Cho đến nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm chính trị nhưng theo bài viết trên tạp chí xây dựng đảng thì “Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri và được xác lập trên sự tín nhiệm”.
Theo giải thích Toà án của Hoa Kỳ thì Nhà nước pháp quyền (Rule of Law) là một khái niệm chính trị, pháp lý để chỉ một loại hình nhà nước mà quyền lực của nó bị hạn chế bởi pháp luật với mục tiêu là để bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân. Nguyên tắc quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền là sự thượng tôn pháp luật nhưng mục đích cuối cùng là để bảo vệ người dân.
Trong khi đó, các học giả Việt Nam vẫn loay hoay chưa thống nhất được chữ “Rule of Law” là Pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền?. Rắc rối hơn, Trung Quốc và Việt Nam còn phát triển khái niệm “Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” mặc dù chưa biết cụ thể Chủ nghĩa xã hội thực sự là gì.
Những cái “đuôi” XHCN này gắn liền vào “Nền kinh tế thị trường” và “Nhà nước Pháp quyền” đã làm cho nhiều học giả “vò đầu bứt tai” mà vẫn không thể nào giải quyết rốt ráo trên lý thuyết và thực tế bởi vì nó là một sự áp đặt bằng ý chí của đảng cầm quyền.
Ý chí của đảng là cao nhất
Trong Nhà nước pháp quyền thì pháp luật là cao nhất nhưng trong các nhà nước độc tài thì quyền lực của đảng cầm quyền là cao nhất. Đối với hầu hết các quốc gia, Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, ràng buộc và “nhốt” nhà nước lại trong khuôn khổ, vậy nhưng hiến pháp các nước độc tài thường trao quyền trao quyền lãnh đạo “Nhà nước” cho đảng cầm quyền.
Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “Nhà nước và xã hội”. Vì trao quyền lãnh đạo toàn bộ cho đảng nên nhà nước ở dưới đảng, hay ít nhất là không thể đứng trên đảng.
Điều này được minh chứng khi đảng liên tục nhắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định rằng “Hiến pháp là văn bản pháp lý bậc nhất sau cương lĩnh Đảng”.
Nhiều câu chữ của cương lĩnh đảng được cụ thể hoá trong luật và thông thường các nội dung trong Nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật để điều hành trong thực tế. Do đó, pháp luật chỉ là một công cụ để thực hiện các mục tiêu của đảng, chỉ tham gia góp phần thực thi các mục tiêu chung khác do đảng chỉ đạo và điều hành mà thôi.
Thực tế, pháp luật chỉ là một biện pháp, một công cụ bổ sung mà đảng dùng song song với nhiều biện pháp khác, để quản lý nhà nước và xã hội, trong đó có “Trách nhiệm chính trị”.
Trách nhiêm chính trị lớn hơn pháp quyền?
Vậy trách nhiệm chính trị là gì?
Cho đến nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm chính trị nhưng theo bài viết trên tạp chí xây dựng đảng thì “Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri và được xác lập trên sự tín nhiệm”.
Tín nhiệm là một khái niệm định tính, khó cân đong đo đếm được. Cho nên để cụ thể hoá, Đảng cộng sản đã ban hành Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Uỷ viên Ban bí thư, Uỷ viên ban chấp hành Trung Ương, để “buộc” hoặc “cho” một số thành viên quan trọng nhận “Trách nhiệm chính trị”.
Đọc Quy định gồm có 4 điều này, đặc biệt là ở điều 2 và điều 3, chúng ta thấy giống như một văn bản tôn giáo, mang tính răn dạy hoặc đơn thuần về vấn đề đạo đức, lương tâm hơn là một văn bản pháp quy của một đảng cầm quyền trong một nhà nước đang được gọi là pháp quyền. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là nó đang được dùng rất rộng rãi cho hầu hết công chức trong bộ máy nhà nước, quản lý toàn bộ nhân dân.
Ngoài ra, gần đây Đảng cũng đề cập đến Quy định số 41/QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ. Trong đó tại Điều 5 ghi rõ các căn cứ để xem xét miễn nhiệm và Điều 6 là căn cứ xem xét từ chức.
Đảng có thể dựa vào đó để quyết định một cá nhân “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá…” để buộc miễn nhiệm hoặc “hạn chế về năng lực, không đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ được giao..” để cho từ chức.
Tất cả những khái niệm này là đầy định tính và do nội bộ đảng ra quyết định. Lúc cần thì đảng “miễn nhiệm” nhưng khi chưa cần thì đảng cho“từ chức”. Việc rút lui cũng là một cách “nêu gương”.
Ý chí nội bộ áp dụng trước luật pháp.
Ý chí của đảng được thể hiện trong các văn bản nội bộ, không phải quy phạm pháp luật nêu trên, lại là căn cứ của việc áp dụng các quy định pháp luật sau đó.
Đảng có thể dùng chính các văn bản này để “tuốt gươm” tấn công bất cứ cá nhân nào không có “trách nhiệm nêu gương” và sau đó thì cơ quan pháp luật mới bước vào buộc họ chịu trách nhiệm chính trị và thậm chí đưa sang pháp luật, cho ngồi tù như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung…
Ngược lại cũng có những uỷ viên Bộ chính trị như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh hoặc Trần Tuấn Anh, cũng đã được “cho thôi” chức vụ một cách dễ dàng mà không phải gánh chịu một trách nhiệm pháp lý nào dù rằng những hậu quả của họ hay cấp dưới của họ gây ra cho nhân dân là rất khủng khiếp trong một thời gian dài.
Điều này rất nguy hiểm vì quản trị một quốc gia là khác hẳn với việc tổ chức một sàn đấu được so găng trong bóng tối. Quản trị nhà nước luôn luôn phải phải gắn với các hành vi cụ thể, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình chứ không phải kiểu “ngoan thì cho thôi không ngoan thì xử” như giang hồ vậy được.
Nhân dân thực sự hoàn toàn không hiểu được những điều gì đã xảy ra đối với những cá nhân mà trước đó Đảng bảo “rất tốt, rất tín nhiệm” nhưng rồi sau đó chịu kỷ luật, mà chỉ có cảm giác, làm càng to thì càng được ưu ái và cứ “thôi chức” là ghê gớm lắm rồi trong khi một nguyên tắc cơ bản của pháp quyền là “bình đẳng trước pháp luật”.
Pháp quyền và Quy hoạch cán bộ
Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng có đưa ra đề nghị về việc đổi mới công tácquy hoạch cán bộ trung ương và sau đó đã chỉ đạo tiếp việc làm quy hoạch Bộ chính trị. Trong ngày 11/2/2024, nhiều báo chí lại đưa tin tiếp về việc đảng chỉ đạo quy hoạch nguồn cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XVI.
Bài viết trên tạp chí Xây dựng đảng ghi rõ “Với vai trò là tổ chức đảng có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội có một nhiệm vụ trọng tâm là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tạo cơ sở lựa chọn nhân sự xứng đang tham gia Quốc hội… các khoá tiếp theo”
Từ lâu chúng ta đã biết được rằng nhân dân đứng ngoài cuộc bầu bán của những người lãnh đạo của mình. Nhưng trong thực tế cũng đã từng có những cuộc bầu cử Quốc hội có rất nhiều ứng cử viên độc lập tự ứng cử, thậm chí có cả người bất đồng chính kiến có thể làm hồ sơ ứng cử.
Tiếc rằng với xu hướng ngày càng đề cao đến việc “trách nhiệm chính trị” thay vì đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhân dân Việt Nam càng ngày càng bị gạt ra ngoài mọi cuộc chơi chính trị.
Ngược lại, một xu hướng tổ chức nhà nước tập quyền kiểu phong kiến thời hiện đại dựa trên uy tín cá nhân kiểu minh quân đang quay trở lại.
Đây là một điều hết sức nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam, bởi vì minh quân thì ít mà hôn quân thì nhiều. Cứ cho là ông Trọng đang có uy tín thì khả năng ông chọn được người kế nhiệm tốt theo ý của ông là rất khó khăn vì theo như Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm thì ông là hình ảnh người cộng sản cuối cùng.
Do vậy, tôi nghĩ nếu như ông Nguyễn Phú Trọng nhận thấy “Trách nhiệm chính trị của mình” đề nghị “Bộ chính trị từ chức tập thể” rút lui về làm một ban cố vấn để tiến hành mở rộng dân chủ, bầu cử tự do, xây dựng một nhà nước pháp quyền và các thiết chế khác đủ mạnh.
Như vậy sẽ đảm bảo được một tương lai vững chắc và lâu dài cho đất nước. Ông và đảng của mình không phải lao tâm khổ tứ để “quy hoạch” nhân sự nữa vì khi đó người lựa chọn chính là Nhân dân.
No comments:
Post a Comment