NHỮNG CHIẾC CẦU
Chương trình thời sự gần đây cho thấy những cây cầu yếu đang tiếp tục khống chế từng đoàn xe quá trọng tải phải dừng lại trên đường. Lẽ ra cầu phải giúp cho sự đi lại được dễ dàng và thúc đẩy sự giao lưu giữa các “eo” bờ nay “cầu” đang trở thành điểm thắt nút bóp nghẹt nhiều doanh nghiệp và làm chậm chân nhiều công trình. Điều đó thể hiện sự bất cập và tầm nhìn ngắn hạn của các nhà lập kế hoạch phát triển giao thông.
Nhưng nghiêm trọng hơn là khi những nhà chính trị - những người lập kế hoạch phát triển xã hội- không tiên liệu được những chiếc “cầu” trong cuộc sống. Trong khi những cây cầu có cấu trúc vật lý không được thêm mới và những cái cũ đang trở nên già nua một cách nhanh chóng do sức nóng và sức ì của nền kinh tế, người dân tiếp tục phải qua rất nhiều “cầu” ở những nơi không phải “cầu”. Để được mua nhà, nhập hộ khẩu, xin giấy phép kinh doanh có điều kiện…người dân đều phải qua “cầu” dưới vô vàn hình thức và do nhiều tổ chức và cá nhân cung cấp.
Trầm trọng hơn là khi nhập viện, nhập trường để hưởng dịch vụ y tế và giáo dục là điều vốn đương nhiên con người phải được hưởng, những quy định thủ tục về “đúng tuyến” đang làm người dân liêu xiêu bước vội chân qua bất cứ chiếc “cầu” nào có được. Đó chính là những chiếc “cầu vượt”. Trong một xã hội mà nhân dân phải qua “cầu” để được tiếp cận với quyền được chữa bệnh và quyền được học hành, ở một thời kỳ mà họ phải trả phí hoàn toàn cho các dịch vụ đó, là điều không thể chấp nhận được. Có những người, do tin vào thủ tục được minh thị hoặc do tiếc tiền, nên đã cố tình “vượt cầu”, đặc biệt khi “cầu” đó là do chính người trong cơ quan hành chính giới thiệu hoặc cung cấp thì coi như “đi đứt”. Khi đó, hàng loạt thủ tục nhiêu khê sẽ được viện dẫn tối đa để dẫn dắt người dân đi vào các ngóc ngách đầy rẫy sự tốn kém và bực tức.
Vì những chiếc “cầu vượt” này mà biết bao nhiêu dự án đã trở thành “Cầu treo”. Trong khi các doanh nghiệp có năng lực vất vả chạy ngược xuôi tìm “đỏ con mắt” mà không ra được thuê đất hoặc tiếp cận tín dụng thì nhiều DN khác vốn không có năng lực tiếp tục nhận được những ưu đãi và những kênh tín dụng riêng để cuối cùng những DN đó lại biến các dự án thành “cầu trượt” “cầu treo” hoặc tự mình thành những “chiếc cầu” để cho những DN tư nhân có điều kiện phải trả thêm chi phí và bước qua.
Những chiếc cầu yếu không đủ trọng tải đang thực sự làm tắc ngẽn giao thông, ứ đọng hàng hóa và gây nhiều khó khăn cho các DN. Nhưng khó khăn nhiều hơn cho nhân dân chính là các “cây cầu” quan hệ và luồn lách tràn lan hàng ngày. Để khắc phục tình trạng đó không có gì khác ngoài việc thay đổi tư duy của công chức, ý thức rõ về một hành chính phục vụ, giảm bớt sự vô cảm, minh bạch hóa chính sách và trên hết là tôn trọng con người.
Giống như mạch máu trong cơ thể đang chảy, những chiếc cầu yếu đã trở thành một “cục máu đông” tạo nên khó khăn cho nền kinh tế và là nguy cơ gây bệnh chết người cho cơ thể sống. Tất cả đó đều là những việc lớn mà nếu không có sự “xét nghiệm” một cách nghiêm túc, bệnh sẽ phát tác và “trận sẽ vỡ”.