Thursday, September 20, 2007

THƯ KIẾM VẪY VÙNG

Hồ thỉ đã quen tay vũ trụ
Cầm thư chi lạ mặt quan hà
Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà
Nền vương thổ cả trong trời đất Việt
Ví chẳng điền viên vui tuế nguyệt
Âu đem thân thế hẹn tang bồng.
Kém gì Nam, Bắc, Tây, Đông
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất.
Di khuất trượng phu ưng bất bất,
Bao an quân tử tín vô vô !
Cuộc trăm năm chữ "Tố hành hồ..."
Bề khu xử quy mô hoàn tự biệt.
Can trường ấy, cho thiên hạ biết,
Biết rằng ai to nhỏ, nhỏ to ?.

- Nguyễn Công Trứ -

KỶ NIỆM 1 NĂM NGÀY SANG N.E.D

Tôi được học bổng của tổ chức National Endownment for Democracy (N.E.D) và được mang gia đình đi theo trong suốt thời gian học tại Mỹ. Tiền học bổng của N.E.D là do Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn y còn điều hành là do Bộ Ngoại giao. Tôi cho đó là một vinh dự và là một cơ hội tốt.

Năm 2006-2007 N.E.D nhận được hơn 300 applications và lựa chọn trao học bổng cho 18 người đại diện 18 nước khác nhau. Tôi tự hào mình là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất lần này được chọn để đi học. 18 học viên nhận học bổng đươc chia thành 2 lần nhập học, mỗi lần gồm có 9 người đại diện từ 9 nước. Lần 1 bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 năm 2006. Tôi nằm trong số đó.

Cả gia đình đã lập kế hoạch đi Mỹ học vào ngày 16 tháng 9 năm 2006 và dự định sẽ trở về Việt Nam vào ngày 6 tháng 3 năm 2007.

Lo lắng nhất là lúc xuất cảnh. Rất có thể tôi bị chặn lại tại sân bay Nội Bài và không cho xuất cảnh. Cũng chính vì lo lắng này mà tôi quyết định rời Việt Nam sớm hơn để nếu có những khó khăn gì thì còn kịp có thời gian để tự mình giải quyết hoặc thông qua N.E.D nhờ Bộ ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp. Quan ngại nhưng không lo sợ bởi tôi hiểu rằng Việt Nam đang mong muốn quốc hội Hoa Kỳ thông qua quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn – Nornmal Permanent Trade Relation- NPTR trong thời gian sớm nhất hoặc ít chí cũng là đến trước khi ông Bush sang thăm Việt Nam vào tháng 11 năm nay. Chưa được NPTR là vì Việt Nam còn bị ràng buộc đối xử theo tu chính của đạo Luật Jackson Vanik của đạo luật thương mại năm 1974. Đạo luật này ngăn cấm bình thường hoá quan hệ với các nước có nền kinh tế phi thị trường nhưng bản chất sâu xa hơn là ngăn chặn các quốc gia hạn chế quyền tự do đi lại của công dân. Động cơ trực tiếp nhất của việc ra đời đạo luật này chính là xuất phát từ việc Liên Xô cũ ngăn cấm các công dân Do Thái xuất cảnh ra nước ngoài. Bởi vậy nếu như tôi có vấn đề gì trong việc xuất cảnh, đó sẽ là bằng chứng hiển nhiên về việc Chính phủ VN tiếp tục vi phạm quyền tự do đi lại và góp thêm một bằng chứng về sự vi phạm và là cơ sở để tiếp tục duy trì tu chính Jackson-Vanik với Việt Nam.

Cuối cùng thì mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Đúng 5h30 chiều ngày 17 tháng 9 cả gia đình đặt chân xuống phi trường Washington D.C sau một chuyến đi dài và đầy thách thức. Đến nước Mỹ để quan sát và học tập là mong muốn của tôi. Đặc biệt là về Tự do và Dân Chủ là những giá trị mà tôi nghĩ người Mỹ đang cổ suý trên toàn thế giới.

Nay mong muốn đó đã thành hiện thực. 31 năm sau khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam, 34 năm khi có những người lính Mỹ đầu tiên rời khỏi Việt Nam, tôi trở lại nơi này để học tập họ và trao đổi kiến thức về dân chủ.

Vì lòng tự tôn dân tộc, Tôi thầm cầu mong mình học giỏi.

NGÀY 11 THÁNG 9 NĂM 2001

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, lúc 8h45 phút tối. Vào thời điểm đó đang xảy ra một trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Malaysia trên kênh truyền hình VTV3. Rất nhiều người Việt nam xem bóng đá qua truyền hình VTV3. Một số người khác thì không có đài truyền hình trực tiếp CNN. Tôi là một trong số ít gia đình lắp CNN tại thời điểm đó. Tôi còn là người không thích bóng đá và rất hay xem CNN. Ăn cơm xong là 8h tối thì ngồi xem CNN, Hiền và Thao ở trong nhà đọc sách. Đúng 8h50 phút thì CNN truyền hình trực tiếp đám cháy ở một trong 2 tháp đôi. Tôi gọi Hiền và Thao ra cùng xem. Khi thấy chiếc máy bay thứ 2 bay đến, tôi cho rằng đó là máy bay cứu hộ.

Nhưng không, chiếc thứ 2 đâm vào toà tháp thứ 2 và toà tháp này sụp đổ trước khi toà bị đâm ban đầu sụp đổ. Tôi gọi điện cho Mr. Hoát thông báo vào lúc 10h tối. Anh Hoát gọi một số người bạn kiểm tra. Khoảng 12 giờ đêm thì anh Hoát gọi lại bảo là Bộ Chính trị đã họp khẩn cấp về việc này, một người bạn thân của Anh Hoát có quan hệ làm việc về vấn đề an ninh tại hoa kỳ cũng đã được triệu tập ngay để báo cáo với chính phủ về tình hình. Cả gia đình đã xem hết tất cả những cảnh xúc động và hấp dẫn nhất do CNN truyền hình trực tiếp. Hiền đi ngủ lúc 1h30 sáng còn tôi ngồi xem đến gần 4 giờ sáng mới đi ngủ (tức là 4 giờ chiều ngày 11 tháng 9 giờ New York). Giấc ngủ chập chờn những cảnh máy bay, lửa cháy, người nhảy từ lầu cao xuông…

Tôi không ngờ rằng kể từ thời điểm đó, thế giới chuyển sang một khúc quanh mới với ít nhất 2 cuộc chiến tranh đã nổ ra và một hệ luỵ dai dẳng về xung đột tôn giáo, về trung đông, về khủng bố…

Người mỹ đã bị tấn công và họ tuyên chiến. Cuộc chiến chống khủng bố. Một cuộc chiến không có đường biên giới, không có trận tuyến nhưng rải rác khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Một cuộc chiến gắn liền với đức tin, an ninh và cả ý thức hệ.