Sỹ phu Bắc Hà thời nay sao im hơi lặng tiếng? Câu hỏi của Ông Nguyễn Trung đăng trên Vietnam Net làm se lòng nhiều người đọc.
Luật sư Lê Quốc Quân
Giống như bao nhiêu thanh niên ở tuổi mình, sau 4 năm trời ở giảng đường đại học, chúng tôi ra trường với biết bao nhiêu suy tư ước vọng và lúc đó giống như mình đứng ở giữa ngã ba đường.
Hơn mười năm trôi qua, vẫn còn đó “Nơi ngã ba cuộc đời tự dồn bao câu hỏi / Để lòng mình day dứt với tương lai”…dù tôi đã tự mình bước qua 3 giai đoạn.
Tốt nghiệp đại học, tôi quyết định làm giảng viên đại học và bám trụ ở Hà nội với cuộc sống ăn đong…Cuộc đời hắt vào tôi những thử thách trong công việc và bủa vây tôi bằng chuyện lo sao cho đủ ăn, đủ trả tiền nhà cuối tháng. Nói gì ư ?
Ông Nguyễn Trung ơi ! Tôi bỏ dạy đi làm chuyên gia cho dự án nước ngoài khi thấy mẹ ngày càng già đi và các em đang lớn lên cùng với những chi phí học hành. Những ngày đầu háo hức làm cho dự án vội qua. Khi đủ đồng tiên ăn mặc là lúc tôi lại thấy thiếu một cái gì đó lớn hơn. Đó quyền được phát triển.
Tôi thất vọng khi phải cùng anh em “thổi ý tưởng” vào cho các chuyên gia ngoại “cố vấn lại” thì lãnh đạo người Việt mới nghe. Tuổi 30 nhìn những chuyên gia đến từ Peru hay Nhật bản ăn lương 20.000 USD/tháng từ vốn vay mà thấy tự thẹn với lòng mình.
Tiền tư vấn vốn vay khác hẳn với những khoản tiền TA ( hỗ trợ kỹ thuật ) cho không. Đó là tiền của dự án, tiền của ngân sách, của nhân dân và tất cả mọi quốc gia, tổ chức đều hoạt động vì những mục tiêu và lợi ích của riêng mình.
Tại sao không, Việt Nam? Nhìn JBIC, JICA tập trung ODA vào cầu đường vì thấp thoáng đâu đó là một nước Nhật với những tập đoàn sản xuất xe hơi, xe gắn máy nổi tiếng, nhìn WB lo lắng quá đến tốc độ giải ngân trong khi chưa am tường hết được những phức tạp trong kiểm tra giám sát dự án giảm nghèo ở Việt Nam hay ADB am hiểu “quá” Việt Nam trong quản trị điều hành và cơ cấu quyền lực Việt Nam để có nhiều thoả hiệp bất tương quan.
Nói gì ư ? Ông Nguyễn Trung ơi ! Tôi bỏ làm thuê cho nước ngoài. Tôi bỏ vì tự tin vào vị trí chủ nhân, vì lòng tự tôn dân tộc và tin vào dòng máu Việt của chúng ta.
Dùng đạn để bắn
Năm 31 tuổi tôi trở thành doanh nhân và bàng hoàng chợt nhận ra rằng phong bì là vũ khí phổ thông nhất của các doanh nhân.
Nó giống như AR15 hay AK47, dù xuất xứ khác nhau và được đưa tới với những mục đích khác nhau, cùng tham gia cuộc chiến trên mảnh đất này, hữu dụng và tội lỗi như nhau trong thương trường.
Dù là tiền EURO hay USD thì “đạn” vẫn là cách các thương gia nói về sức công phá của ruột phong bì trong lúc giành giật hợp đồng. Khác với những quán cóc bán chè chén hay những người gánh hàng rong dọc phố nơi “đạn” dành cho anh công an phường thu nhập thấp là những đồng tiền lẻ thấm đẫm mồ hôi, các doanh nhân phải dùng “đạn” nặng ký cho những quan chức cấp cao và viên chức cổ cồn.
Đã có không ít doanh nhân muốn sử dụng đầu đạn hạt nhân trong nhiều phi vụ làm ăn lớn và cũng vì vậy nhiều kẻ đã ra tòa. Đạo đức trong lòng đòi buộc tôi phải vất vả hơn để kiếm tiền sạch, và không giống nhiều doanh nhân dị ứng với phong bì khác, tôi đã may mắn đã thành công nhờ tính tiên phong trong dịch vụ và nghề nghiệp mình.
Tổng kết cuối năm nay, công ty nộp được một ít thuế thu nhập cho Nhà nước, chợt bàng hoàng khi bạn bè bảo: “Tự hào mần chi, nó chạy hết vào các PMU, bọn nó đem đi đánh bạc rồi”.
Năm nay 35 tuổi, vẫn thấy thẹn với lòng mình, vẫn thấy thấp thoáng đâu đó những ngã ba ngã bảy và chưa rõ lộ trình của đời mình. Tôi nói gì đây, ông Nguyễn Trung? Bạn bè tôi nhiều người bỏ nước ra đi vì nói rằng mình sinh nhầm thời và đã không ít lần tôi cũng có ý nghĩ như vậy.
Nhưng mảnh đất tảo tần hình chữ S và những “cơn gió Lào rát ruột” quê tôi trong mắt nhà thơ Nguyễn Duy đã kìm giữ bước chân tôi và động viên tôi “đánh thức tiềm lực” ở chính nơi này.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là sỹ phu Bắc Hà nhưng cả quốc gia đang treo chữ “nhẫn” trong nhà là dự báo không lành cho dân tộc trong thời điểm tổ quốc đang cần những tranh luận mạch lạc và sâu sắc nhất. Tôi không im hơi lặng tiếng nữa và tôi tin rằng hàng triệu thanh niên Việt Nam đang và sẽ nói.
Tất nhiên, hành động bao giờ cũng nói to hơn ngôn từ “action speaks louder than words” và chiến thắng sự ươn hèn bạc nhược để đứng lên là cuộc chiến khó khăn nhất.
Dù vậy, lời ông đã thổi thêm nghị lực, thúc đẩy thêm quyết tâm, Đêm nay dưới ánh đèn, tôi tự hứa với lòng mình sẽ hoạt động luật sư cho người nghèo, góp một phần nhỏ bé bảo vệ những người thấp cổ bé miệng, sẽ cùng hàng triệu người việt nam đem bầu nhiệt huyết của tuổi xuân tấn công tệ nạn, đem lại công lý dân chủ thật sự cho dân tộc Việt Nam.
Ông Trung ơi, tôi đồng ý với ông về “vấn đề hệ thống”. Và chúng ta phải “bắt đầu bằng hệ thống” để lớp già cùng lớp trẻ, trong đảng và ngoài đảng chung tay nhau xây dựng một Việt Nam dân chủ và giàu mạnh, không phải cho hôm nay mà cho mãi mãi mai sau.
Bài viết đã được đăng treê bbc Theo đươường link sau đây :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/02/060210_siphubacha_imlang.shtml
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment