Tuesday, November 20, 2012

PHI QUỐC TẾ HÓA NGOẠI BIÊN LÀ TƯ DUY CHÍNH TRỊ ĐẦU GẤU AO LÀNG



Bài viết sau đây của Triết gia Nguyễn Hoàng Đức gửi cho blog Lê Quốc Quân hôm qua nhưng chưa kịp đăng. Hôm nay nhân dịp 20/11, Ông cùng mấy người bạn gồm có 2 tiến sỹ triết là giảng viên đại học ra và yêu cầu ngồi im để nghe ông đọc. Đây là bài viết hay và thời sự. Nhưng quan trọng hơn là từ bài viết này sau đó đã xảy ra một cuộc tranh luận “dai nhách” liên quan đến Công lý. Nó nhì nhằng, khó đọc nhưng cũng sâu sắc, quyết liệt và đầy tôn trọng. Hiểu về dân chủ là quan trọng nhưng kinh nghiệm sống dân chủ quan trọng hơn nhiều. Nó nên bắt đầu từ những cuộc tranh luận như thế này. Cuộc tranh luận được ghi lại trực tiếp và sau đó mọi người vui vẻ chia tay.

PHI QUỐC TẾ HÓA  NGOẠI BIÊN
LÀ TƯ DUY CHÍNH TRỊ ĐẦU GẤU AO LÀNG
                                           
                            Nguyễn Hoàng Đức

Ở đời cứ có hai người trở nên mà không có công lý thì sự việc không bao giờ vận động trôi chảy.

Có một câu chuyện dân gian mà trẻ con nào cũng biết. Đó là: hai con dê đi đối diện nhau qua một chiếc cầu hẹp, nếu cả hai con không nhường nhau, húc nhau đòi đi, thì cả hai đều rơi xuống nước. Câu chuyện trên chưa chứa đựng nhiều phẩm chất của công lý, vì nó còn bàn đến sự bao dung nhường nhịn.

Nhưng trên một con đường, hai chiếc xe chạy đối diện, nếu không chạy phân thành hai luồng, hoặc bên phải, hoặc bên trái, thì sẽ đâm nhau. Chính người Trung Quốc có câu “Có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không đi qua một bước chân”.

Bọn trộm cắp tụ tập thành nhóm rất hùng hậu nhưng tại sao chúng phải ăn cướp ở một chỗ, rồi đem tiền đến chỗ khác tiêu tiền mà không dám xộc thẳng vào quán ăn đập phá? Bởi lẽ chính chúng cũng hiểu: chúng phải “nấp vào lý” thì mới tồn tại lâu.

Một đôi giầy dẫm lên cát sỏi mà đi, đó là hợp lý! Nhưng chỉ cần một viên sỏi nhỏ nằm trong giầy, người ta sẽ chẳng thể nào đi nổi. Đó là bất hợp lý.

“Công lý là người thứ ba!”

Một phiên tòa không thể xử nếu không tìm được người thứ ba làm chứng. Hai vợ chồng cãi nhau, dù đúng sờ sờ hay sai lè lè, cũng chẳng thể nào phân định nếu người ta định cãi chày cãi cối. Nhưng khi có người thứ ba làm chứng sự thể sẽ rõ ràng ngay. 

Việc Biển Đông là của nhiều quốc gia trong khu vực, tự thân nó là vấn đề quốc tế. Quốc tế là gì? Theo gốc Latin là Inter-national. Từ này bao gồm hai phần:

1-    Inter : Tức sự tương tác có tính chất bên trong
2-    Nation: Tức quốc gia.

Gộp hai phần lại, có nghĩa: Quốc tế là sự tương tác giữa hai quốc gia trở lên. “quốc tế” theo Hán tự cũng có nghĩa: “quốc” là quốc gia. “Tế” là giao tế. Hai huyện hay hai tỉnh giao lưu với nhau, người ta không bao giờ gọi là “giao lưu quốc tế”. Nhưng hai nước giao lưu với nhau cho dù hát hò, bóng bàn hay điền kinh, thì đều được gọi là giao lưu quốc tế.

Nước lớn như Trung Quốc là quốc gia chiếm dân số đến ¼ loài người, lẽ ra phải có tầm nhìn lớn. Nhưng theo lãnh tụ Tôn Trung Sơn thì tầm nhìn của Trung Quốc “luôn luôn chỉ là những gia tộc như bãi cát rời rạc”, chưa từng có khái niệm về cá nhân, dân chủ, tự do, hay cộng hòa, nên vẫn chỉ là liên dòng họ, mà chưa bao giờ đạt đến tầm quốc gia cả. Nhà văn Nguyễn Bá Dương trong cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” có nói: “Một con lừa cũng làm được vua Trung Quốc”.

Giờ cụ thể chúng ta hãy bàn thẳng vào vấn đề Biển Đông.

Khi các nước ASEAN họp mặt, lẽ tất yếu phải đưa ra vấn đề khúc mắc nhất và phổ quát nhất, giống như cơ thể có bệnh tật chẳng hạn, người ta phải tập trung chữa bệnh nào nguy nan nhất. Nhưng mỗi lần họp như vậy, lãnh dạo Trung Quốc lại tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa “vấn đề Biển Đông chỉ là song phương. Không được quốc tế hóa Biển Đông”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói với các nước Đông Nam Á hôm 19/11 rằng thương lượng về tranh chấp Biển Đông không nên được “quốc tế hóa”.

Tại sao Trung Quốc lại sợ quốc tế hóa, tức là vấn đề “người thứ ba” đến vậy?

Bởi Trung Quốc rất sợ công lý! Một khi không có công lý, thì cách tự nhiên nó duy trì lề luật của kẻ mạnh, đó cũng là lề luật của cơ bắp! Bất cứ nước nào muốn làm việc với Trung Quốc thì cũng đều bị Trung Quốc biến thành “người thứ hai”. Biển Đông không thể thuộc hai nước theo kiểu một là Trung Quốc, hai là nước khác.

Vì vậy Trung Quốc đều muốn biến các nước thành “nước thứ hai thứ nhất”, “nước thứ hai thứ hai” hoặc nước thứ hai thứ ba…. Hãy hình dung khi Trung Quốc điểm danh hàng lính 10 người: người đầu tiên – là người thứ nhất, người kế tiếp là người thứ hai, kế tiếp không được gọi người thứ ba, mà phải gọi người thứ hai thứ hai…

Khi hai người cãi nhau, thì chẳng thể nào ngã ngũ. Trung Quốc rất sợ  công lý hay ngã ngũ, bởi vì họ muốn càng đục nước lâu thì càng béo cò.

Than ôi thời buổi thế kỷ 21 rồi mà vẫn có quốc gia ở trình độ muốn dùng cơ bắp đe dọa hơn là sống công lý!

Không yêu công lý thì không bao giờ có thể yêu Lập Hiến !

Đó là lý do tại sao đến tận bây giờ Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn thiếu vắng tuyệt đối một nhà nước pháp quyền. Cái gọi là nhà nước mà các chuyên gia phương Tây thường gọi “nhà nước quân chủ phong kiến biến tướng từ độc tài cá nhân thành độc tài tập đoàn”.

Quốc hội là cơ quan lập hiến cao nhất của một quốc gia cũng chỉ trở thành trò chơi giả vờ, đánh trận giả, một thứ màn hình biểu diễn phô trương ra ngoài cho các hoạt động kín như bưng của Đảng cộng sản.

Hiến pháp là cái cao trọng nhất cho một quốc gia và con người lại có thể giả vờ được thì thử hỏi họ lạc hậu và coi thường nhân dân đến mức nào?

Trời ơi, bao giờ thì cái khát vọng hiển nhiên của nhân dân là được sống trong nhà nước pháp quyền mới trở thành hiện thực?!

N H Đ    20/11/2012

PHẦN BÌNH LUẬN TRỰC TIẾP CHIỀU TỐI 20/11

Sau đó 5 anh em quan tâm đến thời sự, chính trị ngồi với nhau, Nguyễn Hoàng Đức đọc to bài của mình lên và bắt đầu một cuộc tranh luận hết sức “sát ván” và đầy tính học thuật. Sau đây là phần “so găng” giữa một số người nhưng chủ yếu là giữa Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh và Nguyễn Hoàng Đức. Tất cả đều thống nhất là Quân phải post lên blog và phải giữ nguyên văn phong của từng người.


Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh nói: "Nhà triết học Nguyễn Hoàng Đức do tự phong mà có ". Ông nói về một vấn đề cụ thể nhưng lại lan man đề cập đến những chủ đề khác nhau. Ông Đức cần phải hiểu là mình đang nói cái gì. Nếu ông muốn bàn về công lý, chúng ta sẽ thảo luận về chủ đề công lý với tư cách là những người có học vấn và sử dụng những khái niệm cơ bản của khoa học. Theo tôi công lý phải được hiểu theo những khía cạnh sau:

Thứ nhất Công lý là những điều hợp với tự nhiên của đời sống sinh học các loài. Điều này được diễn giải đơn giản là những quy luật tự nhiên mang tính sinh học. Đó là quyền được ăn, được ngủ, được đ, được ỉa, nó là quyền tối thiểu nhất của các loài.

Thứ hai loài người, theo cách tự nhận đáng yêu nhất của mình về mặt ý tưởng là loài đứng đầu của muôn loài. Qua các thời đại khác nhau loài người buộc lòng phải đi đến những cam kết với 2 ý nghĩa. Một là phải theo những quy luật tự nhiên, dựa vào tự nhiên để xây dựng những hệ giá trị về đạo đức, pháp lý, triết học vv... Hai là khái niệm công lý theo nghĩa là những giá trị phổ quát mà được các xã hội loài người ở các thời đại khác nhau công nhận.

Về tính pháp lý thì khi loài người tổ chức sự tồn tại theo nhóm ở các mức độ nào đó (cộng đồng, làng, xã huyện, tỉnh, nước..) buộc lòng phải có và phải chấp nhận những thoả thuận và quy định chung. Điều này cũng được gọi là công lý.

Nhưng điều sau đây là quan trọng: Công lý là một khái niệm bị lạm dụng đến mức 2 tiêu chí trên thường không được tính đến. Sự thật là chỉ cần nhóm đứng đầu của một cộng đồng  nào đó, một nhóm xã hội nào đó đưa ra các ý tưởng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì họ sẽ đồng nghĩa với công lý.

Albert Einstein đã nói: "sau một thiên tài bạo chúa bao giờ cũng là một lũ khốn kiếp". Điều này có thể diễn dịch những cá nhân hoặc nhóm độc tài khi “bắt cóc được xã hội” họ luôn coi những mong muốn của họ đồng nghĩa với công lý. Công lý của họ trong trường hợp này nếu như thực sự bị thiểu năng trí tuệ thì gọi là đáng yêu nhưng tiếc thay thực chất đây là sự lừa đảo đáng thương.

Tôi bất ngờ về cách luận giải và suy nghĩ của nhà “triết học tự phong Nguyễn Hoàng Đức”.

Nguyễn Hoàng Đức đáp lại: "Tôi rất hân hạnh được dự một buổi trực tiếp với tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh, Luật sư Lê Quốc Quân (người đánh máy), Admin mạng Chungta.com Bùi Quang Minh và Tiến sỹ Triết-Thần học Phạm Huy Thông.”

Tôi thấy tiến sỹ Vịnh có 3 điều sai: một là tôi chưa bao giờ tự nhận mình là nhà triết học (nếu có chỉ là lúc trà dư tửu hậu ) nhưng tôi thách thức tất cả người Việt Nam so găng với tôi về mặt triết học. 

Hai là trong thâm tâm tôi có một "địa chỉ" là Bùi Văn Nam Sơn là người tôi rất nể về kiến thức triết học (thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và với 20 năm nghiên cứu triết học ở Đức). Thế nhưng, tôi chưa thấy khả năng phát kiến và sáng tạo của Ông.  Còn ông Trần Đức Thảo là nhà triết học duy vật mậu dịch- Mác xít-số một Việt Nam (nhưng tiếc thay ông không còn hiện diện với chúng ta nữa). Tôi đã thách thức ở L’espace với tất cả học trò của ông Thảo (buổi đó có nhà văn Nguyễn Đình Chính và cả nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến) thi đấu với tôi nhưng chính thức cho đến nay tôi chưa nhận được “găng” từ học trò của Ông. Tôi vẫn tha thiết “ném găng” cho đám học trò của Ông. Còn đám mậu dịch bao cấp của Việt Nam, vốn đông từ 15 đến 20 ngàn người thì tôi chưa nhận được một sự “ho he” nào từ phía họ, dù bé như ngón út.  

Ba là: tiến sỹ Vịnh nói rằng Công lý theo “tự nhiên- sinh học". Theo tôi nhận thức như vậy là sai. Ví dụ: nước Anh, Hà Lan và một số quốc gia khác quy định lái xe bên trái... Đó cũng là công lý nhưng không bao hàm chuyện “tứ khoái”.  Tôi cho rằng công lý là công ước thoả thuận của loài người, nó không phải công ước của các sinh vật. Việc TS. Vịnh nói “Công lý - Luật tự nhiên” là ông đã nhầm lẫn căn bản giữa Công lý và Chân lý. Theo tôi: Chân lý là sự thật (truth) còn Công lý (justice) là thoả hiệp mang tính quy ước chung của loài người...

Tôi mời Tiến sỹ Vịnh nói và nên trực tiếp tấn công vào ý của tôi, đừng nói vòng vo. Cách trả lời của ông ở trên là cách nói “bao vây” theo kiểu “mặt trận” mà không giám đi vào trực tiếp kẻ "ném găng" thách đấu. Tôi mời ông Vịnh nói 1 câu trả lời 1 câu, không dài dòng. Tôi thề sẽ nốc ao tiến sỹ Vịnh (do nhà nước mậu dịch phong) trong vòng 1 phút.

Nguyễn Văn Vịnh tung chưởng:
 “Tôi tin rằng sự thiểu năng trí tuệ của loài người là có thực. Và ông Đức là một bằng chứng hiển nhiên”. Tôi lấy làm tiếc là ông Đức không hiểu chủ đề tranh luận là gì. Chân lý không phải là công lý. Chân lý là mục đích của khoa học ở tất cả mọi ngành.

Công lý là một khái niệm hẹp hơn Chân lý, được dùng trong lĩnh vực quan hệ xã hội của loài người mang “tính hướng đến”“bắt buộc theo” những quy luật của tự nhiên. Điều này được giải  thích trong một không gian rộng. Loài người là một trong những loài mà Thượng Đế tạo nên vì vậy trong một trường hợp cụ thể nhất khái niệm Công lý được gọi là “những giá trị phổ quát được mọi người chấp nhận”. Tôi rất buồn việc ông Đức dẫn ra nhà triết học Trần Đức Thảo và Bùi Văn Nam Sơn để bao biện cho vị trí số một tự phong của mình.

Tôi buộc lòng phải nói lại một cách dễ hiểu nhất, để người bình thường không cần tri thức triết học cũng hiểu được rằng triết gia Trần Đức Thảo là người duy nhất trong thế kỷ 20 này chỉ ra nguồn gốc ý thức của loài người khác với các loài khác là chúng ta có ngón tay để chỉ các sự vật. Ông đã diễn giải điều này khi ngón tay trỏ vào những sự vật khác nhau bắt buộc phải có sự phát âm khác nhau. Tôi nghĩ việc ông Đức đưa tên tuổi của 2 triết gia ra rồi dìm họ để chứng tỏ mình không phải là cách thức của những người có trí tuệ.

Nguyễn Hoàng Đức: “Tôi đã đếm được rằng ông Vịnh nói 12 phút bao gồm cả tốc độ đánh máy của ông Quân. Giờ tôi xin vào cuộc bằng cách bấm đồng hồ, giống như tiếng chuông của nghị viện trong xã hội văn minh.

Một là: tiến sỹ Vịnh không có khả năng nói ngắn. Ông nói 12 phút nhưng không có câu trả lời hoặc câu hỏi nào trực tiếp nhắm vào tôi. Hai là ngón tay của ông Trần Đức Thảo là thể hiện ngôn ngữ học chứ không phải bản thể luận của triết học.

Theo tôi: Để bình bầu giải quán quân thiểu năng ở đây thì không ai xứng đáng hơn ông tiến sỹ Vịnh”. Tôi chưa bao giờ coi tiến sỹ Vịnh là đối tượng tranh luận của tôi về triết học. Nếu Ts Vịnh muốn chứng tỏ mình xứng đáng bàn về triết học thì xin hãy đặt câu hỏi cho tôi mà có một mệnh đề. Trên một mệnh đề, tôi sẽ không trả lời ! (Nguyễn Hoàng Đức mất 5 phút – Bùi Quang Minh bấm giờ) .

Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh: “Tôi rất buồn khi phải nói nói những lời không nhã nhặn với ông Đức, nhưng Chân lý và Triết học buộc lòng tôi phải nói một cách thẳng toẹt sự nhầm lẫn đáng thương của Nguyễn Hoàng Đức về Trần Đức Thảo trong cách giới thiệu của tôi. Tôi chưa bao giờ nói rằng triết gia Trần Đức Thảo đặt vấn đề về Bản thể Thế giới (Ontology). Ở đây tôi đang nói về ông Trần Đức Thảo với tư cách là một triết gia về “nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ”.

Cách tranh luận của ông Đức, từ Công lý, sang Chân lý rồi sang Vô lý… là dấu hiệu của sự không lành mạnh của trí tuệ. Điều này để nói rằng sẽ không còn có bất cứ một cuộc tranh luận nào tiếp theo nữa về chủ đề này.
 
Nguyễn Hoàng Đức: “Tôi mời ông Vịnh nói một mệnh đề mà ông Vịnh không nói được. Tôi thực lòng, với tất cả sự khiêm tốn của mình, muốn đạp đổ Trần Đức Thảo và triết học của ông ấy. Một thứ triết học Mác xít - Duy vật- Mậu dịch. Còn tiến sỹ Vịnh chưa bao giờ dám dám bén mảng để làm đối thủ hoặc học trò của ông ấy thì làm sao còn dám tranh luận với tôi. Tiến sỹ nhà nước mậu dịch phong Nguyễn Văn Vịnh không những phải tắt điện trong cuộc tranh luận này mà mãi mãi “tối om” khi bình luận triết học với tôi (2 phút).

Nguyễn Văn Vịnh: “Mời mọi người lên mạng đọc ông Thảo là ai, ông Đức là ai thì sẽ rõ. Tôi chắc chắn ông Đức chưa bao giờ đủ thẩm quyền để tranh luận về những vấn đề tối thiểu của triết học.  Tôi thực sự xấu hổ vì đã tranh luận với ngài "triết gia tự phong"  về việc này (1,5 phút).

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi ra đòn nốc ao, với lòng kính trọng nhưng không thương tiếc, rằng tôi không mời tiến sỹ xấu hổ về trí tuệ của tôi. Tôi chịu trách nhiệm về trí tuệ của tôi. Tôi vẫn say mê ném găng cho Trần Đức thảo và tất cả học trò của ông Thảo, huống hồ chi ông Vịnh. (1 phút).

Tiến sỹ Vịnh chốt lại: “Với lòng mến yêu người bạn mình theo nghĩa sinh vật, tôi cho rằng nếu đây là mở đầu cho một cuộc tranh luận triết học về Công lý, Chân lý và cá nhân triết gia Trần Đức Thảo thì tôi thấy rất buồn cười về việc triết gia Nguyễn Hoàng Đức không hiểu được những khái niệm đơn giản nhất về mặt logic. Tôi hy vọng mọi người sẽ góp ý, tranh luận thẳng thắn về câu chuyện của chúng tôi trên bất cứ mạng thông tin toàn cầu nào.

Tiến sỹ Phạm Huy Thông: “Công lý vẫn là khát vọng của loài người mà chưa hoàn toàn có trên thực tế. Vì vậy chúng ta phải đấu tranh cho có, hiện nay đang có “lem nhem” thì ta phải tiếp tục hoàn thiện nó. Nếu chưa có trong thực tiễn thì cũng cần hội thảo để hoàn thiện về mặt lý luận. Tôi cũng thông báo là sắp tới ở Đại học Quốc gia có một cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề thực tiễn “Chính trị - tôn giáo ở Việt Nam”. Ai quan tâm tôi sẽ trao giấy mời đến dự.”  
 
Luật sư Lê Quốc Quân: Chúng ta đã có một cuộc tranh luận rất quyết liệt nhưng đầy tôn trọng. Cá nhân tôi cho rằng: Bàn về Công lý ở xã hội Việt Nam hôm nay là một sự xa xỉ. Tôi vô cùng thất vọng khi có những đại biểu quốc hội do dân bầu ra lại đứng lên viện dẫn Nghị quyết của riêng đảng cộng sản như là một kim chỉ nam để xây dựng Hiến pháp cho toàn dân tộc. Tệ hại hơn cái Nghị quyết như một vũng nước đó lại chảy về từ cái ao Bắc Triều. Như ông Đức đã nói là một kẻ "đầu gấu ao làng".

Dù đã nói không tranh luận nữa nhưng trước khi chia tay anh em lại hẹn một lần khác tranh luận tiếp, có thể về những chủ đề khác. 

No comments:

Post a Comment