Saturday, February 26, 2011

BẮC PHI LÀ NGUỒN CẢM HỨNG


Các sự kiện đang diễn ra tại Libya cũng như tại nhiều nơi ở Bắc Phi vừa qua cũng được nhiều người tại Việt Nam chú ý, đặc biệt là những người hoạt động dân chủ.

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhân vật bất đồng chính kiến trong nước, cho BBC biết anh và những người đồng chí hướng thấy các diễn biến vừa qua tại Bắc Phi là một 'nguồn cảm hứng'.

Bài học quan trọng nhất, theo anh, là tinh thần bất bạo động. Trước hết, anh chia sẻ về suy nghĩ trước những diễn biến mới đây tại Bắc Phi:

Lê Quốc Quân: Tôi cho rằng phong trào biểu tình đòi dân chủ hay chống độc tài ở vùng Bắc Phi là một điều tất yếu phải xảy ra. Và nó đã xảy ra.

Mặc dù bất ngờ nhưng nó cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Có thể bất ngờ về mặt thời điểm, hoặc nguyên nhân, nhưng rõ ràng sự độc tài trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, lờ đi tất cả các quyền của dân chúng, thì tôi cho rằng đến lúc chuyện này phải xảy ra. Và rất vui là nó đã xảy ra.

Dù rằng cũng có những bạo động, và những mất mát, hi sinh, thế nhưng việc người dân đứng lên bày tỏ được tiếng nói của mình, và họ thực sự chứng minh được quyền lực của mình có thể đánh đổ được độc tài để đem lại dân chủ thì đó là một điều tôi rất vui mừng.

BBC:Là một người thường xuyên suy nghĩ về tình hình dân chủ trong nước, nếu có thể có liên hệ giữa Bắc Phi với Việt Nam thì anh có nhận định, so sánh gì?

Lê Quốc Quân: Giữa Bắc Phi với Việt Nam, tôi nghĩ ở cái vị trí địa lý cũng như các nguyên nhân là nó khác nhau. Ngay cái chuyện nó có xảy ra hay không ở Việt Nam và xảy ra như là một sự tác động ở Bắc Phi thì tôi cũng không nghĩ là có nhiều khả năng.

Nhưng dân chủ hóa đất nước là điều chắc chắn phải xảy ra ở những quốc gia độc tài. Có thể có hai cách: tự nhà nước thấy họ cần phải mở rộng dân chủ thì họ tiến hành, còn nếu họ không tiến hành dân chủ, thì người dân cũng có lúc người ta sẽ đứng lên để đòi lại cái quyền dân chủ đó.

Rõ ràng ở Việt Nam mình đây là chế độ một đảng và tất cả quyền lực nằm trong tay một đảng. Bản thân những người dân không được trực tiếp bầu lên lãnh đạo của chính mình.

Như vậy người dân cũng không thể hiện cái quyền lực của mình qua lá phiếu một cách dân chủ được, thì tôi nghĩ trước sau, người dân cũng cách này hay cách khác người ta đứng lên để đòi lại cái quyền ấy.

Có thể có hai cách: tự nhà nước thấy họ cần phải mở rộng dân chủ thì họ tiến hành, còn nếu họ không tiến hành dân chủ, thì người dân cũng có lúc người ta sẽ đứng lên để đòi lại cái quyền dân chủ đó.

BBC:Những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam như anh có thấy tình hình vừa qua và hiện nay ở Bắc Phi là một nguồn cảm hứng không, và có ghi nhận được những bài học nào đó không?

Lê Quốc Quân: Thực sự là nguồn cảm hứng chứ! Nó là nguồn cảm hứng trong từng câu chuyện, rồi trao đổi với bạn bè, rồi nguồn cảm hứng ngay tại khi mình nhìn thấy những hình ảnh chiếu trên TV hay báo chí…

Anh em cũng ngồi nói chuyện với nhau nhiều lắm, và cảm thấy rất vui vì dù sao nhân dân đã đứng lên và giành lại quyền lực của mình một cách hòa bình, mặc dù cũng có những cái xung đột.

Còn cái việc sau này nó được như thế nào đó nữa thì tôi nghĩ là nó không thể quay lại. Khi người ta đánh đổ được chế độ độc tài rồi thì có khả năng nó vẫn quay lại, nhưng mà nó không tệ hơn những cái đã qua. Tôi tự tin là như vậy.

Có một bài học quan trọng nhất tức là cái đấu tranh bất bạo động, và cái nguồn cảm hứng, cái tinh thần của con người mới là sức mạnh vô song. Như Gandhi đã nói một lần, là có thể sử dụng vũ lực hoặc này nọ, người Ấn Độ cũng giành được chính quyền, nhưng phẩm chất của các công dân Ấn Độ để sống trong một chế độ dân chủ là phải có tinh thần bất bạo động.

Tức là người ta phải sống với trái tim của mình, và lý tưởng của mình, một cách rất là hòa bình nhân ái, thì đó mới thực là những phẩm chất quan trọng trong một xã hội hay chế độ tương lai.

Anh em tôi cũng chỉ nghĩ là bài học rõ ràng là phải xây dựng xã hội nhân bản, rồi đấu tranh đòi những quyền thực sự của con người, và mong muốn xã hội ngày càng nhân bản hơn, tốt đẹp hơn.