Lúc 0h35’ sáng ngày 11/6 hơn 30 người có vũ trang, chia thành 2 hướng tấn công vào trụ sở xã Ea Tiêu và Ea Ktur, giết chết 9 người gồm 4 công an, 2 cán bộ và 3 người dân.
Đến chiều 14/6, có 46 người đã bị bắt giữ. Đã có xác nhận 2 người đi làm rẫy về bị bắt nhầm và Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng vẫn chưa có “thống kê cụ thể số người đang lẩn trốn”.
Nhiều video và hình ảnh dân cầm gậy gộc, nói tiếng Thanh Nghệ đi lùng bắt các các đối tượng gây án được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người gọi đó là đi “săn phản động” để trả thù.
Video về lời tuyên bố của thủ lĩnh nhóm tấn công cũng đã lan tràn trên mạng đặt ra một bức tranh lớn hơn về niềm tin và mục tiêu “nổi dậy” lâu dài của người Thượng.
Tháng 4 năm 2004 đã từng xảy ra một vụ tuần hành lớn với sự tham gian của hàng chục ngàn người Thượng. Cuộc tuần hành sau đó biến thành bạo động và chính quyền đã ruồng bố khốc liệt, các bên cũng đánh đập và “săn” nhau một thời gian dài.
Bên yếu tất thua và hàng ngàn người phải vượt rừng chạy trốn sang Thái Lan, gây ra một cuộc khủng hoảng về tị nạn chính trị. Năm 2004 Việt Nam bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào danh sách Quốc gia có quan tâm đặc biệt (CPC) về tự do tôn giáo mà một trong những lý do chính là những hạn chế quyền tự do tôn giáo ở Tây nguyên.
Trước đó, vào tháng 2 năm 2001, một cuộc biểu tình cũng đã nổ ra trên khắp 4 tỉnh Tây nguyên khi người Tin lành Degar ở Tây nguyên đòi hỏi được tự do tôn giáo và chính trị rộng lớn hơn.
Không ai biết chính xác quy mô của các cuộc biểu tình & bạo loạn cũng như số người bị bắt, bị đánh đập hoặc giết chết nhưng những gì tôi nghe kể từ những người Thượng bị giam cùng tôi trong trại An Điềm là “rất lớn” và thương vong “khủng khiếp”.
SỰ VA CHẠM CỦA “VĂN MINH” ?
Đông Dương (Indo-China) theo cách gọi của người Pháp, chính là giao thoa giữa hai quốc gia đại diện cho 2 nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó Tây Nguyên có thể coi là rốn của sự va đập đó. Vốn gốc người Nam Đảo, đồng bào Tây nguyên gần gũi hơn với văn hoá của Chămpa, Khơme, cố gắng duy trì sự tồn tại và bản sắc của mình trong một xu hướng đồng hoá mạnh của người Kinh và các sắc dân khác đến từ phương Bắc.
Trước đây, Tây Nguyên chủ yếu chỉ có 4 dân tộc chính cho nên ban đầu tổ chức FULRO có tên là BaJaRaKa là tên viết tắt của 4 sắc dân Bahnar, Jarai, Rhade (Ê-Đê) và Kaho ở vùng cao nguyên. Đã từ rất lâu các sắc dân này liên tục chống lại sự xâm lấn về văn hoá, tôn giáo và chính trị. Họ chống lại cả cộng sản, cả chính quyền VNCH để nỗ lực duy trì sự độc lập nhất định của mình.
Thế nhưng người Kinh có khả năng đồng hoá mạnh mẽ với tất cả các thuộc quốc của mình, tiệm tiến theo kiểu “tằm ăn dâu”. Từ sau năm 1975, chính quyền đã rất thành công trong việc áp đặt các giá trị văn hoá, văn minh của mình lên các sắc dân này mà nhìn các con số sau đây sẽ biết:
Theo Uỷ ban dân tộc thì năm 1976, dân số Tây nguyên là 1.225.000 người, gồm 18 dân tộc, trong đó “dân tộc thiểu số” chiếm đa số (khoảng 69,7%) dân số. Đến năm 2004, dân số tây nguyên là 4.668.142 người gồm 46 dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm còn 25,3% dân số và họ đã trở thành thiểu số trên chính quê hương của mình.
Đến năm 2019 thì tổng dân số của 5 tỉnh Tây Nguyên là 6,002.995 người và có đủ cả 54 sắc dân sinh sống trong đó người kinh chiếm hơn 63%. Theo các chuyên gia thì dân số tăng nhanh chủ yếu là do di dân cơ học, cơ cấu dân số gần như bị đảo lộn ngược. Môi trường sống bị ảnh hưởng nặng nề do phá rừng canh tác, không gian văn hoá bị pha trộn phức tạp.
Đây cũng là điều bình thường trong sự phát triển của nhân loại. Trong dòng lịch sử của mình đã từng có những loài người biến mất phương chi chuyện quốc gia, đất nước. Nhiều quốc gia mới ra đời và một số bị mất đi dù theo cách sáp nhập, tiếp biến văn hoá, xâm lấn, cưỡng bức, đô hộ hay thống trị rồi đồng hoá dần.
Thật vui mà cũng lo lắng khi nhìn về biên giới Việt Nam ngày nay và dự phóng tương lai. Chỉ cách đây hơn 1,000 năm thôi, trên mảnh đất Việt Nam bây giờ là giao thoa của bao nhiêu quốc gia gồm: Đại Việt, Bồn Man, Chiêm Thành, Châu Thượng Nguyên, Chân Lạp…
Thật tự hào khi đất nước mình ngày càng rộng mở nhưng cũng bùi ngùi khi nghĩ về những quốc gia, dân tộc đã vĩnh viễn không còn. Lo lắng vì khi đang mải mê mở mang những vùng đất nhỏ thì Trung Quốc đang chờ nuốt trửng trên nhiều phương diện.
Năm 1986 khi tôi vào Đaklak vẫn thấy còn rất nhiều người đồng bào đeo gùi đi bộ dọc theo những con dốc thoai thoải của Tây Nguyên, năm 2020 tôi vào Daklak xem đồng bào hát múa cồng chiêng, sau khi xem hỏi ra mới biết hầu hết là người Kinh biểu diễn. Muốn xác định một người dân tộc thiểu số chắc chỉ còn nhìn CMND còn bề ngoài thì đã 100% là người Kinh.
Họ đã “bị” hay “được” nền “văn minh” của dân tộc Kinh khai hoá? Do chưa có điều tra xã hội học một cách khách quan và nghiêm túc, cho nên không ai biết được. Thế nhưng câu chuyện của 4 người Thượng (Montagnard) ở cùng tôi trong trại An Điềm hé mở một câu trả lời theo quan điểm của họ.
4 NGƯỜI THƯỢNG Ở AN ĐIỀM
Ở trại giam An Điềm, Quảng Nam, tôi bị giam chung cùng 4 anh em người Thượng trong khu “An ninh quốc gia”. Đó là Kpa Chin, Kpui Mel, Siu Thái (Ama Thương) và Nay Y Nga. Họ đều bị kết án về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” được Quy định tại Điều 87 BLHS năm 1999 và tên của họ có trong danh sách các tù nhân lương tâm người Thượng bị cầm tù
Họ ít nói chuyện với anh em người Kinh. Họ rụt rè khi bắt đầu câu chuyện nhưng lâu dần, cuộc hội thoại cũng được nuôi dưỡng và khi nhìn sâu vào mắt họ tôi thấy sự thiện lành và chân thật.
Kpa Chin sinh năm 1965, đến từ làng Plei Kho, Huyện Chư Sê, Gia Lai trong một gia đình có 3 anh em trai đều bị đi tù, trong đó một người em bị đánh chết trong trại. Kpa Chin là thủ lĩnh, thông thạo tiếng Kinh nhưng chỉ nói những điều cần nói và rất ngắn gọn. Ông tỏ vẻ khinh thường người Kinh và những ngày đầu không nhận quà của tôi chia sẻ cho anh. Ông nói cả gia đình mình đấu tranh cho một lý tưởng “đất đai phải của người Thượng, tôn giáo phải được tự do và Tây nguyên phải được tự trị”. Ông bị bắt năm 2006 và kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế.
Kpuih Mel ở cùng phòng giam với tôi, Ông nói tiếng Kinh rất kém, nhưng có một câu tôi nghe thường xuyên “mình chỉ muốn tốt đẹp thôi, muốn hằng ngày đi làm và chủ nhật đi lễ nhà thờ”. Do không được đọc cáo trạng, tôi cũng không biết ông đã làm gì để phá hoại chính sách “đoàn kết”. Ông bị kêu án 8 năm.
Siu Thái thì khác, đôi lúc anh nhìn tôi, ánh mắt lạ của một tù nhân lương tâm chứa chất sự bí ẩn, nhẫn nại và cả căm thù. Có thức ăn ngon vợ gửi, tôi đều ưu tiên cho Siu Thái. Chính tôi và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đã làm đơn đề nghị cho Siu Thái được đi chữa bệnh.
Nhưng có một căn bệnh đó không bao giờ chữa được. Đó là nỗi buồn u uất về một đất nước đã mất, là một sự hận thù khôn nguôi trong lòng anh, như thường trực một Hận Đồ Bàn của người Chăm. Anh bị coi là tâm thần và đưa đi chữa trị một thời gian, khi về tôi xin ở cùng buồng với anh nhưng quản giáo không cho vì nói anh ấy vẫn rất “nguy hiểm”.
Nay Y Nga thì chỉ hát. Có những hôm hai anh em đứng co ro dưới hàng hiên trong trời mưa lạnh ở vùng núi Đại Lãnh và nghe Y Nga hát, từ bài này sang bài khác. Tôi không hiểu nội dung em hát nhưng em ấy nói là về “Quê hương và rừng cây”.
Em nói “chỉ mong ra tù được khoẻ mạnh để đưa con đến trường như người Kinh”. Nhưng ngay khi ra tù, em liền băng rừng vượt biên và hiện đang tị nạn ở Thái Lan.
Tôi không biết 4 người bạn tù người Thượng thực sự đã làm gì nhưng vào những lúc gần gũi nhất, tôi thấy mong ước của họ rất đơn giản là được tự do “đi rẫy và đến nhà thờ”. Có một lần khi lặng im cầu nguyện, Kpa Chin cầm chặt tay tôi, mặt sáng lên với sự tin tưởng khác thường. Hình như Anh muốn chia sẻ một điều gì đó có vẻ quan trọng nhưng rồi giây phút đó đã vĩnh viễn qua đi trong im lặng.
Cả bốn người đều coi Tây nguyên là của họ và người Kinh đã vào chiếm giữ, phá tan rừng già như xé nát lồng ngực rồi chiếm lấy trái tim rừng thiêng liêng đã từng toả sáng. Tôi không biết niềm tin này hình thành ra sao, là của thiểu số hay đa số người Thượng ở Tây nguyên, nhưng có vẻ rất khó chuyển lay.
Đây có thể là nguồn cơn đang âm ỉ trong lòng họ…