Wednesday, May 08, 2024

 


Chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ. Chỉ sau hơn 1 năm, hai chủ tịch nước, hai phó thủ tướng và một chủ tịch quốc hội buộc phải từ chức.

Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban kiểm tra Trung ương với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.

Tính đồng phục trong quản lý báo chí đã quay trở lại một cách đầy khiên cưỡng giữa một thế giới đang số hoá và tràn ngập thông tin. Bởi vậy tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.

Các quy định của đảng? 

Chưa bao giờ các quy định nội bộ của Đảng cộng sản được các đảng viên lo lắng tìm hiểu và học thuộc như bây giờ. Chưa bao giờ Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của Nhà nước một cách chóng vánh trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.

Trong những năm gần đây, càng bị bế tắc về lý luận soi đường, Đảng cộng sản Việt Nam càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.

Theo Quy định số 66/QĐ-TW về Thể loại, thẩm quyền và thể thức ban hành văn bản của Đảng thì Đảng cộng sản Việt nam hiện nay đang có 25 thể loại văn bản và 8 loại văn bản, giấy tờ hành chính. Một hệ thống cơ quan của Đảng vẫn trải dài từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến tận các bản làng xa xôi, lũng đoạn và can thiệp vào mọi công việc của chính quyền.

Song song với hàng loạt quy định của Đảng được ban hành, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn kịp hoàn thiện được một số tác phẩm dày cộm của mình, trở thành “nền tảng lý luận cho công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn mới”.

Ba vũ khí quan trọng để hạ bệ nhau

Từ năm 1980, Đảng cộng sản Việt Nam đã học theo mô hình Liên Xô, đưa Điều 4 vào Hiến pháp, cho phép Đảng cộng sản “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội”. Dựa vào đó, Đảng bắt đầu đưa ra các quy định của riêng mình, để len lỏi điều hành toàn bộ cả quốc gia.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng đã “nấp mình trong dân” và lãnh đạo một cách khéo léo qua các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước nhưng gần đây, khi xung đột càng cao lên, số lượng đảng viên lớn và khả năng quản trị khó khăn hơn giữa một thế giới “phẳng hơn”, Đảng đã đưa ra các loại văn bản của mình để quản lý, điều hành và “kỷ luật” lẫn nhau một cách công khai và bài bản hơn.

Bộ ba “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:

  • Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên
  • Quy định số 37/QĐ-TW ngày 25/10/ 2021 về những Điều đảng viên không được làm;
  • Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.

Trong 19 Điều đảng viên không được làm theo Quy định 37/QĐ-TW thì có những mục rất cụ thể, đọc giống như các Điều khoản trong Chương XXIII về “Các tội phạm về tham nhũng” của Bộ luật hình sự như: “Tham ô, hối lộ, nhận tiền, chạy chức, chạy quyền, đánh bạc….” (Điều 14,15); nhưng cũng có những điều rất mơ hồ đọc như một văn bản tôn giáo như: “chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức..” hoặc “thờ ơ, vô cảm với những hành vi sai trái trong xã hội, mê tín, thực hành mê tín, tổ chức tiệc cưới, việc tang xa hoa…” (Điều 18)

Quy trình đánh một “mục tiêu” là Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của đảng” rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với Pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật hình sự.

Áp dụng cho tất cả cán bộ 

Lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng cộng sản để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” nghĩa là áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.

Điều 3 của Quy Định 41/QĐ-TW minh định “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ”, nghĩa là từ một nhân viên cấp thấp nhất cho đến vị trí lãnh đạo nhà nước cao nhất đều bị đảng “lãnh đạo và quản lý”.

Thời gian trước, Quốc hội đã từng bàn về việc dân được trực tiếp bầu ra trưởng thôn, nhưng không lâu sau đó Nghị quyết liên tịch (số 09/2008/NQLT-CP-UBMTTQVN) đã khoá trái điều này bằng cách Quy định mọi ứng viên phải được báo cáo với Chi uỷ Chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất danh sách người ra ứng cử (từ 1-2 người).

Như vậy, bằng Quy định nội bộ của mình, Đảng cộng sản đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.

Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi mà không được biết lý do. Rõ ràng nhân dân không thể không hoang mang khi chỉ cách đây hơn 2 năm, vào ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ đã được 100% Đại biểu quốc hộicó mặt bầu làm Chủ tịch quốc hội. Các cơ quan truyền thông khi đó đều đồng loạt ca ngợi ông Huệ như một niềm hy vọng cho đất nước, dẫn dắt “cơ quan quyền lực cao nhất” đến những cải tổ pháp lý quan trọng.

Nhưng rồi, cũng chính ông, nếu không từ chức chắc chắn sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề hơn và báo chí có thể bắt đầu viết về ông như những tên tội phạm. Hàng loạt câu hỏi nhức buốt cứ vương vấn trong đầu những người còn suy tư về đất nước rằng thực tế ông đã phạm vào điều gì?

Rút súng bắn vào chân mình

Đã một thời chúng ta nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp nhưng nó thực sự đã bị quy định của đảng và cả các tác phẩm của ông Nguyễn Phú Trọng chặn đứng lại. Ông Trọng đã kiên quyết gắn cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” và “đảng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền” trong các tác phẩm của mình, sáng tạo và làm lây lan một loại vi rút “nội quy” trong toàn bộ đảng viên đang giữ chức vụ.

Việc “sản xuất vũ khí” là công tác quan trọng nhưng cũng nguy hiểm. Trong khi say sưa đưa ra các quy định nội bộ của riêng mình tưởng như để làm “trong sạch” và vững mạnh đảng của mình, Ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt toàn đảng trước một nguy cơ vô tiền khoáng hậu khi các “vũ khí pháp quy” đang vượt khỏi tầm kiểm soát và được sử dụng lung tung.

Với tư cách là đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa, Ông không thể ngờ được rằng hàng loạt Uỷ viên Bộ chính trị có thể ra đi và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.

Nghiêm trọng hơn, Nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “Hội kín đó” và tương lai thực sự sẽ ra sao?

 


Chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Đức Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới. 

Theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, Bộ trưởng ngoại giao Toà thánh (Secretary for the Relation with States and Organization of the Holy See) đã đến thăm Việt Nam.

Chuyến công du của Ngài kéo dài 6 ngày, từ 9 đến 14 tháng 4 năm 2024.

Trang tin của Hội đồng Giám mục Việt nam cho biết Đức Tổng giám mục Gallagher sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, chào thăm lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban tôn giáo Chính phủ.

Ngài cũng sẽ cử hành 3 thánh lễ tại Hà Nội, Huế, Sài gòn và đi thăm Bệnh viện Nhi trung ương. Trước khi kết thúc chuyến thăm, Ngài sẽ có một cuộc gặp chung với toàn thể Hội đồng Giám Mục Việt Nam (bao gồm ít nhất 27 Giám mục thuộc 27 Giáo phận tại Việt Nam)

Đây là chuyến thăm đầu tiên ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao Toà thánh Vatican đến Việt Nam.

“Chương mới” cho cả Vatican và Việt Nam 

Việt Nam và Vatican chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ và cũng chưa có một Đức Giáo Hoàng nào đến thăm Việt Nam trong suốt chiều dài hơn 400 năm truyền giáo mặc dù rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã đến Vatican.

Kể từ khi những người cộng sản lên cầm quyền, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Toà thánh Vatican cơ bản phụ thuộc vào phía Việt Nam. Ngay trong những thời kỳ Việt Nam bị cô lập nặng nề, chính quyền vẫn kiên quyết hạn chế tự do tôn giáo và tỏ ra lạnh nhạt với mọi mối quan hệ với Vatican.

Chính quyền coi “Vatican” như một thế lực tôn giáo “hắc ám”, gắn liền các hoạt động truyền giáo với sự xâm lăng của ngoại bang hơn là một quốc gia hữu thần nhân ái. Các hoạt động tuyên truyền chống lại các tôn giáo nói chung, công giáo nói riêng, rất đậm nét trong những sinh hoạt ở Miền Bắc Việt nam kể từ 1954 và cả nước kể từ 1975.

Cá nhân tôi khi còn nhỏ đi học thường bị bạn bè “đọc vè nhạo báng Chúa” và thầy cô thì thuyết phục “bỏ đạo để vào đoàn”. Rất nhiều người Công giáo tự nguyện hoặc buộc phải ghi “không” trong mục tôn giáo ở chứng minh nhân dân. Chính vì vậy, con số thống kê về số lượng người Công giáo ở Việt Nam giữa chính quyền và giáo hội có khác nhau.

Sau những nỗ lực kiểm soát hoàn toàn giáo hội Công giáo theo mô hình Trung Quốc không thành công, chính quyền đã mềm mỏng và mở ra những kênh đối thoại mới với Vatican. Một Tổ công tác hỗn hợp của 2 bên được thành lập với khoá họp đầu tiên vào ngày 16/2/2009.

Trong suốt 14 năm với IX vòng họp nhưng vẫn không có những đột phá về ngoại giao cho đến cuộc gặp lần thứ X vào ngày 31/3/2023 tại Vatican do 2 thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng (Việt Nam) và Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì, đã có những tiến bộ vượt bậc. Đó là lúc hai bên đã nhất trí được về “Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú Toà thánh Vatican và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà thánh tại Việt Nam”.

Sau đó, vào ngày 31/2/2024, Đức Tổng giám mục Mareck đã đến Hà Nội để bắt đầu nhận nhiệm vụ của mình. Chỉ sau 2 tháng hiện diện tại Việt Nam, Ngài đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan của Việt Nam để tổ chức chuyến đi cho Ngoại trưởng Vatican lần này.

Triển vọng về một chuyến tông du 

Mục đích chuyến thăm của Ngoại trưởng Vatican lần này là để “tăng cường quan hệ” và chuẩn bị cho một chuyến đi ở cấp cao hơn. Có thể bước tiếp theo là chuyến viếng thăm của Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh Pietro Parolin (Cardinal Secretary of State of Vatican City) và/hoặc sau đó là một chuyến tông du của Đức giáo Hoàng Francis.

Đây không chỉ là bước tiến về ngoại giao của Việt Nam mà cũng là một bước đi đặc biệt của Vatican khi thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia cộng sản vô thần ở Châu Á đang “chia sẻ tương lai chung” với Trung Quốc, một đất nước từ lâu đã cắt đứt quan hệ với Vatican và đặt Giáo hội Công giáo chính thống vào diện “hầm trú”.

Vatican vẫn luôn luôn có chủ trương mong muốn tìm kiếm lợi ích cho các tín hữu của mình trên khắp thế giới và mong muốn về một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Việt Nam là có thật khi Ngài nói:“Đó là vùng đất đáng để tới, nơi tôi rất cảm mến”. Lời mời về một chuyến viếng thăm đã được đưa ra và Đức Giáo Hoàng đã nhận lời. Ngài còn nói mong muốn đến thăm Việt Nam “sớm nhất có thể”.

Mặc dù cho đến nay, Toà thánh và Việt Nam đều chưa chính thức loan báo về chuyến viếng thăm vào tháng 9 năm nay, nhưng Vatican đã thông báo về một chương trình đi thăm Đông Nam Á vào tháng 9 với ít nhất 3 điểm đến là Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea… và theo Đức Tổng giám mục Paul Gallagher thì Việt Nam có thể là nằm trong chuyến tông du của Ngài đến các quốc gia Châu Á này. Chuyến đi này của Ngoại trưởng là để “dọn đường” cho một chuyến Tông du trở thành hiện thực.

Những trở ngại còn đó 

Còn đầy dẫy những trở ngại và hạn chế về tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Về tổng quan, Việt Nam vẫn là đất nước do một đảng cộng sản lãnh đạo với học thuyết Mác-Lê Nin làm chủ đạo. Những người cầm quyền đã một thời thường xuyên trích lời Karl Marx, coi tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân”.

Người Công giáo vẫn được coi là “công dân hạng hai” khi họ không được tham gia vào một số ngành đặc biệt như: bảo mật, hàng không và công an. Riêng đối với ngành quân đội thì không bị cấm nhưng chỉ được phát triển đến một mức độ (ví dụ: không bao giờ được lên cấp tướng).

Các tổ chức tôn giáo, các giáo xứ hiện nay vẫn chưa được coi là một pháp nhân, không thể mở tài khoản, nhận và chuyển tiền. Giáo hội Công giáo vẫn bị giới hạn thực hành công việc bác ái, xã hội bao gồm cả giáo dục và y tế mặc dù luật pháp đã quy định. Hàng loạt hồ sơ tranh chấp đất đai trên khắp ba miền vẫn chưa được giải quyết.

Điều 55 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chỉ quy định một câu các tổ chức Tôn giáo“Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật” nhưng không có hướng dẫn về điều này. Nghị định 162/2017/NĐ-CP dài dằng dặc hướng dẫn rất nhiều điều khoản của Luật, đặc biệt là thủ tục “xử lý vi phạm” và “giải tán” các tổ chức tôn giáo nhưng không có điều khoản hướng dẫn các tổ chức Tôn giáo thực hiện Điều 55.

Sau một thời gian thực thi đầy vướng mắc, Chính phủ lại ban hành Nghị định 95/2017/NĐ-CP vừa mới có hiệu lực vào ngày 31/3/2024 để thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP nhưng cũng không đả động đến các hoạt động từ thiện, bác ái, giáo dục, y tế mà các tôn giáo mong muốn.

Nhiều người cho rằng việc chính quyền đưa Điều 55 vào Luật chỉ là để làm cảnh mà không hề mong muốn nó được thực hiện, tương tự như xây một chiếc cầu qua sông nhưng không xây đường lên cầu. Mục đích của việc xây cầu là để nói “chúng tôi có cầu” nhưng rõ ràng là không muốn để người dân đi qua đó.

Chính vì vậy, hiện nay chỉ có duy nhất một “Trường cao đẳng dạy nghề Hoà Bình thuộc giáo phận Xuân Lộc” là cơ sở giáo dục Công giáo và chỉ dừng ở mức dạy nghề cùng với sự hợp tác với đối tác Nhật Bản. Còn lại các tổ chức tôn giáo chỉ được dạy các lớp học tình thương cho trẻ em đường phố và vẫn luôn bị để ý, theo dõi. Chính quyền chưa bao giờ từ bỏ sự “nghi ngờ” đối với Công giáo.

Tóm lại, chính quyền Việt Nam có thể thúc đẩy rất nhanh quá trình nâng cấp quan hệ ngoại giao đầy đủ với Toà thánh Vatican, và chuẩn bị cho một chuyến đi của Đức Giáo hoàng Francis, nhưng tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn luôn là một vấn đề lâu dài và sẽ không có nhiều tiến bộ trong thời gian tới.

Những tiến bộ thực sự về tự do tôn giáo, nếu có, phải bắt đầu từ việc các lãnh đạo Việt Nam từ bỏ chủ nghĩa Duy vật biện chứng và Học thuyết Mác-Lê Nin. Đó là một điều không thể có được trong giai đoạn hiện nay, dù có hay không một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng trong năm nay.


 

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị án tử hình còn ông Võ Văn Thưởng cũng coi như bị “tử hình về mặt chính trị”. 

Ngày 5/3/2024 toà án nhân dân TPHCM đưa vụ án Vạn Thịnh Phát ra xét xử, Báo chí rầm rộ đưa tin dự kiến kéo dài 2 tháng và có thể xử cả cuối tuầnvới 86 bị cáo, 10 kiểm sát viên, 200 luật sư, khoảng 6 tấn hồ sơ với hơn 1 triệu bút lục, khoảng 2,400 người liên quan.

Thế nhưng chỉ mới hơn 2 tuần Viện Kiểm Sát (VKS) đã đề nghị mức án tử hình cho Bà Lan và nhân dân đã kịp bước qua một mối quan tâm khác là Hội nghị Trung Ương Đảng và kỳ họp bất thường của Quốc Hội, với nhiều chương trình nghị quan trọng hơn, liên quan trực tiếp đến người đại diện cho chính thể quốc gia.

Với tư cách là một người nộp thuế, tôi cứ nghĩ về bà Trương Mỹ Lan làm thất thoát đến 489.000 tỷ đồng của Nhân dân; với tư cách là một công dân đã từng bỏ phiếu, tôi cứ nghĩ về ông Võ Văn Thưởng, vị Nguyên thủ quốc gia được quốc hội phê duyệt cách đây hơn 1 năm, bị Đảng “phế truất”, đứng ngoài mọi hành vi chính trị của công dân trong một nước.

Nó đặt ra cho chúng ta câu hỏi lớn hơn về mối quan hệ giữa cá nhân và Nhà nước. Làm sao Nhân dân có thể giúp xây dựng một nhà nước tốt và ngược lại có thể bảo vệ mình khỏi một Nhà nước hư hỏng?

Nhà nước sinh ra để làm gì? 

Khi còn là sinh viên Đại học luật, tôi từng đặt về câu hỏi bản chất của Nhà nước sinh ra để làm gì?.

Thực tế nhân loại không thể sống thiếu nhà nước. Nhà nước rất cần duy trì trật tự, bảo vệ quyền lợi và giải quyết xung đột. Bên ngoài, Nhà nước bảo vệ đất nước khỏi các mối đe doạ xâm lược bằng việc duy trì lực lượng vũ trang, bên trong Nhà nước thu thuế, xây dựng hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công cộng; quan trọng nhất, Nhà nước rất cần để bảo vệ tự do, cải thiện chất lượng cuộc sống trên quy mô lớn, làm cho nhân dân sống ổn định, công bằng và hạnh phúc.

Hai hình ảnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong thời gian này đều gắn liền với khái niệm Nhà nước và “corruption” ở tầm thể chế, dù họ ở hai vụ việc và hai vị trí khác nhau.

“Corruption” là sự hoại loạn bắt nguồn từ một trạng thái hư hỏng về đạo đức và quyền lực ở cấp Nhà nước. “Corruption” ở Việt Nam đã và đang xảy ra như là một hệ quả tất yếu rất khó tránh khỏi giữa tiền tài và quyền lực, xoắn lấy nhau dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất cầm quyền tự nhận mình “là đạo đức, là văn minh”. Thực chất sự mục ruỗng như một một vết dầu loang đang lần tìm gặp ngọn lửa mon men trườn tới.

Trương Mỹ Lan - Võ Văn Thưởng: Tiền tệ và quan hệ 

Trương Mỹ Lan và Võ Văn Thưởng là hai người khác biệt ở vị trí công tác. Hai người cũng chịu trách nhiệm riêng rẽ với nhau trong hai vụ việc nhưng đều cùng sống trong một Nhà nước Việt Nam, chia sẻ một bộ luật hình sự, một Hiến pháp và một tương lai chung trong tổ quốc Việt Nam.

Đối với bà Trương Mỹ Lan, dù không giữ chức vụ gì trong SCB nhưng bà có “quyền lực chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB”. Theo báo Thanh niên khai thác từ cáo trạng của vụ án thì trong giai đoạn 10 năm (2012-2022) bị cáo “Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỷ đồng”. 

Số tiền bị thất thoát gây choáng váng với hầu hết tất cả mọi người. Gần 20 tỷ đô la trong một nền kinh tế khiêm tốn như Việt Nam thực sự vượt xa khỏi trí tưởng tượng của những bộ óc bay bổng nhất.

Câu hỏi đau buốt đối với rất nhiều người là làm sao mà một người phụ nữ bình thường lại có thể can thiệp sâu xa và rộng khắp vào hệ thống ngân hàng Nhà nước trong suốt một thời gian dài đến như vậy?. Câu trả lời là Tiền. Tiền xẻ lối giữa hai hàng quyền lực và tạo đường đi riêng của nó, không phải ít mà là 1 triệu tỷ đồng đã tìm được đường đi riêng giữa lòng xã hội.

Đối với ông Võ Văn Thưởng, từ một sinh viên ngành triết học Mác Lê-Nin, hoàn toàn mờ nhạt trước nhân dân, cứ lần lượt đi lên cao mãi, vì, như dư luận phỏng đoán, là có quan hệ. Ông thân tín với người quyền lực nhất và Ông cho rằng mình đã nhận thức “đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lòng trung thành, sự kiên định về mục tiêu lý tưởng và con đường đi tới mà Đảng đã lựa chọn”

Ngày Ông được giới thiệu và bầu làm chủ tịch nước, tôi bồi hồi xúc động khi nghe ông phát biểu “Trân trọng và ủng hộ khát vọng vươn lên của mỗi người dân”. Những ngôn từ đẹp đẽ và biết ơn được ông đưa ra như “Tôi may mắn trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân.” 

“Nghĩa Đảng” mà ông đã đề cập có lẽ cũng là câu hỏi nhức nhối mà nhân dân mong được hiểu. Nó là như thế nào? Có phải nhờ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng mà đã trở thành người đứng đầu nhà nước, đại diện chính thức cho 100 triệu người dân trong cả “hoạt động đối nội và đối ngoại” một cách đơn giản vậy không?

Câu trả lời là quan hệ! Nền chính trị Việt Nam là do một đảng cộng sản lãnh đạo. Cán bộ được đảng “quy hoạch” theo sự lựa chọn. Vì vậy, “quan hệ” là trên hết. Nếu như bà Trương Mỹ Lan dùng tiền để xẻ lối, thì việc được lãnh đạo tối cao của đảng để mắt có thể be bờ đắp đập, tạo thành quan lộ thênh thang. Ngôi vương vì thế mà nằm gọn trong lòng ông.

Bị đề nghị “cách li vĩnh viễn” 

Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị án tử hình còn ông Võ Văn Thưởng cũng coi như bị “tử hình về mặt chính trị”. Bà Lan bị đề nghị cách li vĩnh viễn vì đồng tiền đã dẫn lối tiếp tay lùng bùng trong bóng tối, còn Ông Thưởng phải ra đi trong tủi nhục đắng cay, bởi hệ thống chính trị Việt Nam không được thiết kế để cho nhân dân được chọn, giám sát và sửa sai cho họ từ khi còn ở vị trí nhỏ nhất, tham nhũng ít nhất.

Hệ thống cũng được thiết kế để không một người dân nào có khả năng bảo vệ sự trong sạch của chính mình khi nhà nước trở nên “hủ bại”.

Một giọt nước trong được đưa vào lọ mực đen, không bao giờ có thể giữ và sống đúng với căn tính của mình. Ban đầu nó hy vọng là chính mình, sau đó nó nghĩ sẽ “pha loãng” cho lọ mực bớt đen, nhưng cuối cùng thì tự nó đã trở thành một phần tất yếu của lọ mực, chia sẻ một số phận và “tương lai chung”.

Nghĩ về những cuộc họp vội vàng tốn kém tiền của của Nhân dân ở thượng tầng để bàn về “Vấn đề nhân sự” đối với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nghĩ về phiên toà kỷ lục phơi bày toàn bộ bối cảnh kinh tế và chính trị của một đất nước, tôi liên tưởng đến những show diễn phản ánh về một Việt Nam đương đại.

Nó là một show diễn về xã hội gồm hàng ngàn đại cảnh. Nó có đầy đủ các yếu tố của tiền bạc và quyền lực, kinh tế và chính trị, niềm kiêu hãnh và nỗi ô nhục ở một quy mô cực lớn. Nó là biểu hiện của một khối u khổng lồ đang di căn.

Tiếc thay trong một xã hội mà quyền tự do báo chí chỉ được xếp vị trí 178 trong tổng số 180 quốc gia trên toàn cầu thì dân chúng chỉ được xem một số lát cắt trong hàng ngàn đại cảnh. Võ Văn Thưởng hay Trương Mỹ Lan đều là những nhân vật, những tế bào đang sống trong một thực tại, một khối u chung không thể cắt bỏ đó.

Hết Trương Mỹ Lan là Tân Hoàng Minh, Trịnh Văn Quyết, Hậu Pháo… hết Trần Đại Quang là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng… Và cứ thế, vở kịch về sự hoại loạn cứ nối tiếp nhau và nhân dân thì mãi mãi chỉ là người đứng xem, còn “đạo diễn” thần thánh vẫn nấp sau cánh gà.



 Cần phải xác quyết rằng loài người đã bước qua thời kỳ Đức trị với sự sụp đổ của chế độ phong kiến. Việc nó đang loay hoay quay trở ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam thể hiện một sự bế tắc chiến lược giữa Chủ nghĩa Cộng sản và nền kinh tế thị trường. 

Nguyễn Phú Trọng là người thứ 3 trong lịch sử từng kiêm nhiệm 2 chức vụ quan trọng nhất là Tổng bí thư và Chủ tịch nước, chỉ sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh.

Mặc dù lớn tuổi và sức khoẻ suy sụp, ông vẫn là nhân vật quyền lực nhấtViệt Nam, đứng trên cả Điều 17 Điều lệ đảng khi cầm quyền 3 nhiệm kỳ liên tiếp và trên cả Điều 86 - Hiến pháp khi thay mặt cả chủ tịch nước tiếp tổng thống Hoa kỳ.

Là tổng bí thư của Đảng, ông còn giữ hàng loạt chức vụ quan trọng nhất của chế độ như: Chủ tịch Quân uỷ trung ương, Uỷ viên thường vụ Bộ Công an, Trưởng ban Phòng chống tham nhũng. Ông còn là Trưởng tiểu ban Văn kiện đại hội để xây dựng đường lối lãnh đạo, kiêm luôn cả Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ 14 của Ban chấp hành Trung ương ĐCS.

Dưới thời của ông, hàng loạt văn bản của đảng “có lớp lang” được ban hành. Ông củng cố bộ máy của đảng từ Trung Ương (TW) đến địa phương, đặc biệt thành lập 63 Ban phòng chống tham nhũng ở 63 tỉnh thành, lũng đoạn và làm thay hầu hết công tác của tất cả các quan tư pháp ở địa phương.

Hình ảnh của ông Trọng gợi nhớ về những ông vua trong chế độ phong kiến đang theo chế độ Đức Trị để điều hành quốc gia. Vậy đức trị là gì?

Chế độ đức trị đang quay lại?

Đức trị là một học thuyết chính trị chủ trương “Điều hành chính sự bằng đạo đức” xuất hiện từ thời Tây Chu và được Khổng Tử đúc kết và nâng lên thành học thuyết. Ông gom góp kiến thức đời xưa, biên tập và xây dựng một hệ thống quan niệm về đạo đức – chính trị trong đó chủ trương việc trị quốc căn bản phải dựa vào nhân đức của người cầm quyền mà không cần phải dùng đến pháp luật.

Nho giáo nói chung, Khổng tử nói riêng, bị nhiều người trong quá khứ cũng như hiện tại phê phán. Trong cuốn trong cuốn Tổ Quốc Ăn năn, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng đã tung những “cú tát” học thuật nảy đom đóm vào học thuyết Nho giáo nói chung và về Sự nghiệp và nhân cách của Khổng Khâu nói riêng, thật đáng để người Việt chúng ta tìm đọc.

Cùng với sự tan rã của chế độ phong kiến và sự tiến bộ xã hội, Nho giáo đã dần dần được xếp vào một góc trong bảo tàng lịch sử về các học thuyết quản trị nhà nước. Trào lưu Khai sáng và văn minh nhân loại trong mấy trăm năm qua đã nhấn chìm dần tư tưởng Đức trị trong việc quản trị quốc gia.

Thế nhưng hình như phương thức quản trị này đang quay trở lại với một vị “vua già” hơn 80 tuổi, lòng đau đáu với sự tồn vong của vương triều, mà cụ thể là đảng của mình. Ông đã bị “ngộ độc” về tư tưởng cộng sản và bây giờ đang loay hoay tìm con đường chỉnh đốn nhân cách của các đảng viên trong một nền kinh tế thị trường đầy thế tục.

May thay, giống như Tập Cận Bình đối với xã hội Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng đã gặp được “Vạn Thế Sư Biểu - Thầy của muôn đời” của mình là Khổng Tử. Ông tóm được chiếc phao này nằm bàng bạc đâu đó trong tiềm thức của Nhân dân, ẩn giấu dưới hàng ngàn năm phong kiến Việt Nam và bắt đầu tin tưởng vào nó. Đầu tiên là đốt lò và sau đó là nói về nhân nghĩa để xây dựng tính chính danh.

Người ta bắt đầu sử dụng các văn bản nội bộ của của Đảng cộng sản như Quy định Số 41/QĐ-TW và Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về đạo đức và trách nhiệm nêu gương, trước khi nói đến câu chuyện pháp luật, pháp lý hay toà án.

Chế độ Pháp trị ra đi?

Ngay từ khi còn là sinh viên học luật, các trường phái trị quốc đã được bàn thảo nhiều, trong đó chúng tôi đều được các giáo viên hướng đến sự Thượng-Tôn-Pháp-Luật (Rule of Law) mà học thuyết của Hàn Phi là chủ đạo.

Trong đó Hàn Phi Tử đã tập hợp Pháp, Thuật, Thế của Thương ưởng, Thận Đáo và Thân Bất Hại, chủ trương dùng pháp luật để cai trị xã hội và trị quốc an dân. Ông coi pháp luật là công cụ hữu hiệu để đem lại công bằng, ổn định và thịnh vượng của một quốc gia. Ông minh định rõ “Pháp luật không phân biệt sang hèn” (pháp bất a quý) hay “hình phạt không kiêng dè bậc đại thần, tưởng thưởng không bỏ sót kẻ thất phu” (hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di tử phu).

Các Nhà Nho luôn muốn thần thánh hoá các bậc lãnh đạo nhưng Hàn Phi đã tước bỏ ý nghĩa thần thánh của họ đi và coi vua cũng chỉ là một người bình thường như những người khác. Ông nêu rõ “pháp luật đúng đắn, bày ra hình phạt nghiêm khắc để chữa cái loạn của dân chúng, khiến cho kẻ mạnh không lấn át người yếu, kẻ đông không xúc phạm số ít, người già cả được thoả lòng, người trẻ và cô độc được trưởng thành. Biên giới không bị xâm lấn, vua và tôi thân yêu nhau, Cha con giữ gìn cho nhau. (*)

Tiếc thay, trong những năm gần đây ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm hơn đến việc trách nhiệm chính trị và nghĩa vụ nêu gương chứ không phải là hành vi vi phạm. Ăn năn, nước mắt và hoàn tiền là công thức phổ biến để được án nhẹ của các quan tham. Trong vụ án Chuyến bay giải cứu, toà thậm chí còn dừng xét xử để thu thêm tiền trước khi ra phán quyết.

Ông còn dùng 4 chữ Nhân (nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình) để nói về chiến dịch đốt lò và phòng chống tham nhũng mà quên mất một chữ nhân quan trọng là nhân phẩm (dignity). Đó là phẩm giá bình đẳng của một con người được Thượng đế trao tặng bất kể sang hèn.

Pháp quyền nghĩa là mọi công dân đều phải tuân theo pháp luật dù người đó là ai, tổng thống hay dân thường, chủ tịch quân uỷ Trung ương hay một người lính, một người dân nghèo đã chết tức tưởi vì Covid và Kit test dởm, hay bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa. Về nhân phẩm thì họ ngang nhau và không thể tước bỏ; về quyền lực là do pháp luật trao ban qua cơ chế lập pháp. 

Chống tham nhũng là trò tiêu khiển mới

Chống tham nhũng là một cuộc săn lùng không bao giờ kết thúc. Giống như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng ở Việt Nam có thể sử dụng chiến dịch “đốt lò” như một phần quan trọng để đảm bảo tính chính danh và duy trì quyền lực trong hệ thống quản trị của mình, sẽ kéo dài mãi mãi.

Chống tham nhũng chính là trò tiêu khiển mới mà đảng bắt đầu dành cho dân chúng để cùng tạo cảm hứng vui vầy. Nó tạo nên công việc của Đảng và đảm bảo sự xúc động chân thành vừa phải của nhân dân, nó có thể trở thành một phần tất yếu với liều lượng ngày càng càng cao thì độ ép phê càng lớn.

Trước đây chúng ta từng thấy rất nhiều khẩu hiệu “Sống và Làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật”. Đây chính là cách đề cao sự thượng tôn pháp luật, biểu hiện rất rõ trường phái pháp trị nhưng giờ đây thì chỉ còn “trách nhiêm chính trị” và nghĩa vụ nêu gương.

Lò chống tham nhũng trở thành một người bạn đồng hành chung thuỷ cùng trường phái Đức trị và sự trở lại của Nho giáo. Nó được sử dụng để loại bỏ bất kỳ ai đi chệch khỏi quỹ đạo đạo đức của mình, dù thuộc bên tả hay bên hữu, trên hay dưới mà đôi khi không vì một mục đích chính đáng nào cả.

Cần phải xác quyết rằng loài người đã bước qua thời kỳ Đức trị với sự sụp đổ của chế độ phong kiến. Việc nó đang loay hoay quay trở ở những nước như Trung Quốc và Việt Nam thể hiện một sự bế tắc chiến lược giữa Chủ nghĩa Cộng sản và nền kinh tế thị trường.

Nó đang làm phai nhạt Nhà nước pháp quyền và những giá trị như nhân phẩm, tự do và dân chủ. Điều này là vô cùng nguy hiểm cho tương lai Việt Nam. Tôi sợ rằng ông Trọng sẽ mãi không tìm được người kế vị và “Sau ông là hồng thuỷ”

(*) Hàn Phi Tử, Trang 130, Phan Ngọc dịch, NXB Văn Học, Hà Nội, 2001)


 

Cho đến nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm chính trị nhưng theo bài viết trên tạp chí xây dựng đảng thì “Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri và được xác lập trên sự tín nhiệm”. 


Theo giải thích Toà án của Hoa Kỳ thì Nhà nước pháp quyền (Rule of Law) là một khái niệm chính trị, pháp lý để chỉ một loại hình nhà nước mà quyền lực của nó bị hạn chế bởi pháp luật với mục tiêu là để bảo vệ quyền và tự do cơ bản của công dân. Nguyên tắc quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền là sự thượng tôn pháp luật nhưng mục đích cuối cùng là để bảo vệ người dân.

Trong khi đó, các học giả Việt Nam vẫn loay hoay chưa thống nhất được chữ “Rule of Law” là Pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền?. Rắc rối hơn, Trung Quốc và Việt Nam còn phát triển khái niệm “Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa” mặc dù chưa biết cụ thể Chủ nghĩa xã hội thực sự là gì.

Những cái “đuôi” XHCN này gắn liền vào “Nền kinh tế thị trường” và “Nhà nước Pháp quyền” đã làm cho nhiều học giả “vò đầu bứt tai” mà vẫn không thể nào giải quyết rốt ráo trên lý thuyết và thực tế bởi vì nó là một sự áp đặt bằng ý chí của đảng cầm quyền.

Ý chí của đảng là cao nhất

Trong Nhà nước pháp quyền thì pháp luật là cao nhất nhưng trong các nhà nước độc tài thì quyền lực của đảng cầm quyền là cao nhất. Đối với hầu hết các quốc gia, Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý tối cao, ràng buộc và “nhốt” nhà nước lại trong khuôn khổ, vậy nhưng hiến pháp các nước độc tài thường trao quyền trao quyền lãnh đạo “Nhà nước” cho đảng cầm quyền.

Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo “Nhà nước và xã hội”. Vì trao quyền lãnh đạo toàn bộ cho đảng nên nhà nước ở dưới đảng, hay ít nhất là không thể đứng trên đảng.

Điều này được minh chứng khi đảng liên tục nhắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ”. Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định rằng “Hiến pháp là văn bản pháp lý bậc nhất sau cương lĩnh Đảng”.

Nhiều câu chữ của cương lĩnh đảng được cụ thể hoá trong luật và thông thường các nội dung trong Nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản được thể chế hoá thành các văn bản pháp luật để điều hành trong thực tế. Do đó, pháp luật chỉ là một công cụ để thực hiện các mục tiêu của đảng, chỉ tham gia góp phần thực thi các mục tiêu chung khác do đảng chỉ đạo và điều hành mà thôi.

Thực tế, pháp luật chỉ là một biện pháp, một công cụ bổ sung mà đảng dùng song song với nhiều biện pháp khác, để quản lý nhà nước và xã hội, trong đó có “Trách nhiệm chính trị”.

Trách nhiêm chính trị lớn hơn pháp quyền?

Vậy trách nhiệm chính trị là gì?

Cho đến nay chưa có một định nghĩa rõ ràng về trách nhiệm chính trị nhưng theo bài viết trên tạp chí xây dựng đảng thì “Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri và được xác lập trên sự tín nhiệm”. 

Tín nhiệm là một khái niệm định tính, khó cân đong đo đếm được. Cho nên để cụ thể hoá, Đảng cộng sản đã ban hành Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Uỷ viên Ban bí thư, Uỷ viên ban chấp hành Trung Ương, để “buộc” hoặc “cho” một số thành viên quan trọng nhận “Trách nhiệm chính trị”.

Đọc Quy định gồm có 4 điều này, đặc biệt là ở điều 2 và điều 3, chúng ta thấy giống như một văn bản tôn giáo, mang tính răn dạy hoặc đơn thuần về vấn đề đạo đức, lương tâm hơn là một văn bản pháp quy của một đảng cầm quyền trong một nhà nước đang được gọi là pháp quyền. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ là nó đang được dùng rất rộng rãi cho hầu hết công chức trong bộ máy nhà nước, quản lý toàn bộ nhân dân.

Ngoài ra, gần đây Đảng cũng đề cập đến Quy định số 41/QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm và từ chức đối với cán bộ. Trong đó tại Điều 5 ghi rõ các căn cứ để xem xét miễn nhiệm và Điều 6 là căn cứ xem xét từ chức.

Đảng có thể dựa vào đó để quyết định một cá nhân “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá…” để buộc miễn nhiệm hoặc “hạn chế về năng lực, không đủ uy tín để hoàn thành nhiệm vụ được giao..” để cho từ chức.

Tất cả những khái niệm này là đầy định tính và do nội bộ đảng ra quyết định. Lúc cần thì đảng “miễn nhiệm” nhưng khi chưa cần thì đảng cho“từ chức”. Việc rút lui cũng là một cách “nêu gương”.

Ý chí nội bộ áp dụng trước luật pháp. 

Ý chí của đảng được thể hiện trong các văn bản nội bộ, không phải quy phạm pháp luật nêu trên, lại là căn cứ của việc áp dụng các quy định pháp luật sau đó.

Đảng có thể dùng chính các văn bản này để “tuốt gươm” tấn công bất cứ cá nhân nào không có “trách nhiệm nêu gương” và sau đó thì cơ quan pháp luật mới bước vào buộc họ chịu trách nhiệm chính trị và thậm chí đưa sang pháp luật, cho ngồi tù như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung…

Ngược lại cũng có những uỷ viên Bộ chính trị như Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh hoặc Trần Tuấn Anh, cũng đã được “cho thôi” chức vụ một cách dễ dàng mà không phải gánh chịu một trách nhiệm pháp lý nào dù rằng những hậu quả của họ hay cấp dưới của họ gây ra cho nhân dân là rất khủng khiếp trong một thời gian dài.

Điều này rất nguy hiểm vì quản trị một quốc gia là khác hẳn với việc tổ chức một sàn đấu được so găng trong bóng tối. Quản trị nhà nước luôn luôn phải phải gắn với các hành vi cụ thể, sự minh bạch và trách nhiệm giải trình chứ không phải kiểu “ngoan thì cho thôi không ngoan thì xử” như giang hồ vậy được.

Nhân dân thực sự hoàn toàn không hiểu được những điều gì đã xảy ra đối với những cá nhân mà trước đó Đảng bảo “rất tốt, rất tín nhiệm” nhưng rồi sau đó chịu kỷ luật, mà chỉ có cảm giác, làm càng to thì càng được ưu ái và cứ “thôi chức” là ghê gớm lắm rồi trong khi một nguyên tắc cơ bản của pháp quyền là “bình đẳng trước pháp luật”.

Pháp quyền và Quy hoạch cán bộ

Mới đây ông Nguyễn Phú Trọng có đưa ra đề nghị về việc đổi mới công tácquy hoạch cán bộ trung ương và sau đó đã chỉ đạo tiếp việc làm quy hoạch Bộ chính trị. Trong ngày 11/2/2024, nhiều báo chí lại đưa tin tiếp về việc đảng chỉ đạo quy hoạch nguồn cán bộ ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XVI.

Bài viết trên tạp chí Xây dựng đảng ghi rõ “Với vai trò là tổ chức đảng có chức năng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội có một nhiệm vụ trọng tâm là quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tạo cơ sở lựa chọn nhân sự xứng đang tham gia Quốc hội… các khoá tiếp theo

Từ lâu chúng ta đã biết được rằng nhân dân đứng ngoài cuộc bầu bán của những người lãnh đạo của mình. Nhưng trong thực tế cũng đã từng có những cuộc bầu cử Quốc hội có rất nhiều ứng cử viên độc lập tự ứng cử, thậm chí có cả người bất đồng chính kiến có thể làm hồ sơ ứng cử.

Tiếc rằng với xu hướng ngày càng đề cao đến việc “trách nhiệm chính trị” thay vì đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, nhân dân Việt Nam càng ngày càng bị gạt ra ngoài mọi cuộc chơi chính trị.

Ngược lại, một xu hướng tổ chức nhà nước tập quyền kiểu phong kiến thời hiện đại dựa trên uy tín cá nhân kiểu minh quân đang quay trở lại.

Đây là một điều hết sức nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam, bởi vì minh quân thì ít mà hôn quân thì nhiều. Cứ cho là ông Trọng đang có uy tín thì khả năng ông chọn được người kế nhiệm tốt theo ý của ông là rất khó khăn vì theo như Tiến sỹ Nguyễn Hữu Liêm thì ông là hình ảnh người cộng sản cuối cùng.

Do vậy, tôi nghĩ nếu như ông Nguyễn Phú Trọng nhận thấy “Trách nhiệm chính trị của mình” đề nghị “Bộ chính trị từ chức tập thể” rút lui về làm một ban cố vấn để tiến hành mở rộng dân chủ, bầu cử tự do, xây dựng một nhà nước pháp quyền và các thiết chế khác đủ mạnh.

Như vậy sẽ đảm bảo được một tương lai vững chắc và lâu dài cho đất nước. Ông và đảng của mình không phải lao tâm khổ tứ để “quy hoạch” nhân sự nữa vì khi đó người lựa chọn chính là Nhân dân.

Tuesday, February 13, 2024

Ông Võ Văn Thưởng có bị kẹt ở ‘Vành Đai và Con Đường’?



Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu...

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng vừa tham dự Diễn đàn cao cấp “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tổ chức tại Bắc Kinh. Diễn đàn lần này quy tụ lãnh đạo và đại diện của 130 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả tổng thống Nga, người đang bị toà án hình sự quốc tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh.

Sáng kiến Vành đai và con đường (Belt and Road Initiative -BRI) còn được biết đến là “Con đường tơ luạ của thế kỷ 21” nhằm xây dựng các tuyến đường nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, được công bố lần đầu bởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2013 trong chuyến thăm Kazakhstan.

Theo tạp chí Nghiên cứu Chiến lược lấy số liệu từ trang thông tin chính thức của BRI, tính tới tháng 6/2023 đã có đến 152 quốc gia và 32 tổ chức quốc tế ký kết hơn 200 văn kiện hợp tác. Nói cách khác, sáng kiến này có tầm ảnh hưởng tới 2/3 dân số thế giới và chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.

Trên bộ, trên không, trên biển và trên không gian số 

Dù đang được che đậy dưới rất nhiều ngôn từ mềm mại và đẹp đẽ như “tơ lụa” thì cả thế giới đều biết rằng BRI là một biểu hiện về sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc. Những khoản đầu tư vật chất khổng lồ đang cố áp đặt các “giá trị” phi vật chất khác của Trung Quốc lên nhiều quốc gia.

Lúc đầu sáng kiến này chỉ là “1 vành đai và 1 con đường”, nhưng giờ đây nó được phát triển thành cả “trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số”. Những nghi ngại về lòng tin làm cho Việt Nam chưa tích cực tham gia vào sáng kiến này nhưng không thể trì hoãn lâu được nữa vì Trung Quốc có thể bỏ qua Việt Nam, bằng cách kết nối chuỗi hạ tầng trên bộ, kéo dài từ Côn Minh, qua Lào, Thái Lan, Malaysia rồi đến Singapore trên đất liền song song với một “Con đường tơ lụa trên biển” cắt ngang qua Biển Đông.

Việt Nam rất có thể sẽ bị kẹt giữa 2 “gọng kìm” là đường trên bộ ở phía Tây và vành đai dưới Biển ở phía Đông nếu Việt Nam không tích hợp được với định hướng phát triển hạ tầng trong nước và trở thành một “đoạn” trong con đường mà Trung Quốc đã vạch ra. 

Nhưng nghiêm trọng hơn là trên không gian số. Hiện nay Việt Nam đang tích cực số hoá toàn bộ dữ liệu để xây dựng “doanh nghiệp số”, “công dân số” và hướng đến “xã hội số. Thế nhưng hầu hết các camera giám sát an ninh, những thiết bị đầu cuối máy tính và máy móc thiết bị của ngành viễn thông ở Việt Nam hầu hết là do Trung Quốc sản xuất.

Đây chính là cửa ngỏ để Trung Quốc đổ bộ bằng “con đường số” hòng xâm chiếm và kiểm soát dữ liệu doanh nghiệp, công dân và chính phủ Việt Nam.

Việt Nam cũng đã bắt đầu tiến hành định danh công dân, kiểm soát việc “di biến động” của bất cứ cá nhân nào vào bất cứ thời điểm nào. Nó đang được lưu trữ tập trung vào một cơ quan của Bộ công an. Chúng ta thử nhắm mắt hình dung nếu cơ quan quản lý dữ liệu đó lọt vào tay Trung Quốc thì sẽ như thế nào?.

Thách thức của BRI: Công trình dang dở và nợ “độc” 

Mặc dù đã đầu tư hàng ngàn tỉ đô la cho các dự án, BRI cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đang gây nghi ngờ trên diện rộng. Nhiều quốc gia cho rằng Trung Quốc thực sự muốn thông qua khuôn khổ hợp tác để đặt ra “bẫy nợ” và lôi kéo ngày càng nhiều nước vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình. 

Tôi đã từng đến Kenya, thăm các dự án của BRI, gặp những người dân Kenya và nghe rằng Trung Quốc đã để lại “Hàng loạt công trình dang dởcùng một đống nợ độc”. Rất nhiều dự án cơ sở hạ tầng, từ đường sắt đến đường bộ, của Trung Quốc tại Kenya và Tanzania đang chậm tiến độ, phá huỷ môi trường và bị các nhà môi trường biểu tình phản đối.

Sự thiếu minh bạch, tham nhũng và hiệu quả thấp trong các dự của BRI cũng đã để lại những cỗ máy hành chính hoại loạn và những con người chỉ biết đến lợi ích cá nhân. Đồng tiền tham nhũng đang tấn công không khoan nhượng vào các tổ chức nhà nước yếu kém tại Phi Châu.

Nghiêm trọng nhất đối với Viêt Nam là nếu như con đường tơ lụa trên biển được xác lập và thực hiện, Trung Quốc sẽ có căn cứ để nói rằng họ đã sở hữu con đường đó từ đầu thế kỷ thứ 15 khi Đô đốc Trịnh Hoà dẫn 7 đoàn thám hiểm và “đặt chân” lên những vùng biển đảo hiện đang tranh chấp.

Theo bài viết “đá ngầm” dọc con đường tơ lụa trên biển của Đỗ Minh Châu dịch từ The Economist đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Quốc Tế thì một trong những tranh chấp có thể phát sinh là do “sự mơ hồ và không rõ ràng của những nét vẽ tham vọng”.

Đường “lưỡi bò” trên biển Đông đang là một bằng chứng của những nét vẽ đó. Nó vẫn tiếp tục là một thách thức không nhỏ với hàng loạt nước trong khu vực.

Ông Thưởng làm gì và mang được gì về? 

Lần này đến Bắc Kinh tham dự diễn đàn BRI, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cơ hội để thể hiện với nhiều lãnh đạo thế giới rằng mình là ai? ủng hộ điều gì?

Ngay khi vừa đến Bắc Kinh Ông Thưởng đã gặp tổng thống Nga, hội kiến với “đồng chí” Triệu Lạc Tế, Uỷ viên Bộ Chính Trị, Uỷ viên trưởng Nhân đại Trung Quốc (được coi như là chủ tịch quốc hội), trước khi dự chiêu đãi toàn thể do Tập Cận Bình chủ trì.

Trong ngày 19/10, ông Thưởng đã phát biểu tại Diễn đàn kinh tế số, gặp Tổng thống Uzbekistan, tổng thống Sri lanka, tổng thư ký của Liên Hiệp Quốc. Tối cùng ngày ông đã “hội kiến” với ông Thái Kỳ, Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị, Bí thư ban bí thư, Chánh văn phòng TW đảng CS Trung Quốc.

Một cuộc gặp khác, bên lề nhưng rất quan trọng, là với thủ tướng Campuchia Hun Manet trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành đầu tư mạnh mẽ tại quốc gia này và mới đây đã “mở ra một kỷ nguyên mới cho cộng đồng chung vận mệnh”. Đây cũng là lần đầu 2 nhân vật thế hệ 7X vừa giữ cương vị mới gặp nhau (ông Thưởng sinh năm 1970, làm chủ tịch nước từ tháng 3 trong khi Hun Manet sinh 1977, mới nhậm chức Thủ tướng tháng 8 năm nay).

Trung Quốc và Campuchia đã cùng “chung vận mệnh”, đang xây dựng cảng quân sự và chuẩn bị hỗ trợ đào kênh Phù Nam Techo lên đến 1,7 tỷ đô la. Điều này chắc chắn sẽ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức trong tương lai nếu các bên “cơm không lành, canh không ngọt”.

Với 16% khối lượng phân giới, cắm mốc còn lại sẽ là một trở ngại, đặc biệt khi chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy và đâu đó có sự “thọc gậy” của những ông lớn phía sau. 

Quan trọng nhất, trước khi lên đường ra về, ông Thưởng đã có cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình và Reuters đưa tin nói rằng Ông Tập đã nhắc ông Thưởng rằng hai bên không được quên “nguồn gốc tình hữu nghị truyền thống của mình”.

Bản tin của Reuteur cũng trích 3 nguồn tin từ Hà Nội cho biết là chuyến đi của ông Tập trước đây dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 có thể bị hoãn lại đến tháng 12.

Ông Thưởng bị nhắc về “Cộng đồng tương lai chung” 

Có những lo ngại về việc ông Thưởng sẽ cùng các lãnh đạo Trung Quốc đề cập đến “Cộng đồng chung vận mệnh” sau khi Tập Cận Bình đã nhiều lần nhắc điều đó với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều người cũng lo ngại ông Thưởng sẽ bị kẹt giữa “Vành đai và Con đường” sau khi Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ lên CSP với Hoa Kỳ.

Theo bản tin tiếng Anh của Xinhua ngày 20/10 thì ông Tập lại một lần nữa nhắc với Ông Thưởng về việc “Đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế, hai nước cần hợp tác cùng nhau theo con đường XHCN và xây dựng một cộng đồng tương lai chung có ý nghĩa chiến lược” (Facing a rapidly changing interational landscape, the two counntries should work together in following the path of socialism and building a commuity of a shared future with strategic significance”, nhưng không đề cập đến chữ “Vận mệnh”.

Ông Võ Văn Thưởng có vẻ đã ghi điểm bằng một loạt gặp gỡ quan trọng và những người quan tâm đến tương lai đất nước có thể thở phào khi xem xét các thông tin báo chí chính thống của hai nước, nhưng liệu Việt Nam có thể tránh được mưu đồ về một “Cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến đi của Tập Cận Bình dự kiến đến Hà Nội vào tháng 12, nếu có, vẫn đang là một vấn đề.

Chúng ta hãy cùng chờ đợi và hy vọng.


Bài đã đăng trên BLOG VOA Tiếng Việt tại địa chỉ: https://www.voatiengviet.com/a/ong-vo-van-thuong-co-bi-ket-o-vanh-dai-va-con-duong-/7320383.html

Việt Nam – Trung Quốc: ‘Cộng đồng chung vận mệnh’?


Việt Nam là một quốc gia mà CCD nhắm tới. Trong các cuộc trao đổi gần đây với nhà lãnh đạo Việt Nam, Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là một Cộng đồng chung vận mệnh.

Ngày 17/10, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cao cấp Việt Nam tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sáng kiến “Vành đai và con đường” là một cấu thành vật chất có gắn liền với một khái niệm tinh thần rộng lớn là “Cộng đồng chung vận mệnh – Community of Common Destiny, gọi tắt là CCD”.

Tập Cận Bình thăm Việt Nam và CCD

Tháng 4 năm 2023, khi thăm Trung Quốc, thường trực ban bí thư Trương Thị Mai đã trân trọng chuyển lời mời của Tổng bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam đến chủ tịch Tập Cận Bình, thăm Việt Nam trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo Reuters ông Tập Cận Bình sẽ đến Hà Nội cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Theo thông lệ, sau chuyến thăm sẽ có một tuyên bố chung. Tuyên bố đó có nhắc đến cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” hay không đang là chuyện mà các nhà ngoại giao hai bên đang ráo riết thảo luận.

Nhân dân Việt Nam và cả những nhà ngoại giao Mỹ vừa tham dự chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng trước cũng hết sức quan tâm đến chủ đề này. Cụ thể là sau khi nâng cấp quan hệ lên chiến lược toàn diện (CSP) với Hoa Kỳ, thì chuyến thăm của Tập Cận Bình sắp tới, nếu có, sẽ tạo áp lực gì cho Việt Nam? Hành động của Việt Nam như thế nào để thể hiện bản lĩnh “độc lập, tự chủ” trong mối quan hệ quốc tế giữa một thế giới đang chia phe rõ rệt.

Phản ứng của Việt Nam ra sao đối với mầm cây “niềm tin chiến lược mới” với Hoa Kỳ vừa mới được “gieo” xuống? liệu có trổ sinh hoa trái giữa phong ba? Đặc biệt khi nó được ẩn dấu sau những ngôn từ hoa mỹ tương tự như một sáng kiến phát xít Nhật đã nêu ra ngày 29 tháng 6 năm 1940?

Cộng đồng chung vận mệnh (CCD) là gì? 

Thuật ngữ "Cộng đồng chung vận mệnh” lần đầu tiên được đề cập bởi Tập Cận Bình vào năm 2012 ngay khi ông được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Kể từ đó nó đã đã trở thành một yếu tố quan trọng trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc.

Khái niệm này cũng đã có trong Hiến pháp Trung Quốc sửa đổi năm 2018 và thường được xuất hiện trong các bài phát biểu như một phần của tầm nhìn Trung Quốc về một viễn cảnh thế giới trong tương lai. Nó trở thành một chủ đề thường xuyên gắn liền với các sáng kiến như Vành đai và Con đường (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và các đề xuất của Trung Quốc trên diễn đàn toàn cầu.

Theo tác giả Nadege Rolland, đăng trên Diễn đàn Châu Á, thì chỉ trong hai năm (2013 và 2014), ông Tập đã 60 lần đề cập đến khái niệm này. Còn theo tác giả Hoàng Thị Hà, tại trung tâm nghiên cứu Asean thì đến 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc đến cụm từ này gần 100 lần kể từ năm 2012, kể cả tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 70 (2015), Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (WEF tháng 1/2017) hội nghị khai mạc sáng kiến Vành đai và Con đường (tháng 5/2017) và Đại hội đảng lần thứ 19 (tháng 10/2017).

Nội dung chính của khái niệm này là “duy trì tinh thần cởi mở, khoan dung, nơi tất cả các nước to hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều bình đẳng”. Nó được coi là một sáng kiến nhằm tạo ra một Trung Quốc là trung tâm của Châu Á để đảo ngược tiến trình phương tây hoá và thách thức sự chi phối của Mỹ, đặc biệt trong khu vực Châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Trung Quốc là đi từ tầm thế giới, đến khu vực (như ASEAN) và sau đó là trực tiếp đến từng quốc gia.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về chính trị quốc tế thì khái niệm này “được ban hành từ trên xuống và còn mập mờ và thiếu tính cụ thể”. Nó sẽ thực sự khó được chấp nhận vì sự hoài nghi về lòng chân thành và nỗi lo sợ về bá quyền Trung Quốc đang thường trực trên khắp địa cầu.

CCD với Việt Nam? 

Việt Nam là một quốc gia mà CCD nhắm tới. Trong các cuộc trao đổi gần đây với nhà lãnh đạo Việt Nam, Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là một Cộng đồng chung vận mệnh.

Lần thứ nhất là trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015, khi hội đàm hai bên ông Tập nói với Nguyễn Phú Trọng “Trung Quốc và Việt Nam là cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”. Cũng trong chuyến thăm đó, phát biểu trước quốc hội Việt Nam, Tập Cận Bình nói: “Chúng ta không chỉ là bạn bè tốt, Láng giềng tốt mà quan trọng hơn là một khối chung có cùng sinh mạng” 

Lần thứ 2, khi gửi điện mừng Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng Bí thư vào năm 2016, ông Tập lại nêu: Trung Quốc và Việt Nam là hai nước có hệ thống chính trị tương đồng, con đường phát triển giống nhau, tương lai và vận mệnh tương đồng, là một cộng đồng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Vào ngày 12/01/2017, khi hội kiến với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Tổng Bí thư Tập Cận Bình lại nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

Vào năm 2021, Tập Cận Bình gửi điện mừng cho Nguyễn Phú Trọng nêu rõ “Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng hữu nghị XHCN, là cộng đồng có chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”

Việt Nam chưa công khai đề cập đến khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” mà chỉ đề cập đến quan niệm “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lần đề cập “gần” nhất với khái niệm này là “Việt Nam đánh giá cao Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại do Trung Quốc đưa ra” nằm trong Thông cáo báo chí chung Việt Nam- Trung Quốc nhân chuyến thăm của thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên, gần đây báo chí Việt Nam đưa đậm hàng tít về việc Trung Quốc ký kế hoạch hành động xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh với Campuchia” nhân dịp Thủ tướng Hun Manet đi thăm Trung Quốc vào giữa tháng 9 vừa qua.

Cảnh giác với một “Đại Đông Á” của Trung Hoa? 

Chúng ta sẽ không khỏi giật mình khi nhìn thấy thấp thoáng đâu đó khái niệm Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang cổ suý so với “Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á – Greater East Asia Co-prosperity Sphere”của Nhật bản đề xướng vào cuối thập niên 1930s.

Nhìn vào nội dung của của Khối thịnh vượng Chung Đại Đông Á do Tokyo đề xướng bao gồm các niềm tin cốt lõi như: Ổn định lâu dài, Láng giềng hữu nghị, Công lý Quốc tế, Phát triển văn hoá, Kết nối kinh tế, Thúc đẩy hoà bình thế giới… ta thấy dường như đang quay trở trong các văn bản về một Cộng đồng chung vận mệnh mà Trung Quốc đang tìm mọi cách thực hiện.

Nếu như hơn 80 năm trước, Chính quyền Nhật bản mong muốn thiết lập một“Trật tự thế giới mới” nhằm cạnh tranh với các quốc gia phương tây thì bây giờ Trung Quốc cũng không dấu diếm ý đồ về cộng đồng mà Trung Hoa sẽ dẫn dắt để không lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản và sự thống trị của Phương Tây, mà cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.

Nhưng thực chất của học thuyết Đại Đông Á trong quá khứ là để kích động sự hận thù của nhân dân Châu Á đối với Phương Tây bằng các luận điệu như “láng giềng”,“tương quan”, “máu đỏ da vàng”… để mưu đồ đặt Châu Á dưới ách thống trị của mình. Bây giờ Trung Quốc đã đặt nó trong một bối cảnh rộng lớn hơn, mang tính dung nạp hơn bằng một ngôn ngữ uyển chuyển hơn, đối với toàn nhân loại.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy những biểu hiện dịch chuyển quan trọng và ngôn từ của Cộng đồng Chung Vận Mệnh nhân loại đang dần dần được đưa vào đối với những nước láng giềng, chúng ta không thể không lo ngại về một chủ nghĩa bành trướng đang dần được thể hiện để trói buộc các nước láng giềng vào giá trị Trung Hoa.

Nằm ngay cạnh một Trung Quốc đang trỗi dậy, Việt Nam càng phải tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đảng cộng sản VN có thể tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ” nhưng không thể đại diện đất nước trong lúc cần ra những quyết định lớn.

Chỉ có mở rộng không gian dân sự, thúc đẩy dân chủ, thành tâm lắng nghe ý kiến từ nhân dân, đặt tổ quốc lên trên hết, mới ra được những quyết định đúng để giữ vững được đất nước. Mà trước hết là bằng mọi cách tỉnh táo lánh xa khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh với Trung Quốc” trong chuyến đi sắp tới, nếu có, của Tập Cận Bình.


Bài đăng trên Blog VOA Tiếng Việt tại địa chỉ: https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-trung-quoc-cong-dong-chung-van-menh-/7312696.html