Saturday, February 26, 2011

BẮC PHI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG


Các sự kiện đang diễn ra tại Libya cũng như tại nhiều nơi ở Bắc Phi vừa qua cũng được nhiều người tại Việt Nam chú ý, đặc biệt là những người hoạt động dân chủ.

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhân vật bất đồng chính kiến trong nước, cho BBC biết anh và những người đồng chí hướng thấy các diễn biến vừa qua tại Bắc Phi là một 'nguồn cảm hứng'.

Bài học quan trọng nhất, theo anh, là tinh thần bất bạo động. Trước hết, anh chia sẻ về suy nghĩ trước những diễn biến mới đây tại Bắc Phi:

Lê Quốc Quân: Tôi cho rằng phong trào biểu tình đòi dân chủ hay chống độc tài ở vùng Bắc Phi là một điều tất yếu phải xảy ra. Và nó đã xảy ra.

Mặc dù bất ngờ nhưng nó cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Có thể bất ngờ về mặt thời điểm, hoặc nguyên nhân, nhưng rõ ràng sự độc tài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, lờ đi tất cả các quyền của dân chúng, thì tôi cho rằng đến lúc chuyện này phải xảy ra. Và rất vui là nó đã xảy ra.

Dù rằng cũng có những bạo động, và những mất mát, hi sinh, thế nhưng việc người dân đứng lên bày tỏ được tiếng nói của mình, và họ thực sự chứng minh được quyền lực của mình có thể đánh đổ được độc tài để đem lại dân chủ thì đó là một điều tôi rất vui mừng.

BBC:Là một người thường xuyên suy nghĩ về tình hình dân chủ trong nước, nếu có thể có liên hệ giữa Bắc Phi với Việt Nam thì anh có nhận định, so sánh gì?

Lê Quốc Quân: Giữa Bắc Phi với Việt Nam, tôi nghĩ ở cái vị trí địa lý cũng như các nguyên nhân là nó khác nhau. Ngay cái chuyện nó có xảy ra hay không ở Việt Nam và xảy ra như là một sự tác động ở Bắc Phi thì tôi cũng không nghĩ là có nhiều khả năng.

Nhưng dân chủ hóa đất nước là điều chắc chắn phải xảy ra ở những quốc gia độc tài. Có thể có hai cách: tự nhà nước thấy họ cần phải mở rộng dân chủ thì họ tiến hành, còn nếu họ không tiến hành dân chủ, thì người dân cũng có lúc người ta sẽ đứng lên để đòi lại cái quyền dân chủ đó.

Rõ ràng ở Việt Nam mình đây là chế độ một đảng và tất cả quyền lực nằm trong tay một đảng. Bản thân những người dân không được trực tiếp bầu lên lãnh đạo của chính mình.

Như vậy người dân cũng không thể hiện cái quyền lực của mình qua lá phiếu một cách dân chủ được, thì tôi nghĩ trước sau, người dân cũng cách này hay cách khác người ta đứng lên để đòi lại cái quyền ấy.

Có thể có hai cách: tự nhà nước thấy họ cần phải mở rộng dân chủ thì họ tiến hành, còn nếu họ không tiến hành dân chủ, thì người dân cũng có lúc người ta sẽ đứng lên để đòi lại cái quyền dân chủ đó.

BBC:Những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam như anh có thấy tình hình vừa qua và hiện nay ở Bắc Phi là một nguồn cảm hứng không, và có ghi nhận được những bài học nào đó không?

Lê Quốc Quân: Thực sự là nguồn cảm hứng chứ! Nó là nguồn cảm hứng trong từng câu chuyện, rồi trao đổi với bạn bè, rồi nguồn cảm hứng ngay tại khi mình nhìn thấy những hình ảnh chiếu trên TV hay báo chí…

Anh em cũng ngồi nói chuyện với nhau nhiều lắm, và cảm thấy rất vui vì dù sao nhân dân đã đứng lên và giành lại quyền lực của mình một cách hòa bình, mặc dù cũng có những cái xung đột.

Còn cái việc sau này nó được như thế nào đó nữa thì tôi nghĩ là nó không thể quay lại. Khi người ta đánh đổ được chế độ độc tài rồi thì có khả năng nó vẫn quay lại, nhưng mà nó không tệ hơn những cái đã qua. Tôi tự tin là như vậy.

Có một bài học quan trọng nhất tức là cái đấu tranh bất bạo động, và cái nguồn cảm hứng, cái tinh thần của con người mới là sức mạnh vô song. Như Gandhi đã nói một lần, là có thể sử dụng vũ lực hoặc này nọ, người Ấn Độ cũng giành được chính quyền, nhưng phẩm chất của các công dân Ấn Độ để sống trong một chế độ dân chủ là phải có tinh thần bất bạo động.

Tức là người ta phải sống với trái tim của mình, và lý tưởng của mình, một cách rất là hòa bình nhân ái, thì đó mới thực là những phẩm chất quan trọng trong một xã hội hay chế độ tương lai.

Anh em tôi cũng chỉ nghĩ là bài học rõ ràng là phải xây dựng xã hội nhân bản, rồi đấu tranh đòi những quyền thực sự của con người, và mong muốn xã hội ngày càng nhân bản hơn, tốt đẹp hơn.

Tuesday, February 22, 2011

HIỂU RÕ HƠN VỀ CÁCH MẠNG HOA NHÀI

Hiểu rõ hơn về cách mạng Hoa Nhài

Nguyễn Hoàng Đức, Bùi Quang Minh
Chungta.com


Các chế độ Ben Ali tại Tunisia và Hosni Mubarak tại Ai Cập vì sao sụp đổ? Có phải người dân chỉ đòi cơm ăn áo mặc, việc làm hay còn gì sâu xa hơn? Có phải nước ngoài nhúng tay xúi giục người dân các nước, cho tiền họ để họ phản đối lật đổ chính phủ? Hệ quả lan tỏa của hương hoa nhài đến đâu? Những câu hỏi cứ dồn dập buộc chúng ta suy nghĩ sâu hơn. Chungta.com mời triết gia, nhà văn Nguyễn Hoàng Đức cùng trò chuyện về các cuộc cách mạng vừa diễn ra.

Bùi Quang Minh: Ông đánh giá gì về diễn biến cách mạng (revolution) Tunisia và Ai Cập vừa qua? Một số người cho là chính biến/ nổi loạn (revolt), một số cho là cách mạng (revolution). Ý kiến của ông là như thế nào?

Nguyễn Hoàng Đức: Chính chủ nghĩa Marx Lenin đã nói: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đây có thể được xem như là một hiện tượng – biểu tượng được đồng nhất giữa các nhà lý luận CNXH và CNTB. Cụ thể hơn, một số chuyên gia tư bản cho rằng, chỉ có những cá nhân xuất sắc mới làm nên lịch sử hay làm nên những cuộc cách mạng. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa Marx lại coi rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Cả hai bên dù coi nặng cá nhân hay coi nặng vai trò quần chúng thì đều phải tiến đến một chung kết rằng sự diễn ra một cuộc cách mạng làm rung chuyển toàn xã hội nguyên nhân có thể khởi đầu từ hạt nhân là vài cá nhân nào đó, nhưng nó phải được biểu hiện bằng xã hội với đông đảo quần chúng. Đấy là điểm có tính học thuật.

Nhưng người Việt và người phương Đông nói chung từ lâu đã cho rằng, nhân dân là nước, nước đẩy thuyền đi nước cũng làm lật thuyền. Người Việt còn có một câu rất giản dị, nước nổi lo chi bèo chẳng nổi. Một dân tộc một quốc gia chính là nước có tầm vóc đại phổ thông. Mà khi nước đó nổi thì những cá nhân hay tổ chức chỉ là những cánh bèo nổi lên theo (hoặc chìm xuống theo).

Trong phương ngôn nổi tiếng “Quốc phá, sơn hà tại”, Quốc là quốc gia dù mang tên gọi của thể chế nào đó có thể nhú lên tàn phá hay diệt vong, nhưng sơn hà vẫn luôn luôn còn đấy. Sơn hà đây cũng được hiểu là nhân dân. Cho nên thuật ngữ trên có thể nói là: Dù Quốc có phá, nhân dân vẫn tồn tại.

Người ta luôn luôn nói một câu như một chân lý xuyên suốt rằng: Thời gian sẽ kiểm nghiệm. Thời gian ở đây là gì? Đó chính là lịch sử hiện đại! Đó chính là nhân dân. Bởi vì cá nhân này hay cá nhân kia, học thuyết này hay học thuyết khác có thể sai, nhưng nhân dân là cái vĩnh cửu hoặc cái chí ít ra còn lại sau cùng luôn luôn là người phán xử chung kết. (đồng nghĩa với thời gian).

Từ những quan điểm trên chúng ta có thể nhìn nhận tình hình Tunisia và Ai Cập. Tại sao vũ trụ này với trời đất, càn khôn hệ mặt trời còn tồn tại hệ vận động? Chúng ta biết rằng trái đất này xoay quanh mình nói 24 giờ mỗi ngày 365 ngày mỗi năm, luân hồi qua xuân hạ thu đông… cuộc sống tồn tại, mỗi đêm thức dậy chúng ta lại nhìn thấy bình minh và qua buổi trưa chúng ta lại được đón một hoàng hôn đầy xao xuyến. Vũ trụ tối kỵ nhất sự bất dịch ù lỳ, tất cả sự ù lỳ đều tạo ra sự ứ đọng, mốc thếch, sự ngưng nghỉ và cũng là diệt vong. Chính thế mà ở rất nhiều nơi trên thế giới (cả chính chúng ta) đã từng có khẩu hiệu: Đổi mới hay là chết!, Cách mạng hay là chết! Có nhiều chuyên gia đưa ra những lý do cho cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai cập như nạn độc tài, cửa quyền hay tham nhũng… còn tôi thấy rõ một nguyên nhân bao trùm lên những nguyên nhân: Nhân dân khát khao một bầu không khí đổi mới, giống như người ta khao khát một môi trường mở rộng, tinh khôi trong cuộc sống. Chế độ độc tài quản trị tất cả mọi lĩnh vực là một thứ gia đình trị biến tướng, giống như Từ Hy Thái Hậu nói thiên hạ là của nhà Thanh, đã biến toàn thể nhân dân và xã hội thành một gia đình biến tướng nối dài của mình. Nhân dân khao khát Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng, như được sống trong một vườn hoa rực rỡ, mọi sắc hoa, mọi hương hoa. Cho nên người ta đã ào ra đường quàng tay theo những cô vợ yếu đuối, mảnh dẻ và bồng trên vai những đứa trẻ thơ miệng cười rạng rỡ. Tôi lại nhớ tới câu nói của Các Mác: Cách mạng là ngày hội của quần chúng.

Qua số tiền mà Hosin Mubarak tham nhũng khoảng 70 tỷ USD của dân tộc hơn dăm chục triệu dân chúng ta thấy một mình ông ta có số tiền hơn toàn dân cộng lại, như vậy có thể coi rằng ông ta và gia đình, vợ con của mình đã tiêu tiền hộ toàn dân, đã sống hộ toàn dân, đã hít thở không khí của toàn dân… Mà mọi người đã xổ tung ra đường như đã xổ tung ngôi nhà gia đình trị quá trật hẹp, đã tước đoạt và “sống hộ” quyền sống của cá nhân mỗi người. Mà chúng ta biết ở đời, không ai sống hộ được ai cả. Anh không thể ăn hộ tôi, anh ăn mà tôi không thấy no. Anh không thể yêu hộ tôi, anh yêu mà tôi thấy sung sướng. Và anh cũng không thể làm công tác vệ sinh thay hộ tôi được. Cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã bùng ra một vườn hoa thay vì bông hoa Ali và Mubarak, người ta đã được trở thành rừng hoa của Tunisia và Ai Cập.

Bùi Quang Minh: Vâng, vai trò của cá nhân là dẫn dắt cách mạng, còn vai trò của quần chúng là sức mạnh của cách mạng. Đó là quan điểm biện chứng nhất.

Tôi cũng cho rằng đây không phải là chính biến bạo lực của một nhóm nhỏ chính trị nào đó nhằm cướp chính quyền. Đây là cuộc cách mạng của nhân dân biểu tình trong hòa bình đòi phế truất chính quyền độc tài. Nhà độc tài và gia đình họ không chỉ tham nhũng hàng chục tỷ USD, không chỉ lạm quyền để vơ vét tài sản quốc gia, nhũng nhiễu các nhà đầu tư và dân, mà còn lũng đoạn sự thật, thông tin, công lý cũng như đẩy đông đảo người dân vào trạng thái thiếu tự do, bằng mọi biện pháp để họ không thực hiện được đầy đủ quyền công dân. Sự tha hóa tuyệt đối của những nhà chính trị nắm giữ quyền lực tuyệt đối chính là nguồn gốc của sự tù túng, tăm tối, dẫn tới bất ổn, thúc đẩy đòi hỏi phải thay đổi, đã thổi bùng nên cách mạng như vừa qua. Chính phủ của Ben Ali, Hosni Mubarak không giải quyết các vấn đề của nhân dân, họ không có cơ hội tồn tại tiếp.

Nguyễn Hoàng Đức: Đó hoàn toàn là tình thế hợp lý cho một cuộc cách mạng. Hãy xem lại những gì ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam hay Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng được đặt nền móng bằng sự khẳng định lại Quyền của con người như quyền được nở hoa và Sự vi phạm chúng có hệ thống của các chế độ cũ (thực dân Pháp hay triều đình Anh) - hãm không cho hoa nở. Chế độ cũ đó sẽ không có cơ hội tiếp tục tồn tại!

Tuyên ngôn độc lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (trích):

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở trung, nam, bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Ngày 4/7/1776, hội nghị Lục địa lần 2 chính thức tuyên bố nền độc lập và thành lập Hợp chủng quốc Hoa kỳ. Bản Tuyên ngôn độc lập do Thomas Jefferson tuyên bố hành động xóa bỏ vương quyền, quốc hội và người Anh. Nó đặt nền tảng chính nghĩa cho cuộc cách mạng bằng sự thật hiển nhiên về con người.

Bản Tuyên ngôn nhắc đến những quyền không thể bị tước đoạt của con người và để bảo vệ quyền đó, người ta phải tổ chức chính phủ và chính phủ ấy phải thi hành các quyền lực do nhân dân đồng thuận và giao phó. Khi một chính phủ không còn tôn trọng quyền lợi của nhân dân, thì nhân dân có bổn phận thay đổi chính phủ ấy, hoặc hủy bỏ nó để thay vào một chính phủ mới...

Bản Tuyên ngôn Độc lập là chiến thắng của người Mỹ tại các tiểu bang đối với đế quốc Anh, vương triều Anh hùng mạnh.

Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ:

“Ông ta – tức Vua nước Anh – đã từ chối không phê chuẩn một số đạo luật, tốt đẹp và cần thiết nhất đối với lợi ích công chúng.
Ông ta đã triệu họp ác cơ quan lập pháp ở những điểm không bình thường, không tiện nghi, cách xa những kho lưu giữ hồ sơ công cộng và chỉ nhằm mục đích duy nhất là làm cho họ do mệt mỏi mà phải tuân theo các chủ trương của ông ta.
Ông ta đã cùng với một số đối tượng khác buộc chúng ta phải tuân theo nền pháp quyền xa lạ với hiến pháp của chúng ta và không được luật pháp của chúng ta công nhận. Rồi ông ta phê chuẩn những đạo luật giả dối sau đây:
- Cho phép những đội quân có vũ trang đông đảo đồn trú trên đất nước ta
- Cắt đứt những quan hệ thương mại giữa chúng ta với các khu vực khác trên thế giới
- Tước đoạt hiến chương của chúng ta, hủy bỏ những bộ luật giá trị của chúng ta và thay đổi một cách căn bản những thể chế chính quyền của chúng ta.
- Đình chỉ các cơ quan lập pháp của chúng ta rồi tự tuyên bố là có quyền lập pháp cho chúng ta trong mọi trường hợp

Ông ta đã cưỡng ép các công dân của chúng ta bị bắt ngoài biển khơi phải cầm súng chống lại đất nước mình, trở thành những đao phủ giết hại bạn bè và anh em mình, hoặc buộc họ phải tự giết hại mình.
Tóm lại, một ông Hoàng với tính cách được thể hiện qua các hành vi mà ta có thể gọi đúng tên là bạo chúa, thì không xứng đáng là người của một dân tộc tự do
…"

Bùi Quang Minh: Nhưng anh có ý kiến gì khi một số người cho rằng, Thế lực xấu nào đó xúi giục dân, làm cho họ dùng bạo lực/ đập phá gây mất trật tự xã hội và chưa chắc kết quả này làm cho nhân dân sống tốt hơn?

Nguyễn Hoàng Đức: Có một phương ngôn rằng: Kẻ khôn nó đi một mình, thì không ai lừa được. Nhưng khi chúng tập trung lại thì rất dễ bị lừa. Ngược lại, kẻ dại đi một mình rất dễ bị lừa, nhưng khi họ tập trung lại thì không ai lừa được. Tại sao vậy? Vì kẻ khôn đi 1 mình thì nó tự tin, nhưng khi tập trung lại thì chúng chủ quan nên dễ bị lừa. Còn kẻ dại khi đi xé lẻ dễ bị lừa, nhưng khi tập trung họ lại họ trở thành một khối khôn ngoan không dễ bị lừa. Người Việt có 1 câu tương tự "Nó lú nhưng chú nó khôn", nghĩa là người ta có thể coi thường cá nhân nào dại nhưng đừng coi thường gia đình nó bởi vì gia đình nó có đủ cả kẻ khôn lẫn người dại sẽ không dễ bị qua mặt.

Nhân dân là gì? Đơn giản như ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng có nhà và đều muốn ngôi nhà của mình đứng vững. Ngôi nhà muốn đứng vững thì nó phải xây dựng chắc chắn. Quốc gia là một ngôi nhà to hơn bao trùm lên những ngôi nhà con và nhân dân hoàn toàn dự hưởng được ngôi nhà nào đang lung lay sẽ sụp đổ lên nhà mình. Và trí tuệ khi muốn xây lại nhà của họ là một trí tuệ chính đáng nhất. Nếu Mubarak và Ben Ali lên ngôi từ mới hôm qua đã bị xúi giục ám sát hay gây sụp đổ thì chúng ta có thể nghĩ đến kịch bản quần chúng nhẹ dạ bị xúi giục, nhưng thời gian cầm quyền của Ben Ali và Mubarak nếu coi 10 năm là thế hệ của tuổi trẻ thì họ đã cầm quyền sình lầy và ứ đọng dăm bảy thế hệ rồi.

Tóm lại, họ chính là sự ách tắc của quốc gia và lịch sử. Cái xấu của họ là đội sổ cuối cùng mà bất kỳ sự chữa bệnh nào kể cả của lang vườn đều tốt hơn duy trì sự tồn tại của căn bệnh đó. Chúng ta nên nhớ, thuốc đắng dã tật, mọi cuộc mổ xẻ đều gây đau đớn nhưng như triết gia Socrate đã nóingười bệnh nhìn thấy thuốc đắng mà hạnh phúc chứ không phải kẻ có bệnh bị lờ đi là hạnh phúc. Tunisia và Ai Cập đã tự trị liệu căn bệnh của mình. Nếu có 1 cái gì là thế lực bên ngoài chỉ là những người đem đến tí củi, tí dầu, viên thuốc mà không bao giờ là lực lượng quyết định “con bệnh bị giải phẫu”. Bởi vì, nếu việc can thiệp mà làm được thì những thế lực kia họ làm từ lâu rồi chứ không phải vào lúc giải phẫu này.

Người Việt có câu: “Nhà có mối mọt (cột kèo ngả nghiêng xiêu vẹo do bất chính) chỉ cần hẩy nhẹ là đổ”. Khi đó thì đừng trách người gẩy nhẹ, mà hãy trách chủ nhân làm nhà có cột kèo xiêu vẹo, mối mọt.

Bùi Quang Minh: Vâng tôi đồng tình với anh. Đó là thái độ cảnh giác, thận trọng trước mọi mưu đồ xấu xa, đôi khi quá đà lại thành đi theo Thuyết Âm mưu là: đằng sau mọi chuyện đều có âm mưu của thế lực đen tối nào đó. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng: lãnh đạo của họ tài giỏi, nhưng kẻ nào đó ở nước ngoài đứng đằng sau kích động xúi giục người dân nổi loạn để lật đổ chế độ, dựng nên các chế độ thân phương Tây còn lãnh đạo tài giỏi của họ duy nhất bị xét xử, đông đảo nhân dân tiếp tục sống trong u mê, dễ bị giật dây (?). Một cách nghĩ tương xứng, tôi cũng theo Thuyết Âm mưu và có giả thuyết khác rằng: Ai đó đứng đằng sau chế độ độc tài, giật dây nhà độc tài bòn rút tài sản quốc gia, bóp méo công lý, đàn áp các lực lượng trong xã hội làm cho xã hội đầy rẫy những bất công, người dân lâm vào cùng cực... Và thực tế là, tôi chỉ thấy người ta đã xử tử những kẻ độc tài, tham nhũng và những kẻ đã ra lệnh bắn vào nhân dân. Mọi tội ác đã xảy ra đều phải bị trừng trị! Có nghĩa là hãy nhìn vào thực tế để loại bỏ các giả thuyết ly kì!

Nhưng theo ông nhân dân Tunisia, Ai Cập chống lại các cá nhân độc tài hay còn nhằm đạt được gì khác?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi cho rằng câu hỏi của bạn quá sai. Bản thân Ali và Mubarak cũng giống như Từ Hy Thái Hậu xưa là 1 bà lọm khọm vớ vẩn không đáng để người dân chống mình. Trong phim Cộng Hòa, khi Từ Hy Thái Hậu chạy nạn, già lọm khọm, chỉ cần đứa đầy tớ gái xô nhẹ 1 cái bà ta sẽ ngã xuống vực chết liền. Nhưng đã không ai làm thế cả, mặc dù tất cả đều căm ghét bà ta, tại sao? Bởi vì không một người nào dại dột đến mức đánh đổi nhân cách, đạo đức và ân phúc của mình lấy mạng sống của một bà già. Sẽ không thỏa đáng khi cho rằng dân tộc Tunisia, Ai Cập đông hàng trăm triệu người lại phải chống lại một Ali và Mubarak bằng chứng rõ ràng rằng họ đã xuống đường cách mạng tay không chỉ để bày tỏ thái độ muốn mở tung cánh cửa ra, để hít thở không khí của mình. Việc xổ tung cánh cửa o bế, tù hãm để được hít thở không khí mát mẻ tinh khôi không bao giờ đồng nghĩa với việc chống lại cá nhân A hay B. Vì để chống lại cá nhân A hay B thì chỉ cần một nhóm lật đổ hay đánh bom liều chết là giải quyết được cá nhân A hay B rồi. Việc những ông chồng xuống phố kéo theo cả vợ con trên tinh thần hoan hỉ thể hiện rõ rằng họ khao khát một cuộc chuyển mùa xã hội giống như vũ trụ làm mới mỗi mùa xuân.

Bùi Quang Minh: Cá nhân khi có nhiều quyền lực trong tay có thể gây hại rất lớn. Vậy thì, không chống một mình cá nhân nào thì cuộc cách mạng chống lại tập thể/ nhóm người nào theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi xin trả lời kỹ về việc này. Một số người bị o bế, trong một ngôi nhà thiếu khí nào đó, khao khát – giống như bản năng sống của họ - giống như bản năng sống của mọi động vật (con chim sống ở trong lồng), họ muốn xổ tung cửa ra để hít thở không khí mới, những kẻ giam họ lại hô lên: Mày chống lại tao? Nhưng chúng ta nên hiểu, không có cá nhân nào đủ cao thượng đến mức cả dân tộc xuống đường với vợ con ở bên mình bất chấp cái giá phải trả có thể hy sinh cả nhà để chống lại cá nhân đó. Người Anh có câu: Trò chơi không xứng đáng một ngọn nến. Mỗi cá nhân chỉ là con kiến của một dân tộc không đến để cả dân tộc thắp nến đi tìm nó. Cái nhân dân khao khát là một nguyên lý sống, một đời sống mới, và chỉ sống trong công lý mới người ta mới hạnh phúc. Người ta đẩy cửa ra để đòi không khí mới, không phải chống ai cả. Người ta đòi công lý, sống có công lý cũng chẳng nghĩa là để chống ai. Còn những kẻ phi lý tự nhiên chúng ngược với công lý và chúng muốn quy tội những người muốn công lý là kẻ chống lại chúng.

Bùi Quang Minh: Trong lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ hay sự kiện Bức tường Béc Lin đã từng là những biểu tượng gây bùng nổ và thắng lợi các cuộc cách mạng Giải phóng dân tộc, cuộc cách mạng tại Đông Âu. Vậy theo ông liệu hai rừng hoa Tunisia và Ai Cập có tỏa hương khắp thế giới hay không? Nói tóm lại nó có mang theo hiệu ứng domino không theo ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Cuộc cách mạng này đang có dấu hiệu lan rộng: Bắc Phi: Libya, Algérie, Maroc; Trung Đông: Syria, Bahrain, Jordani, Yemen, Liban, Iran… và đang có dấu hiệu xuất khẩu cả sang châu Á. Cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập phải được xem là phép lạ không phải từ trời rơi xuống không phải thần kỳ từ đá chui lên mà nó kỳ diệu ở chỗ nó là những hạt giống ở những nơi sỏi đá nhất đã trổ sinh những bông hoa Cộng Hòa. Nhà nước theo triết gia John Stuart Mill trongcuốn Bàn về Tự do chỉ xuất hiện trong lịch sử hiện đại khi nhà nước đó bao hàm nhân dân. Còn toàn bộ chiều dọc của lịch sử, nhà nước phong kiến chỉ là một gia đình to, gia đình trị kéo dài, không đáng là một nhà nước. Một nhà nước nói toẹt như Từ Hy Thái Hậu, thiên hạ là của nhà Thanh.

Nhà nước theo nghĩa kinh điển đặc biệt nhà nước đại nghị Cộng Hòa chỉ xuất hiện với nghị viện Aten-Hy Lạp, Cộng hòa La Mã, Quân chủ Lập hiến Anh, và Cộng hòa Pháp…

Cách mạng Pháp nhìn kỹ lại chúng ta thấy nó không chỉ là niềm tự hào còn là nỗi xấu hổ. Tại sao? Chẳng hạn nước Anh khi họ ý thức được phải thực hiện nền cộng hòa, họ đã tự giác chuyển biến sang Quân chủ lập hiến. Nhưng người Pháp không làm được vậy, đã phải xuống đường đổ máu khốc liệt với ngục Bastil để đạp đổ chế độ phong kiến vua chúa, đổi lấy chế độ cộng hòa.

Cách mạng, nhà nước cộng hòa, nhân dân, dân chủ chỉ là những khái niệm chỉ dành cho người da trắng như đã nói bên trên còn những nước châu Phi, châu Á da đen, da vàng là những nước nhiễm nặng từ trong truyền thống và máu thịt trong chủng tộc và nòi giống chế độ phong kiến cha truyền con nối cho nên họ chưa bao giờ có cái gọi là Nhà nước đúng nghĩa càng chưa có lịch sử xây dựng nhà nước cộng hòa đúng nghĩa. Cũng chưa thể có cái gọi là nhân dân đúng nghĩa - là những công dân lập hiến (Chúng ta chỉ có những thảo dân sợ sệt vua chúa, dám ăn dám nói những ý kiến của mình mà không sợ phạm húy. Từ xa xưa nói phạm chữ húy của vua quan và vợ con vương gia đều có thể bị tội chết). Chính vì thế mà cuộc cách mạng đòi dân chủ cộng hòa và lập hiến ở Tunisia và Ai Cập là phép lạ trong phẩm chất của những người da màu.

Một hạt men sẽ làm dậy cả đống men, không cách gì hạt men này không lên men ở nơi khác cả. Người Việt có câu, mẻ không ăn cũng chết, hiểu theo nghĩa rằng, ở đâu chưa có men mà có cơm nguội thì men cũng mò đến. Vì thế, hiệu ứng domino tất cũng xảy ra nhưng lan theo “giới tuyến của cơm nguội”. (Nghĩa là ở đâu có men và tốt đẹp rồi thì hiệu ứng domino không xảy ra)

Bùi Quang Minh: Tunisia và Ai Cập đều từ giữa thế kỷ 20 đã là nước Cộng hòa (Cộng hòa Tunisia, Cộng hòa Ả rập Ai Cập), còn đảng cầm quyền đã mang tên là Đảng Dân chủ (Đảng Dân chủ Quốc gia Ai Cập, Tập hợp dân chủ Hiến pháp Tunisia). Vậy theo ông cuộc cách mạng hiện nay được xem bản chất là gì (cuộc cách mạng Cộng hòa hay là cuộc cách mạng Lập nước)?

Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đã trình bày ở bên trên với bạn, chỉ có vài nơi trên thế giới có nhà nước và lịch sử xây dựng Nhà nước đúng nghĩa mà họ thuộc về những người da trắng, dân trí cao, còn cái gọi là Nhà nước Cộng hòa đã trải khắp trên thế giới là "hàng nhập khẩu", đối với một số nước dân trí cao họ coi "hàng nhập khẩu" như thế là giá trị và thiết thực và họ biến hình thức nhà nước cộng hòa thành nội dung nhà nước cộng hòa.

Còn ở rất nhiều nơi Nhà nước cộng hòa chỉ là một danh hiệu biến tướng, giả cầy treo đầu dê bán thịt chó để che đậy quyền lực của một số cá nhân và một nhóm người. Tên nhà nước Cộng hòa không ăn nhập gì với nội dung nhà nước Cộng hòa. Thậm chí ở những nước này, cái nhà nước cộng hòa đó không thiết lập bất cứ thể chế nào để “Cộng hòa hóa” cả.

Bùi Quang Minh: Tôi đồng ý với ý kiến này. Tunisia trở thành nước Cộng hòa năm 1956 từ tay thực dân Pháp, Cộng hòa Ả rập Ai Cập trở thành nước Cộng hòa năm 1953 từ sau một cuộc đảo chính quân sự, quân Anh rút hẳn khỏi quốc gia này năm 1956. Cộng Hòa mới chỉ là ở tên gọi, ở ý nguyện trở thành nhà nước như vậy. Việc thực hành Nhà nước Cộng hòa đến nay đã bộc lộ những sai lầm. Tôi cho rằng những cuộc cách mạng đang diễn ra sẽ nằm ở các nước thế giới thứ ba như ở châu Á, châu Phi là dịp để nhân dân kiểm soát, siết lại cái thể chế gọi là Cộng hòa của mình. Đi xa hơn nữa nếu họ kiểm soát được hiện tượng lạm quyền/lộng hành, mở rộng được quyền tự do cho con người thì ta có thể gọi chúng với tên gọi Cách mạng Dân chủ Nhân dân 2.0. Còn các Đảng tên gọi là Dân chủ lại không hoạt động theo lý tưởng Dân chủ hóa, còn là nơi ẩn nấp của các kẻ độc tài.

Qua những sự kiện này chúng ta có thể rút ra bài học gì thưa ông?

Nguyễn Hoàng Đức: Bài học thứ nhất, tôi vẫn nhắc lại bài học kinh điển của lịch sử, thuộc về 2 cường quốc văn minh Anh và Pháp. Người Anh do ý thức được Cộng hòa đại nghị đã tự giác biến chuyển thành quân chủ lập hiến và đã tránh được những cuộc bạo loạn. Người Pháp lại không tự giác làm được việc này nên đã có rất nhiều cuộc xuống đường đẫm máu xảy ra.


Bài học thứ hai, cuộc cách mạng Tunisia và Ai Cập được gọi là cuộc cách mạng Hoa Nhài mới đây thêm một lần nữa ta lại ngước mắt chiêm ngưỡng bài học của thánh Mahandar Gandhi về Bất bạo động. Nhân dân đòi công lý, công lý đó được thể chế bằng pháp lý, để giúp họ lập hiến ra một quốc gia có pháp luật, mong được sống công bằng và hạnh phúc. Nhân dân đòi quyền sống nhưng không nên đòi sự tàn sát (giải quyết nhanh để tồn đọng lại những hậu quả hằn thù dai dẳng của thế lực hay cá nhân. Cái thiết yếu là nhân dân muốn công lý và hiến pháp. Và người ta đã theo đuổi việc đó một cách hòa bình thuần khiết. Và cuộc cách mạng đã chiến thắng vẻ vang như lòng nhân ái của con người đã chiến thắng. Tôi cho rằng đây là một kỳ tích mà lịch sử chưa bao giờ có được, như chúng ta đã kể ra bên trên từ Dân chủ Aten đến Cộng hòa La mã, đến nghị viện Anh và Pháp, rõ ràng kiến trúc thượng tầng của Cộng hòa chưa bao giờ nở hoa tự giác trong lòng các quốc gia da màu, các nước thế giới thứ ba.

Cả hai bài học trên dù là của người da trắng đến sớm hay của người da màu đến muộn đều cho chúng ta nhân dân đang kiên nhẫn đòi hỏi một yêu cầu thuần khiết về môi trường sống của mình được thiết lập thành quốc gia: Quốc gia lập hiến là môi trường sống cao nhất cho con người đã được chứng kiến trước kia và ngay nhãn tiền!

Bùi Quang Minh: Nhiều quốc gia thuộc thế giới thứ ba đã từng có hiến pháp, luật pháp thì có phải họ đã là nhà nước pháp quyền và cuộc sống theo công lý chưa?

Nguyễn Hoàng Đức: Phải phân biệt 2 điều về Quốc gia pháp quyền: một là tự giác pháp quyền với dân trí đã chín muồi của nhân dân; hai là quốc gia pháp quyền đó chỉ là "hàng nhập khẩu" trong khi nhân dân chẳng tự ý thức gì cả, trái lại còn bị một nhóm lãnh đạo cầm quyền thao túng và lợi dụng, thậm chí che mắt quyền lập hiến của mọi người.

Bùi Quang Minh: Vâng, tôi đồng ý với ông. Và cũng có một số rất ít nước da vàng (châu Á) khi họ có ý thức và tinh thần dân tộc, họ sớm học hỏi "công nghệ lập và quản lý Nhà nước", sử dụng hết sức thành công "công nghệ nhập khẩu", như Nhật Bản, Singapore.

Các nhà khai quốc của chúng ta như Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Phan Bội Châu,Phan Châu Trinh, thuộc "Thế hệ vàng" thuở lập quốc cũng đã sang tận Pháp, Anh, Mỹ, Nhật... để học hỏi những điều hay của phương Tây về để thực hành cách mạng và xây dựng Nhà nước.

Nhưng cũng như các nước thế giới thứ ba khác, Việt Nam còn tụt hậu so với Nhật Bản, Singapore rất nhiều trong việc hoàn thiện thể chế nhà nước Cộng hòa của mình.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi nói chuyện thú vị hôm nay.

Nguyễn Tất Thành nghiên cứu các tác phẩm của các nhà lý luận của cách mạng tư sản như Montesquieu, Rousseau và ông tìm thấy không có gì quý hơn giá trị Độc lập - Tự do (Dân tộc ĐỘC LẬP - Dân quyền TỰ DO), hai giá trị mà không thể tách rời và bất khả xâm phạm đó. Nhân dân của quốc gia cần một chính quyền độc lập, dân chủ để tổ chức và bảo vệ các quyền tự do của mỗi người. Bởi vậy, mở đầu Tuyên ngôn, Người đã dẫn lời bất hủ của Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Hieu_ro_hon_ve_cach_mang_hoa_nhai/

Monday, February 14, 2011

CẢM HỨNG AI CẬP : NHÌN XA ĐỂ NGHĨ GẦN


CẢM HỨNG AI CẬP: NHÌN XA ĐỂ NGHĨ GẦN

Tác giả: TS ĐINH HOÀNG THẮNG

Để xây dựng và bảo vệ đất nước, tài nguyên thiên nhiên không quan trọng bằng tri thức và nguồn nhân lực. Cải cách kinh tế phải đi cùng cải cách chính trị như hai chân và phải cùng bước nhịp nhàng thì mới có thể tiến xa mà không bị ngã. Phần kết của câu chuyện gây sốc ở Ai Cập, Bắc Phi và dưới các chế độ độc tài khác có thể mở ra một kỷ nguyên mới.

Ngọn đuốc Mohamed Bouazizi 26 tuổi ngùn ngụt bốc cháy trên đường phố Sidi Bouzid ở Tunisia. Tấm hình thương tâm này ngay lập tức tràn ngập các trang mạng xã hội Facebook hơn một tháng qua, gây xúc động cho triệu triệu con tim. Ngoài sự quả cảm chỉ những người có đức tin mới dám hành động như vậy.

Ngọn đuốc sống có thật Mohamed Bouazizi đã thiêu trụi chính thể Ben Ali sau 24 năm cầm quyền, lật nhào Tổng thống Ai Cập Mubarak sau 30 năm tại vị. Nhiệt lượng cao của ngọn đuốc đang lan sang một số quốc gia lân cận khác, đốt nóng cả vùng Bắc Phi - Trung Đông (MENA), và chưa ai đoan chắc được điểm dừng của nó ở đâu.

Cách mạng đến từ đâu?

Mubarak đã ra đi!

Công bằng mà nói, theo một số nhà nghiên cứu, Mubarak đã lãnh đạo Ai Cập chuyển sang kinh tế thị trường từ 1991, tiến hành cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển sản xuất với tốc độ GDP bình quân là 7%. Ông đưa Ai Cập bước vào hàng ngũ có mức thu nhập trung bình trên thế giới, và là nước được xếp vào loại khá tại MENA.

Nhưng mặt trái của tấm huân chương là Mubarak đã không đổi mới chính trị. Nghịch lý cải cách nằm ở chỗ chế độ của nhà độc tài này vẫn buộc phải hiện đại hóa đất nước và nâng cao trình độ của lực lượng lao động, để theo kịp với mức phát triển của nền kinh tế. Một khi trình độ dân trí và mức sống xã hội được nâng cao thì người dân không chấp nhận ách độc tài nữa.

Một cách giải thích khác là Mubarak đã phải trả giá cho sự thành công thuần túy về kinh tế, khi trong xã hội Ai cập đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu khá giả. Lực lượng xã hội mới này đã đòi hỏi những thay đổi chính trị trên thượng tầng mà giới lãnh đạo không theo kịp. Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng độc tài, kéo theo tham nhũng, trong các tầng lớp trên ở Ai Cập.

Cách giải thích thứ ba về sự thất bại của Mubarak chính là vì chiêu bài bảo vệ ổn định. Ông ta đã sử dụng các biện pháp có thể để giữ ổn định, như củng cố phe cánh, xây dựng nền an ninh trị và bưng bít thông tin. Mubarak xây dựng vị thế lãnh đạo suốt cả ba thập kỷ của mình trên một nhóm lợi ích chiếm thiểu số, nhưng nắm giữ đa số các đặc quyền và đặc lợi.

Những thành viên trong nhóm này cấu kết với nhau để làm giàu. Riêng phần Mubarak sở hữu một tài sản lên đến hàng chục tỉ USD. Hai người con trai của ông ta cũng đều là tỉ phú.,Đặc biệt, Gramal Mubarak, người con trai thứ, ngoài chuyện làm giàu, còn có tham vọng chính trị rất lớn. Nếu không có cuộc cách mạng vừa qua, rất có khả năng lên thay thế ông bố.

Trong khi đó, hơn 40% dân số Ai Cập vẫn sống với khoản thu nhập trung bình mỗi ngày dưới 2 đô la! Đó là chưa nói tới hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học đã không có việc làm.

Tất cả những dẫn chứng nói trên hẳn đã gây rất nhiều công phẫn trong quần chúng. Những tiếng nói đòi tự do dân chủ cũng từng cất lên đây đó, nhiều lần.

Nhưng Mubarak vẫn cố bịt tai mình lại. Giới bình luận chính trị Tây phương nhận định rằng, trong vô vàn những điều Mubarak không hiểu, có một điều vừa rồi đã đóng vai trò chính yếu trong việc kết liễu sự nghiệp chính trị của ông. Đó là các phương tiện truyền thông mới như Internet, Twitter và Facebook.

Dân chủ hay độc tài?

Có một hình ảnh khiến người ta phải dừng mắt lại để suy ngẫm. Đó là anh thanh niên 30 tuổi, Wael Ghonim, Trưởng ban Tiếp thị của Công ty Google Inc. Chính quyền Mubarak phóng thích Ghonim với mục đích xoa dịu phong trào biểu tình, với hy vọng Thủ đô Cairo trở lại yên tĩnh.

Wael Ghonim đã xuất hiện lần đầu tiên sau 12 ngày bị giam giữ. Anh bật khóc trước ống kính truyền hình của các phóng viên nước ngoài và nghẹn ngào nói: "Chúng tôi không phải là những kẻ phản bội". Bởi, Wael đã khóc cho hàng trăm người bị bắn chết trong các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt những tuần qua.

Lập tức những tràng pháo tay nổ ra như sấm. Wael lại nói với các phóng viên báo chí nước ngoài rằng những cuộc biểu tình này là "một cuộc cách mạng trên Internet".

Hôm sau, một "quý bà" tên là Fifi Shawqi thuộc tầng lớp trên đã lần đầu tiên xuống đường biểu tình. Đi cùng bà có cả 3 cô con gái và một người em của bà. Bà Fifi nói với các phóng viên: "Tôi nhìn thấy Wael trong cuộc phỏng vấn hôm qua và tôi đã khóc. Tôi thấy Wael như con trai tôi, và tất cả những thanh niên ở đây cũng như con tôi. Tôi nghĩ hình ảnh Wael đã khiến nhiều người, rất nhiều người, đến đây".

Những người khác trong đám biểu tình cũng nói họ ra khỏi nhà đến quảng trường lần đầu sau khi biết tin Wael Ghonim đã được tự do. Ghonim đã trở thành một ngọn cờ tụ nghĩa đối với những người biểu tình. Cuộc nổi dậy trở nên kiên định hơn, khi những người tham gia quyết không chấp nhận bất cứ sự thương lượng nào. Trừ việc Mubarak phải từ chức.

Một cách cận cảnh, đấu tranh giữa dân chủ và độc tài đã diễn ra như vậy. Nhưng cách mạng chưa kết thúc, vì chưa ai biết rõ về thái độ của quân đội Ai Cập, hiện đang nắm quyền lãnh đạo thông qua một hội đồng tướng lĩnh. Quần chúng vẫn hoài nghi. Bởi cái chính quyền mà họ đã từng phản đối, đến nay, vẫn hầu như không thay đổi.

Trách nhiệm của quân đội Ai Cập trở nên rất lớn lao. Họ vừa phải bảo đảm ổn định, vừa phải đáp ứng khát vọng dân chủ của nhân dân. Liệu họ có bảo đảm cho cho tiến trình chuyển tiếp dân chủ diễn ra êm thấm hay không ? Họ sẽ hành động như đã hứa, hay lại giữ nguyên chế độ toàn trị như cũ, với một tân Mubarak?

Các mục tiêu mà những người biểu tình đòi hỏi từ lâu như dân chủ, nhân quyền, công ăn việc làm, các tiêu chuẩn xã hội đối với người lao động nói chung, đặc biệt là đối với giới trẻ và trí thức, đã trở thành mục tiêu tối hậu quan trọng không kém, so với các nhu cầu về bánh mì và thực phẩm.

Theo thông cáo trên truyền hình hôm Chủ nhật vừa rồi, quân đội đã giải tán quốc hội, và nắm lấy quyền điều hành đất nước trong vòng sáu tháng. Thủ tướng Ai Cập nói các bộ trưởng hiện nay sẽ lưu nhiệm cho tới khi có nội các mới. Quân đội cam kết tuân thủ mọi thỏa thuận quốc tế, và xác nhận hòa ước quan trọng năm 1979 với Israel vẫn được tôn trọng.

Điều gì sẽ bảo đảm những yêu sách về dân chủ, nhân quyền sẽ được đáp ứng? Phải chăng vì quyền lực vẫn trong tay quân đội cho nên dù quảng trường Giải phóng đang được thu dọn, một số người biểu tình vẫn ở lại? Họ tuyên bố tuần này sẽ còn tiếp tục biểu tình, bãi công, một khi một chính phủ dân sự chưa lên nắm thực quyền.

Xem ra đây sẽ là cuộc đấu sức, đấu trí mới chưa thể ngã ngũ trong những tuần tới, những tháng tới. Người dân có quyền hồ nghi rằng các thành quả cách mạng của họ có thể bị quân đội chiếm đoạt, nếu, rồi đây, giữa quân đội và các lượng đối lập không thỏa thuận được với nhau cái gọi là «lộ trình chuyển tiếp dân chủ».

Vết dầu loang?

Nhiều nhà quan sát tin rằng người dân Ai Cập đã được truyền cảm hứng từ cuộc nổi dậy của Tunisia cách đây một tháng. Nhưng giờ đây, khi tình hình ở những quốc gia MENA khác cũng đang nóng lên từng ngày, nhiều nhà phân tích lại cho rằng người dân Bắc Phi, đến lượt mình, lại đang lấy cảm hứng từ chính các cuộc biểu tình ở Ai Cập.

Thật ra, cảm hứng là quá trình hai chiều, nó tương tác, đan quyện và qua lại. Trong trường hợp này khó xác định cảm hứng đến từ đâu, ngoại trừ từ nhân quần lao khổ và từ những sai lầm chết người của chế độ. Cảm hứng, kể cả của các lãnh đạo cao nhất, nhiều khi đến từ các sự kiện nóng hổi.

Bản thân Tổng thống Obama đã được báo trước về sự ra đi của Mubarak, vẫn phải xem truyền hình trực tiếp cảnh vui mừng của người biểu tình để chuẩn bị phát biểu trước quốc dân và thế giới. Chính ông thừa nhận ngay sau đó rằng, người dân Ai Cập đã tạo cảm hứng bằng cách sử dụng phương pháp bất bạo động để uốn "vòng cung lịch sử về phía công lý".

Nguyên nhân các cuộc nổi dậy ở các nước MENA đều xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại âm ỉ lâu ngày. Bất công về thu nhập, phân phối phúc lợi và của cải xã hội, cùng với bất hợp lý trong chính sách nhà nước liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, đã dẫn đến sự phân hóa, chênh lệch giàu nghèo ngày càng trầm trọng.

Nhưng trong MENA nhiều nước còn nghèo hơn và thể chế còn độc tài hơn cả Tunisia và Ai Cập mà cách mạng vẫn chưa nổ ra. Bởi lẽ chính trị không phải là môn hóa học! Có khi lượng đổi nhưng chất vẫn chưa đổi. Bấy nhiêu bất công, bấy nhiêu độc tài đủ để Tunisia và Ai Cập làm cách mạng, nhưng ở nơi chốn khác chỉ mới âm ỉ, thậm chí vẫn án binh bất động! Tuy nhiên, cơn bão lửa nổi lên từ Tunis và Cairo đã làm nhiều tàn lửa xẹt sang một số nước khác.

Algerie đã có người tự thiêu vì thất nghiệp trước cơ quan hành chính Tebessa. Từ cuối tuần qua các cuộc xô xát giữa người biểu tình với cảnh sát ở Algerie, ở Yemen đã trở nên ác liệt, số người chết và bị thương tăng dần. Tại Jordanie, một cán bộ nghiệp đoàn đã đứng lên kêu gọi làm «cách mạng hoa nhài» trước tòa đại sứ của Tunisia tại Amman.

Hàng ngàn sinh viên Syria đã biểu tình kêu gọi dân xuống đường chống chính quyền Sanaa. Nhà cầm quyền đã không dám lớn tiếng về tình hình Ai Cập, do lo sợ về các cuộc biểu tình ở trong nước. Tại Soudan, ngay thủ đô Khartoum, nhà đối lập nổi tiếng Moubaral al-Fadil nhận định rằng nhân dân nước này đã sẵn sàng cho một cuộc nổi dậy.

Tất cả các nhà độc tài Arập, từ Marốc tới Arập Xêút và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hiện đều đang run sợ. Câu chuyện về Ai Cập trong những tuần qua trở thành một trong những biến động địa-chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Các Pharaoh, dù cổ đại hay hiện đại, đều phải chứng kiến ngày tàn của họ.

Những gì xảy ra tại Ai Cập và một số nước ở MENA cho thấy dù là Hồi giáo, hoặc bất cứ nền văn hóa nào đi nữa, cũng không thể duy trì mãi chính sách độc tài, toàn trị. Cải cách kinh tế phải đi cùng cải cách chính trị như hai chân và phải cùng bước nhịp nhàng thì mới có thể tiến xa mà không bị ngã.

Chiêu bài ổn định đã không tạo được sự ổn định cho Ai Cập và MENA. Ổn định phải được xây dựng trên sự đồng thuận. Tức là, dân chúng đồng thuận với chính quyền và ủng hộ chính quyền. Ngược lại, cái gọi là ổn định nhưng bất chấp đồng thuận, bị áp đặt từ trên xuống và được duy trì bằng bạo lực, sớm muộn sẽ thất bại.