Trong mọi cuộc đấu tranh, bắt buộc đầu tiên là phải biết nhìn ra mục tiêu chính trong mỗi giai đoạn. Tự do kết hợp, nghĩa là quyền thành lập và tham gia các tổ chức, thường được gọi một cách thiếu chính xác là “quyền tự do lập hội” hay quyền “tự do hội họp”, là một trong những quyền con người căn bản nhất và cũng là một điều kiện cần thiết cho tiến bộ, ý kiến và sáng kiến. Trong cuộc vận động dân chủ hiện nay nó là một trong những mục tiêu sau cùng đồng thời cũng là mục tiêu cốt lõi của giai đoạn này.
Tuy đại hội XI của Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa kết thúc vào lúc bài này được viết ra người ta cũng đã biết trước những gì cần biết: sẽ không có gì thay đổi. Đảng cộng sản sẽ khẳng định duy trì chủ nghĩa Mác-Lênin và chính sách độc tài toàn trị; những cấp lãnh đạo mà cả nước và chính đại đa số đảng viên cộng sản đều đã biết quá rõ là vừa thiếu khả năng vừa thiếu đạo đức sẽ được chỉ định vào những địa vị lãnh đạo cao nhất trong đảng và nhà nước. Đại hội còn mở cửa cho một khả năng đáng lo ngại là ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ gia tăng quyền lực và thẳng tay đàn áp mọi nguyện vọng dân chủ.
Trong một thế giới mà một trật tự hậu khủng hoảng đang hình thành đòi hỏi mọi nước, nhất là những nước dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, những thay đổi rất quan trọng, đảng cộng sản đã chứng tỏ nó hoàn toàn không còn khả năng thích nghi. Nhưng đây cũng là thách thức quá xấc xược đối với dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử nước ta, và cả trong lịch sử thế giới, chưa hề có trường hợp mà một chính quyền ngang nhiên tuyên bố theo đuổi một chủ nghĩa mà mọi người, kể cả chính họ, đều đã thấy là sai trái. Hơn thế nữa, chủ nghĩa Mác-Lênin không phải chỉ bị bác bỏ là sai trái, nó còn bị xóa bỏ như một triết lý chính trị và bị lên án như là nguyên nhân của những tội ác kinh khủng đối với loài người. Trong một kỷ nguyên được coi là kỷ nguyên tri thức mà vũ khí tranh đua sống còn của mỗi dân tộc là sự hiểu biết, ý kiến và sáng kiến, những con người kém cỏi cả về kiến thức lẫn nhân cách lại tự cho phép cai trị một cách độc đoán, ngăn cấm thông tin và thảo luận; một đảng đã mất hết sự chính đáng và cạn kiệt về trí tuệ lại tự cho phép cầm quyền một cách tuyệt đối và vô thời hạn.
FreedomHouse Trong Phúc Trình Về Tự Do Trên Thế Giới Năm 2007 (Survey of World Freedom in 2007), tổ chức Freedom House đánh giá là tình trạng dân chủ tại Việt Nam không có tiến bộ nào trong khoảng thời gian mười năm từ 1997 đến 2007. Đây là một nghiên cứu công phu và đứng đắn. Ta cũng có thể nói thêm là từ đại hội 8 của đảng cộng sản năm 1996 không có tiến bộ nào và từ năm 2007 trở đi đàn áp chính trị tại Việt Nam đã gia tăng chứ không giảm đi. Như vậy là cuộc vận động dân chủ đã dậm chân tại chỗ – nếu không lùi bước – trong ít nhất 15 năm qua. Nhận xét này phải khiến những người dân chủ Việt Nam suy nghĩ.
Hãy đặt lại cậu hỏi căn bản nhất: dân chủ là gì?
Đó là cách tổ chức xã hội đặt luật pháp lên trên tất cả, nói khác đi một chế độ pháp trị hay pháp quyền, và trong đó ít nhất ba quyền tự do cơ bản sau đây được thể hiện: tự do ngôn luận và báo chí, tự do ứng cử và bầu cử, và tự do kết hợp.
Bốn thành tố nhà nước pháp quyền, tự do bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận và tự do kết hợp định nghĩa một chế độ dân chủ ở mức độ căn bản. Cuộc vận động dân chủ như vậy trên nguyên tắc gồm bốn mặt trận, nhắm tranh thủ bốn thành tố này. Trên thực tế chỉ có hai mặt trận quan trọng như nhau là tự do ngôn luận và tự do kết hợp. Tại sao? Đó là vì hai thành tố nhà nước pháp trị và bầu cử tự do là những điều mà một chế độ cộng sản chỉ nhượng bộ khi đã nhìn nhận tuyệt vọng, nghĩa là vào phút chót, sau khi đã nhượng bộ trên tất cả những điểm khác. Mọi kinh nghiệm lịch sử đều chứng tỏ cho đến khi sụp đổ không một đảng cộng sản nào thực hiện nhà nước pháp trị cả, triết lý Mác-Lênin chỉ coi pháp luật như một dụng cụ đàn áp. Trong suốt lịch sử của phong trào cộng sản thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào. Tự do ngôn luận và tự do kết hợp là hai thành tố mà các chính quyền toàn trị cũng muốn bóp nghẹt nhưng không thể thể bóp nghẹt hoàn toàn nếu không muốn chính mình cũng bị ngạt thở, do đó đối lập dân chủ luôn luôn có thể vận dụng, nhất là trong trường hợp chế độ mở cửa ra với thế giới và kinh tế tăng trưởng. Chúng cũng đủ để đào thải một chế độ cộng sản.
Trên mặt trận tự do ngôn luận đã có tiến bộ khả quan. Đây là kết quả của một cuộc giằng co đã kéo dài trong hơn ba mươi năm qua và vẫn còn tiếp tục giữa một xã hội Việt Nam cố vùng vẫy để tự cởi trói và một đảng cộng sản cố gắng xiết lại để giữ nguyên chế độ toàn trị trong đó tương quan lực lượng luôn luôn biến đổi thuận lợi cho quần chúng Việt Nam do sự kiện Việt Nam mở cửa ra với thế giới, mức sống của người dân cao hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và các phương tiện truyền thông hiện đại phát triển dồn dập. Một người Việt Nam ngày nay có thể công khai phê phán nhà nước và các cấp lãnh đạo là tham nhũng, chủ nghĩa cộng sản là sai, dân chủ Mỹ là đúng v.v… và cũng có thể đăng những bài có nội dung tương tự trên các báo mạng mà không sợ bị bỏ tù, cùng lắm chỉ có thể bị sách nhiễu, với điều kiện là chỉ phát biểu với tư cách cá nhân.
Về quyền tự do kết hợp chưa thể nói là đã có tiến bộ. Những người thành lập và tham gia các tổ chức vẫn bị đàn áp hung bạo. Nếu ta nhìn lại những vụ bắt người và xử án gần đây ta thấy chúng thuộc một trong hai trường hợp: hoặc các đương sự đã hành động có tổ chức hoặc họ đã đả kích Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Xuân Nghĩa và các bạn đã kết hợp với nhau để treo biểu ngữ và rải truyền đơn; Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung tham gia Đảng Dân Chủ; Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Hữu Chương liên kết với một số tổ chức đối lập ở nước ngoài để rải truyền đơn. Phạm Minh Hoàng tham gia đảng Việt Tân. Cù Huy Hà Vũ liên tục lên án Nguyễn Tấn Dũng; Trần Huỳnh Duy Thức tiết lộ hồ sơ tham nhũng của Nguyễn Tấn Dũng. Như vậy ngoài quyết định trả thù cá nhân của ông Nguyễn Tấn Dũng, một người nắm được quân đội và công an và sử dụng triệt để hai dụng cụ bạo lực này, chủ trương của đảng cộng sản là đàn áp mọi mầm mống hình thành tổ chức. Hai trường hợp chưa xét xử, Phan Thanh Hải (tức Anh Ba Sài Gòn) và Vi Đức Hồi càng đáng chú ý. Cả hai đều bị bắt và truy tố một cách hoàn toàn vô cớ. Cả hai đều không làm điều gì mới trong thời gian gần đây, họ chỉ phát biểu như vẫn thường phát biểu và còn phát biểu ít hơn trước, một cách dè dặt hơn trước. So với những phát biểu của các trí thức có danh phận trong “Hội Nghị Khoa Học” đóng góp cho các văn kiện của đại hội đảng thì những phát biểu của họ quá ôn hòa. Nhưng họ đã bị bắt vì cùng một lý do: họ tham gia hoặc có triển vọng tham gia một tổ chức. Phan Thanh Hải trở thành nhân vật chủ chốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do sau khi Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày) bị bắt. Vi Đức Hồi tham gia ban biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc và gần đây được một số trí thức dân chủ trong nước đánh giá là có tiềm năng làm ngọn cờ cho một kết hợp dân chủ. Họ bị bắt và sắp bị kết án vì bị coi là nguy hiểm chứ không phải vì những điều họ đã nói và làm. Và họ nguy hiểm ở chỗ có khả năng xây dựng tổ chức. Cũng cần lưu ý là Điếu Cày sau khi mãn hạn tù về tội trốn thuế đã tiếp tục bị giam giữ dưới một tội danh khác: tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ Luật Hình Sự. Điều này chứng tỏ tội danh “trốn thuế” trước đây chỉ là lý cớ, lý do thực sự là Điếu Cày đã thành lập CLB Nhà Báo Tự Do. Đảng cộng sản rất sợ tổ chức vì đó là cách đấu tranh duy nhất có thể buộc chế độ phải thay đổi. Một cách gián tiếp chính đảng cộng sản đã chỉ cho những người dân chủ biết muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải đấu tranh như thế nào.
Vả lại nếu không có những kết hợp để làm đối trọng thì các tự do cá nhân, kể cả tự do ngôn luận, dù có được nới lỏng cũng không có gì bảo đảm, chính quyền vẫn có thể ra tay khi thấy cần, như họ đã bắt như Vi Đức Hồi, Phan Thanh Hải và Cù Huy Hà Vũ mà không gặp phản ứng mạnh. Tình trạng sẽ khác nếu những người này là thành viên của những tổ chức lớn có sự hiện diện công khai và có phương tiện để phản đối. Sức mạnh khiến các tổ chức không những có khả năng bảo vệ những quyền hợp pháp sẵn có mà đòi hỏi những quyền chính đáng chưa có. Chính vì thế mà các tổ chức là tử huyệt của các chế độ độc tài toàn trị.
Như vậy nếu tự do kết hợp là điều mà chính quyền cộng sản quyết tâm không nhượng bộ thì nó cũng là quyền mà đối lập dân chủ Việt Nam phải giành cho bằng được vì một lý do giản dị là nếu không thể kết hợp thì cuộc vận động dân chủ không thể đi xa. Cho tới nay sự hung bạo của chính quyền cộng sản đối với các tổ chức đã khiến những người dân chủ Việt Nam tránh né, cố gắng xoay quanh thay vì vượt qua trở ngại. Đã đến lúc họ phải nhìn thẳng vào sự thực và lấy quyền tự do kết hợp làm mục tiêu tranh đấu cốt lõi, nếu chưa hẳn là duy nhất, của giai đoạn này. Có quyền này chúng ta sẽ giành được tất cả, không có quyền này chúng ta sẽ chỉ dậm chân tại chỗ.
Cũng như tự do ngôn luận, tự do kết hợp là điều mà ta có thể giành được. Lý do là vì “kết hợp” là một khái niệm vừa không có định nghĩa rõ ràng lại vừa là một nhu cầu tự nhiên mà không một chế độ nào có thể cấm hoàn toàn. Gia đình là một kết hợp, những nhóm bạn bè cũng là một kết hợp, các tổ chức do đảng cộng sản thành lập hoặc cho phép như hội phụ nữ, hội nhà văn, các xí nghiệp, trường học v.v. đều là những kết hợp. Kết hợp có biên giới mờ ảo và đó chính là đặc tính mà chúng ta có thể khai thác nếu khôn khéo và có quyết tâm. Khai thác như thế nào là một đề tài cần một cuộc thảo luận riêng. Trong bài này chúng ta hãy tạm giới hạn trong những nét chính.
Trước hết, sử dụng khả năng ngôn luận hiện có để trình bày sự cần thiết của tự do kết hợp, đòi hỏi quyền tự do kết hợp và đặt quyền tự do kết hợp thành mục tiêu tranh đấu của những người muốn đổi mới đất nước. Đây là một đòi hỏi rất chính đáng, tự do kết hợp là một trong những quyền con người căn bản nhất. Đó cũng là nền tảng của xã hội dân sự. Mọi nghiên cứu đều chứng tỏ các tổ chức trong xã hội dân sự là môi trường phát triển tự nhiên của con người, làm nảy sinh, nuôi dưỡng và hoàn thiện ý kiến và sáng kiến. Không có tự do kết hợp sẽ không có xã hội dân sự đúng nghĩa, trí tuệ con người sẽ bị giới hạn và xã hội sẽ bị tù hãm trong sự thua kém. Chúng ta phải đấu tranh giành quyền tự do kết hợp ngay cả nếu phải trả giá đắt vì đó là điều kiện bắt buộc để cuộc vận động dân chủ thành công, nhưng cũng vì nhu cầu phát triển trí tuệ của mỗi người và vì tương lai của đất nước.
Sau đó, cũng giống như tự do ngôn luận, chúng ta phải vận dụng khả năng của thực tại xã hội để giành lấy chứ không chờ đợi để được phép kết hợp. Mức độ ngôn luận tương đối hiện nay không phải do chính quyền cộng sản tử tế cho phép mà là một thực tại xã hội mà họ phải chấp nhận. Một cách cụ thể chúng ta cứ kết hợp dù không được phép, nhưng kết hợp ở một mức độ và theo một cách mà chính quyền cộng sản vừa chưa thấy cần phải đàn áp ngay vừa thấy nếu đàn áp còn thiệt hại hơn là không đàn áp, rồi dần dần củng cố thêm, cuối cùng thành một thực tại xã hội mà họ phải nhìn nhận. Cụ thể hơn nữa khai thác mọi trường hợp để khuyến khích sự thành lập của các nhóm thân hữu, văn hóa, nghề nghiệp đồng thời thành lập những nhóm gặp gỡ và trao đổi chính trị; các nhóm này không cần có tuyên ngôn thành lập, cơ cấu tổ chức, cương lĩnh và kế hoạnh hành động; với thời gian chúng tự nhiên sẽ có nội dung và sức mạnh. Ký tên vào một tuyên ngôn chung có nội dung dân chủ và kết hợp là một phương thức khác. Tùy cách soạn thảo mà một bản tuyên ngôn có ý nghĩa của một kết hợp dân chủ hay mới chỉ là một kiến nghị hoặc một tuyên ngôn chung thuần túy.
Nhưng trong trường hợp nào chính quyền cộng sản không đàn áp? Chế độ cộng sản Việt Nam cũng như mọi chế độ cộng sản chỉ nhân nhượng trong một trong hai trường hợp: một là họ lâm vào khủng hoảng nặng, như năm 1986 khi kinh tế sụp đổ, quan thày Liên Xô chao đảo, buộc họ phải “đổi mới”; hai là họ phải thừa nhận một thực tế xã hội đã quá rõ ràng, chống lại chưa chắc đã được mà lại phải trả giá phải quá đắt, như hiện nay họ phải miễn cưỡng nới rộng tự do ngôn luận trên thực tế.
Công khai hóa dần dần sự hợp tác giữa những người dân chủ trong và ngoài nước, trái với sự hù dọa của chính quyền cộng sản và thành kiến của một số người, cũng là một bảo đảm cho sự vững chắc và an toàn của lực lượng dân chủ trong nước. Một trong những giải pháp là trong thời gian đầu công tác phối hợp do những người ở ngoài nước đảm nhiệm, vai trò lãnh đạo sẽ chuyển dần về quốc nội cùng với mức độ chín muồi của vận động dân chủ. Chính quyền cộng sản sẽ không đàn áp nếu thấy rằng đàn áp chỉ khiến họ bị lên án mà vẫn không đụng tới được bộ phận đầu não.
Dĩ nhiên ở mỗi thời điểm cần khai thác tối đa những biến chuyển của một xã hội đang mở cửa về kinh tế trong đó mức sống của quần chúng được nâng cao. Những biến chuyển này rất thuận lợi cho cuộc vận động dân chủ. Đã có nhiều nghiên cứu công phu về khả năng đấu tranh cho dân chủ tại các nước độc tài đang mở cửa về kinh tế. Ngay từ đầu thập niên 1960 công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông Seymour Martin Lipset đã cho thấy có một quan hệ mật thiết giữa phát triển và dân chủ, theo đó tăng trưởng kinh tế không phải là điều kiện cần để có dân chủ nhưng là một yếu tố rất thuận lợi. Gần đây một nghiên cứu rất qui mô của tổ chức Values Survey do hai giáo sư Ronald Inglehart (Mỹ) và Christian Welzel (Đức) hướng dẫn đã tổng hợp một khối lượng dữ kiện khổng lồ trên hơn 80 quốc gia để đi tới một kết luận chắc chắn là sự khá giả vật chất luôn luôn có tác dụng thúc đẩy mọi xã hội, trong tất cả mọi nền văn minh, về cùng một hướng là tăng cường tự do cá nhân, kích thích sự hình thành của các tổ chức xã hội dân sự, giải phóng quần chúng khỏi sự chi phối của chính quyền và thúc đẩy họ kết hợp với nhau đòi dân chủ bằng những phương thức hòa bình như kiến nghị, biểu tình v.v… Một nghiên cứu lớn khác của O’Donnell và Schmitter lại cho thấy là tăng trưởng kinh tế không những chỉ tăng sức mạnh và ảnh hưởng của xã hội dân sự mà còn làm tan vỡ tập đoàn cầm quyền; một khuynh hướng “uyển chuyển” (softliner) sẽ tự nhiên xuất hiện ngay trong môi trường cầm quyền chống lại với khuynh hướng “cứng rắn” (hardliner). Phe uyển chuyển, hay cởi mở, này không hề có ý định “chống đảng”, họ chỉ thấy là chế độ bắt buộc phải thích nghi với thực tế mới để có thể tiếp tục tồn tại, nhưng họ đụng phải sự mù quáng của phe thủ cựu, với hậu quả là chế độ bị phân hóa và sụp đổ nhanh hơn. Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin tiêu biểu cho khuynh hướng này tại Nga, trong một chừng mực nào đó Ôn Gia Bảo cũng có thể là một trường hợp tương tự tại Trung Quốc. Những nghiên cứu này đi đến những kết luận mà mọi người đều có thể nghĩ, nghĩa là phát triển kinh tế tạo điều kiện thuận lợi dân chủ; điều đặc sắc của chúng là ở chỗ chúng được thực hiện một cách công phu, đầy đủ và khách quan đến độ không ai, dù ngụy biện đến đâu, có thể phản bác. Ứng dụng vào trường hợp Việt Nam chúng cho thấy nếu quyết tâm chúng ta có thể buộc chính quyền cộng sản phải chấp nhận tự do kết hợp như một thực tại xã hội như họ đã phải nới lỏng sự kiểm soát đối với quyền tự do ngôn luận, sau đó tăng cường hai quyền này và buộc chính quyền cộng sản chấp nhận dân chủ. Vả lại phúc trình Ronald Inglehart và Christian Welzel dự đoán Việt Nam cũng như Trung Quốc sẽ có dân chủ trong thời gian hai thập niên (phúc trình của họ xuất bản năm 2005).
Nhưng tại sao vẫn chưa có tiến bộ nào đáng nói về quyền tự do kết hợp?
Cách đây hơn mười năm, năm 1999, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thăm dò khả năng đưa ra một sáng kiến tương tự như “Hiến Chương 77″ của những người dân chủ Tiệp Khắc. Một “Kết Ước 2000″ [*] được dự thảo và gửi đến các thân hữu trong và ngoài nước được xem là những người tích cực nhất. Bản văn này rất ngắn, khoảng 500 chữ và được cân nhắc từng chữ. Mục đích của nó là công bố với dư luận Việt Nam và thế giới rằng những người dân chủ Việt Nam đã kết nghĩa với nhau trong mục tiêu chung là xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ vào bao dung. Tuyệt đối không có một lời lẽ nào thù địch với đảng cộng sản. Bản kết ước này gặp hai loại phản ứng rất khác nhau giữa trong và ngoài nước. Tại hải ngoại, các ý kiến phần lớn cho rằng Kết Ước 2000 “không đủ mạnh”, nghĩa là không nói lên quyết tâm chống chế độ độc tài cộng sản. Ngược lại anh em trong nước thì lại cho rằng chưa đến lúc, hàm ý Kết Ước là một sáng kiến quá táo bạo. Ông Trần Độ nói: “Người ta sẽ trừng trị chứ không để yên”. Có người cho rằng Kết Ước không trung thực, mình chưa có lực lượng mà làm như có tổ chức là gây một hy vọng giả tạo. Tôi không biết phải nghĩ thế nào về lập luận này vì Kết Ước chính là sự nhìn nhận rằng những người dân chủ chưa có lực lượng và kết hợp với nhau để có sức mạnh chung. Cuối cùng thì số người hưởng ứng ít hơn những người không muốn tham gia, Kết Ước 2000 nếu công bố sẽ phơi bày sự chia rẽ hơn là sức mạnh. Lý do trực tiếp khiến anh em trong nước ngại là lý do mà Tướng Trần Độ đã nói, nhưng qua những tiếp xúc vận động cho dự án không thành này tôi cũng khám phá ra một điều không tưởng tượng nổi, đó là tuyệt đại đa số những người dân chủ Việt Nam trong cũng như ngoài nước không thấy cần phải đấu tranh có tổ chức. Hình như họ nghĩ chỉ cần viết bài đả kích, lên án là chế độ cộng sản sẽ sụp đổ và cuộc cách mạng dân chủ sẽ thành công. Không có tiến bộ về quyền tự do kết hợp bởi vì người ta chưa đòi. Và họ chưa đòi vì không có nhu cầu, vì chính họ không có ý định tham gia một tổ chức nào cả.
Đó là chuyện hơn mười năm về trước. Thời gian đã phần nào đã làm công việc của nó. Ngày nay hầu như mọi người dân chủ đều đã hiểu rằng sẽ không có một thế lực nào đem dân chủ ban phát cho chúng ta cả, có dân chủ hay không và có dân chủ lúc nào chỉ tùy thuộc ở sự phấn đấu của chính người Việt Nam, và chúng ta cũng chỉ giành được thắng lợi cho dân chủ nếu có một lực lượng dân chủ mạnh. Muốn hình thành một tổ chức dân chủ mạnh ở trong nước thì phải có tự do kết hợp. Như vậy đấu tranh đòi quyền tự do kết hợp, để có thể xây dựng lực lượng dân chủ, phải được coi là mục tiêu quan trọng nhất của giai đoạn này.
Chắc chắn cuộc đấu sẽ gay go, rất gay go, nhưng đây là trận đấu quyết định mà chúng ta không thể tránh né.
Không thể và cũng không cần tránh né bởi vì trong cuộc đấu này thế mạnh không ở phía chính quyền cộng sản. Tự do kết hợp là một trong những quyền con người căn bản nhất và cũng là điều kiện không thể thiếu để đất nước ra khỏi thảm kịch tụt hậu hiện nay. Lý hoàn toàn thuộc về ta và lý tự nó có sức mạnh. Chúng ta sẽ được hậu thuẫn của cả nhân dân Việt Nam lẫn dư luận thế giới.
Nhưng không phải chỉ có thế. Ngoài những nghiên cứu rất giá trị đã nói ở phần trên chứng tỏ dân chủ là tương lai bắt buộc, trong những ngày sắp tới đảng cộng sản sẽ gặp bối rối lớn. Một trật tự kinh tế hậu khủng hoảng đang hình thành và sẽ rất khó khăn cho Việt Nam, đòi hỏi những cố gắng thích nghi lớn và nhức nhối. Chủ nghĩa thực tiễn đang thoái trào tại Hoa Kỳ và Châu Âu, các nước dân chủ sẽ cứng rắn hơn với các chế độ độc tài. Đảng cộng sản cũng sẽ không thể dựa vào Trung Quốc vì chính Trung Quốc cũng sẽ chao đảo; mô hình Trung Quốc không còn phù hợp trật tự thế giới hậu khủng hoảng. Đảng CSVN càng lúng túng hơn vì những tài liệu chuẩn bị cho Đại hội XI và những tuyên bố của những người lãnh đạo chứng tỏ họ không nhìn thấy những thử thách trước mắt. Chưa kể là đại hội này còn là một thách đố xấc xược đối với nhân dân Việt Nam. Đảng cộng sản cũng đã rất phân hóa và những softliners, những phần tử cởi mở trong đảng, ngày càng nhiều.
Tình thế sẽ thuận lợi, chúng ta sẽ có một cơ hội tốt để thúc đẩy cuộc vận động dân chủ tiến thêm một bước lớn và quyết định. Có triển vọng vấn đề dân chủ hóa sẽ chủ yếu được giải quyết trong vòng năm năm tới. Với điều kiện là đừng quên rằng một cơ hội chỉ là một cơ hội cho những ai đã chuẩn bị để chờ đợi nó.
(Dự thảo, dự định công bố ngày 31/12/1999)
Thế kỷ 21 và thiên niên kỷ thứ ba đến vào giữa lúc mà xu hướng toàn cầu hóa đã trở thành áp đảo. Trong kỷ nguyên mới này, cũng là kỷ nguyên của sáng kiến và sự hiểu biết, các quốc gia mà biên giới được coi như hàng rào ngăn chặn đà tiến chung và những giá trị phổ cập của loài người sẽ không còn lý do tồn tại và sẽ không thể tồn tại. Các quốc gia như thế sẽ không được sự hưởng ứng của người dân, sẽ không động viên được nội lực, sẽ thua kém, sẽ bị giải thể trong lòng người và sau cùng sẽ tan rã.
Chúng tôi là những người Việt Nam cùng chia sẻ một lo âu trước sự tụt hậu của đất nước, trước sự thờ ơ của quần chúng và trước sự thiếu tầm nhìn của nhiều người lãnh đạo đất nước. Chúng tôi tin là phải tìm ra một giải đáp chung cho những khó khăn của đất nước; sự kiện người dân mất lòng tin và ý thức cộng đồng, mỗi người tự tìm một giải pháp cá nhân là rất nguy hại cho đất nước và cho mọi người. Chúng tôi muốn giữ đất nước mà ông cha đã đổ mồ hôi và xương máu tạo dựng cho con cháu. Chúng tôi muốn để lại cho các thế hệ mai sau một đất nước đẹp hơn, đáng yêu và đáng tự hào hơn.
Chúng tôi quan niệm đất nước cần cho mọi người, vì đó là một tình cảm và một không gian tương trợ giữa những người cùng một ngôn ngữ, lịch sử và văn hóa. Đất nước ấy nhìn nhận và bảo đảm chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người; bạo lực và đàn áp phải được loại bỏ, thay vào đó là đối thoại, thỏa hiệp và hợp tác phải được tôn vinh như những giá trị nền tảng của xã hội; mọi người Việt Nam phải quí mến nhau trong sự tôn trọng mọi khác biệt; nhà nước, dụng cụ thực hiện đồng thuận dân tộc, phải xuất phát từ nhân dân qua một chọn lựa thực sự tự do. Nhà nước ấy là một dự án tương lai chung, liên tục hình thành và đổi mới, nhưng lúc nào cũng được mọi người tự nguyện chấp nhận.
Chúng tôi tin tưởng rằng nếu được quan niệm lại một cách đúng đắn, phát huy được nội lực và trí tuệ toàn dân, đất nước ta có thể vươn lên rất mạnh mẽ, giành được một chỗ đứng vẻ vang trên thế giới và góp phần xứng đáng làm đẹp hơn một trái đất đã trở thành tổ quốc chung của nhân loại anh em.
Đầu thiên niên kỷ thứ hai, ông cha ta đã mở ra kỷ nguyên tự chủ. Chúng tôi kêu gọi mọi người Việt Nam hãy bước qua mọi ngăn cách và hận thù để cùng phấn đấu và động viên nhau phấn đấu mở ra cùng với thiên niên kỷ thứ ba kỷ nguyên của một nước Việt Nam tự do, và dân chủ.
© Thông Luận 2010