Saturday, March 28, 2020



VIRUS CORONA VÀ SỰ CÔ ĐƠN VĨ ĐẠI 

 
Vào một thơi điểm nào đó trong cuộc đời, những người có lương tri thường phải đi tù hoặc ở ẩn. Ở đây phải hiểu theo nghĩa đi tù hoặc ở ẩn chính là sự tách mình ra khỏi đời sống thường nhật hằng ngày để có dịp suy nghĩ về chính mình. Lúc đó ta có thời gian để đi sâu hơn nữa trong chính con người mình, khám phá và điều chỉnh lại cả tâm sinh lý, trí tuệ và tình cảm của mình.

Tôi đã tự rời khỏi Hà Nội về vườn Rosen tròn 1 tháng. Nơi đây tôi lại tiếp tục công việc viết sách và làm vườn. Khi im lặng một mình nhìn những cây cối ra hoa và kết trái, tôi nghĩ đó chính là thành quả của quá trình sinh trưởng mà cái gốc cây mới là nền tảng. Như một người bạn của tôi đã từng nói “Cô đơn chính là gốc còn vui vẻ là hoa trái”.

Gần đây nhà thờ đóng cửa. Tôi không đi lễ nhưng tôi vẫn thấy rất gần gũi với Thượng Đế. Tôi lại nhớ cảm giác khi còn ở trong trại An Điềm, chiều chiều một mình nhìn lên ngọn núi ngay phía sau phòng giam và cầu nguyện và tôi cứ cảm thấy như Chúa ở ngay trong lùm cây xa xa đó. Ngài theo dõi từng ngày tôi tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù, hay toạ kháng phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Không phải việc thường xuyên đi đến lễ nhà thờ là được gần gũi hơn với Thiên Chúa mà quan trọng là sống đạo, là để lòng chúng ta nảy nở và dài rộng đến vô biên, chạm được Thiên Chúa và Tha nhân. Thử nghĩ lại xem chỉ mấy chục năm trước đã có rất nhiều nơi ở Việt Nam giáo dân 1-2 năm không hề có thánh lễ, còn xa xưa hơn nữa các tín hữu có thể trong suốt cả cuộc đời chỉ có thể chỉ được một lần dự lễ khi một vị truyền giáo ghé qua.

Ngay đêm qua thứ 6 ngày 27/3, trong vườn Rosen tĩnh mịch, tôi vẫn cùng mẹ chờ đón Đức Thánh Cha Francis ban phép lành Toàn xá Urbi et Orbi từ Vatica nước Ý. Đây là một sự kiện chưa từng có khi chỉ có một mình Ngài, đi trong mưa, giữa quảng trường thánh Peter để đến nơi cầu nguyện cho Thế giới. Giáo hội đã minh định rằng những người đón nhận phép lành qua truyền hình trực tiếp cũng được ơn ích như chính hiện diện tại quảng trường. Như vậy quan trọng nhất là tấm lòng, nó giống như từ trái tim đến trái tim, không một khoảng cách vật lý nào có thể đo đếm được. Công nghệ đã cho phép chúng ta cảm nhận được tin mừng đi sâu vào từng ngõ ngách, từng tâm hồn cá nhân trên khắp thế gian mà không cần sự hiện diện.

Sống trong đời, nên phải một lần phải thật riêng tư vì chúng ta đã sum vầy quá nhiều. Chúng ta phải tách mình ra khỏi đám đông rồ ga thật to mà không chuyển động. Không một ai có thể xác định được bạn đang cô đơn hay đang sum vầy bởi trạng thái tâm lý đó nó nằm chính trong tâm hồn bạn. Có những lúc bạn sẽ thấy cực kỳ cô đơn giữa một biển người, có những khi chỉ một mình cũng thấy lòng ấm áp lạ. Tất cả chỉ là những trạng thái tâm lý mà chúng ta nên và phải nếm trải. Có những sự cô đơn héo úa buồn bã nhưng cũng có những sự cô đơn vĩ đại. Các triết gia, nhà văn, nhà tư tưởng...hầu hết sống trong sự cô đơn vĩ đại. Tôi đã từng thấy lạc lõng giữa những buổi lễ cả ngàn người vì như mình không thuộc về nơi đó. Tôi cũng thấy cả những cơ cấu thể lý khổng lồ đang hoang mang tột độ vì sự trống rỗng của nó.

Nhiều người đã nói về một mặt trái của Virus Corona, đó là gia đình được ở bên nhau, chăm sóc yêu thương nhau nhiều hơn, hoạt động học tập online được phát triển hơn... tuy nhiên theo tôi nếu có điều gì quan trọng thì đó là sự “cách ly”. Điều các bạn nên làm là hãy yên lặng một ngày - chỉ một ngày thôi – cũng đừng ăn gì cả. Bạn bỏ hết điện thoại và các phương tiện truyền thông khác, ngồi và suy nghĩ về mình, lắng nghe hơi thở của chính mình. Vào cuối ngày, Bạn chậm rãi ghi lại một vài điều mà mình cho là quan trọng. Cô đơn chính là lúc chúng ta soi vào tâm hồn mình, càng riêng tư, càng tĩnh lặng chúng ta càng thấy nhiều vết bẩn mà trong cuộc sống náo nhiệt chúng ta đã vô tình lãng quên. Những yếu kém, vết sẹo xước dọc ngang trong lòng sẽ hiện lện cụ thể và đậm nét hơn. Bạn thấy nó, nghĩa là bạn đang dùng tâm thức để lau nó và chính lúc đó tấm gương lòng của chúng ta sẽ sáng hơn.

Tôi vẫn cho rằng Virus Corona này là một loại vũ khí sinh học do loài người làm ra, vô tình bị sổng ra giữa Vũ Hán và lây lan ra giữa cuộc đời. Nó rất tồi tệ, nhưng cũng như chủ nghĩa cộng sản, nó là một cái roi mà Thượng Đế dùng để làm thay đổi thế giới này. Quả thật thế giới sẽ không còn như trước nữa vì chính mỗi một chúng ta đang thay đổi từng ngày.

Đối với Việt Nam, tôi đã cố tĩnh lặng nhưng vẫn hồi hộp làm sao đó.






LỜI CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2020

Chỉ còn mấy giờ nữa là bước sang năm 2020, bắt đầu một năm mới, một thập kỷ mới. Tôi ngồi trên máy bay biên lại đôi dòng cảm nhận.

Kể từ năm ngoái, dưới sự can thiệp của một số người và một số quốc gia, tôi được cấp lại hộ chiếu. Cũng kể từ năm ngoái, tôi đã đi lại đúng 10 nước trên thế giới, và hôm nay chuyến bay cuối ngày trong năm đưa tôi về đất mẹ - Việt Nam. 

Tôi nhớ lại chuyến bay cách đây 12 năm, cùng gia đình từ Hoa Kỳ quay lại Việt Nam, ngay sau đó là lúc tôi bị cầm tù lần đầu. 10 năm hoạt động với 3 lần ngồi tù. Bị theo dõi, đánh đập, quản chế... tôi chợt nhận ra tất cả những điều đó không làm tôi khác đi. Tôi vẫn vậy, vô cùng nhạy cảm trước những biến cố của chính mình và tha nhân. Tôi vẫn vậy, đau đáu với những gì đang diễn ra trong gia đình mình, trên quê hướng đất nước Việt Nam mình. Tôi vẫn là mình với một nhân dạng (Identity) duy nhất. 

ĐI LÀ ĐỂ CẢM NHẬN 

Quả thật, trong suốt 10 chuyến xuất ngoại trong thời gian qua: khi chứng kiến một con linh dương đầu bò ở Kenya bị sư tử vồ hay một mình đi bộ dọc bờ sông Potomac; khi đứng dưới tuyết lạnh ở Riga của Latvia hay ngồi trên lên chiếc ghế tôi đã từng ngồi ở Boston; trong những lần gặp mật vụ hay chiến hữu dân chủ để vượt thoát hoặc trút bầu tâm sự... đều để lại những khoảng khắc quan trọng đầy xúc động trong tôi. 

Tôi cảm hết, trong trái tim dễ rung động này. Tôi chụp ảnh hết, bằng chính đôi mắt ngỡ ngàng này và tôi lưu giữ hết, trong trí não đã bắt đầu nặng suy tư của mình. 

Những chuyến đi của tôi không phải là để tuyển mộ thành viên hoạt động lật đổ hay vận động quốc tế để lên tiếng cho những người đang bị giam cầm. Tôi biết nó rất ít tác dụng. Nhưng tôi đi là để khẳng định lại một giá trị mới bằng chính đôi chân của mình, là sự tự lực cánh sinh cho mình sau những vùi dập của chế độ độc tài.

Tôi đi là để cảm nhận không gian rộng lớn trên trái đất và để thấy cả những hành tinh mới trong lòng người. Để gặp những tỷ phú nhưng cũng là để đắp chăn cho người vô gia cư vào đêm gần Noel đang ngủ bên ngoài một thư viện giữa tuyết rơi. Tôi thấy 10 năm là rất dài so với một đời người, đặc biệt là 10 năm của giai đoạn có thể làm việc và cống hiến nhiều nhất. 

ĐI LÀ ĐỂ CHUẨN BỊ 

Tôi cũng đi để thấy 10 năm, 20 năm cho sự thay đổi của một quốc gia là quá ngắn. Lịch sử thường gõ cửa rất khẽ và chỉ dành cho những ai biết chuẩn bị mở. Nếu muốn có một ngôi nhà mới nhưng không bao giờ chuẩn bị nhân sự, vật liệu thì sẽ không bao giờ có được ngôi nhà dù cho gió bão có thể thổi bay ngôi nhà cũ hôm nay. Lịch sử cho thấy giật gấu vá vai về chính trị thường để lại hệ luỵ vô cùng nặng nề. 

Tôi đi là để thấy và để chuẩn bị. Tôi thấy chúng ta cần làm nhiều hơn nói, cần sống có nguyên lý hơn là theo tâm lý, cần phải tích cực chuẩn bị kỹ hơn là a dua ăn theo. 

Trong hơn 1 năm đi rất nhiều nước bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, gặp nhiều người giỏi và quan trọng. Tôi cũng thấy năng lực mình hạn chế và bớt viển vông. Tôi cũng cảm nhận thế giới đã thay đổi rất nhiều và lo ngại hơn cho Việt Nam. Hoang mang là cảm giác chính xác.

TÍNH VỊ KỶ VÀ SỰ TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT

Dù Trung Quốc hay Hoa kỳ thì quốc gia đó luôn vì lợi ích của chính nước họ. Quả thật, tính vị kỷ - vì mình - là bản tính bền vững và cố hữu nhất, tồn tại và phát triển cùng với sự tiến hoá của loài người. Tính vị kỷ không chỉ dành cho cá nhân, mà còn cho quốc gia. Đặng Tiểu Bình đã từng nói: “Quốc gia không có bạn”. 

Giả sử có một lực lượng chống cộng làm một cuộc cách mạng dân chủ, quay lưng lại hoàn toàn với chính quyền Trung Quốc hiện tại, họ có để yên không? Ngược lại một chế độ dù là cộng sản nhưng thân Mỹ, liệu chính quyền Mỹ có để yên? Nghe đâu đó hai bên đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ và rất có thể là “đối tác chiến lược toàn diện” trong thời gian tới. Ai là bạn, ai là thù?

Tuy nhiên, tôi đi còn là để tranh luận riêng tư và khẳng định lại một giá trị tuyệt vời: Đó là tôn trọng sự khác biệt; để thấy những giá trị tốt đẹp như lòng chung thuỷ, sự bao dung, công lý và nhân quyền....vẫn còn vang vọng đó, liên tục hơn, mạnh mẽ hơn giữa một thế giới ngày càng tục hoá, vật chất hoá và sự phân hoá giàu nghèo ngày càng cao. Con người ta đều theo đuổi những mục tiêu riêng của mình và như Đức giáo Hoàng Francis đã nói: “Tôi là ai mà phán xét”. Tôi liên tục học cách tôn trọng, cả từ những người cộng sản và chống cộng. 

Đi là để thấy sự tôn trọng khác biệt khi các nghị sỹ phương tây lên tiếng mạnh mẽ cho dân chủ và nhân quyền của Việt Nam nhưng miếng bánh quyền lợi vẫn thông qua các tập đoàn kinh tế, trồi lên trong từng bữa ăn của nhân dân họ. Thấy cả CPTTP và EVFTA rồi sẽ cũng sẽ được thông qua nhưng lợi ích chỉ chạy về những quốc gia khôn ngoan hơn, chuẩn bị kỹ hơn. 

Tôn trọng bởi bao nhiêu tập đoàn đấu tranh cho một truyền thông độc lập nhưng có lẽ phải như Trump nói, “sự độc lập chỉ là fake”. Chúng ta phải lựa chọn và nên lựa chọn. Đen hay trắng, đỏ hay xanh.....là do sự lựa chọn theo với chính sự khôn ngoan của người đó. Tự do cao nhất là tự do lựa chọn còn sự thực không có một sự độc lập nào hết giữa một thế giới đầy vị kỷ như hôm nay. Chúng ta chỉ có thể độc lập giữ gìn lý tưởng cho là thiêng liêng của mình chứ không thể độc lập đứng giữa các quan điểm. 

LỜI CHÚC NĂM MỚI 

Đã khuya vào đêm 31/12 và giờ đây máy bay sắp hạ cánh. Tiếp viên thông báo tắt máy tính. Giờ đây tôi nhớ những người tôi đã gặp, những chốn đã qua trong năm 2019. Tôi đã học hỏi được rất nhiều trong một thời gian ngắn. Xin nhận từ tôi lòng biết ơn sâu nặng. 

Và những khoảng khắc thiêng liêng đang đến, nào chúng ta hãy cùng nghe bài hát “Auld Lang Syne” dưới đây và nâng ly chúc mừng năm mới 2020 - một năm đầy cơ hội cho những ai biết chuẩn bị. 
Happy New Year 2020.