Tuesday, April 27, 2010

TINH THẦN NGÔ QUANG KIỆT VÀ SỰ CANH TÂN GIÁO HỘI



Hồ Học – Trần Trung Luận


Việc triển khai nghị quyết “trong năm 2010 bằng mọi giá phải đẩy được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội” khởi sự ngay sau sự kiện Toà Khâm Sứ nổ ra, với sự phối kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành mà thường trực cho nghị quyết này là ngành an ninh.


Một loạt các biện pháp mạnh, trực diện đã được tung ra, đúng là “bằng mọi giá” như: huy động cả hệ thống truyền thông nhà nước vào cuộc vu khống, bôi nhọ đe doạ Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và linh mục, giáo dân Hà Nội.


Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công khai tổ chức họp báo quốc tế để thể hiện ý đồ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu phái đoàn cấp cao sang tận Vatican yết kiến Giáo hoàng để thương lượng, tìm hậu thuẫn, tác động từ trên cao… Rồi Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, xua cả ngàn quân cảnh với “súng ống giáp trụ” trang bị tận răng, đập nát cây Thánh giá bê tông tận trong núi thờ Đồng Chiêm, đánh đổ máu giáo dân ngay dưới chân Thánh giá… cũng chỉ để “Bẫy” cho được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt vào những sai lầm cụ thể để dễ bề thanh toán ông.


Đây là cách xử lý thường thấy của lãnh đạo “cộng sản” Việt Nam trong khi phải đối diện với mâu thuẫn, đó là “đánh rắn dập đầu”, ở đây là đánh thẳng vào trung tâm cuộc phản kháng vì “công lý, sự thật” của giáo dân Hà Nội kéo dài hai năm qua với các sự kiện lớn như Toà Khâm sứ, Thái Hà, Tam Toà, Loan Lý, Đồng Chiêm… “trung tâm” chính là “Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt”.



Với bản chất cố hữu, với não trạng xơ cứng, thiển cận, “lãnh đạo cộng sản” không đủ nhận thức để nhận ra rằng: khát vọng “công lý, sự thật” là hệ quả tất yếu, là sản phẩm của một xã hội đầy bất công và dối trá mà họ đang ngự trị. Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt chỉ là một lãnh đạo tôn giáo thuần tuý, thực thi những trách nhiệm thuộc tôn giáo của mình. Cá nhân ông tồn tại trong “không gian tôn giáo”, không lệ thuộc vào chính trị nên đẩy ông ra khỏi Hà Nội theo những cách đầy “chính trị” như lãnh đạo cộng sản đã làm nhằm dập tắt “tinh thần Ngô Quang Kiệt” trong giáo dân là không đem lại kết quả… cùng lắm chỉ là chuyến “dưỡng bệnh” tại Vatican với những cố gắng “thay người” hay “thêm người” là đã diễn ra mà thôi.



Trái lại lúc này đây, khi mà quyết định của Toà Thánh Vatican bổ nhiệm thêm TGM Phó cho Tổng Giáo Phận Hà Nội được công bố chính thức, “tinh thần Ngô Quang Kiệt” bỗng bừng dậy trong lòng giáo dân Hà Nội đến ngay cả tác giả “nghị quyết” cũng không thể ngờ được. Linh mục Phạm Minh Triệu nói “Nhiều giáo dân đã gọi điện tới và khóc”.



Một cán bộ cộng sản cấp cao đã phải thốt lên “thà cứ để nguyên ông Kiệt ở mức dưỡng bệnh có khi còn hơn”.


Cũng phải nói lại và nói thêm một chút là thật ra cá nhân vị Tổng Giám Mục này không có gì là nguy hiểm. Ông sống “tốt đời đẹp đạo” các hoạt động của ông hoàn toàn mang dáng dấp của một nhà “tu hành đạo hạnh” hơn là “thủ lĩnh”. Thế nhưng “tình yêu thương” “đức công chính” trong con người “tu hành đạo hạnh” ấy là “THẬT” nên bỗng trở thành “tinh thần Ngô Quang Kiệt” với kết tinh là “công lý, sự thật, hoà bình” trong cái xã hội ngập tràn bất công dối trá này, bất cứ ai là nạn nhân đều tựa vào, hướng đến…

Giáo dân thắp nến cầu nguyện đòi “công lý sự thật” trên đất đai của tiên tổ bị cướp, bán vào tay “tư bản đỏ” là chủ chăn, ông lên tiếng bênh vực chở che… Giáo dân bị bắt bớ, đánh đập oan uổng, với “tình yêu thương” ông tới thăm động viên… Biểu tượng Thánh giá bị xúc phạm, là tín hữu ông tức tốc có mặt cùng chịu nạn… là người “công chính” ông lớn tiếng giữa UBND Hà Nội “tôn giáo là quyền chứ không phải ơn huệ xin cho” Một người không Công Giáo nào đó khi được tiếp xúc với ông đã phải thốt lên rằng “không có gì đao to búa lớn hay bí hiểm ở con người này”.



Như thế thì việc phải rời khỏi sứ vụ không ảnh hưởng đến sự tận hiến cho Giáo Hội của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, và sự thăng tiến phẩm hạnh của riêng ông, người ta đều hiểu tâm tình, lựa chọn của ông trong lúc này là ”tín thác” và “xin vâng”. Nghĩa là để trả thù cho đựoc cá nhân ông, giới lãnh đạo cộng sản cũng đã phải trả những cái giá rất đắt, mà tinh thần “Ngô Quang Kiệt” vẫn cứ sống và cháy lan ra trong từng trái tim của giáo dân Hà Nội.


Nhưng ác nghiệt thay sự ra đi của ông lại là việc thực hiện nghị quyết của Đảng Cộng Sản ”trong năm 2010 bằng mọi giá phải đưa được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội”. Là “thắng lợi” lớn của một thế lực chính trị thân Trung Quốc trong giới “lãnh đạo cộng sản” đang lồng lộn trong cuộc tranh cướp quyền lực (sẵn sàng tung ra những đòn giang hồ hạ đẳng nhất như: ly gián, chia rẽ, mua chuộc, lật lọng)…



Đau đớn hơn là những tiếng kêu thét đòi ”công lý sự thật” của giáo dân, tài sản giáo hội bị chính quyền “tư bản đỏ” cưỡng đoạt, Giáo Hội bị thế quyền khinh miệt chèn ép, những cây Thánh giá thiêng liêng tiếp tục bị đốn hạ, những “tượng Đức Mẹ” tiếp tục bị bắt giữ, hàng loạt những linh mục có “tinh thần Ngô Quang Kiệt” sẽ lại ra đi… không ai biết sẽ có bao nhiêu phiên toà xử giáo dân sẽ được tổ chức để chào mừng Đại Hội Đảng toàn quốc…


Và nếu đúng là như thế thì điều mà những người ngoài công giáo cho là thảm hoạ có thể sẽ là : Khối Công giáo tại Việt Nam đang trên đường hợp nhất sẽ ra sao? Qua hệ thống truyền thông mạng Công Giáo chúng ta dễ dàng nhận thấy sự phân mảnh vốn tiềm ẩn nay đã xuất hiện. Sự phân biệt giữa hai miền Nam Bắc, sự phân hoá về nhận thức giữa các hàng giáo phẩm, linh mục…



Nguy hiểm hơn cả là sự phân hoá giữa con chiên và chủ chăn… Thiên chúa Giáo miền bắc Việt nam nguy cơ có thể chỉ còn là một tín ngưỡng “công giáo” tại gia khi “Giáo Hôi duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền” đang rạn nứt nhiều nguy cơ đổ bể. Sự hình thành Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành… trong lịch sử nhân loại cũng được bắt đầu trong những hoàn cảnh như thế này đây.



Rõ ràng đau đớn, mất mát nhất là khối Công Giáo Việt Nam với gần 500 năm đầu rơi máu chẩy để có “Giáo Hôi duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền”… Và sung sướng nhất , thụ hưởng nhiều nhất là những chủ nhân ông của nghị quyết “trong năm 2010 bằng mọi giá phải đẩy được Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội”.

Vẫn biết quyết định của toà thánh Vatican là tối hậu nhưng để cho nó thành hiện thực thì không thể không có Giáo Hội Công Giáo Việt Nam gồm giáo dân, chủ chăn (cả những phẩm hàm cao nhất).



Chúng ta đã thấy những cố gắng… đến hết lòng của những nhười công giáo chân chính, tiến bộ: một thỉnh nguyện thư chăng, một cuộc biểu lộ tình cảm vĩ đại chăng… tới Giáo Hoàng, tới tất cả những Giáo Hội Công Giáo có trên thế gian này… và tới cả tân Phó tổng giám mục Hà Nội, để “tinh thần Ngô Quang Kiệt” là sức sống, là niềm tự hào của toàn Tổng giáo phận Hà Nội…



Cuộc canh tân giáo hội đã bắt đầu từ những giáo dân.

No comments:

Post a Comment