KHỦNG HOẢNG VÀ TIẾN HÓA HÒA BÌNH
Luật sư. Lê Quốc Quân.
Thách đố trước mắt đối với thế giới là 2 cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực. May thay đó cũng là 2 thứ mà Việt Nam được Trời phú cho rộng rãi.
Với trữ lượng dầu mỏ dự kiến khoảng 1,2 tỷ m3 và là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 triên thế giới, Việt nam đã có thể an nhiên tự tại, mỉm cười qua những cuộc khủng khoảng đang làm cả thế giới đau đầu.
Hàng loạt mỏ dầu vẫn tiếp tục được đẩy mạnh khai thác và tiềm năng dầu khí tại các bể trầm tích Sông Hồng, Nam Côn Sơn, Vũng Mây và mới đây nhất là Mỏ Tê Giác Đen...với trữ lượng xác minh được ngày càng cao lẽ ra đã cho phép Việt Nam “thờ ơ” với những kỷ lục giá dầu mới liên tục được lập ra.
Hai vùng đồng bằng Sông Hồng và Sông Cửu Long cùng với dải đồng bằng ven biển đã giúp cho ông Cha ta nhiều đời nay được no ấm đã có thể đem lại nhiều giá trị cho Việt Nam trong cơn khủng hoảng hiện nay.
Nhưng đập vào mắt nơi đô thị là sự ngông nghênh chơi trội, là hoa quả, lương thực, thực phẩm ngoại tràn ngập các sạp hàng và siêu thị với giá đắt đỏ, phía sau là vùng nông thôn rộng lớn với số đông dân nghèo đang đối diện với nguy cơ thiếu đói và một môi trường xã hội với những thiết chế cộng đồng làng xã đang ngày càng rạn vỡ.
Tháng 6 – thời điểm Chính Phủ khống chế tăng giá xăng dầu, sắt thép…- bắt đầu hết. Dự án kinh tế nặng mùi chính trị Dung Quất lại nhùng nhằng bước sang năm chậm thứ 8 so với kế hoạch ban đầu trong khi những thùng dầu thô vẫn cứ tiếp tục nối đuôi nhau chạy khỏi phao số không.
Tiền thuế của dân vẫn tiếp tục đổ vào bù lỗ cho các tổng công ty xăng dầu với niềm tin mong manh về khả năng kìm chế giá lạm phát.
Rừng vẫn tiếp tục bị phá làm ruộng đồng lũ lụt liên miên.
Đất đai cằn khô thiếu dinh dưỡng trong khi hàng loạt nhà máy sản xuất phân bón đều chậm tiến độ xây dựng hoặc tồn tại mang tính biểu tượng. Đặc trưng nhất là nhà máy Phân Đạm Hà Bắc – Một doanh nghiệp chết dở đang ngấu nghiến “nhai” tiền thuế của dân để vênh váo tồn tại vì nó là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt- Trung do Trung Quốc xây dựng từ năm 1959.
Ruộng ngoại ô hoang hóa vì quy hoạch treo. Nhiều cánh đồng phì nhiêu đã được hệ thống “cò dự án” kết lại thành “đường dây”. Trong thực tế chính các trưởng thôn tham nhũng lại là những “nhà quy hoạch” đầu tiên, nối tiếp bằng những chữ ký thiếu trách nhiệm và đầy mùi ngân kim của Xã, Huyện và lên Tỉnh, ào ào cướp đất nông dân, biến ruộng lúa thành những khu công nghiệp thô lậu xây dựng vội vàng, vắt kiệt sức khỏe của những trai thanh gái tú Việt Nam tuổi đương thì.
Với một quốc gia trẻ 85 triệu dân đang tuổi lớn khát khao tiêu dùng, tình trạng lạm phát và nhập siêu, trong đó có nhập siêu xăng dầu, liên tục phá vỡ các giới hạn cho phép chắc chắn sẽ đặt Việt Nam trước những nguy cơ của khủng hoảng, buộc chúng ta phải đặt vấn đề về khả năng cung cấp sản phẩm cho dân chúng và suy nghĩ về công cụ quản lý chính sách vĩ mô thông qua phát triển bền vững.
Phát triển bền vững và cơ hội trong khủng hoảng:
Đã đến lúc chúng ta phải hiểu rõ những con cá vẫn có thể lớn nhanh và tươi ngon, những bông lúa vẫn trĩu hạt với chất lượng và giá cao mà không cần phải tiêu tốn nhiều năng lượng, vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên và hủy hoạt môi trường.
Người Nhật đã có thể phá bỏ những vùng trồng lúa để xây dựng nhà máy công nghiệp với giá trị tạo ra cao gấp nhiều lần nhưng họ vẫn để lại nhiều cánh đồng lúa mênh mông bởi nông nghiệp đã trở thành nguồn cảm hứng thiên nhiên, của du lịch và văn hóa cộng đồng.
Thực tế lịch sử phát triển cho thấy có nhiều con đường khác nhau để đi đến một giá trị phát triển bền vững. Nông sản có thể tạo ra được những giá trị lớn và người nông dân vẫn “khỏe mạnh tới tận già” bỏ xa những thu nhập “còm” ở một nhà máy công nghiệp nhỏ nơi mà thời giờ nghỉ ngơi, ánh sáng, chỗ ngồi, dinh dưỡng bữa ăn cho công nhân đều thiếu thốn một cách tệ hại.
Nơi mà sau 5 năm những “cối xay thịt” đó đã trả về cho quê hương những chàng thanh niên ốm yếu và phụ nữ trẻ với vô vàn bệnh phụ khoa. Họ bị vắt kiệt sức lao động ở lứa tuổi đang sung sức nhất bằng những thao tác hết sức đơn thuần “phổ thông” trong những nhà máy của những Ông chủ có tầm nhìn ngắn hạn và đầu tư vào Việt Nam chỉ là chụp giật.
Công nghiệp hóa là hết sức quan trọng và cần thiết. Nó đã đưa nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…đến bến bờ phát triển một cách nhanh chóng nhưng nó phải thực sự bắt đầu một cách có bài bản xuất phát từ lợi ích quốc gia chứ không phải manh mún và gượng ép xuất phát từ những lợi ích cá nhân của quan chức hoặc vùng miền.
Qủa thật, khi các tập đoàn lớn và nghiêm túc, có hàm lượng chất xám cao, vì những quan ngại chính trị đối với một quốc gia đang ngập ngừng trong đổi mới, chưa thực sự bước vào đầu tư thì những nhà đầu tư “cò con” đã kịp vào, cấu kết với tư bản đỏ, xé nát quy hoạch và ăn và chơi loạn xị ngậu trên mảnh đất Việt Nam này.
Diễn tiến hòa bình là sự liên tục thay đổi tư duy
Vốn hầu hết xuất thân từ nông dân, nhìn cây lúa, con cá lớn dần lên, lẽ ra các nhà chính trị cần phải hiểu thế nào là tiến hóa và phát triển bền vững để có tư duy khoa học, tận dụng các lợi thế cạnh tranh hầu đem lại một giá trị phát triển lớn hơn cho chính Nhân dân Việt Nam.
Về chính trị, đã đến lúc các nhà lãnh đạo đừng đem học thuyết vĩ đại “này nọ” hoặc những con “ngoáo ộp” ghê gớm đâu đó ra hù dọa dân chúng và những công chức yêu nước cấp tiến trong bộ máy của mình khi những điều tự nhiên như hơi thở là cơm ăn áo mặc, quyền được nói, được nghe, được cầu nguyện vẫn tiếp tục bị hạn chế.
Nhiều vị lãnh đạo đã rất phản động khi gán ghép những vấn đề như dân chủ, nhân quyền là một phần của “âm mưu” diễn tiến hòa bình mà quên rằng sự “tiến hóa hòa bình”[1] là điều tất yếu đang xảy ra liên tục trong chính bộ não chúng ta nếu chúng ta còn là một cơ thể sống.
Cần phải hiểu rằng, tự ngàn xưa và đúng với tất cả các loài, quan trọng nhất của sự tiến hóa là tiến hóa về tư duy. “Phát triển bền vững” chính là bền vững trong tiến hóa tư duy. Ngược lại với điều đó là phản động.
Về kinh tế, cần từ bỏ lý thuyết chạy theo tăng trưởng một cách đơn thuần và niềm đam mê “vai trò chủ đạo” của kinh tế Nhà nước bởi điều đó có thể dẫn rất nhanh đến sự phá sản của toàn bộ nền kinh tế do phải tập trung quá nhiều nguồn lực vào phát triển các tập đoàn tốn kém và bụi bặm.
Mặt khác sự vội vàng để chiếm lĩnh vai trò “định hướng” có thể gây ra nhiều hậu quả tai hại khác đối với môi trường sống của cả nước trong tương lai. Ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt là cái giá mà sau này con cháu sẽ phải trả có thể rất lớn.
Trước đây nhờ tiến hóa tư duy mà Việt Nam chúng ta từ đói ăn đã thành nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Trước đây cũng nhờ tiến hóa tư duy mà hợp tác khai thác dầu khí với các quốc gia ngoài Liên Xô nên hôm nay ta có những mỏ dầu khai thác có tỷ trọng lợi nhuận lớn hơn hẳn. Tóm lại, nhờ tiến hóa hòa bình mà Việt Nam ta đã từng vượt qua “tiểu khủng hoảng”
Vậy thì giải pháp tiếp theo của chúng ta hôm nay để đối mặt và vượt qua các cuộc “đại khủng hoảng” không có gì khác ngoài việc tiếp tục tiến hóa hóa bình, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tiếp tục các di sản của những người đi trước, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đưa đất nước đi lên dù có bị “búa” đập và “liềm” cắt. Muốn làm được vậy, trước tiên các nhà lãnh đạo cần phải tự “tiến hóa hòa bình”.
[1] Tác giả dịch chữ “Peaceful Evolution” là – “Tiến hóa hòa bình” trong khi hầu hết các đài báo Việt Nam đều dịch là “Diễn biến hòa bình”. Có thể xem thêm Darwin Evolution Theory – Học thuyết tiến hóa của Darwin.
No comments:
Post a Comment