Thursday, May 19, 2011




CẢM XÚC Ở ĐẠI SỨ QUÁN THỤY ĐIỂN

Hôm nay ghé qua Đại sứ Quán Thụy Điển, thăm xã giao Ngài Đại sứ. Đây là lần đầu tiên mình đi xe thẳng vào ĐSQ mà không bị hỏi, người bảo vệ với khuôn mặt uể oải trong nắng đầu hè, nhìn thấy mình và vẫy tay cho qua.  

Trước khoảng sân rộng là đầy là me, lá phượng rơi,  không có người quét. Bước qua phòng chờ vắng lặng, đến khu Private cũng không thấy bóng người, bể bơi yên tĩnh lạ thường, vài chiếc xe đạp đứng tư lự, chiếc bập bênh của trẻ em nằm trống trơn.

Tự nhiên mình nhớ đến cách đây 5 năm, một chuyên gia Thụy Điển dẫn mình đến thăm một khu gần Việt Trì. Từ hồi năm 1980s đã có lúc đến 500 người Thụy Điển bao gồm cả công nhân và gia đình sang ở và giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng cư ngụ ở đó.

Khu đó cách Nhà máy giấy khoảng 2 km, giờ đây bể bơi đầy rác, cỏ hoang mọc tràn lối đi, những bờ tường cũ đã bị gãy đỗ, đầy dây leo dại, nhiều chậu cây cảnh đổ nát lên chỗ ngày xưa gọi là quầy rượu. Không ai chăm sóc cải tạo ngoài một hai cái nhà phía ngoài được công ty du lịch biến thành nhà nghỉ cho thanh niên thuê nghỉ theo giờ.

Thụy Điển là nước tây phương đầu tiên công nhận và có quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Họ giúp Việt Nam rất nhiều, khi xây dựng xong nhà máy giấy Bãi Bằng, họ còn đóng gói, để lại những đồ đạc máy móc thay thế cho nhiều chục năm sau.

Thế mà, khi họ rút đi, thời bao cấp nhân dân mình tìm cách ăn cắp, đưa về nhà làm đồ vật linh tinh, sau này mỗi đời giám đốc Việt Nam lên lại phá hoại, thay thế toàn đồ tàu vào, nhà máy hư hỏng nhiều còn cả khu đồi rộng lớn cho chuyên gia ở giờ hoang tàn, lạnh lẽo.

Hôm nay bước vào Số 2 Núi Trúc, bọn mình gặp nhau, hàn huyên, chia sẻ đủ thứ về các dự án giảm nghèo, về những thành công và thất bại. Cuộc nói chuyện thật bùi ngùi. Cuối buổi chuyện, mình hỏi người bạn thân, khi nào cậu về ? ‘Tháng 7 này !”, Người thứ 2 đáp: “Tháng 9 tôi qua Thái Lan”. Ngài Đại sứ thì bảo: “Muộn nhất thì 31/12 năm nay”.

Họ bắt đầu ra đi và mình cảm nhận được sự buồn bã ở nơi mà đã một thời hết lòng vì Việt Nam. Toàn bộ cơ sở vật chất họ đã xây dựng có thể bị phá dỡ và mảnh đất vàng Số 2 Núi Trúc với những ngôi nhà thấp tầng, mái ngói màu đỏ biểu tượng của ngoại giao 40 năm qua có thể bị một tập đoàn tư bản đỏ nào đó phá đi để xây dựng lên những tòa nhà thương mại đầy bê tông xi măng.

Dù sao, trong suốt cuộc gặp, mình chỉ mong rằng đây chỉ là giấc ngủ ngắn, là một nút “tạm dừng” của Chính Phủ Thụy Điển nhằm theo đuổi một cách tiếp cận mới hầu đồng hành thiết thực hơn với Nhân Dân Việt Nam.

Mình hy vọng sẽ cùng bạn bè thức dậy đón chào một bình minh mới ở Việt Nam !

No comments:

Post a Comment