Chưa đầy 6 tuần sau khi nhậm chức tổng thống, Reagan nhận được bức thư của tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước Liên Xô Leonid Brezhnev, tái khẳng định chính sách của Liên Xô bằng những lời lẽ cứng rắn. Reagan muốn bắt đầu một thời kỳ tan băng và đáp lại bằng một giọng mềm mỏng hơn.
Tháng 4/1981, Reagan ngồi trong nhà tắm nắng ở Nhà Trắng và thảo một bức thư cho Brezhnev trên loại giấy vàng. Mặc dù bản cuối cùng của bức thư được công bố vào năm 1990, bản nháp đầu tiên, viết bằng chữ của Reagan, tới gần đây mới được phát hiện.
____________o0o______________
Ngài Chủ tịch kính mến!
Tôi lấy làm tiếc nhưng tôi có thể hiểu được những lời lẽ có phần gay gắt của ngài trong bức thư gần đây. Dù sao chúng ta cũng nhìn nhận vấn đề từ những quan điểm triết học đối lập.
Phải chăng chúng ta đã để cho lý tưởng, quan điểm chính trị, kinh tế và các chính sách của chính phủ ngăn cản mình xem xét những vấn đề hằng ngày, rất thật của những người dân mà chúng ta đại diện? Liệu một gia đình trung bình của người Nga có sống sung sướng hơn hay thậm chí họ có biết được rằng chính phủ của họ đã áp đặt ý mình lên nhân dân Afghanistan ?
Trong bức thư của mình, ngài ám chỉ rằng những việc này trở nên cần thiết vì những tham vọng mở rộng lãnh thổ của Mỹ, rằng chúng tôi có những mưu đồ đế quốc và vì vậy là một mối đe doạ đối với an ninh của nước ngài và các quốc gia mới nổi. Không những không có bằng chứng cho lời cáo buộc đó, mà còn có bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ, trong khi đã có thể làm bá chủ thế giới mà không gặp nguy hại gì, đã không theo đuổi nỗ lực nào tương tự như thế.
Khi Thế chiến II kết thúc, nước Mỹ có nền công nghiệp không bị tổn hại duy nhất trên thế giới. Sức mạnh quân sự đạt tới đỉnh cao và riêng mình chúng tôi có thứ vũ khí mạnh nhất, bom nguyên tử, cùng khả năng không cần phải bàn cãi là có thể đưa nó tới bất kỳ nước nào trên thế giới. Nếu chúng tôi muốn làm bá chủ thế giới, ai có thể chống lại chúng tôi? Nhưng nước Mỹ đã đi theo một con đường khác - con đường độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại. Chúng tôi sử dụng sức mạnh và sự phồn vinh của mình để xây dựng lại những nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, bao gồm cả những nước đã từng là kẻ thù của chúng tôi.
Khoảng một thập niên trước, ngài Chủ tịch, tôi và ngài đã gặp nhau ở San Clemente, California . Khi đó tôi là thống đốc bang California , còn ngài đang hoàn tất các cuộc thảo luận với tổng thống Nixon. Những cuộc gặp đó đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Chưa bao giờ hoà bình và thiện chí giữa con người với con người lại gần kề đến thế. Khi chúng ta gặp nhau, tôi đã hỏi là liệu ngài có biết rằng hy vọng và khát vọng của hàng triệu, hàng triệu người trên khắp thế giới đang phụ thuộc vào những quyết định đạt được tại các cuộc họp của các ngài hay không.
Ngài nắm tay tôi bằng cả hai tay và cam đoan rằng ngài biết điều đó và bằng cả trái tim và khối óc mình, ngài sẽ gắng sức để thực hiện những hy vọng và ước mơ đó.
Nhân dân trên thế giới vẫn còn hy vọng. Quả thật, các dân tộc trên thế giới, bất chấp những dị biệt về chủng tộc và nguồn gốc sắc tộc, có rất nhiều điểm chung. Họ muốn có quyền kiểm soát đối với số phận của cá nhân mình. Họ muốn theo đuổi nghề mà mình chọn và được trả công một cách công bằng. Họ muốn chăm lo cho gia đình trong hoà bình, không làm hại ai và cũng không bị ai làm tổn hại. Các chính phủ tồn tại là nhằm phục vụ lợi ích của họ chứ không phải ngược lại.
Ngài Chủ tịch, lẽ nào chúng ta lại không quan tâm đến việc phá bỏ những vật cản đã ngăn cản người dân của chúng ta đạt những mục tiêu đơn giản này?
Và lẽ nào một số vật cản này không phải sinh ra từ những mục đích của chính phủ vốn không liên quan đến những nhu cầu và mong muốn đích thực của người dân?...
Ký tên
Ronald Reagan
No comments:
Post a Comment