ việc hoang tin lần trước, lần đưa tin về phiên xử phúc thẩm sắp tới là một cơ hội để các cơ quan truyền thông sửa mình hoặc tiếp tục tra tấn độc giả bẳng những ngôn từ phản cảm.  




3.      Câu chuyện thứ 3 về Luật sư và an ninh.

Câu chuyện của Luật sư Luật là một điển hình thú vị về luật pháp Việt Nam. Nó có thể là cốt truyện sinh động cho một trường thiên trinh thám.

Luật sư Lê Trần Luật đã 4 lần đào thoát để kiếm đường ra Hà Nội thực thi nhiệm vụ bào chữa của mình theo giấy của tòa án nhưng đều thất bại.  

Lần 1 ông bị ghì chặt ở một siêu thị đông người khi thất bại trong nỗ lực biến mất giữa  đám đông vì các chiến sĩ an ninh ‘thở sát ngay sau gáy”.

Lần 2 là khi cơ quan an ninh quyết định lục tung hành lý, can thiệp dừng chuyến bay để buộc Luật sư phải quay về công an Quận Gò Vấp  “nghỉ ngơi”.

Lần thứ 3, nhờ đục thủng một bức tường mà Luật sư đã qua mặt được 4 mật vụ ngay trước cửa. Khi đang yên vị ở Xa lộ Hà Nội chờ chị Tần lên đường thì 15 người đã ập đến. Cú điện thoại gọi cho chị Tần, dù thay sim mới, đã bị định vị và cả một chiếc “đuôi công” đã theo Chị ùa vào gặp anh.

Trước 3 lần thất bại, có người hiến kế nên đi ăn trong một nhà hàng trên sông hoặc nhà nổi trên hồ rồi nhờ ca nô đi mặt sau tụt người xuống và lặn mất. Một thủ thuật vốn những điệp viên cộng sản thường dùng trong suốt những năm chiến tranh mang đầy màu sắc trinh thám trong những phim hành động siêu hấp dẫn.

Và cuộc đào thoát lần thứ 4 của Luật sư đã kết thúc vào lúc 3h30 sáng khi Luật sư đã cách Sài Gòn hơn 300 km. Lần này Luật sư bị chặn xe lại trong một biện pháp tổng lực là ngăn chặn tất cả các tuyến xe trên đường ra Hà Nội ngoài một lực lượng lớn kiểm soát đường sắt và đường thủy.

Một cán bộ an ninh đã nói “các ông dân chủ thời nay thích salon, ít phiêu lưu nên thiếu kịch tính”. Ít nhất điều này là sai đối với trường hợp LS Luật. Ông đã tạo ra sự hồi hộp, niềm say mê và vui mừng cao độ cho các mật vụ khi “chộp” được ông tại Huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận.

LS Luật đã đem đến cho nhân viên an ninh cơ hội học tập. Nếu như trước đây chỉ cần có lệnh là “thịt” thì ngày nay những đòi hỏi về pháp quyền đã làm cho tất cả các bên lớn lên trong một nền tri thức nơi các giá trị đạo đức và trí thông minh có quyền thể hiện và chinh phục lẫn nhau.

Nhưng đừng tưởng bở vì tôi có kinh nghiệm buồn về chuyện này.

Tôi nhớ Phạm Văn Trội – một người bạn giờ đang trong tù - nhận được giấy mời của tòa án đến tham gia phiên phúc thẩm LS Đài và Công Nhân với tư cách là nhân chứng. Công an tỉnh Hà Tây lệnh không được đi. Nhưng vì tin vào pháp quyền mà tôi khuyên rằng: “Anh phải lên tòa vì nếu không tham dự, tòa có thể xử anh về tội xem thường tòa án” .

Anh Trội đã nghe lời mà lên Hà Nội. Khi đến trước cổng tòa án công an hô ầm lên như đuổi vịt: “Thằng Trội – bắt lấy nó”. Nhân chứng cầm tờ triệu tập của tòa co giò chạy nhưng mấy tay “ghét sách thích thể dục” nhanh chân rượt theo tóm được. Họ đập đầu nhân chứng vào một cây cột điện trước khách sạn Melia và tống thẳng về Hà Tây. Những cuộn cơ vô tri đó 1 tiếng sau tung chưởng vào bộ hạ Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và xiết chặt yết hầu tôi.

Hôm nay, Luật sư Luật đã được nhận giấy bào chữa của Tòa nhưng “Tao đố mày  ra được Hà Nội. Nếu cần 1 ngàn  người để chặn mày chúng tao vẫn có”.

Tuyên bố miệng đó của công an TPHCM là nhổ vào tòa án Hà Nội, là một cú tát vào nền tư pháp Việt Nam, vào những ai yêu mến pháp luật trước một phiên tòa đang thu hút sự chú ý cao độ của dư luận.



No comments:

Post a Comment