Trong một động thái chưa từng có, Hạ Viện Hoa kỳ đã bỏ phiếu phế truất chủ tịch Kevin McKathy. Như vậy, từ ngày 4/10/2023, Hạ viện không có chủ tịch. Nghị sỹ Patrick McHenry của bang North Carolina được chỉ định làm chủ tịch lâm thời với quyền lực rất hạn chế.
Hạ viện dự kiến sẽ họp lại vào 10/10 để bầu chọn tân chủ tịch nhưng có vẻ còn rất gian nan vì mâu thuẫn ngay chính trong đảng Cộng hoà. Khi nội bộ không có sự thống nhất thì rất khó có thể tìm kiếm được đa số phiếu cho một cương vị mới.
Bản thân ông Kevin McCarthy hồi tháng giêng năm nay đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu trong suốt 4 ngày mới đạt được đa số phiếu để trở thành chủ tịch, và nay thì càng khó nhìn thấy một khuôn mặt nào thực sự hội tụ đủ sự “cân bằng” hơn ông McCarthy.
Cựu tổng thống Trump và sự chia rẽ
Điều bất ngờ, cựu Tổng Thống Donald Trump được một số dân biểu Cộng Hòa ngỏ ý sẽ đề cử vào chức Chủ Tịch Hạ Viện. Nhưng đây sẽ là một điều khó. Trước hết, ông Trump là nhân vật gây chia rẽ.
Nếu nhìn riêng trong cộng đồng Việt Nam, sự chia rẽ cũng tương đồng với sự chia rẽ trong chính trường Mỹ hiện nay. Từ trong bàn ăn ra tận quảng trường; từ quốc gia đến cộng sản; từ nhà đấu tranh dân chủ đến cả những người ủng hộ chính quyền Cộng Sản trên mạng, người ta đều tranh luận rồi thậm chí từ mặt nhau vì “ủng hộ” hoặc “phản đối” vị cựu tổng thống này.
Tôi đã từng ngồi chứng kiến 3 cuộc tranh luận trong các gia đình người Mỹ và thấy rõ sự chia rẽ là hết sức sâu sắc. Nó đậm đặc trong lòng nước Mỹ và dự phóng sẽ kéo dài rất lâu.
Trước mắt, cựu TT Trump đã bày tỏ không hứng thú với chức vụ Chủ tịch Hạ viện (hoặc nếu có, thì chỉ làm việc trong một thời gian "rất ngắn") vì đang bận chạy đua vào chức tổng thống vào năm sau. Mặt khác, với hàng loạt vụ án đang được xét xử, cùng với lịch xét xử dày đặc, ông Trump không thể có đủ thời gian cho chức vụ chủ tịch Hạ viện.
Cá nhân ông Trump cho rằng có nhiều người xứng đáng có thể đảm nhận công việc đó, còn cô cháu gái Mary Trump thì rất đơn giản cho rằng ông không thể đảm nhận công việc vì chức danh đó “cần làm việc”.
Nhưng nếu được đề xuất (having a motion) thì Trump cũng khó có thể được đa số phiếu vì nhiều người trong đảng Cộng hoà có thể bỏ phiếu chống.
Tất nhiên, vị trí chủ tịch Hạ viện không thể bị khuyết lâu dài. Các thành viên đảng Cộng hoà có thể sớm đề cử một nhân vật đáp ứng được yêu cầu của các nhóm khác nhau thì có thể đạt được sớm nhưng cũng chỉ là buộc phải “lấp chỗ trống” chứ không phải là tìm kiếm một người thực sự tài năng và có sự đồng thuận cao.
Hậu quả từ chiếc ghế trống
Việc bỏ phiếu phế truất ông Kevin McCarthy của một số ít người bảo thủ cứng rắn trong Hạ viện có thể gây ra những hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế Mỹ và cho cuộc chiến tại Ukraine.
Trong tình hình hiện tại, Hạ viện Mỹ sẽ không thể làm được nhiều chuyện lớn cho đến khi có một chủ tịch được bầu ra. Như vậy khoản viện trợ mới cho Ukraine không thể đến sớm được với những người lính đang chiến đấu trên chiến trường Ukraine.
Mặc dù tổng thống Biden đã lên tiếng về nhu cầu viện trợ cho Ukraine và đang tìm cách để hậu thuẫn cho việc này nhưng câu chuyện có lẽ phức tạp hơn khi có quá nhiều tiếng nói khác biệt ngay trong đảng Cộng hoà tại Hạ Viện.
Càng tệ hại hơn khi McCarthy vừa mới vượt qua được một việc khó khăn, đó là giúp cho chính phủ có một ngân sách tạm thời hoạt động đến tháng 11. Việc ông ra đi có thể dẫn đến một cuộc đóng cửa “thật sự” của chính phủ. Khi đó một số chương trình của chính phủ bị cắt giảm, nhân viên bị ảnh hưởng, thị trường chứng khoán đi xuống và điểm tín nhiệm của nước Mỹ có thể bị hạ bậc…
Các định chế của Mỹ là rất vững chắc nhưng chắc chắn cũng sẽ bị xói mòn qua những sự cố này. Tất cả các điều đó có thể dẫn đến hậu quả không tốt cho nền kinh tế Mỹ và sau đó là toàn cầu.
Có những nhà chính trị Mỹ coi những xáo trộn hoặc khủng hoảng là bình thường vì tin rằng “thách thức đến chỉ để làm cho nước Mỹ tốt đẹp hơn”. Thế nhưng, trước mắt thì những xáo trộn trong đảng Công hoà và Hạ viện đang thực sự làm cho người dân Mỹ và thế giới quan ngại hơn về những hậu quả khó lường của nó.
Nếu Ukraine không có viện trợ kịp thời, tình hình chiến tranh tại Ukraine có thể xô đẩy hai nước và cả thế giới có thể xoay chuyển theo chiều hướng mà không ai có thể lường trước được. Kinh tế Mỹ mà suy thoái có thể kích hoạt cả một chuỗi ảnh hưởng trong bối cảnh mà Trung Quốc đang cũng đang đối mặt với những khó khăn thách thức mới và Việt Nam thì khó đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Nước Mỹ nương theo tự nhiên để vượt qua
Mặc dù chiếc ghế trống có thể tạo ra những khó khăn bất ngờ rất lớn, nhưng tôi vẫn tin vào sự bền vững mạnh mẽ của các thể chế và luật pháp Mỹ, vì nó thuận theo tự nhiên.
Quả thật, nước Mỹ còn rất trẻ nhưng nguyên lý “vận hành một cách tự nhiên” và hướng đến quyền của con người đã làm cho chính quốc gia này rất “già”. Ví dụ trong trường hợp này, Hiến pháp không quy định chủ tịch hạ viện phải là dân biểu thì được hiểu là bất cứ ai mà được đa số dân biểu trong viện bầu thì đều có thể trở thành chủ tịch.
Trong lịch sử thì chưa từng có người nào không phải dân biểu mà lại được bầu làm chủ tịch Hạ Viện, nhưng cũng không có một điều luật nào chống lại việc đó. Do vậy tư duy “được làm” đã thắng thế tư duy “cấm”, màu xanh đã chiến thắng màu đỏ cả trong những vùng xám.
Chính vì vậy mới có người đề xuất cựu TT Trump làm chủ tịch Hạ viện.
Thực chất cả quá trình đề cử, bầu, được chọn và tuyên thệ… cũng đều là những quá trình thực hành lâu dài và hình thành nên như một lẽ tự nhiên trước khi được pháp điển hoá.
Ví dụ Quyền chủ tịch (acting speaker) thì có thể điều hành biểu quyết thông qua luật trong những trường hợp “cần thiết và thích đáng”. Nhiều đại biểu quốc hội tại Việt Nam chắc chắn lại tiếp tục hỏi: “thế nào là cần thiết và thích đáng” và đòi hỏi phải chi tiết hoá các trường hợp đó. Thế nhưng chúng ta không bao giờ trù liệu được tất cả các tình huống mà chỉ có nhận thức và lương tâm đúng đắn vào một thời điểm cụ thể mới cảm nhận được.
Đó chính là thuận theo lẽ tự nhiên đúng đắn hơn là một khuôn khổ pháp lý cứng nhắc.
Tại Mỹ thẩm phán có quyền lực rộng lớn và dựa vào án lệ nên các tình tiết khác nhau sẽ cho ra những phán quyết khác nhau theo hiểu biết và lương tâm của thẩm phán. Trong khi đó nhiều nhà làm luật Việt Nam muốn thu hẹp lại khung hình phạt và chia ra các tình tiết định khung một cách máy móc vì cho rằng “để rộng quá sẽ sinh ra tiêu cực, tham nhũng”. Nhưng đó là tư duy sai lầm bởi không thể áp dụng một cách máy móc tất cả các tình tiết đa dạng của cuộc sống. Chỉ có lương tâm trong sạch của người thẩm phán mới đưa ra được một quyết định đúng đắn cho từng trường hợp.
Nếu ai đã từng tham gia giao thông tại Mỹ, chúng ta đều thấy nhiều người chạy quá tốc độ cho phép khoảng 3-5% nhưng chỉ những người “nguy hiểm” thật sự mới bị coi là vi phạm pháp luật và bị bắt, phạt. Mọi người thường theo đi theo tốc độ của dòng xe cộ trên đường (traffic flow) một cách tự nhiên và biết tuân thủ khi nào cần giảm tốc độ, cần nhường đường. Đó là theo lẽ tự nhiên.
Điều này ngược lại với Việt Nam, cảnh sát có thể “núp” sẵn ở đâu đó để “bắn” tốc độ và sau đó cứ chiếu theo luật mà phạt hoặc nhận phong bì. Việc sử dụng rượu bia cũng vậy: rất ít khi cảnh sát Mỹ đứng chặn bắt và phạt người sử dụng rượu bia nhưng mọi người rất tuân thủ, trong khi ở Việt Nam thì cảnh sát đã có chốt kiểm tra hoài và “dính” một tý vẫn bị phạt hoặc phải hối lộ phong bì, nhưng mọi người vẫn… vi phạm.
Từ những chuyện nhỏ đó để thấy, cuộc khủng hoảng trống chiếc ghế chủ tịch ở Hạ Viện có thể kích hoạt những hậu quả khó lường đối với thế giới, nhưng rồi cũng sẽ được giải quyết. Các định chế của Mỹ sẽ phản ứng rất mau lẹ và tiếp tục được tăng cường khi nó thuận theo tự nhiên để giải quyết những điều chưa từng có tiền lệ.
Chúng ta cùng hy vọng và chờ đợi.
Bài đăng trên Blog của VOA Tiếng Việt tại link: https://www.voatiengviet.com/a/tu-chiec-ghe-trong-o-my-nhin-ra-the-gioi-va-nhin-ve-viet-nam/7298741.html
No comments:
Post a Comment