Tuesday, May 11, 2010

BẮT TAY HY SINH MỘT THÁNH NHÂN


Một trở ngại lớn trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican dường như đã được gỡ bỏ với sự từ chức của một lãnh đạo hàng đầu Thiên Chúa giáo Việt Nam đồng thời là một người chỉ trích chính phủ.


Giuse Ngô Quang Kiệt là Tổng Giám mục (TGM) giáo phận Hà Nội trong 5 năm qua, coi sóc các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội và các giáo xứ chiếm một phần ba miền Bắc. Giám mục (GM) Kiệt ủng hộ các cuộc thắp nến cầu nguyện kêu gọi trả lại các tài sản của giáo hội đã bị chính phủ tịch thu, đồng thời đòi hỏi tự do tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam, vốn thường xuyên bị cáo buộc vi phạm quyền tự do tôn giáo, hy vọng có thể dập tắt tiếng nói của nhà chỉ trích về nhân quyền, đặc biệt tại Hoa Kỳ, bằng cách thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Việt Nam, với khoảng 6 triệu giáo dân Thiên Chúa giáo, là quốc gia có dân số Thiên Chúa giáo lớn thứ nhì ở Đông Nam Á, chỉ sau Phi Luật Tân.

GM Pierre Nguyễn Văn Nhơn, 72 tuổi kế vị GM Ngô Quang Kiệt, 57 tuổi, được Vatican bổ nhiệm để trở thành đồng TGM giáo phận Hà Nội vào ngày 22 tháng Tư. Theo các quan sát viên giáo hội, việc bổ nhiệm này là một điều bất thường, bởi lẽ đồng TGM thông thường được chuẩn bị để sau cùng nắm giữ chức vị TGM. Không chỉ GM Nhơn lớn hơn GM Kiệt 15 tuổi, GM Nhơn sẽ chính thức trở thành TGM bất kỳ lúc nào.

Gậy mục tử: Cây gậy của người chăn cừu từ ngàn xưa đóng ba vai trò chính: chỗ dựa, dụng cụ, và vũ khí. Gậy còn đó, mục tử đi đâu, về đâu?

Quan hệ giữa Việt Nam cộng sản và Tòa thánh luôn có vấn đề. Hai vấn đề dai dẳng đó là việc giải quyết các tài sản của giáo hội – bắt đầu từ năm 1954 tại miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam – và việc bổ nhiệm hàng giáo phẩm.

Không giống như Trung Quốc, quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Vatican và thiết lập giáo hội quốc doanh, Hà Nội cho phép một giáo hội Thiên Chúa giáo tồn tại dưới sự kiểm soát của Vatican. Trên thực tế, các giới chức Việt Nam giới hạn việc phong chức sắc hàng giáo phẩm và thông qua tất cả các bổ nhiệm của Vatican. Điều này dẫn đến hàng lãnh đạo của Thiên Chúa giáo Việt Nam dễ sai bảo.

Không có điều gì trong lý lịch GM Kiệt cho thấy ngài là một nhà bất đồng chính kiến. Tuy nhiên sau khi trở thành TGM Hà Nội, ngài đã khơi dậy hàng loạt cuộc thắp nến cầu nguyện với các tín hữu trung thành. Cuối năm 2007, giáo dân Thiên Chúa giáo bắt đầu tụ hợp với hàng ngàn người tại nơi trước đây là Tòa Khâm sứ của Vatican tại Hà Nội, vốn bị tịch thu vào những năm của thập kỷ 50.

Sau hàng loạt cuộc thắp nến cầu nguyện chưa từng có nhằm yêu cầu việc hoàn trả Tòa Khâm sứ, các giới chức thành phố dường như chấp thuận các yêu cầu với điều kiện là các cuộc cầu nguyện chấm dứt. Nhưng sau đó chính quyền Hà Nội thay đổi ý định này và thay vì trao trả tài sản của giáo hội, họ cho ủi sập và xây thành công viên.

Vào năm 2008, các cuộc cầu nguyện lan rộng đến giáo xứ Thái Hà tại Hà Nội, cũng về các tài sản bị tịch thu của giáo hội. Chính quyền Hà Nội đã giải tán các cuộc cầu nguyện ôn hòa và sau đó kết án 8 giáo dân Thái Hà với tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản. Có các tin đồn rằng GM Kiệt có thể bị bắt giữ.

Báo “lề phải” đã đồng loạt công kích GM Ngô Quang Kiệt, gọi ngài là người không yêu nước và là kẻ xúi giục tạo nên các xáo trộn xã hội, và liên tục kêu gọi bãi nhiệm ngài. Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khiển trách ngài bằng văn thư và nhiều lần chỉ trích trên phương tiện truyền thông và với các phái đoàn ngoại quốc.

Tại một cuộc họp với các nhà ngoại giao, một quan chức Hà Nội nhấn mạnh rằng, “Một số linh mục, được GM Giuse Ngô Quang Kiệt chỉ đạo, đã lợi dụng niềm tin của giáo dân và sự thiếu hiểu biết luật pháp của họ, cố ý vi phạm pháp luật và hành động trái với quyền lợi của đất nước và giáo hội".

Trong năm qua, cầu nguyện lan rộng ra các giáo xứ khác. Tại địa phận Vinh thuộc miền Bắc Trung phần, nơi có đông giáo dân Thiên Chúa giáo, nửa triệu giáo dân, theo tường trình, đã phản đối việc công an cảnh sát hành hung các giáo dân vào tháng 7 năm 2009.

Trước tình hình này, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết viếng thăm Giáo hoàng Benedict vào tháng 12 năm 2009, sau chuyến thăm lịch sử đến Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2007. Hai phía được báo chí đưa tin là đang thảo luận cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Sau cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Minh Triết và Giáo hoàng, GM Kiệt đi Roma với lý do chữa bệnh. Các trang mạng thuộc Thiên Chúa giáo Việt Nam tường thuật rằng Triết đòi hỏi Vatican loại bỏ GM Kiệt như là một điều kiện cho việc thiết lập mối quan hệ tốt hơn. Đòi hỏi này, nếu đúng sự thật, phù hợp với giọng điệu của các tờ báo quốc doanh.

Ngay sau khi trở về Việt Nam vào tháng Tư vừa qua, GM Kiệt thông báo rằng ngài nghỉ hưu vì “lý do sức khỏe.” Việc thoái chức của ngài, dù không bất ngờ, là một thất vọng đối với nhiều người Việt Nam – Thiên Chúa giáo hoặc không Thiên Chúa giáo, vốn cảm phục sự lãnh đạo can đảm của ngài. Có một vài thỉnh cầu trên mạng đã được thiết lập nhằm kêu gọi Giáo hoàng Benedict giữ GM Kiệt trong chức vị TGM Hà Nội.

Cộng đồng Thiên chúa giáo Việt Nam tại hải ngoại là một nguồn đóng góp tài chính quan trọng cho giáo hội tại Việt Nam. Họ cũng là trong số những nhóm có tiếng nói mạnh mẽ vận động chính phủ và quốc hội Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì các vi phạm các quyền tự do tôn giáo.

Tại Việt Nam, các blogger tuyên dương “Tinh thần Ngô Quang Kiệt”, đồng thời so sánh ngài với các thánh tử đạo tiên phong của giáo hội Việt Nam. Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền, viết rằng không thể có một giáo hội hiệp nhất nếu không có tiếng nói của các tín hữu trung thành. Ông Quân nhận định rằng người Thiên Chúa giáo tại Việt Nam đã biểu lộ sức mạnh của họ và đang thay đổi giáo hội từ hạ tầng đi lên.

Nếu Giáo hoàng Benedict có cuộc viếng thăm trọng đại đến Việt Nam, như Giáo hoàng John Paul đã từng đến Cuba, ngài sẽ gặp gỡ những tín đồ trung thành được Ngô Quang Kiệt – một lãnh đạo tôn giáo theo khuôn mẫu của John Paul II– truyền cảm hứng.

(*) Tựa bài do dcctvn.net đặt

Bản dịch của Nguyễn Hùng Kiệt

Nguồn: http://chuacuuthe.com

Bài tiếng Anh: http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/LE07Ae02.html

No comments:

Post a Comment