Đang làm báo cáo chiến lược phát triển ngành Du lịch.
Lọ mọ tìm thấy một bài báo viết về du lịch đầy những nghịch lý logic.
Từ đó lại ngồi suy nghĩ sâu hơn. Nhớ người bạn là Quan chức cộng sản có một trang trại đẹp, có lần rủ mình về ngồi ở đó nói chuyện chính trị. Giữa tiếng gió ngàn hoang sơ, ông ấy bảo nhớ tiếng ồn của phố, nhớ thuốc lá 3 số và bia lạnh.
Lại miên man suy nghĩ về độc tài và dân chủ. Cái nào là nền của cái nào. Có lần một linh mục đã nói với mình: “Cộng sản là cái roi Thiên Chúa đưa xuống loài người quất vào chúng ta, răn đe chúng ta đi theo đường Thiên Chúa”.
Nhưng dù sao, bài viết sau đây về du lịch, nhờ sự tự do về ngôn luận đã cung cấp cho chúng ta một cách nhìn khác, khá thú vị.
_____________________________________________
Du lịch là ích kỷ!
Du lịch chân chính không phải là những anh bụng phệ hàng tuần kéo nhau ra Tuần Châu ăn hải sản, uống bia và “du lịch”, không phải những cô váy ngắn bốt cao xúm xít quanh đống thổ cẩm “lạ mắt” dưới gầm nhà sàn Bản Lác, không phải một đại đội các bác đội mũ lưỡi chai giống nhau, chen chúc chạy đằng sau một anh cầm cờ trên cầu Thê Húc. Như vậy là nghỉ dưỡng,là dưỡng gìa,hay cực đoan hơn : là đú đởn!
Du lịch chân chính là những người lữ hành không mỏi trên con đường ít dấu chân người qua, là những kẻ lang thang ngày qua ngày trên những dãy núi trùng điệp, những khu rừng già ẩm ướt hay những bản làng hẻo lánh, là những kẻ thích tự làm khổ mình, thích đẩy mình vào tình thế khó khăn nguy hiểm, chẳng để làm gì ngoài việc để thoả mãn cái “tôi thích thế” của họ. Họ thực chất là những kẻ ích kỷ, dù vô tình hay cố ý, theo cách này hay cách khác, họ đúng là những kẻ ích kỷ. Họ chỉ muốn “sướng” cho bản thân họ. Họ mò mẫm đến những bản làng xa xôi, thích thú ngắm nhìn những con người thiểu số sống một cuộc sống của cả thế kỷ trước. Họ vui mừng vì được chứng kiến cái hoang sơ và nghèo khó, nơi người ta ăn những thứ lá cây vốn chỉ dành cho gia súc, uống thứ nước chưa được xử lý do mấy cây tre ẩm mốc mang về, nơi mà mọi đồ đạc trong nhà đều méo mó, đen đúa và cáu bẩn. Tất nhiên họ chẳng phải là nguyên nhân của sự nghèo khó đó, và có thể họ cũng chẳng muốn người ta phải nghèo khổ như thế.
Nhưng, thật trớ trêu, họ lại cảm thấy khó chịu khi thấy cuộc sống của người ta khấm khá hơn. Họ thất vọng khi thấy mấy em Hmông váy áo “dân tộc” thế mà lại ngồi xem Ưng Hoàng Phúc hát trên VCD. Họ cau mày khi thấy trên mấy vách tường gỗ của ngôi nhà sàn được dán đầy những ngôi sao ca nhạc cả Việt Nam và Hàn Quốc. Họ muốn mọi thứ ở đó đều phải mang một vẻ ban sơ, thô mộc, original. Họ muốn mọi thứ ở những ngôi làng đó đều như phải được sinh ra từ đất, không plastic, không điện tử, không song. Nói một cách cực đoan hơn, họ không muốn những ngôi làng hẻo lánh mà họ đã khó nhọc tìm đến lại bị xâm lược bởi những thứ văn minh của cái đám người Kinh dưới kia, dù cho những cái mà họ gọi là “lai tạp vớ vỉn” đó chính là dấu hiệu của một cuộc sống vật chất đang được cải thiện, là những thứ để làm nông đi cái hố ngăn cách ngược xuôi.
Có những khi họ xa cơ lỡ bước trên bước đường lượt phượt, họ đi cầu cứu sự giúp đỡ của những người thiểu số đó. Họ được một gia đình nghèo khó nhưng tốt bụng dành cho một chỗ sạch nhất, ấm nhất trong nhà để ngủ, được ăn cơm với những quả trứng gà quý giá mà ngay cả đứa con suy dinh dưỡng của họ cũng không được ăn, uống những thứ rượu vốn được gia chủ cất sâu trong gậm giường. Những người nghèo khó tốt bụng đó xứng đáng được đền bù về mặt vật chất, họ nghĩ vậy. Thậm chí, theo cách nghĩ thông thường, nên được trả công hậu hĩnh hơn so với mức cần thiết. Họ biết rằng thêm 50.000 với họ không thành vấn đề gì nhưng với cái gia đình nghèo khổ kia thì đó là một món quà lớn mà có thể làm cho bà chủ nhà vui mấy ngày. Lương tâm họ muốn làm việc đó, nhưng họ lại không làm. Họ chỉ trả công cho gia đình ấy một cách rất rất chừng mực, chừng mực ở mức mà tất cả những người đi bụi khác đều chấp nhận được, và gửi kèm một lời cám ơn chân thành và very big. Họ lo ngại rằng một số tiền lớn hơn có thể sẽ làm “hư” cái gia đình ấy, rồi không lâu sau sẽ hư cả cái bản ấy, rồi những người khác đến sau họ sẽ phải chịu cảnh đối xử “dịch vụ”, “mất hết tình người”. Đây quả là một sự ích kỷ đầy tinh thần trách nhiệm, một sự ích kỷ có tổ chức.