Sunday, September 20, 2009

ĐỒNG VỌNG Ô SIN - PHẦN III


ĐỒNG VỌNG Ô SIN - PHẦN KẾT

“Xét đồ!”

Tôi giật mình khi vợ tuyên bố rõ to. Ngạc nhiên trước một quyết định táo bạo bất thường của vợ, tôi can. Vợ bảo nhờ tiếng chuông điện thoại reo mà em biết được. Chị này đã mua sim, hẹn một đồng hương ra về. Tôi lặng người. Giờ đây, trước mặt là nhân chứng và vật chứng. Chiếc điện thoại hơn 3 triệu là gấp 6 lần mức thấp nhất để phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật. Sự van xin và nhận tội hiển nhiên tố cáo hành vi.

“Xét người!”

Vợ tôi nói gần như hét. Đối với tôi đây là việc làm cả thể, ngoài mọi dự kiến, vượt trên luật pháp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm một con người. Tôi chưa biết nói gì.

- Em nhiều lần mất tiền rồi mà không dám nói với anh. Bây giờ phải xét!

Tôi lặng im, hai chị hàng xóm chạy sang hùa vào nhao nhao “phải khám, phải khám người…”. Nghề luật sư, tôi biết rằng chỉ làm điều đó khi có dấu hiệu phạm tội rõ ràng và có lệnh của công quyền. Chị Tình như quỳ xuống van xin chúng tôi, vợ tôi phải dọa gọi công an hai lần nữa chị mới chịu rút trong túi ra hai triệu đồng, mặt tái xám, đảo mắt nhìn tôi như sắp khóc:

- Tôi xin cô chú tha cho, đây là tiền rơi, tôi nhặt được khi giặt quần áo.

Con tôi khóc ré. Mới ở hai tháng mà cháu đã quen hơi người giúp việc. Nó linh tính thấy điều gì đó không lành cho bà và nó sợ. Nó tiếp tục khóc. Ngay lập tức tôi quyết định để chị đi khỏi nhà mình. Tôi bảo vợ tính trả tiền lương đầy đủ, thêm 500 ngàn đồng mua quà. Tôi yêu cầu rời khỏi nhà trước mười giờ tối, là lúc theo luật chưa vào đêm. Khi xưa ông nội tôi cố gắng mời bà Nghĩa ở lại, nay tôi đành phải đuổi chị Tình ra đi. Khi xưa là sự biết ơn, nay ô sin quên cả lời xin lỗi chỉ đủ thở phào như vừa thoát vạ. Tôi nhìn theo thấy bên kia đường một người đàn ông đang đón.

Tôi bế con vào phòng riêng, đóng cửa lại và ru Kiều. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Con tôi, dù còn bé, đã không có một vú em, một người giúp việc, để cùng sống và trở nên thân thiết. Nhật ký của nó sẽ không có những dòng về người giúp việc đầy yêu thương và đáng kính, chăm lo từ lúc ấu thơ. Ký ức về bà Nghĩa mà ông nội tôi kể khi xưa, chợt hiện về.

Sáng hôm sau, tôi bắt xe về quê tìm nhà bà Nghĩa. Trưởng thôn tưởng tôi về tìm người đi lao động nước ngoài, tiếp tôi một cách niềm nở. Ông nói rằng bà cố Nghĩa đã mất từ lâu, giờ có mấy đứa cháu vẫn là bần nông.

- Nếu anh tạo được một suất thì cưa đôi - Gã đề nghị.

- Tôi tìm người giúp việc cho mình, đâu phải cò vạc mà cưa với kéo - Tôi giải thích.

- Giúp việc ở trong nước thì quê lắm, dân sợ mang tiếng là đi ở – Lão chê bai.

- Mong anh cứ chỉ cho tôi đến nhà cụ cố Nghĩa - Tôi cố gắng nài nỉ thêm.

Sau một hồi vòng vo, trưởng thôn cũng dẫn tôi đến một ngôi nhà xiêu vẹo cuối làng. Đó là nhà người cháu của bà Nghĩa. Người chồng ngồi ôm con trước cửa, cạnh một chiếc chum sành gắn máng hứng nước mưa. Lẫn lộn dưới rãnh nước bẩn là vỏ những gói nhỏ dầu gội đầu Sunsilk loại năm trăm đồng một gói.

Đứa bé con anh hai tuổi gầy đét, mặt mũi lem luốc. Tôi bước vào nhà, ngồi lên một trong hai chiếc giường trống rỗng. Tôi cẩn thận đặt gói bánh trên giường và hỏi chuyện. Một cô bé khác mặt buồn rười rượi tựa cửa ngó vào. Mắt nó đau đáu nhìn gói quà rồi chậm rãi nhìn tôi. Anh chồng nói vợ đi rồi, vay ngân hàng hết 12 triệu, đến nay đã đi được 4 tháng, mới điện về 2 lần, chưa gửi đồng nào cả”.

- Buồn lắm, vợ đi giúp việc nhà cho người khác, nhà mình không ai trông con - Anh nói chậm rãi, đôi mắt u sầu. Tường nhà loang lổ vì thấm nước mưa, mạng nhện giăng ngang một bức ảnh cưới.

- Đi vậy mỗi tháng được bao nhiêu? - tôi hỏi

- Gốc được 10 triệu, trừ thuế còn 6 - Anh đáp.

- Làng có nhiều người đi không? - tôi hỏi tiếp.

- Con gái làng này đi nhiều lắm. Nhiều đứa vừa cưới chồng xong cũng đi. Thà thế còn đỡ, tôi giờ không ai trông hai đứa trẻ - Anh phàn nàn.

- Nhiều cặp vợ chồng đi về không sống được với nhau, chửi nhau tôi phải giải quyết suốt Ông trưởng thôn xen ngang - mấy thằng xã bên nói các bà đi làm ô sin là bị chơi hết.

- Mình làm sao biết được, có cũng đành chịu thôi, phải kiếm tiền nuôi con - Anh chồng thở dài giọng đầy cam chịu - Bực là mấy tháng rồi không thấy đồng nào gửi về.

Tôi không kiếm được người giúp việc cùng quê. Họ đi tây làm ô sin hết rồi. Sau khi nhờ cậy vào nhiều trung tâm giới thiệu, cuối cùng vợ tôi cũng kiếm được. Thực ra đó là một lao động trẻ em, cháu chỉ mới mười hai tuổi. Tôi không muốn thuê vì sợ phạm luật, nhưng “nhận cháu là giải thoát cho cháu, chủ nhà cũ đánh cháu và giam cháu suốt”, người môi giới nói như van lơn. Một ngày chủ nhật, chúng tôi đưa cháu về thăm nhà, thỏa thuận cụ thể với bố mẹ cháu. Cả gia đình cám ơn, xong cháu theo xe về ở với nhà tôi.

Hai tháng sau, một buổi sáng, khi tôi đến văn phòng. Người cháu rể bà Nghĩa ngồi trước văn phòng tôi rũ rượi như một tàu lá héo. Vợ anh đã chết. Xác được đưa từ Ảrập về quê. Chị bị tai nạn khi trèo ra lau kính ngoài phía cửa sổ trượt chân rơi xuống từ tầng mười hai. Các bên môi giới đùn đẩy nhau không ai chịu trách nhiệm bồi thường. Tiền lương bốn tháng của chị bị một đồng nghiệp cùng quê lừa lấy và bỏ trốn, nay không liên lạc được. Nợ ngân hàng tăng lên trong khi môi giới Việt Nam nói rằng, khoản tiền đưa xác từ bên kia về chỉ là cho mượn.

Trông anh hoảng loạn đến tột độ. Anh lại nói rằng cắn răng cắn cỏ lạy tôi nếu tôi không giúp được thì cả gia đình anh sẽ cùng nhau tự tử mà chết. Anh đưa tôi tập hồ sơ bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập của tòa án gửi về. Như một chút tri ân, tôi dẹp bỏ các hồ sơ và hợp đồng đang làm dở, bắt đầu viết bức giác thư pháp lý gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Riyadh, đồng kính gửi Tòa án Quận, nhờ họ thụ lý để tìm hiểu về cái chết của người cháu của Bà, để tôi có thể tập trung vào tài liệu bảo hiểm giúp gia đình anh.

Khuya, tôi ra hành lang hít thở và nghĩ mung lung không định hướng. Nhiều căn hộ đang sáng đèn. Tôi nghĩ về bà Nghĩa, chị Cần, những người nghèo khó nhưng trong sạch. Tôi nghe phía bên kia đại dương những thân phận ô sin, bỏ con mình đẻ ra, bỏ bố mẹ đẻ ra mình, để đi chăm sóc con trẻ, rửa ráy người già nơi quê người đất khách. Tôi nghĩ đến cháu gái cụ cố Nghĩa và cái chết của cô ấy. Ai? Lỗi của ai? Niềm tin về một ngày mai đâu rồi? Những câu hỏi xoắn lấy tôi, tha thiết đòi được trả lời. Làm luật sư tranh tụng quốc tế đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thao thức về một vụ án nhiều như lúc này. Có thể tôi sẽ giúp được nguyên đơn thắng kiện, chồng con nạn nhân được bồi thường, nhưng ai sẽ giúp lấy lại mạng sống cháu gái cố Nghĩa? Rồi còn cả chị Tình, chín cô ô sin chị bạn, và cả đứa trẻ thất học đang ở trong nhà tôi nữa. Trong cái đói về vật chất, họ hoang mang nhặt nhạnh từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, họ lo miếng cơm đến ngắn cả đời người. Trong cái đói tinh thần, họ nhắm mắt hủy hoại nhân cách, giết chết lòng tự trọng, xét đồ khám người, quỳ lạy cầu xin, thở phào thoát tội… Nước mắt có thể rơi, nhưng vì ai, vì lẽ gì đây. Đó là điều chúng ta phải nghĩ.

Bốn phía đường, phố phường mệt mỏi chìm sâu vào đêm !

No comments:

Post a Comment