Sau nhiều lần trì hoãn,
ngày 24 tháng 9 năm 2012 này, 3 bloggers nổi tiếng của Việt Nam là Điếu Cày,
Anhbasg và Tạ Phong Tần sẽ bị đem ra xét xử theo điều 88 – Bộ Luật hình sự. Hai
vòng số 8 đã ngang nhiên bập vào tay một cách vô cớ, trớ trêu thay, lại bị lạm
dụng như một công cụ pháp lý để đưa anh chị vào tù.
Anh chị bị bắt ở thời
điểm và cách thức khác nhau nhưng bị đưa ra xét xử cùng một vụ án, một tội danh
và cùng một ngày thể hiện mâu thuẫn trong nội dung, yếu kém về nghiệp vụ và hốt
hoảng về tinh thần của những nhân viên công quyền.
Trước đó, bản án trốn
thuế được ngụy tạo vội vàng cho anh Điếu Cày là một sự xỉ nhục cho cả nền tư
pháp, tưởng đã khép lại, nào ngờ những kẻ ngu dốt và thù dai vẫn tiếp tục tìm
cách bắt anh trái pháp luật. Anh bị “đón lõng” vào ngày 20/10/2010 trước khi
thoát khỏi ngục tù. Trước đó 2 ngày Anhbasg bị bắt giam trong một khung cảnh đầy
bạo lực. Gần một năm sau vào ngày 5/9/2011 chị Tạ Phong Tần bị đẩy vào sau song
sắt trong sự ngỡ ngàng.
Vượt qua mọi giới hạn luật
định, các anh chị tiếp tục bị giam cầm sau 3 lần hoãn xử. Điều đó càng thể hiện
sự lúng túng của những kẻ sử dụng luật rừng trong một rừng luật, mạo danh công
lý để áp đặt ý chí riêng tư.
Nhưng câu hỏi lớn hơn cứ
day dứt trong long nhiều người là tại sao những người con yêu chuộng tự do, đấu
tranh không mệt mỏi vì toàn vẹn lãnh thổ, vì sự thật và công lý lại bị giam cầm
?.
Cảm thức về tự do
Lần đầu tiên tôi cảm nhận
rõ hơn về hai từ “tự do” là lúc có người bảo dân Mexico cố trèo sang Mỹ dang rộng
tay và chửi nước Mỹ xong lại trèo tường về. Tại sao lại như vậy khi họ cũng có
thể chửi Mỹ ngay trên đất Mexico ?. Bởi vì khi bước sang nước mỹ có không gian
khác, cảm thức về tự do cũng khác.
Đã từng đi trên sa mạc mênh mông, nghe gió tự
do luồn trong tóc, cảm được tự do bùng cháy giữa mênh mông, rạo rực và đầy sáng
tạo, tôi hiểu rõ hơn về tự do. Từng bị giam cầm trong bốn bức tường chật hẹp,
cách ly hoàn toàn với đời sống thường nhật, tôi cũng cảm nhận rõ hơn thế nào là
tự do.
Hồ Chí Minh đã từng lấy
câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự
do” để động viên cho việc tấn công cưỡng chiếm Miền Nam. Nhưng cũng đã có
hàng ngàn người vượt sông từ Trung Hoa độc lập để chạy thoát sang Hông Kông là một
xứ thuộc địa của Anh để tìm tự do; Sau 1975, hàng triệu người Việt vẫn lao ra
biển trốn thoát khỏi “Việt Nam độc lập”
để đi tìm tự do. Như vậy tự do mới thực sự quan trọng, tự do mới là đích hướng đến
của con người; như triết gia Nguyễn Hoàng Đức đã nói là: “tự do cho chúng ta làm người”.
Alexandre Dumas cũng nói:
“Ai đã trải qua cảnh khổ cực mới hiểu thế
nào là sung sướng, kẻ sắp chết mới biết rằng cuộc sống là thiên đường”.
Nhưng đó vẫn là sự mặc cảm tâm lý chung mà chưa phải là sự tự nhận thức. Có những
con người vĩ đại như Nelson Mandela thì cảm nhận được cả sự tự do ngay khi bị giam
cầm.
Ngược lại hàng triệu quan
chức tung tăng lượn lờ, ăn trên ngồi trốc nhưng lại nô dịch cho một chủ thuyết đã
bị lịch sử đẩy vào sọt rác thì không thể được coi là tự do.
Đối với các nhà báo có
lẽ chúng ta đã từng ngồi trước bàn phím đầy áp lực để tự kiểm duyệt mình từng
câu chữ trong một thời gian thật gấp, khi đó các nhà báo mới hiểu hết được ý
nghĩa của tự do sáng tác.
Đối với 3 bloggers, các
anh bị bắt vì hình thành nên một “CLB Nhà
báo tự do”. Đó không phải là tội mà là một sự tự hào. Câu lạc bộ nhà báo tự
do là để viết cho tự do và vì tự do.
Ngay lúc này đây, tôi tin
rằng vượt qua không gian khắc nghiệt của nhà tù và thời gian đẵng đẵng, tinh thần
tự do phá tan ngục tù và đang bùng cháy trong trái tim các anh.
Những
con người vì tự do
Xét về cá nhân, cả 3
bloggers nổi tiếng này đều là những người nồng nàn yêu nước, xuất thân trong gia
đình cách mạng; đã tham gia cống hiến cho sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Anh Điếu Cày là cựu chiến
binh đấu tranh vệ quốc, anh kiên gan bảo vệ từng tấc đất khỏi kẻ thù như chính
anh đang bảo vệ quan điểm của mình trong nhà tù; Anh yêu quê hương, tiên phong
chống bành trướng xâm lược bằng biện pháp ôn hòa mạnh mẽ như khi xưa đã từng
vác súng đánh quân thù. Trong đời thường, anh sống có trách nhiệm với mọi người
và đặc biệt có uy tín với anh em văn nghệ sỹ ở Sài Gòn.
Đã có dịp chạy đi chạy
lại đấu tranh cho giáo dân Thái Hà cùng chị Tạ Phong Tần, tôi thấy rõ lòng nhiệt
tình, sự chân thành và niềm đam mê công lý nơi chị. Xuất thân là công an nhưng
không chịu nổi những cảnh tham nhũng và bất công lan tràn trong ngành, chị đã mạnh
dạn đứng lên tố cáo và rời khỏi ngành. Đứng trước những dối trá lan tràn trong
xã hội, chị tìm đến Nhà thờ và trở thành Kito hữu vì bảo rằng nơi đây chị “tìm lại được sự lương thiện”.
Với Anhbasg, xuất thân
từ một gia đình cách mạng, bố đi tập kết ra Bắc, sinh tại Hà Nội nhưng tuổi thơ
lớn lên bên dòng sông Cầu Bà –Nghệ An quê mẹ. Chúng tôi đã từng chạy đồng, tắm
sông, nghịch bùn với nhau. Tôi hiểu rõ về con người giàu tình cảm này. Là một cử
nhân luật, làm việc sát cánh với nhau trong bao nhiêu công việc vui buồn. Chắc giờ
này trong tù anh nhớ lắm những chiều hoàng hôn ở Vĩnh Phúc quê vợ, những hôm
bên vệ đường trong hơi men chúng tôi tranh luận với nhau về tôn giáo, tự do cá nhân, về chủ
nghĩa hiện sinh của Nietzsche hay Jean Paul Sartre.
Tự thân con người các anh phải được tự do. Không chỉ
vì cả cuộc đời bố mẹ anh, vợ con anh đã sống và chiến đấu cho tự do mà còn vì tất
cả các anh chị đều yêu tự do, sống vì tự do, đấu tranh cho tự do, cho chính
mình và đất nước, dân tộc mình.
Luật
pháp buộc phải trả tự do
Luật pháp cũng đòi buộc những ai cầm cân nảy mực vào
ngày thứ 2 phải trả tự do cho anh chị bởi tất cả những hành vi mà anh chị làm
là không cấu thành tội phạm. Ngược lại đáng được tuyên dương.
Thật vậy các anh chị chỉ sử dụng những quyền căn bản
mà Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của LHQ đã đề cập. Cụ thể Ðiều 19 quy định: “Mọi người đều
có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm. Quyền này bao gồm sự tự do quan
điểm, tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng qua mọi phương
tiện truyền thông bất kể biên giới” . Để nói lên tiếng nói của mình về những
vấn đề của xã hội, các anh chị có quyền đề cập đến những vấn đề đó theo các góc
nhìn khác nhau, đó là quyền tự do cá nhân.
Điều 69 Hiến Pháp Việt Nam quy định: “Công dân có
quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp,
lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Việc thành lập CLB Nhà
báo tự do thì cũng không có tội; Luật pháp Việt Nam không cấm việc thành lập
các hội, nhóm, câu lạc bộ…chưa nói việc mục đích thành lập là hoàn toàn trong
sáng và đơn giản. Luật về Hội đã được dự thảo đến lần thứ 10 nhưng đảng CS vẫn
tiếp tục trì hoãn vì cho rằng chỉ mình bên trên tất cả và không luật nào được
điều chỉnh.
Từ tuyên ngôn của Liên
Hiệp Quốc, Pháp luật thế giới và thực tiễn Việt Nam, mới đây Hạ viện Hoa kỳ cũng
đã thông qua một Nghị Quyết phản đối Điều 79 và 88 trong Bộ Luật hình sự vì nó được
sử dụng như chiếc lưới người, mơ hồ đi vớt và tống giam những công dân yêu nước
vào tù.
Về mặt nội dung tât cả
những điều các anh chị viết ra đều nói về những vấn đề chung của đất nước và
dân tộc, về công lý và sự thật, về dân chủ và tự do. Điều đó hoàn toàn phù hợp
với Điều 4 của Luật báo chí. Theo đó các anh chị có quyền “phát biểu ý kiến về tình hình đất nước
và thế giới; được góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo
chí”. Vì thế những điều anh chị
viết không hề phạm luật. Việc tiếp tục sử dụng Điều 88 để đưa anh chị vào tù là
hoàn toàn trái pháp luật.
Công
luận đòi buộc phải trả tự do !
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
vào ngày 3/5/2012 đã đề cập đến Blogger Điếu Cày trong một bài phát biểu nhân dịp
ngày tự do báo chí. Ông cho rằng những giới hạn của quyền bày tỏ chính kiến phải
được dỡ bỏ.
Ngoại trưởng Hillary
Clinton không dưới 2 lần đã nhắc đến Câu lac bộ nhà báo tự do (FJC) và yêu cầu
chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho các thành viên;
Hàng chục tổ chức cùng
với biết bao nhiêu danh nhân nổi bật đã viết về anh chị và lên tiếng bênh vực
anh chị với những lời lẽ tốt đẹp.
Hàng trăm trang tin,
hàng ngàn bài viết, blog…đã viết về các anh với tư cách là người đi tiên phong
trong lĩnh vực tự do báo chí và làm blog.
Nhờ những sáng kiến ban
đầu về một Câu lạc bộ Nhà báo tự do, hàng trăm blog đã ra đời và hàng triệu người
dân Việt đã biết đến thông tin trung thực và khách quan cả hai chiều.
Vì sự tiên phong của
các anh trước làn sóng phát triển của một nền Dân báo cho nên thủ tướng Chính
phủ đã vội vàng chỉ đạo “hỏa tốc” đánh vào 3 trang blogs nổi tiếng là Dân Làm
báo, Quan làm báo và Biển Đông. Đó là một chỉ thị mang tính giật mình, không có
cơ sở.
Và chắc chắn vào ngày xử
các anh cũng như trong suốt thời gian các anh bị giam cầm, nhiều đài báo, công
luận và tổ chức tiếp tục lên tiếng kêu gọi lương tâm nhân loại bảo vệ các anh,
đòi trả tự do cho các anh và cổ súy cho tư tưởng dân báo mà các anh đang theo
đuổi.
Chính các anh chị là tự
do
Những ngày qua khi nghĩ
về các anh chị trong tù, tôi nhớ lời “Bài ca tuổi trẻ” của Phan Văn Hưng. Trong
đó có câu “chúng ta là những người xông
pha, chúng ta là những lớp phù sa, chúng ta là ngọn đuốc bùng to, chúng ta là TỰ
DO”.
Thật vậy, vượt lên trên
những bản án khắc nghiệt, vượt lên trên những lời bào chữa hay nhất, vượt lên
trên tất cả ngục tù: “Các anh là tự do
!”
Luật sư Lê Quốc Quân
Bài viết được đăng tải tại trang web dân làm báo
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/cac-anh-la-tu-do.html#.UFySFLJlSXs
http://danlambaovn.blogspot.com/2012/09/cac-anh-la-tu-do.html#.UFySFLJlSXs
"Tôi muốn xây dựng hạnh phúc gia đình trong hạnh phúc chung của dân tộc, người sống với người trong tình thương yêu, bình đẳng và tôn trọng với nhau. Trong hạnh phúc đó, những đứa con của vợ chồng tôi, sau này khi khôn lớn sẽ tìm thấy được hạnh phúc đích thực khi chúng có được niềm hãnh diện và hạnh phúc để nói với bất kỳ ai trên thế giới này: tôi hãnh diện được làm người Việt Nam."
ReplyDeleteCâu rất hay của Paulo Thành Nguyễn.